1. romeo
    Avatar của romeo
    Dung hòa giữa nghiên cứu và thưởng thức

    DVD “Đờn ca tài tử Nam bộ” (NXB Âm nhạc) dự kiến phát hành vào cuối tháng 8 này. Viện Nghiên cứu âm nhạc cũng vừa hoàn thành kế hoạch triển khai lập hồ sơ quốc gia đờn ca tài tử Nam bộ để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ - nhà nghiên cứu lý luận Nguyễn Quang Long, Phó ban biên tập NXB Âm nhạc, người trực tiếp thực hiện album này.



    Dàn nhạc gồm các tay đàn uy tín hiện nay (từ trái sang: nghệ sĩ Ba Tu, Thanh Hải, Văn Giỏi và Út Tỵ).


    - Đờn ca tài tử đang hiện hữu trong cuộc sống và đặt ra không ít vấn đề cần trăn trở. Điều gì thôi thúc các anh sản xuất DVD này?

    - Ngoài nhiệm vụ của NXB Âm nhạc, chúng tôi thực hiện album vì muốn tri ân với tiền nhân, lưu giữ và truyền bá những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là album hình đầu tiên tại Việt Nam (VN) về đờn ca tài tử (trước đó chỉ có album tiếng). DVD này giới thiệu những nét đặc sắc của đờn ca tài tử với sự tham gia của các nghệ sĩ TPHCM và các tỉnh Nam bộ. Bên cạnh những bản hòa đàn và hòa đàn có ca, chúng tôi còn chọn đưa vào DVD hai bản độc tấu do các nhạc sĩ kỳ cựu là nhạc sĩ Ba Tu (đàn kìm) và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (đàn tranh) thể hiện. Ngoài phần ca, NSƯT Bạch Tuyết còn đảm nhiệm việc dẫn dắt cho DVD thêm sức hấp dẫn.


    - Là đặc sản văn hóa Nam bộ, nhưng đờn ca tài tử được chắt lọc tinh hoa văn hóa của nhiều miền đất nước. Với thời lượng 50 phút, DVD đã “thâu tóm” tính “mở” của loại hình này ra sao?

    - Đờn ca tài tử mới ra đời khoảng một trăm năm, có thể coi là “em út” của “ngôi nhà” âm nhạc truyền thống dân tộc. Trong hành trình mở cõi của cha ông ta về phía Nam, không mấy ngạc nhiên khi nghe ai đó nói rằng đờn ca tài tử bắt nguồn từ Bắc bộ, hay chịu ảnh hưởng của nhạc cung đình Huế…


    Từ tính “mở” này, đờn ca tài tử đã “khép” lại được nét riêng. Đó chính là sự sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta. Song dù tính “mở” có đến vô tận thì đờn ca tài tử cũng chỉ bó gọn trong 20 bài bản tổ, chia thành 4 hệ thống dựa theo hơi nhạc (màu sắc và tính chất) gồm: 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán và 7 Cò. Cho nên, việc thâu tóm không khó, có điều hơi tiếc là chúng tôi chỉ có thời lượng trong phạm vi một đĩa nhạc, khoảng chừng trên 50 phút, nên không thể giới thiệu được hết 20 bài bản tổ, mà chỉ dừng lại ở việc giới thiệu 13 bản. Trong 13 bản này cũng chọn giới thiệu những lớp và những câu đặc trưng nhất…


    - Do tính chất “mở”, nên nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho rằng, nếu tôn vinh bất kỳ ai cũng là điều khiếm khuyết khi nói về đờn ca tài tử. Vậy việc lựa chọn nhân vật để tôn vinh trong phần giới thiệu lịch sử đờn ca tài tử có “làm khó” các anh?

    - Bây giờ người chơi đờn ca tài tử có một lực lượng đông đảo ở khắp các tỉnh, nhưng nếu chọn ra danh sách những gương mặt tinh túy nhất, tôi cho rằng có thể có 20 người trải khắp Nam bộ nhưng tập trung nhiều nhất ở TPHCM, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa khắp vùng. Cho nên, việc chọn các nhân vật để tôn vinh trong chương trình DVD, dù mất nhiều thời gian và công sức, nhưng cá nhân tôi cho rằng không hề khó khăn. Chỉ tiếc giá như nguồn kinh phí không eo hẹp, giá như có thời lượng khoảng 200 phút, được giới thiệu đủ 20 bài bản tổ và ngón đàn của các nhạc sĩ lão luyện, và có thể mời thêm khoảng gần 10 gương mặt nữa thì sẽ đủ mặt anh tài.


    - Từ Bắc vào Nam làm DVD này, các anh đã tìm kiếm tư liệu và thu hình ra sao?

    - Từ khi khởi quay tới lúc đóng máy mất gần 9 tháng, nhưng trước đó tôi đã lục tìm rất nhiều tài liệu tại NXB Âm nhạc và tìm kiếm những tư liệu, bài viết của các học giả về đờn ca tài tử trên báo chí xuất bản từ những năm 60 thế kỷ trước. Cái khó khi thực hiện album này là phải dung hòa giữa hai yếu tố nghiên cứu và thưởng thức. Thông qua GS Nguyễn Thuyết Phong, nhiều năm trước tôi đã biết đến nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (92 tuổi).


    Mỗi lần có dịp vào TPHCM, tôi thường tìm tới ông để hỏi chuyện về nhạc tài tử. Thông qua NSƯT-TS Bạch Tuyết, tôi được làm quen với nhạc sĩ Thanh Hải - một trong những nhạc sĩ đờn ca tài tử uy tín hiện nay tại khu vực Nam bộ. Từ đó, tôi được tiếp cận với nhạc sĩ Ba Tu (ngoài 70 tuổi), được coi là bậc thầy rất có uy tín của đờn ca tài tử Nam bộ hiện nay… DVD được ghi hình tại nhiều địa điểm ở TPHCM, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ… do đạo diễn Nguyễn Chí Dũng thực hiện, với sự tham gia của các nhà quay phim trẻ ở Hà Nội và TPHCM.


    - Theo anh, việc lập hồ sơ đệ trình UNESCO có ý nghĩa ra sao với đờn ca tài tử?

    - Tôi mừng cho đờn ca tài tử, loại hình này xứng đáng được thế giới tôn vinh và đó là việc làm ý nghĩa. Song, điều quan trọng là phải có một kế hoạch về sự phát triển bền vững cho loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh những hoạch định mang tính chiến lược thì những nhà chuyên môn cũng phải thực sự hiểu, yêu và “lăn lộn” cùng đờn ca tài tử. Đây chính là thời điểm chúng ta còn kịp để bảo tồn phong cách của đờn ca tài tử, để chậm sẽ có mất mát.


    - Cảm ơn anh!


    HOÀNG THẮNG (thực hiện) –Theo SGGP
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL