Chủ đề: Ca Sĩ KHÁNH HÀ

  1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Khánh Hà tên thật là Lã Khánh Hà, cô sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ. Cha của Khánh Hà là nghệ sĩ Lữ Liên, thành viên ban nhạc hài hước ATV. Các anh chị em của Khánh Hà đều là những ca sĩ tên tuổi: Bích Chiêu,Tuấn Ngọc, Lưu Bích, Anh Tú, Thúy Anh, Lan Anh.

    Cô sinh ra tại Đà Lạt nhưng chỉ vài tháng sau cùng với gia đình dọn vào Sài Gòn. Trong thời gian ở Sài Gòn, cô cùng với gia đình thay đổi chỗ ở nhiều lần. Lúc còn nhỏ cô học ở trường Charles De Gaulle, một thời gian sau vào nội trú tại trường tiểu học ở Thủ Đức cùng với Lan Anh và Thúy Anh. Lên trung học, cô theo học trường Nguyễn Bá Tòng đến năm đệ Tam, và cùng một lúc theo học ở Centre Culturel Français và Hội Việt Mỹ. Khánh Hà đi hát lần đầu tiên khi 16 tuổi trong một chương trình văn nghệ phụ diễn Xổ Số Kiến Thiến Quốc Gia tại rạp Thống Nhất với bài Chiến sĩ của lòng em và đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của cô.

    Vào năm 69, cô xuất hiện lần đầu tiên với loại nhạc trẻ trong chương trình "Hippies À GoGo" do Trường Kỳ tổ chức hàng tuần tại vũ trường Queen Bee trên đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn.

    Cũng trong năm đó, cô chính thức đến với nhạc trẻ cùng Anh Tú, sau khi được tay trống Dũng khuyến khích và đã gia nhập ban nhạc "The Flowers" đi trình diễn tại các club Mỹ.

    Vào cuối năm 69, cô gia nhập "The Blue Jets" cùng với Anh Tú và Thuý Anh. Sau đó, cô cùng một số anh em thành lập ban nhạc "The Uptight" vào năm 72. Khánh Hà qua Mỹ trong một trường hợp khá đặc biệt. Vào thời kỳ cô hát tại nightclub "Đêm Màu Hồng" trên đường Nguyễn Huệ đầu năm 75, trong số những người khách Hoa Kỳ thích giọng ca của cô có một ký giả tên George, mà cô gọi là một "quý nhân." Ông cho biết là tình hình Việt Nam rất nguy ngập nên đã đề nghị làm giấy tờ để cô rời khỏi Việt Nam với tư cách một du khách. Khánh Hà nhận lời và đến Hoa Kỳ ngay từ tháng 03 năm 75.

    Vào những năm 86-87, Khánh Hà khai thác một chương trình ca nhạc riêng ở các nơi như "Sea Palace", "cafe Tùng" ở Monterey Park, tiểu bang California và sau đó là vũ trường "Chez Moi". Cô chính thức chuyển qua nhạc Việt Nam từ năm 80, đánh dấu sự ra đời của băng nhạc Gợi Giấc Mơ Xưa, phát hành vào năm 81 do chính cô thực hiện với sự giúp đỡ về kỹ thuật của nhạc sĩ Tùng Giang. Khánh Hà xuất hiện lần đầu tiên trong Video "Hè 90" do Tô Chấn Phong và Lưu Huỳnh thực hiện, chính trong dịp này Khánh Hà và Tô Chấn Phong quen biết nhau và đã sống chung với nhau cho đến hôm naỵ. Ngoài những video do chính trung tâm Khánh Hà thực hiện, cô đã cộng tác lần đầu tiên với chương trình Thúy Nga ở Paris



    KHÁNH HÀ TRONG TRÍ NHỚ CỦA BẢO CHẤN

    Tôi biết Khánh Hà từ những năm 70 thế kỷ trước - khi cô hoạt động trong phong trào nhạc trẻ Sài Gòn - thời ấy gọi là “Hippies A Go Go”, thuộc nhóm nhạc The Blue Jets.

    Lúc ấy Khánh Hà khoảng 17 - 18 tuổi và là ngôi sao đang lên - cùng thời với Bích Loan, Vy Vân, Minh Xuân... Chưa thật sự nổi tiếng như sau đó, nhưng ba anh chị em Thúy - Hà - Tú (Thúy Anh - Khánh Hà - Anh Tú, người vừa mất cách đây vài năm) đã làm khán thính giả trẻ Sài Gòn thích thú, thán phục khả năng hát bè “quyện” và chính xác.

    Về sau Tuấn Ngọc gia nhập với các em và thành lập nhóm The Uptight thì sức mạnh của họ được nhân lên nhiều lần. Đó là chưa kể danh tiếng của “nữ hoàng nhạc nhẹ Việt Nam” Bích Chiêu - bà chị cả - càng làm danh tiếng của họ nổi như cồn.

    Khởi nghiệp của Khánh Hà ít nhiều thừa hưởng “gien” nghệ thuật của đại gia đình họ Lã. Ông thân sinh của họ - nhạc sĩ Lữ Liên (Lã Văn Liên) – là một nhạc sĩ đa tài. Ông sử dụng nhạc cụ ta - đàn nhị, nhưng theo tây học. Ông là người thành lập nhóm hát hài dân tộc AVT và là người sáng tác chính của nhóm.

    ATV từng tung hoành khắp các sân khấu Sài Gòn cũ và được khán giả ái mộ vô cùng. Ngoài ra ông còn sáng tác ca khúc và phỏng lời Việt các ca khúc ngoại quốc thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện trong các CD ở hải ngoại.

    Trong ký ức đáng ngờ của tôi, nếu không lầm, hồi ấy Khánh Hà “chuyên trị” nhạc của The Carpenters - nhóm nhạc pop Hoa Kỳ chưa bao giờ lọt vào hàng “sao” do tạp chí nổi tiếng Rolling Stone bầu chọn, nhưng được cả thế giới lắng nghe, chỉ sau tứ quái The Beatles.



    Đêm đêm, thanh niên nam nữ Sài Gòn lũ lượt kéo nhau đến các quán bar, dancing để nghe các nhóm nhạc trẻ biểu diễn. The Uptight của anh em nhà họ Lã góp mặt thường trực trên sân khấu nhạc trẻ Sài Gòn thời kỳ này. Khánh Hà lúc đó nổi trội ở khả năng hát rõ lời, nhả chữ tuyệt cú mèo dù là nhạc Pháp hay Mỹ. Không bao giờ người ta thấy Khánh Hà hát chênh, hát phô. Đó cũng chính là dấu hiệu nhận diện của cô trên con đường tiến lên hàng “sao”!

    Sau 1975, do nhiều lý do lịch sử, tôi và các bạn còn ở trong nước tiếp tục hoạt động nghệ thuật thời kỳ mới, Khánh Hà và các đồng nghiệp khác định cư ở nước ngoài, vì thế một thời gian dài chúng tôi không có tin tức của nhau.
    Khoảng năm 1984, 1985 gì đó, tình cờ một học trò của tôi đem tới cho mượn băng cassette nhạc “bên kia” (chúng ta hay gọi là “nhạc hải ngoại”). Thật ngạc nhiên, tôi “gặp” lại giọng hát Khánh Hà qua một loạt ca khúc nhạc ngoại lời Việt. Tôi thật sự ngạc nhiên lẫn thú vị vì chưa bao giờ hình dung Khánh Hà lại hát tốt nhạc lời Việt, quá tốt là đằng khác.

    Tôi đã phải nghe đi nghe lại hàng chục bận các bài hát ấy và vô cùng thích Khánh Hà với bản “Phone to me”. Sự chín tới, điêu luyện đầy cá tính của giọng hát đó đã làm tôi chấn động. Về sau này, cả Tuấn Ngọc, anh của cô, cũng chuyển sang hát nhạc Việt một cách điệu nghệ và vô cùng ấn tượng. Cũng cách nhả chữ ấy, cũng luyến láy và nấc nghẹn ấy sao nghe lại thuần Việt thế. Một tiếng hát rất sang trọng và rất văn minh.

    Tất nhiên, cũng còn nhiều giọng hát ở hải ngoại gây ấn tượng mạnh trong tôi như Ngọc Lan (đã mất), Ý Lan... về sau này.

    Tôi ngờ rằng, khi định cư tại Hoa Kỳ, môi trường mới ấy không thuận lợi cho các ca sĩ hát nhạc Pháp, Mỹ (vì khác nào chở củi về rừng). Ngoài ra sinh hoạt trong cộng đồng người Việt hải ngoại, hát nhạc Việt chắc chắn được ủng hộ hơn. Nỗi niềm xa xứ khiến thính giả trân trọng các bài hát thuần Việt, đã thúc đẩy một số ca sĩ chuyên dòng nhạc ngoại trước đây quay sang hát nhạc Việt như các anh chị Carol Kim, Trung Hành, Vy Vân...

    Dĩ nhiên với tôi, Khánh Hà là giọng hát Việt điêu luyện nhất. Có lẽ Khánh Hà và ông anh Tuấn Ngọc đã có quá nhiều kinh nghiệm hát nhạc ngoại, nên khi quay về hát nhạc Việt đã tạo nên một nét “đẹp” khác so với các giọng ca nhạc Việt cũ, mà trước tiên là cái chuẩn tối thiểu (hát không phô) của nhạc ngoại.

    Tuy vậy, thường nhạc ngoại hơi “cứng” so với dòng nhạc ta. May thay, “gien” di truyền từ ông bố Lữ Liên đã phả vào anh em cô sự mềm mại mà không ảo não, nghe rất Việt mà rất sang, văn minh. Theo đánh giá của cá nhân tôi, thập niên 1980-1990 là thời kỳ đỉnh cao của giọng hát Khánh Hà.

    Bây giờ thì cô quá điêu luyện, như viên kim cương toàn bích không thể gọt giũa được nữa rồi. Tôi không biết sự hoàn chỉnh ấy có cần thiết hay không, có phải là điều quan trọng nhất trong nghệ thuật hay không, nhưng những năm 80, thời “chưa hoàn chỉnh”, giọng hát Khánh Hà đã gây cho tôi - mỗi khi nghe cô hát - một trận “động đất” đến giờ vẫn còn dư chấn! Thời ấy, một loạt ca sĩ ở Tp.HCM đã ăn theo giọng hát Khánh Hà, tạo nên một “hiện tượng Khánh Hà”.

    Mấy năm sau này, khi chưa gặp lại nhau, tôi được nghe nhiều giai thoại về cô và các bạn khác, như thu thanh nổi tiếng kỹ tính là Khánh Hà và Ý Lan. Có bài hai cô thu đến cả tháng cho đến khi hoàn hảo mới thôi. Khánh Hà còn nổi tiếng về “tai nghe” hòa thanh.

    Cô và ông anh Tuấn Ngọc rất nghiêm khắc trong việc chọn hòa âm phối khí. Một hòa âm không phát sinh hiệu ứng đối với cô là một điều không thể chịu nổi. Khi thu thanh, tai nghe hòa thanh, mắt nhìn Sheet (văn bản nhạc), khi cả ngũ quan đều hoạt động thì sự bay bổng có thể khiến người hát đạt tới “đỉnh”. Ngược lại, khi không vừa ý, ca sĩ khó có thể nhớ được ca từ khi trình diễn sân khấu.

    Điều này giải thích vì sao cả hai anh em Tuấn Ngọc, Khánh Hà đều ngại hát bài mới trên sân khấu khi họ chưa đủ độ “ngấm”. Đó cũng là “điểm yếu” của những người quen với sinh hoạt phòng thu, nơi có thể sửa chữa những sai sót nhỏ nhất. Họ làm tôi liên tưởng đến dàn nhạc dây cổ điển: có nhiều concerto họ diễn cả trăm lần, hàng chục năm, nhưng lúc biểu diễn khi nào họ cũng phải để phân phổ trước mắt cho an lòng dù chẳng phải nhìn gì nhiều.

    Khi có dịp đi diễn ở Mỹ, tôi trực tiếp chứng kiến sự nghiêm túc của hai anh em Tuấn Ngọc và Khánh Hà. Lần ấy tôi được mời điều khiển dàn nhạc 20 vị tập dượt. Theo thói quen ở Việt Nam, tôi đã hẹn giờ sớm hơn để đề phòng các ông bà hay dùng giờ cao su. Buổi tập 10 giờ sáng, tôi hẹn ban nhạc 9 giờ. Khánh Hà là người có mặt đầu tiên và cô là người tập thứ 4. Cô vui vẻ ngồi xem các bạn đồng nghiệp diễn tập mà không chút phàn nàn.

    Không chỉ Khánh Hà, bà chị cả trong làng văn nghệ Việt Nam tại hải ngoại là ca sĩ Uyên Phương đã ngồi đợi đến cuối giờ chiều một cách thoải mái, không một cái cau mày. Mà các vị ấy mỗi người một nghề, người thì làm địa ốc, văn phòng luật sư, cửa tiệm thời trang... thời gian đối với họ vô cùng quí giá. Lần đó tôi đã học ở họ một thái độ làm việc chuyên nghiệp.

    Kinh nghiệm mà tôi có được khi làm việc với Khánh Hà và cả Tuấn Ngọc là hãy để họ chọn hát những ca khúc họ thích nhất, khi đó sự thăng hoa của giọng hát sẽ trở nên hoàn hảo, nỗi lo canh cánh thuộc ca từ không còn đe dọa họ nữa. Và khi ấy, bạn sẽ chiêm ngưỡng những cảm xúc đỉnh cao mà họ mang tới bằng âm nhạc.

    (sưu tầm)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG








    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL