1. MEM
    Avatar của MEM
    Tân cổ giao duyên: Ai là người khởi xướng?



    Nghệ thuật đờn ca tài tử của Nam Bộ không ngừng phát triển khi nhiều thế hệ nghệ nhân đã dày công vun đắp, khám phá để nâng cao những trình thức hòa tấu, sáng tác thêm nhiều bài bản cho người chơi tài tử. Một trong những sáng tạo độc đáo phải kể đến bài hát tân cổ giao duyên đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua.

    Theo soạn giả - NSND Viễn Châu, hơn nửa thế kỷ, công chúng chẳng cần biết ai là cha đẻ của hình thức thể điệu này, chỉ biết nó tồn tại khi người nghe cảm thấy hợp với tâm trạng của mình. Đó là điều ông hạnh phúc nhất.

    Tân cổ giao duyên là hình thức nghệ thuật sáng tạo kết hợp độc đáo giữa cổ nhạc và tân nhạc phát triển cực thịnh vào những năm 1960, 1970. Nhiều bài tân cổ giao duyên đã làm say đắm lòng người nghe nhiều thế hệ.

    Bảy Bá hay Lê Khanh?

    Hầu hết các tài liệu nghiên cứu và cả những ghi nhận của giới chuyên môn, những nhân chứng sống của âm nhạc và sân khấu cải lương miền Nam đều công nhận soạn giả - NSND Viễn Châu chính là cha đẻ của bài “tân cổ giao duyên”. Ông còn được biết đến trong vai trò nhạc sư, danh cầm đàn tranh với ngón đờn tuyệt hảo và là 1 trong 5 danh cầm xuất chúng xuất thân từ đờn ca tài tử Nam Bộ với một tên gọi khác là nhạc sĩ Bảy Bá. GS-TS Trần Văn Khê khẳng định: “Anh Bảy Bá là một trong những đại thụ của giới soạn giả sân khấu cải lương miền Nam, đã khai sinh ra thể loại tân cổ giao duyên cách đây hơn 50 năm. Ngoài ra, anh còn là người viết nhiều nhất bài tân cổ giao duyên. Trong hơn 2.000 bài vọng cổ thì có vô số bài tân cổ giao duyên hay, được nhiều thế hệ nghệ sĩ trình diễn cho tới bây giờ. Anh Bảy cũng đã được các soạn giả, nghệ sĩ, khán giả mộ điệu suy tôn là ông vua viết bài vọng cổ”.


    Khi Hãng phim Trẻ thực hiện bộ phim tư liệu về NSND Lệ Thủy, bà đã ca lại bài tân cổ giao duyên Cô hàng chè tươi do NSND Viễn Châu đàn tranh


    Bà bầu Kim Chưởng, chủ một gánh hát đại bang của Sài Gòn xưa, cho biết soạn giả - NSND Viễn Châu là người đã nâng bản vọng cổ lên một sắc thái mới khiến nó trở nên hay hơn, đẹp hơn, từ nhạc điệu, ý thơ đến tính văn học, điển tích và hơn hết là cái thần, là ý tình luôn đong đầy trong hàng ngàn tác phẩm của ông. “Anh là người đã mạnh dạn cách tân bằng việc ghép tân nhạc vào bản vọng cổ, góp phần làm cho nó quyến rũ hơn, sinh động hơn, nâng lên một tầm vóc mới” - bà bầu Kim Chưởng nhận xét.

    Nghệ sĩ Phượng Liên cho biết khi xưa, vọng cổ được hát đến 20 câu, sau này rút ngắn còn 6 câu và cuối cùng là 4 câu. Khi nhạc sĩ Bảy Bá đưa ý kiến lồng những bài tân nhạc mang âm hưởng dân ca gần với ngũ cung vào cổ nhạc để phát triển thêm, một vài nhạc sĩ tân nhạc tỏ ý không đồng tình vì vốn dĩ người ta luôn có sự kỳ thị với cải lương. Tuy nhiên, có một số nhạc sĩ chấp thuận, trong đó nhân chứng sống là nhạc sĩ Lam Phương. Từ đó, nhạc sĩ Bảy Bá quyết định sáng tạo dòng nhạc tân cổ giao duyên. Bài tân nhạc đầu tiên được kết hợp thành tân cổ giao duyên là Dưới ánh trăng xuân do nhạc sĩ Bảy Bá viết, dựa trên nhạc của nhạc sĩ Lam Phương. Rồi sau đó là một loạt sáng tác mới, như: Cô hàng chè tươi (NSND Lệ Thủy ca)… “Nếu nói soạn giả - NSND Viễn Châu sáng tạo ra bài tân cổ giao duyên thì bài Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà (nghệ sĩ Minh Cảnh, NSND Lệ Thủy từng ca) là một minh chứng sống động nhất vì khi đó chính ông sáng tác luôn phần tân nhạc vào năm 1948” - nghệ sĩ Phượng Liên.

    Thế nhưng, lại có một số ý kiến cho rằng soạn giả Lê Khanh mới thực sự là người khởi xướng việc ghép nhạc vào bài vọng cổ để hình thành bài “tân cổ giao duyên”. Nhà báo kỳ cựu Tần Nguyên, thành viên ban đại diện Khu Dưỡng lão Nghệ sĩ TP HCM, cho biết soạn giả Lê Khanh là người ký hợp đồng tập cho nhạc sĩ Đức Phú - cậu của NSND Thanh Tòng - chuyên về nhạc Hồ Quảng và ca sĩ Hùng Cường, lúc đó mới đoạt giải nhất cuộc tuyển chọn ca sĩ trẻ của đài Pháp Á, thu bài tân cổ giao duyên cho hãng đĩa Hoành Sơn năm 1960.

    Theo soạn giả Lê Khanh, năm 1958, ông và soạn giả Thiếu Linh đã sáng tác bài vọng cổ gối đầu cho bài tân nhạc Cô lái đò (thơ: Nguyễn Bính, nhạc: Nguyễn Đình Phúc) do Hùng Cường và Út Bạch Lan ca; sau đó, ông sáng tác phần nhạc bài tân cổ Hai buổi chiều vàng, dựa theo ý của Thiếu Linh.

    Cha đẻ là ai không quan trọng

    Tranh luận về cha đẻ của loại hình tân cổ giao duyên cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Tuy nhiên, theo soạn giả Kiên Giang, có thể ban đầu ý tưởng lớn đã gặp nhau nhưng người có chiến lược phát triển thành một trào lưu, đồng thời đương đầu, đứng ra biện luận, phản bác lại ý kiến chống đối của một số soạn giả, nhạc sĩ thời đó khi những người này công kích việc đẻ ra tân cổ giao duyên là giết chết bài vọng cổ không ai khác là soạn giả - NSND Viễn Châu. “Nếu nói đến việc khởi xướng thì thời đó anh em soạn giả ai cũng nóng lòng muốn bứt phá, làm mới bài vọng cổ. Nhạc sĩ Minh Lương năm 1958 cũng đã từng sáng tác phần tân nhạc cho vở cải lương Mộng đẹp đêm trăng, dựa theo phim Romeo và Juliet do dịch giả Nguyễn Thanh Hiệp chuyển ngữ. soạn giả Mai Quân viết kịch bản, soạn giả Thanh Cao chuyển thể cải lương. Việc soạn giả Lê Khanh có sáng kiến đưa tân nhạc vào cổ nhạc có thể cùng với các thời điểm này nhưng người đúc kết trường phái, tạo được nền tảng hệ thống lý luận để có thể bảo vệ thể điệu tân cổ giao duyên chính là soạn giả NSND Viễn Châu” - soạn giả Kiên Giang nhận định.

    Khi chúng tôi tìm gặp soạn giả - NSND Viễn Châu và đặt lại vấn đề này, ông bảo: “Tôi không giành công lao của ai, cũng không làm cái việc tham khảo để rồi đạo văn, đạo cách làm. Việc gì đúng sai còn có nhiều nhân chứng sống. Tôi chỉ nhớ lúc đó có nhiều bài báo, có cả những cuộc diễn thuyết trên đài phát thanh lên án kịch liệt xu hướng sáng tác “tân cổ giao duyên” của tôi. Nhưng tôi chỉ trả lời một lần và dẫn chứng cụ thể sự kết hợp với phần nhạc gần với âm nhạc ngũ cung chứ không phải bạ đâu cũng ghép nhạc vào lời vọng cổ. Hơn nửa thế kỷ rồi, công chúng chẳng cần biết ai là cha đẻ của thể điệu này, chỉ biết nó tồn tại khi người nghe cảm thấy hạp với tâm trạng của mình. Đó là điều tôi hạnh phúc nhất”.


    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Theo NLDO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    10Cuong (15-03-2014), Alex Huỳnh (15-03-2014), Thanh Hậu (15-03-2014), Tường Phương (17-03-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Hơn nửa thế kỷ bài tân cổ giao duyên: Loại hình sáng tạo độc đáo

    Thể loại tân cổ giao duyên đã thành công ngoài mong đợi, những bản tân cổ giao duyên được sáng tác ngày ấy đến nay vẫn làm say đắm người mộ điệu

    Thập niên 1960-1970 là thời kỳ hưng thịnh nhất của bài tân cổ giao duyên, hàng loạt soạn giả bắt đầu chuyển hướng sáng tác cho loại hình độc đáo này. Các hãng băng đĩa, nhà xuất bản tranh nhau ghi âm, xuất bản bài tân cổ giao duyên và đều mang về doanh thu cao. Nghệ sĩ sân khấu có thêm đất diễn khi khán giả ngày càng thích nghe những bài tân cổ giao duyên.

    Gây “sốt” ngay từ bản thu đầu tiên

    Nhớ lại thời hưng thịnh của bài tân cổ giao duyên, NSND Lệ Thủy kể: “Giống như ngày nay các diễn viên sân khấu kịch bị hút vào phim truyền hình vậy. Hồi đó, khi bài tân cổ giao duyên thịnh hành, nghệ sĩ chúng tôi được các hãng băng đĩa mời thu âm liên tục. Ban ngày đi thu, tối mới lên sàn diễn hát tuồng. Hễ đi diễn tỉnh thì ban ngày phải xin bầu quay về Sài Gòn thu, chiều quay lại đoàn để diễn”.

    NSƯT Ngọc Hương nhớ lại: “Chúng tôi còn có thêm thị phần biểu diễn là các đại nhạc hội tổ chức vào cuối tuần hoặc sáng thứ bảy, chủ nhật nhờ bài tân cổ giao duyên. Hồi đó, người tiên phong mời nghệ sĩ cải lương tham gia đại nhạc hội và hát tân cổ giao duyên là ông bầu Duy Ngọc. Ban ngày, chúng tôi không còn nhốt mình trong các rạp chiếu phim để chờ tối đến đi diễn mà đã có thêm một nơi hái ra tiền, đó là phòng thu của các hãng Hồng Hoa, Asia, Hoành Sơn, hãng đĩa Việt Nam… và rất nhiều chương trình của đài phát thanh, đài truyền hình mời thu âm, quay hình bài tân cổ giao duyên”.


    NSND Bạch Tuyết và NSƯT Minh Vương đã từng thể hiện nhiều bài tân cổ giao duyên được khán giả yêu thích


    Hàng loạt bài tân cổ giao duyên được thể hiện qua các giọng ca nổi tiếng do các hãng đĩa phát hành, rất được khán thính giả yêu thích, như: Chàng là ai? ( Lệ Thủy ca), Mưa trên phố Huế (Lệ Thủy, Minh Phụng), Trăng sáng vườn chè (Lệ Thủy, Minh Cảnh), Hòn vọng phu (Út Bạch Lan), Con gái của mẹ (Lệ Thủy, Phượng Liên), Tà áo cưới (Bạch Tuyết, Thành Được), Đoạn cuối tình yêu (Mỹ Châu, Minh Cảnh), Kỷ niệm thời con gái (Minh Vương, Bích Hạnh), Mười thương (Thanh Kim Huệ, Minh Cảnh), Mất nhau rồi (Lệ Thủy, Tấn Tài), Chiều (Thanh Sang, Phượng Liên), Vườn dâu lá mới (Thanh Tuấn, Lệ Thủy)…

    “Tội đồ” Bảy Bá

    NSND Lệ Thủy kể thêm: “Sau khi đưa cho hãng đĩa Hồng Hoa thu âm và phát hành đĩa tân cổ giao duyên với giọng ca của tôi, lập tức báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ lên tiếng đả kích chú Bảy Viễn Châu kịch liệt. Thời đó có một vài nhà báo xúc phạm, gọi chú Bảy là “tội đồ” làm hư bài vọng cổ đang được xem là quốc túy, quốc hồn của dân tộc, kêu gọi dân chúng tẩy chay. Lúc đó, tôi mới 14 tuổi nên cũng lo sợ vì mình là người được chú Bảy tín nhiệm mời thu âm. Gặp chú Bảy, tôi bày tỏ sự băn khoăn. Chú chỉ cười và nói: “Thời gian viết báo phản biện, tao để viết thêm mấy bài tân cổ giao duyên cho bay hát còn có lý hơn”. Và rồi tôi được các hãng đĩa mời ký hợp đồng thu âm tân cổ giao duyên liên tục. Hãng này trả 200.000 đồng/bài thì hãng khác tăng giá 400.000 đồng/bài. Có hãng còn cho mình cổ phần nếu chịu ký độc quyền”.

    NSƯT Minh Vương hồi tưởng: “Năm 1964, khi tôi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ, lúc đó phong trào chống đối bác Bảy và một số soạn giả viết tân cổ giao duyên đã lắng xuống. Tuy nhiên, soạn giả Viễn Châu vẫn không tự mãn. Ông cho biết đã bình tĩnh đọc tất cả các bài báo, lắng nghe hết các ý kiến khen chê, suy ngẫm để rồi quyết định vẫn tiếp tục sáng tác tân cổ giao duyên để làm phong phú thêm cho bài bản vọng cổ, giúp công chúng có thêm món ăn tinh thần”. NSƯT Minh Vương cho biết thêm các soạn giả như: Loan Thảo, Yên Lang, Thế Châu, Mộc Linh, Thu An, Thiếu Linh, Kiên Giang, Quy Sắc, Hoàng Khâm, Yên Ba… cũng bắt đầu sáng tác tân cổ giao duyên. “Trong số các soạn giả mặn mà với thể loại độc đáo này phải kể đến Loan Thảo. Với bài tân cổ giao duyên Rước tình về với quê hương, tôi và Thanh Kim Huệ đã ký không biết bao nhiêu hợp đồng tái bản của hãng đĩa Việt Nam” - NSƯT Minh Vương nói.

    Quả thật không sai, cho đến hôm nay, hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên vẫn là nơi cung cấp hàng ngàn bài tân cổ giao duyên của thế hệ nghệ sĩ được xem là danh ca và những bài tân cổ giao duyên của các soạn giả hàng đầu trong làng giải trí Sài Gòn thời đó.
    Ca sĩ Lan Ngọc kể lại: “Sau thành công ngoài mong đợi của đĩa tân cổ giao duyên Cô hàng chè tươi và Chàng là ai?, soạn giả Viễn Châu hưng phấn, tiếp tục chọn những bản nhạc có giai điệu êm ái, nhẹ nhàng của các tác giả Nguyễn Hữu Thiết, Nguyễn Văn Đông, Trần Thiện Thanh… để viết lời vọng cổ. Ban đầu, một số nhạc sĩ bị lôi kéo chống lại xu hướng này, cấm các soạn giả viết lời vọng cổ vào nhạc của mình. Thế rồi, vì thị hiếu của số đông công chúng nên họ phải theo luồng gió mới đó”.


    Xuất bản
    cả sách hướng dẫn ca


    NSƯT Hồng Vân nói soạn giả - NSND Viễn Châu không chỉ là một trong những người có công đầu về sự hình thành và phát triển loại hình tân cổ giao duyên mà còn là người nghiên cứu và phổ biến ký âm để các nghệ sĩ cổ nhạc hát được phần tân nhạc một cách dễ dàng. Chị cho biết Sài Gòn thời ấy đã xuất bản sách bài ca tân cổ mẫu với tựa đề Hướng dẫn ca và kỹ thuật sáng tác bài tân cổ giao duyên do NXB Đồng Nai thời đó ấn hành. Một số nhạc sĩ đương thời như Nguyễn Văn Đông, Châu Kỳ, Minh Kỳ đã hợp soạn cùng nhiều soạn giả cải lương để in và phát hành nhiều bộ sách ký xướng âm hướng dẫn giới trẻ ca tân cổ giao duyên.


    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Theo NLDO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    10Cuong (15-03-2014), Alex Huỳnh (15-03-2014), Thanh Hậu (15-03-2014), Tường Phương (17-03-2014)

  5. MEM
    Avatar của MEM
    HƠN NỬA THẾ KỶ BÀI TÂN CỔ GIAO DUYÊN:
    Ngày càng tạp nham

    Những bài tân cổ sau này không còn giao duyên, thậm chí nghe chói tai nên nhiều nhạc sĩ không cho sử dụng bài hát của mình để viết lời cổ nhạc

    Ngày nay càng hiếm những bài tân cổ giao duyên đi vào lòng khán thính giả. Số lượng băng đĩa của nghệ sĩ phát hành ngày càng nhiều nhưng số bài ca in trong tâm trí người nghe không đáng kể. Nguyên nhân vì đâu?

    Chói tai người nghe

    Soạn giả - NSND Viễn Châu khẳng định: “Sáng tác bài tân cổ giao duyên hay phải gắn với nhạc “mùi”. Tôi không muốn gọi dòng nhạc gắn với cổ nhạc là “nhạc sến” vì như thế là có ý miệt thị. Tôi xin phép gọi dòng nhạc này là nhạc “mùi” bởi nó gần với âm nhạc ngũ cung của cổ nhạc: hò, xự, xang, xê, cống”.


    Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ do HTV tổ chức là một chương trình giới thiệu nhiều bài tân cổ giao duyên được khán giả yêu thích

    Điều này lý giải vì sao hàng loạt bài tân cổ giao duyên ra đời trong những thập niên 1960, 1970 là nhạc trữ tình, mang âm hưởng dân ca. Những bài tân nhạc được sử dụng để chế tác bài tân cổ giao duyên thường là những ca khúc có nội dung mang tính tự sự, kiểu như: Chuyện tình Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử, Đồi thông hai mộ…

    Soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn (Trà Vinh) cho biết sáng tác tân cổ giao duyên phải tuân thủ theo chủ đề của ca khúc. Bốn câu vọng cổ phải chứa đựng nội dung phát triển từ hồn nhạc của bài tân nhạc và tâm trạng sáng tác của nhạc sĩ. Không thể hư cấu quá lệch, tách rời xa câu chuyện mang chất thơ trong bài tân nhạc.

    Một yêu cầu khác của bài tân cổ giao duyên là lời ca cổ phải giàu sắc thái biểu cảm, ngôn ngữ đậm chất văn học. GS-TS Trần Văn Khê cho rằng những bài vọng cổ do anh Bảy Bá (soạn giả - NSND Viễn Châu) viết đều đậm chất văn học.

    Với GS-TS Ca Lê Thuần, những sáng tác tân cổ giao duyên của soạn giả - NSND Viễn Châu rất đậm chất văn học trong phần lời vọng cổ, như vẽ thêm nhiều không gian trong cảm thụ của người nghe, ngoài không gian của bài tân nhạc.

    Soạn giả Hoàng Song Việt nói: “Ngày nay, một số sáng tác tân cổ giao duyên nghe không hạp vì sự tạp nham trong gắn kết và phát triển nội dung của bài tân nhạc. Một bản nhạc mang thể điệu tango, cha cha cha hoặc disco không thể kết hợp với bản vọng cổ. Nó làm chói tai người nghe”.

    NSƯT Thanh Kim Huệ cho rằng: “Một bài tân cổ giao duyên hay là sự kết hợp hòa quyện giữa tân nhạc và cổ nhạc, phát triển thêm lên sự ý nhị mang tính nhân văn khiến lời ca cổ bộc lộ thêm nhiều tâm trạng khác của nhạc sĩ tân nhạc. Sau này, một số bài tân cổ giao duyên bị sáng tác theo hướng thị trường, tạp nham, chúng tôi từ chối hát”.

    Tân cổ... vô duyên

    Có một giai đoạn, sau năm 1975, một số nhạc sĩ khi in những sáng tác của mình để công bố đã thêm dòng chữ “Yêu cầu không sáng tác tân cổ giao duyên”. Yêu cầu này không phải vì bản quyền mà vì các nhạc sĩ tân nhạc không muốn tác phẩm của mình bị méo mó khi kết hợp với phần lời ca cổ chẳng ăn nhập gì.

    Theo soạn giả Hoàng Song Việt, ngày nay, một số sáng tác tân cổ giao duyên nghe không hạp vì sự tạp nham trong việc gắn kết và phát triển câu chuyện của bài tân nhạc quá nhảm. Một bản tân nhạc mang thể điệu tango, cha cha cha hoặc disco không thể kết hợp với bản vọng cổ. Nó làm chói tai người nghe, chưa kể đến việc phát triển nội dung xa rời câu chuyện âm nhạc của nhạc sĩ đã sáng tác.

    Nhạc sĩ Thế Hiển cho biết bài Hoàng hôn máu tím, ông sáng tác gần với âm nhạc ngũ cung, đến nay đã có gần 10 tác giả viết lời tân cổ giao duyên. “Nhưng nghe qua thì thấy chưa đủ ý tứ và sự sướt mướt quá đáng sẽ làm cho người nghe mệt mỏi” - ông nói.
    Nhà báo Phạm Phú Túc (Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM), người phụ trách nhiều năm chương trình giới thiệu tân cổ giao duyên và bài vọng cổ mới trên sóng phát thanh, cho biết: “Mỗi năm, chương trình của chúng tôi nhận được hàng ngàn bài tân cổ giao duyên nhưng để sử dụng được, thu âm và phát thanh cho khán thính giả nghe thì rất khó”.

    Theo NSND Lệ Thủy, soạn giả - NSND Viễn Châu mạnh dạn viết lời vọng cổ cho phần âm nhạc chính là vì kiến thức văn hóa của ông rất sâu rộng. Người viết sau này do thiếu kiến thức về tân nhạc, văn hóa nên dẫn đến việc sáng tác tân cổ giao duyên không phù hợp.
    Nhiều năm qua, hiếm có bài tân cổ giao duyên hay dù các chương trình như: Vầng trăng cổ nhạc, Giọt nắng phù sa, Chuông vàng vọng cổ, Bông lúa vàng… vẫn giới thiệu những tiết mục tân cổ giao duyên. Phải chăng thể loại này vẫn tồn tại trong sự “diệt vong” khi mà nó được sáng tác vội vã, không cho thấy sự thẩm thấu chất văn học cần và đủ như những soạn giả tiền bối đã làm. Lý giải điều này, nhạc sĩ - NSND Thanh Hải nói: “Một số bài ca cổ, tân cổ giao duyên được chỉ đạo sáng tác cho đúng chủ đề các chương trình nên không hay. “Dú ép” kiểu đó, ngay giới chuyên nghiệp ca còn thấy ngượng miệng thì làm sao thí sinh có thể thẩm thấu mà ca hay, đủ tự tin tranh tài”.


    Đi vào ngõ cụt
    Soạn giả trẻ Tô Thiên Kiều cho rằng lực lượng tác giả viết tân cổ giao duyên kế thừa ngày càng vơi dần và hụt hẫng nghiêm trọng vì không có đất vụng võ. “Các chú, các bác ngày trước có hãng đĩa, có nơi đảm bảo đời sống và được đón nhận đứa con tinh thần ra đời trong sự vinh quang một khi có những danh ca thu âm, thể hiện xuất sắc. Ngày nay, từ lương tâm nghề nghiệp cho đến say mê cống hiến của các tác giả trẻ cứ ngày càng rơi rụng và nhạt nhòa bởi cộng tác với hãng đĩa thì thị trường đóng băng... Vì vậy, giới trẻ sáng tác tân cổ giao duyên muốn phát huy nhưng đang đi vào ngõ cụt”.

    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Theo NLĐO




    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 5 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    10Cuong (15-03-2014), Alex Huỳnh (15-03-2014), Koala (15-03-2014), Thanh Hậu (15-03-2014), Tường Phương (17-03-2014)

ANH EM CHANNEL