1. MEM
    Avatar của MEM
    Giải Trần Hữu Trang XII đang khởi tranh. Đây là giải thưởng có xuất phát điểm từ ngày đầu theo Giải Thanh Tâm. Để người hâm mộ rõ hơn về sự tương đồng và khác biệt của 2 giải thưởng này, nhà báo Thanh Hiệp có loạt bài TỪ GIẢI THANH TÂM ĐẾN TRẦN HỮU TRANG. Trang nhà xin được phép đăng lại để bạn bè mộ điệu cùng chia sẻ.

    Từ giải Thanh Tâm đến Trần Hữu Trang:
    Kỳ 1:
    Chọn mặt gửi vàng

    Cả hai thương hiệu đều mang trọng trách phát hiện và bồi dưỡng tài năng sân khấu, tôn vinh giá trị sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ. Song, để giải thưởng tồn tại trong đời sống sân khấu, tiêu chí bầu chọn rất quan trọng, bởi sự tỏa sáng của nghệ sĩ đoạt giải có sức ảnh hưởng rất lớn đối với việc thu hút công chúng đến với sàn diễn.Điều đáng nói nhất chính là yếu tố phát hiện tài năng của một giải thưởng, góp phần mang lại cho sân khấu cải lương những tên tuổi ngôi sao thực sự

    Trong những ngày giải Trần Hữu Trang lần thứ 12 chuẩn bị bước vào vòng bán kết, dư luận giới sân khấu bàn nhiều đến thành quả của chặng đường tìm kiếm, phát hiện tài năng từ giải Thanh Tâm đến giải này. Đây là những giải thưởng mà hầu hết nghệ sĩ (NS) đoạt được đều là những ngôi sao hàng đầu trên bầu trời nghệ thuật, có vị trí vững vàng trong lòng khán giả mộ điệu qua từng giai đoạn lịch sử suốt nửa thế kỷ qua.

    Lấy khán giả làm thước đo

    Năm 1957, ký giả kịch trường uy tín nhất làng báo Sài Gòn thời đó - nhà báo Trần Tấn Quốc, bút danh Thanh Tâm - có ý tưởng thành lập giải thưởng đầu tiên dành cho các NS trẻ giới sân khấu cải lương.

    NSND - soạn giả Viễn Châu cho biết năm 1958, Hội đồng Chấm giải Thanh Tâm được thành lập - gồm các đạo diễn sân khấu, thầy tuồng và ký giả kịch trường uy tín - đến tận từng đoàn hát mà các NS đăng ký tham gia giải để chọn những tài năng trẻ. Các NS dự giải được đặt trong môi trường sân khấu toàn diện: diễn nguyên tuồng hát trong sự tương tác với tất cả NS tham gia vở diễn và lấy sự cổ vũ của khán giả làm thước đo của giải thưởng.

    Bo Bo Hoàng, một trong 24 nghệ sĩ đoạt giải Thanh Tâm Ảnh: Thanh Hiệp



    Bà bầu Kim Chưởng - đại bang cải lương trước năm 1975 - cho biết: “Cái hay của giải Thanh Tâm là chấm giải theo nguyên tắc cộng hưởng của một vở diễn. Các NS được phát hiện có đủ không gian để biến hóa nhiều trạng thái tâm lý khác nhau, để những hỷ, nộ, ái, ố bộc phát tính cách riêng trong ca diễn. 24 nghệ sĩ đoạt HCV Thanh Tâm chính vì thế không trùng khớp với nhau, mỗi người thừa hưởng một giọng ca, một phong cách, đại diện cho một trường phái biểu diễn, một thương hiệu của đoàn hát. Ví dụ, nói đến Thanh Nga, Thanh Sang là phải nhắc đến Đoàn Thanh Minh; nhắc tới Bạch Tuyết, Thành Được là thuộc Đoàn Dạ Lý Hương; Phương Quang, Phượng Liên là Đoàn Kim Chưởng…”.

    Phát hiện mang tính dự báo

    Bà bầu Kim Chưởng nhớ lại: “Tính phát hiện của hội đồng chấm giải Thanh Tâm đã góp phần vun bồi tài năng để NS có điều kiện thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật, phát triển đường dài. Tính phát hiện còn dựa vào yếu tố đạo đức và lối sống của NS, để qua đó chọn đúng người đặt vào tay chiếc HCV xứng đáng. Nếu cứ trao tràn lan, cứ xếp hàng rồi ai cũng được lãnh HCV, có lẽ uy tín của giải Thanh Tâm đã bị chôn vùi từ lâu rồi”.

    NS Bo Bo Hoàng, được trao giải Thanh Tâm năm 1965, cho biết: “Giải HCV Thanh Tâm được trao trong thời hoàng kim của sân khấu cải lương. Mỗi đoàn đều có vài ngôi sao trẻ, sở hữu giọng hát đặc trưng, phong cách diễn xuất rất có cá tính và đều mang tinh thần yêu nghề. Họ được các đoàn hát chăm chút, trui rèn và dành riêng những vai diễn tốt nhất giúp họ phát huy hết sở trường. Đó chính là điều kiện cơ bản giúp tất cả NS đoạt giải HCV Thanh Tâm phát triển nghề khi tuổi đời còn rất trẻ (16-20). Mỗi năm, Hội đồng Chấm giải Thanh Tâm đều trao thêm bằng danh dự cho NS từng đoạt giải này, như các danh hiệu dành cho vai diễn xuất sắc hoặc đột phá trong nghề nghiệp. Thời đó, NS được xét giải là niềm hạnh phúc lớn, áp lực cũng không kém. Tôi còn nhớ hoài lời khuyên của NS Phùng Há dành cho mình lúc đó: “Trong số những NS của lĩnh vực tuồng cổ, con có cá tính trong sáng tạo, không chê vai phụ, cần phát huy và nhân rộng điều này”.

    Từ năm 1965, có thêm hai giải bên cạnh giải Thanh Tâm: Giải “Diễn viên xuất sắc” - đã trao cho các NS: Hữu Phước (vở Chuyện tình 17 - năm 1965), NSND Bạch Tuyết (Nỗi buồn con gái), NS Thành Được (Tiếng hạc trong trăng- năm 1966), NSƯT Thanh Nga (Sân khấu về khuya - năm 1966); NSƯT Ngọc Hương, NS Thanh Hải (năm 1967); Giải thưởng dành cho vở tuồng “Hay nhất trong năm”: Năm 1965: Nỗi buồn con gái (hay Tần Nương Thất) của Hà Triều - Hoa Phượng), năm 1966: Nước biển mưa nguồn của NSND Nguyễn Thành Châu, Tiếng hạc trong trăng của Yên Ba - Loan Thảo.

    Soạn giả Kiên Giang nhận định: “Qua 10 năm giải Thanh Tâm và 12 năm giải Trần Hữu Trang, có những điểm tương đồng và có nhiều điều cách biệt. Thế nhưng, điều cần nói nhất chính là yếu tố phát hiện tài năng của một giải thưởng, để đến hôm nay, những HCV của giải Thanh Tâm thực sự mang lại cho sàn diễn cải lương những “ngôi sao không có tuổi”.

    10 năm, 24 nghệ sĩ vàng

    Tồn tại gần 10 năm, từ 1958 đến 1967, Giải Thanh Tâm có 24 NS đoạt HCV:
    1. NSƯT Thanh Nga (năm 1958),
    2. Lan Chi, Hùng Minh (1959),
    3. NS Bích Sơn và NSND Ngọc Giàu (1960),
    4. NS Thanh Thanh Hoa (1961),
    5. NSƯT Ngọc Hương và NSƯT Ánh Hồng (1962),
    6. NSND Bạch Tuyết, NS Kim Loan (tức Mộng Tuyền), Trương Ánh Loan, Tấn Tài, NSND Diệp Lang và NS Thanh Tú (1963),
    7. NSND Lệ Thủy và NSƯT Thanh Sang (1964),
    8. NSƯT Thanh Nguyệt và NS Bo Bo Hoàng (1965),
    9. NS Phượng Liên và NSƯT Phương Quang (1966),
    10. NSƯT Mỹ Châu, NS Ngọc Bích, NSƯT Bảo Quốc và NS Phương Bình (năm 1967).



    Bài và ảnh: Thanh Hiệp
    Theo NLĐO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    Thanh Hậu (10-04-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Kỳ 2: Những ngôi sao không tuổi

    Không chỉ chắp cánh cho các tài năng ở vị trí đào, kép chánh, giải Thanh Tâm còn phát hiện những ngôi sao tương lai từ những nghệ sĩ đóng vai phụ đầy tài năng

    Trong 5 suất diễn của chương trình “Chút tình gửi lại nhân gian” do gia tộc Bầu Thơ tổ chức mới đây tại Nhà hát Bến Thành, khán giả đã được chiêm ngưỡng tài năng của NSƯT Thanh Sang ở tuổi 71 khi ông vẫn giữ được giọng ca trầm ấm, gieo nhiều cảm xúc qua 2 vai diễn: Trần Minh (vở Bên cầu dệt lụa) và Thi Sách (vở Tiếng trống Mê Linh). Giới chuyên môn đánh giá ông là nam nghệ sĩ có trường hợp ngoại lệ vì ở tuổi 71 vẫn đóng vai kép chánh. Nếu bên dàn đào ở độ tuổi này, 2 nữ nghệ sĩ Lệ Thủy và Phượng Liên vẫn đóng vai đào chánh thì duy nhất kép chánh đoạt HCV Thanh Tâm chỉ còn NSƯT Thanh Sang.


    Thành “sao” từ kép lão

    “Anh là ngôi sao không tuổi ở nhiều góc độ khiến các nhà chuyên môn phải giật mình. Thanh Sang đến với nghề bằng những vai kép lão, đoạt HCV Thanh Tâm năm 1964 khi mới 21 tuổi cũng với vai kép lão nhưng khi về chiều lại sáng danh là một kép chánh” - soạn giả - NSND Viễn Châu nói.

    NSND Lệ Thủy vẫn vững vàng vai trò đào chánh ở tuổi ngoài 60

    Năm đó, nghệ sĩ Thanh Sang thể hiện vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long (soạn giả: Hà Triều - Hoa Phượng) hay đến mức báo giới đặt cho ông biệt danh “chàng kép mang đôi hia bảy dặm”. Với NSƯT Thanh Sang, câu nói quen thuộc “đo ni đóng giày” trong giới sân khấu cải lương là một minh chứng. Thời đó, nhờ có chất giọng trầm ấm, phù hợp với những vai kép lão nên chỉ mới ngoài 20 tuổi, ông đã đóng vai cha của nhiều ngôi sao đương thời. Thế nhưng, điều đó không khiến ông nản lòng, vẫn bền bỉ bám sàn diễn. Khi được 2 soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng trao cho vai Tạ Tốn, ông thích thú, ngày đêm nghiên cứu để tìm cách thể hiện. Lý giải về vai diễn này, NSƯT Thanh Sang kể: “Tạ Tốn bị mù lòa, sống ở đảo hoang để bảo vệ thanh Đồ long đao mà giới giang hồ đang truy tìm. Mù nhưng lòng trong sáng. Nếu diễn mù mà nhắm nghiền đôi mắt thì chẳng có gì độc đáo. Nên suốt thời gian tập, cứ đến 12 giờ trưa, tôi ra ngoài sân nhìn thẳng về ánh mặt trời, để tập đứng tròng mắt. Hậu quả là đôi mắt tôi đã mờ dần nhưng tôi tự hào vì qua sự khổ luyện đó mình đã được trao HCV giải Thanh Tâm”.


    Ngôi sao hy hữu

    Trong số những nghệ sĩ cải lương đoạt giải Thanh Tâm trở thành ngôi sao tỏa sáng suốt 50 năm qua, phải kể đến một trường hợp hy hữu đó là nghệ sĩ Bo Bo Hoàng (SN 1949). Bà là nữ diễn viên thuộc lĩnh vực sân khấu cải lương tuồng cổ duy nhất có tên trong danh sách 24 nghệ sĩ từng được trao HCV giải Thanh Tâm. Bà đi lên từ vai đào con tên Bo Bo lúc mới 4 tuổi trong vở Tiếng trống sang canh.

    Soạn giả Kiên Giang cho biết: “Từ khi đoạt HCV giải Thanh Tâm, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng đã nâng tay nghề mình lên một bậc. Chị tập tành sáng tác và đạo diễn, đồng thời truyền nghề theo phương pháp truyền đạt kinh nghiệm để làm cho chiếc HCV càng thêm tỏa sáng. Những năm đầu của thập niên 1960, chị đã nổi danh qua dĩa hát Bo Bo đánh cờ tướng với quái kiệt NSND Ba Vân do hãng dĩa hát Hoành Sơn phát hành; đến năm 1964, Bo Bo Hoàng về đoàn Hương Mùa Thu của soạn giả Thu An, đã tiến bộ nhanh chóng về nghệ thuật ca diễn nên chỉ một năm sau thì đoạt HCV qua vai Đào trong vở Tiếng súng một giờ khuya”.

    Về đường sự nghiệp, bà còn là một tấm gương sáng trong lao động nghệ thuật, từng sáng tác thành công nhiều kịch bản nổi tiếng như: Nữ chúa rắn - Phò mã cùi, Long Vương kén rể, Nữ thần đèn, Nữ tỉ phú, Duyên nợ với nghề… Đặc biệt, bà rất thành công khi phóng tác và dàn dựng các vở tuồng mang màu sắc Ba Tư, Ấn Độ. Bà đã đạo diễn thành công kịch bản Bóng hồng sa mạc của soạn giả Hoàng Việt - Loan Thảo, mang lại doanh thu lớn cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào năm 1998.


    66 tuổi vẫn vững vàng đào chánh

    Giải thưởng Thanh Tâm đã phát hiện những tài danh và là bệ đỡ vững vàng cho một số nam, nữ nghệ sĩ gắn cả đời với vị trí đào kép chánh. Trường hợp điển hình mà giới chuyên môn đều phải thán phục đó là sức diễn bền bỉ của NSND Lệ Thủy. Năm 14 tuổi, Lệ Thủy chỉ là một cô bé ca ngâm hậu trường trong gánh hát Trâm Vàng, qua phát hiện của soạn giả - NSND Viễn Châu, đã nhanh chóng được thính giả nghe dĩa hát chú ý bởi chất giọng lạ: kim pha thổ đặc sệt miền Tây. Từ con đường băng, dĩa hát, Lệ Thủy đến với sàn diễn, trở thành đào chánh của đại ban Kim Chung, gây nên những cơn sóng hâm mộ của khán thính giả. Qua nhiều đoàn hát, kết hợp với nhiều kép chánh: Minh Cảnh, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Hải, Tấn Tài, Thanh Tuấn…, Lệ Thủy tạo nên sức hâm mộ cuồng nhiệt của công chúng một thời. “Bệ vững của giải Thanh Tâm chỉ là 50%, còn lại phải là nỗ lực của bản thân nghệ sĩ. Thời đó, cát- sê của Lệ Thủy tăng theo tháng. Bình thường không dễ gì mà ông bầu Long của đại ban Kim Chung chấp nhận việc tăng giá liên tục nhưng Lệ Thủy là ngoại lệ” - nghệ sĩ lão thành Kim Chưởng cho biết và thừa nhận bà đã từng có ý định bỏ ra gần cả mấy trăm triệu đồng thời đó để đưa Lệ Thủy về gánh của mình.

    52 năm gắn bó với nghề, đoạt giải Thanh Tâm năm 1964, NSND Lệ Thủy tâm sự: “Ở tuổi 66, tôi còn đóng được vai đào, khán giả vẫn thương dù hình thể không như hồi thanh xuân là phước lớn của nghề diễn viên. Nỗ lực của tôi chính là cố gắng không làm mất đi danh dự người nghệ sĩ. Cảm ơn các soạn giả, các đạo diễn và tất cả các bạn diễn, cảm ơn hội đồng chấm giải Thanh Tâm đã nhìn thấy một tiềm năng để chắp cánh cho tôi bay cao, bay xa trên bầu trời nghệ thuật, tiếp tục thăng hoa với nghề cho đến tận bây giờ”.

    Thanh Hiệp
    Theo NLĐO


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    linhhueforever (10-04-2014), Thanh Hậu (10-04-2014)

  5. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Hồi trước con có gửi pa Minh mấy ảnh của bà Bo Bo Hoàng đó ba, ba xử lí xong chưa!
    Ba đóng dấu web mình rồi up lên đi pa Minh , để lễ này con xin lại ghé gửi trả cho bà, hihi!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:

    linhhueforever (10-04-2014), MEM (10-04-2014)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Ok con, vài bữa Pa gửi lại nhen!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    Thanh Hậu (16-04-2014)

ANH EM CHANNEL