Trang 2/3 ĐầuĐầu 1 2 3 CuốiCuối
  1. MEM
    Avatar của MEM
    Báo Thanh Niên Online có đăng loạt bài về những vở diễn để đời. Theo MEM, để đời là những vở hay về nội dung và được khán giả yêu thích, nằm lòng dù đã nhiều chục năm trôi qua, chứ vở mà khán giả ít có cơ hội xem, hoặc chưa từng xem, hoặc quá mới thì khó mà dùng từ để đời.

    Trong loạt bài theo MEM chỉ có Tiếng trống Mê Linh, Dương Vân Nga có thể gọi để đời. Dễ hơn chút xíu thì Tâm sự Ngọc Hân, Hoa độc trong vườn, Bão táp nguyên phong, Bức ngôn đồ Đại Việt cũng có thể dùng từ này. Chứ Nỏ thần or Thánh Gióng mới đây và độ phổ biến ko cao mà vào danh sách này thì hơi khập khiễng.

    Xin cảm ơn tác giả và xin đăng lại các bài viết cho mọi người cùng tham khảo và chia sẻ.

    ---------------------------------------------------------------------------
    1. Tiếng trống Mê Linh
    2. Nhụy Kiều tướng quân
    3. Câu thơ yên ngựa
    4. Bão táp Nguyên Phong
    5. Lam Sơn tụ nghĩa
    6. Tâm sự Ngọc Hân
    7. Nỏ thần
    8. Bài ca giữ nước
    9. Dương Vân Nga và bản dựng đầu tiên
    10. Hoa độc trong vườn
    11. Thánh Gióng

    ---------------------------------------------------------------------------

    Tiếng trống Mê Linh

    Trong lịch sử sân khấu, có những vở diễn để đời, trở thành chuẩn mực, bởi không chỉ hay về nghệ thuật biểu diễn mà nó còn có ý nghĩa sâu sắc.

    Tiếng trống đồng làm khán giả rơi nước mắt

    NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh - Ảnh: T.L



    Năm 111 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế xâm lược Nam Việt, chia ra các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố… Vở diễn lấy bối cảnh vào năm 40 sau Công nguyên tại Giao Chỉ, thuộc nước ta bây giờ. Ách thống trị tàn bạo của thái thú Tô Định được tác giả Việt Dung và bàn tay đạo diễn Ngô Y Linh xử lý rất khéo. Chỉ bằng cảnh Giỗ Tổ Hùng Vương bị ngăn cấm cũng đủ cho người xem hình dung sự hà khắc, độc đoán trong chính sách cai trị. Bọn quan lại tìm mọi cách hủy diệt văn hóa dân tộc Việt, thản nhiên chà đạp lên tín ngưỡng đối với tổ tiên và luôn vơ vét của cải, công sức của người dân. Tô Định, Tào Uyên, Mã Tắc, Chương Hầu là hiện thân của bốn con vật “rắn, cáo, hổ, khỉ” đại diện cho bọn thống trị thâm độc, gian xảo, hung bạo và xu nịnh. Mỗi hình ảnh, mỗi tính cách đều để lại ấn tượng thú vị khó phai qua diễn xuất của Văn Ngà, Hoàng Giang, Hùng Minh, Bảo Quốc, tạo nên sự tương phản rõ rệt với tuyến nhân vật chính diện.

    Trước tình cảnh ác liệt, những người con đất Việt đã phải đứng lên để đấu tranh, để phá tan xiềng xích áp bức. Đó là Thi Sách, là hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, là Đông Bảng, cụ Đô Trinh, nàng Tía, Lê Chân… Mỗi người có một hoàn cảnh, có xuất thân khác nhau nhưng đều tụ hội dưới lá cờ khởi nghĩa. Và tiếng trống đồng tượng trưng cho hồn thiêng sông núi đã được đánh lên thúc giục lòng người. Giữ được trống đồng là giữ được hồn nước, giữ được bờ cõi. Tiếng trống đã làm khán giả xúc động đến rơi nước mắt. Hóa ra hồn nước thật gần đến vậy!

    “Thề hy sinh giết giặc cứu non sông”

    NSƯT Thanh Nga đã biểu diễn thật xuất thần những đoạn hào khí anh hùng, và uy nghiêm của bà khiến ai cũng kinh ngạc. Bình thường, gương mặt Thanh Nga rất dịu dàng, thậm chí còn phảng phất nét buồn man mác, nhất là đôi mắt đen láy xa xăm như hút hồn người. Không ai tưởng tượng nổi khi bà vào vai Trưng Trắc thì gương mặt ấy lại trở nên uy nghiêm đáng nể, và đôi mắt ánh lên sự mạnh mẽ, căm hờn, còn đôi môi thì hơi mím lại cũng đủ thấy sự quyết đoán kiên cường. Đài từ của bà quá đẹp, từng cái nhấn nhá trọng âm như có sức nặng ngàn cân. Cho nên khi bà cất lên những câu hiệu triệu như thế này thì lập tức khán giả sởn gai ốc, như bừng bừng máu chảy khắp cả châu thân: Hỡi đồng bào trăm họ/Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước/Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/Thà chết mà đứng thẳng/Không cam chịu sống quỳ/Đất nước Nam cẩm tú/Người dân Nam anh hùng/Trước đền thờ Quốc Tổ/Thề hy sinh giết giặc cứu non sông/Xin thề!
    Người sành cải lương vọng cổ đều biết có khi ca vô bài bản lại dễ hơn nói lối, nói thoại trong cải lương. Đặc biệt những câu nói lối hào hùng kiểu ấy không khéo sẽ bị lên gân. Nghệ sĩ Thanh Nga đã xử lý đẹp không thể tả và mãi sau này chưa có ai đóng vai Trưng Trắc mà nói lối được như bà. Người sành điệu “nuốt” từng chữ của Thanh Nga, mới thấy “đã ghiền”.

    Một lớp diễn rất hay nữa là cảnh tế sống Thi Sách để nghĩa quân nổi trống tấn công Luy Lâu thành. Bi tráng là ở đây. Nước mắt chảy vào trong để giữ cho lòng quân không nao núng, hy sinh thân mình cho đất nước thương yêu. NSƯT Thanh Sang cất giọng lên khiến cả khán phòng lặng phắc. Ông có chất giọng trầm thật buồn nhưng chắc nịch, âm vang như sóng biển bởi ông sinh ra từ vùng biển Bình Định, rồi lưu lạc vô Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày ngày ngồi vá lưới nhìn ra biển ầm ào tiếng vọng quê hương…

    Phu nhân ơi khăn trắng đêm nay sẽ làm trắng khăn tâm sự và ba lạy tạ từ của phu nhân cũng đã trọn tình vẹn nghĩa. Đứng trên giàn hỏa ta nguyện làm mồi cho lửa đỏ để bao chiến sĩ hiên ngang không chậm bước oai… hùng. Lần gặp gỡ hôm nay là lần gặp gỡ sau cùng (…). Phu nhân ơi, sống thác là chuyện đi về, hợp tan là trò dâu bể, tất cả đều không đáng kể, mà điều đáng lo là sự trường tồn của dòng dõi Hùng Vương…

    Lời lẽ trong vở diễn thật giản dị nhưng đầy chất văn học, đã phá tan định kiến của một số người cho rằng cải lương là “quê mùa”, “lạc hậu”. Chưa kể trong lời nói lối của Thanh Nga có tiết tấu và nhịp điệu rất hay, là một cách giáo dục âm nhạc cho lớp trẻ không thua gì tân nhạc. Cho đến bây giờ, Tiếng trống Mê Linh vẫn là một vở diễn vào hàng đẹp nhất của sân khấu cải lương Việt Nam.

    “Đối với tôi, sẽ không bao giờ có một vai diễn nào đẹp hơn Thi Sách và không có một bạn diễn nào ăn ý hơn Trưng Trắc - Thanh Nga. Tôi vốn thích những nhân vật hào hùng như thế, để lớp trẻ thấy cái đẹp khỏe mạnh của cải lương, đừng nghĩ nó là bi lụy, mềm yếu. Đặc biệt những vai tướng là ra tướng, đầy nam tính chứ không ẽo à ẽo ợt. Và lịch sử của dân tộc mình có đủ các sự kiện để mình làm cải lương đầy chất anh hùng ca” - NSƯT Thanh Sang



    Hoàng Kim - Vũ Anh



    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 7 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), DOHOANG (17-05-2014), Dương Thanh Ngọc (05-07-2019), Giang Tiên (17-05-2014), huongle (19-05-2014), linhhueforever (17-05-2014), romeo (22-05-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Tâm sự Ngọc Hân

    Vở Tâm sự Ngọc Hân (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Chi Lăng, Diệp Lang) ra đời năm 1982, diễn gần cả ngàn suất từ TP.HCM tới các tỉnh. Vở không chỉ là chuyện đánh quân Thanh, mà còn những điều rất tế nhị của đất nước sau ngày giải phóng đã được lồng vào khéo léo.


    Tuấn Thanh vai Nguyễn Huệ và Mỹ Châu vai Ngọc Hân - Ảnh: T.L




    Chiến thắng quân Minh, Lê Lợi mở đầu cho triều đại nhà Hậu Lê khá thịnh vượng. Nhưng đến thời Lê trung hưng thì suy yếu rõ rệt và bị các chúa Trịnh chuyên quyền, lấn át. Nhất là đời vua Lê Hiển Tông thì cực kỳ nhu nhược, bị ba đời Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Khải kiểm soát gắt gao. Vua có cô công chúa Ngọc Hân văn hay chữ tốt, sau này gả cho Nguyễn Huệ, làm nên một cuộc tình đẹp, và chính Nguyễn Huệ đã đánh tan quân Thanh trong một cuộc chiến thần tốc vang danh lịch sử.

    Kịch bản Tâm sự Ngọc Hân đã thể hiện cuộc chiến đó với những mâu thuẫn nội bộ cần được giải quyết. Ở Thăng Long thì triều đình và các sĩ phu không tin Nguyễn Huệ sau khi giết Trịnh Khải sẽ thực tâm phò tá nhà Lê, mà sẽ xuất hiện một “chúa Trịnh mới”. Cho nên Lê Chiêu Thống khi vừa lên ngôi thay cho Lê Hiển Tông đã vội cầu viện nhà Thanh. Còn ở Phú Xuân thì ngược lại, Nguyễn Nhạc (lúc ấy là Thái Đức hoàng đế) cũng nghi ngờ Ngọc Hân không thật lòng với Tây Sơn. Nhà Thanh sai sứ thần và gián điệp lợi dụng đúng kẽ hở này để lén gửi một bức mật thư giả mạo cài Ngọc Hân vào âm mưu của họ, khiến Nguyễn Nhạc nổi giận. Nguyễn Huệ một lòng tin vợ, hết sức trấn an. Những diễn biến này khiến nội bộ Tây Sơn xảy ra căng thẳng. Ngọc Hân và các tùy tướng đã có lúc tủi thân, định bỏ Tây Sơn mà trở lại Bắc Hà. Nhưng may thay, âm mưu ấy bị phá tan, mọi người lại cùng nhau hợp sức chống giặc.
    “Viết sử không chỉ kể lại chuyện xưa, mà còn là đối chiếu chuyện nay, soi rọi lại bài học muôn đời. Lịch sử có khi lặp đi lặp lại, luôn hữu ích cho ta suy ngẫm, cảnh giác. Chiến công của vua Quang Trung còn là chiến công của lòng người, biết bỏ qua những nghi kỵ, nhỏ nhen, lại biết thu phục nhân tài. Rất tiếc là ông qua đời quá sớm…”.
    Tác giả Lê Duy Hạnh




    Tinh thần hòa giải được đưa lên cao nhất khi Nguyễn Huệ một mình chống chọi với Nguyễn Ánh và quân Xiêm ở phía nam, lại còn kéo quân ra bắc diệt quân Thanh tràn qua như nước lũ. Không có tinh thần hòa giải này thì sĩ phu Bắc Hà đã không thể chấp nhận ông làm Quang Trung hoàng đế và đồng lòng đứng dậy. Không có tinh thần hòa giải này thì Nguyễn Huệ cũng sẽ không chú trọng những nhân tài của triều Lê như Nguyễn Thiếp, Nguyễn Nễ, Nguyễn Huy Lượng, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn... Hòa giải giữa những người “mới”, “cũ”, không phải là chuyện dễ dàng. Nếu không tin cậy nhau, không sử dụng nhau, thì sẽ có kẻ ra đi, sẽ mất nhân tài cho đất nước, sẽ bạo loạn khắp nơi, sẽ không còn sức mà xây dựng an vui, đừng nói là chống ngoại xâm.

    Tổ quốc trên hết
    Ngay giữa bối cảnh Sài Gòn giải phóng chưa bao lâu, ngổn ngang mới cũ, hình như rất giống câu chuyện của Ngọc Hân và Tây Sơn. Hay nói đúng hơn, tác giả Lê Duy Hạnh mượn Ngọc Hân và Tây Sơn để nhắc về xã hội đương thời, và chỉ có ông dám “bạo gan” như vậy. Tất nhiên sau đó thì bị… sự cố. Vở không được duyệt. Nhưng Lê Duy Hạnh không bó tay. Chờ lúc Tổng bí thư Lê Duẩn đi họp ở miền Nam, Lê Duy Hạnh và anh em nghệ sĩ mời ông về xem. Mà xem ngay trong nhà khách T.78 chỉ có những cán bộ cao cấp là “khán giả”. Ai nấy diễn mà run, không biết “số phận” mình ra sao. Không ngờ Tổng bí thư khen nức nở. Thế là vở được công diễn tưng bừng.

    Thật sự Tâm sự Ngọc Hân đã góp một tiếng nói rất lớn vào xã hội và nhiều người đã nhìn nhận lại vấn đề theo tinh thần hòa giải nhiều hơn. Đội ngũ trí thức Sài Gòn đã có cơ hội làm việc cũng như chiến đấu cho đất nước nhiều hơn. Đất nước là trên hết, đặc biệt khi có ngoại xâm thì tất cả những người con Việt dù đứng ở chính kiến nào cũng nắm chặt tay nhau để giữ gìn bờ cõi. Lời của Nguyễn Huệ sang sảng trong vở diễn: Nhân cách cao cả của một con người là phải biết lòng tự trọng của mình, phải biết hy sinh vì nghiệp lớn. Nếu nhân cách ấy trở thành một thứ lá chắn khư khư đi bảo vệ thân mình thì nhân cách đó còn biết nghĩ đến ai, còn lo cho ai? Chưa lúc nào phong trào Tây Sơn bị tấn công từ mọi phía như lúc này (…) Huệ nghĩ rằng, những sự rạn nứt ở nội bộ trong lúc này không cần thiết, mà chỉ có lợi cho kẻ thù. Huệ mong những ai đứng dưới lá cờ Tây Sơn hãy đem hết thân mình lo cho đại cuộc. Tất cả mọi người trên dưới một lòng, tâm đồng trí nhất, kết đoàn lại quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược! Và vó ngựa Tây Sơn đã ào ào đạp lên kẻ thù phương bắc, để lại một mùa xuân Kỷ Dậu oai hùng với ngày mùng 5 tết đẹp như huyền thoại…

    Từ vai Nguyễn Huệ, anh kép đẹp Tuấn Thanh nổi tiếng luôn, cho đến bây giờ vẫn là một giọng ca trầm ấm quyến rũ chuyên đóng những nhân vật lịch sử. Mỹ Châu vai Ngọc Hân, Hùng Minh vai Nguyễn Nhạc, cùng với Diệp Lang, Hoàng Giang, Quốc Hùng, Thoại Miêu, Khả Năng… toàn là những ngôi sao cải lương, thảo nào mà Đoàn văn công TP.HCM đi đến đâu khán giả mua vé kín rạp đến đó.
    Hoàng Kim - Vũ Anh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  5. Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), DOHOANG (02-07-2014), romeo (22-05-2014)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Nỏ thần

    18 đời vua Hùng trị vì nước ta đến năm 208 TCN thì Thục Phán An Dương Vương lên thay thế, đổi tên nước từ Văn Lang thành Âu Lạc. Và câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu đã để lại một bi kịch nghìn đời. Nỏ thần của Sân khấu kịch Phú Nhuận tái hiện câu chuyện đó với sự hoành tráng, đem về chiếc huy chương vàng Liên hoan Sân khấu toàn quốc 2009.


    Huỳnh Đông (Cao Lỗ) và Mai Phương (Mỵ Châu) trong Nỏ thần - Ảnh: H.T.T


    Dựa theo thiết kế của Cao Lỗ, An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa rất kiên cố. Thành cao và rộng, hình xoáy như trôn ốc nên còn gọi là Loa thành. Lúc bấy giờ, Tần Thủy Hoàng vừa thống nhất thiên hạ, liền sai tướng Đồ Thư đem binh sang đánh Âu Lạc nhưng dai dẳng mãi không thắng được. Sau cùng, Đồ Thư bị giết, quân Tần tổn thất nặng nề phải rút lui. Ít lâu sau, Triệu Đà làm vương ở quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay) cũng kéo quân sang đánh nhưng lần nào cũng thất bại bởi nỏ thần của Cao Lỗ. Triệu Đà lập kế giảng hòa, cho con trai mình là Trọng Thủy sang cưới công chúa Mỵ Châu, nhưng đồng thời phái Nhan Tấn đi theo phò tá nhằm tìm hiểu bí mật nỏ thần. Năm 179 TCN, An Dương Vương thua trận do sức mạnh của nỏ thần bị vô hiệu và chết giữa biển khơi, nước ta rơi vào sự thống trị của nhà Triệu.

    Câu chuyện Trọng Thủy - Mỵ Châu đã quá quen thuộc nay được tác giả Lê Duy Hạnh khai thác dưới một khía cạnh mới, không huyền thoại lung linh mà đậm chất bi tráng. Xuyên suốt vở diễn là hàng loạt những âm mưu quỷ kế sâu hiểm, thâm trầm, những cuộc đối đầu kịch tính và dữ dội qua bàn tay đạo diễn mạnh mẽ, gai góc của Đức Thịnh. NSƯT Bảo Quốc trong vai Nhan Tấn, mưu sĩ nhà Triệu được cử sang Âu Lạc làm gian tế, đã làm khán giả phải rùng mình bởi cái ác như một thứ kịch độc vô hình, tưởng chừng vô hại để rồi xâm nhập vào đến tận xương tủy. Từng cái cười gằn hiểm độc, từng ánh mắt quỷ quyệt, bạo tàn, lúc chau mày, khi nhếch mép đều được NSƯT Bảo Quốc hóa thân hết sức tinh tế. Chỉ một Nhan Tấn, không gươm đao chiến mã, không cung sắc giáo dài, vậy mà khiến vua tôi Âu Lạc và các mãnh tướng thành Cổ Loa phải lần lượt gục ngã bởi tha hóa. “Từng con người trong chiến chinh buộc phải vào khuôn khổ, thì khi thanh bình lại tự buông lỏng kỷ cương. Chiến trường ai cũng nghĩ phải có giáo có gươm, ít ai ngờ chiến trường nằm trong vàng bạc, ngọc ngà, rượu ngon, gái đẹp...”. Lời của Nhan Tấn sao mà đau, bài học quá khứ sao mà cay đắng. Nhưng hình như con người ta vẫn chưa sực tỉnh, hay phải đợi đến khi vấp ngã mới vội tuôn những giọt nước mắt muộn màng?

    Dân tộc ta ngàn năm nay vẫn bất khuất kiên cường. Tôi đóng vai Cao Lỗ, phải đọc lại lịch sử, có khi muốn rơi nước mắt. Chỉ ước đừng có chiến tranh
    Diễn viên Huỳnh Đông


    “Trung” với giang sơn, xã tắc
    Đối lập với một Nhan Tấn độc ác là vị tướng quân Cao Lỗ, người anh hùng của thời đại Âu Lạc, và cũng là biểu tượng cho bao nhân vật anh hùng trong lịch sử dân tộc: vừa tài trí, trung dũng, vừa chung thủy, nặng tình. Đây được xem là vai diễn nặng ký của Huỳnh Đông, buộc anh phải tập trung rất cao về tâm trạng cũng như vũ đạo, hình thể. Và anh đã khắc họa được một Cao Lỗ đầy hào khí, nghĩa nhân. Trong hoàn cảnh bị vua bạc đãi, thậm chí phải đối mặt với án tử, ông vẫn xả thân cứu nước không một lời oán trách. Chữ “trung” của Cao Lỗ không bó hẹp trong nghĩa vua tôi, mà cao rộng hơn là trung với giang sơn xã tắc, đúng như nàng Mỵ Châu đã nói: “Nếu không có Cao Lỗ, Âu Lạc không còn là Âu Lạc nữa”. Lớp diễn thành Cổ Loa thất thủ, Cao Lỗ cùng 6 hổ tướng hy sinh đến hơi thở cuối cùng bảo vệ đất nước là một lớp điển hình cho chất bi tráng của vở. Nhưng những cái chết anh dũng lại làm người ta bừng tỉnh và xốc dậy để tiếp tục chiến đấu chứ không hề gục ngã bi quan. Đôi khi những kết thúc “không có hậu” như Nỏ thần lại có tác dụng mạnh hơn.

    Bên cạnh những thắng thua, những gươm giáo vô tình, vở diễn còn có một chút lãng mạn của mối tình Trọng Thủy - Mỵ Châu. Hai nhân vật này ở một tuyến đối trọng hoàn toàn với chiến tranh đẫm máu. Họ trong sáng, ngọt ngào và đẹp như những lời thơ trang nhã gửi gắm mơ ước hòa bình: “Hạnh phúc của đời mình cũng là hạnh phúc của đồng loại chúng sinh”. Có thể nói, chất nhân nghĩa con người phương Nam đã cảm hóa được Trọng Thủy. Và ở bên kia chiến tuyến, nàng quận chúa Hoàng Dung xuất hiện như một khám phá về tâm hồn con người đầy chất nhân văn. Người phụ nữ ấy thật mạnh mẽ và giàu đức hy sinh, biết xếp lại tình riêng để thúc giục Trọng Thủy lên đường về Âu Lạc báo tin, để níu giữ niềm tin về một thứ tình cảm thiêng liêng giữa con người với nhau, không chính trị, không mưu mô vụ lợi.

    Lại nói về Cao Lỗ, ông vẫn đời thường với tình yêu chung thủy dành cho Mỵ Châu, với những kỷ niệm ấu thơ, những buổi hẹn hò hạnh phúc. Để rồi khi tình yêu ấy tan vỡ, ông chỉ nén chặt dưới đáy lòng và dành hết trái tim cho đất nước. Trong lớp diễn trước khi chết, trong tâm tưởng Cao Lỗ vẫn còn vang lên những câu thơ mà Mỵ Châu thường ngâm nga những ngày thơ ấu. Rất đời, nhưng cũng rất anh hùng.

    Xem vở diễn mà thấy yêu mến những nghệ sĩ như Bảo Quốc, Huỳnh Đông, Minh Hoàng, Mai Phương, Hòa Hiệp, Vân Anh, Lê Hay... Toàn vai khó, đặc biệt là đối với các diễn viên trẻ chưa trải nghiệm bao nhiêu với nỗi đau. Vậy mà họ vẫn diễn thật ngọt ngào, sâu sắc như bùng cháy hết tất cả tình yêu đối với quê hương. Có kịch bản hay mới đo được sức nghệ sĩ!
    Hoàng Kim - Vũ Anh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  9. MEM
    Avatar của MEM
    Bài ca giữ nước

    Bộ ba chèo Bài ca giữ nước của NSND Tào Mạt đã cất lên bản hùng ca với bộn bề góc nhìn. Nhìn ra mặt trận và cả cái nhìn vào chính tâm can người ở nhà.

    Hoàng hậu Thượng Dương trong Bài ca giữ nước - Ảnh: tư liệu

    Khi nhân vật trung tâm Hề Hoạn đứng trên sân khấu của Ỷ Lan nhiếp chính, ông dường như là chính soạn giả Tào Mạt. Say lảo đảo đấy nhưng nhìn thấy, thấu hiểu mọi chuyện đang diễn ra trong cung cấm, với vận mệnh quốc gia. Nhân vật đầu tiên mà hề soi thấu chính là “chú khách” từ Trung Hoa sang buôn bán. Tiếng là buôn bán, nhưng sự thật là “Ngộ sang dò la tin tức. Giả làm khách buôn, ngộ lo việc nước vì cái Tống triều... Muốn cướp cái nước người thì phải vào tận tổ. Nội kích ngoại công. Thôn tính không xong thì ta quấy rối, làm cho mà suy yếu...”.

    Bài ca giữ nước của Tào Mạt kể lại nhiều cuộc đời, trong đó Hề Hoạn là nhân vật xuyên suốt, đi qua nhiều biến cố. Cả ba vở Lý Thánh Tông tuyển hiền, Ỷ Lan nhiếp chính và Lý Nhân Tông học làm vua đã vắt qua một thời kỳ lịch sử đầy xáo động của thời Lý. Và khi xâu chuỗi cả ba vở chèo vào nhau thành một bộ, Tào Mạt đã làm được điều trước đó chèo chưa có. Đó là soạn được một pho chèo. Trước kia, chỉ có tuồng có pho còn chèo vẫn chỉ là từng tích vở. Bộ ba chèo cũng có sự đồ sộ của chi tiết, dày dặn của chèo được bẻ làn nắn điệu rất dân gian theo cách của Tào Mạt. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, tuy không còn cách ngẫu hứng ứng đáp của chèo cổ nữa, Bài ca giữ nước vẫn có các điệu chèo hay. Tránh được cái bẫy kịch nói pha chèo, nó là một chuẩn mực của chèo cải tiến.

    Trên cái nền âm nhạc trác tuyệt đó của dân tộc, điều lớn hơn của Bài ca giữ nước là việc nhìn câu chuyện chống xâm lược. Góc nhìn này của Tào Mạt đặc biệt khác nếu so với cải lương. Những vở cải lương để đời như Nhụy Kiều tướng quân, Trần Quốc Toản ra quân... đều có cái nhìn về sự hy sinh hào sảng. Ở đó, nhân vật sáng rực lên với lòng trung, sống chết coi thường để đối mặt với tàn bạo. Họ không bị thử thách bởi sự giả trá, thâm hiểm. Họ càng không phải đối diện với “giặc ở sau lưng nhà vua” như kiểu hoàng hậu Thượng Dương - đã bị giặc mua chuộc, dụ dỗ mà mất đi tỉnh táo. Những mâu thuẫn của hoàng hậu thoạt tiên chỉ là ưu tư rất cá nhân, đã bị chúng thổi lên bừng bừng rồi dắt lối, ép buộc thành việc phản vua, phản quốc. Với Bài ca giữ nước, việc giữ nước đã là trên mọi mặt trận, chiến trường, không loại trừ đầu não của hậu phương.

    Với cái nhìn sắc sảo ấy, Tào Mạt mới có những trích đoạn chèo mẫu mực như Ỷ Lan vi hành, hay Chôn hề. Đặc biệt với Chôn hề, sự gian nan của bài ca giữ nước, diệt Tống đã lên đến đỉnh cao. Ở đó, Hề Hoạn đã trả giá cho sự thẳng thắn của mình bằng cái chết. Ông cũng chọn cái chết để người nhà những kẻ được cử đi giết mình khỏi liên lụy. Nhưng lớn hơn, hề chết để được trọn vẹn sống với lẽ sống của mình - là nhân dân, là Tổ quốc.

    Còn kẻ nhố nhăng thì lại nảy ra hề

    Ở trích đoạn Chôn hề, người xem mới biết chuyện Hề Hoạn chính là người đã được thái úy Lý Thường Kiệt cử vượt sông để ngâm lên bài thơ Nam Quốc Sơn Hà. Nhưng bao năm dài sống không vợ con, không tiền bạc, ông không hề tiết lộ. Đáp lại câu sao không tâu lên nhà vua mà lĩnh thưởng, Hề Hoạn nói: “Quan thái úy có dạy rằng, nếu tâu lên dẫu có được thưởng công nhưng thần linh bớt thiêng, dân bớt tin mà giặc cũng bớt sợ thì có hại cho nước. Giặc Tống đâu chỉ định đánh ta có một lần”.

    Tới ranh giới tận cùng cuộc sống, trong tay vẫn bầu rượu, Tào Mạt đã để Hề Hoạn nói nhặt nói khoan: “Quan có nịnh có trung. Hề có trung có ngụy. Thấy kẻ rong chơi ăn bám tham lam ta cười tủm cười ruồi. Thấy kẻ nịnh nọt gian ác ta cười khinh cười bỉ. Thấy kẻ nhố nhăng ta cười ầm cười ĩ. Thấy chuyện bất công ta cười đắng cười cay. Ta cười cho sáng lẽ dở hay, kẻ gian hoảng vía người ngay hả lòng...”.

    Đối mặt với của cải, cái chết như thế, Hề Hoạn hiện rõ mình là một trung thần nghĩa sĩ của dân gian. Những lời hát trong nhân dân đã tụ cả lại trong từng lời ông nói. Về trung, về ngụy. Về giặc giã, về non sông.

    Cũng với chính tinh thần nhân dân ấy, khi đã chọn cái chết vì lẽ sống, Tào Mạt cũng để Hề Hoạn tự vẽ lên cuộc đời sau cái chết của mình. Cuộc đời sau của Hề Hoạn vẫn không bao giờ nguôi nỗi lo đất nước, cũng chẳng bao giờ hết hy vọng tương lai. Hề Hoạn trối trăng những lời sau cùng: “Hề không đẻ được ra hề con, Nhưng đời nào cũng có hề. Ta là kẻ đi góp nhặt tiếng cười trong thiên hạ. Nếu còn kẻ nhố nhăng trong thiên hạ thì dân gian lại nảy ra hề”.

    Xem Bài ca giữ nước, không chỉ có cảm giác hào hùng. Xem bộ ba chèo còn để giật mình.
    Trinh Nguyễn
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  11. MEM
    Avatar của MEM
    Dương Vân Nga và bản dựng đầu tiên

    Năm 1977, đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga dựng vở Dương Vân Nga (tác giả Hoa Phượng - Chi Lăng - Hoàng Việt - Thể Hà Vân, phỏng theo kịch bản chèo của Trúc Đường; đạo diễn Chi Lăng) đã tạo nên không khí sôi sục chưa từng thấy của khán giả miền Nam. Và chỉ vài tháng sau đó (năm 1978) hai vợ chồng NSƯT Thanh Nga bị bắn chết, lại dấy lên một không khí khác còn mạnh mẽ hơn.


    Thanh Nga - Dương Vân Nga và sau đó là Ngọc Giàu - Dương Vân Nga - Ảnh: T.L

    Sau vở Tiếng trống Mê Linh, khán giả bừng bừng đi xem cải lương lịch sử, thế là đoàn Thanh Minh Thanh Nga dựng luôn vở Dương Vân Nga. Câu chuyện trao long bào cho một triều đại khác đã làm tốn biết bao giấy mực của những nhà viết sử nhưng trong vở diễn này đã hiện lên một cách tất yếu như một lời giải oan cho Thái hậu và Lê Hoàn, tất yếu như lòng dân chấp nhận một minh chủ để bảo vệ đất nước chứ không phải chỉ bảo vệ chiếc ngai vàng riêng tư.

    Dẹp xong loạn 12 sứ quân và thống nhất đất nước sau 1.000 năm Bắc thuộc, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, lấy hiệu Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Đây là nhà nước mở đầu cho nền độc lập của nước ta để sau này có những nhà nước và triều đại hùng mạnh Lý, Trần, Lê… Chỉ tiếc là ông qua đời quá sớm với cái chết oan khuất, để lại vợ và con trong rối ren chính sự (năm 979). Đinh Toàn lên ngôi lúc 6 tuổi, Thái hậu Dương Vân Nga nắm quyền nhiếp chính. Chẳng bao lâu, năm 980, bà trao long bào cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Ông lên ngôi, lấy hiệu là Lê Đại Hành, lập nên nhà Tiền Lê, đánh tan giặc Tống xâm lược.

    Thanh Nga - Dương Vân Nga và 3 cô đào tiếp nối
    Thật ra, kịch bản đã đưa ra một góc nhìn khác, để tôn vinh Dương Vân Nga và Lê Hoàn. Góc nhìn đó là góc nhìn đại cuộc, lấy an nguy của sơn hà làm trọng, không màng tới quyền lợi riêng tư của bản thân và dòng họ. Mà suy cho cùng, thời điểm ấy có ai đủ tài trí và sức mạnh để chống đỡ non sông hơn Lê Hoàn. Thập đạo tướng quân qua diễn xuất của NSƯT Thanh Sang rõ ràng chinh phục được khán giả. Ông nắm 10 đạo quân, ngày đêm miệt mài ở quan ải, vất vả biết bao, vậy mà khi kinh thành biến động thì ông phải vội vã chạy về để cùng Thái hậu bàn việc nước. Một người trụ cột như thế thử hỏi làm sao Dương Vân Nga không tin cậy. Thậm chí, còn là một bờ vai cho bà tựa vào để bớt mệt mỏi. Một phụ nữ quá trẻ, chồng chết, con bị bắt cóc, giặc Tống gửi thư uy hiếp, quan lại trong triều người chủ chiến người chủ hòa, người dòm ngó ngai vàng… quả là chuyện nhà chuyện nước rối ren quá sức. Cho nên, tựa vào Lê Hoàn là lẽ tất nhiên của tâm lý, của hiện thực. Và tựa vào một cách tạm thời để qua cơn nguy vong hay là tựa vào mãi mãi như nép bóng tùng quân, đã là sự chọn lựa rất gần, chỉ cần bước qua một sợi tóc. Trong kịch bản không thể hiện tình yêu của hai người, chỉ thấy giữa Dương Vân Nga và Lê Hoàn có một mối đồng cảm rất lớn, là quyết không đầu hàng giặc Tống. Lý tưởng cao đẹp vì dân vì nước đã đưa hai người đến gần nhau, sau này không ngạc nhiên khi Dương Vân Nga trở thành vợ của vua Lê Đại Hành.

    Trong vở, Dương Vân Nga cất những lời dõng dạc không kém gì đường gươm của Lê Hoàn chém thẳng vào quân Tống: Đất này có chủ, nước này có vua. Thần dân có xã tắc để khuôn phò. Xã tắc có thần dân tông miếu để hợp thành khí thiêng sông núi. Từ lâu rồi Việt - Tống biên thùy đà chia cõi, cụm rừng, dãy núi, con suối, dòng sông đứng làm ranh mảnh đất của vua Hùng, còn vọng mãi tiếng trống đồng dựng nước. Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược! Những lớp diễn hào hùng chen lẫn xót xa đau đớn vì nhớ thương ấu chúa bị bắt đi, đều được NSƯT Thanh Nga diễn thật tinh tế.

    Riêng vở cải lương đã thành một “tượng đài” khác trong lòng khán giả. Bởi vì sau cái chết của NSƯT Thanh Nga thì xuất hiện thêm nhiều Dương Vân Nga trên sàn diễn. Đoàn Thanh Minh đôn nghệ sĩ Kim Hương lên đóng thay vai. Rồi đến Bạch Tuyết, Ngọc Giàu lại đảm nhận vai này, đi diễn khắp nơi. Có đến mấy ê kíp như thế, tạo thành một làn sóng sôi sục không thể tả. Mỗi nghệ sĩ có nét diễn đẹp theo kiểu riêng mình, nhưng chắc chắn một điều là khán giả phải khóc. Cải lương một thời đồng hành với xã hội và đồng cảm với khán giả như thế đó.
    Hoàng Kim – Vũ Anh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  13. MEM
    Avatar của MEM
    Mời xem vở

    DƯƠNG VÂN NGA

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  15. MEM
    Avatar của MEM
    Hoa độc trong vườn

    Sau vở Tâm sự Ngọc Hân, Đoàn văn công TP.HCM dựng tiếp vở Hoa độc trong vườn (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Ngọc Đẩm) với cặp đào kép Mỹ Châu - Đức Minh.


    NSƯT Mỹ Châu vai Như Ngọc và nghệ sĩ Đức Minh vai Ngô Quyền - Ảnh: T.L

    Thời điểm đó là khoảng 10 năm sau ngày giải phóng, bắt đầu có những xáo trộn xã hội thời bình, và Lê Duy Hạnh lại dũng cảm cất lên một lời cảnh báo...

    Từ khi Triệu Đà thôn tính Âu Lạc của An Dương Vương, nước ta rơi vào giai đoạn hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Mãi đến đầu thế kỷ 10, nhân lúc nhà Đường suy yếu, hào trưởng người Việt là Khúc Thừa Dụ đem quân tiến vào thành Đại La và bắt đầu xác lập quyền tự chủ. Sau đó, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ, Dương Đình Nghệ tiếp tục lên thay làm tiết độ sứ. Nhà Nam Hán lăm le sang xâm chiếm. Năm 937, Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại. Con rể ông là Ngô Quyền đem quân giết Kiều Công Tiễn và đánh tan đại quân xâm lược của Nam Hán trong trận Bạch Đằng, chính thức kết thúc thời kỳ Bắc thuộc, mở ra giai đoạn độc lập lâu dài.

    Bối cảnh trong vở là Ngô Quyền đang cầm quân chống Nam Hán tại Châu Ái, vùng địa đầu Tổ quốc, thì tại kinh thành Đại La xảy ra biến động. Kiều Công Tiễn bỏ thuốc độc giết Dương Đình Nghệ, rồi bắt Như Ngọc - vợ Ngô Quyền - cống nạp cho nhà Hán để lập công. Hắn cầu viện Nam Hán giúp đỡ để lên thay Dương Đình Nghệ nắm quyền. Như Ngọc tự sát để giữ thủy chung cùng chồng và trung thành với đất nước, nên cô cung nữ Huệ Nương phải thay vào. Nhưng Huệ Nương đã chọn cách bước sang đất giặc để làm gián điệp thu thập tin tức gửi về cho Ngô Quyền. Cô giả câm vì bị bệnh do khác biệt phong thổ, để người yêu của cô (chính là tướng giỏi của Ngô Quyền cử sang) giả làm thầy thuốc vào điều trị, từ đó thực hiện chặt chẽ kế sách quân sự, giúp Ngô Quyền dàn trận trên sông Bạch Đằng. Chi tiết này chỉ là hư cấu nhưng làm vở diễn mềm mại hẳn đi vì chuyện tình yêu và có kịch tính hấp dẫn hơn.

    Vấn đề là Ngô Quyền đã hối hận khi không kiên quyết trừng phạt Kiều Công Tiễn dù ông đã nhìn thấu tâm địa hắn qua rất nhiều chuyện lộng hành, tiêu cực. “Phụ hoàng vì quá tin nên dung dưỡng con rắn độc trong vườn hoa, còn ta thì nhìn thấy nhưng vì nể nang nên đành chấp nhận để rồi con rắn độc kia gây bao thù hận phá nát vườn hoa làm điên đảo cơ đồ. Ta còn trách ai mà phải tự hỏi chính bản thân mình. Tại sao trong chiến chinh ta không hề do dự, nhưng xây dựng lúc thanh bình ta lại nhân nhượng trong đấu tranh. Biết kẻ phá hoại sẽ lộng hành, tại sao ta chưa cẩn trọng giữ gìn, cứ nể nang, chờ đợi. Trong khi lẽ ra ta phải kiên quyết diệt trừ mầm mống gây ra cho đời bao điều thảm cảnh...”.

    Thật sự Kiều Công Tiễn từng có công lao trận mạc với Dương Đình Nghệ nên khi hắn sai phạm đều được thông cảm, thứ tha, chỉ khiển trách nhẹ mà thôi. Thế nhưng hắn lại càng làm tới, thậm chí nuôi hận thù vì bị khiển trách. Cái sảy nảy cái ung, từ chỗ gây lỗi nhỏ đã trở thành gây tội lớn. Tiếng nói của Lê Duy Hạnh cũng chính là tiếng lòng của nhân dân khi chứng kiến xã hội bắt đầu nảy sinh tiêu cực, mà cái tiêu cực thời bình đôi khi thấy nhẹ nhàng nhưng liệu nó có thể phát triển hơn nữa để làm đắm con tàu đất nước? Lời cảnh báo ấy đâu có thừa, đâu có vô ích. Mà dẫu những kẻ tiêu cực không trực tiếp bán nước như Kiều Công Tiễn thì nó cũng làm suy yếu sức dân, sức quân, làm rối ren hậu phương, thử hỏi người nơi tiền tuyến làm sao đủ tập trung mà đánh giặc? Giặc ngoài tràn vào, chống đỡ đã gian nan, mà thù trong còn đẩy ra, tạo thành sức ép nguy hiểm cho người cầm quân.

    Thương cho Ngô Quyền, cảm phục thay Ngô Quyền. Nhưng tự hỏi không biết thời nay còn có chăng những Ngô Quyền và những Kiều Công Tiễn như thế? Bánh xe lịch sử không lăn lại trên cùng một con đường, nhưng có thể lặp lại những dấu vết lỗi lầm. Vận mệnh đất nước phải được cảnh báo, dự báo từ những điều tưởng như rất nhỏ, từ những ngày tưởng như hòa bình êm ấm, từ những hành động tưởng như rất cá nhân, riêng tư...

    “Sau này tôi có chỉnh lý và dàn dựng lại vở cho các diễn viên trẻ như Thoại Mỹ, Trọng Phúc, Tô Châu, Kim Thoa, Tâm Tâm... tham gia thu hình video. Vở lịch sử bao giờ cũng làm đắng lòng người diễn, người xem vì những bài học quý giá. Nhưng nghệ sĩ chúng tôi thích diễn lịch sử bởi đó là thế mạnh của cải lương, và là một kênh học lịch sử cho khán giả trẻ rất hiệu quả”, NSƯT Mỹ Châu.

    Hoàng Kim - Vũ Anh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  17. MEM
    Avatar của MEM
    Mời xem vở

    HOA ĐỘC TRONG VƯỜN

    http://youtu.be/T73NYKKkAOs



    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  19. MEM
    Avatar của MEM
    Thánh Gióng

    Thánh Gióng chỉ là một nhân vật truyền thuyết, nhưng đã đi vào ký ức của biết bao người Việt như là một bản anh hùng ca giữ nước. Ở đó, tinh thần chống giặc đã không còn dành riêng cho người lớn nữa, mà ngay cả trẻ em cũng có ý thức quốc gia, nuôi lòng bất khuất.

    Đình Toàn (trái) vai Thánh Gióng, Quốc Trung vai vua Hùng - Ảnh: T.L

    Cho nên, đây là câu chuyện giáo dục mà hầu như trẻ em Việt nào cũng biết và rung động bởi sức tưởng tượng rất đẹp của nó. Nghệ sĩ Bạch Long từng viết kịch bản cho nhóm cải lương Đồng Ấu của anh biểu diễn với những “ngôi sao nhí” như Tú Sương, Quế Trân, Trinh Trinh, Vũ Luân... Sau này các bạn lớn lên, vẫn trìu mến nhắc về vở diễn đã đặt nền móng cho cuộc đời nghệ thuật của mình. Rồi đến Sân khấu kịch IDECAF (TP.HCM) đã tâm huyết viết mới lại toàn bộ kịch bản Thánh Gióng và dàn dựng để biểu diễn ở TP.HCM và Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang... rồi còn thu hình DVD rất đẹp bán tại các nhà sách. Một kịch bản lịch sử đã khó dựng, lại dành cho trẻ con xem thì càng khó hơn nữa, vậy mà tác giả Thanh Phương và đạo diễn Vũ Minh đã làm rất mềm mại, vui nhộn, nhưng cũng rất chuẩn mực, không đánh mất tính giáo dục. Tâm huyết này không thể không ghi nhận.

    Diễn vở này, tôi phải vũ đạo rất nhiều và tập vũ đạo cho anh em nữa. Nguy hiểm nhất là lúc tôi nhảy lên lưng ngựa rất cao. Lòng rất vui vì truyền được tinh thần yêu nước cho các em. Lịch sử là bài học cần thiết, học sử qua sân khấu là một cách mau chóng, dễ hiểu, dễ nhớ. Nếu có kinh phí thì chúng tôi ước mơ làm những vở sử ngắn trong 1 tiếng đồng hồ như vậy để các em được xem, từ đó yêu môn sử nhiều hơn
    Nghệ sĩ Đình Toàn

    Bối cảnh vở diễn là đời Hùng Vương thứ 6, giặc Ân sang quấy nhiễu nước ta, dân chúng lầm than khổ sở. Ở một làng quê nọ, có đôi vợ chồng hiếm muộn, rất yêu trẻ con, cứ tập hợp bọn trẻ trong làng đến để chăm sóc, cho ăn, giúp cha mẹ rảnh tay đi làm đồng áng. Một hôm, tình cờ hai vợ chồng bước vào bàn chân tiên to lớn sau vườn nhà, rồi người vợ thụ thai, suốt 12 tháng mới sinh con. Nhưng ba năm trời, cậu bé Gióng không biết nói cười, đi đứng chi cả, khiến mọi người lo lắng. Vậy mà khi sứ giả của vua đi đến làng quê ấy loa loa kêu gọi nhân tài ra giúp nước thì Gióng ngồi bật dậy, nói được, bảo sứ giả vào gặp mặt. Rồi Gióng ăn hết bao nhiêu là cơm gạo, rau trái của dân làng góp lại, sau đó lớn phổng lên thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, bảo vua rèn cho roi sắt, ngựa sắt để đi đánh giặc. Giặc Ân tan tác dưới ngọn roi của Gióng. Gãy roi, Gióng nhổ tre làng mà đánh tiếp. Đất nước thanh bình, Gióng cưỡi ngựa sắt lên đỉnh núi Sóc Sơn biến mất. Từ đó dân lập đền thờ, tôn là Phù Đổng Thiên Vương.

    Tính ước lệ trong truyền thuyết về roi sắt ngựa thần và cậu bé ba tuổi vươn vai lớn dậy đã là minh chứng cho nỗi khát khao của một dân tộc muốn vươn lên mạnh mẽ và đầy đủ vật chất để có đủ sức mạnh chống quân xâm lược. Một dân tộc ngay từ thuở sơ khai lập quốc đã phải liên tục chiến đấu chống ngoại xâm thì ý chí phải vô cùng mạnh mẽ, đến đàn bà trẻ nít cũng lên đường không ngại hy sinh. Thật ra, khi xem Thánh Gióng ra quân, nhiều khán giả chợt dấy lên một nỗi bùi ngùi chen lẫn trong âm hưởng anh hùng ca... Bùi ngùi bởi những nụ mầm tươi xanh chưa kịp sống trọn tuổi thơ, những đứa bé vẫn còn thơm mùi sữa mẹ, mà đã vội ra đi. Chiếc yếm đỏ mới ngày hôm qua mà nay thoắt cái đã thành áo giáp sắt khoác lên người, oai hùng đấy, nhưng cũng ngậm ngùi thương xót biết bao. Ba năm không chạy nhảy chơi đùa, chẳng phải là thần thánh chi đâu, mà tượng trưng cho một tuổi thơ dữ dội không còn hồn nhiên được nữa. Chiến tranh đã kéo con người vào cuộc quá sớm. Biết làm sao! Khi cuộc đời không còn sự chọn lựa nào khác là quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

    Đình Toàn thủ vai chàng Gióng thật dễ thương, nhưng khi đối mặt quân thù thì lời lẽ vô cùng kiên định: Đất nước Văn Lang, không thù không oán, chẳng phải sợ ai, các người láo toét, chúng ta sẽ ra đòn! Gióng đi vì nước Văn Lang, cơm cà đạm bạc nhưng giàu tình quê. Gióng ăn sức lực tràn trề, đánh tan giặc giã muôn bề yên vui. Và những Đại Nghĩa, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh, Lê Khánh, Tuấn Khải, Quy Tứ, Hương Giang, Đức Thịnh... cùng hơn 30 diễn viên khác đã làm nên một bức tranh sắc màu rực rỡ thu hút khán giả nhí.
    Hoàng Kim - Vũ Anh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  21. MEM
    Avatar của MEM
    Thấy đặt tiêu đề là NHỮNG VỞ DIỄN ĐỂ ĐỜI hơi ko đúng cho toàn bộ lắm. Để đời là những vở khán giả yêu thích và nằm lòng dù đã nhiều chục năm trôi qua, chứ vở mà khán giả ít có cơ hội xem or chưa từng xem thì khó mà dùng từ để đời. Trong đây chỉ có Tiếng trống Mê Linh, Dương Vân Nga có thể gọi để đời. Xuống chút xíu thì Tâm sự Ngọc Hân, Hoa độc trong vườn, Bão táp nguyên phong, Bức ngôn đồ Đại Việt cũng có thể. Chứ Nỏ thần or Thánh Gióng mới đây và độ phổ biến ko cao mà vào danh sách này thì hơi khập khiễng.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  22. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

Trang 2/3 ĐầuĐầu 1 2 3 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL