Trang 1/3 1 2 3 CuốiCuối
  1. MEM
    Avatar của MEM
    Báo Thanh Niên Online có đăng loạt bài về những vở diễn để đời. Theo MEM, để đời là những vở hay về nội dung và được khán giả yêu thích, nằm lòng dù đã nhiều chục năm trôi qua, chứ vở mà khán giả ít có cơ hội xem, hoặc chưa từng xem, hoặc quá mới thì khó mà dùng từ để đời.

    Trong loạt bài theo MEM chỉ có Tiếng trống Mê Linh, Dương Vân Nga có thể gọi để đời. Dễ hơn chút xíu thì Tâm sự Ngọc Hân, Hoa độc trong vườn, Bão táp nguyên phong, Bức ngôn đồ Đại Việt cũng có thể dùng từ này. Chứ Nỏ thần or Thánh Gióng mới đây và độ phổ biến ko cao mà vào danh sách này thì hơi khập khiễng.

    Xin cảm ơn tác giả và xin đăng lại các bài viết cho mọi người cùng tham khảo và chia sẻ.

    ---------------------------------------------------------------------------
    1. Tiếng trống Mê Linh
    2. Nhụy Kiều tướng quân
    3. Câu thơ yên ngựa
    4. Bão táp Nguyên Phong
    5. Lam Sơn tụ nghĩa
    6. Tâm sự Ngọc Hân
    7. Nỏ thần
    8. Bài ca giữ nước
    9. Dương Vân Nga và bản dựng đầu tiên
    10. Hoa độc trong vườn
    11. Thánh Gióng

    ---------------------------------------------------------------------------

    Tiếng trống Mê Linh

    Trong lịch sử sân khấu, có những vở diễn để đời, trở thành chuẩn mực, bởi không chỉ hay về nghệ thuật biểu diễn mà nó còn có ý nghĩa sâu sắc.

    Tiếng trống đồng làm khán giả rơi nước mắt

    NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang trong vở Tiếng trống Mê Linh - Ảnh: T.L



    Năm 111 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế xâm lược Nam Việt, chia ra các quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố… Vở diễn lấy bối cảnh vào năm 40 sau Công nguyên tại Giao Chỉ, thuộc nước ta bây giờ. Ách thống trị tàn bạo của thái thú Tô Định được tác giả Việt Dung và bàn tay đạo diễn Ngô Y Linh xử lý rất khéo. Chỉ bằng cảnh Giỗ Tổ Hùng Vương bị ngăn cấm cũng đủ cho người xem hình dung sự hà khắc, độc đoán trong chính sách cai trị. Bọn quan lại tìm mọi cách hủy diệt văn hóa dân tộc Việt, thản nhiên chà đạp lên tín ngưỡng đối với tổ tiên và luôn vơ vét của cải, công sức của người dân. Tô Định, Tào Uyên, Mã Tắc, Chương Hầu là hiện thân của bốn con vật “rắn, cáo, hổ, khỉ” đại diện cho bọn thống trị thâm độc, gian xảo, hung bạo và xu nịnh. Mỗi hình ảnh, mỗi tính cách đều để lại ấn tượng thú vị khó phai qua diễn xuất của Văn Ngà, Hoàng Giang, Hùng Minh, Bảo Quốc, tạo nên sự tương phản rõ rệt với tuyến nhân vật chính diện.

    Trước tình cảnh ác liệt, những người con đất Việt đã phải đứng lên để đấu tranh, để phá tan xiềng xích áp bức. Đó là Thi Sách, là hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, là Đông Bảng, cụ Đô Trinh, nàng Tía, Lê Chân… Mỗi người có một hoàn cảnh, có xuất thân khác nhau nhưng đều tụ hội dưới lá cờ khởi nghĩa. Và tiếng trống đồng tượng trưng cho hồn thiêng sông núi đã được đánh lên thúc giục lòng người. Giữ được trống đồng là giữ được hồn nước, giữ được bờ cõi. Tiếng trống đã làm khán giả xúc động đến rơi nước mắt. Hóa ra hồn nước thật gần đến vậy!

    “Thề hy sinh giết giặc cứu non sông”

    NSƯT Thanh Nga đã biểu diễn thật xuất thần những đoạn hào khí anh hùng, và uy nghiêm của bà khiến ai cũng kinh ngạc. Bình thường, gương mặt Thanh Nga rất dịu dàng, thậm chí còn phảng phất nét buồn man mác, nhất là đôi mắt đen láy xa xăm như hút hồn người. Không ai tưởng tượng nổi khi bà vào vai Trưng Trắc thì gương mặt ấy lại trở nên uy nghiêm đáng nể, và đôi mắt ánh lên sự mạnh mẽ, căm hờn, còn đôi môi thì hơi mím lại cũng đủ thấy sự quyết đoán kiên cường. Đài từ của bà quá đẹp, từng cái nhấn nhá trọng âm như có sức nặng ngàn cân. Cho nên khi bà cất lên những câu hiệu triệu như thế này thì lập tức khán giả sởn gai ốc, như bừng bừng máu chảy khắp cả châu thân: Hỡi đồng bào trăm họ/Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước/Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang/Thà chết mà đứng thẳng/Không cam chịu sống quỳ/Đất nước Nam cẩm tú/Người dân Nam anh hùng/Trước đền thờ Quốc Tổ/Thề hy sinh giết giặc cứu non sông/Xin thề!
    Người sành cải lương vọng cổ đều biết có khi ca vô bài bản lại dễ hơn nói lối, nói thoại trong cải lương. Đặc biệt những câu nói lối hào hùng kiểu ấy không khéo sẽ bị lên gân. Nghệ sĩ Thanh Nga đã xử lý đẹp không thể tả và mãi sau này chưa có ai đóng vai Trưng Trắc mà nói lối được như bà. Người sành điệu “nuốt” từng chữ của Thanh Nga, mới thấy “đã ghiền”.

    Một lớp diễn rất hay nữa là cảnh tế sống Thi Sách để nghĩa quân nổi trống tấn công Luy Lâu thành. Bi tráng là ở đây. Nước mắt chảy vào trong để giữ cho lòng quân không nao núng, hy sinh thân mình cho đất nước thương yêu. NSƯT Thanh Sang cất giọng lên khiến cả khán phòng lặng phắc. Ông có chất giọng trầm thật buồn nhưng chắc nịch, âm vang như sóng biển bởi ông sinh ra từ vùng biển Bình Định, rồi lưu lạc vô Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày ngày ngồi vá lưới nhìn ra biển ầm ào tiếng vọng quê hương…

    Phu nhân ơi khăn trắng đêm nay sẽ làm trắng khăn tâm sự và ba lạy tạ từ của phu nhân cũng đã trọn tình vẹn nghĩa. Đứng trên giàn hỏa ta nguyện làm mồi cho lửa đỏ để bao chiến sĩ hiên ngang không chậm bước oai… hùng. Lần gặp gỡ hôm nay là lần gặp gỡ sau cùng (…). Phu nhân ơi, sống thác là chuyện đi về, hợp tan là trò dâu bể, tất cả đều không đáng kể, mà điều đáng lo là sự trường tồn của dòng dõi Hùng Vương…

    Lời lẽ trong vở diễn thật giản dị nhưng đầy chất văn học, đã phá tan định kiến của một số người cho rằng cải lương là “quê mùa”, “lạc hậu”. Chưa kể trong lời nói lối của Thanh Nga có tiết tấu và nhịp điệu rất hay, là một cách giáo dục âm nhạc cho lớp trẻ không thua gì tân nhạc. Cho đến bây giờ, Tiếng trống Mê Linh vẫn là một vở diễn vào hàng đẹp nhất của sân khấu cải lương Việt Nam.

    “Đối với tôi, sẽ không bao giờ có một vai diễn nào đẹp hơn Thi Sách và không có một bạn diễn nào ăn ý hơn Trưng Trắc - Thanh Nga. Tôi vốn thích những nhân vật hào hùng như thế, để lớp trẻ thấy cái đẹp khỏe mạnh của cải lương, đừng nghĩ nó là bi lụy, mềm yếu. Đặc biệt những vai tướng là ra tướng, đầy nam tính chứ không ẽo à ẽo ợt. Và lịch sử của dân tộc mình có đủ các sự kiện để mình làm cải lương đầy chất anh hùng ca” - NSƯT Thanh Sang



    Hoàng Kim - Vũ Anh



    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 7 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), DOHOANG (17-05-2014), Dương Thanh Ngọc (05-07-2019), Giang Tiên (17-05-2014), huongle (19-05-2014), linhhueforever (17-05-2014), romeo (22-05-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Mời xem

    Tiếng trống Mê Linh

    http://youtu.be/Sga_a2el_Tw

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (17-05-2014), huongle (19-05-2014), romeo (22-05-2014)

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Nhụy Kiều tướng quân

    Sau hình tượng Trưng Trắc trong Tiếng trống Mê Linh, nhân vật Triệu Thị Trinh trong vở Nhụy Kiều tướng quân làm rung động sân khấu một thời.


    NSƯT Diệu Hiền vai Triệu Thị Trinh - Ảnh: NS cung cấp

    Cho đến bây giờ, NSƯT Diệu Hiền vẫn biểu diễn trích đoạn ấy thường xuyên, bất kể trên mạng đầy những clip của bà. Bởi có nghe giọng ca trực tiếp của Diệu Hiền mới thấm đẫm cái bi tráng của người nữ tướng.

    NSƯT Diệu Hiền không có nét dịu dàng mềm mại như các cô đào khác, cho nên thế mạnh của bà là đóng đào võ. Cũng bởi chất giọng sang sảng khỏe khoắn như chuông đồng, nhưng vẫn pha chút bi ai khắc khoải, cất lên là rung chuyển cả sân khấu. Vì vậy, vai Triệu Thị Trinh dường như đo ni đóng giày cho bà, để đời một hình tượng nữ tướng oai hùng.
    Năm 43, Hai Bà Trưng tuẫn tiết thì nước ta lại tiếp tục rơi vào ách thống trị của phương Bắc. Năm 226, khi Triệu Thị Trinh ra đời tại quận Cửu Chân (tỉnh Thanh Hóa ngày nay), Giao Chỉ do nhà Đông Ngô quản lý, mà tên tuổi của vua Đông Ngô chính là Tôn Quyền ắt không xa lạ với những ai mê Tam quốc chí. Anh em Triệu Thị Trinh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nương tựa nhau để sống và người anh là một hào trưởng ở vùng núi Quan Yên (thuộc tỉnh Thanh Hóa). Cho nên, Triệu Thị Trinh được rèn luyện võ nghệ từ rất sớm, không an phận như những cô gái thời bấy giờ. 22 tuổi, bà bàn với anh phất cờ khởi nghĩa. Câu nói nổi tiếng của bà đã được đem vào kịch bản của Hoàng Anh Chi: “Ta chỉ thích cưỡi cơn gió mạnh đạp luồng sóng dữ, chém cá kình giữa biển khơi, chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”.

    Vai diễn và câu hát sống cùng năm tháng

    Hai anh em bà từ căn cứ Núi Nưa đã tiến quân chiếm lại cả vùng đất Cửu Chân. Không may người anh chết sớm, nghĩa quân tôn bà làm chủ tướng và gọi bà là Nhụy Kiều tướng quân, bởi khi ra trận bà thường mặc áo giáp vàng, cài trâm vàng, cưỡi voi chiến ào ào xông lướt, bắn cung bách phát bách trúng khiến quân thù khiếp sợ. Sau, Tôn Quyền sai đại quân sang đánh, bà cầm cự được 5 - 6 tháng rồi tuẫn tiết lúc mới 23 tuổi.

    Vở diễn Nhụy Kiều tướng quân chỉ thể hiện giai đoạn bà Triệu còn trẻ, rồi bắt đầu khởi nghĩa và chiến thắng quân thù. Như vậy vừa đủ để khán giả thấm thía một thời đại hào hùng, ngưỡng mộ một lớp trẻ dũng cảm, để còn dư âm trong gió tiếng voi hí, quân reo, dư âm của một bản anh hùng ca được viết trên mảnh đất khiêm nhường nhỏ bé. Cái hay của cải lương là ở chỗ đó, luôn dừng lại ở âm ba chiến thắng, để người ta còn sức mà tiếp tục đứng lên. Y như cái chết của tướng quân Lê Minh trong đoạn cuối kịch bản, chết đứng chứ không gục ngã trước gươm giáo quân thù. Nhân vật Lê Minh do Hoài Thanh đảm nhiệm. Lúc ấy Hoài Thanh vừa đẹp trai vừa có giọng ca trầm bổng điêu luyện, mặc áo giáp vào bỗng trở nên xứng đôi với Diệu Hiền một cách bất ngờ. Lê Minh và Triệu Thị Trinh vốn là đôi bạn thanh mai trúc mã từ thời thơ ấu, lớn lên cũng có chút mơ mộng tuổi xuân, nhưng vì nhiệm vụ cấp bách là đánh giặc nên đã tạm gác tình riêng chờ ngày chiến thắng. Triệu Thị Trinh đã trao trọng trách làm phản gián cho Lê Minh trà trộn vào hàng ngũ địch. Buổi tiễn đưa với chén rượu vừa ân cần của một chủ tướng, vừa e ấp của một người bạn gái, khiến người xem xao xuyến.

    Nhưng lớp diễn cuối cùng thì mọi cảm xúc của nghệ sĩ lẫn khán giả như vỡ òa ra. Lê Minh bị quân địch phát hiện, chiến đấu anh dũng trong vòng vây, rồi chết trong tư thế đứng thẳng. Khi Triệu Thị Trinh đến chỉ còn kịp vuốt mắt người bạn và cất lên câu vọng cổ xé lòng bao thế hệ khán giả: “Lê Minh ơi ngày đưa tiễn năm xưa ta có hẹn khúc khải hoàn ca uống chung rượu đào để thưởng công người dũng tướng. Sao người vội vã bỏ ra đi khi lửa đao binh vừa tắt lịm chốn sa... trường. Đất trời cửa Diên An sao trĩu nặng căm hờn. Chiến công thầm lặng của người anh quý mến, sao ta nghe như có nụ cười hòa nước mắt ở lòng ta. Da ngựa bọc thây cơn quốc biến. Anh hùng hồ thủy vẹn tình trai. Xin hãy cho tôi vài phút giây nín lặng. Vuốt mặt người trai son sắt vẹn câu thề”.
    Đến đây thì khán giả phải khóc. Cuộc chiến nào cũng có đau thương mất mát, nên nước mắt là chuyện thường tình. Nhưng màu sắc bi tráng của vở diễn đã không làm người ta ngã quỵ, mà cùng xốc dậy cùng Triệu Thị Trinh tiến công thành lũy... Nghệ sĩ Diệu Hiền lại cất giọng đồng sang sảng, cánh màn nhung sân khấu khép lại một trang sử vàng tuyệt đẹp...

    NSƯT Diệu Hiền kể : “Tôi vốn đau tim rất nặng, một lần nọ thức suốt mấy đêm liền vì quá đau, cả người không dậy nổi. Mà đã đến ngày tôi phải đi diễn, vai Nhụy Kiều tướng quân ca nhiều, vũ đạo cũng không ít, tôi lo lắng vô cùng. Thế rồi trong cơn đau tôi buột miệng: “Bà Triệu ơi, bà có thiêng thì cho con khỏe lại để con đi diễn vai của bà, vì con rất yêu nhân vật ấy. Còn nếu không thì cho con chết luôn đi chứ đau quá con chịu hết nổi rồi”. Và tôi thiếp đi. Nhưng vừa chợp mắt tôi liền thấy có một bóng người nữ, mặc áo giáp như tướng quân, đứng cạnh cửa sổ nói với tôi: “Con khỏe lại mà, khỏe lại mà!”. Tôi choàng tỉnh. Lạ sao, mọi cơn đau biến đâu hết, cứ như tôi biến thành một người khác. Tôi lại đi diễn bình thường. Tôi tin vào tâm linh mầu nhiệm này, và tôi thường thắp nhang tri ân Bà Triệu”.

    Hoàng Kim - Vũ Anh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (17-05-2014), huongle (19-05-2014), linhhueforever (17-05-2014), romeo (22-05-2014)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    MỜI XEM

    Trích đoạn Nhụy Kiều tướng Quân

    http://youtu.be/AsyXYCUOwjU

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (17-05-2014), huongle (19-05-2014), linhhueforever (17-05-2014), romeo (22-05-2014)

  9. MEM
    Avatar của MEM
    Câu thơ yên ngựa

    Là vở tuồng cổ thuộc hàng kinh điển, kể lại một trong những giai đoạn lịch sử hào hùng nhất của dân tộc: thời nhà Lý, với cuộc chiến chống quân Tống vang danh ở sông Như Nguyệt (sông Cầu).


    NSƯT Thành Lộc vai Lý Đạo Thành, nghệ sĩ Bạch Lê vai Thượng Dương Hoàng hậu trong bản dựng Câu thơ yên ngựa của đạo diễn Vũ Minh - Ảnh: H.K



    Lý Thường Kiệt trưởng thành đúng giai đoạn nhà Lý vừa lên trị vì chưa bao lâu, tuy vua tài tướng giỏi nhưng vẫn còn nhiều nội loạn do chưa quy phục. Cha của ông là Thái úy đời vua Lý Thái Tông, đến lượt ông cũng được vào hầu vua với vai trò nội thị. Rồi Lý Thái Tông băng hà, Lý Thánh Tông lên ngôi, Lý Thường Kiệt càng được tin cậy giao cho nhiều trọng trách, thu phục các châu huyện chung quanh, theo vua thu phục Chiêm Thành giữ yên bờ cõi. Khi Lý Thánh Tông mất, Lý Nhân Tông lên thay lúc mới 7 tuổi (năm 1072), với sự nhiếp chính của Thái hậu Ỷ Lan thì Lý Thường Kiệt đã nắm quyền Thái úy, binh lực nằm hết trong tay. Như vậy trải 3 đời vua, Lý Thường Kiệt đều là lương đống trụ cột của triều đình và đất nước.

    Năm 1075, nhà Tống đem binh hùng tướng mạnh sang đánh Đại Việt. Thế giặc như vũ bão, cả đường bộ lẫn đường sông. Nhưng chúng không ngờ đi đến đâu đều bị quân của Lý Thường Kiệt đánh tan tác. Trên phòng tuyến sông Như Nguyệt, tương truyền Lý Thường Kiệt đã để lại “bài thơ thần” được đời sau xem như tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước nhà:Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Tên tuổi Lý Thường Kiệt không chỉ đi vào lịch sử quân sự mà còn vào lịch sử văn chương với bài thơ bất hủ ấy.

    Vở Câu thơ yên ngựa kể lại một giai đoạn hào hùng với những nhân vật đan xen nhau trong những rối ren thời cuộc, yêu ghét, chính tà, mạnh yếu, xung đột quyền lợi, chọn lựa, hy sinh... Đằng sau chiến công của Lý Thường Kiệt là số phận đất nước nhưng cũng là số phận của bao nhiêu con người khi họ có quyết định đồng hành với dân tộc hay không. Và câu trả lời muôn thuở vẫn là đất nước trên hết. Tướng quân Lý Ngân bị quân phản gián của địch lừa bằng bức huyết thư giả mạo để chàng ngỡ Lý Thường Kiệt hại cha mình, nên tìm cách trả thù. Tình yêu của chàng và con gái nuôi của Lý Thường Kiệt cũng suýt tan vỡ. Còn Thái hậu Ỷ Lan quyết dẹp hiềm khích cũ để mời cho được Thái sư Lý Đạo Thành trở lại triều đình chung tay chống giặc. Đến lượt Lý Đạo Thành dẹp tình riêng mà xử tội “chị sui” Thượng Dương Hoàng hậu vì đã lầm mưu giặc dẫn sói vào nhà. Rồi cuộc chiến giữa hai người phụ nữ Thượng Dương - Ỷ Lan từng chung một người chồng, làm sao dễ dàng hòa giải... Những ngổn ngang tâm lý, những bức xúc riêng tư đều góp phần làm cho cuộc chiến căng thẳng hơn, chứ đâu chỉ có giặc bên ngoài mới là đáng sợ. Lời của Lý Đạo Thành khiến bao thế hệ sau phải cùng suy ngẫm: Gương xưa trị nước đành dẹp tình riêng lo việc chung. Nếu nay ta đành tự ý tha cho Thượng Dương; toàn dân đảo điên khôn lường, bao thảm họa tóc tang. Ngoại bang lấn sang biên thùy, ta phải trừ diệt đứa gian. Cầu nương nương đừng lay chuyển, lòng thần đã quyết! Không có sự đoàn kết, công tâm sẽ không có chiến thắng. Kịch bản đã tả hết ngần ấy phức tạp chỉ trong hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ, ngồn ngộn chi tiết và kịch tính, thu hút khán giả từng giây từng phút.

    Phải công nhận tài năng của NSND Thanh Tòng khi ông viết kịch bản lẫn đạo diễn vở tuồng này vào năm 1982, cũng không thể không nhớ một thế hệ nghệ sĩ tuồng cổ Minh Tơ quá giỏi, như Thanh Bạch vai Lý Thường Kiệt, Bạch Lê - Ỷ Lan, Trường Sơn - Lý Đạo Thành, Thanh Loan - Thượng Dương... Năm 2010, đạo diễn Vũ Minh dựng lại Câu thơ yên ngựa tại Nhà hát TP.HCM với đầy đủ ê kíp năm xưa từ hải ngoại về, cùng với các nghệ sĩ kế thừa như Thành Lộc, Bạch Long, Xuân Trúc, Tú Sương... đã làm nên chương trình Gìn vàng giữ ngọc hoành tráng và sang trọng. Thanh Bạch vẫn uy nghi như xưa, giọng hát trầm ấm đã làm những “cố nhân” ngồi dưới khán phòng nghẹn ngào cảm động. Bạch Lê nền nã, giọng vẫn đầy đặn lạ kỳ, nghe thật đã tai với cách ngân nga của tuồng cổ. Lý Đạo Thành của Trường Sơn và Thành Lộc cùng đúp vai thì vũ đạo đã thành tuyệt kỹ. Cái thời Trường Sơn còn trẻ, ông làm người ta mê mẩn bái phục vì những cú xoay người, nhảy ghế tập luyện công phu như con nhà võ. Và vợ ông, nghệ sĩ Thanh Loan lại tẩm ngẩm tầm ngầm khắc họa từng cái nhíu mày, liếc mắt để bật lên một Thượng Dương ghen hờn mà kiêu hãnh, trở thành vai diễn để đời của bà. Nhưng lớp diễn đẹp nhất, bi hùng nhất chính là ở phòng tuyến sông Như Nguyệt. Bạch Long, Xuân Trúc đã có đất để thi thố sở trường vũ đạo của mình, khiến khán giả vỗ tay vang dậy.

    Tuồng cổ có thế mạnh về vũ đạo nên dựng lịch sử rất hay. Ngày ấy tôi cũng còn hơi trẻ, nên mê lắm, tìm tòi kịch bản, viết ngày viết đêm cho kịp ra mắt. Viết mà cảm động vì công lao của cha ông mình. Đặc biệt là truyền lại được những bài học lịch sử cho khán giả trẻ là tôi vui lắm. (NSND Thanh Tòng)





    Hoàng Kim - Vũ Anh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 6 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), DOHOANG (17-05-2014), Giang Tiên (17-05-2014), huongle (19-05-2014), linhhueforever (17-05-2014), romeo (22-05-2014)

  11. MEM
    Avatar của MEM
    MỜI XEM

    Trích đoạn
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  13. MEM
    Avatar của MEM
    Bão táp Nguyên Phong

    Sau Câu thơ yên ngựa, đoàn Minh Tơ dựng liền một vở thật hoành tráng và đầy ắp sự kiện lịch sử, khán giả xem mà khâm phục hào khí Đông A thời Trần với ba lần chống quân Nguyên Mông.

    Cảnh trong vở Bão táp Nguyên Phong - Ảnh: Tư liệu

    Vó ngựa Nguyên Mông đã giẫm nát từ Đông Âu tới Trung Đông và Nga, Trung Quốc, Triều Tiên. Đại Việt nằm trong chiến lược xâm chiếm của đế chế Mông Cổ này. Nhưng không ngờ, ngay từ lần đầu tiên (1258) họ đã đại bại. Và thêm 2 lần nữa (1285, 1288) vẫn không khuất phục nổi đất nước nhỏ bé nằm bên bờ biển Đông. Chính 3 lần chống quân Nguyên đã làm rạng danh nhà Trần và đưa tên tuổi Trần Hưng Đạo vào danh sách những danh tướng của thế giới.

    Bão táp Nguyên Phong chỉ khắc họa cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, khi Trần Thái Tông Trần Cảnh mới lên ngôi thay cho nhà Lý được 7 năm (năm Nguyên Phong thứ 7 - Nguyên Phong là niên hiệu của Trần Thái Tông), và lúc ấy Trần Hưng Đạo đang giữ chức Tiết chế. Trong vở này, nhân vật Trần Hưng Đạo không xuất hiện mà chủ yếu xoáy vào các nhân vật Thái sư Trần Thủ Độ, Trần Thái Tông, Thái úy Trần Nhật Duật, tướng quân Phạm Cự Chích, Lê Tần... Bởi chiến lược đánh giặc phần lớn vẫn do Thái sư Trần Thủ Độ và vua Trần Thái Tông chỉ huy.

    Trần Thái Tông là người thao lược, văn võ song toàn, từng thân chinh dẹp loạn nhiều nơi và sang cả đất Tống. Lần này cũng đích thân vua cầm quân, đánh trận đầu tại Bình Lệ Nguyên (tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Nhưng thế giặc quá mạnh, kỵ binh và bộ binh thiện chiến của Mông Cổ với sức vóc kinh người đã từng tung hoành ngang dọc, cho nên vua tôi nhà Trần phải thất trận, để lại tướng quân Phạm Cự Chích anh dũng hy sinh cản đường giặc cho tàn quân chạy thoát. Đến quận chúa Huyền Nga, tộc trưởng Hà Khuất cũng sa vào tay giặc, thà chết chứ không đầu hàng. Trần Thủ Độ lệnh cho triều đình và dân chúng rút khỏi Thăng Long để thực hiện kế hoạch “vườn không nhà trống”, lui về Thiên Mạc ẩn náu bàn kế sách phản công. Và nhân vật Lý Trung xuất hiện, tạo ra kịch tính đồng thời cũng là cầu nối lý giải cho những oan khuất của Trần Thủ Độ. Lý Trung là hậu duệ nhà Lý, căm thù Trần Thủ Độ đã chuyển ngôi cho nhà Trần nên lẻn vào Thiên Mạc ám sát ông. Nhưng Lý Trung bị bắt, và anh có cơ hội được nghe Trần Thủ Độ giãi bày. Phải chăng là lời giãi bày cùng hậu thế, khi ông phải hy sinh họ Lý để bảo vệ trăm họ trước bão táp của Nguyên Mông? Họ Lý suy tàn, mà giặc đang lăm le bờ cõi, nếu nhà Trần không kịp lên thay có lẽ đất nước đã không còn. Trần Thủ Độ chịu tiếng đời nguyền rủa, nhưng sau này lịch sử và nghệ thuật đã “rửa oan” cho ông bằng nhiều tác phẩm rất hay. Bão táp Nguyên Phong đã khắc họa Trần Thủ Độ uy nghi, điềm tĩnh, mưu trí, anh hùng. Câu nói nổi tiếng của ông: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo” đã xốc dậy tinh thần vua tôi nhà Trần, và xoay chuyển thế cuộc một cách ngoạn mục.

    Nhưng đọng lại nhiều nhất trong lòng khán giả là lớp diễn đầu tiên giữa triều đình Đại Việt khi sứ giả phương Bắc sang đe dọa, vua quan nhà Trần đều chỉ thẳng mặt chúng mà trả lời không hề nao núng. Lời của Trần Thái Tông mang cả hào khí nước Nam, bừng bừng từng câu từng chữ: Nước Đại Việt ta tuy bé nhỏ, nhưng uy dũng kiêu hùng. Truyền thống của tổ tiên ta bao đời gìn giữ giang san. Chúng ta không khiếp sợ, đừng mong dọa nạt! (...) Sứ giả đừng hỗn láo, ta chẳng thể giữ tình. Giữa nơi này vì lễ, giữ hòa khí đôi bên. Nước Đại Việt vang lừng đã mấy ngàn năm, chúng ta không yếu hèn đừng đe dọa hoài công!
    Kịch bản Bão táp Nguyên Phong của Dương Linh và Huỳnh Minh Nhị, nhưng NSND Thanh Tòng và Thanh Bạch đã chuyển thể lại đầy đặn hơn, phù hợp với thể loại tuồng cổ. Sự kiện đầy ắp nhưng được viết gọn gàng, không thiếu những lớp diễn anh hùng lẫn các đoạn trữ tình lãng mạn, thêm một chút màu sắc phản gián do Lý Trung được Trần Thủ Độ thu phục và trở lại làm nội gián đưa bọn giặc vào bẫy. Lứa nghệ sĩ gạo cội của Minh Tơ như Thanh Bạch, Thanh Tòng, Thanh Sơn, Bạch Long, Thanh Loan, Trường Sơn, Ngọc Đáng... đã diễn trong nhiều năm, đến lượt Đài truyền hình TP.HCM và Đài truyền hình Cần Thơ dựng lại mấy lượt nữa với những gương mặt trẻ như Chí Linh, Vũ Luân,Tú Sương, Quế Trân, Hữu Quốc, Lê Tứ, Ngân Tuấn, Vân Hà, Điền Trung, Trinh Trinh, Thanh Thảo, Tô Châu, Trọng Nghĩa... đều hấp dẫn. Kịch bản chặt chẽ, nghệ sĩ ca hay diễn giỏi, bài học lịch sử cảm động, xứng đáng để sân khấu ghi công.

    “Vở này rất nhiều tình tiết phong phú, tôi ước gì được chuyển thể thành phim truyện. Diễn xong tôi thấy lòng tự hào dân tộc nhiều hơn. Đoạn Huyền Nga bị giặc giết, tôi diễn mà khóc thật luôn. Chúng tôi là lớp nghệ sĩ trẻ, cần có những kịch bản như thế để hun đúc tinh thần khán giả. Nghệ sĩ phải đồng hành với xã hội và cũng có “mặt trận” cho mình làm nghĩa vụ công dân chứ” - Nghệ sĩ LÊ TỨ

    Hoàng Kim - Vũ Anh
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), DOHOANG (17-05-2014), huongle (19-05-2014), romeo (22-05-2014)

  15. MEM
    Avatar của MEM
    MỜI XEM

    Trích đoạn
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

  17. MEM
    Avatar của MEM
    Lam Sơn tụ nghĩa

    Có nhiều kịch bản sân khấu liên quan đến người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi nhưng thường chỉ xoay quanh vụ án Lệ Chi Viên, duy có vở Lam Sơn tụ nghĩa rất được yêu thích trên sóng truyền hình những năm 80 thế kỷ trước là thể hiện giai đoạn Nguyễn Trãi và Lê Lợi “đi tìm nhau” để cùng nuôi chí lớn.



    Linh Châu vai Nguyễn Trãi, Thanh Tòng vai Lê Lợi trong Lam Sơn tụ nghĩa - Ảnh: T.L


    Nhà Trần trị vì được 175 năm, sau bị Hồ Quý Ly soán ngôi. Hồ Quý Ly tại vị chỉ 7 năm, rồi đất nước bị quân Minh xâm chiếm. Hồ Quý Ly và nhiều triều thần bị bắt giải sang Trung Quốc, trong số đó có Nguyễn Phi Khanh - cha của Nguyễn Trãi. Nguyễn Phi Khanh là Hàn lâm học sĩ thời nhà Hồ và Nguyễn Trãi là Thái học sinh, đều là bậc văn tài mưu trí.

    Nguyễn Trãi bị tướng Minh là Trương Phụ ra lệnh giết, nhưng Thượng thư nhà Minh là Hoàng Phúc tiếc tài ông, nên giam lỏng ở Đông Quan để dụ hàng, mong ông ra phục vụ nhà Minh. Nguyễn Trãi nhất quyết không theo, ngày ngày nhẩn nha làm thơ, dạy học, nhưng vẫn âm thầm viết binh pháp và chiến lược chống Minh, chờ thời cơ tìm được chủ tướng để cùng khởi nghĩa.

    Lê Lợi bấy giờ cũng nuôi chí kháng Minh, khoác vỏ ngoài là một hào trưởng khai phá đất đai, trồng lúa, nuôi người, nhưng kỳ thực là để tập hợp lực lượng, dựa vào đất Lam Sơn (Thanh Hóa) làm căn cứ địa. Lê Lợi cũng nghe danh Nguyễn Trãi, sai người đi tìm ông về để hợp sức. Có thể nói, duyên may gặp gỡ giữa Nguyễn Trãi và Lê Lợi là một trong những yếu tố then chốt làm nên thành công của khởi nghĩa Lam Sơn.

    Kịch bản đã viết thật chi tiết về cuộc gặp gỡ giữa hai người, dĩ nhiên có thêm những hư cấu để hấp dẫn, nhưng cốt lõi là đưa được Nguyễn Trãi và Lê Lợi đến với nhau trong những nỗi niềm khắc khoải trước vận nước, trong những thăm dò, đánh giá, rồi mới dám tin cậy, hết lòng. Vai Nguyễn Trãi do nghệ sĩ Linh Châu đóng đã ra được cái chất tài hoa lịch lãm nhưng cũng đầy khảng khái, anh hùng. Linh Châu vốn có giọng ca đầy đặn và nét diễn chững chạc, nên anh thường vào những vai chí sĩ hoặc võ tướng chính diện. Những câu thơ của Nguyễn Trãi được Linh Châu cất giọng ngâm nghe mà rung động. Rất nhiều bài thơ được lồng vào kịch bản, là cơ hội để khán giả được thưởng thức lại văn tài của Ức Trai tiên sinh. Những vần thơ Nôm cứ lấp lánh như sao Khuê trên bầu trời văn học, lần này lại làm đẹp cho kịch bản, người xem thấm đẫm trong một cảm xúc thẩm mỹ. Nhưng thơ ấy cũng chứa đựng chí của con giao long muốn bay ra biển lớn, chỉ là ẩn nhẫn nằm chờ xem ai là đồng điệu.

    “Ba tám xuân rồi xuân thấy đâu - Cành xuân Đinh Dậu chẳng tươi màu - Thù nhà nợ nước hai vai nặng - Lưới giặc khôn giằng cánh hải âu”
    “Năm canh thổn thức lòng Câu Tiễn - Sáu khắc thù nhà tóc Ngũ Viên - Song sách Bình Ngô chưa thấy chúa - Mài son dạy trẻ đã mòn nghiên”


    Còn Thanh Tòng vào vai Lê Lợi, Kim Tử Long vai Trần Nguyên Hãn, đều oai phong lẫm liệt. Bên cạnh đó là Lê Sát, Lê Lai, Lê Thạch, Phạm Văn Xảo, Lê Văn Linh… được thể hiện qua dàn diễn viên giỏi như Trọng Nghĩa, Tô Châu, Khánh Tuấn… đủ để làm nên một Lam Sơn bừng bừng lửa dậy. Và những cô đào nổi tiếng như Tài Linh, Thoại Mỹ, Ngọc Đáng… vào những vai hư cấu như nàng Hạnh, nàng Hoa, bà chủ quán nơi bến đò… để làm nên một phông nền dân dã mềm mại cho những nghĩa binh mạnh mẽ kia. Đó cũng là những quần chúng bị quân Minh áp bức, một lòng nổi dậy khởi nghĩa. Kháng chiến phải dựa vào dân, cho nên kịch bản khá đông diễn viên quần chúng, tạo được không khí sôi sục, căm hờn.

    Thật sự Lê Lợi lúc ấy trong tay có rất ít quân nên ông rất dè dặt, ẩn mình, có khi chỉ dám lấy vàng ra chuộc những người dân bị quân Minh bắt bớ, và tâm sự của ông cũng khắc khoải như lòng dân Đại Việt. Ôi ta nhớ lại tháng ngày mơ nghiệp lớn, ngựa trắng gươm vàng rong ruổi khắp non sông. Cờ tung bay Ngô tặc hãi hùng, quỳ mọp xuống xin dâng thành trả đất. Hết tủi nhục bao tanh hôi gội sạch, trên dưới ấm no rạng rỡ ánh bình minh. Giữa trời Nam ngự trị ngọn cờ Nam, thỏa chí làm trai thời nước nạn. Tình hình đó khiến Trần Nguyên Hãn bức xúc muốn bỏ đi, muốn nổi loạn. Con nhà võ như Nguyên Hãn chỉ muốn múa gươm đánh trận ngay lập tức. Nhưng Nguyễn Trãi thì khác, ông đủ bình tĩnh như Lê Lợi để nhìn ra cục diện và cũng dư mưu trí để bàn luận chiến lược lớn hơn.
    Thế là Bình Ngô sách của ông đã được Lê Lợi tin dùng với chủ trương Nhân nghĩa là gốc, trí dũng là cành, bạo tàn tất bại, nhân nghĩa tất thành. Đại nghĩa chí nhân là vì dân trừ bạo. Ngọn cờ Lam Sơn đã phất cao nơi hội thề Lũng Nhai, kết thúc vở với dư âm hào hùng, tất thắng.

    Kịch bản của Nguyễn Xuân Trâm - Trần Huyền Trân, được NSND Thanh Tòng chuyển thể rất ngọt với một phong cách cải lương thuần Việt, không mang hơi hướng tuồng cổ chút nào, và thiết kế nhiều bài lý, bản vắn gần gũi với khán giả, rất thuận lợi để đạo diễn Yên Sơn dàn dựng nên một vở diễn hay.

    “Một thời chúng ta có những tuồng sử rất hay, tôi được đóng nhiều vai như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trung Trực... lòng rất tự hào. Bởi cha ông mình anh hùng quá. Và đóng vai tướng thì mình được diễn oai phong, dõng dạc, thích hơn những vai yểu điệu”. (NSƯT Kim Tử Long)


    Hoàng Kim - Vũ Anh


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 5 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (22-05-2014), DOHOANG (17-05-2014), Giang Tiên (22-05-2014), huongle (19-05-2014), Thuong Tran (22-05-2014)

  19. hoangduyvu
    Avatar của hoangduyvu
    Báo mới đăng tuồng Dương Vân Nga, đăng tuồng của Ngọc Giàu, Bạch Tuyết mà đi ca ngợi Thanh Nga đúng là bó tay với nhà báo!!!!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 2 Users Say Thank You to hoangduyvu For This Useful Post:

    Giang Tiên (22-05-2014), romeo (22-05-2014)

Trang 1/3 1 2 3 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL