1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    NS Minh Cảnh nhập viện điều trị căn bệnh thận và tim tại một thành phố nhỏ thuộc tiểu bang Texas. Đông đảo khán giả mộ điệu là kiều bào sinh sống tại đây đã vào bệnh viện để thăm hỏi, động viên danh ca ở tuổi 75.
    Nghệ sĩ Minh Cảnh Em, người thân cận bên cạnh nghệ sĩ Minh Cảnh cho biết “Anh tôi đang vào thời kỳ điều trị dưới sự chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa. Nhiều nghệ sĩ đồng nghiệp đã đến thăm và xúc động vì thấy anh hai tôi xuống sắc quá nhanh. Cầu mong cho anh mau chóng vượt qua căn bệnh này”.

    Sinh năm 1939, thân phụ của Minh Cảnh là người quê ở Quảng Bình và Saigon làm phu đạp xe xích lô, sau khá hơn ông làm tái xế taxi. Mẹ của nghệ sĩ Minh Cảnh buôn gánh bán bưng. Theo lời kể của Minh Cảnh thì mẹ anh sinh đến 20 lần, mất đi 12 đứa con vì bệnh, còn lại 8 người con mà Minh Cảnh là lớn nhất.

    Đến năm 11 tuổi, Minh Cảnh về sống với bà Ngoại và Dì Ba ở góc đường Nguyễn Thiệt Thuật và Phan Thanh Giản. Minh Cảnh theo các bạn nghèo, đi bươi rác, lượm chai không, nylon và giấy vụn để bán lại cho các bà đi mua ve chai, buổi trưa và tối thì đi bán bánh cam, chuối chiên để kiếm tiền về phụ với gia đình.

    Minh Cảnh lấy hàng của chị chiên chuối chiên sau nhà nghệ sĩ Út Trà Ôn ở đường Phan Thanh Giản. Trong khi chờ lấy hàng, Minh Cảnh nghe trong nhà tiếng hát máy hát những bài ca vọng cổ, anh học theo để ca nghê ngao trong những lúc buồn.

    Nghe riết rồi thuộc lòng, anh đâm ra ghiền nghe giọng ca vang lộng của thần tượng Út Trà Ôn, giọng ca ai oán não nùng của sầu nữ Út Bạch Lan và giọng ca êm dịu mùi mẫn của giọng ca vàng Hữu Phước.

    Đến năm 15 tuổi, Minh Cảnh theo cha mẹ về ở đường Phạn Thế Hiển, ở quận 8. Ông thợ hớt tóc tên Sĩ, ở gần nhà anh, ông biết đờn cổ nhạc nên dạy cho Minh Cảnh ca vọng cổ và các bài bản cải lương.

    Nhân ngày giổ Tổ 12 tháng 8 âm lịch năm 1960, Minh Cảnh đi bán bánh ú tôm thịt ở bến xe gần rạp hát Aristo đường Lê Lai, gần ga xe lửa Saigon. Minh Cảnh quen với anh Được, nhạc sĩ đàn violon trong ban cổ nhạc đoàn hát Kim Chung nên được anh Được dẫn vào gánh hát chơi.

    Minh Cảnh cũng thắp nhang lạy Tổ như các diễn viên trong đoàn hát và được cho ở lại ăn uống sau lễ giỗ Tổ. Mặc dầu Minh Cảnh lúc đó đã được 21 tuổi nhưng anh ốm đói thường trực nên vóc người nhỏ xíu như một đứa trẻ 11 hay 12 tuổi thôi.

    Trong tiệc rượu sau lễ cúng Tổ, anh Được giới thiệu Minh Cảnh ca sáu câu vọng cổ “Lá thư người chiến sĩ”. Anh Được đờn violon, Ngọc Sáu đờn cò, Bảy Trạch đờn kim. Mọi người có mặt trong cuộc tiệc đề vỗ tay khen hay. Nhạc sĩ đờn cò Sáu Xíu giới thiệu giọng ca của Minh Cảnh với ông bầu Long.

    Nghe Minh Cảnh ca sáu câu vọng cổ, ông bầu Long chấp nhận cho Minh Cảnh vào đoàn hát, lương đêm bốn chục đồng và ký hợp đồng 20.000 đồng trong hai năm.

    Chỉ giọng ca lạ, luyến láy êm dịu, một em bán bánh cam ở đầu đường xó chợ được nâng lên trên sân khấu, với một số lương ngày càng cao mà thời đó bất cứ người công chức nào cũng không thể mơ ước được số tiền lương và hợp đồng cao như Minh Cảnh.

    Nghệ danh Minh Cảnh là do vợ của nhạc sĩ Năm Được đặt cho, mỹ danh thần đồng Minh Cảnh là do ký giả Nguyễn AnHCa vì thấy Minh Cảnh nhỏ như một trẻ nít nên tặng mỹ danh thần đồng cho Minh Cảnh mặc dù lúc đó anh đã được 21 tuổi.
    NS Minh Cảnh trong cơn bạo bệnh

    Nghệ Sĩ Minh Cảnh chưa hề được đào tạo nơi một trường nghệ thuật chánh quy nào, chưa phải đã theo học hát theo một trình tự làm quân hầu, kép con, kép cạnh rồi mới đến kép mùi, kép độc như phần đông các nghệ sĩ tiền phong đã trải qua.

    Minh Cảnh vào đoàn hát, đầu hôm sớm mai, chỉ biết ca rành sáu câu vọng cổ là một bước trở thành kép chánh, kép ca. Tình trạng nầy phổ biến trong thập niên 60 mà báo chí gọi là Kép ca đá kép diễn.

    Thời gian này nhiều danh ca vọng cổ dù về phương diện diễn xuất còn kém nhưng nhờ hơi ca vọng cổ, đã trở thành kép chánh, đào chánh của đoàn hát, trong khi đó thì các diễn viên với tài diễn xuất bậc thầy lại phải lui về hàng thứ hai hay thứ ba trong dàn đào kép của đoàn hát.

    Thậm chí có người đổi nghề như mở quán cà phê, tiệm uốn tóc hay làm giáo sư kịch nghệ hoặc làm việc lồng tiếng việt cho các phim ngoại quốc. Đó là những tài danh sân khấu như Năm Châu, Kim Cúc, Bảy Nhiêu, Ba Thâu, Văn Lâu, Tám Lắm, Văn Lang..

    Minh Cảnh đến Mỹ cách đây 8 năm, định cư tại Texas và tham gia nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ do cộng đồng người Việt tổ chức. Cách đây một năm con trai của ông là ca sĩ Thái Sơn qua đời do bị cố sát. Ông tâm sự chân thành.

    “Nỗi đau lớn nhất cuộc đời tôi là ngày con tôi qua đời tôi không có mặt nhìn con lần cuối”. Khán giả mộ điệu và bạn bè đồng nghiệp đều cầu nguyện nghệ sĩ Minh Cảnh nhanh chóng vượt qua nỗi đau thể xác để sớm quay lại sàn diễn.


    NHƯ LAN
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 5 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    DOHOANG (23-07-2014), Koala (24-07-2014), linhhueforever (23-07-2014), MEM (23-07-2014), romeo (23-07-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Nhìn chú ốm quá! Mong chú mau khỏi bệnh!
    Hồi đó giờ nghe ca đã khoái giọng chú, bữa nghe anh Lê Tứ phân tích mới thấy sự thượng thặng trong kỹ thuật ca của chú. Một nghệ sĩ tài danh với làn hơi tuyệt diệu và kỹ thuật ca thượng thừa!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (23-07-2014), linhhueforever (23-07-2014), romeo (23-07-2014)

ANH EM CHANNEL