Trang 2/2 ĐầuĐầu 1 2
  1. Duongtonhu
    Avatar của Duongtonhu
    13 nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia giờ ra sao?

    Chương trình Đường lên đỉnh Olympia đã ghi danh 13 gương mặt xuất sắc giành vòng nguyệt quế. Hiện tại, họ đều đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống.

    9h30 ngày 3/8, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14 sẽ diễn ra. Trước thềm trận đấu quan trọng này, cùng điểm lại cuộc sống hiện tại của 13 nhà vô địch Olympia từ 2000 đến 2013.

    Ba cô gái từng vinh dự đội vòng nguyệt quế

    Trong suốt 14 năm chương trình Đường lên đỉnh Olympia được tổ chức, chỉ có 3 cô gái từng dành được vòng nguyệt quế chiến thắng. Hiện tại, họ đều đạt được những thành công nhất định cho bản thân mình.
    Trần Ngọc Minh tham gia chung kết Đường lên đỉnh Olympia khi là học sinh lớp 12 THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long). Cô cũng là nhà vô địch đầu tiên của cuộc thi này vào năm 2000.


    Trần Ngọc Minh hạnh phúc trong ngày cưới (Ảnh: Trí Thức Trẻ).
    Sau chiến thắng, Ngọc Minh lên đường đi du học tại ĐH Swinburne, Australia. Cô gái này đã chứng tỏ được tài năng của mình khi hoàn thành xuất sắc chương trình kỹ sư chuyên ngành viễn thông và công nghệ thông tin và là một trong số ít những người tiếp tục nhận được học bổng toàn phần cho chương trình đào tạo bậc tiến sĩ chuyên ngành mạng thông tin của ĐH Kỹ thuật Swinburne.
    Ngoài việc học ở trường, Minh còn là giám đốc tiếp thị cho Open Your Hearts - một tổ chức từ thiện chuyên giúp đỡ trẻ em tàn tật, bất hạnh. Một trong những dự án hiện nay của nhóm là quyên góp giúp đỡ cho trẻ em Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam.
    Sau khi nhận bằng tiến sĩ, Ngọc Minh cũng làm việc cho một công ty về lĩnh vực viễn thông tại Australia. Tháng 1/2013, Ngọc Minh vừa làm đám cưới sau khi mọi công việc và học tập đã ổn định.
    Mùa thứ 3 của chương trình Đường lên đỉnh Olympia tiếp tục ghi danh một người đồng môn của Ngọc Minh trên đỉnh vinh quang. Đó là cô gái Lương Phương Thảo cũng đến từ THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long.


    Lương Phương Thảo (Ảnh: Tuổi trẻ).
    Ngay sau khi đạt được giải thưởng cao nhất của chương trình cô đã quyết định chọn ngành học là kinh doanh quốc tế và marketing ĐH Monash (thành phố Melbourne, Australia).
    Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành marketing tại ĐH Monash, Melbourne. Năm 2011, Phương Thảo về nước và làm ở một công ty quảng cáo tại TP.HCM. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là nhà vô địch duy nhất của chương trình đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
    Cô gái thứ 3 từng đạt được vòng nguyệt quế trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia đó là Phạm Thị Ngọc Oanh đến từ THPT Tiên Lãng, Hải Phòng với 230 điểm.


    Phạm Thị Ngọc Oanh (Ảnh: swinburne.edu.vn).
    Hiện tại, nhà vô địch năm thứ 11 là cử nhân thương mại (kế toán và tài chính) của ĐH Swinburne. Ngọc Oanh từng chia sẻ chiến thắng chương trình và giành được suất học bổng là bước ngoặt rất lớn trong cuộc đời mình. Sau khi tốt nghiệp, cô mong muốn làm việc ở Melboune (Australia) 2 năm có thể tích lũy kinh nghiệm và xin học bổng học thạc sĩ tại Mỹ.
    MC 'Đường lên đỉnh Olympia' ngày ấy - bây giờ Với chặng đường 14 năm, sân chơi gắn bó với nhiều thế hệ học sinh vào mỗi chủ nhật hàng tuần cũng xuất hiện nhiều gương mặt người dẫn chương trình ấn tượng.
    10 chàng trai quán quân thành đạt
    Sau Trần Ngọc Minh, nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 2 làPhan Mạnh Tân (THPT Năng khiếu Hà Tĩnh, Hà Tỉnh). Phan Mạnh Tân cũng sớm trở thành sinh viên của ĐH Swinburne.


    Phan Mạnh Tân và con trai (Ảnh: Trí Thức Trẻ).
    Sau 12 năm học tập và làm việc tại Úc, hiện tại, Phan Mạnh Tân đã lập gia đình và ổn định cuộc sống và có hai con. Vợ anh cũng là du học sinh, từng hoạt động chung hội sinh viên Việt Nam ở trường. Nhà vô địch Olympia thửa nào cũng đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ và đã đi làm ở công ty IBM, Melbourne, Australia.
    Còn Võ Văn Dũng vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 4 với 120 điểm khi là học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng đã tốt nghiệp đại học Kỹ thuật Swinburne và đang làm việc trong lĩnh vực kế toán tại thành phố Melbourne (Australia).
    Với 220 điểm Đỗ Lâm Hoàng (THPT Gò Vấp, TP.HCM) đã xuất sắc giành được vòng nguyệt quế năm thứ 5. Cũng như các nhà vô địch khác, Lâm Hoàng theo học tại ĐH Swinburne chuyên ngành ngành kỹ sư công nghệ viễn thông và Internet . Sau khi tốt nghiệp anh cũng chọn Melbourne để làm việc.
    Năm thứ 6, đại diện của THPT Số 1 Bố Trạch, Quảng Bình, Lê Vũ Hoàng đã chiến thắng trong trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia với 170 điểm. Chàng trai này là một trong những nhà vô địch để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.


    Lê Vũ Hoàng (Ảnh: swinburne.edu.vn).
    Tham dự cuộc thi khi mẹ liên tục ốm, nhà lại nghèo không có tiền chạy chữa, nhưng Lê Vũ Hoàng vẫn lần lượt chinh phục các vòng thi và đem về vinh quang cho gia đình.
    Đặt chân đến ĐH Swinburne, Australia, sau khi tốt nghiệpLê Vũ Hoàng tiếp tục học tiến sĩ tại đây. Sau 7 năm, đến hiện tại, chàng trai đến từ Quảng Bình đã lập gia đình vào tháng 2/2013. Cả hai vợ chồng Vũ Hoàng đều đang sống và làm việc tại Australia.
    Năm thứ 7, Đường lên đỉnh Olympia đã trao vòng nguyệt quế cho Lê Viết Hà (học sinh THPT chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi). Sau khi giành suất học bổng trị giá 3500 USD, Hà theo đuổi hai chuyên ngành cử nhân cơ Khí (Robot và cơ điện tử) và cử nhân khoa kọc (Khoa học máy tính và kỹ thuật phần mềm) cũng cùng trường đại học của các nhà vô địch trước.
    Huỳnh Anh Vũ là một trong những nhà vô địch Olympia có điểm số rất cao trong trận chung kết (325 điểm). Cậu học sinh THPT Tăng Bạt Hổ, Bình Định thửa nào nay đã trở thành giảng viên ngành kinh tế tại ĐH Swinburne.


    Huỳnh Anh Vũ (Ảnh: swinburne.edu.vn)
    Cặp đôi đầu tiên nên duyên từ Đường lên đỉnh Olympia Chàng Ngốc ấy chính là một trong 4 gương mặt tham dự chung kết năm thứ ba của "Đường lên đỉnh Olympia". Và cô gái đã chinh phục trái tim anh là người đã lọt vào vòng thi quý - Nguyễn Thanh Xuân.
    Năm 2008, Huỳnh Anh Vũ giành vòng nguyệt quế chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 8, được học bổng vào học tại ĐH Swinburne, Úc. Tháng 6/2012, Vũ tốt nghiệp loại giỏi. Tháng 8/2012, Vũ là 1 trong 2 sinh viên hiếm hoi được giữ lại trường và chính thức tham gia giảng dạy 2 môn kinh tế vĩ mô và kế toán doanh nghiệp.
    Hồ Ngọc Hân (THPT Quốc học Huế) đội vòng nguyệt quế Olympia cùng lúc với tin vui trở thành thủ khoa khối B của ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm 2009.
    Sau khi dành chiến thắng và nhận được suất học bổng tại ĐH Swinbune, Hân rất hạnh phúc vì ước mơ du học từ thửa bé đã thành hiện thực. Sau khi kết thúc khóa học muốn tiếp tục học tiến sĩ để theo đuổi giấc mơ nghiên cứu khoa học.


    Hồ Ngọc Hân (Ảnh cắt từ clip do ĐH Swinburne thực hiện trước khi diễn ra chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 13).
    Chiến thắng Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 10 là Phan Minh Đức, học sinh THPT chuyên Hà Nội Amsterdam với 295 điểm. Sau khi kết thúc cuộc thi, Đức chọn chuyên ngành kinh doanh (Hệ thống thông tin), ĐH Kỹ thuật Swinburne để theo học.
    Sau khi tốt nghiệp, chàng trai này dự định xin học bổng để tiếp tục học lên cao hơn hoặc đi làm để lấy kinh nghiệm trước khi về Việt Nam.


    Phạm Minh Đức (Ảnh: Vietnamnet).
    Quán quân năm thứ 12 của Đường lên đỉnh Olympia Đặng Thái Hoàng(THPT Hòn Gai, Quảng Ninh) từng gây xôn xao dư luận khi cả 4 vòng thi tuần, tháng, quý, năm đều trả lời được ô chữ chỉ sau 2 gợi ý, nay đã trở thành sinh viên ngành xây dựng tại ĐH Swinburne.
    Sau khi có tấm bằng kỹ sư dân dụng theo chương trình học bổng 4 năm, Thái Hoàng dự kiến sẽ học thêm để có bằng tiến sĩ kiến trúc.


    Đặng Thái Hoàng (Ảnh: baoquangninh.com.vn).
    Chàng trai gần đây nhất được vinh dự đội vòng nguyệt quế là Hoàng Thế Anh, học sinh THPT chuyên Bắc Giang.
    Sau một năm từ khi đăng quang cuộc sống của Hoàng Thế Anh có nhiều thay đổi. Chàng trai này tâm sự: "Thay vì học đại học, một năm qua em cũng đã cố gắng ôn luyện tiếng Anh để có thể sớm thực hiện ước mơ du học. Những điều này đều khác so với dự tính của em ngày nhỏ".


    Hoàng Thế Anh (Ảnh: zing.vn).
    Tuy đỗ ĐH Bách khoa nhưng Thế Anh không nhập trường mà dành toàn bộ thời gian cho việc học tiếng Anh từ trung tâm giáo dục và đào tạo Úc ACET. Từng tự nhận bản thân mình học kém nhất môn tiếng Anh, nhà vô địch Olympia tâm sự: “Mặc dù chỉ đạt được điểm thi IELTS 6.5 nhưng em tự cảm thấy đó như là một sự vượt bậc của bản thân, vì chỉ một năm trước thôi em vẫn còn là người gần như không dám và không bao giờ giao tiếp bằng tiếng Anh”.
    Ngày 24/7, nhà vô địch năm thứ 13 cuộc thi đã lên đường sang du học tại Úc, gia nhập cộng đồng Olympia tại ĐH Swinburne.
    Kỳ tích của 4 nam sinh vào CK Đường lên đỉnh Olympia Trận chung kết của chương trình "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 14 với giải thưởng trị giá 35000 USD sẽ là cuộc tranh tài của bốn chàng trai thông minh và cá tính.

    AH (
    Theo baomoi.com)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to Duongtonhu For This Useful Post:

    DOHOANG (03-08-2014), romeo (04-08-2014), THANHDAO (03-08-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Nam sinh Tiền Giang vô địch Đường lên đỉnh Olympia 2014


    Trả lời chính xác ô chữ trong vòng Vượt chướng ngại vật chỉ với một gợi ý, ẵm trọn vẹn điểm ở vòng Về đích, Nguyễn Trọng Nhân đã xuất sắc vượt qua ba đối thủ còn lại để rinh vòng nguyệt quế và suất học bổng du học trị giá 35.000 USD.

    Ngay từ vòng Khởi động, chàng trai đến từ THPT chuyên Tiền Giang Nguyễn Trọng Nhân đã vượt lên các đối thủ trong chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2014 khi đồng dẫn đầu với 70 điểm.

    Ở vòng Vượt chướng ngại vật, Trọng Nhân tiếp tục đẩy điểm số của mình lên cao, tách biệt hẳn với các thí sinh còn lại. Em gây ấn tượng mạnh cho người xem khi trả lời đúng ô chữ chỉ sau một gợi ý. Thời điểm nam sinh đến từ THPT chuyên Tiền Giang bấm chuông xin trả lời ô chữ, rất nhiều khán giả dưới sân khấu cho rằng em quá nóng vội, dễ bị sai sót. Tuy nhiên, với vẻ quyết đoán, điềm tĩnh thường thấy, Trọng Nhân dõng dạc trả lời ô chữ gồm 8 chữ cái, có một gợi ý "1 triệu" là "Biển Đông" (vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có diện tích trên 1 triệu km2).
    Với câu trả lời chính xác ô chữ của vòng Vượt chướng ngại vật, chỉ sau một gợi ý, Trọng Nhân dẫn đầu đoàn "leo núi" với 160 điểm. Ảnh: Quỳnh Trang.


    Cùng bấm chuông giải ô chữ sau gợi ý đầu tiên như Trọng Nhân, nhưng câu trả lời "Trường Sa" không đem về cho Vũ Tiến Đạt (THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Điện Biên) điểm số.

    Kết thúc vòng Vượt chướng ngại vật, Trọng Nhân được 160 điểm. Ở vị trí thứ hai là thủ khoa kép Nguyễn Ngọc Anh 80 điểm, tiếp đó là Tiến Đạt và Hoàng Bách cùng đạt 70 điểm.
    Là thí sinh nhỏ tuổi nhất trong chung kết Olympia 2014 nhưng "cậu út" Hoàng Bách đã thể hiện bản lĩnh của mình khi xuất sắc vươn lên thứ nhì ở vòng Tăng tốc với 170 điểm. Chàng trai trầm tính Trọng Nhân giữ nguyên vị trí đầu bảng với 220 điểm.

    Ở vòng thi Về đích, trong khi ba thí sinh còn lại chọn các gói câu hỏi 60, 80 điểm và sử dụng ngôi sao hy vọng, Trọng Nhân chỉ chọn gói 40. Sự điềm tĩnh và chín chắn tiếp tục mang đến cho chàng trai trầm tính này những câu trả lời chính xác. Ẵm trọn 40 điểm, Trọng Nhân nâng số điểm của mình lên cách xa hai thí sinh thi trước là Ngọc Anh (140 điểm) và Tiến Đạt (90 điểm).

    Với 260 điểm, hơn Hoàng Bách 20 điểm, Trọng Nhân trở thành chủ nhân vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14.
    Nguyễn Trọng Nhân trở thành nhà vô địch Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14. Ảnh:Quỳnh Trang.


    Khóc trong chiến thắng, Trọng Nhân cho biết, em không nghĩ mình có thể đứng trên bục cao nhất của vinh quang. "Giờ phút này em muốn gửi lời cảm ơn đến ba mẹ và các thầy cô, bạn bè đã luôn ở bên chăm sóc, dạy dỗ và động viên để em có được chiến thắng ngày hôm nay", nhà vô địch Olympia nói.

    Nhận xét về ba thí sinh còn lại, Trọng Nhân cho rằng các bạn đã thi rất tốt, đặc biệt là "em út" Hoàng Bách.

    Kỳ thi đại học vừa qua, Trọng Nhân đăng ký vào ĐH Tự nhiên, ĐHQG TP HCM và đạt 24,5 điểm. Phần thưởng cho chiến thắng chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia - suất học bổng trị giá 35.000 USD - đã mở ra con đường du học cho chàng trai có ước mơ thành lập trình viên này.

    "Vòng nguyệt quế trong chung kết năm Đường lên đỉnh Olympia là thành quả xứng đáng cho Trọng Nhân sau quá trình học tập, rèn luyện lâu dài, nghiêm túc, cũng như sự trợ giúp của thầy cô, bè bạn. Chúng tôi rất vui mừng và tự hào về học sinh này của trường", cô Trương Thị Hồng Nhung, Phó bí thư đoàn trường THPT chuyên Tiền Giang, cười rạng rỡ chia sẻ.
    Quỳnh Trang
    Theo VNE


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (03-08-2014), DOHOANG (03-08-2014), Duongtonhu (04-08-2014), romeo (04-08-2014)

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Nhà vô địch Olympia: Ôn luyện... 4.000 câu hỏi trước trận Chung kết

    Nguyễn Trọng Nhân, nam sinh trường THPT Chuyên Tiền Giang vừa trở thành tân Vô địch “Đường lên đỉnh Olympia” 2014. PV Dân trí đã có cuộc phỏng vấn nhanh với nhà Tân vô địch ngay sau khi đăng quang.


    Nguyễn Trọng Nhân đăng quang chức vô địch "Đường lên đỉnh Olympia" 2014

    Chào Nhân, em có thể cho biết cảm xúc của mình lúc này?
    Em cảm thấy rất vui. Em xin chân thành cảm ơn thầy cô, gia đình, bạn bè đã luôn sát cánh cùng em trong suốt cuộc thi.

    Trong cuộc thi chung kết vừa diễn ra, em cảm thấy phần thi nào là khó khăn nhất?
    Em bị áp lực tâm lý ở phần thi Tăng tốc vì trong các vòng thi Tuần, thi Tháng và thi Quý em đều có kết quả không tốt ở phần thi này. Do đó, khi vượt qua được phần thi này, em cảm thấy khá thoải mái.
    Em đã chuẩn bị cho vòng chung kết như thế nào?
    Em thường xuyên lên mạng cập nhật những kiến thức mới và mang tính tổng quát đề có phông nền văn hóa vững chắc cho các câu hỏi về văn hóa, xã hội. Trước vòng chung kết, em tự biên soạn 4.000 câu hỏi tập hợp kiến thức trong SGK và trên mạng để ôn tập.
    Vì sao bố mẹ em không ra Hà Nội để cổ vũ cho em?
    Vì các vòng thi trước em chỉ đi cùng cô của em và đều đạt kết quả rất tốt nên vòng này cũng vậy.

    Nhân đánh giá như thế nào về ba đối thủ cùng dự thi ngày hôm nay?
    Em cho rằng tất cả các bạn đều giỏi. Nhưng em rất tiếc cho bạn Hoàng Bách. Bách rất giỏi song thiếu may mắn.

    Vậy khi Hoàng Bách chọn gói câu hỏi 80 điểm với dự định đuổi kịp em trong vòng thi cuối cùng em có “run” không?
    Dạ không. Bởi vì em nghĩ ai chiến thắng cũng xứng đáng.

    Trong suốt chặng đường dài để đến với chức vô địch, điều gì để lại ấn tượng nhất với em?
    Có lẽ chính là cuộc lội ngược dòng ở cuộc thi Quý đã giúp em có mặt trong vòng chung kết là kỉ niệm khiến em nhớ nhất.


    Trước trận Chung kết, kết quả thi đại học của em như thế nào?
    Em thi đỗ ngành Công nghệ thông tin, ĐH Khoa học Tự nhiên với số điểm 24,5 điểm, khối A1. Kết quả thi đại học đã khiến em có động lực, tự tin để hoàn thành tốt nhất vòng thi chung kết này.

    Sau khi trở thành quán quân Đường lên đỉnh Olympia, em sẽ học đại học ở Việt Nam hay đi du học tại Úc?
    Em sẽ cố gắng học tiếng Anh để chuẩn bị tốt nhất cho việc du học tại Úc. Còn việc có học trường ĐH Khoa học tự nhiên năm đầu tiên hay không thì em cũng chưa quyết định.

    Cảm ơn và chúc mừng chiến thắng của Trọng Nhân!
    Theo Dân Trí

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Alex Huỳnh (03-08-2014), DOHOANG (03-08-2014), Duongtonhu (04-08-2014)

Trang 2/2 ĐầuĐầu 1 2
ANH EM CHANNEL