1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Nghĩa trang và chùa Nghệ sĩ nằm sâu trong con hẻm ở đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM là nơi lui về của nhiều nghệ sỹ với sự vất vả, cô đơn tuổi già.
    Phần mộ của NSND Út Trà Ôn

    Tuổi trẻ tiền nhiều đắm mình trong tửu sắc, giai nhân

    Nghĩa trang, chùa Nghệ sĩ được NSND Phùng Há (cô Bảy chủ gánh hát Phùng Hảo) xây dựng năm 1958.

    Ở thời gian đó, nghệ sĩ Phùng Há đã thấy có nhiều nghệ sĩ khi về già không có nơi nương tựa và khi mất thì phần mộ lưu lạc khắp nơi nên bà thành lập ngôi chùa và nghĩa trang nghệ sĩ này để sau những ánh đèn sân khấu, ánh hào quang danh vọng những người nghệ sĩ trở về đây an nghỉ trả lại cho đời danh lợi, sân si.


    Ngôi chùa được xây dựng trên diện tích hơn 6 nghìn mét vuông đất và dành hơn một nửa để làm nghĩa trang. Tại đây, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng được chôn cất và có một vài người không phải là nghệ sĩ của sân khấu cải lương nhưng có công trong làm từ thiện cũng được nghệ sĩ Phùng Há đưa về.

    Bước vào cổng chùa là tấm biển "không cần danh lợi, sân si". Chỉ cần với câu trên người ta cũng biết ở nơi đây mọi danh lợi, son phấn, ánh hào quang đều được gạt bỏ. Và cuộc đời của người nghệ sĩ khi vào đến đây mọi tiền tài, danh lợi cũng như ánh đèn sân khấu đã lụi tắt hoàn toàn.

    Không chỉ với những nghệ sĩ đã mất mà ngay cả những nghệ sĩ còn sống cũng thế, họ chẳng còn gì ngoài cuộc sống cô đơn.
    Cuộc đời của nghệ sĩ cải lương Phan Văn Yên, sau giải phóng ông lấy nghệ danh là Lý Lắc khiến chúng tôi vô cùng ám ảnh.

    Thăng trầm gần 70 năm cuộc đời, nghệ sĩ Lý Lắc ngồi trầm ngâm nhìn ra khu nghĩa trang với hơn 300 ngôi mộ của các nghệ sĩ cải lương, trong đó có những người cùng thời với ông.

    Kể lại cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình, ít ai nghĩ rằng người đàn ông có tướng khắc khổ, nghèo, gày guộc, từng là một nghệ sĩ hài trong nghệ thuật cải lương của những năm 70 - 80 thế kỷ trước.
    Ông Phan Văn Yên có quê gốc ở Móng Cái, Quảng Ninh. Vào những năm kháng chiến chống Nhật, bố ông rời quê hương đi hơn 2000 cây số vào miền Nam tham gia kháng chiến.

    Tại đây, bố ông lấy vợ và sinh ra ông với cái tên Phan Văn Yên. Đến những năm 60-70, ông Yên thường tham gia vào các gánh hát để đi hát trong đó có nhiều gánh hát nổi tiếng như gánh hát Phùng Hảo, Lý Dạ Hương...


    Ở thời điểm đó, cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người dân Nam bộ. Các gánh hát phát triển rất nhanh với biết bao tên tuổi nổi tiếng như nghệ sĩ Phùng Há, Minh Cảnh, Thanh Nga, Minh Phụng, Bạch Tuyết, Hùng Cường...

    Giới nghệ sĩ cải lương lúc đó giàu có chẳng khác gì những ca sĩ nhạc thị trường thời nay. Xe xịn, nhà lầu, tiêu tiền không phải đắn đo. Ông Yên cũng không ngoại lệ.


    Nhớ về thuở trai trẻ của mình, giọng ông Yên trùng xuống nhưng ánh mắt vẫn sáng lên với bao kỷ niệm tràn về "ngày ấy, chú hát cải lương chỉ ở vai phụ, chú hát cùng với chị Thanh Nga (nghệ sĩ Thanh Nga đã quá cố) chị ấy khó tính lắm nhưng lại rất nhiệt tình giúp đàn em học hỏi và tập trung vào diễn xuất.

    Nhờ đó mà chú phát triển rất nhanh trong nghề hát cải lương. Về sau, chú chuyển sang diễn cải lương hài tấu với các vai diễn vừa mang lại tiếng cười, vừa mang lại giá trị răn dạy.

    Mỗi hợp đồng của chú trong hai năm có giá 2 triệu đồng. Khi ấy vàng chỉ có 12 nghìn đồng/lượng. Tiền nhiều lắm con ơi. Cát sê của nghệ sĩ thường tính theo vàng".


    Khi có những khoản tiền đó, nghệ sĩ Lý Lắc chỉ dành cho ăn chơi. "Có tiền chú đi bar, đi vũ trường, uống rượu xịn, có những chai rượu giá cả trăm nghìn. Không chỉ ăn chơi cho mình, nhiều nghệ sĩ giống như chú cũng chi vài chục nghìn cho một bữa tiệc với nhiều người đẹp ở Sài Gòn.

    Nghề bầu gánh hát và nghệ sĩ hát cải lương lúc đó ở Sài Gòn rất được nhiều người xem trọng và yêu quý".


    Có nhiều tiền, nghệ sĩ Lý Lác không cần lo nghĩ ngày mai sẽ ra sao. Ông chỉ biết mình sống rất sung sướng, tiêu tiền thoải mái. Mẹ ông đi thêm bước nữa với bốn đứa em khác cha ông đều lo cho các em chu đáo. Khi mẹ ốm đau ông không ngần ngại đưa mẹ đi bệnh viện và mua thuốc đắt tiền cho mẹ.

    Chỉ có một điều duy nhất là ông không lấy vợ và có con. Về sau, nhiều bạn bè khuyên ông nên lấy vợ, sinh con nhưng tiền nhiều ông cho rằng vợ con chỉ là phụ.


    Những năm tháng đi ra tận tỉnh Hà Bắc, Hoàng Liên Sơn biểu diễn cho bà con ở ngoài đó xem, ông lại về Sài Gòn mang hết số tiền mình kiếm được ăn chơi. Bài bạc với những nghệ sĩ như ông là điều rất bình thường.

    Ốm đau, nhặt từng đồng bạc lẻ sống qua ngày


    Sang thế kỷ 21, nghệ thuật cải lương không còn nhiều "đất sống" như trước. Đây cũng là thời điểm nhiều nghệ sĩ cải lương khuynh gia bại sản vì muốn gắn bó với gánh hát cũng là lúc các nghệ sĩ như Lý Lác sống vất vưởng với nghề.

    Từ chỗ tiền tiêu không hết họ bắt đầu tính đến chuyện kiếm từng hợp đồng nhỏ lẻ. Từ chỗ họ chỉ làm hợp đồng bằng giá trị của vàng ròng thì bây giờ ai mời hát họ đều hát mà không đòi hỏi nhiều về cát sê phải cao.

    Nghệ sĩ Lý Lắc kể nhiều đoàn hát của ông giải thể và ông cũng sống bất bơ. Các nghệ sĩ khác chuyển sang kinh doanh, làm nghề khác nhưng có những nghệ sĩ không tìm nổi việc làm.

    Tuổi trẻ ăn chơi nhiều, cặp bồ bịch cũng lắm nên chỉ gần 60 tuổi nhiều người xuống sức. Không chỉ lo với nghề, nhiều nghệ sĩ cải lương còn bi bệnh tật đeo bám.

    Nhìn vào đôi tay nhăn nheo với những đường gân xanh nổi cộm trên tay chân mình, ông kể "vài năm trước chú bị tai biến mạch máu não. May mà các bác sĩ cứu được mạng sống.

    Từ đó, lực tàn, hơi kiệt chú không đi hát được. Gia đình không, mẹ già là chỗ dựa cũng qua đời. Chú không có mảnh đất cắm dùi nên lang thang sống nhờ nhà các em cùng cha khác mẹ với mình. Nhưng anh em chú cũng không hòa thuận nên họ không cho người anh đã hết thời, nghèo nàn, ốm yếu ở cùng”.


    Ông tìm đến chùa nghệ sĩ làm công quả. Mỗi tháng, ông được nhà chùa cho 120 nghìn đồng để tiền mua thuốc thang hay chi tiêu lặt vặt khác. Ăn cơm chay của chùa và lộc vương, lộc vãi cũng đủ no. Điều khiến ông buồn đau nhất đó là gặp lại một vài người bạn diễn của mình xưa kia.

    Hàng ngày, nghệ sĩ Lý Lắc nhận công việc cắt cỏ, tỉa cành cho phần mộ của nghệ sĩ nhân dân Phùng Há và làm "hướng dẫn viên" cho những khách đến thăm chùa và thăm nghĩa trang nghệ sĩ. Có khách thương nghệ sĩ họ “gửi” cho một vài chục nghìn đồng.

    Mỗi lần dẫn khách vãng lai đến một ngôi mộ của đồng nghiệp xưa, nghệ sĩ Lý Lắc lại kể về những kỷ niệm của ông với họ một cách tỷ mỉ và lòng nhớ thương sâu sắc.

    Nhìn về những phần đất còn trống trên những khóm cỏ lút cao ngang người, nghệ sĩ hài Lý Lắc của sân khấu cải lương năm nào cho biết "còn ít đất lắm nghệ sĩ nào chết trước thì được chôn còn ai chết sau hết đất rồi thì sẽ được đem thiêu về để ở chùa riêng".

    Phúc Mai
    Nguồn tin: infonet










    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    huynhminhloc (18-12-2014), romeo (18-12-2014)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Đọc hiểu hơn vì sao nghệ sĩ xưa hát tiền muôn bạc vạn mà về chiều lại cô đơn, khó khăn như vậy.

    Người viết ko biết có biết nghệ sĩ ko mà chú thích Phùng Há thay vì Thanh Nga.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Phong_Vũ (18-12-2014), romeo (18-12-2014)

  5. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Nguyên văn bởi MEM
    Đọc hiểu hơn vì sao nghệ sĩ xưa hát tiền muôn bạc vạn mà về chiều lại cô đơn, khó khăn như vậy.

    Người viết ko biết có biết nghệ sĩ ko mà chú thích Phùng Há thay vì Thanh Nga.

    Đã sửa lại hộ tác giả bài viết....Thanks em
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL