1. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc
    Câu chuyện đầu xuân nơi xứ tuyết:

    VỌNG CỔ CÒN NHEN LỬA TRONG TIM

    Bài của soạn giả Nguyễn Phương

    Tết 2015, tôi và các bạn già ở Rosemont (Canada) ngồi nhâm nhi trà, nhắc chuyện đời xưa với nhau. Một ông bạn nói: “Ngày Tết, bạn nào có chuyện vui, kể cho nhau nghe chơi!”
    Một bạn khác hỏi tôi: “Anh Phương, anh đã viết về nghệ thuật hát cải lương tuồng Tàu, tuồng cổ, tuồng xã hội và viết về Hý Khúc Trung Quốc. Sao anh không viết về nghệ thuật sáng tác và ca vọng cổ?”
    – “À, chuyện vọng cổ, hay đó… nhưng tôi muốn nghe kể về cuộc đời của các danh ca vọng cổ hồi xưa, cái thời chỉ cần hát 6 câu cho thật hay là lập tức có ông bà bầu nào đó đến ký contrat cho ca sĩ mua nhà lầu, sắm xe hơi…”
    – “Ôi chuyện dĩ vãng, nhắc làm gì? Nhắc hoài thêm tiếc nuối” (một ông bạn già khác có vẻ chán đời, nói như đang bơi… bơi… trong cơn tuyệt vọng)
    – Tôi nói: “Tôi nhớ câu nói của thi sĩ Émile Zola: “Nhắc lại chuyện xưa, không phải là để gợi lại đống tro tàn mà chính là giữ lại ngọn lửa. (Du passé gardons la flamme mais non pas les cendres). Chúng mình may mắn được sống ở Canada, một nơi xứ lạnh tình nồng. Đời sống của người già được chánh phủ chăm lo, trẻ nhỏ được học hành và xây dựng tương lai, thanh niên đang có sức làm việc thì đều được sống tự do và có cuộc sống sung túc theo khả năng làm việc của mình. Cuộc sống của chúng ta dù là di dân hay tị nạn bọn cộng sản tam vô, chúng ta đều hưởng được quyền lợi như người bản xứ. Vì vậy, tôi nghĩ là người nào đã từng trải qua dĩ vãng đau buồn do bọn cộng sản khát máu gây ra hay người nào biết được thời vàng son dưới chánh thể Việt Nam Cộng Hòa, cũng nên thuật lại hay viết lại cho thế hệ trẻ biết để các cháu hiểu vì sao dân Việt Nam lưu lạc nơi xứ người và các cháu cũng sẽ hiểu được giá trị của cuộc sống trong tự do dân chủ thoải mái hơn nhiều cuộc sống trong chế độ độc tài đảng trị của bọn cộng sản khát máu phản nước hại dân”.
    – “Đang là chuyện bài ca vọng cổ và những giọng ca vàng, sao lại bỗng dưng xen vô cái chuyện thời sự vậy?”
    – “Dạ, tôi xin lỗi! Vì ông Tám đây nói là hãy quên chuyện xưa đi… Mà thôi, theo ý của các anh, tôi nhắc lại chuyện xưa qua một bài vọng cổ hài của ca sĩ Văn Hường. Qua bài ca này, tôi nhớ các đoàn hát, nhớ các bạn nghệ sĩ, nhớ cái khoảnh khắc kinh hoàng mà nghệ sĩ và dân chúng Đô thành phải trải qua trong cái Tết Mậu Thân do cộng sản gây ra. Bài ca đó như sau:

    Táo quân cải lương chầu Ngọc Hoàng

    (Nói lối) Dạ muôn tâu với Thượng Đế, tên thật của con là Trịnh văn Đỏ tự Văn Hường nghệ sĩ, đã mấy ngày trường con quá giang chiếc phản lực vượt chín tầng mây, đến đêm Giao thừa con mới lên được đến đây, xin Thượng Đế cho con được tỏ bày mọi việc…
    Câu 1 / – Thượng Đế ôi! Xin ngài hãy xót thương mà đừng bắt tội, tại sao con là kẻ ở trần gian mà dám lặn lội tới Thiên Đình… Tại vì ở dưới trần gian trong làng nghệ sĩ có nhiều chuyện bất bình… mà đau khổ hơn là Tết Sáu mươi tám (1968) vì tất cả các gánh hát ở dưới dương trần đều hy vọng trong ba ngày Tết mới trả được hết nợ nầng với tiền góp hoặc tiền cô son…ơ… ơ… tiền cô xông + Thế mà chỉ mới hát được có đêm mùng một thì Việt Cộng tấn công súng nổ rầm rầm khắp bốn phương nên tất cả mấy trăm gánh hát, nào là bầu bì soạn giả, đào kép hề họt gì bất kể, ai ai cũng hoảng vía bò càng, chỉ có cách là chun xuống sàn mà Nam Mô vái Tổ…ơ…ơ…
    Câu 2 / – Nhưng cũng may là không có ai thiệt mạng, chỉ có vài gánh tiểu ban, trung ban và đại ban cũng tan rã dần dần… có kẻ thì đi đạp xích lô, có người thì bán phở để trang trải nợ nầng… và đặc biệt có mấy cậu kép trẻ như là Hùng Cường, Tấn Tài, Thanh Sang, Minh Đức, Út Hiền, Bửu Tài, Diệp Lang, Thanh Tú… Ôi thôi nhiều lắm con kể không hết… + Bây giờ họ không còn mặc đồ xi dinh bóng bẩy nữa mà họ lại mặc mỗi người một bộ đồ nhà binh như da beo da cọp, còn tóc thì không có để dài chải tém vắt lỗ tai, mà mỗi người đều đẩy cao gần tới xoáy thượng, còn mặt mày thì nắng gặm đen thui ơ…ơ…
    (Nói lối) Muôn tâu với Thượng Đế, ở dưới trần gian các đoàn hát cải lương hiện giờ không còn được mấy gánh, Dạ Lý Hương thì thường trực ở Đô thành, Thanh Minh – Thanh Nga cũng lành quành Sài Gòn Chợ Lớn, Kim Chung, có gánh thì thẳng trớn đi xa xa, còn Tân Hoa Lan cũng chỉ tà tà gần Đô thị, còn Hương Mùa Thu thì cũng viễn du không xa lắm, nay hát Cà Mau, bữa sau về Châu Đốc, rồi bọc lại Vĩnh Long, cái rồi dông ra Vũng Tàu, rồi nhào lên Đà Lạt, rồi tạt xuống Pleiku, kế u qua Ban Mê Thuộc, rồi tuột xuống Long An, kế mang lên Biên Hòa rồi tà tà về Thủ Đức và trực chỉ xuống…
    Câu 4 / – Đô thành… vì đây là một địa chỉ cao sang và mát mẻ trong lành… nên các gánh kể trên dù có đi ta bà thế giới nơi đâu thì lâu lâu cũng phải về Sài Gòn để ra mắt với bà con, báo chí… + Chỉ tội nghiệp cho gánh Thủ Đô, Út Bạch Lan – Thành Được, Thống Nhứt, Trăng Mùa Thu, Kim Chưởng, Dũng Thanh Lâm phải tạm xếp màn nằm nghỉ, không hiểu họ nghỉ luôn hay còn ngồi dậy được để tranh đua với các gánh hát đương thời….
    Câu 5 / – Còn mấy gánh nhỏ như Thanh Hương – Hùng Minh, Tinh Hoa, Tân Hoa Sen, Thúy Nga và Hoa Phượng – Hà Triều… Sao Ngàn Phương, Trâm Vàng, Phước Chung, Minh Cảnh với Mây Tần… còn nữa… mặc dù mấy gánh hát này coi nho nhỏ vậy mà họ làm ăn đỡ khổ, gánh thì hát ở tỉnh thành, gánh thì lành quàng theo quận, còn có gánh thì đi sâu vào những kẹt hóc cheo leo để giúp vui cho bà con cô bác trong quê nghèo xem giải trí, hễ mỗi chiều nghe tiếng xe ngựa xe lam rải giấy thì ngoài các ông già bà lão và thanh niên thiếu nữ, người ta còn thấy các em nhỏ, đứa thì quần cụt, đứa thì ở trần, đứa thì mặt mày lem luốt cũng chen lần đua nhau xin cho được một tấm chương trình.
    Câu 6 / – Tâu Thượng Đế, còn nói về tuồng tích của các gánh hát cải lương ở dương trần năm nay thì con còn nhớ mấy tuồng hay như Đôi Nhân Tình Khùng thì hùng hồn hơn Gái Nhảy, mà Gái Nhảy thì chạy trước Tuyệt Tình Ca, mà Tuyệt Tình Ca lại qua mặt Người Nhạn Trắng, mà Người Nhạn Trắng lại bay trước Thảm Kịch Tuổi Xanh, Thảm Kịch Tuổi Xanh lại bò nhanh hơn Bọt Biển, mà Bọt Biển lại chiến hơn Nữ Hoàng Về Đêm, Nữ Hoàng Về Đêm lại êm hơn Trường Kịch, mà Trường Kịch lại xê xích với Lệnh Của Bà, Tâu Thượng Đế, + Mấy tuồng con vừa kể qua đều hay tất cả nhưng chỉ có tuồng Bốn Thằng Trời Đánh thì con sợ chạm tới Ngọc Hoàng… + Còn nói về hãng dĩa dưới trần năm nay thì ối thôi nhiều lắm nhưng chỉ có một hãng dĩa tối tân nhứt mới ra đời đó là hãng dĩa Capitol, vậy mỗi năm con báo cáo với Ngọc Hoàng, những gì con thấy dưới tận trần gian.

    (Tôi tiếp tục câu chuyện với các bạn già của tôi)
    “Qua bài vọng cổ hài của nghệ sĩ Văn Hường, người ta nhớ lại Tết Mậu Thân 1968, đến nay đã 47 năm qua người nghe ca nhớ thời đó có bao nhiêu gánh hát đại ban, trung ban và các gánh hát nhỏ, đó là một thời kỳ vàng son của cải lương, thời kỳ dân chúng được tự do làm ăn, buôn bán, cuộc sống sung túc, an lành. Rồi sau đó bọn cộng sản vô thần đem chiến tranh vô Đô thành, bọn chúng giết người chết thây nằm chất đống máu chảy như suối, nhà cháy, gia sản tiêu tan; bao nhiêu gánh hát rã, nhiều nghệ sĩ gia nhập quân đội Cộng Hòa để chống giặc cộng sản xâm lăng bảo vệ khóm phường làng xã, nhiều người phải đổi nghề. Có nhiều bài vọng cổ khác viết về các anh hùng dân tộc, nói về chuyện đồng quê, chuyện tình yêu đôi lứa, chuyện tình nghĩa xóm làng, chớ không phải Vua viết bài ca Vọng cổ…”
    Anh Tám: “Nhắc tới vọng cổ, Nguyễn Phương nổ như một dây pháo điển đốt mừng xuân!”
    Tôi cười: “Chưa đâu! Mới mở màn sơ sơ thôi, chớ còn nói tới Vọng Cổ thì phải nói dài dài như kiểu hát Tiều hồi xưa, hát ba ngày bảy đêm chưa vãn hát. Trước khi kể cái hay của Vọng Cổ về văn chương, về làn điệu cổ nhạc, tôi kể chuyện bản Vọng Cổ đã biến cô gái nghèo đi hát dạo trở thành Nữ Hoàng sầu muộn… Đây là chuyện đời của Nữ hoàng sầu muộn Út Bạch Lan.”
    Trong số nghệ sĩ được khán giả ái mộ và ký giả kịch trường tặng cho những biệt danh thì nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan được tặng nhiều biệt danh nhứt. Nghệ sĩ Út Trà Ôn chỉ được tặng một biệt danh là Vua Vọng cổ, Văn Hường được gọi là Vua vọng cổ hài, Viễn Châu là Vua viết bài ca vọng cổ, Tấn Tài là Hoàng đế dĩa nhựa, Thanh Nga là Nữ Hoàng sân khấu, Bạch Tuyết là Cải lương chi bảo, Kim Cương là Kỳ nữ, Mỹ Châu là Tiếng hát Liêu trai, Ba Vân là Quái kiệt… riêng Út Bạch Lan thì ở làng dĩa nhựa, người ta gọi cô là Nữ hoàng Vọng cổ, còn ở sân khấu là Đệ nhứt đào thương, vì cô có cuộc đời rất bi thương, cô hát xuất sắc các vai buồn nên được gọi thêm là Nữ hoàng sầu mộng, Sầu nữ Út Bạch Lan, Sầu nữ Liêu trai, Vương nữ Sương Chiều (vì Út Bạch Lan ca bài Sương Chiều rất gợi cảm, trữ tình).

    Những ngày thơ bi thảm của Út Bạch Lan

    Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sanh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, Đức Hòa, Long An. Cha cô là ông Nguyễn Văn Chưa, làm nghề nài ngựa, qua đời năm 1966.
    Năm 1945, cha mẹ cô xa nhau. Mẹ là bà Đặng Thị Tư dẫn cô rời xã Lộc Giang, về ở vùng Chợ Lớn Mới. Bà Tư cùng cảnh ngộ với mẹ của Văn Vĩ nên hai bà cùng kết nghĩa chị em, cùng sống chung nhà và đi làm mướn độ nhựt trong chợ Bình Tây Chợ Lớn Mới. Bé Út thì ngày ngày lang thang trong chợ, ai sai gì làm nấy, được người ta thương tình, khi thì cho tiền, khi cho rau cải, thịt cá. Bé Út đem về cho mẹ để hai mẹ con sống qua ngày.
    Văn Vĩ mù bẩm sinh, học đàn guitare cổ nhạc và đàn rất giỏi. Hai bà mẹ kết nghĩa thân thiết với nhau thì hai đứa trẻ Văn Vĩ và Bé Út cũng quấn quít bên nhau. Bé Út được 11 tuổi, Văn Vĩ 15 tuổi, khi có dịp rảnh, Van Vĩ dạy cho Bé Út ca cổ nhạc.
    Bé Út nghe máy hát dĩa của hàng xóm, học thuộc mấy bài vọng cổ: Trọng Thủy Mỵ Châu, Đêm Khuya trông chồng (cô Tư Bé ca), Mẹ Dạy Con (cô Tư Sạng ca).
    Bé Út thấy người mù đi hát dạo trong chợ được người ta cho tiền, bèn rủ Văn Vĩ đi lén mẹ hát dạo, hy vọng kiếm được tiền giúp đỡ hai bà mẹ.
    Văn Vĩ và Bé Út đi hát dạo từ Chợ Lớn Mới qua các đường phố Chợ Lớn cũ, ra tới Sài Gòn, chợ Bến Thành, qua Chợ Vườn Chuối, Chợ Bàn Cờ, Chợ Bàu Sen, Bùnh Binh Sài Gòn, Garage Charner, sân xẹt (cercle sportif trong vườn Tao Đàn hiện nay) Chợ Cầu Ông Lãnh, bến Tàu, Cột Cờ Thủ Ngữ…
    Nơi nào Bé Út và Văn Vĩ hát dạo cũng được đông đảo người tụ tập nghe và thưởng cho nhiều tiền. Cuộc sống của hai gia đình đỡ khổ hơn trước nhưng tai nạn bất ngờ đổ ụp xuống đầu hai trẻ hát dạo: thời đó 1946, 1947, đang có chiến tranh Việt-Pháp, Văn Vĩ và Bé Út đờn ca, tụ tập người nghe rất đông tại Bùng Binh Sài Gòn, bọn Biện Chà (tức cảnh sát Tây thời Pháp thuộc) sợ có biểu tình, giải tán số người tụ tập nghe đờn ca, bắt Văn Vĩ và Bé Út đem về nhốt ở bót quận Nhì. Xếp bót quận Nhì là người Pháp lai Việt, thấy đứa bé mù và một cô gái nhỏ bị bắt, tưởng là mấy đứa trẻ đi rải truyền đơn, đem ra tra hỏi, mới biết là Văn Vĩ và Bé Út đi hát dạo. Ông xếp bót thích nghe vọng cổ, ông ta có bạn là nhạc sĩ đờn violon trên Đài phát thanh Pháp-Á tên Jean Tịnh nên nói: “Nếu tụi bây ca được một câu vọng cổ có tiếng Tây thì tao thưởng tiền mà con thả về. Tự hậu, bây ca ở Sài Gòn, tao cũng làm lơ cho đi ca hát kiếm ăn…”
    Văn Vĩ biết là ông Xếp nói chơi chớ đâu có ai viết vọng cổ mà có tiếng Tây trong đó nên cứ chấp tay xá xá, năn nỉ. Bỗng nghe Bé Út nói: “Dạ, con biết ca một câu vọng cổ có tiếng Tây.”
    Ông Xếp trợn tròn đôi mắt, kinh ngạc nhìn Bé Út. Văn Vĩ sợ quá, hỏi: “Được hông mà em nói ẩu đó?”
    Bé Út cho biết là khi đi hát dạo ở sân Xẹt (Cercle sportif, sân Tao Đàn hiện nay) có một thầy đi đánh banh tennis ở đó dạy cho Út ca. Út chỉ nhớ một câu vọng cổ, không biết trúng hay trật.
    Ông Xếp khoái chí, biểu Bé Út ca. Câu vọng cổ có tiếng Tây đó như sau:
    – Hỡi ôi! Tôi có một thằng chồng ở đất Pháp, lâu rồi bặt tin nhàn cá nên tôi đành phải dê cờ ri (J’écris) một bức thư tình, ăng voa (envoie) thăm hỏi me xừ (monsieur) Di Đăng (Résident, công sứ), Tú xơn (tout seul) gạt nước mắt than rằng: Cô son (cochon) cái phận lăng nhăng lỡ…
    – (Câu vọng cổ 1) Làng… Ôi! Đờ buy (depuis) thiếp bén duyên chàng… Nốt xờ (noce) chưa được một bàn tiệc vui, Ê loanh nhê (éloigner) ai khéo giục xui, Cu tô (couteau) ai nỡ cắt mùi nguyệt hoa, (Song lang) La cua (la cour) mút mọc Luynh tà (lune tà: trăngtà), la sâm (la chambre) biết lấy ai là a mi (ami), lạnh lùng manh áo Sơ mi (chemise) Năm canh trằn trọc, Lơ li (le lit) một mình cô lẻ ơ…ơ…
    Mấy chữ Pháp ghi trong hai dấu ngoặt là do tác giả viết để làm rõ các chữ nhại âm theo tiếng Tây của bé Út ca.
    Ông Xếp bót cười ha hả, cười tới té sặc té ho. Văn Vĩ cũng bò ra mà cười may hôn bể cây đàn, cười tới nước mắt nước mũi ra ràng rụa. Ông Xếp bót thưởng cho năm chục đồng rồi thả cho Văn Vĩ và Bé Út ra về.
    Câu chuyện ca vọng cổ tiếng Tây tới tai nhạc sĩ Jean Tịnh và ca sĩ Thành Công, Đài phát thanh Pháp-Á khiến cho hai anh hiếu kỳ, đi tìm xem bé Út là ai và đây cũng là cơ duyên khiến cho sau này ca sĩ Thành Công trở thành người đầu tiên dìu dắt Út Bạch Lan trên con đường sự nghiệp cầm ca.
    Ca sĩ Thành Công và nhạc sĩ Jean Tịnh gặp Bé Út và rất mến mộ ngón đờn xuất sắc của Văn Vĩ nên mời hai anh em gia nhập Ban cổ nhạc Thành Công của Đài phát thanh Pháp-Á với nhạc sĩ Hai Long, các ca sĩ Sáu Thoàng, Ba Tình, Văn Chung, Việt Hùng. Thành Công cho biết bên Đài phát thanh Quốc Gia có ca sĩ Bạch Huệ (con của nhạc sĩ Sáu Tửng) thì bên Đài phát thanh Pháp-Á có ca sĩ Bạch Lan. Anh dựa vào câu hát đưa em: Lan huệ sầu ai lan huệ héo, Lan huệ sầu chồng trong héo ngoài tươi. Thành Công đặt tên cho Bé Út là Bạch Lan bên Đài phát thanh Pháp-Á để đối chọi lại với tên Bạch Huệ bên Đài phát thanh Quốc Gia. Bé Út xin cho thêm chữ Út thành tên Út Bạch Lan vì mẹ cô thường gọi cô là Bé Út. Nghệ danh Út Bạch Lan được khai sanh năm 1950 như vậy đó.
    Năm 1952, Út Bạch Lan gia nhập gánh hát Kim Khánh của ông bầu Cang được cho đóng các vai thế nữ, vũ nữ và ca ngâm hậu trường.
    Năm 1953, Út Bạch Lan theo đoàn hát Tô Huệ, cũng chỉ được cho làm thế nữ và ca hậu trường vì lúc đó các đoàn đã có đào chánh, Út Bạch Lan chưa nổi danh và không người giúp “lăng xê” nên cô phải đóng thế vai khi các cô đào chánh của đoàn bị bịnh không hát được. Út Bạch Lan bèn trở về cộng tác với Đài phát thanh Pháp-Á và Đài phát thanh Quốc Gia.
    Năm 1954, Út Bạch Lan gia nhập đoàn hát Kim Thanh, bầu gánh là bốn ngôi sao sân khấu: Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga. Út Bạch Lan cũng chỉ đóng những vai tuồng phụ. Soạn giả Viễn Châu viết thêm hai câu vọng cổ trong tuồng của anh là “Tình Vương Hoa Thắm” để cho Út Bạch Lan ca. Khán giả vỗ tay khen nhiệt liệt không thua gì khi anh Út Trà Ôn ca.
    Sau đó Viễn Châu viết thêm hai câu vọng cổ trong tuồng “Đời Cô Nga” cho Út Bạch Lan ca. Vãn hát, khán giả đứng nghẹt cửa hậu trường đón xem mặt của Út Bạch Lan.
    Hôm sau, trên trang kịch trường các báo, hình của Út Bạch Lan được đăng rất lớn với câu đề rất kêu của ký giả Nguyễn Ang Ca: “Một ngôi sao lạ vụt sáng trên vòm trời nghệ thuật cải lương”. Ký giả Trần Tấn Quốc viết: “Út Bạch Lan, một giọng ca vọng cổ thảm sầu, bứt ruột bứt gan người nghe”. Ký giả Kiên Giang Hà Huy Hà viết: “Sầu nữ Út Bạch Lan, chất giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, đêm đêm khơi nguồn lệ của hàng ngàn khán giả mộ điệu cải lương”.
    Đó, các bạn thấy chỉ với 6 câu vọng cổ, một em bé nghèo đi hát dạo được biến thành “Nữ hoàng sầu mộng Út Bạch Lan”.
    1. (còn tiếp: Chuyện một ngàn lẻ một đêm cải lương)
    Nguyễn Phương 2015


    Hình soạn giả Nguyễn Phương, 93 tuổi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 5 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    Giang Tiên (08-03-2015), MEM (08-03-2015), phongrau (09-03-2015), romeo (09-03-2015), SauLucBinh (08-03-2015)

  3. teddybear.nnx
    Avatar của teddybear.nnx
    buồn buồn ngồi nghe vọng cổ cũng là một cách giải trí
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to teddybear.nnx For This Useful Post:

    MEM (10-03-2015), romeo (10-03-2015)

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    romeo (10-03-2015)

ANH EM CHANNEL