1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Nhạc sĩ Văn Giỏi xuất thân từ quê hương của cải lương, ông sinh năm 1945 tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy, Tiền Giang – nơi có truyền thống đờn ca tài tử nổi tiếng.

    Ông bước vào nghề được bốn người thầy ở quê nhà truyền dạy tương đối đầy đủ và vững chắc, các bài bản ngón đàn… nghệ nhân Tư Vĩ dạy vọng cổ các dây và một số bài bản cải lương; hai người cậu ruột thứ Ba và thứ Tám dạy Ba nam – Sáu bắc – Bảy bài (Bắc lễ) nhạc tài tử; nghệ nhân Sáu Oanh dạy Bốn oán.

    Vừa qua, theo chân nghệ sĩ Kim Phụng từ Mỹ về thăm quê nhà, đã ghé đến thăm thầy, chúng tôi đã có những phút giây tìm hiểu về hành trình đến với nghệ thuật của người nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật sân khấu và nền cổ nhạc nước nhà.
    Năm 18 tuổi NSƯT Văn Giỏi đã rành nghề và tham gia hoạt động văn nghệ ở quê nhà (1961 – 1963). Sau đó ông lên Sài Gòn và tìm đến các bậc danh cầm đương thời như Văn Vĩ, Năm Cơ, Tư Thiên, Bảy Bá… để dợt nghề và học hỏi kinh nghiệm. Văn Giỏi được nghệ sĩ Chín Sớm giới thiệu vào đờn cho các ban ca kịch: Thành Công, Trâm Hoa miền Nam, Hương Thanh Bình…

    Thỉnh thoảng cộng tác cho hãng băng và đài phát thanh (1964 – 1970). Trong thời gian này, ông cùng góp mặt với các danh cầm cổ nhạc hàng đầu của miền Nam, như Văn Vĩ, Năm Cơ, Bảy Bá, Tư Thiên, Hai Thơm, Tư Huyện, Ngọc Sáu, Năm Lòng, Chín Trích, Năm Vinh, Trần Xuân Nhã… hòa tấu và độc tấu các loại nhạc cụ trong băng cas-sette “Nhạc cổ điển Việt Nam” do công ty Continatal sản xuất, đã đóng góp vào kho tàng cổ nhạc Việt Nam.

    Đến nay những bản nhạc đó vẫn còn nguyên giá trị. Ông nói, “thời đó, tôi là một trong những nhạc sĩ trẻ được mến mộ, liền được hai hãng băn glớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ (Việt Nam và Continatal) mời lý hợp đồng dài hạn. Tôi không những đờn chánh ghitar phím lõm, mà còn học đờn sến và đờn cho hàng trăm chương trình vọng cổ và cải lương trong băng cassette và đĩa hát, được phát hành rộng rãi trong và ngoài nước.

    Nhờ vậy mà ngón đờn tôi ngày càng tìm được sự đồng cảm của nghệ sĩ và thính giả khắp nơi” – NSƯT Văn Giỏi đã tâm sự.

    Sau 1975, NSƯT Văn Giỏi không theo sân khấu cải lương, anh thỉnh thoảng chỉ đờn chầu cho một số đoàn cải lương, như Thanh Nga, Trần Hữu Trang, Kiên Giang (Trọng Hữu)… Cũng là một kế sinh nhai, ông dạy đờn ca tại nhà và cộng tác (đờn chánh ghitar) với Đài Tiếng nói Nhân Dân Tp Hồ Chí Minh 15 năm (1975 – 1990).

    Từ khoảng năm 1976 – 1980, đôi mắt của Văn Giỏi có triệu chứng bị cườm, mắt mờ dần, sau đó ông bị khiếm thị cho đến bây giờ. Tạo hóa cướp đi nguồn sáng, Văn Giỏi lại tập trung cho nghệ thuật với ước mong quãng đời còn lại của mình cho có ý nghĩa.

    Ngón đờn của ông bấy giờ mượt mà và trẻ trung mới lạ. Lúc bấy giờ các ngón đờn ghitar phím lõm độc đáo đương thời có mỗi nét riêng để chinh phục công chúng. Danh cầm Văn Vĩ nhấn chữ “xang” nghe nức nở như tiếng lòng, mắc mõ trong khuôn nhịp, các láy đờn giòn giã…

    Danh cầm Năm Cơ, với phong cách đằm thắm, ngón nhấn sâu lắng, chữ “xang” mùi mẫn, các láy đờn ít chữ nhưng nắn nót, vuốt dây một cách duyên dáng… Riêng danh cầm Văn Giỏi đột phá nhiều thủ pháp mới trong diễn tấu. Ông luôn sáng tạo đường nét mới, rất nhiều ngón láy, chữ nhạc mới và mới nhất là lối đờn chặn các dây trên tạo tiếng bass trầm ấm.

    Lối nhấn chữ “xang” của ông cũng khác với các tiền bối của mình, không nức nô như Văn Vĩ, không mùi mẫn, sâu lắng như Năm Cơ mà ăm điệu tươi tắn, bay bổng tạo thành một phong cách phóng khoáng, lả lướt, trẻ trung. Có lẽ vì thế, lò nhạc tại gia của ông thu hút rất đông môn đệ, ước tính ông có vài trăm học trò ca và cả ngàn học trò đờn, từ Huế cho đến Cà Mau…

    Đáng chú ý là nhạc sĩ Văn Giỏi cho ra đời hai thể điệu mới: Phi vân điệp khúc và Đoản khúc lam giang (1976), sáng tác trên nền tảng dòng nhạc cải lương (thang âm ngũ cung), kết hợp âm hưởng của ca nhạc Huế và dân ca Nam bộ. Từ đó đến nay, nhiều tác giả vọng cổ, cải lương thường hay đưa hai thể điệu ấy vào tác phẩm của mình.

    Ông và NSƯT Thanh Hải lại kết hợp khai thác giai điệu Vọng kim lang của làn điệu dân ca Liên khu 5, biến tấu và cải biên lớp dạo đầu (intro) theo một phong cách mới cũng rất được thịnh hành trong cải lương. Ba giai điệu này, có thể được thấy bóng dáng của cả ba khắp trên lĩnh vực cải lương toàn quốc.

    Một phong cách sáng tạo trẻ trung đầy quyến rũ ấy, nhạc sĩ Văn Giỏi – Thanh Hải là một liên danh trên Đài Tiếng nói Nhân Dân Tp Hồ Chí Minh một thời gian vang danh, như rồng – phụng một thời “làm mưa làm gió”.

    Một thời gian dài nhạc sĩ Văn Giỏi cộng tác cho nhiều xí nghiệp băng từ, hàng trăm chương trình cải lương, các chương trình quy mô của HTV như “Vầng trăng cổ nhạc”, chung kết giải giọng ca hàng tuần, “Bông lúa vàng” của Đài Tiếng nói Nhân Dân TP Hồ Chí Minh. Đầu năm 2007, ông rất vui mừng và vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT.

    Không chỉ nhạc cụ ghitar phím lõm đã đưa Văn Giỏi lên đỉnh vinh quang, mà các nhạc cụ khác loại nào ông cũng đờn hay, ngón đờn đạt đến điêu luyện “bậc thầy” từ kìm, sến, violon đến cò, gáo… Riêng ghitar, ngón đờn của ông ngày càng đỉnh đạc hơn, nét nhấn sâu sắc, lắng dịu hơn.

    Có thể nói phong cách diễn tấu ở mỗi độ tuổi của người nhạc sĩ cũng biến tấu theo thời gian trầm lắng như những người thầy mà ngày xưa ông đã học được ở quê nhà Cai Lậy. Dù hiện nay ông đã rời xa sàn diễn, không nhận đệ tử, phát biểu với báo chí ông vẫn nói đã gác đờn vì tuổi đã yếu, nên không còn muốn phô diễn mà thích ở ẩn, nhưng trái tim ông vẫn cháy bỏng tình yêu dành cho sân khấu, cho cổ nhạc.

    NHƯ LAN
    Nguồn tin: Báo sân khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL