1. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Đêm 6 - 11 - 1978, Thanh Nga ngôi sao Bắc Đẩu của nghệ thuật cải lương Miền Nam vụt tắt , bởi phát súng của những kẻ bắt cóc bắn vào vợ chồng chị khi thấy không đạt được mục đích bắt cóc bé Cúc Cu (nghệ sĩ hài Hà Linh ngày nay) trong vòng tay ôm chặt của Thanh Nga và tiếng la cầu cứu của ông Phạm Duy Lân chồng của Thanh Nga.

    Gần 38 năm qua, chuyện vụ án Thanh Nga đã sáng tỏ qua hàng trăm bài báo và một số cuốn sách viết về vụ án này. Nhưng có một vấn đề mà chưa báo nào, sách nào đề cập tới, đó là “Chuyện tình của Thanh Nga” trong khi đây lại là vấn đề lớn, mấu chốt đối với tình yêu, sự nghiệp và cuộc sống của nữ nghệ sĩ tài danh này.

    Chúng tôi may mắn có được tư liệu quý về “Chuyện tình của Thanh Nga” do ông Huỳnh Công Minh, một nhà báo chuyên về kịch trường trước năm 1975 cung cấp. Ông Huỳnh Công Minh không chỉ là nhà báo kịch trường mà còn là một nhà nhiếp ảnh chuyên chụp ảnh nghệ sĩ và tuồng tích sân khấu cải lương.

    Ông đã có quá trình gắn bó với các đoàn cải lương, các sân khấu cải lương, đặc biệt là chuyên trách chụp ảnh cho đoàn Thanh Minh, rồi Thanh Minh - Thanh Nga nên có thể nói cũng là “chứng nhân” xác thực nhất để kể lại “Chuyện tình của Thanh Nga” mà ít người biết, và cũng chính vì thế nên hầu như không có báo nào khai thác được Khía cạnh này đối với nữ hoàng sân khấu cải lương Thanh Nga.

    Duyên Dáng Việt Nam xin giới thiệu loạt bài đặc biệt, độc quyền này của nhà báo Huỳnh Công Minh viết riêng cho DDVN.

    Tình yêu sân khấu của một nghệ sĩ con nhà nòi

    Từ ngày bà bầu Thơ mẹ của Thanh Nga cùng ba dượng là danh ca Năm Nghĩa thành vợ chồng và lập nên đoàn Thanh Minh từ năm 1950 thì Thanh Nga (lúc đó còn mang tên Tây Juliette Nga) mới vừa tròn 8 tuổi (sinh ngày 31-07-1942). Trong quá trình 7 năm đầu Thanh Nga theo mẹ đến dưới ánh đèn sân khấu trong môi trường đầy thuận lợi là con của bầu gánh hát.

    Ban ngày Thanh Nga được cắp sách đến trường học chữ (trường Cầu Kho, đường Nguyễn Tấn Nghiệm), học ca cổ nhạc (với thầy Út Trong), tối đến rạp hát, làm quen với ánh đèn sân khấu qua người kế phụ và đào kép trưởng thành trong đoàn chỉ dạy.

    Vai diễn đáng ghi nhớ khi Thanh Nga bước lên sân khấu là vai Nghi Xuân trong vở "Phạm Công - Cúc Hoa", đó là một vai Thanh Nga gây được xúc động với người xem qua các lớp gặp mẹ Cúc Hoa đã chết hiện hồn về hướng dẫn hai chị em Nghi Xuân - Tấn Lực đi tìm cha ở chốn kinh kỳ.

    Kế đến là vai đứa con mang hai dòng máu trong vở xã hội "Hương Xa" của soạn giả Lê Khanh (thời chiến tranh Anh - Ấn) mang tựa “Đứa con hai dòng máu” hát chung với Năm Nghĩa, Út Bạch Lan và Hữu Phước (khi Hữu Phước mới được đoàn Thanh Minh nhận vào đoàn thay thế kép Út Nhị xin rời đoàn); sau đó Thanh Nga đóng các vai đào con hát cặp với kép trẻ Út Hậu (đệ tử của Út Trà Ôn); làm dân chạy giặc, làm vũ công trong đoàn cho các vở hát không có các vai đào kép con ca diễn.

    Nhờ sáng dạ, thông minh, yêu thích sân khấu được mẹ và bố dượng tích cực đầu tư, khuyến khích tài năng, được soạn giả, vũ sư chỉ dạy, tạo vai cho xuất hiện trong nhiều vở tuồng theo ý muốn của cha mẹ em là bầu gánh, mà Thanh Nga nhanh chóng ca hay, diễn giỏi qua các vai phụ, tạo niềm tin cho các soạn giả viết tuồng thêm vai khi thấy em trổ mã, nhổ giò, có gương mặt sáng và vóc dáng lý tưởng của sân khấu, để đảm nhiệm các vai… ngày một đòi hỏi tài năng ca diễn cao hơn, khó hơn.

    Một số tuồng Thanh Nga trong thời gian làm đào con, có một tuồng mang hình thức tâm lý, xã hội của soạn giả Quy Sắc có tựa là “Nghiệp giáo”. Thanh Nga đóng vai đứa con của một ông giáo nghèo bị mẹ bỏ đi lấy chồng khác giàu hơn và dẫn em theo… Khi kết thúc vở tuồng, hình ảnh em trở về với cha, ôm người cha sắp lìa đời vì bệnh lao phổi, đã làm cho khán giả cảm động mạnh (như cô đóng vai Trinh lúc trở về bên xác người mẹ qua đời trong vở “Con gái chị Hằng”.

    Không chờ Thanh Nga kịp lớn hơn nữa, soạn giả Kiên Giang, Phúc Nguyên liền đưa kịch bản “Người vợ không bao giờ cưới” về cho đoàn Thanh Minh và thuyết phục bà bầu Thơ cho Thanh Nga đóng vai chánh Phà Ca hát cặp với Hữu Phước khi Thanh Nga mới 15 tuổi, chưa đến tuổi thành niên. Dù đạt được thành công về mặt nghệ thuật, đoàn hát Thanh Minh vẫn bị dư luận và báo chí phê phán: “Xem thường khán giả đứng đắn khi cho con nít hát vai… làm tình trên sân khấu”.

    Hiệu quả của sự phê phán đó đã không đạt được kết quả ngăn chặn đoàn hát dừng lại vai diễn đã giao cho Thanh Nga. Trái lại, nó còn gây nên sự tò mò, thôi thúc mọi người thích xem cải lương, ái mộ ca diễn của Thanh Nga trong quá trình 7 năm đầu theo nghiệp tổ chưa làm họ thất vọng trong một vai nào trước đó được xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu.

    Trái lại, khán giả càng đến xem Thanh Nga đóng vai Phà Ca (thế Út Bạch Lan ở phần đầu, lúc chưa có con) khiến cho rạp Nguyễn Văn Hảo, một rạp hát lớn nhất ở trung tâm Sài Gòn đạt kỷ lục đông khách và kéo dài thời gian trong một đợt khai trương tuồng mới…

    Nâng cao được tài nghệ và sự duyên dáng trong vai diễn của Thanh Nga qua vai cô gái sơn cước Phà Ca làm “đào lớn” của vở tuồng này, được lọt vào mắt Ban tuyển chọn năm đầu của giải “Thanh Tâm” chọn diễn viên triển vọng tương lai của sân khấu cải lương.

    Kỳ 2:Nỗi lo của bà bầu Thơ


    Huỳnh Công Minh/Duyên Dáng Việt Nam
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Kỳ 2:Nỗi lo của bà bầu Thơ!
    Là người có cuộc sống dính đến ngành sân khấu cải lương trong hai thập niên 50-60, là thời "trăm hoa đua nở" lập đoàn hát, đưa sân khấu cải lương lên đỉnh cao của bộ môn nghệ thuật "ca kịch cải lương". Tôi “ghi lại” bằng hình ảnh phụ cho trí nhớ nên mọi sự kiện xảy ra từ đời thường của nghệ sĩ đến sự thăng trầm qua từng giai đoạn của sân khấu, nghệ sỹ tài danh đang sáng chói, trong đó có nữ hoàng sân khấu Thanh Nga.
    Với vai sơn nữ Phà Ca đoạt giải Thanh Tâm năm 16 tuổi

    Thanh Nga là một hiện tượng điển hình cụ thể thu hút mọi đối tượng tình cảm chực chờ tranh đón bằng tiền tài, địa vị có sẵn hỗ trợ… để chinh phục trái tim nữ nghệ sĩ tài danh này.

    Hai năm sau ngày được huy chương vàng giải Thanh Tâm đầu tiên, qua vai Phà Ca năm 16 tuổi đến năm 18 tuổi Thanh Nga đã thật sự trưởng thành là một cô đào trẻ tài sắc vẹn toàn của sân khấu cải lương qua vai diễn hoàng hậu Mã Nhi Nương Bửu trong vở “Gió ngược chiều” của soạn giả tài danh Nguyễn Thành Châu. cô được nhà báo - người anh cả trong giới cầm bút của làng báo kịch trường miền Nam - Trần Tấn Quốc hết lời khen ngợi và đánh giá là kế thừa được với nữ kỳ tài sân khấu cải lương tiền phong Năm Phỉ.

    Từ đó, tên tuổi Thanh Nga như nam châm thu hút các “vương tôn, công tử” giàu sụ; các tướng tá võ biền đầy uy quyền trong quân đội Sài Gòn trước năm 1975 ôm mộng chinh phục bằng tiền tài, địa vị để làm “của riêng”. họ sẵn sàng làm con thiêu thân đến với ánh đèn sân khấu ca hát (nơi mà thời thực dân phong kiến lạc hậu xa xưa, không đánh giá được sức lao động trong lĩnh vực nghệ thuật, đã xem người ca hát là “phường xướng ca vô loại”) để hy vọng hái được nụ hoa tình Thanh Nga vừa chớm nở, hiện chưa có người làm “chủ vườn”.
    Thanh Nga trong vai sơn nữ Phà Ca năm 16 tuổi

    Thanh Nga là cô bé rất ngoan hiền hiếu thảo với ngoại và mẹ, rất thương đàn em đang còn bé bỏng nhỏ dại, cùng mẹ khác cha của mình. Khi bố dượng đột ngột qua đời sau 9 năm làm bầu bảng hiệu thanh minh để lại cho mẹ cô một gánh nặng trên đôi vai: một bên là sân khấu, mà mẹ cô chưa có kinh nghiệm lèo lái; một bên là gia đình với mẹ già và đàn con nhỏ dại, lớn nhất là bảo quốc mới có 9 tuổi, còn trong tuổi ăn học, chưa biết gì về sự nghiệp ca hát mà mẹ đang phải dang tay ôm lấy chức… làm bầu.

    Thanh Nga hứa với mẹ là không quan tâm tới chuyện yêu đương

    Với bao ý nghĩ về người mẹ phải gánh lấy sự nghiệp và gia đình nặng nề từ nay, Thanh Nga quyết góp sức lo toan cùng với mẹ từ gia đình đến sân khấu, nhất là phải bằng mọi cách giữ vững được bảng hiệu đoàn hát từ năm 1960 - năm mà bảng hiệu Thanh Minh được thêm tên mình “Thanh Minh - Thanh Nga”; năm đánh dấu Thanh Nga đã trưởng thành là một đào chánh của đoàn sau khi cô diễn thành công vai hoàng hậu Mã Nhi Nương Nửu (hát cặp với Hữu Phước vai Duy Bạt).

    Thanh Nga hứa với mẹ là không để bị phân tâm lo lắng điều gì cho bản thân mà sao lãng việc phụ mẹ; nghe lời mẹ tìm mọi điều kiện thuận lợi luôn được đứng dưới ánh đèn của sân khấu có tên mình trên bảng hiệu, đồng thời bỏ ngoài tai mọi cám dỗ, sự chiều chuộng của những người đàn ông có địa vị, sang giàu và quyền thế… cô không bỏ mặc cho mẹ một mình lèo lái đoàn hát, khi mẹ không còn ai khác, một lòng một dạ coi sân khấu là trên hết.

    Đúng như Thanh Nga suy nghĩ về nỗi lo lắng của mẹ, bà bầu Thơ luôn phải giữ vững vị trí làm bầu một đoàn hát đang gây được tiếng vang là “đại ban” đứng đầu các “đại ban” cải lương hiện hữu từ sau ngày Thanh Nga đoạt hai phần thưởng lớn đầu tiên của giải thanh tâm (huy chương vàng giải Diễn viên trẻ triển vọng năm 1958 và bằng tưởng thưởng diễn viên xuất sắc năm 1960).

    Qua giải thanh tâm lần đầu tiên đã kích động phong trào thi đua của các ông bà bầu đoàn hát, qua đó các đoàn nâng tầm đoàn hát của họ lên như phải có tuồng hay, phải có diễn viên trẻ đoạt huy chương vàng để cạnh tranh với vị thế “đại ban” của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Thơ.

    Bà bầu Thơ nhìn thấy địa vị cô con gái cưng của mình trên sân khấu, có thể Thanh Nga đủ tài sắc đảm đảm để nhận ngôi vị đào chánh của đoàn hát nhà, không sợ đoàn hát nào tung tiền ra mua chuộc bằng giao kèo cao như bao nhiêu nghệ sỹ tên tuổi khác đã thay đoàn như thay áo để ra đi.

    Nhưng bà vẫn canh cánh nỗi lo không chỉ của người mẹ, mà còn có nỗi lo của bà bầu trong việc giữ bảng hiệu Thanh Minh - Thanh Nga, đâu chỉ trông cậy vào một đào, hay một kép có tài năng, mà phải tăng cường thêm sự hỗ trợ vững chắc thì sức hút khán giả của những tài danh khác, và những soạn giả đã có thành tích hỗ trợ với Thanh Nga thì mới ổn định vị trí một “đại ban” trong giới sân khấu cải lương mà sự cạnh tranh luôn khắc nghiệt.

    Kỳ 3: úp mở tình cảm thầm kín với soạn giả Hà Triều


    Huỳnh Công Minh/ Duyên dáng Việt Nam.




    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  3. The Following User Says Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    romeo (23-06-2015)

  4. Phong_Vũ
    Avatar của Phong_Vũ
    Kỳ 3: Úp mở tình cảm thầm kín với soạn giả Hà Triều

    Khi Thanh Nga trưởng thành, với tài năng ca diễn trên sân khấu và nhan sắc lộng lẫy của một cô gái đang tuổi mới lớn là đích ngắm của nhiều đàn ông có tiền tài, địa vị cao ở Sài Gòn để mắt đến càng khiến bà bầu Thơ lo sợ hơn. Với tấm lòng của một người mẹ, bà bầu Thơ mong tìm cho Thanh Nga một “bến đỗ” trong giới nghệ sĩ để “xứng đào xứng kép” để Thanh Nga và chồng dính chặt với sân khấu cùng nhau giữ vững đoàn Thanh Minh - Thanh Nga ở vị thế của một đoàn hát “đại ban” có huy chương vàng hầu cạnh tranh với các đoàn hát lớn khác.
    Thanh Nga - Ảnh chụp trên sân khấu Thanh Minh - nhiếp ảnh: Huỳnh Công Minh

    Bày tỏ tình cảm rất khéo của cô gái mới lớn

    Nỗi lo thầm kín của bà bầu Thơ quả không sai, cặp đào kép đang ăn khách của đoàn Thanh Minh là Hữu Phước – Thanh Nga đang phải chống chọi với “cặp” đào, kép đang ăn khách là vợ chồng Thành Được – Út Bạch Lan vừa bị đoàn Kim Chưởng phổng tay trên với giao kèo cao chót vót, khi Thanh Nga vừa hát cặp với Thành Được trong vài vở tuồng đang tạo ảnh hưởng tốt để thu hút khán giả tới rạp mỗi đêm.

    Mặt khác, bà bầu Thơ cũng phải nhờ các soạn giả thường trực của đoàn đi tìm xem đoàn nào có đào kép trẻ đang ăn khách để mời về lấp chỗ trống của cặp Thành Được – Út Bạch Lan, đồng thời bà cũng bằng mọi cách phải giữ được cặp soạn giả đã tạo được uy tín cho đoàn Thanh Minh qua các vở tuồng xã hội: Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Đêm vĩnh biệt… là Hà Triều - Hoa Phượng.

    Song song đó, bà bầu Thơ cũng sắp xếp kế hoạch đưa đoàn đi lưu diễn xa Sài Gòn vài tháng để tập tuồng mới làm “bửu bối” cho ngày trở về tung ra khai trương, vừa giới thiệu tuồng mới vừa ra mắt dàn đào kép mới.
    Thanh Nga trong ngày " Đại hội sân khấu cải lương miền Nam" tại rạp Quốc Thanh năm 1964

    Trong một buổi tập tuồng mới tại rạp Nguyễn Văn Hảo, có mặt Hà Triều - Hoa Phượng, được bà bầu Thơ xem như cặp soạn giả “vàng” lúc bấy giờ của đoàn Thanh Minh, soạn giả Hoàng Khâm, tác giả vở “Người đẹp Bạch Hoa Thôn”rất ăn khách của đoàn Thanh Minh từ ngoài cửa rạp đi vào tay cầm mấy củ khoai lang. Thanh Nga được Hoàng Khâm đưa một củ mời, Thanh Nga vui vẻ đưa tay nhận, mà mắt thì ngó thẳng vào Hà Triều nói:

    “Sao người mời Thanh Nga ăn khoai lang không phải anh Hà Triều?”.Thấy mọi người có mặt đều ngạc nhiên với câu hỏi của mình, trong đó có cả bà bầu Thơ, Thanh Nga vội vàng “thanh minh” để “trấn an” Hà Triều đang bối rối: “Tại Nga thấy anh Hà Triều nhút nhát như con gái nên Nga phá ảnh chút chơi vậy thôi”.

    Hiểu con gái mình hơn ai, bà bầu Thơ biết con gái ngầm trách móc Hà Triều đã quá vô tình không để ý gì đến tình cảm thầm kín của Thanh Nga dành cho anh soạn giả tài năng mà bà cho là rất xứng đáng, rất hợp ý, nên bà bầu Thơ bật cười thành tiếng rồi bênh vực luôn cho anh soạn giả trẻ tuổi, tài năng còn độc thân mà chính bà cũng yêu mến:- Hà Triều còn trẻ, chưa có vợ thì làm sao có nhiều kinh nghiệm “ga-lăng”…

    Con gái bằng Hoàng Khâm, con chọc phá nó tội nghiệp.Thanh Nga mượn củ khoai lang làm cái cớ để ngầm trách Hà Triều quá nhút nhát, không biết anh soạn giả trẻ này có biết thầm ý của Thanh Nga hay không. Tuy nhiên, lúc đó tình cảm của Hà Triều lại nghiêng về Bích Sơn cô đào trẻ đẹp gốc Bắc thủ diễn thành công vai Thái Phượng Liên trong vở “Khi hoa Anh Đào nở” của Hà Triều và Hoa Phượng trên sân khấu Thanh Nga.

    Khổ nỗi, Thanh Nga và cả bà bầu Thơ vẫn chưa biết trong trái tim của chàng soạn giả mà nàng và cả mẹ nàng đều thương mến, muốn dùng “tình cảm đặc biệt” để giữ chặt chàng với bảng hiệu đoàn hát của mình lúc đó đã có một bông hoa khác ngự trị rồi.

    Và thái độ của soạn giả Hà Triều lúc ấy khá dửng dưng trước sự úp mở tình cảm của Thanh Nga lại khiến cô đào tài năng, trẻ đẹp ngời ngời trên sân khấu Thanh Minh càng tỏ ra vừa kính trọng Hà Triều, vừa nung nấu quyết tâm bày tỏ tình cảm của mình trước chàng soạn giả đang góp công rất lớn cho đoàn Thanh Minh giữ vững vị trí một đại ban.

    Thanh Nga ghen với Ngọc Giàu vì hiểu lầm Hoa Phượng

    Thời điểm đó, cặp đào kép Thanh Tú – Ngọc Giàu là hai tài năng trẻ đương thời vụt sáng trên sân khấu khác được đoàn Thanh Minh “chuộc” về, vẫn chưa thể một sớm một chiều thay thế cặp đào kép tên tuổi lớn Thành Được – Út Bạch Lan vừa ra đi.

    Do đó, đoàn phải tạm thời rời xa khán giả Sài Gòn đưa đoàn lưu diễn lên cao nguyên và miền Trung một thời gian để vừa cho cặp Thanh Tú - Ngọc Giàu diễn các vai cũ của Thành Được – Út Bạch Lan để lại, vừa tập vở tuồng mới của Hà Triều - Hoa Phượng:“Hoa rụng đêm khuya” (Tình sử Phù Tang) và “Rồi 30 năm sau” (xã hội Việt Nam) để chuẩn bị ngày tái ngộ khán giả Sài Gòn bằng một bộ mặt hoàn toàn mới của đoàn Thanh Minh.
    Ảnh lấy trong bìa đĩa DVD Nữ Hoàng Sân Khấu Thanh Nga của LQTT Production

    Bến diễn đầu tiên của đoàn là thành phố Đà Lạt. Bà bầu Thơ đã thuê một vi-la rất đẹp trên một đồi thông lộng gió, có đủ chỗ cho “bộ tham mưu” của đoàn Thanh Minh đến làm việc và dùng cơm.Sau bữa cơm trưa đầu tiên có mặt 3 soạn giả: Hà Triều, Hoa Phượng, Hoàng Khâm và bà bầu Thơ, Thanh Nga, Ngọc Giàu. Ăn cơm xong bà bầu Thơ bảo Thanh Nga và Ngọc Giàu lên lầu nghỉ trước để lấy lại sức khỏe tối hát…

    Ngọc Giàu không theo Thanh Nga đi nghỉ, mà cô bước đến đứng cạnh cửa sổ ngắm khung cảnh hữu tình dưới các ngọn đồi của một thành phố mà nàng mới đến đây lần đầu tiên.Soạn giả Hoàng Khâm liền đến tiếp chuyện với cô đào mới này. Hoa Phượng quen lệ, trưa phải có cữ cà phê đen nên cũng rời khỏi bàn ăn, chỉ còn lại có bà bầu với Hà Triều.

    Sau vài ba câu chuyện bâng quơ, bà bầu Thơ cũng cáo lui đi nghỉ và không quên nhắc Hà Triều: “Cháu cũng nên đi nghỉ để lấy lại sức tối đến rạp”. Trước khi về nơi nghỉ riêng của mình ở một khách sạn, Hà Triều đến chỗ Hoàng Khâm và Ngọc Giàu, Hoàng Khâm nhường cho Hà Triều thay mình tiếp chuyện với cô đào còn “mới” trên sân khấu Thanh Minh để xuống quán cà phê với Hoa Phượng.

    Hà Triều thuật lại buổi tiếp xúc lần đầu tiên với cô đào trẻ Ngọc Giàu cho vài người nghe như sau: “Tôi không ngờ Ngọc Giàu còn trẻ mà nói chuyện rất có duyên, thu hút tôi đứng với nàng bên cửa sổ hơn 20 phút tôi mới cáo lui được…”.Thế nhưng, câu nói ngắn gọn mang tính “tường thuật” của Hà Triều bị “tam sao thất bổn” bởi mấy cô nhân viên vũ công trong đoàn bàn tán, lọt đến tai Thanh Nga.

    Vẫn thói quen khi tới rạp Hà Triều thường đến ngồi cạnh “tủ làm tuồng” của Thanh Nga xem nàng trang điểm và chuyện trò thân mật trong lúc nàng đang hóa trang vai diễn. Nhưng hôm nay thái độ của Thanh Nga không được bình thường. Khi thấy Hà Triều đến, Thanh Nga không có cử chỉ thân mật chào hỏi như mọi hôm, và bảo người làm lấy ghế mời Hà Triều ngồi bên cạnh như bao nhiêu lần trước, mà lại có cử chỉ và sắc mặt quạu quọ, kém vui, nhất là không trả lời một câu hỏi nào của Hà Triều.

    Chờ đến khi Thanh Nga ra diễn ngoài sân khấu, Hà Triều mới hỏi em Thuận (vợ của Phú Placeur lúc bấy giờ) đang giúp việc cho Thanh Nga: “Cô Ba có chuyện gì vậy?”. Thuận thành thật: “Cô Ba nghe được câu chuyện anh khen cô đào mới Ngọc Giàu nói chuyện rất có duyên và giữ chân anh hồi trưa bên cửa sổ cả giờ đồng hồ, nên cô Ba giận anh”.Nghe thế, Hà Triều thêm bối rối và khẳng định: Thanh Nga đã có “cảm tình sâu đậm” với mình thật sự rồi, nên nàng mới có cử chỉ giận hờn khi nghe mình khen cô đào trẻ Ngọc Giàu mới về đoàn nói chuyện rất có duyên. Thôi chết… Hà Triều thầm kêu khổ trong bụng.

    (Còn tiếp)

    Huỳnh Công Minh/Theo Duyên Dáng Việt Nam

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  5. The Following User Says Thank You to Phong_Vũ For This Useful Post:

    nguyenhoangtuan (23-06-2015)

ANH EM CHANNEL