1. MEM
    Avatar của MEM
    Chuyện về cô đào Năm Phỉ
    - Kỳ 1: Điềm báo về cái chết đột ngột


    Với nhiều người cố cựu ở Sài Gòn (TP.HCM ngày nay), nói đến cải lương phải nhắc đến “bậc kỳ tài của thiên hạ” chính là cô Năm Phỉ. Cô là người đã làm rơi lệ không biết bao nhiêu khán giả.

    Thậm chí, khi đang diễn có người muốn lên hành hung nhân vật phản diện, hoặc có người lên xin tha cho người bị lỡ đường do cô thủ vai. Thế nhưng, cô Năm Phỉ bỗng chốc ra đi khi tuổi đời còn khá trẻ đã làm cho hàng triệu người phải đổ lệ.

    Trong lúc tìm kiếm các tư liệu cho một bài viết tại Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM thì PV bất ngờ thấy bức chân dung của một cô bé với dấu hỏi chấm rất to đăng trên tuần báo Điều tra – Phóng sự số 9, xuất bản từ ngày 5 – 11/6/1954 với câu hỏi: “Bức ảnh này của ai?”. Muốn tìm hiểu bức ảnh gì có nội dung là gì, PV liền vào cuộc tìm hiểu. Ngay sau đó, tôi không khỏi giật mình, bởi đây chính là “cô đào” cải lương từng làm nức lòng bao trái tim giới mộ điệu thời bấy giờ.

    Cô Năm Phỉ là ai?

    Giới mộ điệu cải lương thời ấy không ít người mang theo bên mình hình ảnh của những Bàng Quý Phi (vở Xử án Bàng Quý Phi), Điêu Thuyền (vở Phụng Nghi Đình), Lan (trong Lan và Điệp)... Đặc biệt, vai diễn Bàng Quý Phi đã đưa tên tuổi của cô Năm Phỉ lên tới tột đỉnh vinh quang. Đến mức, hễ tụm năm tụm bảy là người ta lại bàn về cái “ngọt” của cô Năm Phỉ trong các vai diễn.Nhiều người phải xuýt xoa và vỗ đùi cái “bét” như uống được ngụm rượu ngon khi nói về cô Năm Phỉ. Với vai diễn đẳng cấp này, gánh hát của chồng cô là Phước Cương đã được mời sang Pháp biễu diễn.

    Sau khi xem, khán giả Pháp cũng không kiềm nén được cảm xúc và hết sức mến mộ tài năng của cô Năm Phỉ. Ngoài vở Xử án Bàng Quý Phi, cô Năm Phỉ còn hóa thân trong nhiều vai nức tiếng khác, đặc biệt là Lan của vở Lan và Điệp. Sau khi kết thúc vai này, nhiều người lo lắng không biết rồi ai sẽ là người làm được như cô Năm Phỉ.Có người viết, khởi thủy tuồng Lan và Điệp là một trong những vở tuồng làm sáng danh “cô đào” Năm Phỉ.

    Trước mấy ngày nữ nghệ sĩ Năm Phỉ đột ngột qua đời, xuất hiện lần cuối trên sàn diễn, cô Năm Phỉ hát thật xuất sắc vai Lan. Năm đó, cô Năm Phỉ 47 tuổi, nhưng phải hóa trang khéo léo để thể hiện đúng nhân vật Lan mới có 18 tuổi. Vậy mà cô Năm Phỉ làm được.


    Bức chân dung của cô Năm Phỉ hồi còn thơ ấu.

    Cô bước ra sân khấu, khán giả trầm trồ nét duyên dáng thanh xuân, đúng phong cách nhân vật trong tuồng. Đêm hát cuối cùng ấy, cô Năm Phỉ đóng vai Lan đóng cặp với nghệ sĩ Thanh Tao vai Điệp. Nữ nghệ sĩ tiền bối Năm Phỉ nằm xuống, ai là người đủ khả năng để thay thế cô Năm Phỉ? Câu hỏi hóc búa ấy vẫn còn thách đố cho đến ngày nay. Tuy có những nhân vật khác cũng nổi đình nổi đám không kém nhưng tài nghệ của cô Năm Phỉ thì khó ai có thể bì kịp.

    Với vai Bàng Quý Phi, cô Năm Phỉ đã nhận được 4 huy chương vàng của bốn quốc gia, 186 bức thư tỏ tình, 1.009 tấm danh thiếp gởi đến để ngợi khen, 167 kiểu ảnh chụp và 420 bài báo viết về sự thành công rực rỡ của cô. Cô Năm Phỉ cũng rất thành công trong nhiều vai khác, trong các vở Tứ đổ tường, Mộng hoa vương, Cánh buồm đen...

    Nghệ thuật diễn xuất của cô đã hấp dẫn, lôi cuốn khán giả, gây xúc động, làm cho bao người phải bùi ngùi, xót thương. Nhiều cụ già và phụ nữ lấy khăn lau nước mắt. Có nhiều bà cụ mếu máo khóc thành tiếng. Tiếng hát của cô có giọng trầm trầm, hơi khàn khàn, bất hủ qua những bài văn thiên tường, vọng cổ, trường tương tư...

    Sắp xếp cho một cuộc đi xa

    Ngày cô Năm Phỉ mất, báo chí thời ấy đã theo dõi sát sao các hoạt động. Báo Tiếng Dội đã loan tin đầy đủ liên tiếp trong nhiều số báo về cái chết đau đớn và bất ngờ của cô Năm Phỉ: “Một đào hát danh tiếng nhất trong ca kịch giới Việt Nam, một kịch sĩ tiền phong xứ này”.

    Còn báo Điều tra – Phóng sự lại có những tư liệu hết sức sinh động nói về những điềm báo trước khi cô Năm Phỉ qua đời... do chính miệng cô nói ra. Không ai ngờ, chính những lời trăng trối ấy mang lại tang tóc thật. Theo đó, thời gian gần lúc cô đột ngột ra đi, các em cô thường nghe thấy những lời trăng trối của chị mình. Ban đầu, ai cũng nghĩ chỉ là chị đùa. Thế nhưng, nó xuất hiện liên tục làm cho ai cũng phải giật mình.

    Có lần cô nói với mấy em: “Chị Năm cầu xin lo xong xuôi mả của má đâu đó đàng hoàng, rồi chị sẽ chết”. Theo tìm hiểu của cánh ký giả thời đó thì thân mẫu của cô Năm Phỉ tử nạn vào tháng 10/1951 dương lịch trên đường đi Cần Thơ – Vĩnh Long. Câu nói của cô Năm Phỉ khiến ai cũng chạnh lòng và nghĩ rằng, đấy chỉ là lời nói của cô lo lắng cho mồ mả của thân mẫu, chứ không ai để ý nhiều đến đoạn sau “rồi chị sẽ chết”. Bởi có điều gì làm cô phật lòng hay sự bức bách nào xảy ra với cô đâu.

    Sau đó, cách một tuần trước khi cô mất, nhân buổi cơm tại nhà riêng ở hẻm số 39A, đường Monceaux (nay là Huỳnh Tịnh Của, đoạn từ Trần Quốc Toản đến Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM); đường được xây dựng từ thập niên 1900, lúc đầu mang số 26, từ năm 1906 được đặt tên là đường Monceaux nhưng dân chúng quen gọi là đường Mới) gồm có gần như đầy đủ anh em, cô Năm Phỉ lại buột miệng: “Tôi chết và thế nào tôi cũng chết”, rồi cô lại quay các em nói tiếp: “Chị muốn chết quá””.

    Nghe vậy, cô Chín Bia (em thứ 9 của cô Năm Phỉ) nói với cô: “Chị không chết đâu. Chết là tôi chết đây nè vì tôi bệnh hoạn liên miên, chớ chị thì đâu có chết”. Cô Năm Phỉ đáp lại: “Không, chị biết thế nào chị cũng chết mà...”. Nghe cô cứ than vãn về cái chết, nhiều người em cô không khỏi giật mình và cố tìm cách gạt ý nghĩ quái gở ấy ra khỏi đầu chị mình.


    Chân dung cô Năm Phỉ trên đỉnh vinh quang danh vọng.

    Cô Chín Bia nói đùa cho vui, hòng qua câu chuyện: “Chị cứ than chết hoài. Thôi bây giờ chị muốn cho tụi tui món gì trong nhà này thì làm chúc ngôn (di chúc) đi, để sau khi chị chết tụi tui giành nhau dữ lắm à vì đồ đạc của chị nhiều quá kia mà”.

    Cô Chín Bia pha trò, nói cho vui chuyện làm ai cũng cười. Thế nhưng, cô Năm Phỉ lại nghĩ khác. Vừa dứt câu nói của cô Chín Bia, cô Năm Phỉ đứng bật dậy, níu tay mấy em nói ngay: “Chị nói thiệt à, tụi bây vô đây tao chia cho...”. Nói là làm, cô Năm Phỉ dẫn mấy người em vào trong và chỉ từng món đồ rồi nói với các em: “Cái “đi văng” này chị cho Duy Lân để nó nằm. Cái buồng ngủ chị cho con Kim Cương...”. Cứ thế, cô Năm Phỉ chỉ hết cái này sang cái khác, cho người này người kia.

    Con đường nghệ thuật của cô Năm Phỉ

    Lê Thị Phỉ, sinh năm 1907, mất năm 1954, tại làng Điều Hòa (tỉnh Mỹ Tho cũ; nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình công chức. Thân phụ cô là cụ Lê Tấn Công, một trí thức Tây học nhưng chịu ảnh hưởng tư tưởng Nho giáo sâu nặng. Ông có cả thảy 11 người con và đặt tên thành một câu rất có ý nghĩa: Công (tên cụ), Thành, Danh, Toại, Phỉ, Chí, Nam, Nhi, Bia, Truyền, Tạc, Để…

    Trong số 11 người con của cụ Lê Tấn Công thì có 5 người là nghệ sĩ nổi tiếng như: cô Ba Danh, cô Năm Phỉ, cô Bảy Nam, cô Chín Bia, cô Mười Truyền. Hậu duệ của cô Bảy Nam là Nghệ sĩ ưu tú Kim Cương.

    Ngay từ nhỏ cô Năm Phỉ đã có giọng ca thiên bẩm. Chất giọng trời cho ấy được ông Hai Cu, một thợ bạc ở cùng dãy phố với gia đình cô phát hiện. Ông Hai Cu có người con trai tên Hai Giỏi, lớn hơn cô Năm vài tuổi, cũng có giọng ca rất truyền cảm.

    Do ham mê nghệ thuật nên ông Hai Cu vận động giới thợ bạc ở Mỹ Tho đóng góp tiền bạc để lập gánh hát Nam Đồng Ban cho Hai Giỏi làm kép chánh và cô Năm Phỉ làm đào chánh. Vậy là sự nghiệp cải lương của cô Năm bắt đầu từ đó.

    Năm 1921, kép Hai Giỏi bị bệnh qua đời, cô Năm Phỉ phải về thọ tang, gánh Nam Đồng Ban tan rã. Sau đó, cô theo hát cho gánh Tái Đồng Ban. Năm 1926, Tái Đồng Ban cũng giải thể, cô Năm Phỉ đi hát cho gánh Văn Hí Ban của ông Huỳnh Văn Vui, và tiếp đến là gánh Phước Cương.

    Năm 1954, cô Năm Phỉ bất ngờ qua đời, để lại trong lòng công chúng và người hâm mộ nỗi thương tiếc không nguôi, cô Bảy Phùng Há lúc đang diễn ở Long Xuyên, nghe tin cô Năm Phỉ mất đã xúc động ngất xỉu. Sau đó cô Bảy tức tốc về Sài Gòn để đưa cô Năm đến nơi an nghỉ cuối cùng và để lại những tiếng kêu than xé lòng về người chị nghệ thuật đột ngột ra đi.



    T.Tùng
    Theo Congly.com.vn

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    romeo (20-07-2015)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Chuyện về cô đào Năm Phỉ
    - Kỳ 2: 8 điếu văn khóc thương cho nữ tài danh đất Sài thành

    Những cử chỉ, lời nói, hành động của cô Năm Phỉ như báo trước câu chuyện đau lòng sẽ xảy ra với chính cô, báo hiệu một sự kết thúc. Nhưng không ai ngờ sự ra đi đó lại nhanh và đột ngột đến thế.

    Và giới nghệ sĩ cùng người hâm mộ thời bấy giờ đã không còn nước mắt để khóc tiễn
    biệt cô đào cải lương này. Sự ra đi của cô Năm Phỉ gây nhiều xót xa, luyến tiếc…

    Sự ra đi gây nhiều thương tiếc

    Nỗi nhớ mẹ của cô Năm Phỉ ngày càng da diết, đặc biệt là từ khi cô nhận được bức chân dung của thân mẫu vào chiều ngày 31/5/1954. Bức chân dung này được thuê họa sĩ tận bên Pháp vẽ, sau một thời gian người ta mới gửi sang cho cô và gia đình. Khi nhận được bức chân dung, cô đã khóc rất nhiều. Sáng hôm sau, tức trước khi mất một ngày, cô Năm Phỉ đã đích thân treo bức chân dung này lên bàn thờ một cách cẩn thận, rồi cô lấy một sợi dây chuyền bằng vàng, gắn bảy hột xoàn đeo vào cổ bức chân dung. Sau đó, cô lấy ba cây nhang thắp, lạy mẹ.

    Cắm nhang lên bàn thờ mẹ, cô quay lại nói với hai em mình là Chín Bia và Út Đề rằng: “Vậy là bổn phận của chị lo cho mẹ xong rồi, dẫu có chết chị cũng không ân hận chút nào” rồi lững thững bỏ đi ra nằm võng. Nằm trên võng, cô Năm Phỉ ngoái đầu vào nói như trăng trối với các em mình: “Bây giờ chị chỉ muốn hai điều, một là chết, hai là đi tu. Sao chị chán đời quá...”.

    Thời điểm này, gánh hát của gia đình cô Năm Phỉ đang rất nổi tiếng, được nhiều người biết. Trước lời than vãn của cô Năm Phỉ, cô Chín Bia cũng than lại rằng muốn nghỉ gánh hát. Biết chuyện, cô Năm Phỉ đã rầy la và căn dặn: “Tụi bây động một chút là đòi giải tán, đòi rã… Dầu tao có chết, thì tụi bây dầu không làm lớn được cũng làm gánh hát nhỏ. Con cháu dòng họ đều làm nghề hát cả, tụi bây phải ráng có một gánh hát mãi mãi như lúc còn tao vậy. Hát chỗ lớn không được thì hát chỗ nhỏ, hát tỉnh không được thì hát ở làng...”.


    Cô Bảy Phùng Há và nghệ sĩ Năm Châu tiễn biệt Năm Phỉ

    Đến chiều hôm đó, trước khi Kim Cương (con gái cô Bảy Nam) đi hát radio, cô Năm Phỉ có kêu lại cho 100 đồng và dặn: “Con lấy 100 đồng nầy để sáng mai đi đốc tờ (bác sĩ) vì hồi hôm con ho quá làm má không ngủ được. Con cũng nhớ ca rồi đi về nhà chớ đừng đi chơi”. Đoạn cô kéo Kim Cương vào lòng vừa hôn vừa nói: “Con ráng nghe con, má vui mừng vô cùng khi nghe tiếng ca hát của con từ trong máy phát thanh vang ra. Má ráng sống đến ngày con có chồng, chừng ấy má chết mới yên tâm”.

    Thế nhưng mọi chuyện chưa diễn ra đúng như ý định cô Năm Phỉ. Chiều hôm ấy, một người bạn nữ đã đến và cả hai cùng đi xem chớp bóng. Trước đó, cô đã rủ người bạn của mình vào nghĩa địa viếng thân mẫu và lạy mẹ. Tại rạp chiếu bóng Nam Quang, bất ngờ cô Năm Phỉ ngất xỉu, lúc đó là khoảng 10h tối, đến khoảng 5h30 ngày 2/6/1954 thì cô trút hơi thở cuối cùng tại nhà thương Đồn Đất.

    Tin cô Năm Phỉ mất loan đi một cách chóng mặt, ai cũng xót thương cho sự ra đi đột ngột này của cô. Các báo thời đó đã dành nhiều trang để nói về sự ra đi này. Trong các ngày diễn ra tang lễ đã có hàng ngàn đoàn người đến viếng. Các báo thời ấy cho biết, đám tang cô Năm Phỉ là lớn nhất từ trước tới nay trong giới nghệ sĩ Việt Nam.

    Vở kịch cuộc đời đã hạ màn

    Ngoài việc phúng điếu, nhiều người còn dành những từ ngữ hết sức xúc động cho người thiên cổ. Có nhiều bài ai điếu được đọc lên và khiến cho “bao người phải khóc ngất hay thổn thức nghẹn ngào”. Theo ghi nhận thời ấy, đã có 8 bài ai điếu. Ai cũng dành những tình cảm chân thành, sự yêu mến và cảm phục tài năng của cô Năm Phỉ. Tuy nhiên, “bài ai điếu của cô Phùng Há được đánh giá là cảm động nhất, bài ai điếu lâm ly nhất là của anh Năm Châu và thống thiết nhất là tiếng kêu thương của Duy Lân”, tuần báo Điều tra - Phóng sự mô tả.

    Cô bảy Phùng Há khóc: “Than ôi, có dọc ngang thế nào, có vinh sang tột bực, rốt cuộc cũng trơ trọi trong chiếc áo quan, trở về cùng cát bụi... Và chỉ sau vài giờ này, khi lòng đất khép lại, vùi chôn mảnh hình hài thì... biết có ai vãng lai mộ chị hay là vắng vẻ đìu hiu mà người đời, than ôi, lòng người cũng dễ quên, mau quên lắm!”... “Em không đủ lời lẽ văn hoa diễn tả hết nỗi lòng em để khóc một thiên tài của nước Việt. Em chỉ có vài lời mộc mạc để tỏ tấm lòng kính yêu một người chị về tuổi tác cũng như về nghề nghiệp bằng tất cả mọi sự chân thành. Vậy em xin nghiêng mình để chào chị Năm một lần vĩnh biệt”.

    Còn Năm Châu (ông Nguyễn Thành Châu) lại ví: “Một ngọn đèn đã tắt phụt/Một cánh cửa đã đóng ầm/Một quyển sách đã đọc đến dòng chữ cuối cùng/Một vở kịch đã hạ xong màn chót...”. Về sự ra đi của cô Năm Phỉ, nghệ sĩ Năm Châu điếu: “Nó chợt đến trong lúc không ai ngờ, giữa một tiếng nổ vang, gây một xúc động đột ngột, mãnh liệt trong giới nghệ sĩ chúng tôi không khác nào cách kết thúc của một vở bi kịch hùng tráng”.


    Ảnh do các báo thời bấy giờ chụp lại

    Năm Châu nhớ lại: Tôi biết cô trong một buổi tập họp vui vẻ của học sinh. Hồi ấy cô còn là một cô bé 13 tuổi. Cô đến với chúng tôi dưới hình ảnh của một Nguyệt Nga tí hon, vai mang pho tượng, mắt lóng lánh một giọt lệ như lưu luyến mãi không đành rời, cặp môi uốn nắn một giọng hát khàn khàn nhưng buồn đến đứt ruột, cô đã làm tôi kinh ngạc nhiều hơn là cảm động...

    Hình ảnh của cô bé Nguyệt Nga đã phai mờ trong trí nhớ của tôi nhưng một hình ảnh khác lại nổi lên rõ ràng hơn, thấm thía hơn, là gương mặt trầm lặng, hiền từ của Thị Kính lúc hàm oan và thân hình tiều tụy với đôi mắt quầng thâm, điểm vài tia máu tươi trên môi của Trà hoa nữ khi hấp hối. Từ đó, đến nay, 16 năm qua, cuộc đời cô như gió thổi xuôi chiều, vẫn kéo dài giữa bông hoa và nhung lụa. Cô có thỏa mãn chăng? Nào ai biết được. Trong những cuộc tập họp náo nhiệt của giới nghệ sĩ, người ta ít khi được trông thấy cô lui tới...

    Đôi khi tình cờ gặp gỡ, vẻ phong lưu đài các của cô vẫn không thay đổi nhưng trong sang trọng ấy, hình như có hàm ẩn một cái gì bất mãn chua xót nên giữa câu chuyện nghề nghiệp thỉnh thoảng nghe cô thở dài chán nản như tiếc nhớ một thời xuân đã bỏ luống, trong khi những đứa em nhỏ của cô còn đương vươn mình trong hệ thống ý thức mới để mong tiến kịp phong trào...

    Và Năm Châu thốt lên: “Bỗng đùng một cái, sáng sớm ngày 2/6, tôi được tin sét đánh, cô đã lìa chị, lìa em, lìa những tri kỷ gần xa, lìa những bông hoa nhung lụa, lìa thinh danh, lìa gối nệm, lìa những anh chị em nghệ sĩ đương mướt mồ hôi vì cơm áo, lìa đám cháu thơ đương cần an ủi vỗ về, để buông xuôi hai tay, nhắm nghiền đôi mắt mà sớm thoát ly một trách nhiệm nặng nề. Thôi rồi! Một tấm kịch đã hạ màn! Một quyển truyện dài 48 năm đã đọc đến dòng chữ chót. Để chờ hậu thế, người ta gấp chặt quyển sách lại như xây chắc một nấm mồ”.
    Cái chết gây nhiều tranh cãi

    Năm Phỉ ra đời và lớn lên tại làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Theo thông tin thời bấy giờ thì cô Năm Phỉ qua đời đột ngột là do tai biến mạch máu não. Nhưng chính những điềm báo trước từ miệng cô Năm về cái chết của mình đã khiến không ít người kinh ngạc và không lý giải nổi.


    T.Tùng
    Theo Congly.com.vn
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    romeo (20-07-2015)

  5. MEM
    Avatar của MEM
    Chuyện về cô đào Năm Phỉ
    - Kỳ cuối: Người đời ai khóc Năm Phỉ chăng?


    Sự ra đi của cô Năm Phỉ đối với nhiều người giống như “sét đánh ngang tai”, không thể tưởng tượng được, khi mà vị trí của cô Năm Phỉ trong giới mộ điệu, trong giới nghệ sĩ đang có sức lan tỏa rất lớn.

    Cái tên “khét tiếng” lĩnh vực tuồng

    Lời vĩnh biệt của ông Châu Hồng Đào, đại diện Hội Nghệ sĩ ái hữu cho hay: “Cô Năm Phỉ là một trong những người sáng lập của Hội Nghệ sĩ và đã từng giữ chức Phó hội trưởng của hội lúc ban sơ. Về sau, mặc dầu cô không trực tiếp tham gia việc hội nhưng công sáng lập của cô vẫn được ghi sâu trên sổ vàng của hội. Cô Năm ôi, cô sống thì khôn, thác thì thiêng, vong hồn cô giờ nầy chắc cũng phưởng phất đâu đây, vậy hãy xin nhìn các thân nhân của cô, nào anh, nào em, nào con, nào cháu và đông đảo có đủ mặt các bạn bè, tri kỷ của cô. Tất cả ai cũng ngùi ngùi mến tiếc thương cô, vậy mà, cô lại nỡ lòng nào dứt bỏ ra đi. Cô đi, đi mãi, đi không hẹn ngày tái ngộ, đi mà không có một tiếng giã từ. Tuy biết không ai tránh khỏi số trời nhưng hỡi ôi, bạc số làm sao, hoa vẫn đượm màu mà bỗng nhiên rơi rụng, thình lình”.

    Ông Hà Quang Định, chồng cô Ái Liên, Giám đốc hãng Vietfilm đọc ai điếu cũng biểu lộ cảm xúc tột độ: “Chị Mộng Hoa! Cái tên nhân vật trong tuồng Mộng Hoa Vương mà người mộ điệu trong Nam ngoài Bắc vẫn quen gọi chị!... Chị hiểu rằng, tài hoa không phải giống ở đời nên chị đào tạo hai cô em: cô Bảy, cô Mười và hai cháu: Xuân Lan, Kim Cương sẵn sàng kế nghiệp chị hầu trở nên một gia đình nghệ sĩ hiếm có ở miền Nam. Than ôi! Bạn tri âm còn đó/Làng nghệ thuật còn đây/Hoa rụng hương tàn/Sao dời, vật đổi/Ba mươi năm tài điệu, hình ảnh, mơ màng/Một kỷ niệm bâng khuâng, kẻ còn người mất...”. Nhưng đến bài ai điếu của Duy Lân, em trai cô Năm Phỉ thì mọi người mới thấu hết tài năng, đức độ cũng như những hụt hẫng mà cô Năm để lại cho đời, cho người.

    Hàng ngàn người đưa tiễn bậc kỳ tài thiên hạ trong nghiệp “cầm ca” về với đất mẹ.

    Bài ai điếu của Duy Lân có đoạn: “Chị chết giữa lúc không một ai dám ngờ rằng chị chết. Chị chết giữa lúc trên sân khấu Việt Nam không vắng dạng hình của chị. Chị chết giữa muôn lòng người còn đến mến tưởng chị, chị chết giữa sự bất ngờ của mọi người. Chị Năm ơi! Chị Năm Phỉ ơi! Tiếng kêu của em đây là tiếng kêu thương của tất cả, của tất cả những ai đã từng nghe, thấy, quen, biết, thân thiết với cô Năm Phỉ, cô đào hát tài hoa nhất của sân khấu Việt Nam mà trong đất nước còn có ai không nhắc đến tên chị một lần. Trẻ già lớn nhỏ, còn ai không biết chị, không biết tài năng thân thế chị, chị Năm ơi! Người của chị thế nào, tài danh của chị làm sao mà được nhiều người mến thương như vậy?”.

    Tự trả lời câu hỏi ấy, Duy Lân khóc: “Trước nhất, sức thông minh vô hạn mà trời đã ban tứ cho chị để nhuận sắc thêm vào khiếu hâm mộ kịch trường, đã xây dựng ở chị nên một tài năng chẳng những làm rạng rỡ cho sân khấu nhà khỏi hổ thẹn với người mà còn cho cả dân tộc được hãnh diện với những lời khen ngợi chân thành, bằng những huy chương xứng đáng của các nước làng giềng và cả nước Pháp. Nước được ca ngợi là thủ đô của nền kịch nghệ. Chị đã làm cho bước đầu sân khấu ca kịch được vững tiến, chị đã bồi đắp cho nó tất cả tâm lực của chị trên ba mươi năm trường, chị đã gây cho nó được một ảnh hưởng phổ biến trong nước cả một tiếng vang khá mạnh ở ngoài trời Việt Nam. Dầu nay chị đã mất rồi, sân khấu nhà luôn luôn còn nồng đượm hương vị tài hoa, người mộ điệu luôn luôn còn nhắc nhở, và tương lai nền ca kịch một phút được vinh quang là cũng do chị đã góp rất nhiều tia xán lạn”.

    Sân khấu và chỉ sân khấu

    Tiếp mạch, Duy Lân ai điếu: “Là một cô đào hát nhiều thông minh, nhiều sáng kiến, nhiều vai tuồng không người thay thế nhất, đã đem hết năng lực một đời phụng sự cho sân khấu, nên để đáp tạ lại, sân khấu đã giúp chị đến mức rạng ngời của danh vọng, cũng như đã giúp chị nếm trải hết hương vị chua xót, đắng cay của kẻ yêu nghề. Nguồn sống duy nhất của chị là sân khấu, và cũng chỉ có thể là sân khấu mới lấy được của chị nhiều máu và nước mắt thôi. Trong dòng đời cá nhân của chị, đức hiếu thảo được nâng cao hơn hết. Chị đã báo hiếu vuông tròn cho cha mẹ, chị đã giúp đỡ thương yêu gia quyến tận tình. Ngoài ra, chị còn là nguồn an ủi vô tận của các bạn bè, là mối tế trợ vô cùng của người nghèo khó, là sức nâng đỡ nhiệt thành của các tài hoa chớm nở và là niềm thân thiết nồng hậu của tất cả kẻ cùng chung sống với chị một nghề”.

    “Người của chị như thế, lòng của chị như thế, tình thương cảm của chị như thế, sao chị lại nỡ chết sớm đi, để lại cho xã hội, sân khấu, gia đình một tang tóc đau buồn thế này chị Năm ơi! Chị Năm ơi!/Ba mươi năm gội, nhuần ơn tổ/Bốn tám tuổi vay, trả nợ trời/Ai ghép tài hoa vào mạng bạc? Chia ly đến chẳng nói nên lời!!!”, Duy Lân kêu bi ai. Sự ra đi của cô Năm Phỉ cũng là mối lo cho gia đình, cho gánh hát và cho những đồng nghiệp của cô. Duy Lân viết: “Chị Năm ơi! Em đã theo chị trên mười lăm năm trời, đến ngày nay, đoàn hát thân yêu mang tên tuổi chị, sự nghiệp chị, thân thế chị đang giữa dòng lao đao khốn khó thì chị phải ráng sống, sống để nâng đỡ nó, bồi đắp nó, sao chị lại chết đi, chị Năm ơi? Con thuyền không lái kia sẽ đi về đâu, sẽ đến bến nào khi số phận nó đã không may lỡ bơ vơ giữa vùng biển rộng?”.

    NSND Phùng Há cùng với Năm Phỉ là hai cô đào hát
    được liệt vào hàng thượng đẳng nghề nghiệp.

    “Em muốn nói lên tất cả những gì còn u uất trong lòng em, trong lòng bạn đồng nghề, trong lòng người mội điệu, nhưng lời nghẹn ngào trong niềm tiếc thương tràn nước mắt rồi. Thôi chị Năm ơi! Chị yên nghỉ đi và em nhân danh toàn thể anh em Năm Phỉ trân trọng cầu nguyện cho chị được sớm về chốn nào chị ưa thích nhứt, trong cõi thăm thẳm xa vời kia”. Và những lời của ông Năm Châu, cho đến thời nay vẫn như là một vết cứa với nhiều người ái mộ cô Năm Phỉ: “Một người lầm, một thế hệ có thể lầmnhưng nhân loại không bao giờ lầm được. Hậu thế sẽ phán đoán cô một cách công bằng hơn và sẽ đặt cô đúng vào vị trí của cô. Tôi xin nhường lời cho hậu thế”.

    “Ở đây chúng tôi chỉ bồi hồi thương tiếc một biệt tài đáng mến, ngậm ngùi khóc cho một nghệ sĩ, dầu có đạt được trên nấc thang cao vút mà số kiếp vẫn ghi ít nhiều thiệt thòi. Năm Phỉ ơi! Năm Phỉ đã ở đâu và bây giờ đi về đâu?”. Nhớ lại Năm Châu kể tiếp: “Lần gặp gỡ chót, khi đến thăm cô... tôi cũng buồn rầu nhìn cô và nhận thấy hình như cô không còn đủ bình tĩnh để giữ lại giọt lệ lưu luyến ngày xưa trên khóe mắt, mà phải đành buông rơi cho nó chảy dài trên đôi má phai hồng”.

    Cô Bảy Phùng Há khóc cho mình?

    Tiễn biệt cô Năm Phỉ, lần đầu tiên, nhiều người cũng mới thấy cô Phùng Há khóc thiệt, khóc ở đời và khóc nhiều như vậy. Chính giọt nước mắt thật của cô đã làm cho nhiều người khóc theo. Tuần báo Điều tra – Phóng sự thời ấy bình luận: “Kịch giới Việt Nam cho tới thời điểm ấy có hai cô đào được liệt vào hàng thượng đẳng nghề nghiệp. Giờ đây cô Năm Phỉ đã đem mớ tài ba sang thế giới khác, cô Bảy thui thủi ở lại một mình, phải chăng cô Bảy Phùng Há khóc cô Năm Phỉ mà cũng để khóc cho mình?”.


    T.Tùng
    Theo Congly.com.vn
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    romeo (20-07-2015)

ANH EM CHANNEL