1. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc

    Nhạc sĩ TRẦN TẤN HƯNG - NGƯỜI BIÊN SOẠN BẢN VỌNG CỔ NHỊP 32

    Ông là môn sinh nhỏ tuổi nhất của Nhạc Khị, nhưng được giao trọng trách tổ chức lễ giỗ tổ cổ nhạc hàng năm tại Bạc Liêu, lại là người thừa kế sự nghiệp nghệ thuật của các bậc tài danh Sáu Lầu, Mười Khói, Ba Chột - ông đã lập thành sáu câu Vọng cổ nhịp 32 đầu tiên ở Nam bộ, tạo dược công lớn trong quá trình phát triển bản Vọng cổ, nên không những người Bạc Liêu mà đa số các nghệ sĩ gần xa đều biết.

    Ông sinh ngày 26 tháng 9 năm Tân Dậu (26/10/1921) tại nội thành Bạc Liêu và mất cũng tại đây vào ngày 11 tháng 3 năm Nhâm Tuất (04/4/1982), xuất thân từ một gia đình khá giả người Minh Hương, cha là Trần Tấn Lâm và mẹ là Tống Thị Phước đều là những người cố cựu ở Bạc Liêu. Ông có hai chị, một anh và một em gái, vợ của ông tên Lê Ngọc Báu một phụ nữ hiền lành ở cùng quê với ông. Về con cái thì ông có khá nhiều, đến những năm trai hai gái, nhưng chỉ có hai người là Minh Nguyệt và Tấn Hùng (Hề Bún) đã trơ thành diễn viên cải lương.

    Từ thuở ấu thơ ông đã được người nhà gọi một cách thân thương là Em Nhỏ không ngờ cái tên này lại gắn bó với cuộc đời của ông – ông vốn là người con thứ 5 trong gia đình (nếu tính theo người Triều Châu là thứ 4), nên khi lớn lên đa số người xung quanh đều gọi Em Nhỏ thành Năm Nhỏ và sau đó cái tên Năm Nhỏ lại được ông dùng làm nghệ danh, nên từ đó không những người Bạc Liêu mà nghệ sĩ các nơi đều gọi ông bằng cái tên này .

    Cha của ông nguyên là một nhà Nho nhưng có đầu óc tiến bộ nên rất chú trọng việc học hành cho con cái, vì vậy các anh em của ông từ nhỏ đã được học hành, riêng ông đã học đến lớp 9 thời đó (classe de neuvième) và đậu được bằng Brevet d’etude du premier cycle (Trung học đệ nhất cấp); có lẽ đến đó cái duyên với trường học đã hết nên cậu học sinh Trần Tấn Hưng đã rời ghế nhà trường; tuy nhiên sau 10 năm đèn sách ông cũng đã nói rất thông thạo tiếng Pháp.

    Vào những năm đó phong trào đờn ca tài tử đang lên, nhất là từ khi bài Vọng cổ Văng vẳng tiếng chuông chùa ra đời, phong trào này như diều gặp gió – lớn mạnh rất mau chóng; khách ái mộ cũng nhiều, người tham gia cũng đông, sức thu hút của bài Vọng cổ rất mạnh mẽ. Trần Tấn Hưng ngay những năm còn học đã mê cổ nhạc, nên ngoài giờ học ông thường dợt đờn để giải khuây, ông say mê đến nỗi phải mua riêng một dàn hát máy và một cây đờn ghi ta để mò mẫm từ nốt nhạc trong đó, nhưng cái lối học đờn không người hướng dẫn này mặc dù có nhiều cố gắng cuối cùng vẫn chẳng tiến bộ được bao nhiêu, tuy nhiên ông cũng đờn lõm bõm được vài bản vắn.

    Năm 1936 Trần Tấn Hưng chính thức thọ giáo với Nhạc Khị, Nhạc Khị lúc này đã quá già yếu lại thường hay bệnh, nên việc dạy đờn cho các môn sinh mới đều ủy thác Ba Chột, Sáu Lầu ; vì vậy Trần Tấn Hưng tuy làm lễ bái sư với Nhạc Khị nhưng kể như chính thức mở đầu cuộc đời nghệ thuật từ hai vị sư huynh này. Ông rất thông minh lại chuyên cần tập luyện cộng thêm sự hướng dẫn tận tâm của các huynh trưởng nên việc học đờn tiến bộ rất nhanh ; chỉ hai năm đầu đã thông suốt ba Nam, sáu Bắc và các nhạc bản do Nhạc Khị, Sáu Lầu, Ba Chột sáng tác .

    Ông tâm đắc nhất là bản Vọng cổ và tiền thân của nó là bản Dạ cổ hoài lang, sở trường của ông lại là chiếc đờn ghi ta phiếm lõm (lục huyền cầm) nên rất thích hợp với giọng mùi mẫn của loại nhạc điệu này. Chiếc đờn ghi ta vốn có nguồn gốc từ phương Tây là một nhạc cụ rất phổ thông của tân nhạc, vào khoảng năm 1935 được nhạc sĩ Arman Thiều của đài Pháp Á dùng để đờn cổ nhạc, lúc đầu cây đờn cũng vẫn để nguyên một thời gian, nhận thấy chữ nhạc thiếu mùi nên vị mhạc sĩ nầy đã dũa phiếm để dễ nhấn chử đờn, thành ra chiếc đờn ghi ta phiếm lõm và bởi nó có sáu dây nên gọi là lục huyền cầm. Tuy tiếng đờn rất êm nhưng lúc bấy giờ chiếc đờn ghi ta vẫn chưa được phổ biến rộng trong giới cổ nhạc, nhất là ở các tỉnh miền tây Nam bộ chỉ có một ít người sử dụng. Nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ) chính là người đầu tiên sử dụmg ghi ta như là một nhạc cụ chính thống của cổ nhạc ở Bạc Liêu và ông đã thành công lớn với chiếc đờn nầy, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong khi viết tác phẩm Bạc Liêu xưa và nay đã xác nhận “Năm Nhỏ thì sở trường lục huyền cầm, ai ai cũng dều biết tiếng tài tình”.

    Lúc đó bản Vọng cổ đang trên đà phát triển, mỗi câu càng lúc càng được kéo dài ra, chữ đờn nhiều hơn và êm ái, nhẹ nhàng hơn … đã trỡ thành bản Vọng cổ nhịp 16, nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của những người ái mộ. Nắm bắt được nhu cầu này ông đã cố gắng sáng tạo chử đờn để biến bản Vọng cổ trở thành nhịp 32. Theo nhận xét của ông bản Vọng cổ 20 câu nhịp 16, về số câu thì quá dài còn lòng câu của mỗi câu lại ngắn, chỉ phù hợp với đờn ca tài tử không phù hợp với sân khấu cải lương; ông muốn rút số câu lại còn 6 câu và mở bung mỗi câu thành 32 nhịp cho diễn viên dễ trình diễn hơn. Ước muốn của ông đã được thầy với các sư huynh khuyến khích và giúp đỡ; riêng ông Ba Chột luôn chú tâm theo dõi và giải quyết những khó khăn trong suốt thời gian sáng tác của người sư đệ nhiều tâm huyết này.

    Cuối cùng Trần Tấn Hưng đã thành công; ông đã độc tấu bản Vọng cổ nhịp 32 do ông sáng tác với chiếc đờn ghi ta trong ngày giỗ tổ ngày 12 tháng 8 năm Tân Tỵ (1941). Nhạc Khị thật không ngờ người môn sinh nhỏ tuổi nhất của mình lại biên soạn được một bản Vọng cổ nhịp 32hay như thế, nên sau khi khen tặng ông đã đồng ý cho phổ biến ở Bạc Liêu. Hôm đó mọi người đều rất hân hoan, ai nấy đều mỗi câu chúc mừng thành quả của người “em nhỏ; nhạc sĩ Cao Văn Lầu mừng rỡ hơn ai hết vì ông đã thấy bản Vọng co - hóa thân của Dạ cổ hoài lang thêm một lần chuyển mình và phát triển ; sau đó ông cũng đã nhiều lần phát biểu : “Bản Dạ cổ hoài lang nhịp đôi do tôi đặt ra, nhưng biến đổi thành bản Vọng cổ có nhiều nhịp như hiện nay là do công của Trịnh Thiên Tư, Năm Nghĩa, Mộng Vân và Năm Nhỏ”. Bản Vọng cổ nhịp 32 của nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình phát triển của Vọng cổ nói riêng va Cải lương Nam bộ nói chung; đã góp phần tạo điều kiện cho người sáng tác cổ nhạc, biên soạn kịch bản và diễn viên sân khấu có điều kiện để thực hiện được hết khả năng và nghệ thuật của mình.

    Sau khi được phổ biến ở Bạc Liêu, bản Vọng cổ nhịp 32 được truyền đi nhanh chóng ở các nơi, càng về sau bản này càng được nhuận sắc và canh tân, đến nay ở Nam bộ đã có rất nhiều dị bản. Các bản càng mới càng tươi mướt hơn, chữ đờn mùi hơn vơi nhiều loại dây khác nhau; tên của các loại dây cũng tùy theo tên của mỗi địa phương có sự xuất hiện của mỗi dị bản mà gọi như : Dây Bạc Liêu, Rạch Giá, Long An, Sài Gòn … hoặc gọi thẳng nghệ danh của người đã cải biến ra bản đó như: Dây Văn Vĩ, Văn Giỏi, Hoàng Thành … hoặc các tên khác như : Dây Ngân Giang (Bảo Chánh), dây Tứ Nguyệt, dây Xề ... Bản Vọng cổ càng ngày càng có vị trí lớn trong các vở cải lương, đến nay có thể nói đã chiếm được vị trí độc tôn trên sân khấu cải lương và vô hình trung đã trở thành bản tiêu bieu nhất của cổ nhạc Nam bộ.

    Bản nhạc gốc của nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã được nhà nghiên cứu cổ nhạc Trịnh Thiên Tư ghi lại và sau đó đã in trong tác phẩm Ca nhạc cổ điển của ông. Nhân sự ra đời và phát triển của bản Vọng cổ nhịp 32, Trịnh Thiên Tư đã sáng tác hai bài ca Vọng cổ mang tên : Huyền Trân tủi phậnTìm bạn lạc loài ; bản chép tay của hai bài ca này đã được tác giả gởi tặng nhạc sĩ Trần Tấn Hưng để làm kỷ niệm; đây là hai bài Vọng cổ đầu tiên loại 6 câu nhịp 32 được sáng tác ở Bạc liêu (sau đó cũng được in trong sách Ca nhạc cổ điển).

    Sau khi biên soạn bản Vọng cổ nhịp 32, nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã tiếp tục nghiên cứu các nhạc khúc cổ ; cuối cùng đã biên soạn thêm được ba bản vắn mang tên : Phước Châu (1942),Minh Vương thưởng nguyệt (1943) và Tùng lâm dạ lãm (1943). Ba bản này sau khi ra đời đã được sử dụng trong đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ.

    Năm 1948 Nhạc Khị qua đời, các đệ tử lớn của ông như : Sáu Lầu, Chín Khánh, Tư Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân … đa số đều đã thành danh và có sự nghiệp riêng; nhạc sĩ Ba Chột cũng đã xoay qua nghề làm nón, ông đã mở một cửa hiệu nhỏ ở chợ Bạc Liêu để bán nón và sửa nón nỉ nên rất bận rộn với công việc này; vì vậy ban nhạc Bạc Liêu lúc bấy giờ chỉ còn lại những nhạc sĩ trẻ và những người mới gia nhập, vì vậy ban nhạc khi hợp khi tan, hoạt động càng ngày càng yếu đi . Nhận thấy tình hình này không thể kéo dài được nữa, nên trong lần cúng tổ ngày 12 tháng 8 năm Canh Dần (1950) hai nhạc sĩ đờn anh là Sáu Lầu và Ba Chột đã chủ động đề cử nhạc sĩ Trần Tấn Hưng làm trưởng ban nhạc Bạc Liêu, các nhạc sĩ khác đều đồng tình hưởng ứng. Cũng trong buổi lễ đó nhạc sĩ Ba Chột đã tuyên bố với các bạn đồng môn vì hoàn cảnh sinh sống của ông lúc đó rất khó khăn, việc làm ăn lỗ lã lại sắp phải dời nhà, nên việc thờ tổ và cúng tổ sợ e khó đảm đang, vì vậy xin giao lại trọng trách này cho các huynh đệ. Tập thể nhạc sĩ lúc đó bàn tán rất lâu đối với vấn đề này, cuối cùng đã thống nhất đề cử nhạc sĩ Trần Tấn Hưng phụ trách việc thờ tổ và cúng tổ. Kể từ đó, ông phải đảm đang hai trọng trách; vừa đứng đầu ban nhạc vừa chịu trách nhiệm tổ chức lễ giỗ tổ cổ nhạc vào ngày 12 tháng 8 hàng năm ở Bạc Liêu. Địa điểm thờ cúng sau buổi lễ năm đó được chính thức dời về nhà riêng của nhạc sĩ Trần Tấn Hưng toạ lạc tại số 225 đường Minh Mạng - Bạc Liêu (hiện nay là số 165 đường Nguyễn Thị Minh Khai - phường 5 - thị xã Bạc Liêu ). Trong thời gian này uy tín và tiếng tăm của ông khá lớn trong giới cổ nhạc nên đa số các đoàn cải lương về trình diễn ở Bạc Liêu như : Thanh Tao, Thanh Minh Năm Nghĩa, Hoa Sen, Kim Chưởng, Thanh Hương Hùng Minh, Minh Chí Việt Hùng, Văn Chung Thanh Hương, Thống Nhất Thủ Đô … đều có mời ông đến đờn chầu cho các đêm hát.

    Đến năm 1965, Ban cổ nhạc có phần đông hơn trước, địa bàn hoạt động cũng rộng hơn, nhạc sĩ Trần Tấn Hưng nhận thấy có nhiều người ca hay đờn giỏi, với lực lượng này nếu khéo tổ chức có thể thành một đoàn cải lương. Bởi nghĩ thế nên một mặt ông xin phép lập đoàn hát một mặt liên hệ với Hoài Phong Tử (cũng là người Bạc Liêu) để hợp đồng tập tuồng. Các thành viên của Ban cổ nhạc sau đó đa số đều biến thành đào kép; đoàn hát ra đời mang tên Đoàn cải lương Nam Dương - Bạc Liêu; kịch bản đầu tiên là vở Tiếng sáo vọng chinh phu của soạn giả Hoài Phong Tử, sau khi tập luyện được 4 tháng ở đình An Trạch (phường 5-Bạc Liêu) đã khai trương tại rạp Thuận Hóa (Sóc Trăng). Nhưng có lẽ cái số làm bầu của ông quá ngắn ngủi nên đoàn Nam Dương chỉ trình diễn được một ben hát ở đây rồi giải tán.

    Nhưng cái duyên nghiệp với cải lương còn dài nên chỉ vài tháng sau khi ông về nhà, đoàn Dạ Minh Châu (Thanh Minh Thanh Nga II) đã cử người đến mời ông phụ trách dàn cổ nhạc của đoàn này; nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã ký hợp đồng và kể từ đó bắt đầu cuộc đời của một nghệ sĩ cải lương rày đây mai đó. Suốt hai năm phục vụ cho đoàn này ông đã hướng dẫn thực tập bài bản cho rất nhiều tài năng trẻ, trong đó ngoài con gái của ông là Minh Nguyệt còn có Thanh Kim Huệ, Huyền Nga, Thu Nguyệt … Sau khi dứt hợp đồng với đoàn Dạ Minh Châu (1967), ông tiếp tục ký hợp đồng với một số đoàn cải lương khác; nhưng có một điều đặc biệt là dù cho đang hợp tác với đoàn hát nào hoặc đang phục vụ ở đâu; cứ gần đến ngày 12 tháng 8 âm lịch là ông đều có mặt ở Bạc Liêu để lo tổ chức lễ giỗ tổ.

    Đến năm 1972 nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã chính thức chấm dứt cuộc đời hồ thủy của mình, ông ở tại nhà lo mở lớp dạy đờn ca cổ nhạc để thực hiện lời dặn bảo của thầy lúc còn sinh tiền; trong 10 năm cuối đời không những ông đã tạo được một lượng lớn nghệ sĩ đờn ca tài tử ở Bạc Liêu mà còn đào tạo thêm một số nhạc sĩ, diễn viên cho sân khấu cải lương Nam bộ; tiêu biểu nhất trong số này là Hoàng Thọ, Tấn Tiết, Tấn Hùng, Kim Cúc, Mộng Thu ... Nhạc sĩ Trần Tấn Hưng đã cống hiến trọn vẹn cuộc đời của mình cho nghệ thuật, ông thực sự đã đóng góp lớn lao cho phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu và cho sự phát triển cổ nhạc Nam bộ, cũng vừa là người tiên phong tạo nguồn lực cho bản Vọng cổ nhịp 16 thay hình đổi dạng biến thành bản Vọng cổ nhịp 32 - một sản phẩm diệu kỳ của cổ nhạc và cải lương Việt Nam.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 5 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    10Cuong (09-09-2015), caophihung (11-09-2015), DOHOANG (09-09-2015), MEM (09-09-2015), romeo (09-09-2015)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Huyền Trân tủi phận Tìm bạn lạc loài: hai bài này ko biết có thu đĩa ko ta?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    nguyenphuc (09-09-2015), romeo (09-09-2015)

  5. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc

    Dạ, không biết có thu đĩa hay không, nhưng có bài ca.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 2 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    MEM (09-09-2015), romeo (09-09-2015)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Sẵn NP bỏ vào đây luôn đi cho bà con ngía những bài vọng cổ nhịp 32 đầu tiên!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    romeo (09-09-2015)

  9. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc
    Hic... phải hồi nảy anh MEM nói sớm, sẵn đó em bỏ vô luôn.
    Bây giờ thì phải cất công đi tìm lại... cũng hơi mất thời gian... hic...
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 2 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    MEM (10-09-2015), romeo (09-09-2015)

  11. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc
    HAI BÀI CA VỌNG CỔ NHỊP 32 ĐẦU TIÊN CỦA TRỊNH THIÊN TƯ

    Bản đờn Vọng cổ nhịp 32 do nhạc sĩ Trần Tấn Hưng biên soạn, được công bố trong lễ giỗ Tổ tại Bạc Liêu năm 1941, bản đờn này đã được nhà nghiên cứu cổ nhạc Trịnh Thiên Tư ghi lại và sau đó đã in trong tác phẩm Ca nhạc cổ điển của ông (sách xuất bản 1962). Nhân sự ra đời và phát triển của bản Vọng cổ nhịp 32, Trịnh Thiên Tư đã sáng tác hai bài ca Vọng cổ mang tên: Huyền Trân tủi phậnTìm bạn lạc loài; bản chép tay của hai bài ca này đã được tác giả gởi tặng nhạc sĩ Trần Tấn Hưng để làm kỷ niệm; đây là hai bài Vọng cổ đầu tiên loại 6 câu nhịp 32 được sáng tác ở Bạc Liêu (sau đó cũng được in trong sách Ca nhạc cổ điển cùng với bản đờn nhịp 32 của nhạc sĩ Trần Tấn Hưng). Chúng tôi xin phép Họa sĩ Trịnh Thiên Tài (con Soạn giả Trịnh Thiên Tư) trích lục hai bài Vọng cổ này để phục vụ độc giả và những người hâm mộ cổ nhạc.

    Bài Vọng cổ TÌM BẠN LẠC LOÀI

    Nói lối buồn:
    Kiều nương em ôi! Anh những tưởng vui ngày đoàn tụ, có ngờ đâu cảnh cũ vắng người yêu. Thà tương rau mà chung sống hẩm hiu, hơn là cảnh bèo giạt, mai chiều trôi nổi, gánh nặng đường xa khó tới, thời khắc trôi qua càng quặn rối lòng tơ. Em ôi ! Em đi đâu mà để cho anh … (vô Vọng cổ)

    1/- ... tháng đợi với năm chờ (16)
    Bến chia ly, anh đứng thẫn thờ (20)
    Như chiếc nhạn bơ vơ đoái nhìn quang cảnh tiêu sơ (24/SL)
    Anh nhớ lại ngày bận bịu có nhau, thì thầm vui vẻ dưới bóng trăng thanh (28)
    Trước ngọn đèn lê, vai kề đôi tuổi trẻ (32/dứt câu)

    2/- Sau ngày náo nức tân hôn, nhẹ nhàng không khí cô thôn (12)
    Tài tử giai nhân gìn lẫn một tâm hồn (16)
    Nhịp lòng chim hót, thanh thót về ngâm, thông reo hòa lẫn suối đờn (20)
    Nhưng rồi nay lại chia tay lạc loài oanh yến giữa trời mây (24/SL)
    Chốn cũ còn đây, sao tứ bề bát ngát phủ một màu lam (28)
    Em như chim ra biển Bắc, còn anh tìm kiếm tận trời Nam (32/dứt câu)

    3/- Kiều nương yêu dấu em ôi ! Góc biển chơn trời xa diệu viễn (12)
    Dễ gì anh lặn lội nơi đáy biển mò kim ? (16)
    Em ở phương nao như mây ngàn hạt nội ? … (20) (
    Anh sống xa em như buồm loan chích cánh chơi vơi (24/SL)
    Như chiếc nhạn kêu sương dưới gầm trời ảm đạm thê lương (28)
    Vơi vơi mây áng trăng thâu, Hòa Lư núi phủ sương sầu (32/dứt câu)

    4/- Gió lay nhẹ lá, sương gá nặng cành (12)
    Não nùng rót nhẹ – tiếng thỏ thẻ của chim oanh (16)
    Văng vẳng từ xa đưa đến như gợi thảm cõi lòng anh (20)
    Khi nhìn hòa ốp lá, khi trông cá ép đôi… (24/SL)
    Cảnh tình tráo trác thì thôi, biếm nhẽ người chia phôi hai ngã (28)
    Cung nga kia hỡi, cho gởi thơ sang, nhắn nhe rõ thấu tin nhàn (32/dứt câu)

    5/- Em ôi ! Cũng vì thương hải bến cải tang điền, (12)
    Phải nào anh bạc ngãi hay em lại phụ nguyền (16)
    Chỉ vì nạn nhân thời cuộc, nên gia đình chẳng được toàn nhiên (20)
    Đã đành thế sự biến thiên, anh tin lòng em trọn trinh kiên (24/SL)
    Nhưng sao em không ở lại nhà đặng chờ ngày phu phụ đoàn viên (28)
    Nay đò xưa trở về bến cũ, nhưng em ra đi không hẹn ngày về (32/dứt câu)

    6/- Hay là em cất gánh qua truông,
    Rồi lại quên nguồn hạnh phúc yêu đương (12)
    Tưởng không lẻ em nỡ đành buông vỡ bình gương, (16)
    Để cho anh tê tái lòng : đêm nhớ với ngày thương (20)
    Em ôi ! Có nắng mưa mới thắm nhụy hoa hường (24/SL)
    Chọn vàng thử đá mới đánh giá được tình thương (28)
    Cũng như đường dài hay sức ngựa, sương tuyết tường tòng bá chi tâm (32/dứt câu)
    (Trịnh Thiên Tư sáng tác năm 1941)


    Bài Vọng cổ HUYỀN TRÂN TỦI PHẬN

    Nói lối buồn:
    Khắc Chung lương tướng chàng ôi ! Ngày nay bể ái của đôi ta đã xảy ra cơn… (vô Vọng cổ)

    1/- … sóng gió bão bùng (16)
    Không trọn niềm riêng, nên thiếp luống não nùng (20)
    Tâm hồn nhi nữ, anh hùng trong cảnh lao lung (24)
    Vì tan nguồn hạnh phúc, làm dâu Chiêm quốc, em trao thân (28)
    Cho Chiêm - Việt giao lân, vì nước hiến thân. Ôi tình nhà đành tan vỡ (32)

    2/- Than ôi ! Trời khiến chi cho có thân càng khổ với thân (12)
    Em lỗi tình chung vì câu : Vô duyên đối diện bất tương phùng (16)
    Đất khách cô đơn, ai kéo xê duơn cho thiếp phải u hờn? (20)
    Như nhạn kêu sương như én lạc đường, tâm hồn đau khổ thê lương (24)
    Én nọ bay về phương Bắc, còn nhạn kia (28)
    Đỗ lại góc trời Nam, cảnh tình âu đã đành cam ! (32)

    3/- Khắc Chung lương tướng chàng ôi ! từ đây non thề đổ vỡ ! (12)
    Dù cho cá nước chia phôi, mối tình ngang trái thì thôi; (16)
    Xin anh nhớ kẻ chơn trời, không phụ lời hẹn biển (20)
    Hy sinh trên cảnh tang thương bởi tình trường đẫm lệ, vỡ chậu tan gương (24)
    Ta phải hy sinh, nợ nước hơn nợ tình, vì Việt Nam đưa gái làm dâu (28)
    “Ô - Rí”, đổi lấy hai châu, lợi chung ta phải riêng sầu (32)

    4/- Xin trao một vật em đan nầy đây chiếc áo ngự hàn (12)
    Gọi là của tặng Trần lang, trong cơn rét lạnh, lấy đó anh mang (16)
    Xin nhớ rằng: Đây là di tích của bạn ngọc đã về đâu (20)
    Nhưng còn kỷ niệm in sâu cõi lòng người quân tử mày râu (24)
    Một bước ra đi, xin đừng hận kẻ sanh ly, tưởng lầm em bội nghĩa (28)
    Chiêm quốc tha hương đánh dấu đoạn trường, rủi may âu cũng một con đường. (32)

    5/- Thà không gặp gỡ còn hơn, để chi gắn bó keo sơn rồi; (12)
    Nay bình vỡ gương tan, lý ưng anh phải khuấy nước chọc trời (16)
    Cho biết tài hiên ngang dũng cảm chí khí anh hùng (20)
    Nhưng em khuyên anh nên lấy ân chôn oán cho yên (24)
    Gác bỏ thù nhà, để em xử tròn nhiệm vụ cao cả thiêng liêng (28)
    Khắc Chung anh chịu đơn cô, cho Huyền Trân công chúa cống hồ (32)

    6/- Ngăn hai Chiêm - Việt biên thùy đã đành dứt lối uyên ương (12)
    Rồi đây kẻ sầu khó nhắn người thương ; thân gái lên đường khách địa náu nương (16)
    Ngơ ngẩn tâm hồn se lòng hoài thổ, nhớ bạn ba sinh chẳng trọn sơn minh (20)
    Đành để cho tình quân đau khổ dầu em chẳng bạc ân tình (24)
    Xin anh lãng quên như là em bất hạnh (28)
    Bỏ xác nơi Chiêm Thành vì nước cam hiến thân (32)
    (Trịnh Thiên Tư sáng tác năm 1941)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 4 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    caophihung (11-09-2015), MEM (10-09-2015), romeo (09-09-2015), thaydat (09-09-2015)

  13. thaydat
    Avatar của thaydat
    Nhân đây NP nói cho biết thêm xuất phát từ đâu mà lấy ngày 12/8 hàng năm để làm ngày giỗ tổ.Xin cảm ơn
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 3 Users Say Thank You to thaydat For This Useful Post:

    caophihung (11-09-2015), MEM (10-09-2015), romeo (09-09-2015)

  15. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc
    Không biết xuất phát từ đâu mà lấy ngày 12/8 âm lịch là ngày giổ tổ.
    Chỉ biết giỗ tổ Hát Bội và giỗ tổ Cải Lương là một, vì cải lương thoát thai từ Hát Bội mà ra.
    Nhạc tài tử có sau Hát Bội, mà Hát Bội đã có giỗ tổ từ hồi đời nào rồi, nên cứ nhạc ngũ âm hò xự xang xê cống là cùng chung một tổ, nên giỗ giống nhau. Hồi xưa không có ai sưu tầm ghi chép nên ngày nay cũng không biết tại sao lấy ngày 12/8 làm ngày giỗ tổ.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 2 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    MEM (10-09-2015), romeo (09-09-2015)

  17. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc
    Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Sân Khấu Hải Ngoại Tổ Chức Lễ Giỗ Tổ


    Lúc 6 giờ tối Thứ Bảy ngày 10 tháng 9 năm 2011 tại hội trường Đài Truyền Hình Việt Nam Hải Ngoại (VHN), Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ Sân Khấu Hải Ngoại phối hợp với đài Truyền Hình VHN Tổ Chức Lễ Giỗ Tổ. Lễ giỗ tổ được trực tiếp truyền hình qua hệ thống Direct TV trên khắp các Tiểu Bang Hoa Kỳ. Khoảng 300 nghệ sĩ, thân hữu, các cơ quan truyền thông, báo chí và đồng hương tham dự, trong giới Nghệ Sĩ có các Nghệ Sĩ tên tuổi như: Văn Chung, Hương Huyền, Phượng Liên, Ngọc Đáng, Túy Hồng, Soạn giả Yên Lang, Mai Thế Hiệp, Thanh Vũ, Tuấn Hải, Vĩnh Khang, Cảnh Trân, Hồng Loan, Bình Trang, Kim Tuyến, Ngân Lành. . .Điều hợp chương trình MC Mai Thế Hiệp.
    Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm, tiếp theo là Lẽ giổ tổ, trên bàn thờ tổ khóai nhang nghi ngút với đầy đủ phẩm vật theo phong tục cổ truyền ngày giỗ tổ. Sau ba hồi chiêng trống chấm dứt, lễ nhạc cúng tổ do đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng dưới sự điều khiển của Giáo Sư Nguyễn Châu. Sau đó toàn thể ban Chấp Hành Hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại cùng Ông Bà Bruce Trần Tổng Giám Đốc Đài truyền Hình VHN lên đốt nhang cúng tổ, tiếp theo các nghệ sĩ lần lượt lên đốt nhang để cầu mong Tổ phù hộ cho anh chị em nghệ sĩ "chân cứng đá mềm" để tiếp tục con đường phục vuụ tha nhân, bảo tồn truyền thống dân tộc tại quê người. Tiếp theo các Nghệ Sĩ lên trình diễn bài ca "Giăng Tơ" để dâng lên Tổ. Sau đó giới thiệu một số thành viên trong Ban Chấp Hành Hội Sân Khấu Hải Ngoại gồm có Ông Nguyễn Minh Chiêu Hội Trưởng, Giáo Sư Nhà Văn Trần Văn Chi và Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu Hội Phó, Soạn Giả Yên Lang Ủy Viên Nghệ Thuật, Nhà Báo Tô Kiều Phương Ủy Viên Báo Chí và nhiều ủy viên chuyên môn khác.

    Tiếp theo chương trình Ông Hội Trưởng Nguyễn Minh Chiêu và Ông Bruce Trần Tổng Giám Đốc Đài Truyền Hình VHN lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn sự tham dự ngày Giỗ Tổ của tất cả qúy vị. Trong phần phát biểu Ông Nguyễn Minh Chiêu tiếp: "...Trước năm 1975 ngày 12 tháng 8 âm lịch là ngày long trọng nhất của ngành sân khấu cải lương, từ nhà của các diễn viên đấn các gánh hát, các đoàn đại ban đều lấy ngày đó để cúng tổ, họ hát dâng lên tổ không bán vé, không lấy tiền khán giả để đồng bào được xem tự do. . . Sau năm 1975 chúng ta ra hải ngoại ai cũng bận lo đời sống, mãi đến năm 1980 mới có vài đoàn hát tổ chức trình diễn tại Nam California. . . Lễ giổ tổ trở lại cũng bắt đầu từ đó. Ông cho biết đây là lần thứ ba hội Nghệ Sĩ Hải Ngoại tại Hoa Kỳ cùng anh chị em nghệ sĩ chung sức đứng ra tổ chức. . . Năm nay với tư cách Ban Chấp Hành Lâm Thời được sự đồng thuận của Đài Truyền Hình VHN băng tần 2073 đứng ra tổ chức nhằm kết hợp các anh chị em nghệ sĩ hầu duy trì nền văn hóa cổ truyền của dân tộc. . ."
    Tiếp theo Giáo Sư Trần Văn Chi lên nói về ý nghĩa lễ giỗ tổ, trong suốt thời gian dài ông đã tìm hiểu về Tổ của Ngành Sân Khấu ông cho biết:

    Phải nói là đến nay chẳng ai biết ông tổ sân khấu là ai và lễ giỗ tổ xuất phát từ đâu. Theo lời kể thì những nghệ sĩ lão thành như Thành Tôn, Năm Châu, Phùng Há… còn nhỏ xíu chưa đi hát thì đã thấy có lễ giỗ tổ hát bội rồi. Còn các học giả Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Đinh Bằng Phi,… đã đưa ra nhiều giai thoại, truyền thuyết nhưng không chuyện nào giống chuyện nào.

    Chúng ta chỉ biết chắc rằng ở trụ sở Hội Tương tế Nghệ sĩ số 133 đường Cô Bắc, Quận 1, Sài Gòn có khánh thờ Ông Tổ làm bằng một loại danh mộc, chạm trổ rất công phu, bên trong có Tam Vị Thánh Tổ và 12 cốt ông, tính đến nay có gần một trăm năm rồi. Khánh thờ do bà Tám Đi tặng cho giới nghệ sĩ. Bà Tám Đi là một nhà phú hào, có đồn điền cao su ở Củ Chi và là chủ gánh hát bội và rạp hát tên là Rạp Bà Tám Đi ở đường Les Marins , nay là đường Trần Hưng Đạo Chợ Lớn, người bỏ tiền ra xây cất đình Phú Nhuận.


    Tổ Cải lương là ai

    Theo quan niêm chung thì Tổ Nghiệp của nghề hát là danh xưng để gọi chung các bậc tiền bối đã dày công sáng lập nên sự nghiệp có liên quan tới sân khấu như các vị : Tổ Sư, Thánh Sư, Tiên Sư, Tam Giáo đạo Sư, Lão lang Thần (tức Ông Làng theo cách gọi miền Nam) và đặc biệt là mười hai ông Tổ các ngành nghề như nghề thợ mộc, nghề dệt vải, ngành âm nhạc, nghề múa, nghề kim khí, nghề vẽ, vân. .. vân. . . có liên hệ đến n ghề hát.

    Phải chăng 12 ông Tổ của các ngành nghề được thờ ở Cô Bắc như biểu tượng cho Tổ Cải lương?

    Có truyền thuyết cho rằng Tổ sân khấu là hình ảnh của ba nhân vật tiêu biểu thường xuất hiện trong sân khấu xưa là ông vua, ông ăn cướp và ông ăn mày. Truyền thuyết này ảnh hưởng mạnh đến mức cho tới tận nay, giới nghệ sĩ rất kiêng cho tiền người ăn xin.

    Trước 1975 theo lời kể Nghệ sĩ Thành Được lúc nào cũng bảnh bao, tay đeo nhẫn hột xoàn nhưng ông không bao giờ cho tiền người ăn xin, chỉ bảo họ muốn ăn uống gì thì kêu đi rồi ông trả tiền.

    Nghệ sĩ Kim Cương nhớ cha bà (chủ gánh hát bội Phước Cương) còn trai trẻ, đi hát bằng ghe, ở những vùng xa, ăn cướp đi thành bang bằng ghe lớn như hải tặc nhưng không bao giờ đánh cướp ghe hát. Ghe của cha bà mỗi khi gặp cướp chỉ cần đánh trống thùng thùng thật lớn, họ biết là ghe hát là yên chuyện.

    Truyền thuyết khác nói về hai vị hoàng tử mê hát, bị vua cha đang truy tìm, trốn trong hậu trường gánh hát rồi chết cháy mà hiển linh thành tổ sân khấu. Cho nên bàn thờ tổ luôn được đặt trong hậu trường.


    Tổ Cải lương xuất phát từ Tổ Hát Bội

    Nghệ sĩ Kim Cương kể lại lễ giỗ tổ trong gia đình bốn đời theo nghề hát của mình gần với lời thuật của cụ Vương Hồng Sển :

    "Bà nội tôi - bà Ba Ngoạn - là bầu đến mấy gánh hát bội là người đứng ra cúng tổ. Bà mặc áo dài đỏ uy nghiêm, các cô chú đào kép trong đoàn cũng mặc áo dài, nam một hàng, nữ một hàng. Bà tôi thắp nhang xong khai trống, liền đó các hàng trống khác đổ rần rần theo từng bước đi của bà. Theo thứ bậc, từng đoàn đào kép vào lạy tổ… Với tôi, ngày cúng tổ là một ngày tết đầy vui sướng, được ăn uống thỏa thuê…". Nghệ sĩ, như Kim Cương, coi giỗ tổ là tết - với mọi hoạt động thăm viếng, xã giao, kể cả làm ăn - vì ngày tết truyền thống nghệ sĩ phải diễn mỗi ngày có khi đến bốn suất phục vụ khán giả.

    Theo lịch sử, khi chúa Nguyễn vào mở đất Phương Nam thì ngành hát bội xuất hiện rồi cải lương sau này khi người Pháp chiếm Nam Kỳ.

    Lúc bấy giờ , cải lương là phương tiện giải trí độc tôn của cả vùng đất phía Nam nên ngày lễ giỗ tổ Hát Bội gọi là giỗ tổ Cải lương và không chỉ phổ biến trong giới nghệ sĩ cải lương mà được đông đảo người dân quan tâm . Nên những từ ngữ như tổ trác, tổ đãi… của giới sân khấu đã trở thành từ cửa miệng phổ thông ở miền Nam tới nay để chỉ sự may mắn hay xui rủi trong nghề nghiệp.

    Nên chúng ta có thể xem tổ Cải lương xuất phát từ hát bội.


    Giỗ tổ ngày nào

    Trước 1975, lễ giỗ tổ cải lương thường cúng ba hoặc hai ngày, khởi từ ngày 10 đến 13-8 âm lịch.Ngày chánh giỗ là ngày 12 tháng 8. Ngày đầu cúng chay, ngày sau cúng mặn với lễ chính là heo quay, tiệc mặn, ngày thứ ba cúng gà để xem chân gà đoán tốt xấu.
    Quan khách và nghệ sĩ tề tựu đông đủ trước bàn thờ Tổ, mở đầu, ông chấp sự, là người đạo cao đức trọng, được người trong giới nghệ sĩ đề cử thay mặt làm lể xây chầu, tức là lể khai tràng. Ông Chấp sự nâng cặp roi trống chiến, xá ba cái, ban ba hồi thỉnh tổ.
    Ngoài lễ cúng chanh tại đoàn trong ngày 12-8, ngày 11-8 bầu gánh và giới nghệ sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn tụ về làm lễ tại Hội Ái hữu tương tế nghệ sĩ. Các ông bà bầu muốn mời đào kép của đoàn khác về hát cho mình thường chờ đến ngày này để tiếp xúc với họ. Vì nếu nếu làm như vậy trong những ngày khác thì sẽ bị bầu đoàn đó mướn người chặn đánh. Với đào kép chưa nổi danh, trong ngày cúng tổ có tục lệ hát hầu tổ, bất cứ ai trong đoàn cũng sẽ hát - diễn một đoạn ngắn nào đó mình tâm đắc nhất trước bàn thờ tổ và trước mặt cả đoàn. Đây là dịp các đào kép nhỏ nhắc các ông bà bầu về sự tiến bộ của mình để được lên hạng, lên lương.

    Ngày đó đời của người nghệ sĩ xoay quanh ngày cúng tổ này còn được thể hiện khá rõ thân phận giàu nghèo, sang hèn. Những đoàn hát lớn, giỗ tổ luôn rình rang, heo quay để chật sân khấu, như nhà giàu ăn tết lớn. Những đoàn nghèo gọi là đoàn bầu tèo, hát ở những nơi heo hút, có khi cơm còn không đủ ăn, ngày giỗ tổ có được con gà cúng tổ đã là sang .


    Một chút lịch sử

    Theo sử sách thì Lý Nguyên Cát và Liên Thu Tâm vốn là kép hát người Tàu theo đoàn quân Nguyên qua xâm chiếm nước ta, bị bắt làm tù binh. Vì Lý Nguyên Cát có tài hát xướng nên vua Trần dùng để dạy hát trong cung vua. Khi đó thì dân nước ta đã có biết nghề ca hát rồi, họ chỉ dạy thêm múa mà thôi. Lý nguyên Cát không thể là tổ ngành ca hát của chúng ta như một vài người hiểu sai.

    Riêng người đã khai sinh ra trường phái cổ nhạc Bạc Liêu, thường gọi ông là Nhạc Khị từ lâu đã được giới nghệ sĩ cổ nhạc tôn xưng là Hậu Tổ Cải lương mà thôi. Ông không phải là Tổ Cải Lương.

    Gọi là nhạc Khị bởi vào thời đóngười Bạc Liêu ít khi gọi những thầy đàn cổ nhạc là nhạc sư hay nhạc sĩ, mà chỉ gọi vắn tắt là "nhạc" cộng thêm cái tên của người đó. Từ "nhạc" vừa để chỉ nghề nghiệp vừa để chỉ tính chất chuyên nghiệp.

    Nhạc Khị còn có công đào tạo một lực lượng lớn ca sĩ, nhạc sĩ, soạn giả cho các tổ chức ca nhạc cổ và sân khấu cải lương trong buổi đầu. Trong số người thừa kế sự nghiệp của ông, chỉ riêng bốn người: Cao Văn Lầu, Ba Chột, Trịnh Thiên Tư và Mộng Vân.
    Tiếp theo chương trình văn nghệ do MC Ngọc Hân, Mỹ Lan và Mai Thế Hiệp phụ trách.
    Chương trình tiếp nối qua những bản độc chiếc, song ca và những trích đoạn cải lương thật xuất sắc qua sự trình diễn của các nghệ sĩ danh tiếng. Xen lẫn chương trình văn nghệ có phần tâm tình của các Nghệ Sĩ như Văn Chung, Yên Lang, Phượng Liên, Túy Hồng. . . Mọi người cùng xem văn nghệ cùng thưởng thức các món ăn quê hương do Hội Nghệ Sĩ, Đài Truyền Hình VHN và chợ Sàigon City Market Place cùng anh chị em Nghệ Sĩ khoản đãi.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 3 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    caophihung (11-09-2015), MEM (10-09-2015), romeo (10-09-2015)

  19. MEM
    Avatar của MEM
    Cám ơn NP! Đọc tư liệu xưa, biết thêm xuất xứ thấy quý quá!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    caophihung (11-09-2015), nguyenphuc (11-09-2015), romeo (10-09-2015)

ANH EM CHANNEL