1. MEM
    Avatar của MEM
    NSƯT Lệ Thủy: Không sợ già, chỉ sợ yếu


    Sau live show cải lương hoành tráng của NSƯT Bạch Tuyết, đến lượt một chương trình cải lương nữa “sốt” vé: “Đêm Lệ Thủy: 45 năm nghiệp cầm ca” tại Nhà hát Thành phố.

    “Tôi cũng đang muốn… chết vì nghe khán giả, bạn bè thân thiết trách móc đây” – NSƯT Lệ Thủy than nhưng niềm vui ngập tràn khóe mắt.

    Bị mắng mà vẫn vui

    Phóng viên: - Nghe nói càng gần ngày diễn, nghệ sĩ càng khó xử, khán giả tới tấp gọi điện đến… mắng, vì không mua được vé xem live show của chị đêm 4/2/2007?

    NSƯT Lệ Thủy: - Ngày nào tôi cũng giải thích chuyện này với nhiều người. Hàng trăm cuộc điện thoại gọi đến hỏi sao không còn vé, nhiều người chỉ cần biết chỗ bán vé ở đâu để đi mua nhưng vé đâu mà còn nữa. Ngay cả những người trong gia đình tôi cũng không còn vé để vào xem đêm diễn của tôi.

    - Sao chị không tổ chức live show của mình tại một nơi lớn hơn Nhà hát Thành phố cho nhiều người hâm mộ được vào nghe chị hát, xem chị diễn?

    - Lúc đầu, tôi định tham gia trong chương trình “Những cánh chim không mỏi” của Đài Truyền hình TP.HCM nhưng chưa thực hiện được vì một số lý do. Lần này, tôi tham gia chương trình “Làn điệu Phương Nam” - một chương trình hàng tháng do Công ty Tổ chức Biểu diễn TP.HCM tổ chức tại Nhà hát TP. Cải lương được ra Nhà hát lớn phục vụ khán giả thì còn gì hay hơn.

    - Khán giả sẽ được nghe những trích đoạn làm nên tên tuổi của giọng ca Lệ Thủy, thưa chị?

    - Có 5 trích đoạn: “Bên cầu dệt lụa”, “Đêm lạnh chùa hoang”, “Áo cưới trước cổng chùa”, “Tây Thi” và “Chung Vô Diệm”. Ngoài ra có thêm 3 bài ca lẻ. Đó là những vở tuồng tôi diễn trước năm 1975.

    - Nhiều khán giả tiếc nuối khi trong live show của chị không có “Tô Ánh Nguyệt”, “Đời cô Lựu”…, những vở từng tạo dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng cùng với NS Minh Vương?

    - Tôi chủ ý chọn các vở trên để có sự tham gia của các NS Minh Phụng, Thanh Tuấn, Thanh Sang, Trọng Hữu… Đó là những người bạn diễn cùng thời của tôi. Nếu sức khỏe còn tốt, có thể sau chương trình này tôi lại thực hiện tiếp chương trình khác nữa.

    Tên tuổi của tôi có được cũng nhờ vào những người bạn diễn này. Chúng tôi đã lớn tuổi, tóc ai nấy đều điểm bạc, không biết sức khỏe mình thế nào, làm được chương trình nào cứ làm, không chờ đợi gì nữa. Anh Minh Vương có chuyến lưu diễn tại Mỹ, tôi không thể đợi được.

    Không sợ ... già

    - Trong lòng công chúng mộ điệu cải lương, hình ảnh cùng giọng ca của NSƯT Lệ Thủy vẫn mãi mãi trẻ trung, bây giờ xuất hiện trở lại vai diễn ngày xưa khi đã bước qua tuổi lục tuần, chị có sợ hình ảnh tươi đẹp ngày nào của mình sẽ không còn được trọn vẹn nữa không?

    - Tôi không chọn những vai nhí nhảnh, hồn nhiên mà vào các vai có cuộc đời bi thảm, diễn với bạn diễn cùng trang lứa. Dĩ nhiên là giọng ca của mình không còn trong trẻo, hình ảnh cũng mất đi sự tươi trẻ nhưng tôi nghĩ, qua năm tháng, nhân vật tôi diễn lại sẽ có hồn và điêu luyện hơn.

    - Cải lương lúc này trở thành “của hiếm”, muốn nghe lại giọng ca Minh Vương, Lệ Thủy, Thanh Sang… cũng không phải dễ dàng gì. Bà con yêu cải lương phàn nàn là không sao tìm ra chị để xem chị diễn, nghe chị hát. Chị làm gì khi sân khấu cải lương khá đìu hiu?

    - Không diễn ở thành phố thì tôi vẫn diễn đều đặn ở các tỉnh miền Tây. Có vùng phải đi nhiều chặng xe, có vùng phải đi bằng ghe xuống. Với người nghệ sĩ sống chết với nghề hát như chúng tôi thì đi xa đến đâu cũng vui vì mình còn được mang lời ca tiếng hát đến phục vụ khán giả, được bà con nhớ đến.

    - Hãng phim Trẻ vừa thực hiện xong DVD "Chân dung Lệ Thủy: 45 năm nghiệp cầm ca” và sẽ phát hành trong đêm 4/2/2007. Được biết, chị là nghệ sĩ cải lương đầu tiên được làm chân dung bên cạnh những người ở lĩnh vực khác như: GS.TS Trần Văn Khê, NSƯT Thành Lộc, ca sĩ Cẩm Vân?

    - Khi hãng phim Trẻ thông báo thực hiện DVD chân dung, tôi khá bất ngờ và cũng tự hào đôi chút về điều này (cười). DVD sẽ công bố một số điều về sự nghiệp và cuộc đời qua 45 năm theo nghiệp cầm ca của tôi.

    Khán giả vẫn tưởng tôi ... còn trẻ

    - Trong giới nghệ sĩ, chị là một trong những người được xem là hạnh phúc với cuộc sống gia đình đi cùng sự phát triển nghề nghiệp. Để có được điều này, hẳn là chị phải nỗ lực gấp đôi?

    - Lúc con còn nhỏ, nhiều chuyến lưu diễn của tôi dài hàng tháng. Nhưng khi con cái lớn lên, tôi chỉ nhận lời đi xa chừng tuần lễ là phải về nhà chăm sóc các con. Từ xưa đến giờ, tôi vẫn tôn trọng nguyên tắc của mình là không đi diễn Tết, dành khoảng thời khắc thiêng liêng này riêng cho gia đình.

    Tối phải đi diễn nên tôi đưa bữa cơm trưa là bữa cơm gia đình, là nơi chuyện trò, trao đổi của vợ chồng, con cái. Được như ngày hôm nay, cũng nhờ chồng con tôi thông cảm với nghề nghiệp của tôi.

    - Sau nhiều năm đi hát, cái được lớn nhất của chị là gì?

    - Ba đứa con tốt nghiệp đại học ở nước ngoài và có việc làm ổn định là phần thưởng vô giá đối với tôi. Thêm nữa, đó là tình cảm yêu mến của khán giả.

    Suốt 45 năm làm "cô đào hát" mà nhiều khán giả vẫn tưởng tôi ... còn trẻ, vẫn ưu ái nghe tôi hát. Những lúc đi lưu diễn tỉnh, bà con hay tranh thủ nắm tay, sờ lưng để xem tôi khỏe không. Đôi lúc mình ứa nước mắt vì tình cảm hồn hậu này. Vì thế, bây giờ tôi còn làm được gì là cứ làm, sợ sức khỏe mỗi ngày mỗi yếu không còn gặp được khán giả yêu mến.

    - Xin cảm ơn chị.

    Thanh Phúc (thực hiện)
    Theo VTC News
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL