1. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc
    September 16, 2016
    Ngành Mai

    Nhạc tài tử được xem như một nét đẹp thể hiện bản sắc dân tộc, và người ta có thể nói rằng mỗi địa phương ở miền Nam đều có nhạc tài tử căn cội của người xưa, được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các bài ca xưa thường là xuất phát từ Nam Kỳ Lục Tỉnh.
    Giới sinh hoạt đờn ca tài tử khi xưa chắc không ai mà không biết qua bài “Tống Tửu Ðơn Hùng Tín” với thể điệu Xuân Tình ca trọn bốn lớp, bài ca đã đồng hành với đờn ca tài tử đi khắp nơi.
    Ðây là bài ca mà phần lớn giới mộ điệu ưa chuộng, nên thời đó hầu như nhóm đờn ca tài tử nào cũng đều có người học ca, nếu không hát hết bốn lớp thì cũng ca được lớp đầu, hoặc ít ra cũng được yêu cầu và chờ dịp khác.
    Bài ca “Tống Tửu Ðơn Hùng Tín” nếu muốn trình bày thật hấp dẫn thì phải có ba ca sĩ học thuộc lòng để thủ các vai: Trình Giảo Kim, Ðơn Hùng Tín và La Thành. Cũng có nhóm có người thuộc luôn sáu câu vọng cổ “Tần Quỳnh Khóc Bạn” thì sẽ vô vọng cổ liền ngay, sau khi La Thành ca dứt Xuân Tình lớp 4, tức lớp cuối.
    Trong một buổi sinh hoạt nếu có sự tham gia khoảng gần 10 người, hễ có ai lên tiếng yêu cầu là các nghệ nhân tài tử chia vai trò, để hát cho trọn bản và rất được bà con hoan nghênh. Ðây là bài ca có pha kịch tính, lúc Trình Giảo Kim rót rượu mời và Ðơn Hùng Tín ca “Vậy thì ly rượu thứ nhì của mày tao uống cạn ly.” Dứt câu là bưng rượu lên uống. Ở đoạn này khán giả vỗ tay khen Trình Giảo Kim đáo để.
    Tuy rằng bài hát có pha kịch tính, nhưng vẫn giữ được nét đờn ca tài tử chứ không phải cải lương, cũng chẳng bao giờ lên sân khấu, và không ai có thể nói rằng bài “Tống Tửu Ðơn Hùng Tín” là cải lương.
    Người ta không biết rõ soạn giả nào đã soạn ra bài ca với thể điệu Xuân Tình độc đáo này, cũng như bài ca thật sự ra đời thời điểm nào. Nhưng từ những năm cuối thập niên 1940 người ta đã có nghe ca ở nhiều nơi rồi.
    Có điều chắc chắn soạn giả là người từng đọc qua truyện “Thuyết Ðường,” trong đó có cảnh dâng rượu Ðơn Hùng Tín được coi như khá hay với tài “miệng lưỡi” của nhân vật Trình Giảo Kim.
    Thế rồi bẵng đi một thời gian khá lâu, dù rằng tham dự hằng trăm buổi đờn ca tài tử, tôi vẫn không nghe ai ca bài “Tống Tửu Ðơn Hùng Tín.” Tôi rất tiếc bởi khi xưa không học thuộc lòng bài ca này, mà chỉ học sơ qua mỗi lớp một vài câu. Lúc ấy tôi nghĩ rằng bài ca kia dành cho các nghệ nhân đàn anh lớn tuổi, và mình thì ca vọng cổ bài “Tần Quỳnh Khóc Bạn” mà thôi.
    Lâu quá không nghe nên tưởng rằng bài ca đã bị mai một. Tình cờ vừa qua tôi được biết ở Hậu Nghĩa có bác Ba Quân, một nghệ nhân tài tử kỳ cựu còn thuộc bài ca “Tống Tửu Ðơn Hùng Tín.” Tôi liên lạc với bác Ba Quân, và một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử được tổ chức tại nhà ông.
    Bài ca “Tống Tửu Ðơn Hùng Tín” được ông ca trọn vẹn với sự phụ họa của hai nhạc sĩ sử dụng đờn thùng, cây lục huyền cầm và cây đờn sến, thành thử ra lời ca âm điệu giống như khi xưa.
    Hai năm trước đây (ngày 5 Tháng Mười Hai, 2013) nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đưa nghệ thuật dân gian này trở nên một tầm vóc lớn lao.
    Ðến Chủ Nhật, 9 Tháng Mười, sắp tới đây, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, sẽ có buổi họp mặt giới đờn ca tài tử. Chúng tôi mong sẽ có người ca lại thể điệu Xuân Tình bốn lớp “Tống Tửu Ðơn Hùng Tín.”
    Ban tổ chức đã phổ biến rộng rãi trên các hệ thống truyền thông, và hy vọng sẽ có đông đảo tài tử giai nhân về họp mặt.

    Ngành Mai
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL