1. MEM
    Avatar của MEM
    Nghệ sĩ Tư Chơi - người chồng đầu tiên của NSND Phùng Há

    TTO - Từng có một thời lừng lẫy, “là một vì sao sáng chói nhất trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương các thập niên 1930, 1940, 1950", song người đời thi thoảng nhắc đến nghệ sĩ Tư Chơi chủ yếu vì ông là người chồng đầu tiên của NSND Phùng Há.

    Bức ảnh quý hiếm chưa từng công bố về một gia đình nghệ sĩ danh tiếng. Soạn giả Tư Chơi (Huỳnh Thủ Trung), nghệ sĩ sân khấu cải lương Kim Thoa và con trai 10 tuổi Huỳnh Thủ Hiếu, sau này là nhạc sĩ Huỳnh Hiếu (còn gọi là Huỳnh Háo). Ảnh chụp năm 1939 (Ảnh tư liệu gia đình nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu)


    Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua từ ngày soạn giả Huỳnh Thủ Trung, tức nghệ sĩ Tư Chơi, ra đi năm 1964. Một cuộc đời lẫy lừng rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng.

    Ông từng có một thời lừng lẫy, “là một vì sao sáng chói nhất trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương trong các thập niên 1930, 1940, 1950” như soạn giả Nguyễn Phương mô tả. Ông là tác giả của nhiều vở tuồng từng làm mưa làm gió từ Nam chí Bắc.

    Ông cũng là người kiến tạo nhiều vì sao sân khấu, là người dìu dắt vào con đường nghệ thuật và cũng từng là chồng của hai nữ nghệ sĩ sân khấu cải lương có nhan sắc và danh tiếng một thời là nghệ sĩ Phùng Há và nghệ sĩ Kim Thoa.

    Nhưng không đợi đến ngày nay mà chỉ mười năm sau khi ông mất, hầu như tên tuổi ông đã bị người đời cho vào lãng quên, đó là nhìn nhận chua chát của những người trong gia đình ông. Những năm sau này, khi báo chí viết về NSND Phùng Há, tên nghệ sĩ Tư Chơi mới được nhắc lại nhiều, chủ yếu vì là người chồng đầu tiên của bà.

    Danh tiếng lừng lẫy nhưng bị quên lãng mau chóng, phải chăng đó là số phận hẩm hiu của một nghệ sĩ từng tỏa sáng một thời nhưng không có hạnh phúc trong cuộc sống riêng và thường chìm đắm trong men rượu, nhất là giai đoạn cuối đời.

    Vài câu chuyện hiếm hoi về ông Tư Chơi chỉ xoay quanh những tháng ngày cuối đời bất hạnh của ông, nhưng đời ông còn những ẩn tình sâu kín mà từ góc nhìn phía gia đình, có những điều vẫn chưa bộc bạch về người nghệ sĩ tài danh này.

    Người tự học 
để có sự nghiệp

    Trong những ngày hè 2016, nhạc sĩ Huỳnh Hữu Thạnh, cháu nội đích tôn của soạn giả Tư Chơi và nghệ sĩ Kim Thoa, ôn lại về người ông nổi tiếng và vô cùng độc đáo của mình. Anh Thạnh là con trai duy nhất của nhạc sĩ Huỳnh Thủ Hiếu.

    Cha anh là con cả và là con trai duy nhất của soạn giả Tư Chơi, là nghệ sĩ đánh trống, sáng tác và chơi nhiều nhạc cụ của nhiều ban nhạc từ các thập niên 1940-1990. Thừa hưởng tố chất của cha và ông nội, năm 14 tuổi (1973) Hữu Thạnh bắt đầu làm quen với việc chơi guitar ở nhà hàng Vân Cảnh.

    Sau năm 1975, anh học nhạc viện, từng học chương trình cao học ở đây và là trưởng ban nhạc của vài đoàn nghệ thuật cho đến khi nghỉ để hoạt động âm nhạc tự do sau này. Anh còn giữ cẩn thận nhiều kịch bản viết tay, một số thư từ của nghệ sĩ Tư Chơi.

    Do chỉ sống với cha từ lúc 4 tuổi khi cha mẹ đã ly dị, anh quanh quẩn bên cha, chứng kiến nhiều lần ông Tư Chơi qua thăm con cháu, nghe được những câu chuyện về những người thân trong gia đình nghệ sĩ của mình.

    Nghệ sĩ Huỳnh Thủ Hiếu từng trả lời con trai Hữu Thạnh về nguyên do ông Tư Chơi trở thành soạn giả sân khấu:
    “Cha từng ghét hai chữ tự học vì học gì cũng phải có thầy, nhưng cha biết ông nội con là người tự học để có sự nghiệp như vậy. Ông giỏi chữ Nho, Anh và Pháp văn, đọc sách nhiều, rành nhạc lý và đọc sách, đối chiếu với nhạc lý phương Tây để rút tỉa cho riêng mình những nguyên lý và cách thức biểu diễn”.

    Soạn giả Nguyễn Phương ghi nhận về ông: “Ông Tư Chơi giỏi chữ Nho, biết tiếng Anh và làm thơ rất hay. Ông cũng là một nhạc sĩ tài danh, chuyên đờn đoản. Bài vọng cổ Tiếng nhạn kêu sương nhịp tư của nghệ sĩ Tư Chơi mở đầu cho bản Dạ cổ hoài lang của ông Sáu Lầu phát triển dần lên nhịp 8, nhịp 16, 32, 64...

    Soạn giả Tư Chơi sáng tác nhiều tuồng xã hội như Khúc oan vô lượng, Lỡ tay trót đã nhúng chàm, Tiếng nhạn kêu sương, Tôi xin chừa, Hai mặt còn trơ, Ai là bạn chung tình, Em muốn tự do... Các tuồng này đã làm mưa làm gió trên các sân khấu Huỳnh Kỳ, Trần Đắc từ Nam chí Bắc, với những ngôi sao sân khấu Phùng Há, Năm Châu, Tư Út, Kim Thoa, Kim Hui, Tư Thạch...

    Soạn giả Tư Chơi cũng là người đầu tiên đưa nhạc Tây vào sân khấu cải lương. Thời đó các bản nhạc tình của Pháp rất thịnh hành ở Sài Gòn, Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam như bài J’ai deux amours, Marinella, Ma Tikiki Ma Tonkinoise, Tant qu’il y aura des étoiles... do nam ca sĩ Tino Rossi và nữ ca sĩ Joséphine Baker ca.

    Ông viết lời Việt nhạc Tây cho diễn viên ca trong tuồng của ông”. Không chỉ dùng nhạc Tây, ông còn sáng tác nhiều bài tân nhạc cho tuồng 
cải lương ông soạn.
    PHẠM CÔNG LUẬN
    Theo TTO

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    caophihung (12-10-2016), Nguoi Sai Gon (11-10-2016), romeo (12-10-2016), SauLucBinh (11-10-2016)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Nghệ sĩ Tư Chơi trong cơn mơ gọi tên Phùng Há

    Nghệ sĩ Tư Chơi sinh năm 1907 (Đinh Mùi) ở Bến Tre. Tuy là người thành công trong nghề, lấy được người vợ đầu là ngôi sao sân khấu Phùng Há, ông Tư Chơi không hưởng hạnh phúc với bà lâu.

    Soạn giả Huỳnh Thủ Trung, tức Tư Chơi - một ngôi sao sáng chói làng cải lương thập niên 1930-1950, nay đã bị lãng quên - Ảnh tư liệu gia đình nghệ sĩ -Huỳnh Thủ Hiếu

    Nặng tình Phùng Há

    Chỉ sau hai năm sống chung, cuộc hôn nhân giữa nghệ sĩ Tư Chơi và ngôi sao Phùng Hátan rã. Tư Chơi rời gánh hát Tái Đồng Ban, bà Phùng Há về thăm quê nội Trung Hoa, gửi con gái chung của hai người là Bửu Trân (1926 - 1959) cho em ruột dưỡng nuôi.
    Ông mất vợ, xa con và con gái của ông cũng không mang họ của ông, lấy họ Lý của dưỡng phụ. Theo Hữu Thạnh, vết thương lòng của ông nội anh khi chia tay bà Phùng Há lớn hơn nhiều người nghĩ.

    Sau này khi lấy được nghệ sĩ Kim Thoa - một nghệ sĩ hát hay, xinh đẹp và tài danh, ông Tư Chơi không nguôi nhớ đến bà Phùng Há, thậm chí trong lúc ngủ và những lúc riêng tư vợ chồng, ông còn gọi tên bà.

    Điều đó không khỏi gieo nỗi niềm cho bà Kim Thoa và góp phần dẫn đến sự chia tay dù hai người đã sống cùng nhau nhiều năm.

    Có lẽ còn nặng tình với nghệ sĩ Phùng Há, sau khi chia tay bà và trở thành chồng của nghệ sĩ Kim Thoa, soạn giả Tư Chơi vẫn viết nhiều vở tuồng “hương xa” cho đoàn Phụng Hảo của Phùng Há, vừa viết tuồng xã hội cho đoàn Kim Thoa của vợ mình.

    Tuy có người vợ sắc vóc đẹp, hát hay, danh tiếng, khi ra đường, ông không mấy khi nắm tay vợ, đi đâu cũng chồng đi trước, vợ lẽo đẽo theo sau. Con cháu của ông hiểu trong lòng ông còn mối vương vấn người vợ trước và nặng tình thương con gái đầu lòng.

    Dần dà, ông chìm vào men rượu rất sớm, hủy diệt cuộc đời. Rồi nhiều điều nảy sinh trong cuộc sống chung làm rạn nứt mối quan hệ giữa ông và nghệ sĩ Kim Thoa, dẫn đến cuộc chia tay khoảng thời gian trước năm 1954. Đến năm 1959, con gái Bửu Trân mất khiến ông suy sụp hẳn.

    Sau này, bà Kim Thoa sống đến cuối đời với một bác sĩ ở cư xá Chu Mạnh Trinh. Hữu Thạnh nghĩ rằng bà nội mình cũng có những buồn hận ông chồng quá nặng tình người cũ nên đối với con trai Huỳnh Thủ Hiếu, bà không gần gũi chỉ vì ông Hiếu quá giống cha từ diện mạo đến tài năng.

    Trong trí nhớ của Hữu Thạnh, hình ảnh của ông nội những năm cuối đời thật buồn. Lúc đó, ông sống với người vợ cuối cùng ở Thủ Thiêm, thỉnh thoảng về thăm con trai và những đứa cháu nội ở căn nhà số 809/47 Trần Hưng Đạo, Q.1.

    Không biết ông đi bằng gì, luôn xuất hiện bất ngờ trước nhà, dáng người tầm thước, tóc hoa râm, bỏ áo vô quần tươm tất. Có lúc tỉnh, nhiều lúc say, không mấy khi thấy vui.
    NSND Phùng Há - Ảnh tư liệu gia đình

    Ngón đàn tuyệt diệu

    Nhạc sĩ Lê Thương, trong bài Nhớ về anh Tư Chơi (tháng 10-1991) viết: "Anh Tư tửu lượng rất khá và rất nhiều bữa đang uống, đang nói chuyện, anh Tư bỗng dưng cao hứng nâng cây kìm lên đàn chơi một bản.

    Ngón đàn của anh Tư không thể dùng chữ gì khác hơn hai chữ tuyệt diệu để nói về cái nhấn, cái vuốt, cái rung, cái mổ, cái búng, cái bịt.

    Nhấn rồi vuốt, tiếng đàn nghe như nỉ non, đặc biệt là khi vuốt nông, vuốt lướt khiến phát ra hư âm, đêm khuya ngồi gần nghe thấm thía lắm.

    Thành ra nếu không mắc bận đi các tỉnh với công việc làm ăn, còn đang ngồi nhà mà anh Tư cho người gọi, bất kể giờ nào tôi cũng tới liền. Bao nhiêu bữa, bao nhiêu lúc chuyện trò đằm thắm mặn mà, không sao kể xiết.

    Ngôi sao vẫn là ngôi sao

    Hơn 60 năm trước, soạn giả Nguyễn Phương gặp soạn giả danh tiếng Tư Chơi trên đường phố Sài Gòn Tết 1954. Nguyễn Phương nói: “Anh là ngôi sao sân khấu, dù có lúc bị mây che mờ, nhưng ngôi sao vẫn là ngôi sao. Tài năng của anh vẫn có thể giành lại cho anh một vị trí xứng đáng trên vòm trời nghệ thuật”.

    Ông Tư Chơi lắc đầu: “Những nghệ sĩ khác... những ngôi sao kia dù có xa rời sân khấu nhưng vẫn còn hình dáng của những vì sao. Còn tôi bây giờ là một cái khối nát vụn, chẳng còn hình thù gì rõ rệt của một vì sao”.
    (Trích Soạn giả Tư Chơi, mảnh vụn của một vì sao - Nguyễn Phương)
    PHẠM CÔNG LUẬN
    Theo TTO

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    caophihung (12-10-2016), Nguoi Sai Gon (11-10-2016), romeo (12-10-2016)

  5. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc
    "Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu, bây giờ?"
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 2 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    caophihung (12-10-2016), romeo (13-10-2016)

ANH EM CHANNEL