1. suka
    Avatar của suka
    Biết hát nhép nhưng khó xử lý

    Cập nhật, ngày28/08/2010 08:49

    Tại hội nghị lấy ý kiến chuyên gia về tình hình hoạt động và thi hành chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn ngày 25.8.2010 tại TP.HCM, nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã đề cập những bất hợp lý kéo dài giữa luật và những văn bản dưới luật trong triển khai thực thi quyền tác giả.



    Dù biết ca sĩ hát nhép, nhưng lực lượng thanh tra văn hoá không thể xử lý ngay được. Ảnh: internet

    Trống đánh xuôi...

    Mỗi năm, sở Văn hoá, thể thao và du lịch (VHTTDL) cấp phép công diễn khoảng 400 chương trình biểu diễn sân khấu, ca múa nhạc và thời trang; khoảng 500 chương trình băng đĩa nhạc, sân khấu…

    Nhưng do chưa có quy định cụ thể về hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, tiêu chí thẩm định các ca khúc mới nên rất khó ngăn chặn các tác phẩm thiếu tính thẩm mỹ, thực thi quyền tác giả.

    “Việc thực thi quyền tác giả hiện rất yếu kém vì thiếu những quy định cụ thể hoá về quyền tác giả. Việc ngang nhiên trốn tránh và không tuân thủ quyền tác giả trong lĩnh vực biểu diễn là do quy định luật pháp chưa nghiêm. Quy chế 47 - quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp - ban hành tháng 7.2004, khi nước ta còn chưa có luật riêng về Sở hữu trí tuệ, nên có những điểm không còn phù hợp. Trong đó điều 22 đã không coi việc phải xin phép tác giả theo quy định của luật pháp là một điều kiện bắt buộc để được cấp phép, đã tạo điều kiện, thậm chí mở đường cho hành vi trốn tránh nghĩa vụ luật pháp về quyền tác giả", nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.

    Cũng theo ông Phương, tính sơ bộ năm 2008 có 493 buổi biểu diễn được cấp phép tại sở VHTTDL Hà Nội, năm 2009 có 485 buổi, 6 tháng đầu năm 2010 có 393 buổi, trong đó chỉ có khoảng 2% số buổi biểu diễn xin phép và trả bản quyền tác giả. Trong khi các tỉnh đang tập trung thực hiện nghị định 36 về quyền tác giả, thì công văn 750 (cục Nghệ thuật Biểu diễn, bộ VHTTDL năm 2009) lại đình toàn bộ việc triển khai quyền tác giả tại các địa phương, khiến hầu hết các sở VHTTDL chựng lại. "Chỉ một số ít giám đốc sở dám lờ văn bản này, để nghiêm túc chấp hành nghị định của Chính phủ. Hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này đã vô hiệu hoá toàn bộ nỗ lực của chúng tôi. Tôi khẩn thiết đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cấp phép khi các cá nhân, tổ chức biểu diễn nghệ thuật đã hoàn thành nghĩa vụ luật pháp mà Nhà nước quy định”, ông Phương nói.

    Ông Vũ Xuân Thành, chánh thanh tra bộ VHTTDL, nêu thực trạng: “Thị trường đĩa ca nhạc có nhiều diễn biến phức tạp. Các loại đĩa có nguồn gốc in lậu, sao chép nhân bản, bố cục lại nội dung, vi phạm bản quyền, gây thiệt hại lớn cho các nhà sản xuất chân chính. Đĩa in lậu còn được nhân bản ngay tại các khu công nghiệp, lực lượng thanh tra không thể làm nổi, cần phải xây dựng chuyên án, kết hợp với công an mới có thể bắt quả tang".

    Bó tay với hát nhép?


    Buổi công diễn vở Bà chúa thơ Nôm tại TP.HCM tháng 6.2010.

    Mặt khác, theo ông Thành, với các buổi biểu diễn ca nhạc, dù biết ca sĩ hát nhép, nhưng lực lượng thanh tra không thể xử lý ngay được, vì còn liên quan đến công chúng... Ngay cả việc thi hoa hậu cũng có vấn đề, theo ông Thành: "Chúng ta đã có quy chế tổ chức thi hoa hậu, nhưng việc tuân thủ các quy định của các cơ quan còn lỏng lẻo, đối tượng dự thi chưa đúng chuẩn. Một số tổ chức, cá nhân đi thi hoa hậu nước ngoài chưa được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền”.

    Ở khía cạnh khác, bà Thế Thanh, giám đốc công ty Sài Gòn Media kiến nghị: “Đã đến lúc phải dũng cảm thừa nhận những người làm văn hoá nghệ thuật ngoài Nhà nước, những đóng góp của họ cho nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật là vô cùng lớn. Những vở diễn chất lượng như Cánh đồng gió, Cánh đồng bất tận, Bà chúa thơ Nôm, Nỏ Thần… đều là của các đơn vị xã hội hóa (XHH). Nhà nước đã hai lần ban hành chủ trương khuyến khích XHH trong biểu diễn nghệ thuật, nhưng người làm công tác này còn chưa hiểu đúng, chưa tham mưu được cho các cấp lãnh đạo. Việc triển khai còn rất lơ mơ, không thực thi, gây lãng phí cho Nhà nước".

    Bà Thanh cho rằng, Nhà nước phải có trách nhiệm quy hoạch đất dành cho phát triển đời sống văn hoá nghệ thuật, việc giao đất cho các đơn vị phải được công khai. Cần chấm dứt việc bổ nhiệm người làm công việc quản lý hoạt động nghệ thuật không am hiểu công việc, để tránh lãng phí, đầu tư sai về thời điểm, quy mô, chức năng, như việc xây dựng trung tâm Bình Chánh hơn 45 tỉ đồng để rồi bỏ hoang.

    Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Minh Thuyết, Chủ nhiệm ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội đã nghiêm túc ghi nhận sự đóng góp của các chuyên gia trong các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách quản lý Nhà nước, hoạt động đào tạo, bản quyền: “Về phía bộ VHTTDL, phải chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật mà bộ và Chính phủ đã ban hành. Cục Biểu diễn nghệ thuật và Vụ pháp chế phải hoàn thiện các quy định, để xây dựng pháp lệnh biểu diễn nghệ thuật, như thế sau 5 năm chúng ta mới có thể ban hành luật biểu diễn nghệ thuật. Trong thẩm quyền của mình, bộ phải chuyển ngạch lương diễn viên cho hợp lý, điều chỉnh tiêu chí phong nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú".

    Về phía Quốc hội, ông Thuyết nói: "Chúng tôi sẽ cùng làm việc với các bộ trưởng, xây dựng chế độ chính sách cho luật Sở hữu trí tuệ, luật Đất đai…cụ thể hoá việc ưu đãi, giao đất cho các đơn vị văn hoá, XHH…”.

    (SGTT)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL