1. MEM
    Avatar của MEM
    NSUT Út Bạch Lan: Sầu nữ giọng vàng
    15/11/2005

    Giữa thập niên 50 (thế kỷ XX), Ngọc Nuôi đã là đào chánh, Hoàng Vân là đào lẳng độc danh giá, thì chị Út Bạch Lan (U.B.L) bắt đầu được báo chí và khán giả chú ý qua vở dã sử "Đồ Bàn di hận" trên sân khấu Thanh Minh. Giọng ca mượt mà lảnh lót lại đọng chất bi ai, chị đã mê hoặc khán thính giả từ sàn diễn đến đài phát thanh, dĩa nhựa.

    Đến vở thi ca nhạc kịch "Cung đàn trên sông lạnh" (SG Thu An) đóng cặp với đệ nhất nam danh ca Út Trà Ôn là một cuộc bức phá ngoạn mục của một cô đào có thế mạnh về ca. Chị đã thành công trong nỗ lực ca ngâm để khỏi phải lép vế ông vua vọng cổ. Thanh Nga lúc bấy giờ hãy còn là Juliette Nga bé nhỏ, thủ vai tiểu thư Đạt Bích Lan độc ác. Danh tiếng U.B.L vang dội ở diện rộng; nhưng với những người sành điệu và các nhà phê bình khó tánh - cán cân ca - diễn của chị còn độ lệch rõ nét.
    "Đối thủ" đáng gờm của chị thời ấy là Thanh Hương, ái nữ của nam danh ca Tư Sạng và đệ nhất kịch sĩ (do khán giả bầu chọn) Năm Châu. Cả hai đều trạc tuổi, nổi danh cùng lúc, đều là đào chính sân khấu đại ban và trong quá trình khá dài cùng thi triển tài nghệ qua những bộ dĩa nhựa nổi tiếng và để đời như Dưới hàng phượng vĩ, Nước mắt kẻ sang Tần, Tình cô gái Huế, Thuyền ra cửa biển, Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ, Nước chảy qua cầu, v.v...

    Có đối thủ ắt có cạnh tranh. Cho nên U.B.L không ngừng khổ luyện diễn xuất, trau chuốt kỹ thuật ca ngâm, sáng tạo nét mới nhiều âm sắc cho ca từ qua nghiên cứu tâm lý nhân vật, chuyển hoá thoại, ca và diễn thành một hợp chất với cường độ thẩm thấu cao.

    Vở "Nửa đời hương phấn" của liên danh Hà Triều - Hoa Phượng có thể nói là một siêu phẩm tô đậm dấu son sự nghiệp sác tác của đôi soạn giả, đồng thời là bệ phóng đưa tên tuổi U.B.L lên đỉnh cao. Báo chí đã dùng từ "xuất thần" ca ngợi tài diễn của chị.
    Nhân vật Hương là gái giang hồ. Các tác giả đã dựng lên một nội dung bạo liệt hơn cả Trà Hoa Nữ với những tình tiết đầy thuyết phục người xem đồng cảm một sinh linh ngập ngụa trong vũng lầy sa đọa. Đó là thành công lớn và không kém phần kỳ diệu nhờ vào tài hóa thân "lộng giả như chân" của U.B.L . Đường dây kịch với tiết tấu nhanh, sôi động, nhiều cao trào; các diễn viên ca diễn vượt trội tạo môi trường thuận lợi cho cô đào chính mặc sức tung hoành. Đặc sắc nhất là cảnh chót - thiền môn - cô Hương trong lớp nâu sòng đã lấy của khán giả bao nhiêu là nước mắt, qua diễn xuất đỉnh cao, ca những câu vọng cổ não nùng với kỹ thuật kinh điển. Lớp Phụng hoàng (12 câu) "...thì chị cũng ráng về với em..." ca chung với Thành Được, Ngọc Nuôi, chị đạt đến độ tuyệt vời. Phụng hoàng vốn là Oán với âm giai trữ tình đậm tính tư sự, thanh nhã, rất thích hợp với chất giọng bi. U.B.L hội đủ tố chất để xử lý và biến lớp ca ấy trở nên bất tử gần nửa thế kỷ nay. Riêng câu đối thoại "Trời ơi ! Ai đã cắt tóc của tôi?", U.B.L bộc lộ qua tiếng thét, người viết bài này nghĩ rằng diễn như thế là hợp lý; bởi Hương xuất thân là gái quê ít học, lại chịu quá nhiều ẩn ức trái ngang không ai chia sẻ đến phải phát tiết bằng ngữ điệu cao tầng. Lớp đấu lý với Bích - Việt - Hùng, U.B.L ca Kim tiền bản với kỹ thuật rất chắc, nhịp nội, nhịp ngoại, quăng bắt ca từ gãy gọn, giòn giã nghe rất khoái cảm.

    Do thành công ở sàn diễn, chị được các hãng dĩa tranh nhau mời thu thanh dĩa đơn, dĩa tuồng đa dạng từ xã hội, cổ tích, sử VN đến Trung Hoa, Tây, Nhật,... với số lượng nhiều nhất so với những danh ca khác.

    Chị Hằng (Vở Con gái chị Hằng - SG Hà Triều - Hoa Phượng) là vai vàng giúp U.B.L tiếp cận tột đỉnh vinh quang. Bên cạnh một cậu Tư Kiên - Hữu Phước quá ư độc đáo, một Trinh - Thanh Nga đang thời lừng lẫy, một Thành Được sáng rực, một Tám Vân và một Ba Thanh Loan điêu luyện, chị Hằng - U.B.L chói lọi hào quang trong bi kịch người mẹ hết dạ thương con, quên cả bản thân, mong con học hành thành đạt, ấm no hạnh phúc, dẫu rằng sự hy sinh kia thể hiện bằng những bước đi sai lầm dẫn đến cái chết thảm, bỏ lại đứa con dại khờ. Nét diễn tinh tế qua tôi luyện kết hợp những màu sắc ảm đạm của cuộc đời cơ cực, lắm phong ba từ buổi ấu thơ, đã pha vào những câu vọng cổ mùi mẫn, nghẹn đầy nước mắt trong nỗi niềm bi thiết khó giải bày, đã phủ lên khán phòng một từ trường đẫm lệ xót thương đồng cảm.
    Xã hội VN từ nghìn xưa đã có định kiến khắc nghiệt về người đàn bà trắc nết lăng loàn, vợ lẽ, mẹ kế, gái giang hồ qua lời truyền khẩu dân gian, qua ca dao, qua văn học... toàn bằng ngữ điệu chán ghét. Thật lạ! xu thế ấy bổng bị lay động, sự cảm thương thay cho căm ghét khi công chúng tiếp nhận những Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tần Nương Thất của cùng đôi soạn giả. Thành công của tác giả được cộng hưởng tài năng diễn viên, có thể nói như thế. Văn học, nghệ thuật chân chính có uy lực cảm hóa, chuyển biến định kiến khắt khe, hướng dẫn tư duy, thẩm mỹ, quan niệm... đắt lực là thế.

    Chưa đến tuổi "băm" mà tay nghề đã chín muồi, chuyên trị vai bi với giọng ca vàng, chị đã nghiễm nhiên là thành viên của vọng cổ ngũ bá (Út Trà Ôn, Ba Kim Anh, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Thanh Hương). Thành công nối tiếp thành công, ngày càng thu hút khán thính giả mãnh liệt, chị trở thành sầu nữ, mỹ danh được báo giới phong tặng, công chúng thừa nhận. Yêu nghề, hiếu học, lại có cơ may được nhiều bậc thầy điểm hoá khi họ cộng tác với đoàn Thanh Minh.

    Trên SK Kim Chưởng, U.B.L có những vai để đời qua các vở màu sắc như Kiều Phi Yến (Nửa bản tình ca), Chiêu Trúc Lệ (Thuyền ra cửa biển). Kiều Phi Yến với thân phận một chinh phụ, hoàn cảnh trớ trêu phải kết mối duyên hờ để được yên bề nuôi con chờ chồng, Chiêu Trúc Lệ với nhục vong quốc, ép mình ưng vua già Diệp Chứng Phong, cam bội ước với chàng tráng sĩ, nào ngờ chàng là hoàng tử của nhà vua họ Diệp. Nghịch cảnh trái ngang nhấn chìm hai phụ nữ đáng thương vào vòng xoáy đoạn trường đã được sầu nữ thể hiện tuyệt vời từ diễn đến ca. Từng lời thoại văn học, từng lời ca với đài từ hoàn hảo minh họa từng nét diễn đã hấp dẫn người xem vào thế giới nhân vật huyền hoặc qua câu lối, câu vọng cổ đầy tâm trạng, tám câu Phụng hoàng (lớp Phi Yến ca với Kim Tùng) đài trang buồn diệu vợi... Khán thính giả không thể nào quên các lớp Phụng hoàng chị ca trong thời tác nghiệp, đặc biệt trong vở Bụi mờ ải nhạn đã tinh tế đến vô biên. Có thể bảo rằng Hữu Phước, Thanh Nga, Út Bạch Lan là những nghệ sĩ ca rất giỏi về bản Oán này.

    Ngoài ra, U.B.L còn ca tốt nhiều thể điệu, mà Sương chiều cũng là "hàng độc" khó ai qua. Chiêu độc khác là cách nói lối chồng hơi tạo hưng phấn cho dàn nhạc và bạn diễn nam vô vọng cổ mùi mẫn, gặt hái pháo tay rầm rộ hơn. Còn nữa, ca chồng hơi cao vút xuống nhịp câu thứ 7 Phụng hoàng đậm chất Oán; hoặc là cách chuyển giọng xuống xề câu vọng cổ thứ 5 vừa chính xác song lang vừa luyến âm xề đậm hơn chữ xề đờn như một dấu lượn oằn hình cánh cung, độc đáo khôn xiết. Quả là một tay phù thuỷ với những sáng tạo... gây sốc, cơn sốc thú vị khác hẳn cách sáng tạo kiểu cọ không tôn trọng nhạc căn.

    Mấy mươi năm theo nghiệp, U.B.L để lại rất nhiều vai diễn và băng dĩa để đời nhưng tiêu biểu nhất là The (Hương) và chị Hằng là hai vai ruột chưa ai thay thế được. Ở tuổi cổ lai hi, giọng ca sầu nữ vẫn sầu, kỹ thuật và phong độ vẫn còn rất cao. Quả là điều lạ so với thường tình. Trời sinh U.B.L để ca vọng cổ đấy! Những chuyến đi không mệt mỏi cùng các đoàn từ thiện Phật giáo đã lưu dấu ấn đẹp đời nơi đồng nghiệp, công chúng. Những động thái ân cần truyền đạt kinh nghiệm cho lớp kế thừa đã thắp sáng thêm phương danh một sầu nữ, người con yêu, bảo vật của Thánh đường nghệ thuật.

    Hồ Quang - Báo SK
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 5 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Lê Phương (11-04-2013)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Bài này đọc hay quá! Nghe phân tích mà muốn nghe lại để thấy hết cái hay của mấy trường đoạn này quá! Sầu nữ quả ko ngoa!!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    Lê Phương (11-04-2013)

  5. Hồng Phượng
    Avatar của Hồng Phượng
    Đáng lý ra má Út phải được phong là NS Nhân dân mới đúng
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to Hồng Phượng For This Useful Post:

    Lê Phương (11-04-2013)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Cái này vô chừng à chị! Mong sao cô khỏe mạnh khi tuổi cao sức yếu chứ cái danh kia cũng được gì đâu à!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. Hồng Phượng
    Avatar của Hồng Phượng
    Thời buổi bây giờ phong tặng gì đâu ko ! Họ chỉ dựa vào các huy chương mà các nghệ sĩ lão thành rồi còn thi cữ gì nữa mà được huy chương ? Thật là cười ra nước mắt
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  9. The Following User Says Thank You to Hồng Phượng For This Useful Post:

    Lê Phương (11-04-2013)

  10. minhle
    Avatar của minhle
    Nghe cô ca bài Sao chưa thấy hồi âm và 16 trăng tròn quá hay!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  11. MEM
    Avatar của MEM
    Ừa, hai bài này Pa có đó, nghe hay ghê! hihi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:


  13. 10Cuong
    Avatar của 10Cuong
    cở tấn tài còn chưa được phong nghệ sĩ ưu đầu , út bạch lang không có cửa nghệ sĩ nhân dân , út bạch lan còn nhỏ nhà ở đối diện nhà hàng viễn tây đường nguyễn sơn , Q tân phú ,
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following User Says Thank You to 10Cuong For This Useful Post:


  15. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc

    Hồi xưa, ở Việt Nam, khán giả ái mộ cải lương, mến thương nghệ sĩ nên tùy theo từng giọng ca mà tặng cho nghệ sĩ một mỹ hiệu hay biệt danh. Khi nghe nhắc Vua vọng cổ là biết nói tới danh ca Út Trà Ôn, nhắc tới Nữ Hoàng vọng cổ, sầu nữ… là người ta biết nói tới nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, một người có giọng ca rất buồn, một giọng ca hiếm có trong sân khấu cải lương suốt nửa thế kỷ qua.

    Nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan tên thật là Đặng Thị Hai, sanh năm 1935, tại ấp Lộc Hóa, xã Lộc Giang, quận Đức Hòa, tỉnh Tân An (từ năm 1958-1975 quận Đức Hoà thuộc tỉnh Hậu Nghĩa), nay là tỉnh Long An. Thân phụ của cô là ông Nguyễn Văn Chưa, làm nghề nài ngựa đua, qua đời năm 1966. Mẹ của cô là bà Đặng Thị Tư dẫn bé Hai (tên của Út Bạch Lan hồi nhỏ) lên Chợ Lớn. Hai mẹ con sống lang thang lề đường xó chợ. Lúc đó bé Hai được tám tuổi, ban ngày em phụ mẹ rửa chén, làm chân sai vặt cho những người trong chợ Bình Tây, buổi tối bé Hai ngủ trên sạp thịt, không mùng màn chiếu gối.

    Bà Tư, mẹ của bé Hai làm quen với một người đàn bà nghèo đồng trạc tuổi, cùng cảnh ngộ nên hai bà kết nghĩa chị em. Con của bà bạn là một em bé mù nhưng biết đàn guitare thùng khá giỏi. Đó là Văn Vĩ. Bé Vĩ mù bẩm sinh, được một nhạc sĩ thương tình dạy cho bé Vĩ đờn guitare cổ nhạc. Văn Vĩ dạy lại cho bé Hai ca. Bé Hai đã học được những bài vọng cổ Đêm Khuya Trông Chồng, Mẹ Dạy Con, Trọng Thủy Mỵ Châu, đó là những bài vọng cổ mà bạn hàng chợ thường hát dĩa nên bé Hai học thuộc lòng.

    Bé Hai thấy người mù đi hát dạo trong chợ được người ta cho tiền nên rủ Văn Vĩ lén mẹ đi hát dạo, từ Chợ Lớn đến Chợ Bến Thành, chợ Bàu Sen, chợ Cầu Ông Lãnh. nơi nào hai em bé Hai và Văn Vĩ hát dạo cũng được đông đảo người tụ tập nghe và cho tiền. Hai em đem tiền về cho mẹ nên cuộc sống đỡ đói khó, vất vả như xưa.

    Lúc đó, năm 1946, 1947, đang có cuộc chiến tranh Việt Pháp, Ban Công Tác Thành Saigon của Việt Minh liệng lựu đạn những nơi có đông người tụ tập, các rạp hát, các bar dancing để khủng bố và phá hoại. Bé Hai và Văn Vĩ đờn ca hát dạo, dân chúng tụ tập đông đảo nên lính cảnh sát Tây bắt bé Hai và Văn Vĩ về nhốt trong bót quận Nhì ở đường Hammelin, đường đi hướng về cầu Ông Lãnh.

    Ông xếp bót là người Pháp lai Việt Nam, bạn thân của nhạc sĩ Jean Tịnh đờn vĩ cầm cổ nhạc nên. ông bảo Jean Tịnh đến bảo lãnh cho hai em đó ra.

    Nhạc sĩ Jean Tịnh và ca sĩ Thành Công đến bót, nghe Văn Vĩ và bé Hai đờn ca. Thành Công bảo lãnh hai em ra, anh theo hai em về chợ Bình Tây, gặp hai bà mẹ để xin cho hai em theo Ban cổ nhạc Thành Công ca trên đài Pháp Á.

    Ca sĩ Thành Công rất mến mộ ngón đàn guitare sắc xảo của Văn Vĩ và giọng ca có chất buồn man mác của bé Hai nên Thành Công đặt nghệ danh Bạch Lan cho bé Hai để đối lại với ca sĩ tí hon Bạch Huệ trên đài Phát Thanh Saigon. Bé Hai xin giữ thêm chữ Út mà mẹ cô thường dùng để gọi cô, từ đó bé Hai có nghệ danh Út Bạch Lan.

    Ngoài việc đờn ca cho Đài Pháp Á, Út Bạch Lan và Văn Vĩ còn được mời đờn ca giúp vui cho các cuộc tiệc, đám cưới, đám giỗ, được dân chúng ở chợ Bàu Sen mời về nhà họ đờn ca. Những lần được mời đờn ca, Văn Vĩ và Út Bạch Lan được thưởng nhiều tiền, người ta cho quần áo đẹp và cho ăn uống phủ phê. Cô Năm Cần Thơ chủ quán ca nhạc Họa Mi ở khu giải trí trường Đại Thế Giới Chợ Lớn, mời Út Bạch Lan và Văn Vĩ đờn ca thường xuyên cho quán Họa Mi.

    Út Bạch Lan được ca sĩ Thành Công, cô Năm Cần Thơ, nhạc sĩ Jean Tịnh và nhạc sĩ Mười Lương dạy ca thêm nhiều bài bản cổ nhạc.

    Năm 1952, Út Bạch Lan gia nhập đoàn hát Kim Khánh của ông bầu Ba Cang, nhưng đoàn Kim Khánh lúc đó đang có 4 cô đào trẻ Thu Ba, Bé Hoàng Vân, Kim Nên, Ngọc An nên chỉ khi nào một trong bốn nữ diễn viên đó bịnh thì Út Bạch Lan mới được đóng thế vai. Thấy ở đoàn Kim Khánh không có tương lai, Út Bạch Lan tìm đi gánh hát khác.

    Năm 1953, Út Bạch Lan theo đoàn hát Tô Huệ, cũng chỉ được cho làm thế nữ, quân hầu nên cô trở về Saigon cộng tác với Ban Cổ Nhạc Thành Công trên đài phát thanh Saigon.

    Năm 1955, Út Bạch Lan gia nhập đoàn hát Kim Thanh do bốn danh ca vọng cổ Út Trà Ôn, Thanh Tao, Kim Chưởng, Thúy Nga hùng vốn làm bầu. Ở đoàn Kim Thanh, Út Bạch Lan cũng không được giao một vai tuồng quan trọng. Soạn giả Viễn Châu biết giọng ca của Út Bạch Lan rất được khán giả tán thưởng nên trong tuồng “Đời Cô Nga “ anh viết thêm hai câu vọng cổ cho Út Bạch Lan ca. Thành công quá sức tưởng tượng: khán giả vỗ tay nhiệt liệt không thua gì khi họ nghe Út Trà Ôn vô vọng cổ. Vãn hát, khán giả đứng nghẹt ở cửa sau rạp hát để chờ đón xem mặt Út Bạch Lan.

    Hình của Út Bạch Lan được đăng rất lớn trên các trang kịch trường, ký giả Nguyễn Ang Ca viết:” Út Bạch Lan, một ngôi sao lạ vụt sáng trên vòm trời sân khấu cải lương”

    Ký giả Trần Tấn Quốc viết:” Út Bạch Lan, một giọng ca vọng cổ thảm sầu, bứt ruột bứt gan người nghe!”

    Ký giả Kiên Giang viết:” Sầu nữ Út Bạch Lan, chất giọng đồng pha thổ nghe thương cảm chơi vơi, đêm đêm khơi nguồn lệ của hàng ngàn khán giả ái mộ cải lương.”

    Đại diện các hãng dĩa Hồng Hoa, Hoành Sơn, Tứ Hải mời Út Bạch Lan ca thu dĩa vọng cổ. Điều bất ngờ là soạn giả Viễn Châu không được phép viết thêm bài ca vọng cổ để giới thiệu Út Bạch Lan với lý do là không được phép viết thêm khi tuồng đã kiểm duyệt. Út Bạch Lan biết có người sợ soạn giả Viễn Châu viết vọng cổ cho cô ca sẽ làm lu mờ họ nên tung tin ngăn cản.

    Ông bầu Nghĩa đoàn Thanh Minh hay tin này, mời Út Bạch Lan ký hợp đồng 150.000 đồng để Út Bạch Lan về hát. Út Bạch Lan đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Thanh Hương, Hữu Phước, Kim Anh, Thu Ba, Văn Chung, Minh Tấn, hề Kim Quang và đã có những vai hát quan trọng trong các tuồng Biên Thùy Nổi Sóng, Cánh Bườm Lửa, Tình Tráng Sĩ, Đồ Bàn Di Hận, Nhớ rừng, Cung Đàn Trên Sông Lạnh, Núi Liễu Sông Bằng, Hồi Trống Vân Lâu, Áo Gấm Khôi Nguyên, Cầu Gỗ Hoàng Mai Thôn, Người Đẹp Bạch Hoa Thôn.

    Năm 1958, Út Bạch Lan ký hợp đồng hai triệu đồng về hát cho đoàn hát Kim Chưởng, hát cặp với kép chánh Thành Được.

    Thành Được và Út Bạch Lan là một cặp diễn viên lý tưởng nhất trong hai thập niên 60, 70…Út Bạch Lan cùng với dàn diễn viên của đoàn Kim Chưởng Thành Được, Trường Xuân, Kim Nên, Nam Hùng, Mộng Thu, Hề Minh, Phượng Liên, Diệp Lang đã ghi dấu một thời hoàng kim của cải lương với các tuồng Chưa Tắt Lửa Lòng, Bên Đồi Trăng Cũ, Thuyền Ra Cửa Biển, Áo Trắng Nàng Mộng Trinh, Nửa Bản Tình Ca, Người Đẹp Thành Bát Đa…

    Trên sân khấu Kim Chưởng, mối tình đầu nẩy nở giữa Út Bạch Lan và Thành Được đưa tới một cuộc hôn nhơn có hôn thư giá thú đàng hoàng, cô Phùng Há đứng làm chủ hôn.

    Năm 1961, Út Bạch Lan – Thành Được rời đoàn Kim Chưởng, thành lập gánh hát lấy bảng hiệu Út Bạch Lan – Thành Được, hai nghệ sĩ Phùng Há và Ba Vân làm chỉ đạo nghệ thuật. Đoàn Út Bạch Lan Thành Được có những tuồng Trảm Mã Trà, Đêm Huyền Diệu, Chân Trời Hạnh Phúc, Khi Rừng Mới Sang Thu, Bốn Mùa Hoa Nở, Bao Giờ Vườn Xứ Mưa Hoa, Cuối Đường Hoa Mộng, Thuyền Về Bến Ngự, Khi Hoa Anh Đào Nở, Cầu Sương Thiếp Phụ Chàng, Sầu Qua Mấy Nhịp Cầu Duyên…

    Cuối năm 1962, đoàn Út Bạch Lan - Thành Được rã gánh, Cặp vợ chồng nghệ sĩ này về cộng tác với đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga, hát tuồng Nửa Đời Hương Phấn của Hà Triều Hoa Phượng. Thời gian này soạn giả Viễn Châu viết tặng cho Út Bạch Lan bài vọng cổ Tâm Sự Một Loài Hoa, kề về cuộc đời nhiều gian truân của Út Bạch Lan.

    Trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga, Út Bạch Lan – Thành Được hát những tuồng xã hội Nửa Đời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng, Đôi Mắt Người Xưa, Bóng Chim Tăm Cá, Ngược Dòng Sông Lỗi, Áo Cưới Trước Cổng Chùa, Ngả rẽ Tâm Tình, Đời Hai Mặt, Thầy Cai Tổng Bồi, Đời cô Nga…

    Năm 1965, hôn nhơn của Út Bạch Lan và Thành Được gảy đổ. Út Bạch Lan ký hợp đồng hát cho đoàn Kim Chung của Bầu Long. Thành Được ký hợp đồng hát cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga.

    Năm 1967, Út Bạch Lan lập gánh Tân Hoa Lan hát các tuồng Ai Cho Tôi Tình Yêu, Cổ Xe Độc Mã, Anh Hùng Xạ Điêu, Đi Biển Một Mình.

    Sau năm 1975, Út Bạch Lan hát cho đoàn cải lương Saigon 1 rồi cô trở về quê hương Long An hát cho đoàn cải lương của tỉnh nhà.

    Trong những năm gần đây, sầu nữ Út Bạch Lan được mời sang Hoa Kỳ, hát tái ngộ với nghệ sĩ Thành Được nhân dịp Phượng Liên tổ chức kỷ niệm 45 năm sân khấu. Út Bạch Lan được khán giả hải ngoại nhiệt liệt ngợi khen giọng ca bi thảm của cô, dù tuổi trên bảy mươi, giọng hát của Út Bạch Lan vẫn êm dịu, mượt mà, thu hút tâm hồn người nghe.

    Út Bạch Lan đã quy y phật pháp, cô thường đi hát giúp gây quỷ từ thiện và hát giúp trong các lễ ở các chùa chiền. Sầu nữ Út Bạch Lan, một giọng ca hiếm có trong nền nghệ thuật Cải lương. Khán giả ái mộ gọi cô là Sầu Nữ, Nữ Hoàng Vọng Cổ, Vương Nữ Sương Chiều…hơn nửa thế kỷ qua, Út Bạch Lan đã rút hết tơ lòng để nhả cho đời những sợi tơ vàng óng ả đẹp vô ngần.

    Lắng đọng gồm thâu những cuộc đời,
    Vào hồn "sầu nữ" thấm tình người,
    Cho nên nghệ thuật thanh xuân mãi,
    Tiếng hát ngàn xa vượt tuổi trời.


    Bài viết của: Soạn giả Nguyễn Phương


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 6 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    Lê Phương (11-04-2013)

ANH EM CHANNEL