Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
  1. MEM
    Avatar của MEM
    Danh ca Minh Cảnh: Một bước trở thành kép chánh

    Trong thập niên 60, 70, nhiều nghệ sĩ trẻ thinh sắc lưỡng toàn được tuyển chọn để tặng huy chương vàng giải Thanh Tâm. Có những nghệ sĩ khác cũng có thực tài, ca hay diễn giỏi mà không được trao giải thưởng Thanh Tâm không? Có những nghệ sĩ tài danh như Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Phương Trúc Bình, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm … có giọng ca và kỹ thuật ca thật hay, về diễn xuất cũng có khả năng độc đáo nhưng không được chọn để tặng giải thưởng Thanh Tâm vì do điều kiện tuổi không đúng theo quy định của Ban phát giải hoặc là vì giải thưởng Thanh Tâm ngưng hoạt động năm 1968 nên nhiều nghệ sĩ ca hay hát giỏi không có cơ hội được nhận tặng thưởng.

    Trong số các giọng ca vàng của thập niên 1960, nghệ sĩ Minh Cảnh có một số phận cực kỳ may mắn và cũng rất khác với các bạn nghệ sĩ đồng thời. Năm 1960, nghệ sĩ Minh Cảnh được báo chí kịch trường gọi là thần đồng Minh Cảnh. Ngay từ khi mới khởi đầu sự nghiệp sân khấu, Minh Cảnh như một hỏa tiễn được đặt trên giàn phóng, chỉ cần một cái bấm nút khai hỏa là hỏa tiễn Minh Cảnh vút bay vào quỷ đạo vòng quanh trái đất như một vì sao sáng trên bầu trời nghệ thuật.

    Nghệ sĩ Minh Cảnh vừa hò Huế để ca bài Mưa Trên Phố Huế để minh chứng tính chất có thể dung chứa những lối ca hát cổ nhạc khác đưa vào lòng câu vọng cổ hay ngâm, hò trước khi vô vọng cổ. Nghệ sĩ Minh Cảnh nối bước nghệ sĩ Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn trong việc làm giàu thêm phong cách ca vọng cổ. Út Trà Ôn ngâm Tao Đàn, nói thơ Vân Tiên, hò Đồng Tháp trong khi ca vọng cổ. Nghệ sĩ Minh Cảnh đưa ra lối ca dài hơi vô vọng cổ và hò Huế trong câu ca vọng cổ.

    Một bước trở thành kép chánh

    Nghệ sĩ Minh Cảnh sanh năm 1939, thân phụ của Minh Cảnh là người quê ở Quảng Bình, vào Saigon làm phu đạp xe cyclo, sau khá hơn ông làm tài xế taxi. Mẹ của nghệ sĩ Minh Cảnh buôn gánh bán bưng. Theo lời kể của Minh Cảnh thì mẹ anh sanh đến 20 lần, mất đi 12 đứa con vì bịnh hoạn, còn lại 8 người con mà Minh Cảnh là lớn nhất.

    Đến năm 11 tuổi, Minh Cảnh về sống với bà Ngoại và Dì Ba ở góc đường Nguyễn Thiện Thuật và Phan Thanh Giản. Minh Cảnh theo các bạn nghèo, đi bươi rác, lượm chai không, nylon và giấy vụn để bán lại cho các bà đi mua ve chai, buổi trưa và tối thì đi bán bánh cam, chuối chiên để kiếm tiền về phụ với gia đình. Minh Cảnh lấy hàng của chị chiên chuối chiên sau nhà nghệ sĩ Út Trà Ôn ở đường Phan Thanh Giản. Trong khi chờ lấy hàng, Minh Cảnh nghe trong nhà tiếng hát máy hát những bài ca vọng cổ, anh học theo để ca nghêu ngao trong những lúc buồn. Nghe riết rồi thuộc lòng, anh đâm ra ghiền nghe giọng ca vang lộng của thần tượng Út Trà Ôn, giọng ca ai oán não nùng của sầu nữ Út Bạch Lan và giọng ca êm dịu mùi mẫn của giọng ca vàng Hữu Phước.

    Đến năm 15 tuổi, Minh Cảnh theo cha mẹ về ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8. Ông thợ hớt tóc tên Sĩ, ở gần nhà anh, ông biết đờn cổ nhạc nên dạy cho Minh Cảnh ca vọng cổ và các bài bản cải lương.

    Nhân ngày giổ Tổ 12 tháng 8 âm lịch năm 1960, Minh Cảnh đi bán bánh ú nhưn tôm thịt ở bến xe gần rạp hát Aristo đường Lê Lai, gần ga xe lửa Saigon. Minh Cảnh quen với anh Được, nhạc sĩ đàn violon trong ban cổ nhạc đoàn hát Kim Chung nên được anh Được dẫn vào gánh hát chơi. Minh Cảnh cũng thắp nhang lạy Tổ như các diễn viên trong đoàn hát và được cho ở lại ăn uống sau lễ giổ Tổ. Mặc dầu Minh Cảnh lúc đó đã được 21 tuổi nhưng anh ốm đói thường trực nên vóc người nhỏ xíu như một đứa trẻ 11 hay 12 tuổi thôi. Trong tiệc rượu sau lễ cúng Tổ, anh Được giới thiệu Minh Cảnh ca sáu câu vọng cổ tựa Lá thư người chiến sĩ. Anh Được đờn violon, Ngọc Sáu đờn cò, Bảy Trạch đờn kìm. Mọi người có mặt trong cuộc tiệc đều vổ tay khen hay. Nhạc sĩ đờn cò Sáu Xíu giới thiệu giọng ca của Minh Cảnh với ông bầu Long. Nghe Minh Cảnh ca sáu câu vọng cổ, ông Bầu Long chấp nhận cho Minh Cảnh vào đoàn hát, lương đêm bốn chục đồng và ký contrat 20.000 đồng trong hai năm. Chỉ có giọng ca lạ, luyến lái êm dịu, một em bán bánh cam ở đầu đường xó chợ được nâng lên trên sân khấu, với một số lương ngày một cao mà thời đó bất cứ người công chức nào đang làm việc cho chánh phủ cũng không thể mơ ước được số tiền lương và contrat cao như Minh Cảnh.

    Nghệ danh Minh Cảnh là do vợ của nhạc Sĩ Năm Được đặt cho, mỹ danh thần đồng Minh Cảnh là do ký giả Nguyễn Ang Ca vì thấy Minh Cảnh nhỏ con như một trẻ nít nên tặng mỹ danh thần đồng cho Minh Cảnh mặc dù lúc đó anh đã được 21 tuổi.

    Nghệ sĩ Minh Cảnh chưa hề được đào tạo nơi một trường nghệ thuật chánh quy nào, chưa phải đã theo học hát theo một trình tự làm quân hầu, kép con, kép cạnh rồi mới đến kép mùi, kép độc như phần đông các nghệ sĩ tiền phong đã trải qua. Minh Cảnh vào đoàn hát, đầu hôm sớm mai, chỉ biết ca rành sáu câu vọng cổ là một bước trở thành kép chánh, kép ca. Tình trạng nầy phổ biến trong thập niên 60 mà báo chí gọi là Kép ca đá kép diễn. Thời gian này các danh ca vọng cổ như Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Dũng Thanh Lâm, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy, Thanh Thanh Hoa, Mỹ Châu, dù về phương diện diễn xuất còn kém nhưng nhờ hơi ca vọng cổ, đã trở thành kép chánh, đào chánh của đoàn hát, trong khi đó thì các diễn viên với tài diễn xuất bậc thầy lại phải lui về hàng thứ hai hay thứ ba trong dàn đào kép của đoàn hát.. Thậm chí có người đổi nghề như mở quán cà phê, tiệm uốn tóc hay làm giáo sư kịch nghệ hoặc làm việc lồng tiếng Việt cho các phim ngoại quốc. Đó là những tài danh sân khấu như Năm Châu, Kim Cúc, Bảy Nhiêu, Ba Thâu, Văn Lâu, Tám Lắm, Văn Lang …


    Tiền phong trào lưu ca vọng cổ dài hơi

    Trong ca cảnh Quán Gấm Đầu Làng, nghệ sĩ Minh Cảnh đã ca câu vô vọng cổ liền một hơi 53 chữ, đó là câu vô vọng cổ dài hơi nhứt của Minh Cảnh, mở màn cho trào lưu ca vọng cổ dài hơi mà sau nầy các nghệ sĩ Giang Châu, Bình Trang, Châu Thanh và Phượng Hằng nối gót theo Minh Cảnh tạo ra một trường phái ca vọng cổ dài hơi.

    Nghệ sĩ Minh Cảnh có một thời gian nghĩ hát ở Kim Chung, ra lập gánh hát riêng. Anh thu băng, thu dĩa thành công, ra làm bầu thì thất bại vì nghề làm bầu gánh có những khúc mắc riêng, không phải dễ như hát ca trên sân khấu. Vì vậy Minh Cảnh cho gánh hát rã, anh trở về hát cho gánh hát Kim Chung, nhiều năm lưu diễn ở miền Trung.

    Như phần đông nghệ sĩ cải lương khác, từ năm 1954 đến năm 1975, sân khấu cải lương và nghệ sĩ cải lương được một cuộc sống huy hoàng mà cho đến nay người ta vẫn thường gọi là thời hoàng kim của nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương. Thời đó thu nhập của nghệ sĩ rất cao, cuộc sống thoải mái, văn nghệ tự do nên khán giả cũng mê xem cải lương. Sau năm 1975, khi miền Nam mất rồi thì cuộc đời của nghệ sĩ cũng như cuộc đời của cả chục triệu dân ở miền Nam, phải làm việc theo một lối khác, cuộc sống khó khăn túng thiếu, cái thuở vàng son dành cho những giọng ca vàng không còn nữa.

    Nghệ sĩ Minh Cảnh đã đến tuổi 70. Anh ở trong nước thì không thể nào thi triển giọng ca vàng để kiếm sống nên từ hai ba năm nay, anh qua Hoa Kỳ, ở vùng Nam Cali hoặc đến San José, Virginia, những nơi có nhiều đồng bào Việt Nam định cư. Anh ca vọng cổ trong các quán có ca nhạc, trong các cuộc biểu diễn tổ chức ở rạp hát và anh cũng nhận được tiền thu nhập khá cao. Chắc chắn là cao hơn lúc còn ở Việt Nam sau năm 1975.


    Theo Nguyễn Phương
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 7 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  3. MEM
    Avatar của MEM
    Bài Quán gấm đầu làng đúng là MC ca hay thiệt luôn đó. Sau này mấy nghệ sĩ trẻ ca lại ko sao bằng được! hichic
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  5. Hồng Phượng
    Avatar của Hồng Phượng
    Những nghệ sĩ ca theo trường phái Minh Cảnh chỉ có Tấn An là ca giống MC đến 90% , chỉ tiếc Tấn An ngoại hình ko được bắt mắt lắm (hơi lùn và dáng hề )
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to Hồng Phượng For This Useful Post:


  7. MEM
    Avatar của MEM
    Tấn An hả chị? Là ai sao em ko biết ta? Chỉ biết Tuấn Anh ca khá giống!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:


  9. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Nam NS Tuấn Anh (trước đấy hát kép nhì đoàn Trần Hữu Trang 1) ca giống NS Minh Cảnh.
    Trong giới sân khấu, có một nam NS tên là TẤN AN, là chồng của nữ NS Xuân Lan (đóng Bích Vân công chúa trong Bên Cầu Dệt Lụa với cố NS Thanh Nga). Có phải chị Hồng Phượng muốn nói đến nam NS này phải không ? Em thì chỉ nghe tên thôi chứ chưa biết mặt và chưa nghe NS TẤN AN ca bao giờ.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 3 Users Say Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  11. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    May mắn trên bước đường nghệ thuật

    Nghệ sĩ Minh Cảnh hiện đang viếng thăm Hoa Kỳ trong một thời gian, và nhân tiện, có đôi lời tâm sự cùng quý vị:

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: “Phải nói rằng tôi qua đây tự nhiên tôi cảm nhận cải lương vào thời vàng son, thuở cách đây vào khỏang 45 năm về trước. Có nghĩa là tình yêu thương của cô bác ở đây vẫn nồng nàn, vẫn thắm đượm như thuở nào. Mà có đôi lúc còn có cái gì thắm thiết hơn nữa khiến cho tôi vô cùng cảm động.”

    Minh Cảnh cho biết rằng anh xuất thân từ gia đình nghèo khổ, đông anh em – mà anh là anh cả - ở Xóm Ruộng gần cầu Công Lý, Sài gòn; ngày ngày phải chăm sóc đàn em và đi bán hàng rong để phụ giúp cha, mẹ.

    Nhưng người nghệ sĩ này lại có số may mắn trên bước đường nghệ thuật cải lương, và sớm toại nguyện mộng nghệ nhân như các danh tài mà anh từng tôn sùng và theo gương như Út Trà Ôn, Hữu Phước.

    Nhờ sự trợ giúp thoạt đầu của ông Hai Sĩ hớt tóc giỏi về đờn cò, rồi các nhạc sĩ Văn Được, Ngọc Sáu, nghệ sĩ Kim Chung của đoàn Kim Chung, nghệ sĩ Minh Cảnh nhanh chóng trở thành ngôi sao sáng trên sân khấu Kim Chung nói riêng, và trên vòm trời nghệ thuật sân khấu cải lương nói chung.

    Phải nói rằng tôi qua đây tự nhiên tôi cảm nhận cải lương vào thời vàng son, thuở cách đây vào khỏang 45 năm về trước. Có nghĩa là tình yêu thương của cô bác ở đây vẫn nồng nàn, vẫn thắm đượm như thuở nào. Mà có đôi lúc còn có cái gì thắm thiết hơn nữa khiến cho tôi vô cùng cảm động.

    Hoạt động nghệ thuật cải lương ở trong nước

    Sau đây, mời quý thính giả nghe tiếp cuộc nói chuyện giữa Thanh Quang và nghệ sĩ Minh Cảnh:

    Thanh Quang: Thưa nghệ sĩ Minh Cảnh, nói chung thì hoạt động nghệ thuật cải lương của anh trong nước ra sao?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Dạ báo cùng anh thì tôi vẫn hoạt động nghệ thuật thôi, tôi cũng làm bầu show. Ở bên đó, bạn bè, hay bất cứ nơi nào cần về vấn đề văn nghệ, cần đến tôi thì tôi sẽ đến đó. Tùy theo yêu cầu của họ.

    Thanh Quang: Thưa về đoàn hát như trước năm 1975, Minh Cảnh có hợp tác hay điều hành gánh hát nào không?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Dạ kính anh Quang, không. Coi như đoàn hát ngưng, tôi nghĩ 15, 17 năm nay rồi. Không còn hoạt động sân khấu nữa.

    Thanh Quang: Anh nhận xét về hoạt động sân khấu cải lương trong nước hiện như thế nào?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Dạ kính báo anh tôi qua đây cũng nửa năm nay rồi, thành thử mình cũng không theo dõi được. Vã lại, lúc tôi còn ở Saigòn thường làm show thì các bạn tôi, tôi thường hay mời về tỉnh nhiều hơn. Có đôi khi một show, tôi ở dưới cả một tuần lễ.

    Những giọng ca trẻ

    Giọng ca nào cũng đều có sự đặc biệt riêng của giọng ca đó. Theo tôi nghĩ thì các em đó có những giọng ca rất tốt, rất hay. Chỉ có mỗi một yêu cầu - ở riêng tôi thôi – là các em đó chịu khó nghiên cứu cho thật kỹ, từ lối ca, cách ca, hành văn, cũng như là nói về nghệ thuật thì trong lúc trình bày, làm sao để cho khán thính giả hiểu rằng mình đang làm gì.

    Thanh Quang: Theo nghệ sĩ Minh Cảnh, các nghệ sĩ trẻ ở Việt Nam bây giờ, nếu so với những giọng ca vàng hồi thập niên 60, 70 – tức thời vàng son của cải lương, họ có triển vọng như thế nào?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Dạ cám ơn câu anh vừa hỏi. Tôi nghĩ là anh hỏi thì hỏi chớ có lẽ anh cũng đã nhận rồi. Xin báo với anh thế này, theo nhận định của tôi thì tất nhiên là hoa nào cũng có sắc thái riêng của nó anh à.

    Giọng ca nào cũng đều có sự đặc biệt riêng của giọng ca đó. Theo tôi nghĩ thì các em đó có những giọng ca rất tốt, rất hay. Chỉ có mỗi một yêu cầu - ở riêng tôi thôi – là các em đó chịu khó nghiên cứu cho thật kỹ, từ lối ca, cách ca, hành văn, cũng như là nói về nghệ thuật thì trong lúc trình bày, làm sao để cho khán thính giả hiểu rằng mình đang làm gì.

    Nếu như vậy tôi thấy kết quả sẽ tốt hơn. Chớ còn nói riêng về giọng ca thì tôi thấy em nào ca cũng hay.

    Thanh Quang: Thưa theo anh thì những vở tuồng trong nước hiện giờ có đáp ứng được thị hiếu của khán, thính giả như ngày xưa không?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: (cười) Thưa anh, tôi nghĩ là khỏi trả lời chắc anh cũng hiểu.

    Thời hoàng kim

    Thanh Quang: (cười) Thưa, nghệ sĩ Minh Cảnh hồi tưởng như thế nào về thời vàng son của nghệ thuật cải lương hồi những thập niên 60, 70, mà trong đó có anh?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Dạ kính anh, nếu nói về thời gian đó thì phải nói là thời hoàng kim. Tuy nhiên, mỗi thời gian, không gian, sự tiến triển nghệ thuật cũng như các ngành nghề, nó có nhiều biến đổi. Trong những biến đổi đó, nó có lâu bền hay không là còn do nơi khả năng, tài năng và sự khéo léo ở nghệ nhân đối với khán, thính giả.

    Và điều trọng yếu thứ hai, đó là sinh kế. Bởi vì bây giờ, sân khấu thực sự để anh em chúng tôi diễn nguyên tuồng, có bán vé, mỗi tấm vé mà cô bác mua vào, đó là một sự dưỡng nuôi đối với anh em chúng tôi.

    Còn khán thính giả thì luôn lúc nào cũng là giám khảo chân chính. Bởi vì hay thì người ta nói hay mà dở thì người ta nói dở. Tuy nhiên, trong sự hay, dở, phê phán đó, vẫn còn tùy theo trí lự ở mỗi người mà tầm hiểu biết và lời nói, ta sẽ định nó nằm vào một thứ bực nào, thưa anh.

    Thanh Quang: Thưa nghệ sĩ Minh Cảnh, những bản nào anh từng ca, hay những vai nào anh từng diễn vẫn còn đậm nét trong tâm trí của khán thính giả cho tới bây giờ?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Những vai tuồng thì tôi có nhiều vai. Nhưng vai mà tôi yêu thích nhất là vai trong tuồng “Giữa Chốn Bụi Hồng” của cố tác giả Hoa Phượng, trong đó, tôi đóng vai Tiểu Duyên Căn Sư Phụ. Còn những vai khác của những vở khác, theo khán thính giả thì rất yêu, nhưng mà sự chọn lựa như anh hỏi thì đó là sự chọn lựa ở riêng tôi.

    Những vai tu hành

    Thanh Quang: Thưa, được biết nghệ sĩ Minh Cảnh rất ăn khách trong những vai tu hành, thí dụ như vai Hoà Thương. Xin anh giải thích lý do nào mà anh dễ nhập vai như vậy?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Kính báo anh, có lẽ một phần do tâm tư tôi tập trung, đặt hết niềm tin yêu, kính cẩn; không dấu gì anh, tôi để tâm hướng thượng đến nay đã 36 năm rồi. Có nghĩa là hằng đêm tôi vẫn thường ngồi Thiền, niệm Phật, trì Chú mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát.

    Thanh Quang: Thưa những nghệ sĩ nào mà anh cho là từng diễn ăn ý nhất với anh?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Nếu nói về đào diễn hồi còn ở sân khấu Kim Chung với tôi, thì chỉ có 2 cô đào trẻ, nổi tiếng. Đó là cô Lệ Thủy, hình như chỉ diễn với tôi một, hai tuồng trong thời gian ngắn thôi; còn Mỹ Châu thì diễn (với tôi) lâu dài, khỏang một, hai năm gì đó.

    Quán nghệ sĩ

    Mời các bạn tham gia mục Cổ Nhạc do Thanh Quang phụ trách. Xin email về Vietnamese@www.rfa.org

    Thanh Quang: Dạ nghe nói hồi ở Việt Nam, anh Minh Cảnh có lập nhiều quán nghệ sĩ. Những quán đó có đóng góp như thế nào cho nghệ thuật sân khấu cải lương không?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Dạ thưa phải. Ở những nơi đó, anh em nghệ sĩ chúng tôi dựng lên sân khấu có những yếu tố quan trọng sau đây: Yếu tố thư nhất là vì nghề nghiệp chúng tôi không thể bỏ - để nhớ sân khấu mặc dù chỉ là những sân khấu mini.

    Và điều trọng yếu thứ hai, đó là sinh kế. Bởi vì bây giờ, sân khấu thực sự để anh em chúng tôi diễn nguyên tuồng, có bán vé, mỗi tấm vé mà cô bác mua vào, đó là một sự dưỡng nuôi đối với anh em chúng tôi.

    Nhưng bây giờ đã thiếu vắng rồi thì chúng tôi chỉ còn cách tự mình tạo nên một sân khấu nhỏ như vậy, để tạm thời đem lời ca tiếng hát ngõ hầu được sự mến yêu của hầu hết khán giả đến với mình. Anh em chúng tôi được những đồng tiền thưởng đó để làm kế sinh nhai.

    Thanh Quang: Sau nhiều năm nổi danh trên sân khấu, nghệ sĩ Minh Cảnh có kỷ niệm nào sâu đậm nhất mà anh muốn chia sẻ với quý thính giả không?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: Dạ cảm ơn anh. Nói tóm gọn thì ý này là ý chính của tôi, mà tôi từng nói trên đài hình như khỏang năm 1990, khi bên Việt Nam có tổ chức để tặng tôi danh từ là “tiếng hát vượt không gian, tiếng hát vượt thời gian” gì đó. Thì tôi đã có nói câu này “Đời nghệ sĩ chúng tôi chẳng khác nào như kiếp mây bèo trôi dạt.

    Lấy bốn phương làm nhà, lấy lòng yêu thương cô bác để thế vào tình yêu cật ruột trong thân quyến. Do đó mà những nơi chúng tôi dừng lại, những tình thương yêu cô bác ban cho, chúng tôi cảm thấy ấm áp như là kẻ đang rét mướt được quý vị mở rộng cửa cho vào sưởi.

    Và tâm niệm ở riêng tôi, mà tôi nghĩ là tất cả anh em nghệ sĩ cũng không ngoài tâm niệm này, là anh em nghệ sĩ chúng tôi chỉ còn biết đem lời ca tiếng hát để ngõ hầu đền đáp tấm thạnh tình thương yêu mà quý cô bác đã dưỡng nuôi.

    Riêng tôi, tôi tâm nguyện là dù còn một hơi thở cuối cùng, thì tôi cũng vẫn sẵn sàng ca lên một tiếng ca hoặc nói lên một tiếng nói, rồi tôi gục chết trước khán giả, thì đó là điều tôi rất sung sướng hãnh diện vì tôi đã làm hết bổn phận, khả năng mình để đáp lại tình yêu thương mà khán thính giả đã dưỡng nuôi.

    Giới mộ điệu chắc hẳn khó quên lối diễn, ca của Minh Cảnh qua những vai do nghệ sĩ này thủ diễn như chú tiểu Trần Tự Tâm trong Máu Nhuộm Sân Chùa, Hoà Thượng trong Đường Gươm Nguyên Bá, tiểu sư phụ Duyên Căn trong Giữa Chốn Bụi Hồng, Bách Kiếm Vương Hồ Vũ trong Mùa Thu Trên Bạch Mã Sơn…

    Và giọng ca vàng của những thập niên 60, 70 ấy qua các bản như Sầu Vương Ý Nhạc, Tu Là Cội Phúc, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài…vẫn mãi sâu đậm trong tâm hồn giới mộ điệu.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 8 Users Say Thank You to Thuong Tran For This Useful Post:


  13. NGAOTHIEN09
    Avatar của NGAOTHIEN09
    bác minh cảnh hát thì ít ai bì kịp ...giọng hát trong vắt, rõ ràng mà mang nhiều tâm trạng, cảm xúc
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following User Says Thank You to NGAOTHIEN09 For This Useful Post:


  15. tanan76
    Avatar của tanan76
    Nguyên văn bởi MEM
    Tấn An hả chị? Là ai sao em ko biết ta? Chỉ biết Tuấn Anh ca khá giống!
    ah há... giờ chắc MEM biết Tấn An là ai rùi hen....
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following User Says Thank You to tanan76 For This Useful Post:


  17. vhfuong
    Avatar của vhfuong
    Nghệ sĩ Minh Cảnh, nửa thế kỷ với cải lương

    Trưa ngày 03 tháng 06 năm 2009, nghệ sĩ Minh Cảnh đã đến thăm báo Trẻ tại Dallas. Buổi gặp gỡ thân mật giữa người nghệ sĩ nổi danh, đã có nửa thế kỷ đứng trên sân khấu cải lương và những anh chị em trong tòa báo Trẻ thật mau chóng bật lên tiếng cười văn nghệ của những anh em trẻ trong toà báo dành cho anh. Ngay phòng kỹ thuật của toà báo, anh Minh Cảnh được yêu cầu hát tặng anh em bài “Tình anh bán chiếu”. Anh vui vẻ nhận lời như chưa từ chối người mộ điệu cổ nhạc và giọng ca Minh Cảnh bao giờ. Có điều đặc biệt mà nghệ sĩ Minh Cảnh dành riêng cho anh chị em báo Trẻ là “Tình anh bán chiếu” xưa rồi! “Ghe chiếu Cà Mau cặm sào ngã Bảy mà cô gái năm xưa sao chẳng thấy ra chào. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm em không gặp tôi gối đầu mỗi đêm…” Có lẽ anh bán chiếu lãng mạn, chung tình như người nghệ sĩ cổ nhạc với khán giả ái mộ âm nhạc dân tộc chỉ còn trong kỷ niệm. Có tiếng anh em đùa, yêu cầu anh hát tặng anh chị em báo Trẻ bài… “Tình anh bán gối”!

    Không ngờ giọng ca quen thuộc của anh lại có ngày bật lên trong không gian báo Trẻ, giữa phòng làm việc đầy máy móc, computer… chứ không phải một sân khấu cải lương chốn quê nhà, trong ký ức mọi người-sống đời hiện đại, khoa học kỹ thuật nhưng trong tâm tư vẫn thỉnh thoảng vang lên một làn dân ca, điệu hát câu hò… Từ giọng ca Minh Cảnh, đưa Phóng viên Trẻ về lại những bến bờ xưa cũ, những trưa nắng vàng giàn mướp ngồi nghe văng vẳng từ bên nhà hàng xóm vọng sang những tuồng cải lương đã đi vào ký ức đời người. Lại một tràng cười lớn vang giòn khi có anh em lại đùa vui, yêu cầu tiếp bài ... “Tình anh bán… muối” .

    Trong tiếng cười sơ giao đã có sẵn những thân tình như gặp lại ngày tháng và chính mình xưa cũ, buổi gặp gỡ văn nghệ sớm đượm tình thân. Xin mời độc giả theo dõi cuộc phỏng vấn nghệ sĩ Minh Cảnh do Phóng viên Trẻ thực hiện sau đây:


    PV Trẻ: - Đầu tiên là xin chúc mừng anh đã chính thức định cư tại Dallas. Cơ duyên nào đã đưa anh đến Mỹ và về Dallas này?

    Nghệ sĩ Minh Cảnh: - Thật ra kể ra đây thì nó huyền hoặc như chuyện “Ngàn lẻ một đêm” của Ba Tư vậy. Toàn là vào phút chót không, cứ như có sự sắp đặt của bề trên vậy. Anh đến Mỹ và khi gần đến ngày về thì có một sô diễn của một em “đệ tử” tổ chức và mời Anh ở lại tham gia. Nhờ sự giúp đỡ và thương yêu của bạn hữu mà Anh được ở lại vào phút chót. Sau đó Anh đi lưu diễn tại Cali và vài nơi khác. Đến diễn ở Houston 10 lần và đến lần thứ 10 sát mí thì Anh mới gặp và lập gia đình với người phụ nữ, đã giúp đỡ và bảo trợ. Anh ở lại luôn. Đó các em thấy cứ như chuyện “Ngàn lẻ một đêm” là vậy. Anh đã về Dallas hơn một năm nay, nhưng thỉnh thoảng cũng đi hát sô ở các tiểu bang khác. Bây giờ anh đã có thẻ xanh vài tháng nay.


    PV Trẻ: - Để độc giả biết thêm về sự khởi đầu, anh có thể cho biết anh sinh trưởng ở đâu và vào nghề cải lương bao giờ?

    NS Minh Cảnh: - Anh sinh ở quận 5, Sài Gòn. Mẹ anh là người Hoa lai, gốc Quảng Đông, còn cha anh là người Việt, gốc ở Quảng Bình. Anh yêu thích cải lương vào khoảng năm 15 hay 17 tuổi gì đó. Anh mê đến nổi thuộc nguyên tuồng “Huyết Lệ Trùng Dương” do Đệ Nhất danh ca Út Trà Ôn diễn. Nhưng đến năm 24 tuổi mới xuất hiện trên sân khấu, vào khoảng đầu thập niên 60.

    PV Trẻ: - Tức bây giờ anh khoảng chừng 70 tuổi?

    NS Minh Cảnh: - 72 tuổi. “Thất thập nhị thần công”, bây giờ anh đã học được 72 phép rồi (cười lớn).


    PV: - Vậy là anh còn cao tuổi hơn cả Hồng Thất Công rồi. Tính ra anh ca cải lương đã gần nửa thế kỷ? Trước anh cũng đã có nhiều người rồi phải không?

    NS Minh Cảnh: - Có chớ, có nhiều. Bậc tiền bối thì có “Cậu Mười” Út Trà Ôn. Bậc đàn anh đàn chị thì có Thành Được, Út Bạch Lan, Hữu Phước... Sau Anh thì đến Minh Phụng, Minh Vương ...


    PV Trẻ: - Có sự ảnh hưởng hay trùng hợp nào khi cả ba nghệ sĩ cải lương nổi tiếng đều bắt đầu tên “Minh” thưa anh?


    NS Minh Cảnh: -Điều này cũng dễ hiểu. Nghệ danh “Minh Cảnh” là do một bà chị nuôi của anh đặt. Anh nổi danh trên sân khấu trước nên khi hai em Phụng và Vương theo sau, cũng mượn chữ “Minh” cho được để ý hơn. Minh Phụng nổi danh trước, sau đó là Minh Vương. Hồi đó, người ta gọi chung tụi anh là “Tam Minh”. Thật ra những người nổi danh cũng coi như được ân thưởng của bề trên, cơ duyên mỗi cá nhân, chớ bên ngoài cũng có những người ca hay lắm nhưng không được nổi danh.


    PV Trẻ: - Lúc đó anh hay đóng cặp với nữ nghệ sĩ cải lương nào?


    NS Minh Cảnh: - Đóng thường nhất là đóng chung với Mỹ Châu. Đoàn Kim Chung 2 thì anh và Mỹ Châu là cặp đào kép chính mà. Lúc đó cũng là lúc đang lăng-xê tên tuổi của Mỹ Châu luôn.

    PV Trẻ: -Anh có đóng chung với Thanh Nga không?

    NS Minh Cảnh: -Không đóng trên sân khấu, nhưng Anh có thu chung dĩa với cô ấy một tuồng, hình như tuồng xã hội của Hà Triều-Hoa Phượng mà anh quên tên rồi. Anh đóng vai bác sĩ, Thanh Nga đóng vai vợ.


    PV Trẻ: - Anh có nhớ đã đóng khoảng bao nhiêu tuồng cải lương không? Ước lượng thôi. Những tuồng nào anh yêu thích nhất?


    NS Minh Cảnh: -Nhiều quá, không nhớ nổi. Anh có thể kể vài tuồng như Máu Nhuộm Sân Chùa, Dốc Sương Mù, Bão Cát... Trong đó những tuồng anh thích nhất như là Mùa thu trên Bạch Mã Sơn đóng chung với Mỹ Châu, tuồng Giữa Chốn Bụi Hồng của soạn giả Hoa Phượng, người mà anh yêu mến nhất. Thêm một tuồng nữa là Lời thơ trên tuyết, có anh Hùng Cường diễn chung. Sau này anh sửa tựa lại thành tuồng Kiếm Sĩ Người Dơi mà khán giả rất thích. Anh diễn cả 10 năm tuồng này đó các em, có tuồng nào mà diễn cả 10 năm đâu.

    PV Trẻ: - Anh là người đầu tiên đưa ra cách ca dài hơi. Đó là một cách anh cách tân, làm mới, biễu diễn khác lạ trong cải lương?

    NS Minh Cảnh: - Câu hỏi của em rất đúng. Câu vọng cổ anh ca dài hơi nhất là 57 chữ, trong tuồng Lưu Bình Dương Lễ. Thời gian không ngừng trôi chảy, theo nhịp thời gian mọi việc cũng đổi thay. Vọng cổ từ nhịp hai, nhịp tư, đến nhịp 8, 16 hay thời hưng thịnh là nhịp 32, 64 cho đến 128 sau này, cải lương luôn thay đổi. Mỗi năm mình mang áo mới thì tại sao ta không cho nghệ thuật mặc áo mới.

    PV Trẻ: - A! Đó là một nhận xét thú vị. Giờ thêm vài chục năm kinh nghiệm, anh ca được một hơi …75 chữ không? Có gì để tụi em kêu xe cứu thương sẵn.


    NS Minh Cảnh (cười lớn): - 72 tuổi rồi.

    PV Trẻ : - So với những năm thập niên 50, 60, anh thấy có sự khác biệt nào trong cải lương so với hiện nay?

    NS Minh Cảnh: - Nói về nhận định thì mỗi người có nhận định riêng, nhưng nói về nghiệp nghệ thì anh có khác hơn một chút, vì anh là người trong nghề. Nhưng nói ra chỉ để hiểu với nhau, chứ nói ra cũng đau lòng. Nó đã thay đổi và khác xưa quá nhiều. Sự thay đổi có tốt-xấu-nên-hư, nên chỉ mong sao có lúc nào đó cải lương hay cổ nhạc được phục hồi trở lại.


    PV Trẻ: - Anh không trả lời trực tiếp, nhưng như vậy cũng đủ ý rồi. Nếu vậy thì anh nghĩ sao tương lai của nền cải lương? Mình cần lưu tâm, hay làm gì để giúp đỡ, khôi phục nền cổ nhạc hay cải lương nói riêng?


    NS Minh Cảnh: - Câu em hỏi làm anh rất cảm ơn, vì câu em hỏi cũng là nỗi băn khoăn của đa số khán giả yêu thích môn cải lương này. Họ cũng cứ hỏi, rồi sẽ ra sao và sân khấu cải lương liệu có còn không. Cũng cần nhiều người dưỡng nuôi, vun tưới cho nó, cần nhiều bàn tay đóng góp. Anh gặp gỡ đây và nghe các anh em tòa báo có xu hướng giữ gìn những giá trị nghệ thuật, văn hoá anh rất mừng vì anh cũng chung ý hướng đó. Hiện tại anh cũng có dạy 7,8 học trò, đa số là những người đang ở buổi sơ học, chưa biết về cải lương nhưng yêu thích và mến mộ giọng ca của anh và cải lương nên theo học. Nhưng anh cũng mượn con đường nghệ thuật này để thực hiện thêm hai điều, thứ nhất là đức tin vào đấng thiêng liêng và thứ nhì là để bảo tồn nền cổ nhạc của mình.


    PV Trẻ: - Thật ra cải lương liên quan đến văn hoá, lịch sử, mang tư tưởng và có tính giáo dục. Có ý kiến cho rằng thật ra cải lương và cổ nhạc mới thật sự mang giá trị âm nhạc dân tộc của mình. Anh nghĩ sao về nhận định này?


    NS Minh Cảnh: - Đúng vậy. Tuy nhiên anh cũng có nhận xét khác hơn một tí. Anh quan niệm rằng ta nghe một tiếng gió thổi, một tiếng lá rơi cũng là nghệ thuật, nên anh trân quý hết các môn nghệ thuật. Người Bắc có ca trù, ngâm tao đàn, cô đầu, miền Trung có lối hò mái đẩy hay người Quảng có ca bài Chòi cũng hay lắm.



    PV Trẻ: - Cảm ơn anh đã cùng phóng viên Trẻ ôn lại một chặng đường dài gần nửa thế kỷ của sân khấu cải lương lồng trong sự nghiệp ca hát của mình. Theo anh, những tài năng trẻ nào của sân khấu cải lương hiện nay, được coi là có triển vọng nhất?


    NS Minh Cảnh: - Cũng có nhiều em ca diễn tốt. Một số em có tài nhưng thiếu tập luyện, trau giồi đức nghiệp. “Có tài mà cậy chi tài” là vậy đó các em. Còn có thêm chuyện chuối non giú ép, người làm sô bỏ tiền nên đưa em gái, người thân vào đóng thay vì chọn người thích hợp với vai diễn.


    PV Trẻ: - Tức là nổi tiếng nhờ kỹ nghệ “lăng-xê” thay vì tài năng phải không anh? Điều này cũng phổ biến với nhiều môn nghệ thuật tại VN hiện nay. Tại địa phương này hay vài nơi khác cũng có vài đoàn cổ nhạc. Có ai liên lạc hay mời anh cộng tác chưa?


    NS Minh Cảnh: -Về đây thì anh biết thêm có cô Ngọc Huyền cũng đang sinh sống tại đây, cũng như biết có cô Kiều Sương của ban Hương Ca cổ nhạc Dallas cũng hay tổ chức các chương trình cải lương mỗi năm. Nếu có tổ chức, chùa chiền, nhà thờ nào mời anh thì anh rất sẵn lòng. Anh cũng có thể đến các tư gia, tiệc tùng thân hữu theo lời mời để trò chuyện và trình diễn. Chuyện đến tư gia đôi ba tiếng của những đồng hương với mình, anh trân trọng tình thương mến thương của bà con là chính, không chỉ ca cải lương mà còn trò chuyện, nhắc nhớ, ôn lại kỷ niệm ở quê nhà thường làm bà con đồng hương và cả anh nói hoài không hết. Việc này bà con cũng trả thù lao cho anh để sinh sống và tiếp tục phục vụ.


    PV Trẻ: - Được biết một số thân hữu đang chuẩn bị buổi diễn ra mắt đầu tiên của anh tại Dallas này, anh có thể giới thiệu sơ về điều này không?

    NS Minh Cảnh: -Buổi ca diễn tổ chức tại nhà hàng Tasty China tại thành phố Garland vào cuối tuần dịp Lễ Độc Lập . Sẽ có độc diễn, trích đoạn và đóng chung với cô Tuyết Minh vở tuồng “Cô gái bán sầu riêng”. Cô này cũng “đệ tử” của anh, nhưng xin giữ bí mật đến buổi diễn nghe. Anh cũng muốn xem thử sự ủng hộ của khán giả với mình như thế nào mà sau đó mới tính tiếp. Bà con tham dự, ủng hộ một hai vé cũng là cách dưỡng nuôi nghệ thuât.


    PV Trẻ: - Đệ tử nhiều quá vậy. Có “đệ tử” nào của anh trở thành “sư mẫu” không?

    NS Minh Cảnh: - Cũng có nhưng không nhiều (cười). Nói thiệt là anh không bị dính vào mấy chuyện này nhiều.


    PV Trẻ: - Mến chúc buổi diễn của anh được thành công. Anh có muốn nói đôi lời cùng độc giả trước khi cuộc trò chuyện này kết thúc?

    NS Minh Cảnh: - Cảm ơn các em. Anh chỉ muốn nói rằng sự quý mến của khán giả đã nuôi sống anh và gia đình anh trong nửa thế kỷ qua, nên chỉ mong đem lời ca tiếng hát để đáp trả tấm thạnh tình đó. Là nghệ sĩ, mình cũng chỉ mong làm được chuyện đó. Và thiệt lòng, anh rất vui và cảm động khi được gặp gỡ, trò chuyện với anh em báo Trẻ hôm nay.

    PV Trẻ : - Cảm ơn anh.

    PV Trẻ thực hiện
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 4 Users Say Thank You to vhfuong For This Useful Post:


  19. vhfuong
    Avatar của vhfuong
    Ba em mê MC như điếu đổ , lúc nào cũng nhắc MC, cũng chỉ hâm mộ nhất mỗi MC. Nhớ ngày xưa MC lưu diễn ở Bình Định, nghe mẹ kể, hồi đó lúc tan diễn, ba trên tay ẵm e mà chân cứ chạy theo gọi "A Minh Cảnh A Minh Cảnh, tui hâm mộ giọng a lâu lắm rồi ". Nhờ ba mà sau này lớn e mới để ý tới MC và tìm nghe ông.

    E thuộc làu các tuồng Mùa thu trên Bạch mã sơn, Dốc sương mù, Máu nhuộm sân chùa, Giữa chốn bụi hồng ...

    Rất khâm phục MC, giọng ca lạ, sáng tạo, có tính đột phá, tiên phong cho lối hát luyến láy kĩ thuật trong cải lương, làm cho giai điệu cải lương phong phú và giàu cảm xúc hơn rất nhiều. Càng lớn càng nghe nhiều e mới nhận ra được điều này.

    Tiếc là k hiểu gặp vận thế nào mà cuộc sống lúc về già quá ư cơ cực, nghe nói có giai đoạn MC k có nhà phải sống lênh đênh trên 1 con xuồng
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 3 Users Say Thank You to vhfuong For This Useful Post:


Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL