Chủ đề: NS trẻ Thy Thoại

  1. suka
    Avatar của suka
    Thy Thoại: “Mê cải lương vì tìm được chính mình"



    Cải lương vất vả tìm khán giả ngay trên chính nơi nó được sinh ra. Cải lương bị chê chỉ thích hợp cho những ai lớn tuổi. Cải lương từ nhiều năm nay đã không còn là cơ hội hái ra tiền cho nghệ sĩ trẻ như những năm hoàng kim 60, 70 hoăc 80 nữa. Biết vậy, nhưng những điều đó chẳng những không làm nản lòng một thế hệ trẻ lớn lên tại hải ngoại, mà nó còn thổi bùng thêm ngọn lửa đam mê cải lương của họ, trong đó có nghệ sĩ trẻ Thy Thoại.
    Khi được hỏi vì sao lại yêu thích bộ môn nghệ thuật đang bị nhiều người cho rằng chìm dần trong cơn hấp hối này, Thy Thoại không cần suy nghĩ đã trả lời: “Khi đến với cải lương, em thấy như chính tâm trạng của mình. Em sống nội tâm, có khi buồn chẳng biết tâm sự với ai, nhưng khi cất tiếng ca, em như chia sẻ được nỗi lòng của mình với khán giả. Em tìm thấy được chính mình qua câu ca, điệu hát. Và cũng qua lời ca, tiếng hát cùng với số phận của các nhân vật trong vở tuồng, em lại có thể tìm được sự đồng cảm với những mảnh đời đau khổ trong cuộc đời thực của nhiều con người khác nhau.”

    Cha không ủng hộ con gái đi theo hát xướng, nhưng mẹ và chị lại âm thầm đưa bé Thy Thoại lúc ấy khoảng 12 tuổi đến với lò cổ nhạc của nhạc sĩ Bảy Quý ở gần nhà chỉ để bé làm quen với ca hát và bớt nhút nhát thôi, chứ không mong bé trở thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Sau vài tháng học ca căn bản với thầy Bảy Quý, Thy Thoại tiếp tục thọ giáo với cô Ngân Thủy và thầy Mai Thành. Chính những năm tháng làm quen với tiếng đàn, lời ca từ các lò cải lương này, Thy Thoại yêu cải lương hồi nào không hay. Tình yêu với cải lương lớn dần theo những lần cùng câu lạc bộ cải lương lưu diễn các vùng sâu, vùng xa tại miền Tây với vai đào chánh trong các vở “Thất Tinh Mai” và “Tình Anh Bán Cải”.

    Trước khi theo gia đình rời Việt Nam sang Mỹ định cư, Thy Thoại đã được thầy Mai Thành khuyên nhủ: “Thầy biết con có năng khiếu. Con đam mê sân khấu. Nhưng thầy không nghĩ con sẽ theo nghề diễn viên này được đâu. Vì bản tánh của con vốn hiền hòa. Thầy sợ con sẽ gặp nhiều chông gai khi theo con đường cải lương.” Dẫu vậy, với những gì đã học hỏi được từ thầy cô cộng với đam mê từ bản thân, tình yêu với cải lương vẫn theo chân Thy Thoại đến vùng đất mới Cali trong những ngày đầu bỡ ngỡ.

    Khó khăn trong cuộc mưu sinh trên vùng đất lạ tưởng có lúc chôn vùi khát vọng sân khấu trong tim cô gái trẻ. Đã có lúc vì quá vất vả với cơm áo gạo tiền trong cuộc sống quay cuồng, những câu vọng cổ ngọt ngào, những điệu lý sâu lắng, tiếng nhịp song lang thanh tao như chỉ còn hiện về với cô trong kỷ niệm. Cho đến khi Thy Thoại tình cờ được gặp gỡ một số tâm hồn yêu cải lương tại Bắc Cali, trong đó có vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Dân, vợ chồng Chí Văn, chủ tiệm thuốc bắc Dương Lai Cảnh, anh Hữu Bi, chị Ngọc Linh, và nhiều anh chị khác. Mỗi người đều có công việc ổn định khác nhau, sinh sống tại nhiều thành phố khác nhau ở vùng Bay Area nhưng đều cùng chung đam mê cải lương nên họp nhau lại, lập thành nhóm “Vọng Cố Hương” sinh hoạt với tính cách tài tử tại địa phương cho đỡ nhớ nghề.

    Chính từ những lần sinh hoạt ca hát tài tử đó, tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật đang dần mai một này lại bùng cháy mãnh liệt trong tim cô gái trẻ giờ đã là một nhân viên kế toán chuyên nghiệp cho công ty sản xuất máy móc công nghiệp. Dành dụm được một số tiền sau những tháng năm đi cày nơi đất khách, Thy Thoại quyết tâm thực hiện cho riêng mình một DVD và karaoke gồm nhiều bài tân cổ giao duyên với chủ đề “Vọng Cố Hương”. Bài vọng cổ được chọn làm chủ đề cho DVD này do chính người thầy năm xưa là nhạc sĩ Văn Thiên Tứ viết riêng cho tiếng hát Thy Thoại, cũng là tâm trạng của người con xa quê hương. Ngoài ra, thầy Mai Thành cũng sáng tác cho cô học trò cưng của mình hai bài vọng cổ “Bà Năm” và “Người Xa Quê Hương” đều là nỗi lòng của kẻ ly hương luôn ngóng trông về quê cũ và mẹ hiền. DVD “Tiếng hát Thy Thoại- Vọng Cố Hương” được thu hình với hình ảnh dòng sông hiền hòa, hàng dừa xanh ngát và cây cầu dừa thân quen trong ký ức của những ai xa quê.

    Cùng hát chung với Thy Thoại trong DVD gói ghém tình quê hương và đam mê cải lương này là các nghệ sĩ trẻ: Lê Tứ, Hồng Yến, Chí Sang và Thành Được (nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam hiện nay- không phải Ông Vua không ngai của sân khấu cải lương). Nếu trong bài “Duyên Nghèo”, tiếng hát Thy Thoại trẻ trung, nhí nhảnh với Lê Tứ thì trong bài “Vọng Cố Hương”, giọng ca của cô lại buồn miên man như nỗi nhớ nhà tha thiết. Tôi thích hai giọng ca Thy Thoại và Chí Sang hát chung trong bài tân cổ “Tương Tư Nàng Ca Sĩ” vì sự hòa quyện đẹp đôi và ăn ý của hai nghệ sĩ trẻ đều sinh sống tại San Jose. Dù chưa phải là những tên tuổi của cải lương, Thy Thoại và các nghệ sĩ trẻ vẫn hát bằng tất cả tấm lòng, bằng con tim của những kiếp tằm không may mắn phải nhả tơ giữa lúc cải lương gặp khó khăn như hiện nay. Họ hát bằng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, dù không hề được đo ni đóng giày để được lăng xê thành ngôi sao như thế hệ đàn anh đàn chị: Mỹ Châu, Lệ Thủy, Minh Vương, Thanh Kim Huệ, Thanh Tuấn ngày xưa. Họ cũng đã hát với niềm đam mê vô tư dẫu biết rằng sẽ không có những hợp đồng bạc triệu với các hãng đĩa Việt Nam, Asia, Hoành Sơn như trước năm 1975. Họ vẫn hát bằng niềm tin mãnh liệt vào cải lương ngày mai, dù biết rằng chỉ nội trong vòng 48 giờ đồng hồ sau khi DVD phát hành, thị trường băng lậu đã có trong tay hàng loạt đĩa giả, đồng nghĩa với thất thu về mặt tài chánh cho nhà sản xuất chân chính.
    Nghe Thy Thoại và các nghệ sĩ trẻ hát mà tôi thương và phục họ vô cùng. Thương vì họ sinh nhầm thời và thiếu cơ hội trui rèn để tỏa sáng. Phục vì thấy họ vẫn yêu và sống chết hết mình với cải lương.

    “Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, em biết chắc chắn làm DVD sẽ bị lỗ. Điều em mong là được làm nghề bằng sự trân trọng những giá trị nghệ thuật. Em chỉ biết cố gắng hết sức.” Thy Thoại tâm sự khi nghe tôi hỏi liệu có liều lĩnh không khi thực hiện DVD cải lương trong thời buổi suy thoái kinh tế.
    Buổi ra mắt DVD “Tiếng hát Thy ThoạI – Vọng Cố Hương” dự trù được thực hiện vào lúc 4 giờ chiều Chủ nhật tuần này 2 tháng 8 tại nhà hàng King Crab Restaurant, Milpitas, ăn tối 10 món, với những nghệ sĩ trẻ còn tâm huyết với cải lương tại vùng Bay Area như: Quang Chánh, Châu Kiệt (Huy Chương Vàng giải Phụng Hoàng tại nam Cali), Hữu Bi, Phương Thu, Kim Vân, Vũ Phong, Chí Văn, Mỹ Nhi, Khôi Nguyên, Kim Dung, Lam Sơn, Nguyệt Thanh, Mỹ Trinh, Trọng Hiếu trong các trích đoạn “Nửa Đời Hương Phấn”, “Xa Phu Đi Sứ”, “Con Gái Chị Hằng” cùng với các ca sĩ tân nhạc như Huy Chương và Thu Nga. Khách mời được tăng cường gồm ca sĩ Quang Lê, nghệ sĩ Hồng Nga và Lê Tín, MC Thanh Tùng.

    Thy Thoại tỏ ra tự tin sẽ lấy nhiều nước mắt khán giả trong trích đoạn “Con Gái Chị Hằng” vì dù chỉ là tập dợt, các nghệ sĩ trẻ đã nhập vai đầy cảm xúc và đã khóc rất thật.
    Bài viết này không nhằm quảng cáo cho buổi ra mắt DVD của Thy Thoại, vì làm sao kinh doanh kiếm lời cho được với một show diễn đa số là những nghệ sĩ trẻ không có tên mà cũng chưa có tuổi trong thời buổi gạo châu củi quế hiện nay. Bài viết chỉ mong mang thông tin sinh hoạt văn nghệ địa phương đến quý độc giả và cũng để chia sẻ thông điệp đến những ai còn quan tâm bộ môn nghệ thuật đặc trưng của miền Nam: vẫn còn đó những tấm lòng với cải lương, vẫn còn đó một thế hệ trẻ đến với cải lương không vì danh lợi. Họ đến với cải lương vì họ tìm thấy được chính mình trong làn điệu ngọt ngào của quê hương .
    Sưu Tầm
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to suka For This Useful Post:

    Duongtonhu (08-10-2012)

  3. suka
    Avatar của suka
    Mới nhìn vào hình của Thy Thoại, thấy cô tựa giống như NS Hồng Yến.
    Mặc dù cải lương k còn thời vang son như xưa nữa nhưng với lòng yêu mến CL của 1 ns trẻ ở nước ngoài như Thy Thoại thật đáng quý.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to suka For This Useful Post:


  5. Duongtonhu
    Avatar của Duongtonhu
    Cám ơn Suka đã post bài về nhỏ Mén hen !!!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL