1. MEM
    Avatar của MEM
    Giang Châu:
    Từ cậu bé chăn trâu trở thành ngôi sao sân khấu




    Vì sao những nghệ sĩ ngôi sao cải lương thường xuất thân ở nông thôn, ở xóm lao động nghèo, những người lao động tay chân nghèo khó? Cuộc mưu sinh hằng ngày của họ quá vất vả, xong công việc thân thể rã rời mệt mỏi, liều thuốc bổ duy nhất giúp cho tinh thần họ phấn chấn, tạm quên những gian nan, cực khổ mà mình và gia đình phải giáp mặt gần như cả một đời.

    Hát từ thuở ngồi lưng trâu

    Những bài hát từ những chiếc radio, cassette, loa phóng thanh hay của chiếc máy hát dĩa, những âm thanh văng vẳng từ xa đưa đến, họ phải hết sức tập trung cố ý lắng nghe, câu được câu mất, thưởng thức những giọng ca tuyệt vời của những thần tượng yêu thích nếu có gặp cũng chỉ trong mơ. Những buổi hát Kỳ Yên, cúng đình hay những đoàn hát nhỏ về diễn ở sân đá bóng, hay khu đất nhỏ của ban văn hóa... gần hơn là những cuộc đờn ca trong xóm ấp đã lắng đọng vào tâm hồn và họ đã bậc lên tiếng hát cho quên những lo toan cơm áo trong đời.

    Ở Chợ Lách - Bến Tre, năm 1964 có một cậu bé 12 tuổi đã biết đờn ca tài tử với những anh em trong xóm ấp, cậu ta nhỏ tuổi nhất lại là người có giọng ca hay nhất, nhà nghèo nên hằng ngày sau nửa buổi đi học, nửa buổi còn lại cậu ta phải đi coi trâu. Những buổi chăn trâu trên đồng ấy, cậu ta hát nghêu ngao cho đỡ buồn, đồng thời thể hiện tính cách hồn nhiên, vui tươi của trẻ con. Thấy thằng nhỏ ca hay nên anh Ba Hiến, anh Hai Đực, anh Tư Hùng, mỗi người dạy một chút, dạy cho ca trúng nhịp, dạy cho biết cách uốn éo, lạng bẻ cho độc đáo, các anh thường hay khen: "Thằng Châu ca rất giống Minh Cảnh...", nghe khen như vậy cậu ta cũng khoái chí lắm. Minh Cảnh quả thật là thần tượng của cậu ta. Cậu bé 12 tuổi chăn trâu ấy chính là NSUT Giang Châu ngày nay.

    Anh tên thật là Trần Ngọc Châu, sinh năm 1952, sinh trưởng ở Chợ Lách, Bến Tre. Lớn lên một chút khoảng 14-15 tuổi, Châu tiếp tục đi làm mướn, làm tài công lái tàu, chủ tàu là ông Hai Đực một người biết đờn, là người thầy đầu tiên. Cũng vì khoái giọng ca của Châu mà Hai Đực đã giao chiếc tàu chở trái cây cho Châu, dạy thêm nghề lái tàu đưa trái cây từ Chợ Lách lên Cái Bè bán cho các vựa lớn. ở gần nhà Châu có anh Anh Tuấn (anh tư nghệ sĩ Dương Thanh) đánh đàn guitar khá hay, tham gia ở đội văn nghệ Quận. Sau Tết Mậu Thân, nhân một bữa đội văn nghệ Quận về hát tại ấp nhà, Anh Tuấn giới thiệu Giang Châu lên hát mấy bài vọng cổ, tên Quận trưởng có mặt trong buổi văn nghệ ấy khoái giọng ca của Châu, bắt Châu vô hát ở đội văn nghệ Quận. Đó là lần đầu tiên Châu chính thức trở thành người ca hát có lương.

    Vì sao lấy nghệ danh Giang Châu?

    Ngày mùng 8 tháng 8 năm 1971 có đoàn hát cải lương Phước Châu, gốc là đoàn hát bội của bầu Nhàn ở miệt Trà ôn, về hát gần nhà, họ tổ chức cúng tổ, Châu đến chơi rồi trốn theo đoàn hát luôn, lúc đó lại đang ở lứa tuổi bị bắt quân dịch, Châu phải dùng giấy căn cước của em trai tên là Hoa và đặt nghệ danh là Hồng Hoa.

    Anh Tuấn cũng bỏ đội văn nghệ Quận, đi gánh hát chung với Châu. Sống đời gạo chợ nước sông được một năm, năm 1972, gặp đoàn Hoa Mùa Xuân hát ở Đại Ngãi rồi dọn qua Long Phú, Châu đã xin gia nhập đoàn làm em nuôi của nghệ sĩ Hữu Lợi (một kép chánh khá nổi tiếng ở đoàn Hương Mùa Thu, đoàn Sao Ngàn Phương... khác với nghệ sĩ Hữu Lợi bên cải lương Hồ Quảng). Anh Hữu Lợi đang là kép chánh thấy anh kép mới có giọng ca lạ, mặt mày sáng sủa, tính tình hiền hậu nên thương, coi Châu như em trai. Hữu Lợi có một người em trai tên Lộc (tức là nghệ sĩ Bửu Lộc của đoàn Hương Mùa Thu sau này), đang là kép trẻ của đoàn với nghệ danh Giang Thanh nên anh sao tên hát cho Châu từ Hồng Hoa đổi lại thành Giang Châu.

    Được sự dẫn dắt chỉ dạy của Hữu Lợi, Giang Châu đã có thêm chút vốn liếng diễn xuất, cộng vời giọng ca vừa cao vừa dài hơi, mỗi lần vô vọng cổ là tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả bùng lên như muốn vỡ rạp. Sau đó, một thời gian Giang Châu cộng tác với đoàn Ngân Điện - Ngọc Đính rồi Thanh Hương - Hùng Minh, trở thành một anh kép trẻ sáng giá. Nghệ sĩ Minh Cảnh lập ra hai đoàn hát, đoàn Minh Cảnh 2 mời Giang Châu về cộng tác, nhưng anh chỉ được ra sân khấu hát những vai lão. Hơi bị buồn nhưng biết phải làm sao, đi hát ai cũng thích mình được hát vai kép mùi, kép trẻ, đang là giọng ca hay mà cứ hát lão suy nghĩ vậy nhưng Giang Châu vẫn cố làm tròn vai trò của mình, khổ cho những anh kép khác, hát vai chánh chung tuồng với Giang Châu mỗi lần anh ca vọng cổ, họ chợt như biến mất, bị che lấp bởi giọng ca độc đáo của nghệ sĩ trẻ đóng vai già.

    Trở Thành kép chánh nhờ nghệ sĩ bị bắt quân dịch

    Đoàn Minh Cảnh 2 và đoàn Trâm Hoa Mai của ông bầu Năm Tập cùng về Lái Thiêu hát, bất ngờ bị cảnh sát đến bắt quân dịch, đoàn Minh Cảnh 2 bị bắt 8 người, đoàn Trâm Hoa Mai bị bắt 7 người. Thời điểm ấy, các đoàn đi hát gặp rất nhiều khó khăn, đã ế ẩm còn bị mất người, đoàn Minh Cảnh 2 rã tại Lái Thiêu. Riêng ông bầu Năm Tập của đoàn Trâm Hoa Mai cố gắng lèo lái đoàn vẫn hoạt động, cả đoàn là người nhà, con cháu, dâu rể của ông, sẵn ở gần ông qua đón Giang Châu và Cảnh Tượng (đang là bảo vệ của Viện dường lão nghệ sĩ TPHCM) về hát kép chánh.

    Từ đó, Giang Châu trở thành một nghệ sĩ rất ăn khách qua từng chặng lưu diễn của đoàn Trâm Hoa Mai. Dạo đó, khán giả luôn truyền miệng cho đoàn hát nào nối đuôi đoàn Trâm Hoa Mai: "Kép chánh Giang Châu ở đoàn Trâm Hoa Mai ca hơi dài y như Minh Cảnh, nghe Giang Châu ca vọng cổ, đủ tiền vé". Vậy là dù chưa cộng tác với một sân khấu lớn nào ở Sài Gòn, chỉ quanh quẩn ở miền Tây, miền Đông nhưng Giang Châu là một giọng ca được nhiều người biết tới. Một năm sau, Giang Châu được ông bầu Thu An, một tác giả, đạo diễn nổi tiếng, được xem như một thầy phù thủy tài ba có tay lăng-xê rất nhiều kép trẻ, mời hát đoàn Hương Mùa Thu của ông.

    Vở đầu tiên Giang Châu được Thu An chăm chút là vở Người chăn Hạc với Út Hiền, Hoài Thanh hát chánh, Giang Châu, Minh Kỳ hát nhì. Đào chánh có Ngọc Hương, đào nhì có Hương Lan, Kim Thủy. Nghệ sĩ Minh Vương đứng ra lập đoàn hát riêng cho mình, lấy tên hiệu là đoàn Cải Lương Việt Nam - Minh Vương với dàn đào kép khá hùng mạnh như: Phượng Liên, Phương Thanh, Văn Chung... (Sau này có thêm nghệ sĩ Thanh Nga), được chăm sóc nghệ thuật dưới bàn tay của đạo diễn Hoàng Việt, tác giả Loan Thảo, Giang Châu được mời về đoàn để hát kép 3 nhưng rất được nghệ sĩ Minh Vương thương mến và tin cậy.

    Theo Đăng Minh - Báo Sân Khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (28-05-2019)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Giang Châu:
    Gặp may nhưng tài chưa tới



    Giang Châu vai Trần Hùng trong Tìm lại cuộc đời

    Về đoàn cải lương Việt Nam – Minh Vương, anh có cơ hội thể hiện khả năng ca diễn của mình trước mắt những tác giả, đạo diễn tài năng như Hoàng Việt, Yên Lang, nhất là với soạn giả Loan Thảo - một tài năng trẻ đang nổi lên như một hiện tượng trên lãnh vực băng đĩa hát.

    Hãng dĩa Việt Nam nơi ông Thảo phụ trách nghệ thuật đã lăng-xê nhiều giọng ca trẻ như Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm, Thanh Kim Huệ, Viễn Sơn... thành những ngôi sao trẻ rất được khán giả ái mộ. Nơi mà Minh Cảnh, Minh Phụng, Tấn Tài, Lệ Thủy, Mỹ Châu, Phượng Liên, Dũng Thanh Lâm... đạt tới đỉnh cao danh vọng, trở thành lực lượng trẻ trung, hùng mạnh đang chiếm lĩnh thị trường băng dĩa tân cổ, cải lương ở thập niên 70. Nghệ sĩ trẻ nào được ông Loan Thảo chấm, hay nói đúng hơn được hãng dĩa Việt Nam mời ký hợp đồng độc quyền coi như nghệ sĩ trẻ đó đã "gặp thời". Và Giang Châu đã "lọt" vào cặp mắt của ông. ông Thảo thích giọng ca, mến thương tính cách chân thật hiền lành của chàng trai miền quê, coi anh như đứa em thân thuộc. Khi Giang Châu được mời ký hợp đồng độc quyền với hãng dĩa, soạn giả Loan Thảo đã tận tình lăng-xê cho anh. Ông đã giao cho anh vai Lâm Vũ trong tuồng "Đường gươm Nguyên Bá" cho anh. Tuy Giang Châu ca vọng cổ thì khỏi chê nhưng ca bài bản còn yếu quá, nhất là bản xế xảng ca hoài không trúng, thế là đành để Viễn Sơn thu.

    Rồi đến chú tiểu trong "Lan và Điệp" cũng vậy, ca bài bản không suôn, cuối cùng, Viễn Sơn cũng thu nốt... Về nằm đêm suy nghĩ, Giang Châu buồn lắm, được đàn anh thương nâng đỡ như vậy mà do mình còn kém nghề nên đã để mất đi cơ hội. Tuy nhiên, sau đó một loạt bài tân cổ như: Vợ chồng quê, Se chỉ luồng kim, Hát hội trăng rằm... ca chung với Thanh Kim Huệ được phát hành, đánh dấu một dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp ca hát của anh, được đồng nghiệp và khán giả nhìn nhận một giọng ca trẻ triển vọng.

    Tài tới thời đi…

    Nhờ thu dĩa chung với Thanh Kim Huệ mà anh quen với NS Thanh Điền. Vốn thích những giọng ca trẻ mới, Thanh Điền mời anh về hát kép chánh đoàn cải lương Xuân Liên Hoa do Thanh Điền và gia đình thành lập. Trong vở "Quỷ kiến sầu” ở SK này, anh đã chính thức ra mắt khán giả Sài Gòn với tư cách kép chánh đàng hoàng, thoát khỏi cảnh làm kép phụ ở các đại ban.

    Sau GP, Giang Châu lại theo đoàn Hoa Anh Đào - Kim Giác lưu diễn ở các tỉnh miền Tây... Hằng ngày anh thường mở các đài phát thanh chờ nghe chương trình ca cải lương... Một hôm, anh nghe Thanh Tuấn, Minh Phụng, Thanh Kim Huệ, Ngọc Hương... và một số nghệ sĩ khác ca bài ca cách mạng trên đài, anh mừng lắm quyết định quay trở về Sài Gòn ngay. Về tới TP thấy anh em nghệ sĩ tất bật tập tuồng mới, đoàn hát mới được thành lập đã tạo thêm niềm hưng phấn nơi anh. Anh đã đến gặp NS Thanh Điền nhờ giới thiệu với nghệ sĩ Diệp Lang để về đoàn Sài Gòn 2. Lúc này NS Thanh Tuấn đang là kép chánh, thường hay đi hát chầu, nên đoàn cần người hát thế vai, vậy là anh được chọn. Đây là giai đoạn đầu anh ở đoàn Sài Gòn 2, ngoài thời gian hát cho đoàn rảnh rỗi, anh đi hát chầu cho bầu Quái, đoàn Tân Dạ Lý... Khi đoàn Sài Gòn 3 thành lập, Giang Châu đã xin nghỉ ở đoàn 2, rồi cùng Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Dũng Thanh Lâm về tập vở "Mái tóc người vợ trẻ" để khai trương đoàn hát. Trong vở này, cùng hát chánh với anh là nghệ sĩ Đức Minh...

    Vẫn không muốn quay về

    Giang Châu hát ở đoàn Sài Gòn 3 được khoảng 8 tháng. Một hôm đoàn đang diễn ở Vị Thanh (Hậu Giang) thì anh được lịnh của Sở Văn Hóa TP điều trở lại đoàn Sài Gòn 2 thế vai cho nghệ sĩ Phương Quang. Số là đoàn Văn Công Thành Phố đang xây dựng lực lượng mới cho phù hợp với điều kiện hoạt động mới, nên rút Lệ Thủy và Phương Quang về tăng cường cho thật mạnh... Thật tình, trong lòng Giang Châu không muốn quay lại Sài Gòn 2, vì ở Sài Gòn 3 vui hơn, trẻ trung hơn hợp với anh, còn ở Sài Gòn 2 đa số là nghệ sĩ lớn tuổi, anh thấy mình bị lạc lõng từ nghệ thuật đến sinh hoạt. Và sâu xa nhất là phong cách nghệ thuật của hai đoàn hoàn toàn khác nhau, cách ca diễn của anh hợp với Sài Gòn 3 hơn (là do anh nghĩ vậy). Sở dĩ anh được chọn trở lại đoàn Sài Gòn 2 là do ý của nghệ sĩ Diệp Lang. Với kinh nghiệm của mình, NS Diệp Lang cho rằng sự bổ sung Giang Châu vào dàn kép là hợp lý, cân bằng, có tính đột phá hơn. Ở Đoàn Sài Gòn 2 - lúc bấy giờ, cặp đào kép chánh là Thanh Tuấn - Mỹ Châu, đào nhì là Ngọc Bích, nếu thêm Giang Châu, Ngọc Bích có người bạn diễn với giọng ca tuyệt vời, dàn nhì sẽ rất vững. Thanh Tuấn - Giang Châu sẽ thành một bộ đôi ca vọng cổ với hai phong cách trái ngược nhau, bổ sung cho nhau.

    Khi ấy, khán giả đến với Sài Gòn 2 vừa xem hai cô đào đẹp Mỹ Châu - Ngọc Bích, vừa xem một dàn diễn siêu hạng Diệp Lang, Tư Rợm, Văn Chung, Hồng Nga, Hoàng Liêm... vừa nghe Thanh Tuấn - Giang Châu ca vọng cổ. Có thể nói đây là một đội ngũ chất lượng, kết hợp được kinh nghiệm và sức thanh xuân, trở thành một đoàn nghệ thuật cải lương tiêu biểu mà cho đến nay không dễ để có một đoàn cải lương như vậy.

    Vai diễn để đời trên sân khấu Sài Gòn 2

    Tuy phải miễn cưỡng trở lại đoàn Sài Gòn 2, nhưng ở đoàn vẫn còn có một người mà anh rất kính phục và tin tưởng - nghệ sĩ Diệp Lang, nếu không có Diệp Lang, ngày ấy, chắc chắn anh không quay lại Sài Gòn 2. ở đoàn này, Giang Châu đã thế vai của Phương Quang trong "ánh lửa rừng khuya", "Tìm lại cuộc đời"...

    Đặc biệt với vai Trần Hùng trong vở "Tìm lại cuộc đời” - một vai diễn hoàn toàn mới lạ, không như những vai mà Giang Châu đã từng diễn ở các đoàn khác. Và vai diễn này đã tạo nên nấc thang thành công đầu tiên của anh, trở thành một vai diễn để đời mà ở đó, khả năng ca diễn được kết hợp nhuần nhuyễn, tâm trạng, số phận nhân vật được nghệ thuật hóa trang, diễn xuất, ca ngâm thể hiện sinh động, chân thật... Khán giả không còn nhận ra đó là vai diễn trên sân khấu, mà trong cuộc đời, trong xã hội Sài Gòn biến loạn thời chế độ cũ đã có những hoàn cảnh, những mảnh đời thật như thế. Một vai diễn vừa có giá trị tố cáo, vừa có giá trị nghệ thuật đã biến Giang Châu từ một giọng ca triển vọng chính thức bước lên hàng ngôi sao. Trần Hùng - Giang Châu trở thành hình tượng nghệ thuật tiêu biểu, chuẩn mực. Mấy năm gần đây xem lại một số nghệ sĩ trẻ diễn vai Trần Hùng mới thấy những sáng tạo của Giang Châu thật độc đáo.

    Càng xem người khác diễn khán giả lại càng nhớ anh... Từ cách say là đà, lăn lóc trên vỉa hè lảm nhảm: “Rớt Tú tài anh đi Trung sĩ... Em ờ nhà lấy Mỹ nuôi con. Bao giờ yên chuyện nước non, anh về anh có Mỹ con anh bồng...” . Nghe sao đắng cay, chua xót quá! Rồi lại thê thảm với câu vô Xàng xê: "Hỡi ơi...Mái lá... hóa tro than, xóm nhỏ ngoại Ô tan hoang... vì lửa đạn, vợ con đâu nữa, về phương trời nào, sống chất biết ra sao... cho nên tao mới lê tấm thân... què”. Anh ca một hơi dài, chậm rãi, nhấn nhá rõ từng chữ, như nuốt từng giọt đắng vào lòng, cách ca diễn xoáy động lòng người. Hay như câu vô vọng cổ: Hương ơi! Anh nào có muốn giết em đâu máu em đổ là tại em đi với bầy lang sói. Thì em thử hỏi làm sao anh có thể tách rời những mảnh thép từ một trái nổ vô tri đế nó tự chọn mục tiêu mà xuyên thủng những trái tim bạo ác tham tàn...

    Theo Đăng Minh - Báo Sân Khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (28-05-2019)

  5. 10Cuong
    Avatar của 10Cuong
    giangchau chơi màng độc quyền , anh mười thường ghé quán nghệ sĩ kieuminhtrang uống 1 vài chai bia thỉnh thoản bước lên sân khấu ca 1,2 câu vọng cổ chơi ,
    gặp giangchau trong nầy thường xuyên , có lần giangchau đem nguyên con gà luột vô quán ngồi ăn một mình , ăn hết nguyên kon gà , chớ hề kêu mấy đứa em trong quán phụ cho vui , đúng là GC chơi độc quyền
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to 10Cuong For This Useful Post:

    MEM (09-05-2019)

  7. MEM
    Avatar của MEM
    Giang Châu:
    Những vai diễn để đời

    Nếu như qua vở Tìm lại cuộc đời, bộ tứ Thanh Tuấn, Mỹ Châu, Ngọc Bích, Giang Châu và các nghệ sĩ tài năng khác như Diệp Lang, Hồng Nga, Văn Chung, Tư Rợm... đã giới thiệu bộ mặt mới của đoàn cải lương Sài Gòn 2, với một phong cách nghệ thuật nghiêm túc, mới... mà lúc mới giải phóng có một số khán giả lẫn người trong nghề chưa tin tưởng, họ có sự so sánh ngầm giữa sân khấu Sài Gòn cũ và sân khấu sau 1975, cứ cho rằng sân khấu trước năm 1975 hấp dẫn hơn, hay hơn... Sân khấu Trần Hữu Trang, sân khấu Văn Công Thành Phố, hay sân khấu Sài Gòn 2 chứng minh ngược lại.

    Có một thực tế từ khi có sự góp mặt của các đạo diễn từ miến Bắc, từ chiến khu về, sân khấu cải lương TPHCM hoành tráng hơn, tổ chức sân khấu chặt chẽ, khoa học hơn, các vở diễn không còn bi lụy, sướt mướt thái quá, từ nhận thức cho đến nghệ thuật, sân khấu cải lương thành phố có sự thay đổi tích cực. Trong sự thay đổi chung của nền sân khấu, nghệ sĩ cũng có nhiều thay đổi Giang Châu đã hoàn toàn lột xác, nếu trước đó anh đi các đoàn hát, hát những vai vô thưởng vô phạt, chủ yếu để thỏa mãn nhu cầu mua vui, thì từ vở Tìm lại cuộc đời về sau, anh chú ý đi vào chiều sâu tâm lý nhân vật, hình tượng nhân vật trong mỗi vai diễn của anh luôn có sự sáng tạo mới mẻ, mang tính điển hình rất cao, qua mỗi vai diễn của anh khán giả như bắt gặp những số phận, những con người rất thật. rất gần gũi, có sự đồng cảm sâu sắc giữa vai diễn trên săn khấu với người xem.

    Tiếp sau thành cõng vai Trần Hùng trong vở Tìm lại cuộc đời, một lần nữa Giang Châu lại thành công với vai thiếu úy Ngọc trong vở Khách sạn Hào Hoa. Hình ảnh những thanh niên trẻ vì hoàn cảnh bị chế độ cũ bắt phải đi lính, hằng ngày phải làm những việc trái lương tâm nhưng trong lòng họ luôn ray rứt, suy nghĩ về quê hương về tình nghĩa, bà con thân thuộc xóm làng. Giang Châu ca đầu câu 2 rất hay, vừa ngọt ngào, điêu luyện của một giọng ca xuất sắc còn thề hiện được tâm trạng, nỗi đau của những người thanh niên chân chính: nhớ một mùa bãi trường năm cũ, tôi về quê thăm lại bạn hiền xưa, Nhưng ngôi nhà xưa giờ đã thay đổi chủ, còn bạn thân xưa đã phiêu bạt ớ nơi nào... (hò nhịp 16). Trả lời tôi chỉ có sống trường giang vỗ nhịp rì rào... (hò nhịp 20)".

    Sau vài năm hùng mạnh, đoàn cải lương Sài Gòn 2 yếu dần đi, Thanh Tuấn, Mỹ Châu rời đoàn, một số diễn viên trẻ được đôn lên thay thế. Tuấn Thanh về thế vai Thanh Tuấn, đoàn tập vở Tiếng hò sông Hậu, chính từ vở cải lương này đã giới thiệu được Tuấn Thanh trở thành một kép chánh sáng giá, bên cạnh đó Tuấn An cũng có vai thầy Ba Năng, vai diễn hay nhất của anh kể từ khi khởi nghiệp. Lúc này, Giang Châu thể hiện vai trò đầu đàn của mình, vai Thừa của Giang Châu với ê kíp nghệ sĩ trẻ Tuấn Thanh, Tuấn An, Ngân Giang... đoàn Sài Gòn 2 tiếp tục gặt hái những thành công mới. Một anh Thừa nông dân, cắt đập lúa mướn khắp vùng Ba Xuyên, Sóc Trăng, tính tình bộc trực, thẳng thắn, luôn bênh vực người nghèo, người yếu thế chống lại bọn cường hào, ác bá. Ngay từ cảnh 1, khán giả đã khoái chí với màn trả lời đớp chát của Thừa với Hội đồng Dư (do Diệp Lang đóng):

    Hội đồng Dư: Thừa! Mày tên Thừa! Thừa đây có nghĩa là thừa nước đục thả câu phải hôn mày?

    Thừa: Dạ không! Thừa là "ơn” đó (anh nhấn mạnh chữ "đó” có ý chơi xỏ lão Hội đồng, khán giả cười ầm lên tán thưởng)

    Hội đồng Dư: Hứ!

    Thừa: Ủa? Tôi dốt nát cắt nghĩa đùi cái tên cúng cơm của tôi như vậy...

    (Ca Ngựa Ô Bắc)

    Không đúng hay sao, mà tất cả đều ngạc nhiên? - Hay là cái tên của tôi có - nghĩa gì vô duyên? - Tía tôi tên Đủ, mà thiếu - thốn mãi quanh năm, không - đủ mặc đủ ăn - Mới đặt tôi tên Thừa là cầu tài cầu vận , Là mong mỏi cho con được hơn cha đổi thay số phận, lớn lên làm ăn khá giả. Dư ăn dư để như người (chữ “dư” được anh nhấn mạnh, khán giả lại cười ồ thích thú).

    Cách viết Chơi Chữ thông minh của tác giả được anh diễn tả rất hóm hỉnh, sâu sắc:

    Thừa: ...ông nhắc tôi mới dám nói. Ông nội tôi cũng tên , ông dư mà suốt đời dư không nổi, tía tôi Đủ mà không đủ bao giờ, tới tôi Thừa mà vẫn thiếu.

    Những chữ in đậm được anh nhấn mạnh rất có duyên, thể hiện được khả năng diễn xuất phong phú của một nghệ sĩ tài năng, chịu khó, luôn có cách ứng diễn mới lạ, độc đáo, bất ngờ. Cũng trong vai Thừa thỉnh thoảng thể hiện sự bất bình của mình trước sự bất công của gia đình Hội đồng Dư, câu nói đệm: Thà chết còn sướng hơn... được lặp đi lặp lại nhiều lần rất hay thể hiện được tính cách trung thực, ngang tàng của người nông dân nghèo làm thuê làm mướn. Ở cuối cảnh 2 khi bọn địa chủ đến bắt cô Lài và thím Tư Hậu, Thừa đã nổi nóng xách mác nhảy theo quyết ăn thua đủ, giải cứu người thân bị Chơn ngăn cản.

    Anh vô vọng cổ... Chơn ơi. Chẳng lẽ mày đứng đây vạch đất than trời kêu khổ, còn tao máu hận trào dâng tới cổ tao không thể ngồi bó gối khoanh tay mà phải xách mác chạy theo đến tận hang ổ lũ hung tàn.

    Mười đêm như một, khán giả đều vỗ tay muốn vỡ rạp. 8 nhịp chót dứt câu 6:

    Lời mày khuyên thật là chí lý, tao sẵn sàng kiên nhẫn đợi thời cơ, dầu xác thân này có lao vào trong lửa đp3 và đối cánh tay này tao sẽ quyết vùng lên đập tan xiềng xích phá gông cùm...

    Tiếp tục nhận thêm một tràng vỗ tay vì cách sắp nhịp độc đáo của anh, vừa dồn dập, đúng với tâm trạng nhân vật, vừa đúng dịp biểu diễn làn hơi độc đáo của mình.

    Tính cách của Thừa phần nào giống tính cách thật của anh ngoài đời, nên có một lần khi thấy lãnh đạo đoàn Sài Gòn 2 lúc ấy có nhiều sơ sót trong quản lý, anh thẳng thắn góp ý, để xây dựng, không dè người ta để bụng, tìm cách trù dập anh. Chán cho cảnh nhơn tình ấm lạnh, anh rời đoàn Sài Gòn 2 về cộng tác với đoàn Sài Gòn 1 thay thế vai của nghệ sĩ Thành Được, anh rất được nghệ sĩ Thành Được ủng hộ, nhiệt tình giúp đỡ, ở một số tuồng ở đoàn Sài Gòn 1 chính Thành Được đứng ra làm đạo diễn cho Giang Châu. Thật ra, dù đã thành danh nhưng khi đứng cạnh một nghệ sĩ tài hoa bậc thầy của mình, anh cũng không tránh khỏi tự ti, thiếu tự tin, chính nhờ tình cảm của Thành Được và một số nghệ sĩ lớn tuổi ở đoàn Sài Gòn 1 đã giúp Giang Châu nhanh chóng hòa nhập với đoàn.

    Và cũng trên sân khấu Sài Gòn 1, anh có dịp gặp lại nghệ sĩ Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, coi như ê- kíp nhà. Đoàn Sài Gòn 1 quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng lớn tuổi, phong cách biểu diễn hoàn toàn không giống như Sài Gòn 2, Sài Gòn 3. Sự có mặt của Giang Châu, Thanh Kim Huệ đem đến luồn gió mới trẻ trung hơn, có chút gì đó phá cách. Kịch bản Sài Gòn 1 thời đó hay, nhưng không ăn khách cho lắm, nên Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu xin tập lại vở Nghêu Sò ốc Hến, một vở rất ăn khách của đoàn nhưng vì nhiều lý do tế nhị, vở vừa công diễn được một thời gian ngắn phải tạm ngưng. Vai Trùm Sò trước đây của NSND Út Trà Ôn nay được giao lại cho Giang Châu, một thử thách không nhỏ, nhiều thành viên kỳ cựu trong đoàn nhìn ê-kíp mới với con mắt hoài nghi, sợ hát không bằng, ê-kíp cũ với những nghệ sĩ tài danh 1 thượng thặng. Vở được NSND Ba Vân làm đạo diễn. Hát như đường nét cũ, đêm đầu tiên khai trương tại Cam Ranh, khán giả không cười một thất bại thật sự với ê-kíp mới diễn Nghêu Sò Ốc Hến...

    Theo Đăng Minh - Báo Sân Khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (28-05-2019)

  9. MEM
    Avatar của MEM
    Giang Châu:
    Muốn thành danh phải dám đột phá

    Hồi nhỏ tôi rất mê giọng ca của nghệ sĩ Minh Cảnh, bắt chước rất nhiều, đến khi hát được tôi tìm cách thoát ra cái bóng của thần tượng. Nếu không có nét riêng của mình cứ sao chép y như thần tượng thì sẽ bị thần tượng che lấp. Sau này tôi rất thích giọng ca của Linh Vương, tôi và Linh Vương có nhiều điểm giống nhau trong cách ca, nhưng chúng tôi biết tìm cho mình con đường riêng để mỗi người có một ưu thế làm phong phú thêm nghệ thuật ca vọng cổ. Các em trẻ theo nghề, muốn ca hay, thành danh, ngoài làn hơi thiên phú còn phải cố gắng rèn luyện tích cóp cho mình một số vốn nhất định về nghệ thuật ca vọng cổ, khi đã vững vàng thì phải dám đột phá, mở đường phá rừng mà đi. Nhưng mở đường phải có bản lĩnh, sáng tạo mới có thể đi xuyên qua rừng, không nên đi theo lối mòn. Nghệ thuật là sự sáng tạo không ngừng, chỉ có sáng tạo các bạn mới có thể lên đến đỉnh vinh quang của nghệ thuật.

    Thay đổi để thành công

    Sau đêm diễn ra mắt vở Ngao Sò ốc Hến tại Nhà hát Cam Ranh không thành công. Sáng hôm sau, anh cùng Thanh Điền, Thanh Kim Huệ ngồi lại rút kinh nghiệm, tất cả cùng thống nhất ý kiến, họ đến trình bày với NSND Ba Vân, được ông đồng ý, nhưng có một số nghệ sĩ đàn anh ở đoàn không ủng hộ, họ muốn giữ đúng đường nét cũ. Anh cùng Thanh Điền, Thanh Kim Huệ cố gắng thuyết phục mọi người cho diễn theo sự sáng tạo mới... Kết quả những đêm diễn kế tiếp khán giả ủng hộ nhiệt liệt. Thấy thành công những nghệ sĩ lớn tuổi ở đoàn mới chấp nhận cho họ diễn phá cách.

    Vai Trùm Sò anh diễn hoàn toàn khác với NSND Út Trà Ôn nhưng vẫn đúng tính cách nhân vật, nếu như Trùm Sò của NSND Út Trà Ôn hiểm độc, keo kiệt, thể hiện đúng bản chất một phú nông vừa bần tiện, vừa dốt nát, thì Trùm Sò của Giang Châu láu cá, hóm hỉnh và rất hài, có một chút cường điệu, phá cách, gần gũi với lớp khán giả bình dân. Rất nhiều người diễn vai Trùm Sò từ ca kịch dân tộc đến kịch nói, cải lương... duy chỉ có Giang Châu là khán giả nhớ nhất, nhớ tiếng nói eo éo như tru tréo, nhớ tiếng khóc đờn kéo dài như tiếng đờn cò và Nhớ câu vô vọng cổ đầy tính tượng hình, vừa nghe xong khán giá có thể hình dung trái dưa gang chín rục bị đổ ruột ngay trước mắt.

    Những chuỗi ngày lang thang

    Ở Sài Gòn 1 một thời gian, anh về Sài Gòn 3 cùng với Linh Huệ, Vương Ngọc khai trương vở Hạt bụi trên cao, anh hát vai Đinh Lý, suất hát trưa tại Kim Châu, tác giả Hoa Phượng ngồi xem. Hết vở ông vào hậu trường vỗ vai Giang Châu khen: "Em hát tốt quá". Anh hát đúp vai với Vương Ngọc, mỗi người thể hiện nhân vật khác nhau, anh cố gắng thể hiện cho ra nhân vật và trong thâm tâm có sự thi đua ngầm, Vương Ngọc cũng rất thành công khi diễn vai Đinh Lý. Ông Hoa Phượng là người rất nghiêm khắc trong nghệ thuật, được ông khen là anh thấy sung sướng và hạnh phúc.

    Sau đó, anh rời đoàn Sài Gòn 3 về gia nhập đoàn 2-84, tập vở TÔ ánh Nguyệt của tác giả Trần Hữu Trang, Thế Châu chỉnh lý. Anh hát vai Tâm - con trai Tô Ánh Nguyệt và Minh, hai câu vọng cổ anh ca trong tưồng là do nghệ sĩ Diệp Lang viết thêm: "Trong trái tim con, bây giờ có hai người mẹ, không sanh có dưỡng, sanh dưỡng đạo đồng (-)...", (xuống xề nhịp 24, câu 6)... "Ba ơi những điều trắc ẩn nay đã được cảm thông, vậy ba hãy an tâm mà lo tinh dưỡng tinh thần và con xin phép má đây cho con đi tìm mẹ để chúng con liệu bề mà phụng dưỡng sớm hôm" (8 nhịp chót dứt câu này được anh ca một hơi, rõ chữ với cách luyến láy, sắp nhịp 1, 2, 8 nghe rất lạ tai).

    Đây là một trong những câu ca để đời của anh. Sau đó, anh về sân khấu tài năng Trần Hữu Trang. Tại đây, anh lại có một vai diễn hay là Mạnh trong vở Tích mẫu tử hát song đôi với nữ quái kiệt Kim Ngọc, tạo thành một cặp hài rất hấp dẫn, thể hiện khả năng đa dạng từ kép mùi chuyển sang hài, hay độc lẳng...

    Sau đó, anh về hát cho đoàn cái lương Sông Hậu cùng với Thanh Tuấn, được một năm, anh về cộng tác với đoàn Văn Công Thành Phố 1 và Văn Công Thành Phố 2. Khoảng năm 2000 thì anh ở nhà không tham gia sân khấu nào nữa. Anh đã được mời đi diễn ở Mỹ ba lần, ở Úc hai lần. Trong năm 2008, anh có tham gia khai trương chương trình Sân Khấu Vàng, một vai hài trong vở Sông dài. Sau đó anh ở nhà luôn, chỉ nhận hát show lẻ và các chương trình trực tiếp truyền hình.

    Trong quá trình hoạt động nghệ thuật của mình, anh được một HCV Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990 qua vở Tình ca đêm chơi vơi (TG: Ngô Hồng Khanh - ĐD: Trần Ngọc Giàu), cùng với đoàn Sông Hậu, HCB Hội diễn toàn quốc năm 1995 qua vở Không là cát bụi (TG: Hoàng Song Việt - ĐD: Huỳnh Nga, Diệp Lang) của đoàn Văn Công Thành Phố. Anh được phong NSƯT năm 2007, với anh đây là những di sản quý giá nhất của cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình.

    Một người vợ hiền – Một mái ấm hạnh phúc

    Không như nhiều nghệ sĩ thay tình như thay áo hoặc có những bất trắc làm tan vỡ gia đình, NSƯT Giang Châu và vợ là một trong những gia đình nghệ sĩ hiếm hoi gìn giữ được mái ấm hạnh phúc. Ngay từ nhỏ anh đã có ý thức về việc xây dựng gia đình, với anh người đàn ông muốn thành đạt trên đường công đanh, trước hết phải có một người vợ hiền chung thủy, là chỗ dựa tinh thần vững chắc, là nơi tin tưởng nhất để gởi cả cuộc đời.

    Vợ anh, chị Ngọc Hiền trước đây đi hát đoàn Hương Mùa Thu, là con nuôi của nghệ sĩ Ngọc Hương, khi anh về hát ở đoàn Hương Mùa Thu anh chị quen nhau, thấy hợp ý liền tiến tới hôn nhân… Năm 1972, chị quyết định bỏ nghề, về Sài Gòn vừa bán vé số vừa học may, hy sinh nghề ca hát để cho chồng an tâm theo nghề, thương vợ anh cố công rèn luyện hát thật hay, sống cần kiệm tích lũy tiền gửi về cho vợ. Anh không sa đà, cờ bạc, nhậu nhẹc, biết giữ mình chừng mực. Từ hai bàn tay trắng, anh chị có nhà cửa, xe hơi… anh thành ngôi sao, anh chị thoát nghèo, già đình đầm ấm hạnh phúc gần 40 năm rồi.

    Theo Đăng Minh - Báo Sân Khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (28-05-2019)

  11. MEM
    Avatar của MEM
    Giang Châu ngày xưa đẹp quá! Bà con nào có hình đẹp nào của Giang Châu, chia sẻ nhe!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:


  13. suka
    Avatar của suka
    Nghệ sĩ Giang Châu, ông trùm Sò bất hủ
    Nghệ sĩ cải lương khi tái tạo trên sân khấu một mẫu người nào đó tiêu biểu cho một hạng người đặc biệt trong xã hội thường được đánh giá là nghệ sĩ tài năng, có những vai hát để đời.

    Khán giả ái mộ cải lương còn nhớ nghệ sĩ tài danh Tám Danh thể hiện vai gả ghiền thuốc phiện tên Hà Công Yên trong tuồng Tứ Đổ Tường, hát trong thập niên 30. Khán giả nhắc nghệ sĩ quái kiệt Ba Vân trong vai gả điên vì tình tên Phê trong tuồng Khi Người Điên biết yêu. Khán giả cũng không quên nghệ sĩ bậc thầy Năm Châu trong vai Nam Bình, một nghệ sĩ đã sống hết mình vì nghệ thuật nhưng chết trong nghèo đói và bị vợ là Thu Hồ phụ tình trong tuồng Men Rượu Hương Tình. Trong những năm gần đây khán giả lại thích thú với nghệ sĩ Giang Châu trong vai trùm Sò bất hủ trong tuồng Ngao Sò Ốc Hến.



    Nghệ sĩ Giang Châu sanh năm 1952, theo lời tự thuật của Giang Châu thì anh là con nhà nghèo, thuở nhỏ đi chăn trâu, chăn bò, lớn lên một chút thì theo cô bác đi cấy lúa, gieo mạ. Lúc đó sau những giờ làm việc lao nhọc đồng áng, trong những đêm trăng thanh gió mát, những khi trúng mùa lúa, mùa cá mùa tôm, dân làng thường bày ra ăn nhậu và đờn ca tài tử, cậu bé Giang Châu vốn vui tánh, siêng làm mà cũng thích ăn nhậu ca hát như các bạn đồng trang lứa nên Giang Châu học nhạc lễ và cổ nhạc. Anh biết rành âm điệu và cách xữ dụng đờn cò, đờn gáo, kèn lá… anh cũng là một người nổi đình nổi đám trong nhóm đờn ca tài tử của làng anh.

    Khởi đầu từ đoàn Hương Mùa Thu

    Năm 1968, Giang Châu 16 tuổi, anh theo gánh hát cải lương Hương Mùa Thu, đóng vai kép phụ, vệ sĩ đánh võ để học hát. Giang Châu có làn hơi khỏe khoắn, ca cổ nhạc và vọng cổ rất có nét nhưng chưa biết diễn xuất nên anh chấp nhận tất cả các vai nào mà soạn giả kiêm bầu gánh Thu An trao cho anh. Chỉ hai năm sau, Giang Châu nhờ nơi giọng vọng cổ đặc biệt dài hơi và khỏe khoắn, anh đã đóng những vai quan trọng trong các tuồng Gánh Cỏ Sông Hàn, Tiếng Súng Một Giờ Khuya, Con Cò Trắng, Hai Chiều Ly Biệt trên sân khấu Hương Mùa Thu.

    Năm 1971 nghệ sĩ Giang Châu thành hôn với nữ nghệ sĩ Ngọc Hiền, đệ tử của nữ nghệ sĩ Ngọc Hương tức bà bầu gánh hát Hương Mùa Thu. Nữ nghệ sĩ Ngọc Hiền và nghệ sĩ Giang Châu có nhiều dịp giúp đở nhau trong khi hành nghề ca diễn trên sân khấu Hương Mùa Thu nên có dịp hiểu nhau, yêu nhau và chánh thức thành hôn dưới sự bảo trợ của ông bà bầu gánh hát.

    Đến năm 1975, Gánh hát Hương Mùa Thu ngưng hoạt động, tạm thời giải tán như tất cả các đoàn hát tư nhân lúc bấy giờ. Giang Châu và vợ anh là nữ nghệ sĩ Ngọc Hiền lui về quê. Ngọc Hiền lo bương chải làm ăn để giúp chồng và nuôi con. Đến cuối năm 1975, Giang Châu được cho hành nghề ở đoàn cải lương tập thể Saigòn 2.

    Ở đoàn cải lương Saigon 2, nghệ sĩ Giang Châu nhờ có lối ca vọng cổ dài hơi và lối diễn xuất sống động nên anh nổi tiếng qua vai Trần Hùng trong tuồng cải lương Tìm Lại Cuộc Đời.

    Sau đó, nghệ sĩ Giang Châu lại thành công rực rở qua vai Thừa trong tuồng Tiếng Hò Sông Hậu. Giang Châu đã diễn vai một người nông dân bộc trực, đi chân đất, mặc áo không cài nút, hút thuốc rê vấn như một người nông dân chánh cống. Dáng dấp cục mịch, lời ăn tiếng nói nghe rặc giọng nói của người miền quê hậu giang, anh đã ca ba câu vọng cổ rất hay để kết thúc màn hát, diễn tả tính khẳng khái bộc trực của người nông dân dám liều mình bênh vực bạn.

    Ông Trùm Sò bất hủ

    Giang Châu còn thành công qua những vở tuồng của đoàn cải lương Saigon 2, những tuồng vai người dân quê miền sông nước Hậu Giang, giống như chính bản thân của Giang Châu, một người xuất thân từ lớp dân nghèo ở miền quê.

    Tuy nhiên sự thành công của nghệ sĩ Giang Châu vẫn mới dừng ở chổ nhờ có làn hơi phong phú, lối ca dài hơi và khi Giang Châu diễn các vai người nông dân cục mịch chất phác. Cho đến khi anh gia nhập đoàn hát cải lương Saigon 1, nghệ sĩ Giang Châu mới vụt sáng như một vì sao lạ, khẳng định được thế mạnh của anh trong lãnh vực ca diễn vai lẵng hài như vai Trùm Sò trong vở Nghêu Sò Ốc Hến của soạn giả Nguyễn Thành Châu.


    Nghệ sĩ Giang Châu, Nguyên Hanh và Chí Hiếu trong vở Ngao Sò Ốc Hến.
    Hình của Soạn giả Nguyễn Phương/RFA

    Trong lớp diễn Trùm Sò phân bua với quan Huyện về chuyện mình bị mất cắp tài sản mà còn bị đóng tiền phạt và bị lính đánh 20 roi, Giang Châu trong vai Trùm Sò, khi bị lính lệ đánh, tiếng khóc như giọng khóc tiếng kéo đờn cò và cao dần tiếng khóc như tiếng kèn lá. Nghệ sĩ Giang Châu biết đờn cò, biết thổi kèn lá nên anh nâng tiếng khóc lên thành như tiếng đờn cò, tiếng kèn lá, nghe rất quái dị, đầy chất hài hước để diễn tả cái tham lam bủn xỉn đồng thời nổi lòng tiếc của của tên trùm Sò, một người lúc nào cũng hà tiện, bủn xỉn nhưng trước một quan huyện tham lam thì anh buộc lòng phải ứng ra một số tiền hối lộ. Mất tiền như bị đứt ruột, đứt gan, tiếng đau kêu thét như tiếng đờn cò não nuộc. Sự sáng tạo nầy của Giang Châu tạo ra một lớp diễn rất hay, khán giả cười ra nước mắt với trùm Sò trước những trò trái khoái nơi chốn công đường thời phong kiến.
    Sau khi nghệ sĩ Giang Châu rời đoàn cải lương Saigon 1, khi đoàn hát tái diễn vở Nghêu Sò Ốc Hến, nhiều nghệ sĩ danh hài khác thế vai trùm Sò của nghệ sĩ Giang Châu nhưng không danh hề nào làm cho khán giả cười nghiêng ngửa như Giang Châu đã diễn. Khán giả và các nghệ sĩ công nhận đó là một vai hát để đời của Giang Châu.

    Từ năm 1975 đến năm 1988, nghệ sĩ Giang Châu đã cộng tác qua 5 đoàn hát gồm có đoàn Saigon 2, đoàn Saigon 3, đoàn Saigon 1, đoàn 2/84, nhóm nghệ sĩ Sân Khấu Tài Năng.

    Năm 1989, nghệ sĩ Giang Châu rời Saigon, đi tỉnh hát ở đoàn Phú Châu tỉnh An Giang, sau đó anh gia nhập đoàn cải lương Sông Hậu 1.

    Năm 1990, nghệ sĩ Giang Châu đoạt huy chương vàng Hội Diễn Sân Khấu Chuyên Nghiệp Toàn Quốc 1990 với vở Tình Ca Đêm Chơi Vơi của đoàn cải lương Sông Hậu 1.

    Năm 1992, anh trở về Saigon cộng tác với đoàn cải lương Hương Mùa Thu - Minh Phụng và sau đó thì anh nghĩ hát, chọn cái nghề tay trái là mở quán nhậu để kiếm sống qua ngày khi mà tình hình sân khấu cải lương mất quá nhiều khán giả.

    Giang Châu hùn với nghệ sĩ Dương Thanh mở quán nhậu nhưng chưa được bao lâu thì Giang Châu rút lui khỏi cái quán nhậu, không dám đứng tên làm chủ nữa.

    Theo lời kể của Giang Châu thì anh làm chủ được gần một tháng, chịu không thấu phải nhượng lại cho Dương Thanh. Khách đến nhậu trong quán của Giang Châu là những bạn bè, những khán giả ái mộ Giang Châu. Giang Châu nói: “Khách có lòng đến với mình thì mình phải tiếp. Tiếp bàn nầy mà không tiếp bàn kia thì người ta buồn. Xin hảy tưởng tượng, tôi chỉ “dô” với mỗi bàn nữa ly rượu thôi, từ sáng đến khuya thì chắc là xỉn hết biết.”

    Giang Châu lại đi hát chầu, ca show ở Đầm Sen, hồ Kỳ Hòa. chạy show tỉnh, tuy nhiên không phải lúc nào anh cũng đắt show vì tình hình sân khấu gặp lúc khó khăn. Sau rốt Giang Châu lại thử thời vận, làm chủ quán nhậu nữa. Nghệ sĩ cải lương khi không còn đi hát, có nhiều người mở quán cà phê, quán rượu có ca nhạc, quán nhậu, v.v… Giang Châu không có một nghề chuyên môn nào khác ngoài nghề ca hát, đến lúc nầy mở quán nhậu thì cũng chỉ là vì túng thì phải tính, chớ thật lòng thì Giang Châu vẫn mong sân khấu luôn được sáng đèn, nghệ sĩ được hát một tuồng đầy đủ như hồi thời hoàng kim của sân khấu cải lương thì anh cảm thấy sung sướng rồi.

    Gia đình của Giang Châu được ổn định nhờ nơi vợ anh, nữ nghệ sĩ Ngọc Hiền. Từ ngày kết hôn với Giang Châu, Ngọc Hiền hy sinh không đi hát theo như ước vọng cá nhân của mình mà chị lui về lo kinh tế gia đình, nuôi dạy con và bảo đảm kinh tế cho Giang Châu yên lòng đeo đuổi theo sự nghiệp sân khấu.

    Hai anh chị có được đứa con gái tốt nghiệp đại học kinh doanh và một cháu trai còn đi học.

    Dầu cuộc sống còn nhiều khó khăn, Giang Châu vẫn tìm mọi cách để được sống với nghề, để đêm đêm cống hiến cho khán thính giả những nét tài hoa ca diễn mà anh đã cả đời tích lủy được. Lòng chỉ mong sao cho sân khấu cải lương ngày một thêm đầy những khán giả tri âm.

    (Theo SG Nguyễn Phương - DACTD)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 2 Users Say Thank You to suka For This Useful Post:

    DOHOANG (28-05-2019)

  15. MEM
    Avatar của MEM
    Giọng Giang Châu đúng là nghe hay thiệt, mấy bài với Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ nghe hoài ko chán luôn đó! Chắc vài bữa phải làm một BST cho tiếng hát này quá! hihi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:


  17. MEM
    Avatar của MEM
    Chia tay chú với 04 bài TCGD tuyệt hay!
    http://cailuongso.com/Album/GIANG-CHAU-PRE75/ZAMAYWY.html
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (28-05-2019)

  19. MEM
    Avatar của MEM
    Vai diễn để đời của chú Giang Châu trên đoàn Sài Gòn 2: TRẦN HÙNG
    http://cailuongso.com/Bai-hat/Tim-lai-cuoc-doi-(trich-doan)/ZAMWXLA.html
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:

    DOHOANG (28-05-2019)

ANH EM CHANNEL