Trang 3/21 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 6 7 13 ... CuốiCuối
  1. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    DẢI ĐẤT MIỀN TRUNG
    Thơ: Trần Thị Thanh Hoa
    Vọng cổ: Trần Tuấn Kiệt
    HÒ HUẾ

    À … ơi … ới … à … ơi … a … à … ơi
    Dải đất Miền Trung nhỏ hẹp eo thon
    Mưa, nắng, gió bào mòn từng lớp đất
    Bãi cát mênh mông mẹ gánh gồng nặng nhọc
    Cha gù lưng lọc cọc đẩy xe thồ

    VỌNG CỔ

    1. À … ơi … ới … à … ơi … a … à … ơi, bãi cát mênh mông mẹ gánh gồng nặng nhọc, cha gù lưng lọc cọc đẩy xe … thồ. Mùa nắng ruộng khô, khô cả ao hồ. Dải đất nghèo con mang theo vào ký ức, bờ vực nằm kề vách núi cheo leo. Xóm thôn nghèo người lam lũ xác xơ, giấc ngủ trẻ thơ cơn gió lào đánh thức. Đường về Miền Trung như mơ như thực, xanh biếc lượn lờ biển uốn mờ chân núi.

    2. Đường về Miền Trung xa lơ xa lắc, ai dắt dìu ai mà đồi nối lưng đồi. Về lại Miền Trung nghe thương nhớ bồi hồi. Núi nối đuôi nhau kéo dài xa mãi, tiếng ai hát giữa đồi hay tiếng suối ru mây. Mỏi gối vượt đèo mây vắt vẻo dừng chân, ngắm bãi cát oằn mình lăn trong gió. Ngoài biển khơi ánh đèn heo hắt đỏ, sáng mai về tôm cá có đầy khoang.

    HÒ HUẾ

    À … ơi … ới … à … ơi … a … à … ơi
    Dải đất Miền Trung kiên gan anh dũng
    Mưa lũ, bão bùng nào dễ lung lay
    Dưới sóng bạc đầu trên mây bay vờn sương khói
    Giữa lưng chừng cây cối bạt ngàn xanh

    VỌNG CỔ

    5. Đường về Miền Trung loanh quanh, khúc khuỷu, ai có biểu ai đâu mà sao nặng trĩu ân … tình. Dải đất Miền Trung hay dải đất quê mình ?! Dải đất Miền Trung lũ chồng bão lũ, quạt đuổi gió lào canh giấc ngủ con thơ. Đường về Miền Trung như thực như mơ, nắng táp bờ vai, bụi cài mi mắt. Se thắt lòng ai mỗi lần trở lại, thương quá là thương dải đất kiên cường.

    LÝ TRĂNG SOI

    Ơi Miền Trung!
    Dải đất kiên gan anh hùng
    Vượt ngàn gian nan nắng mưa bão bùng
    Lòng người kiên trung quyết không đổi dời.
    Ơi Miền Trung!
    Vượt qua bão lũ ra sức dựng xây
    Người đi xa, nơi phương ấy có hay
    Dải đất này đang thay đổi ngày đêm!

    6. Dải đất Miền Trung kiên cường bất khuất, son sắt thủy chung để ai nhớ thương hoài.
    Dải đất Miền Trung sợi chỉ kéo dài
    Dẻo dai néo hai miền Nam – Bắc
    Dải đất Miền Trung một lòng son sắt
    Nối đất nước liền từ Bắc vào Nam!

    Cần Thơ, 23g15’ - 25.11.2010
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 13 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  3. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    Rất cám ơn MEM đã tạo điều kiện tốt để ACE thành viên đến với diễn đàn không ngỡ ngàng. Khi quen rồi từ từ giới thiệu thêm nha MEM. Thanks!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  5. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    CHỢ NỔI NGÃ NĂM
    Trần Tuấn Kiệt
    NÓI LỐI
    Nữ: Chợ nổi Ngã Năm giăng chi nỗi nhớ,
    Để mỗi lần về, con bắt gặp tuổi thơ.
    Nam: Bốn mươi năm, tóc đã điểm sương,
    Chừng ấy thời gian con thương về chợ nổi.
    LÝ CHIỀU CHIỀU
    Nữ: Chiều chiều, trên chiếc chiếc xuồng con, mái dầm bơi,
    Bâng quơ câu hò sông nước, thú vui tuổi thơ quê mình.
    Nam: Sông nước Ngã Năm hữu tình,
    Mang đầy đầy phù sa,
    Nữ: Nuôi khôn lớn bao tâm hồn.
    VỌNG CỔ
    1. Nam: Con lớn lên đã thấy có dòng sông năm ngả, êm ả ngày đêm đón khách thương … hồ. Suốt tháng quanh năm mua bán dập dìu. Nữ: Sản vật muôn nơi về đây hội tụ, năm ngả sông đầy giăng kín chật tàu ghe. Nam: Cô gái thương hồ nón lá nghiêng che, thoăn thoắt đôi tay nhuần nhuyễn chuyển giao hàng. Nữ: Xong chuyến hàng này em tạm biệt anh hai, bởi họ nhà trai ngày mai đem trầu cau dạm hỏi.
    2. Nam: Những chuyến hàng sau tôi cố tìm về bến cũ, bến cũ còn đây mà người cũ đâu rồi! Nữ: Em nói thật lòng em mà anh cứ ngỡ em đùa. Nam: Biết thế hôm đó anh chuyển hàng thật chậm, cho em không kịp về ra mắt nhà trai. Nữ: Em chuyển hàng mà mắt cứ cay cay, lén chéo khăn lau ngăn dòng nước mắt. Nam: Lỗi tại anh không biết nghe lời nói thật, Nữ: nên mãi độc hành phiên chợ buổi hoàng hôn.

    NÓI LỐI
    Nam: Chuyện tình đó trên sông, con ghi lại,
    Thưở tháng ngày bán gạo với mẹ cha.
    Nữ: Nay viết thành một bài ca,
    Nam: Quà tặng câu chuyện tình trên chợ nổi.
    VỌNG CỔ
    5. Nữ: Sông nước Ngã Năm vẫn còn đây năm ngả, nhưng đôi trai gái ngày xưa thì tóc đã pha … màu. Gặp lại hồi lâu rồi mới nhận ra cất tiếng hỏi chào. Nam: Chuyến ghe hàng ngày xưa giờ thay bằng xe tải, chợ nổi bây giờ lùi vào một ngả sông. Nữ: Khách thương hồ giờ chắc chẳng còn đông! Nam: Giao thông hôm nay mở thêm nhiều tuyến lộ. Lộ Phú Lộc - Ngã Năm thông qua Long Mỹ, lộ Phụng Hiệp - Cà Mau sắp được thông hành.
    6. Nữ: Mới mấy năm đâu từ ngày lập huyện, bệnh viện, điện, đường, trường học khang trang. Tuyến bờ kè kiên cố, đẹp, dọc mỗi ngả sông. Bưu chính, viễn thông phủ mênh mông trên sông nước. Nam: Ngã Năm hôm nay huy hoàng hơn trước, cất bước chuyển mình lên đô thị văn minh. Nữ: Cây bẹo trước ghe khoe mặt hàng ghẹo khách, lắt lẻo bồng bềnh theo nhịp sống ru. Nam: Lái rượu suốt sáu mươi lăm năm trên dòng năm ngả, Dì Tư chèo ghe rồi cất giọng khoan hò:
    Nữ: “Thương về chợ nổi Ngã Năm,
    Thương anh lái khóm quê Miền Hậu Giang,
    Nam: Lỡ rồi một chuyến đò ngang,
    Nam-Nữ: Hai mái đầu in dấu thời gian pha màu!”.

    Cần Thơ - 27.5.2010
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 6 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  7. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    ĐẸP LẮM NGÃ NĂM ƠI!
    Trần Tuấn Kiệt

    NÓI LỐI
    Nam: Mười năm rồi! con về công tác ở Cần Thơ,
    Nữ: Ngã Năm quê mình giờ phát triển thành Đô Thị.
    Nam: Dòng sông quê Ngã Năm, năm ngả dẫu chẳng được chia đều,
    Nữ: Sao tình thương nhớ quê hương trong con cứ chia đều theo ngày tháng.

    VỌNG CỔ
    1. Nam: Ngã Năm! Hai tiếng thân thương, nơi cất nửa đời người có tuổi thơ con ở đó. Có mẹ, có ba, có em, có chị, có con đường quê ngày mấy lượt đi … về. Năm nhánh sông quê mà chan chứa vạn thâm tình. Nữ: Nhớ chuyến tàu khuya đưa con đi học, mẹ vẫn dõi mắt nhìn dẫu đã khuất mấy nhà kho. Nam: Tiền để dành cho con học tháng sau là tiền công mẹ may tiền ba bán tép. Nữ: Tiền lo đủ rồi mẹ xúc gạo vô bao để nó về mang theo lên Cần Thơ ăn cơm tháng.

    2. Nam: Chuyến tàu khuya xưa đưa con đi học, giờ đã được thay bằng những chuyến xe đò. Nữ: Thương anh lơ tàu trẻ năm xưa sao vắng số bạc phần. Nam: Nhớ biết bao tiếng còi tàu đêm rời bến, lúc tiết trời tầm tã mưa tuôn. Nữ: Khách thương hồ theo mỗi chuyến buôn đưa sản vật vùng chợ nổi Ngã Năm đi mọi miền đất nước. Nam: Quê hương hôm nay nhiều đổi thay hơn trước, Ngã Năm bây giờ đẹp lắm Ngã Năm ơi!

    NÓI LỐI
    Nữ: Phố chợ khang trang, lòng người đoàn kết,
    Khu hành chính mới, hoa, cờ phất phới tung bay,
    Nam: Càng ngắm nhìn, càng đắm, càng say,
    Năm nhánh sông quê đã trở mình vươn tới.

    VỌNG CỔ
    5. Nữ: Năm nhánh sông quê đã trở mình vươn tới, mang nặng phù sa vun đắp cho ... đời. Ngã Năm ơi! sao vui sướng đến nghẹn lời. Nam: Năm ngả sông quê mà nối liền muôn ngả, thong thả đi về khuya sớm nắng mưa. Nữ: Lúa cao sản trên đồng trĩu hạt oằn bông, bác hai nông dân với nụ cười rạng rỡ. Nam: Con đường quê giờ bê tông thẳng tắp, áo trắng tung tăng từng đàn em nhỏ đến trường.
    6. Nữ: Phố chợ lên đèn cùng ánh trăng quê, hòa quyện lung linh bên dòng sông năm ngả. Nam: Chiến tranh ngày nào bao đau thương vất vả và thành tích bây giờ có cả quân dân. Khó khăn một thời của thế hệ mẹ cha, nắng sớm mưa sa không sờn lòng nản chí. Nữ: Những đứa con xa quê ngỡ ngàng hãnh diện, vì những người quê nhà đã làm đẹp quê hương. Nam: Nối tiếp tiền nhân hãy chung lòng, chung sức, cùng dựng xây Ngã Năm to đẹp huy hoàng.
    Nữ: Nay về quê mẹ Ngã Năm,
    Tự hào, vui sướng, lòng thầm ước mong:
    Nam: “Người người mãi mãi chung lòng,
    Nữ - Nam: Điểm tô truyền thống rạng ngời Ngã Năm!”

    Cần Thơ - 25.5.2010
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 6 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  9. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    KHÚC HÁT MẸ RU
    Trần Tuấn Kiệt
    NÓI LỐI
    Nữ: Mẹ ru cái lẽ ở đời,
    Cơm nuôi vóc dáng, câu hát nuôi tinh thần.
    Nam: Có đi hết trọn đời người,
    Cũng không đi hết mấy lời Mẹ ru …
    TRĂNG THU DẠ KHÚC
    Nữ: Nhớ nghe con quê mình năm Mậu Thân ta tấn công.
    Năm mươi hai đêm ngày, Bác Tạ Quang Chài,
    Nam: Người chỉ huy trưởng kiên trung,
    Tài ba, mưu lược phá đồn chi khu Ngã Năm.
    Nữ: Đồn giặc rã tan, lính giặc chạy dài.
    Chiến công vang dội khắp vùng Miền Tây giặc khiếp kinh.
    VỌNG CỔ
    1. Nam: Kỳ diệu thay điệu trăng thu dạ khúc! Khúc hát ngày xưa mẹ ru con ngủ truyền thống quê hương trung dũng kiên … cường. Khúc hát theo con trên khắp nẻo đường. Nữ: Chi khu Ngã Năm bót đồn kiên cố, quy mô nhất nhì khu vực Miền Tây, Nam: Rào chắn tháp canh cẩn mật trị an, án ngữ tuyến hành lang vào ra Khu Ủy. Nữ: Tề tựu về đây hơn bốn trăm tên, phòng thủ phía tây tiểu khu Ba Xuyên vững chắc.
    2. Nam: Đêm hai mươi mốt tháng năm một ngàn chín trăm sáu mươi tám, ta đồng loạt tấn công bức rút phá đồn, pháo kích bao vây áp đảo tinh thần. Nữ: Giặc hoảng sợ liều chết xông ra phá mũi, gọi pháo binh về yểm trợ chi khu. Nam: Ta hai mươi mốt lần bẻ gãy mũi phản công, tiêu diệt làm bị thương hơn sáu mươi tên địch. Nữ: Trận chiến càng về sau càng quyết tâm dồn sức, kế hoạch “xa luân chiến” vận hành, Nam - Nữ: toàn thắng đã về ta.

    NÓI LỐI
    Nữ: Chiến thắng Ngã Năm đã ghi vào lịch sử.
    Trong công sức bao người, có Anh chỉ huy trưởng ngày xưa.
    Nam: Khúc hát Mẹ ru con cháu lưu truyền,
    Mừng Ngã Năm không ngừng đổi mới.
    VỌNG CỔ
    5. Nữ: Đường rộng thênh thang, phố chợ khang trang, tàu xe nhộn nhịp. Chợ nổi trên sông anh thương hồ hớn hở, đàn trẻ tung tăng nhảy múa reo … hò. Không còn cảnh sang sông khuya sớm lụy đò. Nam: Sông Ngã Năm giờ có cầu bắc sang năm ngả, văng vẳng câu hò theo gió ngân xa. Nữ: Hò ơ…ơ ai lên Phụng Hiệp ai xuống Cà Mau, ai qua Rạch Giá ai về Hậu Giang. Nay đường đẹp rộng mở thênh thang, Nam: Anh ra Phú Lộc kết duyên cùng nàng.
    6. VĨ KHÚC TRĂNG THU
    Nữ: Từng đêm nhớ thương bao người,
    Ngày xưa cùng vào xung trận,
    Rồi đi, đi mãi chưa về!
    Nam: Về đây! hỡi người đồng đội,
    Vui mừng ngày chiến công,
    Quê mình nay đổi thay.
    Nữ: Con sáo bay xa còn thương cây nhớ cội, đồng đội ơi sao lâu quá chưa về.
    Nam: Bao năm xa cách quê hương,
    Lòng con khắc khoải nhớ thương Mẹ hiền.
    Nữ: Mẹ ru khúc hát thiêng liêng,
    Nam-Nữ: Đưa con đi khắp mọi miền Mẹ ơi!.
    Cần Thơ 06.3.2010
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 6 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  11. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    NHỊP SỐNG MỚI QUÊ HƯƠNG
    Trần Tuấn Kiệt


    NÓI LỐI
    Ba mươi lăm năm rồi! cứ ngỡ hôm qua.
    Mỗi độ Ba mươi Tháng Tư về, thêm nhớ thương đồng đội.
    Sức trẻ thanh xuân, vươn vai Phù Đổng,
    Nặng thù nhà, nợ nước đôi vai.
    LÝ CON SÁO
    Thương quê hương! binh lửa tràn về nơi nơi,
    Thù nhà nợ nước ai ơi!
    Khắp xóm thôn trai gái trẻ già,
    Ra đi gìn giữ san hà.
    Bao gia đình, tình riêng phải cách ngăn,
    Con xa cha, chồng vợ phải lìa đôi.
    Ai bày ? Ai gây chi chiến tranh!
    Để tuổi thơ phải rời mẹ, xa quê.

    VỌNG CỔ
    1. Mẹ ơi! xa quê hương nhiều đêm anh thức trắng, trằn trọc băn khoăn vì nợ nước chưa … đền. Ngày cha hy sinh anh vừa chín tuổi đời, mười ba tuổi anh đi làm cách mạng, nhiệm vụ ban đầu anh đảm trách giao liên. Bữa cơm chiều xa mẹ đầu tiên, chén cơm lưng mà nước mắt chan đầy. Nhớ mẹ nhiều nhưng chưa dịp về thăm, đằng đẵng trôi qua đã bảy mùa mai nở.

    2. Rừng đước U Minh đêm nằm muỗi đốt, giường chiếu của anh là chiếc nóp quê nhà. Ngày tiễn anh đi mẹ gửi tặng làm quà. Xuồng Ba Lá đưa anh vào căn cứ, mẹ quay về lòng thắt quặn đau. Cha hy sinh mẹ chỉ còn anh, đứa con trai lớn sớm hôm phụng dưỡng. Giờ anh đi, bàn thờ cha thêm hiu quạnh, thắp nén hương mẹ ngập ngừng: “Phù hộ Nó nghen Ông”!

    NÓI LỐI
    Chiến tranh đi qua, nỗi đau còn đọng lại,
    Bom đạn quân thù làm thương tật mắt phải của anh.
    Vài mảnh bom còn sót lại trong người,
    Đâu ngăn được chí anh hùng lính pháo binh Quân Khu Chín.

    VỌNG CỔ
    5. Tận tụy, siêng năng, khiêm nhường, cầu tiến, thực hiện nhiệm vụ trên giao Anh luôn vượt mức yêu ... cầu. Lo hạnh phúc cho dân, anh làm tôn chỉ đi đầu. Đường, trường, trạm đã theo về các xã, chuyển dịch cây trồng, điện khí hóa nông thôn. Hò ... ơ...ơ, trong chiến tranh thì anh Anh dũng, trong lao động anh cũng Anh hùng. Vượt mọi khó khăn dám làm, dám nghĩ, từ những hố bom xưa nay cao rộng những công trình.

    6. Đây Cầu Cần Thơ, kia Sân Bay Trà Nóc, Khu tượng đài Bác trên Bến Ninh Kiều, công trình Cảng Cái Cui. Bao tháng năm dài lặn lội ngược xuôi, lo quy hoạch chỉnh trang đô thị, đâu quản gì khuya sớm nắng mưa, người đồng đội vẫn kiên gan bền chí. Mái đầu xanh tóc giờ điểm bạc, cháu ngoại thưa: «Ông mới đi làm về »!. Mỗi chiến công phải đổi bao xương máu, mỗi công trình thêm một niềm tin. Có Đảng Quang Vinh đất nước mình đổi mới, cùng người đồng đội năm nào, ta xây nhịp sống mới cho quê hương.


    Cần Thơ 22.3.2010
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 6 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  13. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    VỀ THĂM MỘ NGOẠI
    Trần Tuấn Kiệt

    NÓI LỐI
    Ngoại: Từ Sài Gòn tôi về thăm mộ ông.
    Con thăm mộ cha. Cháu thăm mộ ngoại.
    Sáu mươi lăm năm rồi ông yên nghỉ ở ngã năm.
    Cháu: Ngã Năm ở đâu? xa hay gần?
    Mà sao lại tới sáu mươi lăm năm hả ngoại?
    LÝ CHIỀU CHIỀU
    Ngoại: Ngược dòng, quá khứ thưở ngày xưa, thưở ngày xưa,
    Ngoại con từ Long An xuống, xuống ngã năm với Anh hai mình.
    Sau mấy năm ông qua đời,
    Tuổi vừa ba mươi hai.
    Mẹ cháu sắp sinh ra đời.
    VỌNG CỔ
    1. Cháu: Ngoại ơi! Nghe ngoại nói cháu đây mới rõ. Có phải ông ngoại cháu mất đi trong khi chỉ còn ít tháng nữa là bà ngoại sinh mẹ cháu ra … đời. Thương mẹ cháu! chưa sinh ra đã mồ côi cha từ trong bụng rồi. Ngoại: Ngày bảy tháng tư năm một chín bốn lăm, bệnh dịch tả cướp đi mạng ông ngoại. Lửa khói chiến tranh quê hương ly loạn, tin ông ngoại qua đời bà có kịp hay đâu. Phần thì bụng đang giai đoạn mang bầu, kỳ sinh nở đã cận kề mấp mé.
    2. Cháu: Ngày sinh mẹ cháu bà nhớ ông, bà khóc, Lệ Hoa – tên giọt máu chung của ông bà. Bà dưỡng nuôi mẹ cháu da trắng ngọc ngà!. Ngoại: Mẹ cháu lớn càng xinh, càng đẹp. Bây giống mẹ mày như hai giọt nước sinh đôi. Ngày tháng dần lần lượt trôi qua, cách trở xa xôi khó viếng thăm mộ ngoại. Nhờ Cậu Út em cận kề hương khói, tu sửa, nhang đèn, tảo mộ ngoại mỗi năm.

    NÓI LỐI
    Cháu: Mẹ cháu lớn lên, quê hương không còn lửa khói,
    Từ Sài Gòn, Mẹ cháu mấy lượt về thăm,
    Sửa chữa khang trang, tu dưỡng lại mộ phần.
    Chị em cháu cũng đôi lần về viếng mộ.
    VỌNG CỔ
    5. Ngoại: Nay rể, cháu, con, ba thế hệ, cùng tôi về viếng mộ ông đây. Tuổi tôi chắc ông nhớ chín mươi bốn rồi. Ngày ông mất con Lệ Hoa ông đâu biết mặt. Thắp ba nén nhang cắm lên trước mộ, mong ông có linh thiêng phù hộ cháu con … mình. Nhắc về ông con cháu chỉ biết qua hình. Chuyến này về thăm ông tôi đây còn khỏe, thương cháu con mình nó ở xa xôi. Xưa Mỹ Thuận, Cần Thơ cách trở hai phà, nay có cầu nhưng sao lại xa hơn nữa. Ít viếng thăm ông đừng hờn tủi, mà hãy cảm thông để thanh thản nơi suối vàng.
    6. Cháu: Sáng đến giờ về tới huyện Ngã Năm, nhờ Cậu Út em đưa cả nhà đi viếng mộ. Trưa này bà, mẹ, cháu giã từ ông, về tới thành phố Hồ Chí Minh, ba mẹ còn đi xa nữa. Cháu xa ông trong lòng luôn nhớ, nhớ mộ phần ông yên nghỉ Ngã Năm. Đường về thăm nay không còn xa lạ, chặng đường dài ghé con Cậu Út ở Cần Thơ. Mộ ngoại cháu quay, chụp, thật nhiều góc độ, mỗi lúc nhớ ông, ba mẹ cháu lấy ra nhìn.
    “Cháu, Bà, cùng Mẹ về thăm,
    Mong ông chứng giám tấm lòng cháu con,
    Chiến tranh, ngăn cách, chẳng còn,
    Ngã Năm nào cách Sài Gòn bao xa!”.

    Cần Thơ - 28.5.2010
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 6 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  15. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    KÝ ỨC NHỮNG CHUYẾN PHÀ ĐÊM
    Trần Tuấn Kiệt

    NÓI LỐI
    Sang Sông Hậu trên những chuyến phà đêm,
    Lao xao con sóng, động tình trăng nghiêng.
    Trăng đêm nay, trăng của đôi bờ,
    Bên nhớ bên thương, bến chờ bến đợi.
    VỌNG CỔ

    1. Sông Hậu ơi! có tự bao lâu ? tên kia ai đặt ? Một nhánh Mê Kông xuôi chảy êm … đềm. Khách sang sông hối hả đi về, Tôi bước nhẹ dưới ánh trăng tà soi bóng, dọc Hàng Dương dài qua Chợ Cổ Cần Thơ. Nhớ Cô Bảy, Dì Năm khuya sớm hoạt động Thành, nhớ mỗi lần có dịp ghé ngang, vọng lại đâu đây thánh thót tiếng đàn kìm của Bác Hai, khi gà chưa gọi sáng.

    2. Hai mươi lăm tháng chín năm hai ngàn lẻ bốn (1), Đồng bằng Sông Cửu Long hớn hở vui mừng, Lễ khởi công xây dựng một chiếc cầu. Cầu Cần Thơ nối đôi bờ Sông Hậu cho người dân Đồng bằng không còn cách trở sông ngăn. Dãi nắng dầm mưa ngày đêm xây dựng, từng nhịp cầu nối nhịp vươn xa, có lúc khó khăn (2) hun đúc cao thêm ý chí, có Đảng (3) dẫn đường là có cả một niềm tin.
    NÓI LỐI

    Qua Cầu Cần Thơ nhớ chuyến phà đêm năm ấy,
    Tìm lại em, tìm ở nơi nào!
    Cầu đã xây xong, phà kia không còn đưa rước nữa,
    Anh vẫn nhớ về hai Bến sông thương.
    VỌNG CỔ

    5. Bến Cần Thơ, Bến Vĩnh Long - Hai bến sông thương - bến chờ bến đợi. Cầu đã xây xong không còn chia cắt nữa thì em ơi ra giêng ta kết nghĩa châu … trần. Hãy nói đi em!, Anh chờ đợi đã lâu rồi. Nhớ ngày xưa khi nghe anh hỏi cưới, em thẹn thùng nhìn xuống dòng sông. Sông Hậu dài, Sông Hậu rộng, Sông Hậu sâu, khi chiếc cầu xây xong chúng mình hãy nên duyên nên nợ. Cầu xây xong hàn bao năm mong đợi, Người thương ơi! Người thương ở đâu rồi!

    6. Qua Cầu Cần Thơ, Cầu dây văng hiện đại, nhịp chính cầu văng trên hai trụ tháp chữ A (4). Đã qua rồi thời chợ cách sông ngăn, phơi phới lòng người tương lai thêm rộng mở. Trên Sông Hậu gió cùng trăng đang vui đùa hớn hở, như hát mừng cầu đã xây xong. Cần Thơ ơi! cho tôi xin được ngợi ca thêm một trang tình sử, tình sử về Sông và Ký ức của những chuyến phà.
    Tôi về Chợ Cổ Cần Thơ,
    Nhớ Dì Năm, Cô Bảy, nhớ Bác Hai đờn kìm,
    Nhớ người con gái năm xưa,
    Nhớ chuyến phà đêm ấy vấn vương lòng người.


    Xuân Canh Dần 2010

    PHẦN CHÚ THÍCH

    (1): 10g30 ngày 25/09/2004 Lễ khởi công xây dựng Cầu Cần Thơ.

    (2), (3): Nhắc đến sự cố sập nhịp dẫn P13-P15 Cầu Cần Thơ ngày 26/09/2007 và phản ứng nhanh của toàn Đảng, toàn Dân, Các vị lãnh đạo Cao cấp từ trung ương đến địa phương, TPCT, Tỉnh Vĩnh Long có mặt tại hiện trường khắc phục sự cố.

    (4): Kết cấu dây văng của Cầu Cần Thơ, miêu tả hai trụ tháp chữ A văng nhịp chính Cầu. Biểu tượng mỗi trụ tháp chính này trông như hai bàn tay chắp lại hướng lên trời cao.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 5 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  17. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    CON ĐÒI VỀ NỘI NGOẠI
    Trần Tuấn Kiệt

    NÓI LỐI
    Hè về rồi! sao con chưa được về nội, ngoại!
    Ba mẹ đâu ngại gì mưa nắng đường xa,
    Con năm nay chưa được bốn tuổi đời,
    Lòng hiếu thảo với ông bà, ba mẹ thương con lắm.

    VỌNG CỔ
    1. Phú Lộc giữa trưa, người thưa đường vắng. Ông bà ngoại ơi! An Khánh đã quay … về. Nghe tiếng xe từ xa Bé Thơ vội chạy ra mừng. Thưa Cô Dượng ba mới về cùng An Khánh, Hai Quân ời! An … An … Khánh đã về chơi. Náo động ồn ào đang buổi ban trưa, sau tiếng Bé Thơ la, cả nhà ra mừng đón. An Khánh xuống xe, chạy nhanh thưa Ông Bà Ngoại. Mấy chú gà vui mừng bằng cất cao giọng gáy.

    2. Phố thị đông vui phồn hoa đô hội, còn quê nội ngoại con đều ở ruộng, ở đồng. Con cá vẫy đuôi cũng làm chao ngã ánh trăng tà. Người miền quê tính thật thà chân chất, khuya sớm ruộng đồng cùng đùm bọc sớt chia. Biết con cháu sắp về rồi ra ngõ ngóng trông, giận chuyến xe không, vì buồn ai mà về trễ. Rổ đọt lang chờ lâu cũng dài chân cao cổ, vui vẻ góp phần đãi con cháu bữa cơm trưa.

    NÓI LỐI
    Bên ngoại ít ngày, cháu sang nhà nội,
    Nội ẩm cháu xem tàu. Tàu từng chiếc chạy ngang qua,
    Do từng quen với cảnh phố thị phồn hoa,
    Cháu lạ cảnh tàu ghe, rồi thương luôn tàu ghe quê nội.

    VỌNG CỔ
    5. Nội ẩm cháu ra bờ sông dưới tán dừa nghiêng che ngồi ngắm nhìn tàu ghe qua lại. Từng đợt sóng mấp mô vỗ bờ đùa giỡn giữa buổi ban trưa trên mặt nước sông ... đầy. Nội nói với cháu yêu, bây giống hệt ba mày. Duy chỉ khác ba con ngày trước quen sông nước, ghe tàu, không quen cảnh thành đô. Tàu ghe thưa dần ông ẩm cháu đi vô, nghe tiếng ghe tàu từ xa cháu đòi ông quay lại. Ngày qua ngày ông cháu bên nhau, hễ cơm nước xong xuôi là cháu tìm ông ẩm xem ghe tàu.

    6. Mấy ngày hè ít ỏi trôi qua, từ giã bà ông cháu lại trở về thành thị. Thấy cọng rau lang cháu liền nhắc ngoại, nghe tiếng ghe tàu cháu nhớ nội, nhớ sông. Thưở ngày xưa ba ở ruộng, ở đồng, ông bà nội ngoại của ba mất khi ba chưa kịp lớn. Dù ở đâu đô thành hay đồng ruộng thì có gì cao quý hơn tình cảm ông bà!
    Cháu vì hoàn cảnh ở xa,
    Không gần nội ngoại ông bà kính yêu,
    Chiều chiều rồi lại chiều chiều,
    Sông bao nhiêu nước cháu thương ông bà bấy nhiêu!

    Cần Thơ, ngày 16.6.2010 (mùng 5 tháng 5 Canh Dần)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 5 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  19. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    TRĂM NĂM MÃI VỊ THÀNH NIÊN
    Trần Tuấn Kiệt

    NÓI LỐI
    Từ đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa,
    Vương Trùng Dương đưa về rèn luyện võ công,
    Mãi rong chơi lơ là không tu đạo,
    Lãng du cuộc đời, luôn thơ trẻ hồn nhiên.

    VỌNG CỔ
    1. Một đứa trẻ trong xác thân người lớn, không khoái tranh đua thắng được với muôn … người. Coi mọi chuyện xảy ra như một cuộc vui cười. Biết bao nhiêu anh hùng trong thiên hạ, cùng đua tài quyết tranh đoạt bộ kỳ thư. Thế mà người lại sống rất vô tư, mãi đùa vui trong tiếng cười đầy ắp. Tháng tháng, ngày ngày như đứa trẻ thơ, không mơ màng danh thiên hạ võ công đệ nhất.

    2. Dùng đơn chưởng đè Hàm Mô Công Tây Độc, song quyền hòa ngang đối thủ với Đông Tà. Nếu có thua, là thua lòng dạ hiểm độc của con người. Nội công khả dĩ bằng Nhất Dương Chỉ của Nam Đế đã luyện rèn tuyệt kỹ công phu. Cùng Bắc Cái người vô tư giao đấu giáng long thập bát chưởng tựa như không. Tranh bá đồ vương, anh hùng cái thế, nào bằng tiếng cười thống khoái của Châu Bá Thông.

    NÓI LỐI
    Rắc rối xảy ra khi người sang Đại Lý,
    Dạy Anh Cô điểm huyệt đạo trên người,
    Rồi sinh tình, dang díu với Anh Cô,
    Một Lưu Phi sủng ái của Đoàn Nam Đế.

    VỌNG CỔ
    5. Dù hết dạ yêu thương Anh Cô nhưng vẫn nể nang giang hồ hảo hữu, Nam Đế gả Anh Cô làm vợ Lão Ngoan ... Đồng. Như đứa trẻ biết ăn năn nhưng thiếu ý thẳng lòng. Bất cẩn gây nên mối tình oan nghiệt, Châu Bá Thông rối bời trốn biệt Anh Cô. Đứa trẻ chào đời rồi về cõi hư vô, do Cầu Thiên Nhẫn ra tay sát hại. Đạo thiện tâm ông hồn nhiên mà thẩm thấu, rồi cũng tha luôn người sát hại con mình.

    6. Thân sinh ra vốn chỉ là tay trắng, thì khi mất rồi ta mang được gì theo. Ân oán trên đời như nút thắt đừng gieo, càng xiết chặt càng gây nhiều oan nghiệt. Sáng chế “Không minh quyền”, “Song Thủ Hỗ Bác”, sở hữu bên mình bộ Cửu Âm Chân Kinh. Thiên hạ đua tranh đến thân tàn ma dại, ông được bá chủ võ lâm vì bởi không màng.
    Trẻ thơ không chút bận lòng,
    Không tranh danh lợi! Cuộc đời Châu Bá Thông,
    Trăm năm mãi vị thành niên,
    Tâm hòa cùng vạn vật vạn vật hoàn nguyên tâm.

    Cần Thơ, đêm 1h25 18.6.2010
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 6 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


  21. AnKhanh
    Avatar của AnKhanh
    HAI LẦN BÁC VỀ THĂM QUÊ

    Trần Tuấn Kiệt
    Nam: Sáng ngày 16 tháng 6 năm 1957. Bác về thăm quê mẹ…
    PHỤNG HOÀNG
    (4 câu đầu)
    quê … cha, sau tháng năm dài bôn ba khắp chốn,
    Thăm nơi mình chôn nhau cắt rốn, quê mẹ Hoàng Trù, quê cha ở Làng Sen.
    Nữ: Trên những lối quen, hơn năm mươi năm qua bao thương nhớ đợi chờ,
    Nhớ bước chân ai thưở còn thơ ấu,
    Có dấu chân nào trùng lại dấu chân xưa!
    VỌNG CỔ

    1. Nam: Cảnh vật dẫu vô tri vẫn mãi nhớ ghi dáng hình giản dị, đôi dép lốp cao su, bộ áo quần ka ki màu gụ, Người về thăm quê trong bao đỗi vui … mừng. Xa cách đã lâu, nhưng Bác vẫn khắc ghi từng lối đi nhỏ trong làng. Nữ: Chỉ các cháu thiếu niên mười ba, mười bốn tuổi, Bác bảo bằng từng này ngày ấy Bác đi. Nam: Nay Bác về râu, tóc đã bạc phơ, nhiều mừng vui hơn là buồn tủi. Nữ: Dưới gốc đa làng, già trẻ ra trông, nô nức đón chào Bác về, lệ tràn dâng khóe mắt.

    2. Nam: Trước bàn thờ tổ tiên và những kỷ vật thời thơ ấu, Bác đứng lặng yên mắt ngấn lệ trào. Nữ: Người nhớ như in không sót một nơi nào. Nam: Xưa nhà Bác đầu kia là cổng, bàn thờ nhà nghèo bằng tre nứa, gá cột, không chân. Nữ: Ồ! bộ phản này nay vẫn còn đây, nhưng hình như có ngắn hơn thì phải?! Nam: Ngay cổng vào ra có cây ổi đào quả ngọt, phía sau nhà còn có một hàng cau.
    NỐI LỐI

    Nữ: Bốn năm sau, ngày 9 tháng 12 năm 1961.
    Giữ đúng lời, Bác lại về thăm,
    Nam: Lần thứ hai về lại quê nhà,
    Bác vẫn khen tương Nam Đàn, khen cà Nghi Lộc.
    VỌNG CỔ

    5. Nữ: Cũng dưới gốc đa như bốn năm về trước, Bác thăm hỏi người dân và căn dặn rất ân … cần. Đi khắp Năm Châu mà Người về quê chỉ được có hai lần. Nam: Bởi việc nước còn bộn bề toan tính, gánh nặng nghĩa tình cùng nhiệm vụ quốc gia. Nữ: Mấy mươi năm rồi ngày Bác đã đi xa, Hoàng Trù, Làng Sen bao bận thay da, đổi thịt. Nam: Không còn dịp đón Bác về thăm quê nữa, nhưng giếng Cốc, núi Chung luôn có Bác bên mình.
    LÝ CON SÁO

    Nữ: Nước sông Lam, mang nặng nỗi lòng nhớ thương.
    Nghĩa tình quê hương,
    Nam: Người đi xa, bận việc chưa về,
    Để thương nhớ vô vàn!
    Nữ: Dấu chân nào Người đi trên lối quen,
    Gốc đa xưa mỗi buổi trưa cứ chờ trông.
    Nam: Trăng Núi Hồng (1) nhiều đêm nhớ mong,
    Chở gió đi khắp xóm thôn để đòi thơ,

    Nữ: (Ca lại hai câu cuối Lý Con Sáo)
    Ôi! Hoàng Trù, Làng Sen mến yêu!
    Một miền quê nối vạn miền quê.

    (Về vọng cổ)
    6. Nam: Bác đi xa trong niềm tiếc thương toàn nhân loại, soi rọi đời sau mãi tấm gương Người.
    Nữ: "Quê hương nghĩa trọng tình cao
    Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình..." (2)
    Nam: Ai ơi! xin hãy giữ gìn,
    Giữ cho thật đẹp nghĩa tình quê hương!

    Cần Thơ, đêm 15.6.2010

    Bài ca viết kỷ niệm đúng 53 năm , lần đầu tiên Bác Hồ về thăm quê.
    (1) : Núi Hồng Lĩnh.
    (2) :Ý thơ của Bác.

    ----------------------------------------------------------------------------------------------------------------
    Báo Nghệ An online www.baonghean.vn
    Lần thứ nhất: Sau hơn 50 năm xa cách, đúng ngày Chủ nhật 16/6/1957, tức ngày 19 tháng 5 năm Đinh Dậu, Bác Hồ về thăm quê hương lần đầu tiên. (TG: Trần Minh Siêu)
    Lần thứ hai: Giữ đúng lời hứa, bốn năm sau đó, ngày 9-12-1961 Bác về thăm quê ngoại Hoàng Trù và quê nội Kim Liên.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  22. The Following 3 Users Say Thank You to AnKhanh For This Useful Post:


Trang 3/21 ĐầuĐầu 1 2 3 4 5 6 7 13 ... CuốiCuối
ANH EM CHANNEL