1. codt06
    Avatar của codt06
    NSƯT Bạch Tuyết:
    'Tâm và Tài' luôn là kim chỉ nam trong tôi"



    LTS: Có lần Bác sĩ – Luật gia Nguyễn Hữu Nhơn, trong một bài viết đăng trên báo Giác Ngộ đã dùng cụm từ Việt Nam Tam Sĩ (Nghệ sĩ, Tiến sĩ, Tu sĩ) để nói về một con người tài hoa, đa năng - Ẩn chứa một trái tim yêu thương nhân hậu nồng nàn đầy nhiệt huyết: đó chính là Cải lương Chi bảo - NSƯT – Đạo diễn – Tiến sĩ nghệ thuật học Bạch Tuyết, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Phát triển Văn hóa – Văn hóa Dân tộc – Đại học Bình Dương. Miệt mài sáng tạo nghệ thuật, ngày 31/05/2010 tới đây, tại Nhà hát Tp.HCM, NSƯT - Tiến sĩ Bạch Tuyết và những người bạn của chị sẽ tổ chức đêm ca múa nhạc - cải lương “Chào mừng thành phố trẻ” với mục đích từ thiện giúp đỡ bệnh nhân ung thư và các trẻ em mắc căn bệnh hiểm nghèo này tại chùa Pháp Võ.

    Quê hương, nơi sinh thành của chị là một vùng đất phù sa miền sông nước Tây Nam Bộ thuộc xã Khánh An, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Một vùng đất hào sản với biết bao tài năng về văn hóa nghệ thuật ra đời như : nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Mai Văn Tạo, Lê Văn Thảo, nhà thơ Viễn Phương. Về lĩnh vực âm nhạc có GS. Trần Tấn Lộc, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Phan Nhân đến các nghệ sĩ sân khấu điện ảnh Ngọc Bạch, Thẩm Thúy Hằng...

    Nghệ sĩ Bạch Tuyết vốn xuất thân trong một dòng tộc nhiều đời thuộc hàng nho giáo khoa bảng, nhưng đến thân phụ vì thời thế đã học nghề thợ máy ôtô, sau đó ông làm chủ garage tại Phompenh và Sài Gòn. Thân mẫu chị là một phụ nữ đoan trang, đức hạnh nhưng bà không may vắn số khi chị lên 8 tuổi. Mồ côi mẹ, chị được đưa vào trường dòng Saint-Esprit ăn học và sinh sống. Năm 16 tuổi, như một định mệnh dẫn dắt, chị đã đặt bước đến nghệ thuật sân khấu cải lương với một niềm đam mê cháy bỏng, cùng sự hun đúc chuẩn bị đầy tâm huyết của soạn giả Điêu Huyền, cây đại thụ trong làng ngũ tác giả cải lương, để rồi sau đó đoạt hàng loạt giải thưởng cùng nhiều danh hiệu cao quý như: Huy chương vàng giải triển vọng Thanh Tâm (1963), huy chương vàng Thanh Tâm giải xuất sắc và danh hiệu Cải lương chi bảo (1965), danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1988), giải thưởng Đào Tấn (2009).


    NS Bạch Tuyết cùng Út Trà Ôn, Hồng Nga và Thanh Sang trong Tuyệt tình ca

    Ngoài thiên chất bẩm sinh chị còn được dạy dỗ, chỉ bảo tận tâm của nhiều bậc thầy thuộc hàng đại thụ tiền bối của sân khấu như: NSND Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Kim Cúc cùng các soạn giả Điêu Huyền, Hoa Phượng, Tiêu Xái… 49 năm chị đã cống hiến cho nền nghệ thuật sân khấu nước nhà với hơn 400 vở diễn. Chị đã thủ diễn nhiều vai chính bên cạnh các tài danh sân khấu như : Út Trà Ôn, Tấn Tài, Thành Được, Hùng Cường, Thanh Sang, Minh Phụng, Minh Vương, Ngọc Giàu, Lệ Thủy… Trong đó có nhiều vở diễn kinh điển và để đời như : Tuyệt tình ca, Đời cô Lựu, Kim Vân Kiều, Dương Vân Nga, Tần Nương Thất, Mùa thu lá bay, Cô gái Đồ Long… Chị đã góp ý, dạy dỗ đào tạo nhiều diễn viên trẻ được thành danh ở cả hai miền Nam Bắc. Có thể nói chị đã góp phần định hình diện mạo cải lương trong nhiều thập niên qua, với lối xử lý nghệ thuật điêu luyện nhịp nhàng, thống nhất cao độ : Ca trong diễn - Diễn trong ca. Theo PGS - TS Nguyễn Thị Minh Thái, trong bài viết của mình về Bạch Tuyết đã đề cập lời của nhà văn Sơn Nam nhận xét như sau : “ Cô Bạch Tuyết đã là nghệ sĩ định hình, góp phần đáng kể cho bản vọng cổ và sân khấu cải lương qua bao nhiêu thử thách cam go… Lúc diễn xuất như con rồng đang bay, con phượng đang múa. Cô có nét quyến rũ, đưa người nghe vào thế giới riêng mà thực và mộng không còn ranh giới nữa”. Trong chuyến đi trình diễn ở Paris năm 1984, trên một bài báo của tờ Liberation (Paris) người viết đã gọi Bạch Tuyết là Maria Callas của Viễn Đông (Liberation P.N07 Mars 1984).

    Khác với thuận lợi trên đường nghệ thuật, đường học vấn của chị là một sự cố gắng nỗ lực phi thường. Từ một người học hành dang dở vì vào nghề cầm ca quá sớm - Chị đã từng bước âm thầm, cần mẫn để vượt qua ngưỡng cửa Đại học tổng hợp, tốt nghiệp đạo diễn ở Bulgaria và sang Anh quốc học tiếp 7 năm, vượt qua thời tiết khắc nghiệt và rào cản ngôn ngữ, chị là người nghệ sĩ cải lương đầu tiên của Việt Nam đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Nghệ thuật học với đề tài : “ Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu cổ truyền ở các quốc gia Đông Nam Á – Với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả ở thề kỷ 21” tại cả 2 viện Hàn lâm phim ảnh Sophia và Viện hàn lâm Kịch nghệ Hoàng gia Anh quốc 1995 (Royal Academy of Drmatic Art) là nơi xuất thân hàng trăm diễn viên kịch nghệ, điện ảnh được cả thế giới biết đến như : Peter O’ Toole, Robert Moley, Anthony Hopkins, Dorothy Hyson, Jonh Wyce, Susannah York, David Warner, Bark Worth…


    Cải lương chi bảo Bạch Tuyết (HCV Giải Thanh Tâm năm 1963) trao HCV Giải Thanh Tâm năm 1964 cho Thanh Sang

    Không chỉ cò bề dày diễn xuất trên sân khấu nước nhà, với hàng trăm vở cải lương cùng rất nhiều bài ca vọng cổ độc chiếc hoặc tân cổ giao duyên trên đĩa nhựa, radio, cassette, truyền hình, phim ảnh, video, chị còn đem chuông đi đánh xứ người trong hiều quốc gia như : Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện… Sự tinh tế điêu luyện đến độ uyên bác, nhằm tôn vinh bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc luôn được chị tâm nguyện học hỏi, thể hiện và trăn trở với trách nhiệm công dân trong con người nghệ sĩ dân tộc. Chị là người đầu tiên độc diễn thử nghiệm kịch bản “ Diễn kịch một mình”, cải lương “ Hoàng hậu hai vua” (giải thưởng xuất sắc năm 1997 nhân dịp kỉ niệm 10 năm Nhà hát Cải lương Việt Nam) của tác giả Lê Duy Hạnh được khán giả và báo giới phê bình đánh giá rất cao.

    Trong những thập kỷ qua, không chỉ riêng khán thính giả mộ điệu cải lương trong ngoài nước yêu mến, chị còn được nhiều nhà văn, nhà thơ, các vị giáo sư hàng đầu của Việt Nam dành cho nhận xét cảm tình ưu ái như : nhà thơ Lưu Trọng Lư, GS-NGND Hoàng Như Mai, GS. Nguyễn Lang, nhà văn Sơn Nam… qua các vai diễn ấn tượng để đời của chị.

    Trên sân khấu là vậy, nhưng trong đời thường, chị còn là một người may mắn được thấm nhuần tinh hoa thiền học Phật giáo, nhờ vậy, chị luôn có một đời sống thanh nhàn lạc đạo, tâm đắc với tinh thần “Đạo ở trong đời” của Thiền Phái Trúc Lâm yên tử mà Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ cũng là vị ân sư của chị đang phục hưng và phát triển.

    Bạch Tuyết có cuộc sống thật giản dị, trường chay đạm bạc trên 20 năm nay, tham cứu kinh điển ứng dụng tùy duyên giáo lý nhà Phật, làm những công việc từ thiện mấy mươi năm liên tục như một sự cảm thông chia sẻ và biết ơn cha mẹ, trả ơn cuộc đời. Gần đây nhất tháng 10 và tháng 11 năm 2009, nhóm từ thiện “ Bạch Tuyết cùng những người bạn” đã vận động và tổ chức 2 đêm hát chung sức chung lòng gây quỹ giúp đồng bào miền Trung bị bão lũ, một vài tỷ đồng không là bao so với nỗi khổ của con người nhưng chị và các bạn đã tổ chức từng đoàn ra tận các tỉnh miền Trung để trao tận tay từng bà con nạn nhân thiên tai hàng ngàn phần quà tình nghĩa.


    Bạch Tuyết cùng Xuân Hương trong 01 chương trình giao lưu

    Trong lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo, ngày 31/05/2007, với Trường ca Kinh Pháp cú, chị đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt nam (Vietkings và Vietbook) tôn vinh là người đầu tiên chuyển thể kinh sách Phật giáo thành trường ca kinh cải lương. Chị cũng đã chuyển thể thành công tác phẩm trường ca : Phật giáo với Dân tộc, Tường ca Tình ca Quán Âm – Kinh Kim Cương. Trong chương trình làn điệu quê hương với chủ đề “ Chào mừng thành phố trẻ” tối 31/ 5 này, NSƯT - TS Bạch Tuyết sẽ cho ra mắt tác phẩm thứ tư, để góp một phần nhỏ chào đón Đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là Trường ca cải lương “ Sơ Tổ Trúc Lâm - Phật Hoàng Trần Nhân Tông”. Chị đã bộc bạch : “ Đức vua Trần Nhân Tông là một trong những nhân vật rất ấn tượng trong đời làm nghệ thuật của tôi. Có lúc tôi vào vai Trần Nhân Tông, có lúc tôi diễn An Tư, đối thoại cùng Ngài nhưng kỳ thực là tâm trạng của chính Ngài… Mãi mãi, đó là nhân vật chưa bao giờ bạn khám phá hết được tấm lòng cũng như hoài bão của Người dành cho dân tộc Việt Nam, do vậy càng trở nên lung linh huyền ảo và mê hoặc, cuốn hút cảm thức sáng tạo nghệ thuật trong tôi”. Trong tác phẩm DVD này, trên nền nhạc âm nhạc truyền thống mà chủ đạo là các bài bản cải lương kinh điển, chị chú trọng khai thác thêm âm nhạc niềm bắc khi đi vào những bài Hội - kệ (có chất ngâm) ứng dụng thủ pháp nghệ thuật triệt để, hầu đạt đến mục đích cuối cùng, đó là cảm thụ nghệ thuật từ người sáng tạo – nghệ sĩ đến thụ cảm cảm khán giả, trong một giao thức quan hệ nhân quả, có tác động tương ứng, tương hợp.

    Tôi là người có duyên được tiếp xúc gần gũi với trong những ngày thu hình ở phim trường - Tôi thật sự cảm động khi thấy chị làm việc quên cả giờ giấc, ngày đêm, quên cả ăn nghỉ. Chị là tác giả kịch bản vừa ca diễn một mình liên tục dưới thời tiết khắc nghiệt. Có khi nắng nóng, có lúc rét run, vậy mà trên môi chị vẫn luôn nở nụ cười với vẻ mặt rạng ngời hoan hỉ. Ắt hẳn là một người có cái “ Tâm” lớn hơn “ Tài”, khiến từ một khán giả yêu cải lương đến các bậc tôn túc hầu như ai cũng dành cho chị sự trân trọng quý mến. GS Vũ Khiêu tặng chị 2 câu thư pháp dưới đây nhân dịp ông vào làm việc tại TP Hồ CHí Minh :

    “Chơn Như Bạch Tuyết Nở Rằm
    Long Lanh Nguyệt Tỏ Trong Ngần bản Lai”

    Không những là một nghệ sĩ đạo diễn tài danh mà chị còn là tác giả một số vở cải lương như : “Đài Trang”, “Tóc mai sợi vắn”, “Tình cũ nghĩa xưa”, “Mùa thu trong mắt mẹ”, “Tứ đại oán” với bút danh Nguyễn Thị Khánh An, cùng rất nhiều bản vọng cổ lay động lòng người. Chị đã đạo diễn và biên tập nhiều kịch bản sân khấu, phim ảnh có giá trị nghệ thuật tiêu biểu được khán giả mến mộ như : Kim Vân Kiều, Đoạn Tuyệt, Tần Nương Thất. Chị cũng tự vẽ những bức tranh sơn dầu mà như chị nói “để tặng riêng cho những gì mình không thể nói được với cuộc đời, với chính mình bằng lời”. Tiếp xúc với Bạch Tuyết tại tư gia của chị, tận mắt chứng kiến nhiều tác phẩm hội họa tranh sơn dầu trường phái siêu thực, lập thể chị sáng tác từ những năm 90 với gam màu phức hợp và mô thức sáng tạo phong phú người viết không khỏi ngạc nhiên về tài hoa và sức làm việc bền bỉ của chị vì con người, vì cuộc sống. Chị được mời viết báo, tham luận hội thảo. Chị làm khá nhiều bài thơ, mỗi bài thơ như một sự trải lòng với nhân sinh vạn hữu, cũng dường như là để tâm sự với chính mình, xin trích dẫn đôi câu thơ trong những bài thơ của chị dưới đây :

    NHÀ LỬA
    Người đi qua sa mạc
    Giật mình rớt trái tim
    Chợt tỉnh quay mắt tìm
    Cát bốn bề ngơ ngác…

    Người đi qua dòng sông
    Đầu bổng nhiên mất hút
    Chân trần trên củi mục,
    Tám hướng nước mênh mông

    Người đi qua ngọn núi
    Trút cổ ngậm hố sây
    Ngẩng mặt nuốt trời sầu
    Trước sau chìm khuất bụi

    Người vui chơi trong lửa
    Tứ đại hóa sen hồng
    Đầu giỡn nước ao trong
    Tim thảng cười nghiêng ngửa


    Là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo Tồn Phát Triển Văn hóa - Văn hóa Dân tộc - Đại học Bình Dương, chị cũng thường xuyên được mời nói chuyện với sinh viên các trường đại học trong và ngoài nước về đề tài văn hóa nghệ thuật dân tộc, văn hóa văn minh nhân loại. Có lúc chị nhận lời mời đến với bạn bè, khán giả, một vài công ty nói chuyện về văn hóa - nghệ thuật lãnh đạo cho các nhà doanh nghiệp, cũng có khi chị chia sẻ lại một vài kinh nghiệm tâm linh cho các Đạo tràng Phật tử trong và ngoài nước. Chị cũng đã được mời tư vấn hóa giải các vấn đề bế tắc của một cá nhân hoặc của một gia đình nào đó khi họ có đủ nhân duyên với chị. Chị thường xuyên đảm nhận vai trò MC đặc biệt của chuyên mục “ Chân dung và Đối thoại”, phát sóng thường kỳ, giao lưu với những nhân vật tên tuổi ở nhiều lĩnh vực trong xã hội, do sự hợp tác giữa Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương - Đại học Bình Dương và Trung tâm Nghiên cứu Bảo Tồn Phát huy Văn hóa Dân tộc (Đại học Bình Dương) mà chị là Giám Đốc.

    Hiện tại chị vẫn làm việc, những công việc chị ham thích về thông tin, về nghiên cứu các vấn đề xã hội liên quan đến văn hóa. Con trai duy nhất của chị là Bảo Giang đã thành đạt và lập gia đình, đang làm việc cho một công ty lớn ở Hoa Kỳ. Nhưng thật ra đối với chị đại gia đình lớn nhất đó chính là cộng đồng khán giả yêu thương, những bậc thầy cô, bạn bè, thân hữu gần xa luôn là niềm vui khích lệ, giúp chị lao động sáng tạo không mệt mỏi để đền đáp món nợ ân tình – mà theo chị hay dí dỏm là : “làm cho tròn sự trả vay hạt bụi của trời đất trong một cõi đi về này”.


    BỬU ĐẠI - Báo Văn Hiến Việt Nam – Số tháng 5/2010
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to codt06 For This Useful Post:


  3. MEM
    Avatar của MEM
    Đọc thông tin về cô Bạch Tuyết thích thật! Chúc cô sức khỏe và tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho nền sân khấu nước nhà!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:


ANH EM CHANNEL