1. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Luận anh hùng được dựng trên kịch bản của tác giả Lê Chí Trung do PGS.TS Phạm Quang Long làm cố vấn văn học, Triệu Trung Kiên chuyển thể cải lương dưới bàn tay dàn dựng của đạo diễn - NSƯT Trần Quang Hùng của Nhà hát Cải lương Hà Nội đang thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng trước thềm Đại lễ 100 năm Thăng Long.

    Trong lịch sử Việt Nam, Trần Thủ Độ là một người để lại quá nhiều đánh giá khác biệt. "Bất độc bất anh hùng", nhưng với người Việt trọng tình hơn trọng lý, những hành động "độc" để là anh hùng của ông vẫn làm các thế hệ sau cảm nhận nhiều khía cạnh không đẹp.


    Một cảnh trong vở diễn

    Chân dung một Trần Thủ Độ hào sảng, khảng khái: "Đầu thần chưa rơi xuống thì bệ hạ cứ an lòng", một Thủ Độ tài ba, quyết đoán đem lại nhiều đổi mới cho xã tắc đã từng được nhiều nghệ sĩ, nhà biên kịch khai thác. Nhưng đằng sau những mưu sách đảm lược của một Thủ Độ- cột trụ chống trời còn là một Thủ Độ đầy tâm tư. Ông đã phải hi sinh tình yêu đầu đời đẹp đẽ trong sáng của mình, chấp nhận mọi điều tiếng với những quyết định "không tiền khoáng hậu", đem lại nhiều đau khổ cho những người thân thiết, yêu thương, ruột thịt của mình để đạt được mục đích cao nhất là sự an nguy rộng lớn của dân tộc.

    Tưởng như ở ông chỉ còn là sự cứng rắn, là sự duy lý. Nhưng với cái chết theo người yêu vì uất ức của cô con gái nuôi, như giọt nước tràn ly để Trần Thủ Độ bộc lộ rõ những tình cảm sâu đậm, đầy chất nhân bản của mình.
    Với Luận anh hùng, một lần nữa khán giả đựợc cảm nhận chân dung đầy đặn hơn về nhân vật lịch sử này qua nhiều mối quan hệ vừa là sự thật lịch sử vừa là hư cấu của êkíp sáng tạo.

    Hai nhân vật chính của vở diễn, vai Trần Thủ Độ do nghệ sỹ trẻ Hoàng Viện – NSƯT Trần Quang Hùng đảm nhiệm, vai Trần Thị Dung được giao cho trẻ Hồng Nhung – NSƯT Thanh Hương cùng tập thể Nhà hát cải lương Hà Nội thực hiện.

    NSƯT Trần Quang Hùng cho biết, Luận anh hùng sẽ là tiết mục chính cùng với vở Kẻ sĩ Thăng Long của Nhà hát Cải lương Hà Nội biểu diễn trong chương trình văn hóa nghệ thuật của 10 ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long tại thủ đô.

    Thiên Lam

    (ww.maivoo.com, 11/07/2010)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 3 Users Say Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  3. romeo
    Avatar của romeo
    Lăng thái sư Trần Thủ Độ nè!

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to romeo For This Useful Post:


  5. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Trần Thủ Độ


    Câu nói nổi tiếng: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo!”


    Là thái sư đầu triều nhà Trần, người có công sáng lập và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần, khoảng gần 40 năm, từ 1226 đến 1264. Trần Thủ Độ sinh tại làng Lưu Xá, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Việt Nam[1]. Đánh giá về Trần Thủ Độ, có nhiều luồng dư luận trái chiều, ông là người có công sáng lập nhà Trần, ý kiến khác lại cho rằng ông là người đáng chê trách khi giết hại vua nhà Lý.

    Theo gia phả họ Trần, thủy tổ Trần Quốc Kinh dời đến ở hương Tức Mạc (Nam Định - Thái Bình), lấy vợ sinh ra Trần Hấp. Trần Hấp sinh ra Trần Lý và Trần Hoằng Nghi. Trần Lý sinh ra Trần Thừa, Trần Tự Khánh còn Trần Hoằng Nghi sinh được ba người con trai: Trần An Quốc, Trần An Bang và Trần Thủ Độ. Như vậy Trần Thủ Độ là cháu của Trần Lý, em họ của Trần Thừa và Trần Tự Khánh.

    Họ Trần bắt đầu tham gia chính sự từ sau loạn Quách Bốc năm 1209 - 1210 thời Lý Cao Tông vì có công dẹp loạn và tôn phò thái tử Lý Sảm. Lý Sảm lên nối ngôi, tức là Lý Huệ Tông. Quyền hành họ Trần ban đầu trong tay Trần Tự Khánh.

    Là em họ của Trần Thừa và Trần Tự Khánh, Trần Thủ Độ đồng thời là võ tướng dưới quyền Trần Tự Khánh đánh dẹp các lực lượng nổi dậy cát cứ cuối thời Lý. Năm 1213, Trần Thủ Độ theo Tự Khánh đánh kinh đô Thăng Long và thắng trận, sau đó lại đánh thắng hai tướng cát cứ ở vùng Hồng châu là Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi trong lúc trên đường đi trấn nhậm Lạng ải.
    Sau khi Trần Tự Khánh chết (1223), Trần Thủ Độ thực sự là người thay thế nắm quyền trong triều. Đối với nhà Lý, ông tỏ ra còn cứng rắn hơn Trần Tự Khánh.

    Năm 1224, ông được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ. Vua Huệ Tông và vợ, tức chị họ ông, là Trần Thị Dung có 2 con gái, người em tên là Phật Kim, được phong là công chúa Chiêu Thánh. Ông ép Huệ Tông bỏ ngôi lên làm thái thượng hoàng để nhường ngôi cho Phật Kim, tức là Lý Chiêu Hoàng, khi đó mới lên 7 tuổi.

    Sau đó ông đưa con Trần Thừa là Trần Cảnh (sau này là Trần Thái Tông), mới 8 tuổi, vào hầu Lý Chiêu Hoàng, rồi dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường ngôi để chuyển ngai vàng sang họ Trần vào cuối năm 1225. Nhà Trần thay nhà Lý bởi tay Trần Thủ Độ. Thượng hoàng Huệ Tông bị ép đi tu, truất làm sư Huệ Quang.

    Nhà Trần thành lập, ông được phong là Thống quốc thái sư, lo toan mọi việc cho triều đình nhà Trần.

    Để củng cố quyền lực nhà Trần, ông đánh dẹp các sứ quân Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng bên ngoài, sắp xếp quan lại trong triều. Năm 1232, nhân lúc tông thất nhà Lý về quê ngoại ở làng Hoa Lâm (nay là xã Mai Lâm, huyện Gia Lâm, Hà Nội) làm lễ cúng tổ tiên, ông đã làm bẫy sập chôn sống nhiều tôn thất nhà Lý[2], bắt những người sống sót đổi sang họ Nguyễn và một số họ khác để trừ tuyệt hậu họa.

    Trần Thủ Độ làm quan rất nghiêm minh, khi Thiên Cực công chúa có xin riêng cho một người làm Câu Đương, ông nhận lời. Đến lúc xét, ông gọi người ấy lên mà bảo: "ngươi vì có Công chúa xin cho được làm Câu Đương nên không thể so với người khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt." Người ấy sợ quá xin mãi mới được tha. Từ ấy không ai dám đến nhà riêng xin xỏ nữa.

    Vợ Trần Thủ Độ là Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung khi đi ngang qua cung cấm thì bị một người lính chạy cờ ngăn lại. Bà trở về nhà thuật lại và khóc: "...Mụ này là vợ ông mà bị bọn quan khinh nhờn như vậy!" Trần Thủ Độ tức giận sai bắt người lính chạy cờ về trị tội. Nhưng sau khi nghe người này trình bày nguyên do thì ông cười và nói: "Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa", sau đó ban thưởng cho người này.

    Lại có người thấy ông có nhiều quyền uy trong triều, vào gặp Thái Tông tâu rằng: "Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?"[3]. Thái Tông lập tức đưa người ấy đến dinh Thủ Độ, nói hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ trả lời: "Đúng như những lời hắn nói."[4]. Rồi lấy tiền lụa thưởng cho người ấy.

    Để ngăn ngừa sự nhen nhóm nổi lên của các lực lượng chống đối, Trần Thủ Độ đặt ra quy định khoanh vùng các làng ở nông thôn, tạo ra sự ngăn cách từng làng. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến nhiều đời sau các làng mạc Việt Nam chỉ phát triển khép kín trong lũy tre làng, không giao lưu, mở mang được với bên ngoài[5].

    Vua Thái Tông và hoàng hậu Chiêu Thánh (tức Lý Chiêu Hoàng) lấy nhau đã lâu chưa có con. Năm 1236, Trần Thủ Độ liền ép Thái Tông lấy chị dâu là công chúa Thuận Thiên - vợ Trần Liễu, chính là chị ruột của Chiêu Thánh vì Thuận Thiên đã có mang sẵn với Trần Liễu được 3 tháng. Việc đó khiến Trần Liễu thù hận cất quân nổi loạn và Trần Thái Tông toan bỏ đi tu. Nhưng trước sức ép cứng rắn của Trần Thủ Độ, Thái Tông quay trở lại ngôi vua, còn Trần Liễu sau khi thất bại cũng phải hàng phục và được phong làm An Sinh vương ở Kinh Môn (Hải Dương).

    Tuy nhiên, người con của Trần Liễu mà Trần Thủ Độ sắp đặt để làm con Trần Cảnh là Trần Quốc Khang sinh ra năm 1236 cũng không được làm thái tử dù là con trưởng. Năm 1240, Thái Tông sinh được Trần Hoảng, lập làm thái tử và sau trở thành vua Trần Thánh Tông.

    Trần Thủ Độ tuy không đỗ đạt khoa cử nhưng tài lược, thủ đoạn hơn người, không chỉ là quyền thần nhà Lý mà là quyền thần của ngay nhà Trần. Tuy nhiên, công bằng xem xét, những việc làm của Trần Thủ Độ với nhà Trần chỉ mang lại đau khổ cho chính những người trong thân tộc họ Trần - trong đó có cả người được ông đặt ngồi trên ngai vàng - còn đối với nhân dân Đại Việt nói chung, ông không gây đau thương cho họ. Đối với toàn cục của quốc gia Đại Việt lúc đó và sau này, việc làm của ông đóng vai trò tích cực. Ông giúp nhà Trần bình phục được giặc giã trong nước, làm cho Đại Việt bấy giờ được cường thịnh trở lại sau hồi suy yếu cuối thời Lý, và đó chính là cơ sở để đủ sức lực và tinh thần chống cự được với Mông Cổ. Nhiều nhà nghiên cứu đã thống nhất rằng sự thay thế của nhà Trần đối với nhà Lý trong thời điểm đó - mà sự thay thế và xây dựng ban đầu không thể không nói tới Trần Thủ Độ - có vai trò quyết định sự tồn vong của Đại Việt trước nguy cơ ào tới của vó ngựa Mông mà Trung Hoa lớn mạnh ở phương Bắc cũng không trụ nổi[6].

    Sử chép: "Thái Tông lấy được thiên hạ đều là mưu sức của Thủ Độ cả, cho nên nhà nước phải nhờ cậy, quyền hơn cả vua."[7].

    Vì Trần Thủ Độ giết vua Lý Huệ Tông rồi lại lấy vợ vua (Trần Thị Dung) nên ông bị các nhà sử học phong kiến chê trách.

    --------------------
    1. ^ Theo Các triều đại Việt Nam - Quỳnh Cư, Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, 2001
    2. ^ Theo Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 2. Ngô Sĩ Liên khi chép lại sự kiện này có chú là "việc này chưa chắc đã có thực".
    3. ^ Các đoạn trích dẫn đều lấy ở sách Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1967, Tập I, II
    4. ^ Các đoạn trích dẫn đều lấy ở sách Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1967, Tập I, II
    5. ^ Trần Xuân Sinh, sách đã dẫn, tr 97
    6. ^ Trần Xuân Sinh, sách đã dẫn, tr 96
    7. ^ Các đoạn trích dẫn đều lấy ở sách Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1967, Tập I, II
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL