1. MEM
    Avatar của MEM
    Bầu gánh xưa và nay
    Kỳ 1: Ngày xưa: yêu nghề lập gánh

    SGTT.VN - Các đoàn cải lương hiện đang sống ngắc ngoải ngay trên cái nôi sinh ra nó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của cải lương, nhưng nguyên nhân chủ yếu phải chăng cải lương đang thiếu một tầm nhìn trong chính sách phát triển văn hoá? Đặc biệt, thiếu hẳn những “bầu gánh” tâm huyết, xả thân, không chỉ lo cho gánh hát của mình mà còn cho sự tồn tại của nghiệp cải lương.


    Rạp hát cải lương những năm 60

    Cải lương ra đời từ năm 1917 ở Sa Đéc, từ gánh xiếc của thầy Andrel Thận, với vở Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu. Đây là vở tuồng sơ khai đầu tiên, nhưng đã rất đông khách. Năm 1918, vở Kim Vân Kiều của thầy Năm Tú được đánh dấu là ngày cải lương chính thức hình thành tại Mỹ Tho, và ông Trương Duy Toản được coi là “thầy tuồng” đầu tiên. Từ đây, các gánh hát đồng loạt ra đời, do tư nhân làm chủ gánh.

    Thời vàng son của cải lương là thập niên 60 – 70 thế kỷ trước, với những giọng ca vàng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thanh Nga, Út Bạch Lan, Văn Hường, Hùng Cường, Bạch Tuyết, Tấn Tài, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Minh Cảnh, Minh Vương, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thuỷ…

    Mỗi gánh hát bắt đầu bằng một nền tảng, đường lối, phong cách khác nhau. Giới cải lương ai cũng biết đến: “Nhất Chưởng (Kim Chưởng), nhì Thơ (bầu Thơ), tam Long (bầu Long), Tứ Út (Út Trà Ôn)". Gánh Kim Chưởng nổi tiếng vì bà bầu khó tính, lăng xê rất thành công Minh Chí thành ông vua xàng xê, Ngọc Giàu thành giọng ca thần sầu. Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga của ông Năm Nghĩa và bà bầu Thơ, cùng nữ tiểu chủ Thanh Nga, con gái bà bầu Thơ là gánh hát tiêu biểu có tuổi đời dài nhất, chuyên diễn tuồng xã hội.


    Bà bầu đoàn Hương Mùa Thu

    Nghệ sĩ Bảo Quốc, con trai bà Bầu Thơ và ông Năm Nghĩa kể: “Bầu gánh ngày xưa vì yêu nghề mà lập gánh hát, không có mộng làm giàu, nên không hưởng lợi một mình mà chia đều cho mọi người, có khi phải chịu thiệt thòi để giữ nghề, như giữ đạo vậy. Ba tôi ngày xưa là thầy giáo dạy học ở Bạc Liêu, bạn thân của ông Cao Văn Lầu, hai người hay đàn hát với nhau. Còn má tôi buôn bán ở Tây Ninh. Đoàn Thanh Minh thành lập vào tiết Thanh Minh, khi chị Thanh Nga nổi danh, ba má tôi kết hợp đổi tên thành đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Nghề làm bầu cũng thăng trầm lắm. Ba má tôi luôn ký hợp đồng độc quyền với nghệ sĩ. Đoàn hơn 50 người, khi mở màn hát dù có vai hay không có vai cũng đều được lãnh lương, có cơm ăn hai bữa trưa và chiều. Anh em hậu đài cũng được ký hợp đồng và được phục vụ ăn như diễn viên, lương của hậu đài được tính rất cao. Đoàn Thanh Minh diễn luân phiên ở rạp Hưng Đạo, Quốc Thanh (nay thành trung tâm tiệc cưới! – PV), Nguyễn Văn Hảo (rạp Công Nhân bây giờ). Hợp đồng rạp ký trước một năm, khi đoàn khác muốn đến hát phải thuê lại của mình.

    Ba tôi mất sớm, người chịu trách nhiệm về kinh doanh chủ yếu là má tôi. Bà gồng gánh cả đoàn hát với một tư chất mạnh mẽ, rất có uy, khiến các nghệ sĩ lớn rất nể trọng. Tôi nhớ sáng sáng, 9 giờ tập tuồng thì 8 giờ bà già đã ngồi trên bộ ván, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Đào kép nào đến trễ đều toát mồ hôi hột trước sắc diện của bà. Mỗi tháng, đoàn đều ra một vở mới, cảnh trí mới. Sau giải phóng, cải lương được phục hồi, hưng thịnh lắm. Người ta xếp hàng từ 7 giờ sáng trước rạp Hưng Đạo, cả ngàn vé đến 9 giờ đã bán sạch. Các đoàn khác cũng rất mạnh. Mỗi lần mở màn, khi đèn từ từ sáng lên là khán giả vỗ tay rần rần vì cảnh trí rất đẹp. Mỗi lần chuyển bến nhà tôi phải tốn đến ba xe tải, trong đó hai xe là dành để chở cảnh trí. Má tôi thường nói: “Muốn giữ chân khán giả phải đặt nghệ thuật lên trên hết, dù tốn kém mấy cảnh trí phải đẹp”.

    Bây giờ, sân khấu cách điệu nhiều quá khiến người diễn không thể nhập vai được, người xem cũng không thích. Ngày trước, trang phục cũng đầu tư rất kỹ lưỡng. Người nghệ sĩ mỗi lần bước ra sân khấu thấy hào hứng lắm. Không có chuyện thay vai, trừ trường hợp bệnh nặng hoặc bị tai nạn, vì mỗi lần thay vai khán giả trả vé liền, tốn kém dữ lắm. Đoàn nuôi một bộ phận soạn giả gồm Hà Triều, Hoa Phượng, Nhị Kiều, Hoàng Khâm, Kiên Giang… Mỗi soạn giả đều được hưởng 6% doanh thu mỗi đêm khi có vở diễn. Việc trở thành ngôi sao là cơ hội dành cho tất cả mọi người, từ quân sĩ, cung nữ cũng được học ca, nếu đóng thế thành công thì cuộc đời sẽ lên hương liền…”.

    Bầu gánh ngày xưa vì yêu nghề mà lập gánh hát, không có mộng làm giàu nên không hưởng lợi một mình mà chia đều cho mọi người, có khi phải chịu thiệt để giữ nghề như giữ đạo vậy.
    Trong giới cải lương ai cũng biết đến hợp đồng trị giá hai triệu bạc, mức cát sê kỷ lục nhất của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga dành cho Út Trà Ôn. Nghệ sĩ Út Trà Ôn khởi nghiệp với những vai nhỏ, nhưng lương chẳng được bao nhiêu. Năm 1953, bà bầu Thơ và ông Năm Nghĩa mời ông về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. Từng ca cặp với Út Trà Ôn, nên ông Năm Nghĩa hiểu sức hút của giọng ca này. Lập tức Út Trà Ôn trở thành “đệ nhất danh ca”, sánh vai cùng ba đào chánh là Kim Chưởng, Thuý Nga, Kim Anh, và từ đó, ông không hề bỏ gánh, sau này tái ký hợp đồng, Út Trà Ôn vẫn được giữ nguyên mức cát sê như cũ.


    Kỳ 2: Mỗi gánh hát là một “lò luyện thép”

    KIM YẾN
    ẢNH: TƯ LIỆU HUỲNH CÔNG MINH
    Theo SGTT.VN
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  3. MEM
    Avatar của MEM
    Bầu gánh xưa và nay

    Kỳ 2: Mỗi gánh hát là một “lò luyện thép”

    SGTT.VN - Ngày xưa, mỗi gánh hát là một “lò luyện thép”. Do hợp đồng ký chặt chẽ nên giờ giấc tập tuồng rất nghiêm túc, ai đến trễ phải xin phép bầu gánh hẳn hoi, vi phạm nhiều lần có thể... hầu toà. Do ràng buộc chặt chẽ như vậy nên nghệ sĩ luôn cố làm việc thật tốt.


    Nhà báo Trần Tấn Quốc, người sáng lập giải Thanh Tâm

    Đại ban của ông Ba Bản (cũng là chủ hãng đĩa Hoành Sơn) trụ tại rạp Thủ Đô, có nghệ sĩ Ngọc Hương và Thu An, cùng những kịch bản “đo ni đóng giày” cho nghệ sĩ, với sân khấu đại vĩ tuyến và cảnh trí lộng lẫy do được đầu tư thích đáng.

    Ông Ba Bản có cách làm khác người: mỗi vở diễn mới ông đều mở cửa mời khán giả vào xem tự do, để họ về quảng cáo cho vở diễn. Đoàn Kim Chung của bầu Long có bảy đoàn hát chuyên diễn lục tỉnh, đi đến đâu là đặc kín người xem, với các giọng ca do chính ông phát hiện như Lệ Thuỷ, Mỹ Châu, Minh Vương, Minh Phụng… Mỗi đại ban đều thực hiện việc ký kết hợp đồng với diễn viên, cùng dàn tác giả giỏi tiêu biểu cho phong cách của mình, trên cơ sở thế mạnh của từng ngôi sao. Nhờ vậy, nghệ sĩ đều có bài ruột mà người khác không hát được, cũng không có hiện tượng lấy bài, giành bài của người khác, vì mọi thứ đều được kiểm soát chặt chẽ bằng pháp luật. Điều này giúp cho ngôi sao được định vị rõ ràng trong lòng khán giả. Trên cơ sở được bảo bọc, tạo cái nôi, tạo bệ phóng, nếu có tài năng thì nghệ sĩ sẽ phát triển rất nhanh. Thanh Nga, Ngọc Hương, Út Bạch Lan… mỗi người đều có cái riêng của mình, nên cách viết “đo ni đóng giày” cho từng ngôi sao giúp họ toả sáng rất nhanh.

    Nghệ sĩ Bạch Tuyết kể: “Ngày xưa, mỗi gánh hát là một “lò luyện thép”. Hợp đồng ký chặt chẽ, nên giờ giấc tập tuồng rất nghiêm túc, ai đến trễ đều phải xin phép bầu gánh đàng hoàng, vi phạm nhiều lần có thể phải hầu toà. Do có ràng buộc như vậy, nên nghệ sĩ luôn phải làm việc thật tốt. Ngoài thu nhập ổn định từ hợp đồng, mỗi đêm diễn nghệ sĩ còn có thu nhập riêng tuỳ theo tài năng. Nếu đại ban nào muốn mua lại đào, kép của một đại ban khác, thường phải bồi thường gấp đôi hợp đồng. Mỗi hợp đồng thường ký thời hạn hai năm, đó cũng là thời gian giúp một nghệ sĩ có thể trở nên nổi tiếng”.


    Nghệ sĩ Thanh Nga

    Bầu gánh xưa luôn giữ mối quan hệ thân tình với kịch tác gia để cùng giữ gìn, chăm chút cho đường lối của gánh mình. Cách tiếp cận với nghệ sĩ cũng rất tế nhị.

    Cũng phải kể đến vai trò của báo chí trong việc phát triển cải lương. Luôn luôn có hai hướng: những tờ báo lá cải chuyên khai thác đời tư của nghệ sĩ, và hướng báo chí chính thống gồm những cây viết tài hoa, có học, tâm huyết với sự nghiệp văn hoá nghệ thuật dân tộc. Dòng báo chí này rất đông độc giả, nghệ sĩ cũng dựa vào đây mà học hỏi để tự sửa mình. Người khai sáng giải Thanh Tâm là ông Trần Tấn Quốc, tổng biên tập Đuốc Nhà Nam, một tờ báo uy tín trong giới văn hoá nghệ thuật. Chính ông đã khai sinh trang kịch trường, xoá tan thành kiến của mọi người với cải lương. Các ký giả uy tín thời bấy giờ được chọn làm giám khảo, lặng lẽ đi coi hát, cuối năm bình chọn người sáng giá nhất. Điều này khiến bản thân nghệ sĩ và bầu gánh phải nỗ lực sáng tạo hàng ngày, liên tục, vì đâu có biết ai mà lo lót. Kết quả cũng rất đàng hoàng, chính người được giải cũng bất ngờ. Khi nghệ sĩ đã được giải, thì tiền cátsê lập tức tăng theo, uy tín phát triển.

    Những bầu gánh xưa luôn giữ mối quan hệ thân tình với một nhóm kịch tác gia để cùng giữ gìn, chăm chút cho đường lối của gánh mình. Cách tiếp cận với nghệ sĩ cũng rất tế nhị, vì nghệ sĩ thường là người nhạy cảm, dễ bốc đồng. Cách sử dụng nhân tài không chỉ khai thác hết khả năng, mà còn giúp nghệ sĩ khắc phục nhược điểm. Đoàn Kim Chưởng nổi tiếng với việc chuyên đào tạo diễn viên trẻ có khả năng trở thành ngôi sao. Nhiều diễn viên đã thành danh nhờ được má Bảy Phùng Há “bẻ tay, bẻ chân”. Cách đào tạo cũng khác bây giờ. Các bầu gánh thường xuyên đi khắp miền Tây, phát hiện những người trẻ có giọng hát thiên phú, vì đây là ca kịch, nên trước tiên cần giọng hát. Bầu gánh có con mắt tinh đời lắm, nên biết ngay ai là người có tư chất và giọng ca hay. Lệ Thuỷ, Thanh Kim Huệ – “giọng ca thần sầu một thuở” đều được phát hiện bằng mắt xanh bầu gánh.


    Nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa – Bạch Tuyết

    Kỳ cuối: Người làm nghệ thuật không thể cơ hội

    KIM YẾN
    ẢNH TƯ LIỆU: HUỲNH CÔNG MINH
    Theo SGTT.VN
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  5. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Ông bầu MEM sau này... lên làm bầu gánh Anh-Em không ta?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:


  7. Hồng Phượng
    Avatar của Hồng Phượng
    Thì đã và đang rồi còn gì nữa ! Muội hỏi thừa quá ah !
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. MEM
    Avatar của MEM
    Bầu gánh xưa và nay

    Kỳ cuối: Người làm nghệ thuật không thể cơ hội

    Việc ký giao kèo giữa nghệ sĩ tên tuổi và bầu gánh âm thầm diễn ra suốt gần hai thập niên trong thế kỷ trước đã thật sự chấm dứt từ tháng 9.1971, sau khi bà Tiêu Thị Mai, chủ rạp Quốc Thanh, bầu gánh đoàn Thái Dương qua đời.


    Cơ ngơi cải lương đã mất

    Rạp hát Hưng Đạo dù nhiều lần được đầu tư sửa chữa nhưng kiến trúc quá cũ, nội thất xuống cấp, công năng phục vụ khán giả tuồng cổ, cải lương chỉ có thể phát huy khi được đầu tư xây mới.


    Ảnh: Lê Quang Nhật

    Cải lương bây giờ thuộc về quản lý của nhà nước, tập thể. Tư nhân đầu tư cho cải lương chỉ được gọi là bầu sô, tuỳ thời điểm, tuỳ vở mới chọn diễn viên đi “đánh lẻ”, chứ không lo cho sự sống chết của một đoàn hát như bầu gánh. Ngay cách gọi này cũng nói lên sự chụp giật, ăn xổi ở thì của nó. Cải lương xuống dốc, phim Tàu và phim Hàn tràn ngập trên truyền hình. Số đông đào kép chính chuyển nghề, hoạt động cầm chừng. Cải lương suy còn do những nghệ sĩ cải lương sau này chỉ sống dưới bóng của các tiền nhân tài hoa để lại. Nhu cầu của xã hội càng ngày càng cao, còn cải lương lại giậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi.

    Ở Sài Gòn, các nhà hát cải lương ở mỗi quận giờ trở thành… cơ sở kinh doanh. Ngoài rạp Quốc Thanh chuyên tổ chức đám cưới, một số rạp khác biến thành trung tâm thương mại, nhà sách, quán càphê. Rạp Thủ Đô sơn phết bên ngoài, bên trong bệ rạc vô cùng, nếu có hoả hoạn khán giả không biết chạy đâu! Ngay cả nhà hát duy nhất được gọi “thủ phủ của cải lương” là Hưng Đạo cũng quá xuống cấp phải ngưng diễn để sửa chữa. Không thể trụ lại ở những rạp hát lớn khi mỗi suất diễn chỉ lèo tèo vài trăm khán giả, các đoàn cải lương tìm đường đến với bà con vùng sâu nông thôn. Nhưng kịch bản không có cái mới, nên không thoả mãn được khán giả, hơn nữa, tinh thần thực dụng kiểu “mì ăn liền” của các bầu sô càng làm cho khán giả quay lưng với cải lương. Bầu sô bây giờ chẳng còn gan lì, liều mạng nữa, họ… sợ tất cả, từ khán giả, ca sĩ ngôi sao, giang hồ ruộng cho đến ông nhà đèn: chỉ cần ai trong số đó mất lòng thì bể sô là cái chắc! Đi diễn tỉnh, sân khấu là các nhà văn hoá bị bỏ hoang lâu ngày, vài ba cái đèn sơ sài, tạm bợ, diễn viên đi trên sân khấu sụp lên sụp xuống, khán giả thì ngồi bệt dưới đất. Vì kế sinh nhai, có khi nghệ sĩ phải hát trong tiếng “dzô, dzô” của đám tiệc, rất đau lòng.

    Nỗi đau người trong cuộc

    Nghệ sĩ Bạch Tuyết ngậm ngùi: “Đã có lần tôi bị một quan chức đề nghị hát giữa bàn tiệc, tôi nghiêm mặt nói các anh ăn uống xong xuôi đi, rồi qua phòng bên tôi sẽ hát. Ông ấy xám mặt. Người làm nghệ thuật không thể cơ hội được. Phải có cái tâm sáng mới có thể làm giàu bằng nghiệp cải lương. Cải lương xuống dốc không phanh, bởi ngày nay không còn những gánh hát như xưa nữa. Các đoàn hát, nhà hát của nhà nước tính hợp lý ít đi, quản lý cũng không khoa học. Ngày xưa các bầu gánh phản ứng rất nhanh nhờ tổ chức quy củ từ trên xuống dưới, lợi nhuận cao mà ít tốn tiền, từ nghệ sĩ, khán giả, bầu gánh… không ai mất lòng nhau. Nghệ thuật phải dựa trên một cơ sở có thật. Là nghệ sĩ cải lương, trước tiên phải hát hay, diễn giỏi, được báo chí khen, được lên lương. Là đào chánh, một hợp đồng hai năm đủ cho họ mua căn nhà đàng hoàng, ngoài ra, mỗi đêm còn được lãnh lương trị giá nửa cây vàng, nên nghệ sĩ được sống đàng hoàng, được tôn trọng. Nhờ có cuộc sống vững vàng, nên nghệ sĩ chỉ lo đi tập tuồng đúng giờ, hát cho hay, lên sân khấu cho đẹp, và sự nổi tiếng sẽ đi đôi với giàu có. Đó là con đường làm giàu chánh pháp. Còn bây giờ, gánh hát tan rã, anh em nghệ sĩ còn yêu nghề đành phải kiếm sống bằng cách đi hát phục vụ trong những quán nhậu hàng đêm, ban ngày đi làm công việc khác. Nghệ sĩ trẻ bây giờ cũng rất bơ vơ, những cây viết về cải lương thì hời hợt, khiến họ không biết soi rọi vào đâu để tự đánh giá về mình, “chùi rửa” mình sau mỗi đêm diễn, nên cứ mờ dần. Đời sống cải lương đang uể oải thế, làm sao có vở diễn chinh phục lòng người. Người chuyên nghiệp cũng chẳng có chỗ nào để diễn. Chúng ta chỉ ca vọng cổ thôi, chứ không còn cải lương; chỉ còn hội trường thôi, chứ không còn nhà hát. Nghe ca mà âm thanh bể hết, cứ hét rần rần thế khiến lỗ tai của người nghe bị bịnh luôn. Nhà hát ngày xưa các bầu gánh chăm chút kỹ lưỡng về âm thanh, kiến trúc như một nhà hát Tây. Còn ngày nay, rạp hát xuống cấp, văn hoá xem hát cũng xuống cấp theo, ở đó, người ta tha hồ gác chân lên ghế để ăn hạt me như cái chợ… như thế thì trên sân khấu làm sao mà diễn nghiêm túc được”.

    Nghệ sĩ trẻ cải lương bây giờ rất bơ vơ. Các cây viết cho cải lương thì hời hợt khiến họ không biết soi rọi vào đâu để tự đánh giá mình, “chùi rửa” mình sau mỗi đêm diễn.
    Nhiếp ảnh gia Huỳnh Công Minh, người gắn bó cả đời với nghiệp chụp hình cho các vở diễn cải lương, tỏ ra đau lòng: “Hồi xưa, Sài Gòn có hơn 30 rạp hát cải lương ở nội và ngoại thành. Cải lương bây giờ đã chết vì không còn rạp nữa. Các soạn giả kể từ khi “bị” vô trại sáng tác cũng “tắt” luôn cảm hứng. Tuồng lịch sử, tuồng xã hội bây giờ hầu hết đều diễn lại vở cũ, không tiếp thu sáng tạo cho thời đại mới, cải lương mất luôn lớp khán giả kế thừa. Vầng trăng cổ nhạc mỗi tháng một lần chỉ là những trích đoạn, mà hát vọng cổ chứ không phải cải lương”. Nghệ sĩ Bảo Quốc thì than thở: “Bầu sô bây giờ không quản lý nghệ sĩ, mà chỉ huy động theo từng vở diễn, nên khi tập cứ có người này lại thiếu người kia. Anh em nghệ sĩ cũng không gắn bó với nhau nhiều, vì rày đây mai đó, nên tình cảm cũng nhạt nhoà”.

    Do thiếu kịch bản, đoàn này lấy kịch bản của đoàn kia cũng chẳng ai lên tiếng bảo vệ, các vở diễn cứ na ná, lền lền nhau, chẳng ai nhớ nổi. Nghệ sĩ Bạch Tuyết khẳng định: “Cải lương muốn sống đàng hoàng, trước tiên phải trở lại với văn hoá thưởng thức của chính nó. Cải lương ngộ lắm, như gió đưa bụi chuối sau hè, ngày nào cũng phải “lên đường”. Có thể là một Kim Vân Kiều hoành tráng, cũng có thể chỉ với chiếc đàn bầu trên chiếc xuồng ba lá, bà con vẫn xúm lại rần rần. Ai yêu quý cải lương hãy làm đi, đừng đao to búa lớn càng không hiểu cải lương. Khi không hiểu, thì không thương. Khi không thương, không nuôi dưỡng thì làm sao phát triển. Nghệ thuật là phải thanh xuân. Cải lương không còn nhà hát, mất nền tảng, làm sao những người trẻ có năng lực muốn bước vào cải lương? Nếu có một ước mơ, tôi chỉ ước mỗi quận có vài ba nhà hát cho nhiều loại hình khác nhau. Nếu văn hoá dân tộc bị mai một, xã hội sẽ bị tật nguyền, thiếu không khí trong lành để tâm hồn được thở. Trách sao được khi trẻ em hôm nay cứ lao vào game online sống với thế giới ảo”.


    KIM YẾN,
    ẢNH: LÊ QUANG NHẬT
    Theo SGTT.VN
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  9. The Following 2 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  10. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Nguyên văn bởi Hồng Phượng
    Thì đã và đang rồi còn gì nữa ! Muội hỏi thừa quá ah !
    Tỉ à... có thật muội hỏi thừa không đây?

    Mình là CLB Anh-Em mà, đến chừng nào lên được "gánh".... ái cha.... 1 chặng đường gian nan.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  11. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    20 năm trước khi cải lương còn hưng thịnh, có khá nhiều nghệ sĩ thành lập đoàn hát để vừa đảm nhiệm cương vị bầu gánh (trưởng đoàn), vừa hát vai chánh cho đoàn "nhà" của mình.

    Có thể kể tên các nghệ sĩ sau đây :

    -Cố nghệ sĩ Kiều Hoa : làm bầu đoàn Sông Bé 3 (1987), Sao Ngàn Phương (1993), rồi Tiếng hát Kiều Hoa (1994). Kiều Hoa lần lượt hát chánh với các nam nghệ sĩ Minh Thiện, Châu Tuấn (anh trai của NS Kim Tiểu Long hiện nay)...

    -Nam nghệ sĩ Vương Linh : bầu gánh đoàn Tiếng hát Vương Linh (Đồng Nai, 1993), sau đổi tên thành đoàn Trung Hiếu (khác với đoàn Trung Hiếu thuộc Công an TPHCM, khi đó đã giải thể). Trên SK nhà, Vương Linh đóng cặp với các cô đào chánh Thanh Lý Thu, Mỹ Trinh, Hương Thủy, Anh Thư.

    -Nam nghệ sĩ Vũ Linh Tâm : Đoàn Bông Hồng Vàng do anh làm trưởng đoàn đăng ký hoạt động tại tỉnh Vĩnh Long (1993-1994). Khán giả các tỉnh có dịp xem đoàn diễn đều quen thuộc tên cặp đào kép chánh Vũ Linh Tâm - Bảo Trân.

    -Đôi vợ chồng nghệ sĩ Tuấn Linh - Thanh Lan : Thanh Lan (sinh năm 1959) là em gái của nữ nghệ sĩ Thanh Ngọc (hai nghệ sĩ trẻ Tuấn Sang - Thanh Uyên của nhóm Vũ Luân, là con của nghệ sĩ Thanh Ngọc, nên gọi Thanh Lan là dì ruột). Hai vợ chồng nghệ sĩ này thành lập đoàn CL Sân khấu mới Đồng Nai lưu diễn các tỉnh những năm 1992-1993 và đảm nhận luôn vai trò đào kép chánh của đoàn.

    -Đôi nghệ sĩ chánh Chế Tâm - Diễm Hoàng : Họ thành lập đoàn CL Tiếng hát Vũ Linh (mặc dù không có NS Vũ Linh), đăng ký tại tỉnh Cần Thơ năm 1993. Do khán giả bị ngộ nhận nên hai nghệ sĩ này đổi tên lại là đoàn CL Hồng Nhung.

    -Đôi vợ chồng Thanh Tú - Trang Bích Liễu : Họ thành lập đoàn CL Sân khấu mới Tiền Giang lưu diễn các tỉnh miền Tây những năm 1991-1992. Khoảng năm 1993, họ về thành phố bỏ vốn để lèo lái đoàn CL Thanh Nga. Trên SK này, bà bầu gánh Trang Bích Liễu hát chánh với nam nghệ sĩ Minh Minh Tâm.

    -NS tài danh Ngọc Hương : Tên tuổi của cô gắn liền với đoàn CL Hương Mùa Thu, nơi mà Ngọc Hương cùng chồng là soạn giả Thu An làm bầu gánh. Trên SK này, khán giả biết nhiều đến NS Ngọc Hương với các vai đào chánh trong các vở Con cò trắng, Bến đò tao ngộ, Điệp khúc hương cau, Gánh cỏ sông Hàn....Năm 1994, NS Ngọc Hương bán xác gánh lại cho nam NS Minh Phụng, đoàn hoạt động với đôi nghệ sĩ chánh Minh Phụng - Mỹ Châu. Một thời gian sau, đoàn đổi tên thành Tiếng Chuông Vàng - Minh Phụng.

    Do tình hình sa sút chung của cải lương, hiện nay hầu hết các đoàn trên đều không còn tồn tại.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 2 Users Say Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  13. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    Hôm qua đọc được thông tin này, thấy thú vị, muốn chia sẻ với bà con nhà mình đọc...Bà bầu hát này đúng là đáo để thật..hihi...PV học hỏi nha...

    Chưa ai gan bằng bà bầu cải lương này




    Hình vũ nữ sexy Xuân Thanh Phương

    Ðàn bà làm bầu gánh thì chẳng thiếu gì, kể ra thì hằng hà sa số như bà Cò (bầu Việt Hùng-Minh Chí), bà Ba Khan (bầu Minh Chí-Việt Hùng), bà Thơ (bầu Thanh Minh-Thanh Nga), cô Bảy Chưởng (bầu Kim Chưởng-Thanh Hương), Thúy Nga (bầu Thúy Nga), bà Giáo Chuẩn (bầu Tân Tân), cô Mười (bầu Tinh Hoa), cô Chín Bia (bầu Nam Phong)...

    Thế nhưng, chưa ai gan bằng bà bầu gánh Hương Việt, một gánh hát nhỏ thường hoạt động ở vùng cận ô tỉnh Gia Ðịnh. Không thấy lúc nào khá, nhưng bà bầu thì lúc nào miệng cũng nở nụ cười tươi như hoa. Từ một ông trưởng ấp đến một ông nghị Ðô Thành, rồi đến một ký giả đều phải phục bà ta sát ván.

    Có hôm đoàn hát Hương Việt của bà ta diễn ở miệt Gò Vấp và thu hái không khá lắm, nên bà ta mới tới một ông trưởng ấp nhờ ông này mua giàn hát hội giùm, để cho gánh hát của bà đêm chót có tiền xăng nhớt dọn đi nơi khác. Ông trưởng ấp thấy bà bầu cũng có duyên nên ừ ừ hử hử cho qua chuyện. Và chẳng rõ ông ta có hết lòng chạy cho buổi hát hội hay không mà vào giờ chót đoàn Hương Việt thất vọng, vì chẳng có việc xã ấp nào mua giàn hết ráo, nên gánh hát đành nằm dầm tại đình.

    Thế là bà bầu oán hận ông trưởng ấp nên tới trụ sở tìm ông này luôn, khiến ông này đâm ra sợ cái lối năn nỉ ỉ ôi của bà bầu nên lại chẳng chịu ló mặt tới trụ sở. Bà bầu không chịu thua, bà ta tìm tới nhà riêng của viên trưởng ấp và sau khi giáp mặt nhau, chẳng rõ lời qua tiếng lại sao đó, mà phút chốc cả xóm lại thấy bà bầu thoát y chạy vụt ra đường la làng chói lói. Thiên hạ tụ tập lại xem, thì được bà bầu cho biết rằng chính ông trưởng ấp này mời bà ta tới nhà để thương lượng mua giàn hát, không ngờ ông ta lại xuất kỳ bất ý đòi hãm hiếp bà ta tại nhà. Bà lại hăm cho báo chí biết ra chuyện xấn hổ này. Ông trưởng ấp kẹt cứng, đành xuống nước năn nỉ bà ta lấy đỡ mươi ghim mà dọn gánh đi nơi khác cho khuất mắt.

    Hạ ông trưởng ấp như thế bà ta vẫn thấy chưa đủ, cho nên sau đó bổn cũ soạn lại với một ông nghị Ðỗ Thành ở Chợ Lớn. Số là ông nghị này có một nhà hàng lớn, thường hay quảng cáo trên báo. Bà bầu nhà ta biết vậy nên mò tới xin cho gánh hát bà ta một tấm màn, trên đó thêu những dòng chữ quảng cáo cho nhà hàng. Ông nghị chấp nhận trên nguyên tắc và cho đàn em đi điều tra xem gánh hát của bà này lớn nhỏ để tùy tiện sắm tấm màn có giá hay không. Khi được bọn em út cho biết rằng gánh Hương Việt nhỏ xíu, khán giả chẳng có bao nhiêu, lại nữa là khán giả bình dân không nên chẳng ăn thua gì đến việc quảng cáo cho một nhà hàng lớn. Ông nghị bèn làm lơ luôn với việc cho gánh hát tấm màn như đã hứa. Bà bầu ta tức giận đến tràn hông, nên tìm cách trả thù và thừa biết nhà riêng của ông này, bà ta chọn giờ trong nhà vắng vẻ, mang thân tới xin gặp ông nghị. Ông này buộc lòng phải tiếp bà bầu, và rồi sau năm ba câu chuyện gì đó, “tuồng cũ” của bà với ông trưởng ấp hôm nào được diễn lại với ông nghị. Ông này hoảng quá, sợ xấu hổ với người qua đường và hàng xóm nên vội vã năn nỉ kéo bà vào nhà, xỉa cho bà ta năm mươi ghim, gọi là để bà ta tự ý mua hàng may màn cho gánh hát, và trên tấm màn ấy muốn thêu gì đó thì cũng được. Thế là bà bầu lại một lần nữa thắng lợi lớn.

    Nhưng chuyện tới đó vẫn chưa hết, vì rằng sau hai vụ đổ bể nói trên, có anh ký giả già biết ra và viết bài chửi bà bầu sát ván. Bà này thì chẳng mấy khi đọc báo, nhưng nghe em út nói lại nên mới lê gót tới Ngã Tư Quốc Tế mà tìm anh ký giả già than thỉ ỉ ôi, xin đừng chửi bà mà tội nghiệp. Anh nhà báo già chừng như đòi điều kiện sao đó, nên bà bầu mời ông ta nên đến đoàn chơi một lần cho biết. Ông nhà báo thì có sẵn chiếc Vespa nên đèo bà bầu về gánh luôn cho tiện việc. Xe chạy về Ngã Năm chuồng chó, khi tới sân đánh gôn của Mỹ thì bà bầu mới bảo ông nhà báo già quẹo vào sân này để bà tìm người quen kiếm rượu về đãi khách.

    Ông nhà báo già tưởng thiệt, đèo bà bầu vào đó, và khi tới chỗ vắng vẻ, bà bầu chợt nhào xuống khỏi xe, chạy là bài hải, khiến cho thiên hạ quanh đó bu lại xem. Bà bầu khóc lóc kể lể rằng ông nhà báo già dụ dỗ chở mụ đi ăn, nhưng lại đưa vào sân gôn... đòi hỏi này nọ. Dầu có cãi lẽ trước thiên hạ cho đỡ khổ, nhưng ông nhà báo già cũng thấy ê mặt quá trời, nên sau đó tự ý bỏ ngang loạt bài chửi rủa bà bầu chuyên dùng quỉ kế. Cứ vào ba vụ kể trên, thử hỏi trong giới cải lương có được mấy bà bầu có gan như thế chứ?

    ngocanh (Theo Ngành Mai - NV)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL