1. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Chị sở hữu một cá tính trội, độc lập, một dung nhan sắc sảo, bén ngọt, một thân hình rắn rỏi, đậm đà, một giọng nói đẹp, sang, đầy bản sắc, những phẩm chất thú vị phải dùng hàng loạt tính từ "hạng nặng" mới lột tả hết được: cứng cỏi, quyết liệt, ngang tàng, gai góc và vô cùng mạnh mẽ.


    Ấn tượng trước nhất của tôi là nước da đen giòn khỏe mạnh, chị sảng khoái phân bày: "Ngày nào tui cũng thức dậy từ 4h (sáng), để đi đánh banh (chơi tennis) trong 3 tiếng đồng hồ. Ăn, nghỉ trưa. Chiều lại đi đánh tiếp. Cho dù hôm đó có phải làm việc tới khuya, hôm sau tui cũng vẫn tỉnh giấc, và theo một lịch trình đúng y như vậy…". Bởi thế mà trông chị rất hoạt bát, sinh động, và xuân hơn tuổi. Lại còn cái lối xưng "tui" rất miền Nam. Như chị kể cách đối thoại ở nhà với cô con gái duy nhất: "Ti có thể ăn giùm tui dĩa cơm này không?". Tôi cho là rất… "quái", nhưng với chị là chuyện bình thường: chị và con gái có đời sống riêng độc lập, đã tập thói quen tôn trọng nhau từ nhỏ. Tình thương là điều hiển nhiên, nhưng luôn đè nén sâu không thể hiện ra. "Đừng hỏi tại sao, tại… cái tánh tui thích như vậy!".

    Cái tánh chị là, như lời những người bạn thân thiết âu yếm gọi đùa: "ba đá", "ba trợn", "ba gai". Chị không giận sao? "Đâu có giận gì. Tui "giang hồ" thiệt mà. Từ hồi trẻ đã vậy. Cách đây năm bảy năm vẫn còn ham vui, nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng, hút thuốc phì phèo, trên tài cả "mấy cha" đàn ông. Và hễ nóng giận lên thì bừng bừng, tưởng chừng có thể đốt cháy người đối diện. Tánh tui thật và thẳng. Quen sống chỉ theo ý mình". Bây giờ chị có còn như thế không? "Có, nhưng ít thôi. Tĩnh hơn rồi. Động trong tĩnh, chớ không như hồi xưa động trong… động".

    Từ khi con gái mới được mười lăm tháng tuổi, chị đã chia tay chồng (nhạc sĩ Cao Phi Long), đến nay con gái đã vào tuổi hăm ba, chị vẫn chẳng có ai. Vì vậy nên mới có chủ trương: "Từ nhỏ tới trưởng thành thì mẹ vì con, từ con trưởng thành tới về sau thì con chiều lại mẹ!". Con gái yêu chị, hiểu chị và chiều chị cũng từ cái lý lẽ đó. Giải thích lý do vì sao trong nhà không có đàn ông, chị "đính chính": "Tui không cần đàn ông thì chính xác hơn, vì những gì đàn ông làm được thì tui cũng làm được". Nghĩa là chị không sợ cô đơn? "Nói đúng hơn tui đã tập cô đơn, riết thành thói quen. Tưởng tượng có người đàn ông bước vào đời tui, phá vỡ những thói quen độc lập, thoải mái, tự do, chắc là tui sẽ khó chịu lắm. Tui cực kỳ… dễ ngủ, hầu như chưa bao giờ phải thao thức trở trăn bởi chuyện tình ái". Nhưng chị cũng không "kết án" đàn ông, mà tiết lộ: "Tui chỉ kết giao được với đàn ông thôi - như bạn bè. Và tui có rất nhiều bạn bè thân, sơ là đàn ông. Nhìn chung, họ rất tốt".

    Nhắc nhở sự nghiệp diễn xuất của Tú Trinh, không thể không nhớ bộ mặt hóa trang vô cùng ấn tượng và xuất thần của bà Viện trưởng trong vở kịch Đèn không hắt bóng (đạo diễn: Minh Hải). Cách khai thác và thể hiện nhân vật của chị thật quyết liệt, xốc xáo, nhà nghề. Lột tả đến tận cùng tính cách kinh hồn của một nữ-quý-nhân - thuộc tầng lớp trên của xã hội - có đời sống hai mặt: phần chính thống nhợt nhạt giả trá, che đậy phần tà dâm đắm chìm trong tăm tối.

    Mềm mại, xa xót và day dứt hơn là một vai diễn khác: nữ diễn viên lớn tuổi trong vở Tôi chờ ông đạo diễn (đạo diễn: Hùng Lâm). Nhiều người hiểu chuyện xem xong đã xúc động nói: Chị diễn như đang thể hiện tâm trạng của chính mình trong cuộc sống. Thật dễ đồng tình, nếu so sánh với câu mà chị đã đúc kết: "Tui là một diễn viên không bao giờ có được những cơ hội đúng thời điểm, khi họ cần người đẹp thì tui lại xấu, họ cần người ốm thì tui đang mập, họ cần người trẻ thì tui đã già…, cho nên tui xác định rất "an phận" rằng trời cho cái này rồi sẽ lấy cái kia, mình đi tìm công việc ở những nơi khác, và sẽ chỉ làm khi mình thật sự thấy thích".

    Nhưng chị lại phủ nhận lời suy diễn cho rằng chị đã "diễn mình", bằng cách kể cho tôi nghe một câu chuyện nhỏ bên lề. Đó là lần chị tham gia vở Bay trên cô đơn (đạo diễn: Thành Hội, Ái Như), có một nữ diễn viên ra nghề cũng đã khá lâu hỏi chị ngay sau cánh gà, lúc mới vừa diễn xong, bằng một giọng với vẻ rất khó chịu: "Chị khóc thiệt à?". Chị lắc đầu, nói với tôi: "Tui thấy buồn cô diễn viên đó ghê, làm sao có thể đồng hóa cuộc đời riêng của một diễn viên với vai diễn của người ấy được! Theo tui, sân khấu phải luôn tách bạch với cuộc đời". Và chị mỉm cười: "Tuy nhiên, tui sống quá tỉnh táo, ngay ngắn, rạch ròi. Trong khi người nghệ sĩ thì lại phải cần một chút phiêu linh, lãng đãng, lơ lửng".

    Cho nên lần tham gia vai Amanda, bà mẹ trong vở Những con thú thủy tinh (đạo diễn: Đoàn Khoa) - là vai diễn mà chị thích nhất, dù vở diễn có nhiều ý kiến khen chê trái chiều rất sốc - chị đã xử lý nỗi đau tận cùng của nhân vật trong màn cuối không phải bằng những giọt nước mắt lăn dài trên má, thấm vào môi, mà bằng một chuỗi cười nấc nghẹn, khô khốc, vỡ òa. Ấy là nỗi đau đã lên đến đỉnh điểm, đau không thể nào đau hơn. Nhưng là "đau bằng đầu" chứ không phải "đau bằng tim"…


    "Tui vốn dĩ cũng yếu đuối lắm, yếu đuối vô cùng, nên mới phải dùng cách ráng gồng mình lên, mạnh mẽ, gai góc, ngang ngạnh, "khó chơi", để tự bảo vệ mình. Riết rồi quen vậy luôn!". Điểm đặc biệt là chị luôn che giấu quá kỹ cái phần mà chị gọi là "yếu đuối ẩn sâu". Cho nên những gì mà mọi người thường xuyên diện kiến vẫn là bản lĩnh can trường, xốc xáo, giỏi giang, và hơi… bất cần của chị. "Hạnh phúc tiền mua không được, vay không được, xin không được, và tui cũng không muốn nhờ vả, nợ nần, vay mượn gì của ai, cho nên tui chọn cách sống như đã, đang và sẽ sống: tự do, tự lo cho mình, và chỉ làm những gì mình thấy thích".

    Gần đây nhất, sau một thời gian khá dài vắng bóng - mà lời giải thích là vì lý do sức khỏe: "Tôi thấy mệt mỏi, nên muốn nghỉ ngơi để làm việc khác, không muốn làm khán giả mệt lây theo mình" - bỗng chị nhận lời tham gia vào vở cải lương Tình mẫu tử (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang). Tôi ngạc nhiên: "Cải lương sao?". Chị đáp bằng giọng rất điềm nhiên: "Tui tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn bộ môn cải lương mà. Cải lương là máu của tui đó. Chỉ tại không có giọng ca nên tui mới phải ngoặt sang kịch nói đó thôi".

    Có lẽ, do thừa hưởng gen văn nghệ "di truyền" (ba chị là nhạc sĩ cổ nhạc Chín Trích), chị bước vào con đường sân khấu từ thuở mới 13, 14… Và những ngày mà chị đã nổi danh rồi thì tôi vẫn còn là một con bé ngơ ngác, hay thích ngồi ngỏng cổ lên xem chị diễn trên màn ảnh tivi đen trắng. Những năm cuối thập niên 70, đầu 80 đó, chị tạm dừng chân ở Đoàn kịch nói Kim Cương được khoảng vài năm. Hàng loạt nhân vật đã thủ vai, chị chỉ còn nhớ được mỗi một nhân vật "Valia lẳng lơ" trong vở kịch Câu chuyện Iếc-kút (kịch bản Nga). Còn nhiều vai diễn ấn tượng khác ở Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ (5B), ở Sân khấu kịch IDECAF, cả trên truyền hình… chị chỉ đành cười trừ với tôi, bảo rằng đã… cố tâm quên hết! Tôi hỏi lý do, chị nhẹ nhõm: "Không có khúc mắc ghê gớm gì đâu. Chẳng qua trong thời gian tạm xa sân khấu, tui đã thấy cần phải quên đi. Mà có lẽ như vậy là đúng".

    Lại có khán giả hâm mộ thắc mắc, tại sao gần bốn chục năm gắn bó với sân khấu, lúc nào chị cũng chỉ ưa đóng vai ác, vai lẳng, nói chung là những vai cá tính, sao không thử một lần nhận vai hiền. Chị cười, tỉnh bơ: "Cái mặt tui có hiền hồi nào đâu mà không đóng vai dữ!". Nói vậy không đúng, lại vẫn là kiểu "xù lông nhím". Không tin, cứ xem ảnh chị thì biết: nữ tính tràn đầy. Rất gợi cảm, mượt mà. Chẳng qua chỉ vì quan niệm sống "thích che giấu những tình cảm đích thực của bản thân" đã ăn sâu trong nếp nghĩ, làm sao chị không ưa chọn những vai xù xì, thô nhám, có số phận chua cay, ngậm ngùi, gai góc.

    Lại thêm một câu chuyện nho nhỏ nữa. Giả sử có ngày bạn nhấc điện thoại, bấm số, gọi một cuộc không thành. Một giọng nói sang và cực chuẩn (được thu sẵn) sẽ đậm đà cất lên, thông báo cho bạn rằng máy bên kia đang tắt hay ngoài vùng phủ sóng. Người "phát ngôn" độc quyền cho tổng đài điện thoại VN chính là chị. Kể luôn cả những thông báo đầy chất "bi", theo kiểu: "thuê bao của quý khách hiện đang tạm ngưng phục vụ, vì lý do chưa thanh toán cước" cũng đều do chị đọc. Và "chất giọng oanh vàng" của Tú Trinh cũng từng lồng tiếng, thuyết minh cho hàng trăm phóng sự, phim tài liệu, phim truyện và các chương trình truyền hình, video, điện ảnh… nhiều tới nỗi chính chị cũng không thể nhớ hết. Hiện nay, dù có ngưng diễn trên sàn thì chị vẫn tiếp tục "ôm" những hợp đồng thu tiếng.

    Lan man, lại nói về vai diễn bà Hiệu phó trường múa trong vở Chuyện tình mùa thu do Đức Thịnh dàn dựng, vừa ra mắt "nóng hổi" tại Sân khấu kịch Phú Nhuận trong dịp lễ 2/9 vừa qua. Chị đơn giản giải thích: "Nhận để giúp Hồng Vân, trong quá trình Vân đang đi Mỹ biểu diễn. Và tính rằng khi Vân về thì tới lượt tui cũng đi (việc riêng), trả lại cho Vân vai diễn đó". Nhưng thật sự chị có thích vai đó không? "Một vai làm "dàn bao" cho lớp trẻ thôi, cái chính là tui đã nhận ra một điều: đạo diễn Đức Thịnh quá giỏi. Phong cách dàn dựng của anh rất trẻ trung, hấp dẫn, thú vị và mới. Tui thấy nể Thịnh, và thích thú".

    Nghĩa là chị cũng đang còn yêu, còn mê sân khấu lắm? "Có chứ. Sao không! Nhưng cũng giống như cách tui yêu người, yêu đời, tình yêu đó dẫu say mê tới đâu thì vẫn phải có sự "cân đo" tỉnh táo của lý trí. Sẽ buộc tui phải biết chọn cho mình một con đường khác song song, và trong mỗi khoảng thời gian, tui chỉ đi được trên một phần của một trong hai con đường đó mà thôi"…

    Tôi vẫn muốn nghĩ, muốn tin rằng đó chỉ là cách nói của người phụ nữ từng trải, thông minh, vừa có sắc vừa có tài, đã lên tới đẳng thượng thừa của sự điềm tĩnh, và có khả năng siêu việt để che giấu mình trong chập chùng gai góc. Có nghĩa là tôi vẫn có quyền hy vọng, rằng tình yêu, mê sân khấu của chị đậm đà, sâu sắc nhiều lần hơn những gì chị đã nói ra. Và tôi - cũng như bao nhiêu khán giả hâm mộ khác, chắc sẽ còn cơ hội được thấy chị thăng hoa trong những vai diễn thú vị của thì tương lai, mà chắc sẽ là tương lai gần.


    Phương Anh






    Notes :
    Nữ NS Tú Trinh còn một vai diễn khá hay là vai người vợ của Minh (NS Minh Vương đóng) trong vở tuồng kinh điển TÔ ÁNH NGUYỆT mà đoàn 2-84 dựng trên SK năm 1985.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 6 Users Say Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  3. MEM
    Avatar của MEM
    Tú Trinh là một nghệ sĩ đặc biệt, hình như chưa bao giờ thấy chị đóng vai chính nhưng các vai của chị để lại ấn tượng khá sâu sắc. Đặc biệt chị có giọng nói và đài từ cực kỳ ấn tượng!!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  5. minhle
    Avatar của minhle
    Các chương trình nhạc trước 75 phần giới thiệu mở đầu đều do nghệ sĩ Tú Trinh đảm trách!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 4 Users Say Thank You to minhle For This Useful Post:


  7. vietngu
    Avatar của vietngu
    NS Tú Trinh có giọng đọc tốt. Chị cũng thường lồng tiếng cho phim Việt Nam. VN cũng viết chị qua một vài tác phẩm kịch nói & cải lương. Nếu xét về góc độ cải lương, chắc có lẻ vai Dung (vợ Minh) là để lại ấn tượng nhiều nhất. Không chỉ mình chị mà riêng tuồng Tô Ánh Nguyệt cũng đã để lại dấu ấn khá đậm nét của đoàn cải lương 2-84 (diễn năm 1985). Bất cứ ai xem qua cũng phải một lần rơi nước mắt...
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 4 Users Say Thank You to vietngu For This Useful Post:


  9. vietngu
    Avatar của vietngu
    Mời bạn xem trích đoạn ngắn, có nữ NS Tú Trinh đóng vai Dung trong vở cải lương: Tô Ánh Nguyệt (đoàn cải lương 2-84 diễn năm 1985):
    + Các bạn đang xem VIDEO trên website Cải Lương Số
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 5 Users Say Thank You to vietngu For This Useful Post:


  11. vietngu
    Avatar của vietngu
    ... Vai diễn khá ấn tượng...
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 3 Users Say Thank You to vietngu For This Useful Post:


  13. huongle
    Avatar của huongle
    Theo HL biết NS Tú Trinh đóng vai Thúy Liễu vở Lan và Điệp cũng rất hay, không thua gì vở Tô Ánh Nguyệt.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 4 Users Say Thank You to huongle For This Useful Post:


  15. Tiếng Hát Học Trò
    Avatar của Tiếng Hát Học Trò
    Trước 75, nghệ sĩ Tú Trinh từng tham gia diễn xuất trong 2 cuốn phim truyện:
    - Anh Yêu Em (1973 - cố đạo diễn Nguyễn Long)
    - Giỡn Mặt Tử Thần (1975 - đạo diễn Đỗ Tiến Đức)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following User Says Thank You to Tiếng Hát Học Trò For This Useful Post:

    Giang Tiên (15-12-2013)

ANH EM CHANNEL