1. romeo
    Avatar của romeo
    Khi bắt tay vào viết những dòng đầu tiên của bài này, tôi cũng tự hỏi bản thân mình, viết gì về Điền Trung đây khi mà hành trang nghệ thuật của bạn vẫn còn khá khiêm tốn? Không khéo lại mang cái tiếng “lăng xê” như nhiều người vẫn làm. Nhưng rồi tự cười mình nguyên tắc thái quá, đâu phải chỉ có ánh sáng chói lòa của vầng trăng mới đáng được ngợi ca, đóm đóm khiêm tốn kia cũng nên được ai đó nhắc đến. Như một sự đồng điệu.


    Điền Trung và Lê Hồng Thắm, Photo: Minh Hoàng



    Những ngã rẽ

    Xuất thân trong gia đình con nhà nòi (ba là nghệ sĩ Vương Thanh, mẹ là nghệ sĩ Lan Chi), Trung đã biết đến ánh đèn sân khấu từ năm 8 tuổi. Nhưng đối với khán giả phổ thông, Điền Trung chỉ xuất hiện từ cuộc thi Ngôi sao vọng cổ truyền hình 2006 và sau đó là những vai diễn thường xuyên với nhóm Thắp Sáng Niềm Tin (TSNT) – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Năm 2004, nhóm TSNT được thành lập, tập hợp những nghệ sĩ trẻ và những người có tâm huyết với cải lương, để tạo một nơi đi về cho người làm nghề và khán giả còn mặn mà với sân khấu. Đều đặn hàng tuần, nhóm vẫn sáng đèn, bất chấp khán phòng im ắng quạnh hiu, trong khi dòng người ngoài kia vẫn hối hả. Từ 2006, Trung là một phần của TSNT ngày ấy, một TSNT được nhiều khán giả yêu mến không bởi vì nghệ sĩ A, B, C nào đó mà vì một “danh từ riêng mà chung”: Thắp Sáng Niềm Tin.

    Một ngày của năm 2006, nhóm bỗng xuất hiện một kép lạ hoắc “chình ình” ở vị trí kép nhì với những vai như Trác Phùng Quân (Mùa thu trên Bạch Mã Sơn), Chu Khắc Kiệt (Máu nhuộm sân chùa), Võ Tam Tư (Khát vọng vương quyền), Chu Liệt Mạnh Đình (Truyền thuyết Hồ Đoạt Mệnh), Thái Nguyên Lộc (Phúc Lộc Thọ), Thắng (Nước mắt thâm tình)… Trung của ngày ấy nhiều bận làm tôi nhíu mày vì gương mặt hóa trang không đẹp, đôi lúc hát “ngẫu hứng” đến… thiếu kiểm soát. Nhưng cũng như nhiều bạn trẻ trong nhóm, Trung luôn giữ được lửa nhiệt tình trên sân khấu, dù khán phòng có lặng lẽ, ngoài trời có mưa gió. Sau này vì điều kiện công tác, Trung không còn thường xuyên diễn cho nhóm, bỗng dưng thấy thiếu thiếu nhớ nhớ một thứ gì đó. Giọng ca xuất sắc ư? Chưa hẳn, vì làn hơi cũng như kỹ thuật ca của Trung cần phải được cải thiện nhiều hơn nữa. Diễn xuất xuất thần ư? Cũng chưa hẳn, vì bản thân những vai Trung từng đóng ở TSNT không phải là tuyến nhân vật sâu về tính cách, rộng về đất diễn. Vậy mà vẫn thấy nhớ, vì Điền Trung là Điền Trung, với những cái rất riêng, rất bản sắc. Nhớ lối diễn xuất tự nhiên, duyên dáng, biết “xáo động” nhân vật hơi “buồn tẻ”, luôn cố gắng không lặp lại chính mình ở mỗi đêm diễn…

    Năm 2008, Trung kết hôn với Lê Thanh Thảo, cô con gái rượu của đôi nghệ sĩ tuồng cổ tài danh Trường Sơn - Thanh Loan. Trung đã trở thành một phần của đại gia tộc tuồng cổ ấy, và bộ sưu tập những vai diễn của Trung cũng bắt đầu mở rộng sang những vai của tuồng cổ. Những tưởng rằng Trung chỉ cỡi ngựa xem hoa, bởi tuồng hồ quảng dường như quá mới mẻ với Trung, một người thiên về dòng cải lương thuần túy hơn. Vậy mà Trung làm thật. Trung hăng say học vũ đạo với Trường Sơn, Thanh Sơn, Chí Bảo… Trung làm Liễu Phùng Xuân, làm Lữ Bố… và “dám” diễn cả Lý Đạo Thành trong lớp Xử án Thượng Dương kinh điển!

    Một niềm đam mê

    Điều đáng quý nhất ở Trung, là niềm đam mê bất tận với nghề hát. Người ta có thể tuyên bố rằng “tôi yêu nghiệp Tổ lắm”, nhưng có thật hay chỉ là câu chữ cửa miệng thì thời gian và hành động sẽ chứng minh tất cả. Với Trung, tôi tin, đôi lúc chính “máu nghề” của bạn lay động cả tôi, khiến tôi cũng háo hức đón chờ xem những thử thách mới mà bạn chọn. Trải nghiệm sự phũ phàng đắng cay của nghề hát, ba mẹ không cho Trung theo con đường chông gai này. Nhưng chính ngọn lửa đam mê đã khiến chàng trai trẻ ấy trốn ba mẹ theo nghề, chọn cách một mình ở lại quê nhà khi ba mẹ định cư ở nước ngoài, chỉ để được ca được hát. Diễn xong một vai nào “có trọng lượng”, Trung đều hỏi người khác xem như thế nào, và đặc biệt rất để tâm đến… “lời chê”. Một kỉ niệm đẹp giữa tôi và Trung là lần Trung diễn Nguyễn Bặc (vở Đế đô sóng cả), trực tiếp trên truyền hình. Một kịch bản và một nhân vật mà tôi rất thích. Và đó cũng là vai diễn của Trung mà tôi hài lòng nhất. Diễn xong, tôi khen nhưng vẫn kèm cái “bắt giò”, vì trong lúc diễn, theo thói quen, Trung thoại là “Đại Việt” (thay cho Đại Cồ Việt, quốc hiệu thời Đinh). Khoảng tháng sau, lại có dịp xem Trung diễn trực tiếp lớp này, đến chỗ “…Đại Cồ Việt”, Trung hơi khựng một chút (do đang rất tập trung) khi cố gắng nhớ để thoại đúng. Chuyện thật nhỏ, nhưng thể hiện rằng Trung rất nghiêm túc với những lời góp ý. Thật “vất vả” cho những ai vừa là khán giả vừa là người bạn của Trung, vì Trung làm người ta phải coi thật kỹ, để ý thật nhiều để góp ý thật… hăng say!

    Tôi lại rất thích cái tính “không biết sợ” của Trung. Trung thích vai cá tính, những thử thách hơn kép chính. Tôi đùa: thích như vầy không thành “ngôi sao” được đâu. Trung bảo, đi hát để được sống với những vai diễn, được khán giả yêu mến là quá đủ. Thật là như vậy, Trung đóng những vai kép mùi si tình như Chu Liệt Mạnh Đình, Trác Phùng Quân, Chu Khắc Kiệt; rất ấn tượng với những vai dân chơi, hiện đại như trong Cổ tích thời hiện đại, Người chị và những đứa em, Sông mê…, vai đểu giả trong Nước mắt thâm tình, Thiếu phụ Nam Xương (chập cải lương), vai lão như Dư Phong (Máu nhuộm sân chùa), Lý Đạo Thành, tướng dữ như Dương Phàm, vai vua bạo ngược như Hậu Nghệ, Ngô Phù Sai… Trong số đó những vai là sự lựa chọn có chủ đích chứ không phải là sự đẩy đưa ngẫu nhiên. Và chắc chắn trong tương lai, anh kép “chịu chơi” này vẫn tiếp tục chinh phục những thử thách mới.

    Và con đường phía trước…

    Năm năm nhìn lại, Trung có rất nhiều đổi thay, những đổi thay rất đáng khích lệ. Khách quan mà nói, Trung không sở hữu một giọng ca quá xuất sắc nhưng bù lại, Trung ca tự nhiên, không màu mè hoa lá, truyền tải được những tình cảm của nhân vật và bài hát vào trong lời ca. Trung diễn tốt ở những vai có cá tính nhưng “trầm” (thiên về tính tự sự) và còn hơi thiếu tiết chế ở những vai bộc lộ nội tâm dữ dội bằng “bề nổi”. Đặc biệt nhờ ngoại hình và phong cách vốn có, Trung khá thành công với những vai hiện đại hoặc ăn chơi, điều mà khá nhiều nghệ sĩ cải lương dù ca hay diễn giỏi vẫn vào không “ngọt”. Với tuồng hồ quảng, Trung vẫn còn quá mới mẻ và phải học hỏi rất nhiều bởi vì không chỉ ở phần vũ đạo phức tạp, mảng miếng diễn xuất và cách ca hát của tuồng hồ quảng cũng rất khác. Con đường phía trước ắt hẳn chông gai và nhiều thử thách. Nhưng những người yêu mến Trung có thể tin rằng, Trung nhất định sẽ học hỏi và cải thiện không ngừng để ngày một tốt hơn trong nghề. Một khi mà ngọn lửa đam mê của Trung vẫn còn. Mong lắm thay!

    Khi nào ngọn lửa vẫn còn
    Thì người vẫn hát, cho tròn nợ dâu!

    Theo Hy Văn – Trang web sankhau3mien
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL