1. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    NSƯT Thanh Thanh Hiền hối tiếc khi để chồng nuôi 2 con


    (Phim 24h) - Điều hối tiếc nhất trong cuộc sống đối với nghệ sĩ Thanh Thanh Hiền là việc ký vào đơn đồng ý cho chồng nuôi hai con gái. Sở dĩ thời điểm đó chị đưa ra quyết định như vậy, là bởi tin tưởng chồng cũ có thể mang lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho hai con.

    Hạnh phúc khi một mình thẩm thấu tận cùng nỗi đau

    - Đến với nghệ sỹ Anh Tú khi anh từng có một đời vợ và một con riêng, chị đã phải vượt qua nhiều thử thách?

    - Đã là tình yêu đích thực, người ta không bao giờ tính toán, nhất là tôi, khi yêu, tôi chỉ cần biết, tôi đang yêu và được sống cho tình yêu là đủ. Tôi luôn quan niệm, khi yêu mà nghĩ ngợi, tính toán quá nhiều điều sẽ không còn là tình yêu đích thực nữa.

    - Gần đây nghệ sỹ Hoàng Anh Tú lên báo chia sẻ việc sau ly hôn phải một mình nuôi 2 con. Từ bài báo này, có không ít ý kiến chỉ trích chị, cho rằng, chị là người không có trách nhiệm?

    - Không có người mẹ nào lại không muốn ở gần con và muốn nuôi con. Khi tôi quyết định điều đó, tức là phải có vấn đề của riêng mình. Tôi rất tin ở người đàn ông bản thân từng chung sống có thể mang tới cho hai con gái mọi thứ, từ học hành đến phát triển tài năng sự nghiệp.

    - Cuộc sống người nghệ sỹ khó tránh khỏi những nỗi buồn đau, khi gia đình không còn là chỗ dựa trong cuộc sống, chị trút bỏ điều đó như thế nào?

    - Tôi không có thói quen dựa vào bất kỳ một bờ vai nào cả. Nếu một lúc nào đó, bất ngờ có người muốn làm bờ vai cho tôi tựa, thì đó chỉ là cái duyên của cuộc đời để tôi vô tình cởi mở tấm lòng mà thôi. Bản thân tôi chưa bao giờ cố tình đi tìm một ai đó để trút bỏ tâm trạng của mình.

    Tôi giống nữ sỹ Hồ Xuân Hương ở chỗ, luôn khát khao yêu và khát khao cuộc sống, kể cả trong lúc bĩ cực nhất. Đôi khi nhìn lại, tôi thấy mình là người hạnh phúc nhất vì có thể thẩm thấu nỗi cô đơn tận cùng mà không cần chia sẻ với bất cứ ai. Chắc chắn là có rất ít người có thể ngồi một mình gặm nhấm nỗi cô đơn của chính mình, như tôi.

    Sau một đêm hay khoảng thời gian nhất định một mình đối mặt với buồn đau, tôi thấy nỗi buồn có giá trị lắm. Nó làm tôi thấy yêu mọi người, yêu bè bạn, và thấy giá trị của hạnh phúc. Hơn hết, tôi thấy mình tìm được lý tưởng sống và vững vàng hơn nhiều trước những va đập cuộc đời.

    - Khi đặt bút ký vào giấy ly hôn, chị có mất nhiều thời gian suy nghĩ?

    - Nói đến việc này, tôi nghĩ chúng ta không nên quá đi vào chi tiết. Thiệt thòi luôn là người trong cuộc. Cả hai chúng tôi vẫn đang sống tốt và nhìn vào những tháng ngày mới.

    - Tháng ngày mới như chị nói là những tháng ngày như thế nào?

    - Cống hiến nhiều cho sự nghiệp và công chúng hơn. Thiết nghĩ, khi đánh giá về nghệ sỹ, mọi người nên nhìn vào công việc và sự thành công của họ. Còn chuyện riêng tư, thực tế là nó cũng giống như nhiều gia đình khác thôi. Chẳng may chuyện không hay có xảy ra, mong mọi người hãy nhìn nó bằng con mắt thiện chí, có thể đổi giận thành thương, để người trong cuộc tiếp tục sống, sống tốt hơn.

    - Trong 2 cô con gái, cháu nào giống mẹ hơn?

    - Cô chị Tú Linh giống mẹ nét bề ngoài. Bé thứ 2 Thanh Thanh Tấm (tên gọi thân mật của Thái Phương) giống ở phần bên trong: từ tư chất hát hò, niềm say mê sân khấu, tới phong cách nói chuyện, thể hiện tình cảm.

    - Bé Tấm con chị là một nghệ sỹ nhí có tài. Chị có ủng hộ con bước vào con đường nghệ thuật, mặc dù biết con đường này đầy cam go và đầy khắc nghiệt?



    Với 2 con gái

    - Có. Bởi hai lẽ, thứ nhất vì Tấm yêu ca hát và rất có trách nhiệm với tất cả tác phẩm mà bản thân trình diễn. Thứ 2, nghệ thuật mà có một hạt giống hứa hẹn như Tấm là rất hiếm, nên nếu tôi không ủng hộ là có lỗi, thứ nhất với con, sau là với thế hệ khán giả sau này.

    Thực ra, trong nghệ thuật, nếu không có cam go, thử thách khắc nghiệt thì ai cũng có thể trở thành nghệ sỹ. Chính vì vậy, hạt giống hứa hẹn mới chỉ là bước đầu. Để có một thương hiệu “người nghệ sỹ” đích thực, chắc chắn phải tự tôi luyện, rèn giũa mình từ chính bài học nghiệt ngã trong nghệ thuật.

    Khát khao tình yêu, cuộc sống như Hồ Xuân Hương

    - Được biết, ngày còn trẻ, chị từng làm người mẫu ảnh nude. Chị có thể chia sẻ về điều này?

    - Cách đây 21 năm (năm 1989), đúng là tôi từng làm người mẫu nude cho chú Trọng Thanh - một người có tên tuổi, uy tín trong công việc chụp ảnh cho nghệ sỹ. Để có những bức hình nude đẹp, tôi đã mất 2 buổi chụp hình từ buổi trưa đến khoảng 4 giờ chiều, tại nhà chú Trọng Thanh ở khu tập thể Giảng Võ.

    Tổng kết lại 2 buổi chụp hình, tôi có được khoảng mấy chục tấm hình đẹp. Một tấm nổi bật nhất được chú Trọng Thanh mang đi triển lãm. Vào thời điểm hiện tại, chuyện chụp hình nude không còn quá điều tiếng như ngày trước, mà lúc chụp nude tôi là một nghệ sỹ sân khấu dân tộc, đó càng là một điều “sốc”, một chuyện hiếm thấy.

    Chụp xong, bố tôi là người được xem những bức ảnh đó đầu tiên, nhưng ông không hề có phản ứng gì, ông chỉ im lặng. Tôi cũng chưa bao giờ hỏi bố nghĩ sao về những tấm hình nude đó. Tôi biết, sự im lặng của bố không phải là thái độ dung túng con gái mà là bố thực sự tôn trọng tôi.

    Khi các tấm hình được đưa ra công chúng, tôi nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều từ phía người quan sát, chiêm ngưỡng. Người thì trầm trồ trước một cái đẹp thật sự và ủng hộ thành lời, có người lại không đồng tình. Bên cạnh luồng dư luận của mọi người, có một số người thân cũng không ủng hộ việc chụp ảnh nude của tôi. Điều đó làm tôi rất buồn, cảm thấy mình không tìm được sự đồng thuận. Nếu không có bản lĩnh vững vàng, có lẽ tôi đã nghĩ rằng mình đi chệch hướng...

    Cho đến giờ phút này nhớ lại việc đó, tôi chưa bao giờ nuối tiếc vì đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Nếu có cơ hội được lựa chọn lại, chắc chắn tôi sẽ nhận lời mời chụp hình nude của nhiều nhiếp ảnh, hoạ sỹ hơn.

    - Không hối tiếc vì đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật, còn trong cuộc sống, điều gì khiến chị phải hối tiếc?

    - Có những việc tôi nghĩ rất kỹ mới làm, lại có việc tôi không nghĩ mà làm ngay. Với cá tính của tôi, thường thì đã quyết tâm làm việc gì đó rồi, ít khi hối tiếc lắm. Tuy nhiên, để nói rằng hối tiếc nhất, chắc hẳn đó là việc tôi đồng ý ký vào đơn cho chồng nuôi hai đứa con.

    - Trong vở diễn “Người ngựa, ngựa người 2” mới được phát hành hôm 30/5, Thanh Thanh Hiền vào vai mẹ của vai diễn do “diễn viên nhí” Cẩm Đan 7 tháng tuổi - là con gái NSND Lê Hùng. Khi phải diễn với một em bé còn quá nhỏ, hẳn chị gặp nhiều tình huống “dở khóc, dở cười”?

    - Bình thường trong các vở diễn, với nhân vật em bé, chúng tôi vẫn thường sử dụng nhân vật bằng búp bê để có thể chủ động trong diễn xuất. Còn trong vở kịch “Người ngựa, ngựa người 2”, việc đưa hình ảnh bé Cẩm Đan lên sân khấu, là để kịch bản sống động, chân thực và gần gũi với khán giả hơn. Tuy nhiện, bé mới 7 tháng tuổi, nên khi quay cũng gặp không ít những lần đoàn quay phải dừng cảnh bởi bé không chịu sự điều khiển của ai, cho dù đó có là một đạo diễn tên tuổi như NSND Lê Hùng!

    Bé thích khóc là khóc, thích chơi là chơi, thích cười mới cười. Chính vì vậy, có nhiều lúc NSND Lê Hùng xót con phải gọi vợ vào bế, dỗ cho con nín rồi mới cho quay tiếp. Và những cảnh dễ quay và trôi chảy nhất chính là lúc em bé nằm ngủ, trông rất đáng yêu.

    Để hoàn thành vở kịch lần này, chúng tôi đã làm với một tốc độ chóng mặt, từ khâu tập cho tới lên sàn diễn. Có thể nói, vở diễn đạt đến mức thời gian kỷ lục: chỉ có 2 buổi tối từ 8h-9h30 êkíp chúng tôi hoàn thành kịch bản lời; 2 buổi làm về hình ảnh động tác, di chuyển sân khấu. Tức là trước khi quay tôi, anh Hinh và NSND Lê Hùng chỉ có 6 tiếng làm việc với nhau. Hôm quay cũng rất nhanh, 10 sáng đến 1h chiều là xong.

    - Cảm xúc diễn của chị so với Người ngựa, ngựa nguời 1?

    - Chúng tôi đã có một cái mốc của sự thành công, đó chính là Người ngựa, ngựa người 1, nên khi quyết định làm Người ngựa, ngựa người 2 là một thử thách lớn đối với êkíp. Nếu mong muốn sự thành công đạt được như Người ngựa 1 cũng là một khó khăn không nhỏ, nhưng ở đây, chúng tôi muốn nhiều hơn thế. Vì vậy, sự trăn trở trong sáng tạo của diễn xuất cũng như của tác giả kịch bản được nhân lên gấp đôi.

    - Vào thời điểm bắt tay xây dựng tiếp “Người ngựa, ngựa người 2”, người ta lại đào xới lại chuyện nghệ sỹ Xuân Hinh từng muốn cưới chị làm vợ. Là người trong cuộc, chị cảm thấy ra sao?


    - Về vấn đề này, tôi đã có cuộc nói chuyện với chính nhà báo từng viết bài này. Tôi nghĩ, chúng ta không nên nói thêm nữa. Với tôi, anh Hinh luôn là một người bạn gắn bó từ lâu. Khi tôi và nghệ sỹ Xuân Hinh hợp tác với nhau chúng tôi không chịu sự bắt buộc của một cơ quan đoàn thể nào cả.

    Với nghệ sĩ Xuân Hinh trong Người Ngựa Ngựa Người

    Gắn bó với nhau để tạo ra không ít tác phẩm nghệ thuật có sức hút công chúng như thế, bởi chính sự trân trọng về con người và tài năng của nhau. Trong mối quan hệ của tôi với anh Hinh, chắc chắn sẽ không bao giờ vì tin đồn hay dư luận khiến cả hai giảm bớt lòng quý trọng nhau, sự tin cậy lẫn nhau.

    - Với hai vai diễn lớn mới đây nhất là Hồ Xuân Hương và cô gái bán hoa trong Người ngựa- ngựa người 2, chị có tìm thấy hình ảnh của mình trong đó?

    - Đối với nghệ sỹ, việc hoá thân vào tất cả các loại vai là chuyện rất đỗi bình thường. Và, việc nhập vai thành công vào nhân vật đến đâu không có nghĩa là ở ngoài đời, nghệ sỹ phải giống với nhân vật đó. Chẳng hạn, tôi nhập vai một người nông dân, không có nghĩa rằng tôi từng trồng lúa. Còn nếu có sự so sánh với hai nhân vật này, có lẽ cô gái trong tiểu phẩm Người ngựa, ngựa người 2 không giống tôi nhiều về mặt tính nết, thói quen. Tôi thấy cô ấy giống rất nhiều người khác trong xã hội mà tôi từng gặp hơn.

    Về phía nữ sỹ Hồ Xuân Hương, phải khẳng định, đây là người phụ nữ có nhiều thứ khiến tôi ngưỡng mộ, thán phục và yêu quý tài năng. Tôi thấy bà có nhiều nét giống mình. Đó là sự dũng cảm, sẵn sàng lên tiếng khi thấy sự bất bình mà không quanh co. Hơn nữa, tôi giống bà ở chỗ luôn sự khát khao với tình yêu và cuộc sống.

    - Xin cảm ơn nghệ sĩ.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    Nghệ sĩ Hoàng Anh Tú-Một mình nuôi 2 con sau khi chia tay Thanh Thanh Hiền


    Rất nhiều người bất ngờ khi biết tin cặp nghệ sĩ Hoàng Anh Tú và Thanh Thanh Hiền giữa đường đứt gánh. Có lẽ bởi lâu lắm rồi Thanh Thanh Hiền không lên báo còn nghệ sĩ đàn bầu Hoàng Anh Tú lại không ở cái lĩnh vực được báo chí săn đón hàng ngày.


    Nghệ sỹ đàn bầu Hoàng Anh Tú.


    Tôi hỏi anh, vậy khi đưa chuyện riêng của anh lên báo, anh có phiền lòng không? Anh cười rất buồn, nói nho nhỏ như lạc vào chốn xa xăm nào đó: “Không, chẳng sao cả vì chuyện như các gia đình khác thôi mà, chỉ có điều nó rơi vào gia đình nghệ sĩ thì nhiều người biết thôi”.

    Phải sống bằng 3-4 lần trước đây

    - Anh nuôi cả hai cô con gái nhỏ sau khi chia tay với chị Thanh Thanh Hiền, vậy thời gian qua anh đã làm thế nào để cân bằng cuộc sống?

    - Nhìn chung tôi nặng gánh lắm, nặng gánh cả với con, nặng gánh cả với âm nhạc. Hàng ngày, tôi làm gì thì làm chiều đến lúc 4h30 tôi vẫn phải ngồi ở nhà để bọn trẻ đi học về nhìn thấy bố là thấy an tâm, chơi một lúc xong rồi cho chúng lên gác tắm rửa, bác giúp việc lại cho chúng vào học. Con học xong tôi lại lên chơi đùa với con, kiểm tra bài vở trong 15-20 phút xem sao rồi đi xuống, kiểu gì cũng phải có động tác đó.

    Thời gian đầu bọn trẻ cũng sốc, nhưng trẻ con nó có một điều kỳ lạ là nhanh nhớ, nhanh phát hiện và nhanh khóc nhưng lại nhanh cười và nhanh thích nghi, nhanh quên, sau này chúng cũng quen. Tôi sợ nhất là nếu chúng đau khổ, chúng buồn thì tôi chết mất. Nhưng ngược lại nhiều khi tôi ngồi tư duy bài vở, mặt mũi có vẻ nỗi niềm, chúng cứ tưởng tôi buồn lại động viên lại bố.

    - Thế bây giờ anh có còn buồn?

    - Buồn thì không buồn nữa, tôi buồn là giai đoạn phải đưa ra quyết định thôi, lúc ấy nghĩ không biết sau đây mình sẽ sống ra làm sao khi mình mất một người bạn đời, buồn là chuyện đương nhiên. Nhưng khi tôi bắt tay vào làm những việc phải làm, chọn con đường mình đi thì thích nghi được ngay.

    - Chia tay, nhất là khi đã có với nhau hai mặt con, ai cũng lo cho con thiệt thòi, còn anh?

    - Tất nhiên là có những thiệt thòi nhưng đây là một cái mức đổ vỡ tối thiểu nhất. Để tránh những mất mát thì tôi phải gồng lên để sống, tức là phải sống bằng 3-4 lần trước. Với các con tôi vừa là bố, vừa là mẹ, nó ngã một tí cũng bố, trêu nhau cũng bố, cãi nhau cũng bố, dây nhảy dây của chị tụt 1 bên ống cũng bố… Vừa là bố, vừa là mẹ, là bạn là thầy nữa.

    Phần thưởng của chúng là thứ 6 là chúng được ngủ ở phòng tầng dưới với bố, đấy là niềm ao ước với chúng. Ngủ ở đây là được thức khuya này, đứa nào nghịch máy vi tính thì nghịch, đứa nào đánh đàn thì đánh, thích hát thì bố dạy, 1-2h đêm bố gọi đồ ăn đêm về bố con ăn xì xụp, chơi đến sáng mới thôi. Ai buồn ngủ trước là mất tiền, bỏ 1000 đồng ra đây, 3 bố con có lọ tiết kiệm mà.

    - Lâu nay chị Thanh Thanh Hiền là người kín tiếng, ít lên báo, cho nên cũng rất ít người biết sự đổ vỡ của gia đình anh, nói ra chuyện gia đình anh có ngại không?

    - Không, chẳng sao cả vì gia đình tôi cũng như các gia đình khác thôi mà, chỉ có điều nó rơi vào gia đình nghệ sĩ thì nhiều người biết thôi, chứ nhiều gia đình ở xung quanh làng xóm ngành nghề khác người ta cũng bỏ nhau, khi sống với nhau không còn hợp nữa thì đành vậy. Chỉ có điều mình mang tội nhất, không thể sửa sai được đó là các con mình thiệt thòi.

    Tôi cố gắng sống tránh làm sao để các con không bị mất mát nhất, cố gắng sống thổi hồn vào từng góc nhà, mọi thứ để các con nó hưởng, để nó không cảm thấy bị mất đi một gia đình. Các con đi học về, gia đình tôi vẫn có bữa cơm đầm ấm, bố ngồi đó ăn, vui đùa với các con, chăm lo cho nó, nó cũng cảm thấy có một chỗ để nương nhờ, có một mái ấm gia đình, có bố, có bác giúp việc, chỉ có mẹ nó là đi vắng thôi. Thỉnh thoảng mẹ nó vẫn về, tôi vẫn tạo điều kiện để mẹ con gặp nhau, vui đùa với nhau. Nói chung là tôi tránh sự đau thương nhất, nếu vợ chồng đánh nhau bẽ bét, cãi nhau không ra gì mà đằng nào cũng chia tay thì dở nên chúng tôi cố gắng làm sao chia tay văn hóa nhất, làm sao vẫn còn sự tôn trọng nhau giữa hai bên và cả gia đình, khi ấy các con nhìn vào còn thấy nhiều thứ tốt đẹp. Chặng đường phía trước mặt tôi còn dài lắm.

    Không muốn biến con mình thành "thần đồng"


    - Dự án biểu diễn đàn bầu ở nhà Bát Giác khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ vào tối thứ 3, thứ 5 hàng tuần để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long ban đầu còn có sự tham gia của cô con gái nhỏ của anh, nhưng sau đó lại không thấy bé nữa, vì sao thế?

    - Cô bé đang 7 tuổi, tên là Tấm, Thanh Thanh Tấm, tôi gọi Tấm cho dễ nuôi chứ tên thật của cháu là Phương, con gái đầu đang học lớp 5 là Nhím, tên thật là Linh. Tấm đang diễn ở đó rất xôm thì ốm, ông bà xót, lại rơi vào thứ 3 và 5, ngày hôm sau nó lại đi học, tối diễn về "chị" chả học gì cả nên học kém đi, ông bà mượn cớ đó cho nghỉ luôn, nghỉ hát thì học lại lên thật. Tấm là cô bé cảm thụ âm nhạc rất tốt.


    Nghệ sỹ Hoàng Anh Tú biểu diễn cùng con gái tại Nhà Bát giác - vườn hoa Lý Thái Tổ - HN.

    - Nghe nói Tấm có khá nhiều đĩa nhạc riêng, hát các ca khúc dân ca, có thể nói nếu anh muốn thì có thể đẩy hình ảnh của em lên thành ngôi sao nhạc nhí, tại sao anh không quảng bá hình ảnh của con?

    - Không, tôi không cho quảng bá, nếu tôi quảng bá sớm thì ảnh hưởng cuộc sống của nó.

    Với lại trong giai đoạn vừa rồi, cuộc sống của tôi có biến cố, vợ chồng tôi chia tay, tôi sửa sang nhà cửa, thành lập công ty, làm được chương trình ở nhà Bát Giác, tập luyện ngày đêm để có ổn định kinh tế nuôi các con nên cũng không có điều kiện quảng bá. Tôi cũng sợ con mình nếu PR cho nó, không đúng thực chất, rất nguy hiểm, như Xuân Mai không phát triển được nữa thì cũng dở. Tôi muốn con mình hát dân gian và ngấm cái mạch dân gian đó chứ không phải hát những bài trẻ con, dựa vào trẻ con để nổi tiếng.

    Cũng nhiều người bảo tôi tại sao không cho nó thi Đồ Rê Mí, tôi bảo ối giời ơi, đi thi thì tôi cũng phải đi, thời gian đâu, trong cái hoàn cảnh này mấy bố con chăm lo cho nhau đã hết ngày rồi; vả lại đi thi thì còn đâu thời gian đi đánh đàn kiếm ăn nữa. Tôi đang xây dựng phòng thu, tôi muốn con vừa đi học vừa có thể học nhạc ngay tại nhà. Con mình thấy bố rồi các cô chú thu thanh thì sẽ nắm bắt rất nhanh. Phòng thu thanh chính là phòng học cao cấp cho một ca sĩ rồi.

    - Thế còn cô con gái cả?

    - Cô bé cũng thích nhưng không có khả năng âm nhạc như cô em, nhưng tôi cũng hướng nó theo âm nhạc. Nhà tôi giờ có phòng thu, nay mai con bấm nháy, mix băng cũng là một nghề.

    Mơ một liveshow đàn bầu

    - Một chút về dự án đàn bầu ở nhà Bát Giác của anh?

    - Tôi bắt đầu biểu diễn đàn bầu ở nhà Bát Giác từ cuối năm ngoái, dự án kéo dài đến hết tháng 10/2010. Ước mong của tôi là muốn đưa việc chơi đàn ở đây thành một nét văn hóa đẹp của người Hà Nội.

    - Được biết đó là dự án do công ty của anh thực hiện, hỏi thật anh, anh xin được dự án này có khó không?

    - Không khó vì tôi xin vào đúng chỗ trống, lại là điều mà Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch đang cần. Ban đầu tôi định xin biểu diễn ở chỗ tượng đài Cảm Tử cơ, nhưng may mắn có một chị tài vụ của Sở góp ý kiến bảo diễn ở đó hơi ồn, nếu tắc đường dễ bị đuổi lắm, có khi ra chỗ nhà Bát Giác lại đẹp. Bỗng dưng nhà Bát Giác lại trở thành chỗ lý tưởng. Đàn bầu trong cuộc sống bây giờ cũng bị lãng quên nhiều, ra ngoài trời biểu diễn mình khoe được tiếng đàn với giới trẻ, giới trẻ bây giờ ít biết về đàn bầu, khi tôi làm ở nhà Bát Giác họ tò mò lắm. Người trẻ của mình đi nước ngoài đây đó mà không biết cội nguồn cái đàn như thế nào trong khi Tây thì họ lại biết.

    - Anh có thấy buồn vì điều đó?

    - Giới trẻ cũng chẳng có tội lỗi gì với cuộc sống thế này, con mình cũng học suốt như thế, khi giải trí thì chơi game chứ ai biết đến đàn bầu. Lỗi do mình, mình chưa cập nhật, quảng bá được, mình hay mình tốt thì họ sẽ biết thôi. Tôi đang cố gắng tìm trên mạng, học hỏi hàng ngày để làm sao tìm được ngôn ngữ của thời đại bây giờ. Tôi phải nghiên cứu làm sao để họ thích dạng nhạc đó, đàn bầu thể hiện được tất cả những ngôn ngữ nhạc của thế giới nên. Bây giờ, đêm nào tôi cũng tập luyện, cứ 2-3h sáng lại tỉnh dậy tập, cốt để làm sao giữ chân khách. Làm sao để một bà đi tập thể dục qua đứng lại xem mà đứng mãi không về thì là thành công mà xem một lát về ngay coi như thất bại. Người Tây nói một câu rất giản dị là cái hay từ trong nhà đi ra, mình đánh đàn làm sao thu hút được ngay từ hàng xóm của mình, còn cứ đi Pháp, Mỹ về làm báo ầm lên nhưng ở nhà cất đàn đầy mạng nhện thì dở, phải làm sao thuyết phục được dân Hà Nội mình là quan trọng.

    - Sau dự án chơi đàn bầu ở nhà bát giác này, anh có dự án nào tiếp theo không?

    - Giờ tôi phải đi làm kiếm tiền nuôi con, tôi làm nhiều việc lắm, nào phối khí, sáng tác, làm nhạc cho sân khấu, vừa rồi sáng tác nhạc mở màn cho festival Huế, phối nhạc cho các ca sĩ cần phần đệm. Giờ tôi mơ ước được làm liveshow, nơi mà cây độc huyền cầm có thể làm được đủ cung bậc, đủ giai điệu khiến khán giả không thể chán được, liveshow ấy sẽ là cầu nối để khán giả trẻ biết đến độc huyền cầm thật rộng rãi và tự hào về nó.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL