1. lamhuutang
    Avatar của lamhuutang
    Đi tìm tác giả bài “Hoa tím bằng lăng”

    Cách đây vài năm, nhân dịp “đáo tế” của mình, nhà văn Mặc Tuyền (Hội VHNT Long An) đã trả lời phỏng vấn báo Văn nghệ Long An. Trong rất nhiều những nội dung Mặc Tuyền trả lời về một cuộc đời viết văn, làm thơ, viết báo, viết kịch, đạo diễn… có một chi tiết rất đáng chú ý, đó là : Trong cuộc đời sáng tác, ông có thử viết duy nhất một bài ca cổ, đó là “Hoa tím bằng lăng”. Ông cũng gửi kèm theo “nguyên tác” bài ca.
    Thông tin trên làm xôn xao giới sân khấu Long An, trong đó có cả ý kiến hoài nghi. Bài báo này không nhằm mục đích ủng hộ hay nghi ngờ sự nhìn nhận của Mặc Tuyền. Người viết chỉ xin cung cấp thêm thông tin để rộng đường dư luận.
    NGHI ÁN VĂN CHƯƠNG 30 NĂM
    Sau ngày miền Nam giải phóng, trong “khu vườn” ca cổ bỗng xuất hiện ba “đóa hoa” rực rỡ, đó là “Bông sen”, “Hoa mua trắng” và “Hoa tím bằng lăng”. Trong khi bài “Bông sen” của tác giả Trần Nam Dân đã quá rõ ràng thì hai bài ca cổ còn lại làm xôn xao giới sân khấu lúc ấy, một mặt bởi đều rất hay, đậm chất văn học; mặt khác, bởi cả hai tác phẩm dù đề tên tác giả là Ngự Bình và Linh Châu, nhưng trên thực tế không rõ tác giả là ai. Nhiều năm sau, tác giả Ngự Bình của bài “Hoa mua trắng” đã được lần ra ở tận miền Trung xa xôi. Còn bài “Hoa tím bằng lăng” thì vẫn được xem là “vô chủ” hơn 30 năm qua.
    Bài “Hoa tím bằng lăng” của Linh Châu xuất hiện lần đầu vào năm 1977 trên Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM. Bài hát vốn đã hay, lại được hai giọng ca đang ăn khách là Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ trau chuốt, nên đã nhanh chóng nổi tiếng. Bài hát ngay tức thì được thanh niên khắp đồng bằng hát trong các cuộc thi, trong đám cưới, bởi nó vừa mang tính “cách mạng”, lại vừa có tình yêu trai gái, là loại bài ca rất hiếm sau ngày giải phóng. Thế nhưng nhiều năm sau đó không thấy tác giả Linh Châu có thêm bài nào nữa. Giới sáng tác ca cổ tìm hiểu thì được biết không có tác giả nào tên Linh Châu đang hoạt động sân khấu, và bài hát “Hoa tím bằng lăng” cũng không có ai đứng ra nhận là tác giả. Từ đó, mọi người chấp nhận tác giả bài hát là khuyết danh. Hơn 30 năm trôi qua, bài ca cổ ấy vẫn đứng vững với thời gian, không có người mộ điệu cải lương nào mà không thể ngân nga đôi câu của bài hát. Trong hầu hết các băng karaoke ca cổ đều có bài hát ấy với cái tên Linh Châu đầy bí ẩn.
    CON RẠCH CÁI THIA DÀI TRĂM CÂY SỐ
    Soạn giả Kha Tuấn (Chi hội trưởng Chi hội Sân khấu - Hội VHNT Long An) nhớ lại : Lúc bài “Hoa tím bằng lăng” mới nổi tiếng, trong giới sân khấu đã bàn tán rất nhiều, có cả những giai thoại xung quanh bài hát. Cuối cùng, đa số ý kiến đều thiên về khả năng tác giả bài hát là một nghệ sĩ cách mạng - người nghệ sĩ sau khi viết bài hát đã hi sinh trong chiến đấu chống Mỹ và ai đó đã tình cờ tìm thấy nó. Cố soạn giả Trần Nam Dân là người ủng hộ mạnh mẽ nhất khả năng này. Thế nhưng lúc ấy cũng có những ý kiến phản biện lại lập luận trên, vì những lý lẽ sau :
    Thứ nhất, trong bài hát có câu : “Anh trở lại quê xưa, lòng rộn rã niềm vui chiến thắng”. “Chiến thắng” ở đây chỉ có thể là ngày miền Nam giải phóng. Từ lập luận đó, nhiều người cho rằng bài hát được viết sau ngày 30/4/1975. Thứ hai, cách thể hiện tình yêu trai gái rất trữ tình và lãng mạn như trong bài hát là hoàn toàn xa lạ với những tác phẩm văn nghệ ra đời trong kháng chiến chống Mỹ. Chẳng hạn : "Cũng như câu chuyện tình ta ngát hương”, “Anh nhớ em vuốt ve cánh bằng lăng tím nở”, “Mắt thẫn thờ chầm chậm ngó mây trôi”… Từ đó, có người còn đi xa hơn khi cho rằng, cách viết đó không thể của các nghệ sĩ cách mạng, mà phải là của mấy tay nghệ sĩ lãng mạn ở Sài Gòn (!)
    Vấn đề nữa càng củng cố thêm lập luận bài hát không phải được viết bởi các nghệ sĩ cách mạng, vốn rất chuẩn mực và nghiêm túc, là chuyện “con rạch Cái Thia”. Trong bài hát, con rạch Cái Thia được nhắc tới hai lần : “Con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu, con sáo qua sông con sáo đậu hiên nhà” và : “Đêm hành quân vầng trăng sáng long lanh, nhớ con rạch Cái Thia chảy dìa Tắc Cậu”. Sông Tắc Cậu thuộc tỉnh Kiên Giang, còn con rạch Cái Thia lại ở Đồng Tháp. Muốn “chảy dìa Tắc Cậu” ắt con rạch phải dài cả trăm cây số (?). Sự cẩu thả (hay cố tình nhầm lẫn có dụng ý) như thế khó có thể có trong các tác phẩm văn học cách mạng thời chống Mỹ. Nhưng với các nghệ sĩ “bạt mạng” ở Sài Gòn thì có thể. Và như thế, nghi án văn chương và sự bí ẩn của bài ca “Hoa tìm bằng lăng” đã kéo dài hơn 30 năm.
    MẶC TUYỀN TỰ THUẬT
    Người viết bài này có một buổi ngồi bên Mặc Tuyền tiên sinh để nghe anh kể về “hoàn cảnh ra đời” của bài hát “Hoa tím bằng lăng”. Cuối năm 1976, lúc anh đang tá túc ở nhà thi sĩ Kiên Giang – Hà Huy Hà, có người bạn văn tên Mai Linh đề nghị anh viết thử bài ca vọng cổ có nội dung cách mạng gắn với tình yêu đôi lứa để sử dụng, vì cuộc sống đang có nhu cầu. Anh mất một ngày “vừa nhậu vừa viết”, xong đặt tên “Hoa tím bằng lăng” và ký tên Linh Châu (ghép tên của người bạn văn Mai Linh và tên vợ là Ly Châu). Theo thói quen, anh trao bài hát cho “ông thầy” Kiên Giang coi thử. Nhà thơ (cũng là soạn giả cải lương) Kiên Giang đọc qua và nói được. Vậy là Mặc Tuyền trao cho người bạn Mai Linh và quên đi chuyện bài ca cổ. Sau đó, anh “trôi dạt” về Bến Tre sống “ẩn dật”, rồi về Long An hoạt động văn nghệ quần chúng ở Sở Xây dựng Long An. Mấy năm sau, tình cờ nghe bài hát quen quen trên radio, anh mới chợt nhớ đến bài ca cổ đã viết. Vì ca cổ không phải là lĩnh vực của anh, thời ấy, tiền tác quyền cũng không đáng là bao, nên anh không quan tâm tới chuyện tác giả bài hát. Sau này cũng có đôi lần anh định lên tiếng nhận bài hát là của mình, nhưng không có bằng chứng gì thuyết phục, nên thôi.
    Bây giờ đã già, Mặc Tuyền đề cập tới bài hát không phải vì danh hay vì “sở hữu trí tuệ”, mà đơn giản anh muốn tổng kết một đời viết lách. Anh cho biết, so với bản gốc của anh thì bài ca đang lưu hành có một số khác biệt, chẳng hạn : Anh viết : “Đêm đêm trên chiếc giường tre nghe tiếng cuốc gọi hè” thì bị bỏ mất mấy chữ “trên chiếc giường tre”, anh viết : “Mắt thẹn thùa chầm chậm ngó mây trôi” thì bị đổi thành “Mắt thẫn thờ… ”. Anh dứt câu một bằng “hoa bằng lăng tím” thì được thêm thắt “hoa bằng lăng tím nở” (có lẽ cho dễ ca). Đoạn nói lối giữa bài anh viết chỉ có bốn câu, người ta thêm hai câu : “Buổi tiễn đưa anh lên đường vào bộ đội/ Em đứng lặng thinh không nói nên lời” là để hợp với hát song ca, nữ dứt nói lối, nam vô vọng cổ. Khi được hỏi chỉ sống ở Sài Gòn, làm sao anh biết “Chiều chiến khu mây lộng bốn phương trời” hay “Đêm hành quân vầng trăng sáng long lanh”, Mặc Tuyền cười khà : "Tưởng tượng ra thôi!”. Vậy còn chuyện con rạch Cái Thia dài cả trăm cây số (!), Mặc Tuyền cho biết, vì sống gần “ông thầy” Kiên Giang, thường nghe ông nhắc về các địa danh này, anh tưởng nó gần nhau… Với lại lúc đó, anh đâu tính có ai sử dụng bài hát mà kiểm tra cho chính xác.
    Người viết đã gặp nhà thơ Kiên Giang để hỏi về bài “Hoa tím bằng lăng”. Lão thi sĩ (đã ngoài 80 tuổi) nghĩ ngợi một lúc rồi nói, đại ý : Đúng là lúc ấy Mặc Tuyền có sống với ông, ông thường đọc các tác phẩm mới viết của “đứa em” Mặc Tuyền, nhưng ông thú thật không thể nhớ nổi về chuyện bài hát. Tôi cũng đã hỏi hai ca sĩ Thanh Tuấn và Thanh Kim Huệ - những người đầu tiên hát bài hát này - về tác giả của nó. Thanh Tuấn dù rất thích bài hát, nhưng lúc ấy không quan tâm tác giả là ai, anh chỉ nhớ là mình được Thanh Kim Huệ trao bài hát. Hỏi Thanh Kim Huệ, chị suy nghĩ hồi lâu và nhớ là bài hát được một phụ nữ mang đến Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, lúc chị đang có mặt ở đó. Rồi tình cờ đọc qua, thấy bài hát quá hay, nên Thanh Kim Huệ rủ Thanh Tuấn cùng hát. Còn người phụ nữ đó là ai thì Thanh Kim Huệ cũng không thể nhớ.
    ĐI TÌM NỮ TÁC GIẢ
    Một lần, trong cuộc nhậu với một cán bộ công đoàn tỉnh Long An, khi đã ngà ngà say, tôi ngân nga bài “Hoa tím bằng lăng” và nói tác giả bài hát là “Mặc Tuyền tiên sinh”. Anh cán bộ công đoàn kể : Trong một lần dự Hội nghị Công đoàn toàn quốc, khi có nghệ sĩ hát phục vụ bài “Hoa tím bằng lăng”, một nữ cán bộ công đoàn tên Hà Minh Mẫn ở Liên đoàn Lao động TPHCM cho rằng bài hát đó chính chị là tác giả. Tôi đem chuyện này hỏi nhà văn Mặc Tuyền, anh vỗ đùi nói : “Đúng, Hà Minh Mẫn chính là người bạn văn Mai Linh mà tui đã trao bài hát”.
    Bất ngờ và thú vị trước thông tin trên, người viết đã cất công đi tìm chị Hà Minh Mẫn. Phòng tổ chức Liên đoàn Lao động TPHCM cho biết, chị đã rời khỏi cơ quan này từ lâu, chuyển qua Tạp chí Công đoàn, văn phòng tại TPHCM. Khi đến Văn phòng TPHCM của Tạp chí Công đoàn, người có trách nhiệm cho biết chị đã chuyển ra cơ quan Tạp chí Công đoàn ở Hà Nội. Điện thoại ra Hà Nội, người ta cho biết chị mới nghỉ hưu khoảng một năm, nghe đâu về sống trong Nam, nhưng không biết rõ ở đâu, cũng không ai biết số điện thoại của chị. Gần đây, qua một người bạn làm phim, người viết tình cờ biết chị đang cộng tác viết kịch bản phim truyện cho Đài Truyền hình TPHCM. Anh bạn chỉ “nghe nói” chị sống ở chung cư Vĩnh Hội - Quận 4 - TPHCM. Dành cả buổi chiều dò tìm khu chung cư Vĩnh Hội, cuối cùng, người viết cũng tìm được căn hộ của vợ chồng chị, nhưng cửa đóng then cài. Một người hàng xóm cho biết, anh chị đi đâu đó mấy bữa mới về. Rất may là người hàng xóm biết số điện thoại nhà của chị.
    Cuối cùng, từ Long An, người viết cũng nói chuyện được với chị Hà Minh Mẫn qua điện thoại bàn. Không giải thích dông dài, chị nói ngay : Bài ca cổ “Hoa tím bằng lăng” do Mặc Tuyền chấp bút, chị chỉnh sửa, rồi chính tay chị mang đến Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM. Chị Mẫn xác nhận, lúc đó, chị hoạt động văn nghệ với bút danh Mai Linh. Còn tên tác giả Linh Châu của bài hát là do Mặc Tuyền đặt (theo Mặc Tuyền, anh đã ghép tên người bạn văn Mai Linh với tên vợ Ly Châu để thành bút danh Linh Châu). Chị Mẫn kể tiếp : Vì Mặc Tuyền chỉ quen viết văn, không rành ca cổ bằng chị, nên sau khi nhận bài “Hoa tím bằng lăng” do Mặc Tuyền trao, chị đã chỉnh sửa nhiều chỗ cho thật “vọng cổ”, rồi đem bài hát trao cho tác giả Dương Linh (Hội Nghệ sĩ sân khấu TPHCM) xem, trước khi bài hát đến với đôi nghệ sĩ tài danh Thanh Tuấn - Thanh Kim Huệ. Khi được hỏi, liệu có thể xem bài hát “Hoa tím bằng lăng” là của chung hai tác giả, chị Mẫn đã đồng ý.
    Gặp lại nhà văn Mặc Tuyền, anh xác nhận những điều chị Hà Minh Mẫn nói là chính xác. Về việc “đồng tác giả”, Mặc Tuyền cho rằng bút danh Linh Châu ngay từ đầu đã nói lên đây là sản phẩm chung của cả hai người. Nhà văn trầm ngâm : “Đã hơn 30 năm không gặp lại chị ấy, nếu có một lần hội ngộ chắc là vui… ”.
    Nguyễn Phấn Đấu - Theo SCLO
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to lamhuutang For This Useful Post:


  3. nguoingoaipho
    Avatar của nguoingoaipho
    bài này đọc thú vị quá hen! Để mai mốt Phố sáng tác một bài rồi ghép tên những người bạn có tên Hai Lung, ngalunglinh, minh nhieu, duongtonhu va linhhue lại thành tên Lung Linh Nhiều Như Huệ.

    Tên nghe kỳ kỳ quá hen! Thôi! Rủ Bạchlong đi ăn bò dziên thôi!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to nguoingoaipho For This Useful Post:


  5. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Mắc cười quá Phố ơi. Chào mừng anh kép vui tính này tái xuất giang hồ sau thời gian dài mai danh ẩn tích hén.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL