1. romeo
    Avatar của romeo

    Nhiều vở diễn về đề tài lịch sử đã đến với khán giả nhân sự kiện 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.


    Năm 2010 tiếp tục là một năm có nhiều chuyển biến với đời sống sân khấu nước nhà. Dường như đã có những bước tiến đáng kể hơn trên con đường tìm kiếm và chinh phục khán giả của một ngành nghệ thuật vốn bị rơi vào tình cảnh ảm đạm trong hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, những chuyển biến vẫn chỉ mang tính cục bộ, nổi bật ở từng khu vực, từng mảng đề tài chứ chưa thực sự có tính phổ quát cho cả nền sân khấu.

    1. Những năm về trước Hội Nghệ sĩ Sân khấu thường chỉ tổ chức 2 trại viết, riêng năm 2010 có tới 5 trại. Phía Bắc là trại viết ở Tam Đảo, Đại Lải, phía Nam là Nha Trang, Vũng Tàu, Đà Lạt… Chủ trương của Hội Nghệ sĩ Sân khấu là thông qua các trại sáng tác kịch bản, phát hiện chăm sóc những tác giả, tác phẩm mới có chất lượng để cung cấp cho đời sống biểu diễn, thoát khỏi cảnh "ăn đong" hàng năm của các đoàn nghệ thuật vì kịch bản vừa yếu vừa thiếu. Việc đầu tư vào kịch bản cho sân khấu được ví như việc "các nhà máy đầu tư cho nông dân tạo vùng nguyên liệu theo kế hoạch sản xuất". Trên cơ sở đó, các nhà quản lý sân khấu sẽ xây dựng hệ thống kịch mục có định hướng, đáp ứng nhu cầu của các đơn vị biểu diễn cũng như của khán giả, chấm dứt tình trạng ngồi chờ kịch bản hay như "há miệng chờ sung".

    Hơn nữa, năm 2010 cũng là năm của những sự kiện lớn, tiêu biểu là đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nên số lượng kịch bản cũng như các vở diễn về đề tài lịch sử chiếm phần lớn danh sách kịch mục của nhiều đoàn nghệ thuật. Theo thống kê, 5 trại sáng tác do Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức đã thu hút 75 tác giả tham gia. Mỗi trại viết cho "ra lò" 15 kịch bản đã được Hội "duyệt" đề cương trước đó.

    Như vậy, ngành sân khấu có gần 100 kịch bản về các đề tài thu được từ trại sáng tác. Con số này quả thực rất đáng mừng. Nhưng nỗi lo ở đây là các kịch bản sau khi được "nghiệm thu" lại thường phải nằm trong kho để chờ đợi. Trong năm, chỉ có 1 vở có cơ hội đến được với công chúng nhờ sự đầu tư của Hội. Số kịch bản còn lại, chưa có một hình thức nào khả thi của Hội diễn ra, như cho các đơn vị sân khấu đấu thầu kịch bản (như bên điện ảnh) để những kịch bản nhanh chóng được hiện thực hóa thành các vở diễn trên sân khấu. Trong khi đó, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa khu vực phía Nam luôn trong tình trạng “ăn đong” kịch bản lại chưa được tiếp cận với nguồn kịch bản dồi dào này.

    2. 2010 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước. Các vở diễn về đề tài lịch sử có cơ hội được đến với công chúng qua Liên hoan sân khấu các vở diễn lịch sử chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong suốt thời gian diễn ra đại lễ, Liên hoan đã mang đến cho khán giả thủ đô 14 vở diễn, có thể kể ra như: "Thanh gươm đô đốc" - Nhà hát Tuồng Việt Nam; "Những vần thơ thép" - Nhà hát Chèo Việt Nam, "Trọn đời trung hiếu với Thăng Long" - Nhà hát Cải lương Việt Nam, "Mỹ nhân và Anh hùng" - Nhà hát Kịch Việt Nam; "Hồn Việt" - Nhà hát Tuồng Đào Tấn; "Bài ca giữ nước" - Nhà hát Chèo Quân đội; "Ngọc Hân Công chúa" - Nhà hát Chèo Hà Nội…

    Các vở diễn phong phú về đề tài cho thấy lịch sử Việt Nam là một kho báu để sân khấu cũng như các ngành nghệ thuật khai thác. Liên hoan được đánh giá là thành công với sự nhiệt tình của các nghệ sĩ và gây được sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì nhược điểm cơ bản khiến cho các vở diễn lịch sử chưa hấp dẫn đông đảo khán giả, đủ sức lôi kéo họ bỏ tiền mua vé đến rạp là ở chỗ: Nhiều vở hình thức dàn dựng cũ, tiết tấu chậm, rườm rà, các hình tượng nhân vật lịch sử còn nhạt nhòa, mang tính minh họa là chính chứ chưa trở thành một biểu tượng trong lòng khán giả.

    Một điều có thể nhìn thấy ở đây là Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đúng là một cơ hội lớn cho ngành Sân khấu "ra quân", thể hiện nội lực và tím kiếm khán giả của mình. Nhưng hình như vì chạy theo yếu tố kỷ niệm, chào mừng mà những người làm sân khấu quên đi yếu tố khán giả. Những đám đông có mặt trong ngày đại lễ chưa hẳn đã phải là khán giả đích thực của sân khấu. Vẫn có một khoảng cách nào đó giữa vở diễn và khán giả. Đã đến lúc người làm sân khấu cần phải nhìn lại và có những thay đổi, làm sao để các vở diễn sân khấu, đặc biệt là các vở lịch sử gần với công chúng hơn, chứ không phải là những vở diễn chủ quan như mình muốn, hay đơn giản là chỉ để có ý nghĩa trong dịp kỷ niệm hay lễ lạt nào đấy.

    3. Nghệ sĩ Hồng Vân, "bà chủ" sân khấu Phú Nhuận (TP HCM) chia sẻ, trong năm 2010, rất nhiều vở diễn chinh phục được khán giả, số lượng các nghệ sĩ trẻ tham gia vào làng kịch nghệ cũng nhiều lên, nhưng gần như chị không nhìn thấy một gương mặt tài năng nổi bật nào. Đây dường như là cảm nhận chung của nhiều nghệ sĩ thuộc các thế hệ đi trước. Phần lớn các nghệ sĩ sân khấu trẻ được khán giả biết đến, rất tiếc, không phải nhờ những vai diễn để lại ấn tượng mạnh trên sân khấu, mà chủ yếu là qua các phim truyền hình. Hiện tượng phổ biến là các diễn viên trẻ đua nhau chạy show đóng phim truyền hình. Các gương mặt trẻ của sân khấu như Kiều Thanh, Trung Dũng, Thanh Thúy, Huy Khánh… đều là những gương mặt quen thuộc của phim truyền hình. Dường như không phải sân khấu mà chính là truyền hình đã mang họ tới gần khán giả. Đây là điều thiệt thòi cho sân khấu. Nguyên nhân nằm ở chỗ khán giả sân khấu thường "khiêm tốn" hơn khán giả điện ảnh, nhưng sâu xa hơn chính là việc không có vai diễn nào của người diễn viên sân khấu để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.

    Nghệ sĩ Hồng Vân nói: "Khác với thời chúng tôi, khi nhận kịch bản xong là về nhà nghiền ngẫm, không bị phân tâm bởi bất cứ yếu tố nào khác, các diễn viên trẻ hôm nay có quá nhiều lựa chọn. Tôi không nói chuyện tiền bạc mà chỉ đề cập đến nghề nghiệp thôi. Riêng chuyện các em tất bật với quá nhiều show đóng phim truyền hình đã khiến cho các em khó có thể tập trung cho vai diễn. Hệ quả tất yếu là các em bị chia lửa, bớt đi tính đột phá, sáng tạo trong nghề nghiệp. Đó là chưa nói đến một số em vừa có chút tiếng tăm đã cho mình là ngôi sao mà lơ là chuyện trau dồi nghề nghiệp".

    Hiện nay, gần như rất hiếm diễn viên trẻ nào "chuyên tâm" cho sân khấu. Họ đa số đều đi theo con đường trở thành một nghệ sĩ "đa-di-năng", nghĩa là việc gì họ cũng làm, từ đóng phim, đóng quảng cáo, ca nhạc, làm MC… Họ thường làm song song nhiều việc cùng một lúc. Sự "ôm đồm" này khiến nghệ sĩ trẻ có thu nhập cao hơn, tăng "độ phủ sóng" cho tên tuổi của mình. Nhưng ngẫm kỹ thì điều này vô cùng có hại cho sự phát triển lâu dài của một người nghệ sĩ. Các diễn viên trẻ không đủ thời gian để trau dồi kiến thức, kỹ năng cho công việc của mình. Nhiều gương mặt trẻ khán giả "thuộc làu làu" vì xuất hiện nhiều, nhưng vai diễn nào của họ, dù sân khấu hay điện ảnh, truyền hình cũng mờ nhạt, không cá tính, bản sắc.

    Nói riêng trong lĩnh vực sân khấu thì đây đang là một vấn đề bất lợi, khiến không ít người tỏ ra lo ngại. Các thế hệ diễn viên trẻ hôm nay tỏ ra đuối sức hơn thế hệ cha anh mình. Yếu tố dấn thân, sống chết với nghề nhạt dần đi. Căn bệnh "ăn xổi ở thì" hời hợt, chuộng hình thức đang phổ biến. Tuy nhiên, chúng ta khó mà có thể trách các nghệ sĩ trẻ, trong tình hình sân khấu như hiện nay. Một khi khán giả còn chưa thực sự quan tâm đến loại hình nghệ thuật này, các đoàn nghệ thuật vẫn gặp không ít khó khăn trong việc đảm bảo đời sống cho các nghệ sĩ, và sự quan tâm của các nhà quản lý chưa thực sự thiết thực, thì các nghệ sĩ vẫn phải năng động bươn trải để tồn tại và khẳng định mình là điều dễ hiểu. Và cũng dễ hiểu khi họ phải chấp nhận hy sinh sự chuyên tâm cần thiết để có được những vai diễn sân khấu để đời.

    Trong suốt những năm qua, người làm sân khấu đã không ngừng lao động để dành lấy chỗ đứng trong tình cảm yêu mến của khán giả, trong hoàn cảnh phải chịu nhiều áp lực của kinh tế thị trường. Trân trọng những thành quả của các nghệ sĩ, chúng ta hy vọng vào một năm mới nhiều dấu ấn đậm nét hơn nữa cho sân khấu Việt Nam



    cailuongvietnam
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL