Trang 14/41 ĐầuĐầu ... 4 10 11 12 13 14 15 16 17 18 24 ... CuốiCuối
  1. phannhan
    Avatar của phannhan
    Phannhan với niềm trăn trở:
    Cải lương, sao nhiều người không thích?



    Tôi bắt đầu nghe cải lương, xem cải lương hồi pé tí. Chắc 8 -9 tuổi gì đó, chưa hiểu gì đâu, toàn đi theo má thôi. Xem nhiều đến mức, tôi thuộc lòng nghệ sĩ trong các vở tuồng: "Gánh cỏ sông Hàn", "Xin một lần yêu nhau", "Tô Ánh Nguyệt", "Đời cô Lựu", "Nửa đời hương phấn"...

    Má tôi buôn bán nhỏ trong chợ chồm hỏm gần nhà. Má người gốc Quảng, thích cải lương lắm lắm. Thích đến nỗi, nhiều khi ba tôi giận luôn. Có lần, đoàn cải lương Sài Gòn III ra biễu diễn tại nhà hát tuồng "Tô Ánh Nguyệt". Chiều hôm đó, má đi bán về sớm mua cho tôi đôi dép da hiệu con gà trống. (Xóm tôi đứa nào có được đôi dép đó...được chảnh.) Định bụng ngày mai sẽ mang đôi dép, cho bọn bạn tôi lé mắt. Cũng tối đó, má dắt tôi đi xem cải lương. Vì chảnh, nên mang dép mới đi xem hát. Thời đó, cải lương đông người xem lắm, phải xếp hàng mua vé, chen nhau vào trước để chạy ra cánh gà xem mặt...nghệ sĩ.

    Ngồi xem với má một cách mê mẩn, nghe cô Lệ Thủy khóc, tôi cũng chảy nước mắt (xúc động thiệt đó pà kon). Mê đến nỗi tôi bỏ hai chân lên ghế lúc nào không biết... Ngồi chồm hổm trên ghế xem đến hết tuồng, má giục ra trước để về, tôi chân xuống mang dép. Chiếc bên phải thì còn, chiếc bên trái thì mất tiêu. Tôi cúi xuống tìm, nhưng không thấy. Không phải tôi bị chôm, mà nhiêu người đi qua đi lại, đá mất chiếc dép của tôi. Tôi nói thiệt "bà già": "Con mất hết chiếc dép rồi"- "cái thằng..."- má chỉ nói vậy.

    Không chỉ má tôi thích xem cải lương, bà nội cũng khoái, các cô cũng sùng bái nghệ sĩ lắm. Nào là Thanh Nga, Minh Phụng, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Sang, Thanh Tuấn, Hoài Thanh... Lớn lên môt chút, đi học phổ thông tôi bắt đầu ghiền hát, dù chẳng biết tí gì. Thấy nghệ sĩ hát lên, thì hát lên, ngân thì tôi ngân, mấy bài lý cũng làm trơn tru vài điệu... Có lần, lớp tôi sinh hoạt văn nghệ, mấy đứa kia hát toàn tân nhạc, cô chủ nhiệm gọi tôi hát cho lớp nghe. Tôi đánh liều hát mấy câu trong tuồng "Xin một lần yêu nhau"... Hú hồn, cả lớp và cô chủ nhiệm vỗ tay...vì tôi dũng cảm...

    Giờ già rồi, tôi vẫn thích nghe dân ca, nghe cải lương. Tôi mua lại những vở tuồng ngày xưa về cho má và cho tôi. Tôi thích nghe cải lương của ngày xưa. Ngày đó, người nghệ sĩ nhập vai bằng cả tâm hồn, thề xác và giọng hát của mình cho vai diễn. Cải lương bây giờ, tôi cũng xem, cũng nhiều nghệ sĩ trẻ có tài, có giọng ca tốt... nhưng "diễn" quá đâm ra "nhạt". Chính vì vậy, mà tôi chỉ nghe những giọng ca cũ...dù có thể bây giờ thanh sắc không còn. Cải lương tôi thích nhất là nghe mộc.

    Nhiều vở tuồng cũ, được dựng lại hoành tráng nhưng nói thật tôi không thích. Nên nhiều khi tôi "tự sướng" bằng cách vào karaoke nghêu ngao cho đỡ nghiền. Tôi hát cải lương không ngọt, nhưng xuống xề cũng không tệ lắm. Ca mấy bài "guộc" lỡ có bạn bè nghe cũng không ngại. Nhưng, nhiều lúc đi với nhiều người, họ không thích nghe tôi hát cải lương. Có lẽ tôi hát không hay. Nhưng có người lại bảo rằng: "nghe sầu não, ai oán"..."Mày lúc nào cũng rên rỉ". Nhiều khi muốn "nổi lửa" luôn àh.


    Cải lương với tôi dẫu sao vẫn là những giá trị văn hóa. Cải lương mộc mạc như xuất thân của nó. Từ đời sống lao động, từ những câu chuyện đời được ghi lại bằng thanh âm của những nhạc cụ truyền thống. Nghe cải lương vẫn thú hơn mấy bài tân nhạc rỗng tếch thời @. Tôi không cổ hủ, nhưng tôi lại không thỏa hiệp với dòng nhạc mà nghe xong nó nhàn nhạt, sáo rỗng, vô thưởng vô phạt. Tôi càng không hiểu, sao không ít người lại ghét cải lương. Chẳng phải vì nó ai oán, sầu thương gì cả. Mà có lẽ, họ chưa một lần đứng, nằm, ngồi nghe cải lương một cách đàng hoàng nhất. Và có thể, họ chưa hiểu rằng cải lương là bắt nguồn cho cả nền văn hóa đậm đà bản sắc của vùng đất Phương Nam.

    Cải lương sâu lắng và đi vào lòng người nhẹ nhàng. Chính cải lương đã gắn kết người đến với nhau, yêu thương và giúp đỡ nhau. Tôi có hai người bạn, cả hai con người ấy đều xuất thân là miền Tây. Và họ hát cải lương mượt mà, không trao chuốt theo kiểu dân dã, chân chất miền sông nước. Chính họ đã vun đắp cho tôi tình cảm sâu nặng với cải lương.

    Bây giờ, trong Cải lương Số tôi có thêm một động lực vững vàng đủ để tin rằng cải lương sẽ không hề biến mất.

    Lý lịch trích ngang:
    Họ tên: Phan Trần Thế Nhân
    Sinh: 18/06/1977
    Nguyên quán: Quảng Nam
    Sinh ra và lớn lên ở Phan Thiết.
    Chưa dzợ...Hihihihihi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 27 Users Say Thank You to phannhan For This Useful Post:

    Dương Thanh Ngọc (11-04-2018), Hồng Nhung (30-06-2012), ngocdiep1912 (13-08-2012), nguoiphuongxa (28-07-2013), nguyenphuc (22-07-2012), romeo (23-07-2013), Thanh Hậu (28-07-2013)

  3. phannhan
    Avatar của phannhan
    Nguyên văn bởi Thuong Tran
    Tặng anh trai tấm hình nè, hôm đó anh làm em giật mình luôn đó..heheeee


    Đừng lo, anh Hiền lắm...Mặt anh hơi ác, nhưng không có gian em gái ơi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to phannhan For This Useful Post:


  5. xuan_0202
    Avatar của xuan_0202
    Hihi, anh Nhân chụp hình có một kiểu ôm làm hoài, đổi kiểu khác đi cho nó đa dạng anh ơi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following User Says Thank You to xuan_0202 For This Useful Post:


  7. phannhan
    Avatar của phannhan
    Anh chỉ ôm thôi, em! chỉ có đổi người. em cẩn thận
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 2 Users Say Thank You to phannhan For This Useful Post:


  9. Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 4 Users Say Thank You to phannhan For This Useful Post:


  11. MEM
    Avatar của MEM
    Quang Nhân là anh trai mình đó hả ta?? Nhà mình lên báo minh họa hình nữa hé. Thanks anh!

    Mà bài này post trong web mình được mà ta, sao để link ko vậy anh?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  13. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    1 lần nữa hình ảnh CLB lại lên báo..hihi.., Quang Nhân là bút danh của anh hả anh Phan Nhân?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following User Says Thank You to Thuong Tran For This Useful Post:


  15. phannhan
    Avatar của phannhan
    Nguyên văn bởi Thuong Tran
    1 lần nữa hình ảnh CLB lại lên báo..hihi.., Quang Nhân là bút danh của anh hả anh Phan Nhân?
    Nó đó em gái. Hihihihihihi
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 2 Users Say Thank You to phannhan For This Useful Post:


  17. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Nguyên văn bởi phannhan
    http://www.baobinhthuan.com.vn/vn/de...&news_id=41179

    Trò chuyện về đờn ca tài tử - cải lương:

    “Nếu làm tốt, làm tâm huyết sẽ có sự kế thừa”

    BT - Đờn ca tài tử - cải lương (ĐCTTCL) ở Bình Thuận lâu nay vẫn hoạt động âm thầm theo cách của những người mộ điệu. Tuy Bình Thuận không phải là nơi sinh của loại hình nghệ thuật này. Nhưng hiện nay, giới trẻ gần như khó tiếp cận, nguy cơ mất dần tính kế thừa. Chúng tôi trao đổi với nhà thơ, nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh – Trưởng Phòng nghiệp vụ văn hóa (Sở VHTT-DL) về quá trình hình thành và phát triển, để giúp độc giả hiểu hơn loại hình nghệ thuật này.

    Loại hình đờn ca tài tử, cải lương mặc dù không phải xuất xứ ở Bình Thuận, nhưng vì sao, đờn ca tài tử - cải lương ở Bình Thuận có sức sống đến vậy, thưa ông?

    - Nhà thơ - nhạc sĩ Đỗ Quang Vinh (ĐQV): Theo GS-TS Trần Văn Khê - một nhà nghiên cứu uyên bác và giàu tâm huyết với nghệ thuật dân tộc, thì cải lương, mà tiền thân là loại hình “Ca ra bộ” ra đời từ năm 1916-1917 tại Tiền Giang và Vĩnh Long. Đến năm 1920, từ cải lương mới được chính thức sử dụng nhờ một gánh hát mang tên Tân Thinh, khi diễn nơi đâu cũng đều treo hai câu liễn: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

    Như vậy, có thể nói, loại hình nghệ thuật cải lương đã tồn tại và phát triển đến nay gần một thế kỷ, được thừa nhận là loại hình văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc dân tộc. Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Bình Thuận là nơi tụ nghĩa, tụ trí, tụ lực của các sĩ phu yêu nước từ miền Nam ra, từ miền Bắc và miền Trung vào. Theo đó, nghệ thuật cải lương cũng du nhập vào. Văn hóa Bình Thuận chính là sự dung nạp có chọn lọc bản sắc văn hóa các vùng, miền trong cả nước. Sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: “Giọng Thanh Hóa là giọng miền Bắc phai đi/Giọng Phan Thiết là giọng miền Nam sắp sửa”.

    Điều này, góp phần lý giải vì sao dân Bình Thuận thích nghe cải lương, và một bộ phận nòng cốt trong số đó đã trở thành những người sáng tác, biểu diễn nghệ thuật cải lương trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.


    CLB yêu cổ nhạc Anh Em về giao lưu tại Phan Thiết

    Trên địa bàn tỉnh có nhiều nhóm, câu lạc bộ đờn ca tài tử - cải lương đang hoạt động. Ở góc độ nào đó, chính những hạt nhân này đang cố công gìn giữ và phát triển nó. Theo ông, việc làm này có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống văn hóa - xã hội trong bối cảnh hiện nay?

    - ĐQV: Hiện nay, hầu như nơi nào trên địa bàn tỉnh cũng đều có các câu lạc bộ (CLB) hoặc nhóm đờn ca tài tử - cải lương (NĐCTT-CL). Ở tỉnh, có CLB ĐCTT-CL của tỉnh (trực thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh), Bắc Bình có 3 CLB và 2 nhóm, Tuy Phong có 2 CLB, Hàm Thuận Bắc có 4 nhóm, Hàm Thuận Nam có 1 nhóm, thành phố Phan Thiết có 6 nhóm, thị xã LaGi có 1 nhóm, Hàm Tân có 2 CLB, Đức Linh có 2 CLB và 1 nhóm, Tánh Linh cũng có 1 nhóm.

    Tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, hàng năm CLBĐCTT-CL đều được giao chỉ tiêu biểu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh theo chương trình mục tiêu “Đưa văn hóa về cơ sở”. Thời điểm nhiều nhất là 30 buổi/01 năm, thời điểm hiện nay là 15 buổi/01 năm, do khó khăn kinh phí. Riêng tại các huyện, thị xã, thành phố, tùy theo điều kiện cụ thể của từng nơi mà các CLB và các nhóm ĐCTT-CL tổ chức biểu diễn hoặc phối hợp biểu diễn phục vụ nhân dân ở địa bàn cơ sở, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Đây chính là một trong những nguồn động lực giúp cho loại hình ĐCTT-CL tồn tại và phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng.

    Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông thấy loại hình văn hóa truyền thống này đã và đang được “giúp sức” như thế nào trong thời gian qua?

    - ĐQV: Tính đến nay, Sở VHTT&DL (trước đây là Sở VHTT) đã tổ chức 2 lần hội thi, quy tụ tất cả các nhóm ĐCTT-CL trên địa bàn toàn tỉnh về tham dự như một ngày hội của nghệ thuật quần chúng. Năm 2006, có đến 22 nhóm ĐCTT- CL về tham dự hội thi với gần 100 tiết mục đủ các thể loại: vọng cổ; các bài bản tài tử; hòa tấu, độc tấu nhạc cụ và chập cải lương. Qua hội thi cùng với 3 đêm công diễn tại sân khấu Quảng trường Nguyễn Tất Thành, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp với đông đảo người xem trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Bên cạnh những tên tuổi đàn chú, đàn anh, đàn chị chuyên nghiệp như: Trường Ngọc, Thanh Tâm, Đặng Long, Hà Thu… đã xuất hiện nhiều khuôn mặt mới hát hay, đàn giỏi; vừa là tác giả vừa là diễn viên như: Mai Công Lập, Nguyễn Tánh Linh, Quảng Đại Dưỡng, Ngô Thanh Thao, Trường Hoa Tín, Trần Kim Long, Chung Lượng. Điều đáng nói là từ việc tập hợp lực lượng, xây dựng chương trình cho đến phương tiện đi lại, ăn nghỉ trong suốt thời gian diễn ra hội thi đều do các nhóm tự lo. Ban tổ chức chỉ chịu trách nhiệm khâu tổ chức, thẩm định chuyên môn và giải thưởng.

    Để phát triển loại hình nghệ thuật ĐCTT-CL, tôi nghĩ thời gian tới cần tiếp tục duy trì và phát huy hoạt động của các CLB và các nhóm theo phương châm xã hội hóa. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cần tạo mọi điều kiện để các nhóm, các CLB có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi chuyên môn thông qua nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật được tổ chức định kỳ ở các cấp như: hội thi, liên hoan, ngày hội… Bên cạnh, các nhóm và các CLB ở từng địa phương có thể chủ động tổ chức biểu diễn giao lưu với các nhóm, CLB trong và ngoài tỉnh để tạo nên sự phong phú và đa dạng trong hoạt động.

    Ông nghĩ như thế nào, nếu đờn ca tài tử - cải lương không được kế thừa của lớp trẻ?

    - ĐQV: Thật ra, mỗi loại hình nghệ thuật đều có công chúng riêng của mình xuất phát từ tính chất và đặc điểm nội tại của loại hình nghệ thuật đó. Trong điều kiện hiện nay, khoa học - công nghệ đang phát triển với tốc độ vũ bão, thì việc giữ chân khán giả trẻ bằng loại hình nghệ thuật cải lương với tiết tấu có phần rề rà, chậm chạp, không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận công chúng trẻ dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và yêu thích loại hình nghệ thuật dân tộc này một cách say mê, rất đáng trân trọng. Điều này, theo tôi là hoàn toàn hợp quy luật. Bởi vì, chỉ khi nào anh hiểu một cách thấu đáo cái hay, cái đẹp, nét độc đáo của một loại hình nghệ thuật nói chung, nghệ thuật dân tộc nói riêng thì sự cảm thụ mới trở thành niềm đam mê bền bỉ. Nói cách khác, chúng ta phải làm thật tốt, thật tâm huyết, thật kiên trì công tác tuyên truyền, giới thiệu một cách có hệ thống về nghệ thuật ĐCTT-CL, thì chắc chắn không lo loại hình này không có sự kế thừa của lớp trẻ.

    Xin trân trọng cảm ơn.

    Quang Nhân (thực hiện)
    Lên báo nữa hả anh. không kịp ăn mừng luôn.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 2 Users Say Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:


  19. huutienvl
    Avatar của huutienvl
    Phóng sự dự thi: "Tìm Lại Cải Lương" (Nhà báo Quang Nhân - Báo Bình Thuận)

    “Tìm lại… cải lương”

    Kỳ 1: Đờn ca vỉa hè LINK GỐC:

    Phóng sự dự thi: QUANG NHÂN

    BT- Bờ kè Phạm Văn Đồng, tối thứ sáu ở góc Mũi Tàu (phường Hưng Long, Tp. Phan Thiết), nước sông Cà Ty cạn. Tàu đánh cá nằm san sát, một bóng đèn compact được kéo dây từ nhà chú Bảy Khanh ra tận phía vỉa hè. Nó được đặt trên một cây tre khẳng khiu, ánh sáng yếu ớt. Hai chiếc bàn nhựa, vài ly trà, vài cái bánh ngọt để bắt đầu cho một buổi sinh hoạt: đờn ca tài tử…

    NIỀM VUI XẾ CHIỀU

    Dàn âm ly cũ, một chiếc micro đi theo ông Bảy Khanh nhiều năm nay được lắp vào âm ly. Mọi người trong nhóm đờn ca tài tử của ông Bảy lục đục đến đầy đủ. Hai thầy đờn trẻ nhất nhóm ông Bảy khảy điệu Kim Lang để bắt đầu cho một buổi văn nghệ dã chiến. Ngoài hai thầy đờn trẻ tuổi, còn lại là những cô chú lớn tuổi quây quần. Tôi biết ông Bảy Khanh trong một lần tình cờ lai rai tại nhà ông. Quán nhậu do các cô gái con ông Bảy mở, khi con đường này giải tỏa làm bờ kè. Đang ngồi nhậu, tôi nghe rõ tiếng réo rắt của đàn nhị, tiếng gõ phách, xuống xề của những bài ca cổ một thời nức lòng người mộ điệu.


    Vốn có máu văn nghệ, và đang chơi trong câu lạc bộ yêu cổ nhạc của một nhóm bạn trẻ tứ xứ. Lân la bắt chuyện, nghe tôi nói huyên thuyên về đờn ca tài tử, ông Bảy Khanh vui vẻ: “Thứ sáu nào cũng vậy, nhóm chú đều tập trung ở đây ca hát, tập tành sau ngày lao động, tuổi già mà có gì làm vui đâu con”. Nhóm của ông Bảy ra đời, vì không còn niềm vui nào khác ngoài chuyện thích được hát vọng cổ, ngân nga điệu lý, câu hò, hay những bản, đoạn trích của những vở cải lương có từ mấy chục năm qua. “Mày hát được bữa nào xuống chơi cho vui” - ông Bảy chân tình. Như đã hẹn, tôi xuống sân khấu của nhóm ông Bảy vào tối thứ sáu. Mọi người đã đông đủ, ca hát từ lúc nào không rõ. Khi đó, ông Tư đang hát câu 5, câu 6 trong bản Hàn Mặc Tử. Ông Tư hơn 60 tuổi, giọng vẫn khỏe, vẫn xuống xề ngọt ngào… như thuở còn trai tráng. Đam mê đờn ca tài tử, cải lương nhưng thời trẻ trung đâu ai rảnh rang mà vui chơi, mà tụ hợp. Chuyện làm ăn, vợ con mọi thứ xoay chuyển để tuổi già mới thảnh thơi đôi chút. Mọi người trong nhóm ông Bảy Khanh đều lớn tuổi, có người đã lên chức ông nội, bà ngoại hết rồi, nhưng hễ nghe bàn đến hát, đến ca là máu văn nghệ cứ sôi sùng sục.

    Ông Bảy Khanh chơi nhạc cổ từ khi còn tham gia kháng chiến ở Khu Lê, cả đơn vị chỉ có mình ông biết đờn, biết ca. Ông cũng là người viết lời cho rất nhiều bản cải lương, cổ động tinh thần đấu tranh. Bây giờ, già nhớ nghề, nhớ ngón đờn, nhớ từng làn điệu “cóng, cóng, xê, sàng..” nên quy tụ anh em về với đờn ca tài tử. Vợ ông Bảy không hát được, nhưng lại là người lăng xăng trà, nước mỗi khi nhóm ông sinh hoạt. Hôm trời mưa, cả nhóm lại kéo vào hiên nhà, lại đờn, lại hát..

    Dứt câu vọng cổ, tiếng vỗ tay phát ra từ quán nhậu, thì ra khách nhậu, khách qua đường cũng ghiền “món” tinh thần đờn ca tài tử. Hôm tôi ghé, một vị khách thích ghiền hát quá, xin ông Bảy cho ca 2 câu trong bài Võ Đông Sơ của cố soạn giả Viễn Châu mới chịu ra về.

    VỀ ĐÂU TÀI TỬ CẢI LƯƠNG

    Cả thành phố Phan Thiết có ít nhất 6 nhóm đờn ca tài tử, thủ lĩnh của những nhóm hát là những người chơi nhạc cổ từ thời trẻ đến giờ. Như anh Đặng Ngọc Long (Đức Long), anh Vinh (nhóm Ánh Sáng), anh Minh (Phong Nẫm), anh Quang Vũ (bên tượng đài Chiến Thắng), nhóm anh Ly, nhóm chú Bảy Khanh (bờ kè phường Hưng Long). Nhóm anh Quang Vũ, vốn dĩ anh Vũ là thợ sửa xe, vá ép nhưng tối nào cũng thế, cái tiệm bé tí nằm ở góc đường trung tâm thành phố. Không thấy khách sửa xe, chỉ thấy những con người ngồi say sưa ôm đàn và ngân nga vọng cổ. Nhóm anh Vinh cứ mỗi thứ sáu thì lại về tập trung ở khu Văn Thánh 3, tiệm hớt tóc Trung Chánh. Anh Vinh, chia sẻ: “Giờ tuổi trẻ không bao giờ tìm hiểu về loại hình này, tuổi 30 trở xuống càng hiếm. Trong 70 người, chỉ khoảng 3 người trẻ, xem chừng cũng chỉ 5% là biết đến cải lương, yêu cổ nhạc”.

    Vậy là họ không thích?!

    Không hẳn không thích, nhưng không có điều kiện phát triển, giới trẻ không có nhiều điều kiện tiếp cận.

    Nhóm đờn ca tài tử của anh Vinh, ngoài chuyện hát để anh em sinh hoạt với nhau, cũng nhận show đi hát đám đình, đám chay. Hát ở chùa vào những dịp lễ. Còn cả tỉnh thì cũng có nhiều nhóm, có CLB, nhưng một năm anh em nghệ sĩ không chuyên chỉ gặp nhau vào dịp giỗ tổ (12/8 âm lịch). Gặp nhau, tay bắt mặt mừng để chia sẻ, để hát những điệu buồn cho đời thêm ngọt ngào. Theo anh Vinh, thời điểm lúc còn trẻ cũng gom được vài chục anh em, có bầu Ban chủ nhiệm hẳn hoi dưới dạng “tự phát và tự túc” nên không có chế tài, cuối cùng cũng không vào quy cũ. Ở tỉnh thì 5 năm tổ chức 2 lần hội thi đờn ca tài tử - cải lương, như là cách để giữ lửa cho bộ môn nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Sắp tới, trong số hơn 20 tỉnh, thành (trong đó có Bình Thuận) đang được Bộ VHTTDL đề nghị tổ chức UNESCO công nhận vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hy vọng, sẽ là hướng mở để đờn ca tài tử - cải lương có thêm sức sống.

    Có đến với những nhóm hát đờn ca tài tử - cải lương vào những đêm sinh hoạt định kỳ của những con người đã đi qua gần hết một đời người mới thấy họ đam mê, hết mình với nó. Tuổi trẻ bây giờ không còn mặn mà với đờn ca tài tử - cải lương. Sự du nhập văn hóa, sự bùng phát của những phương tiện nghe nhìn hiện đại, cùng với dance, hiphop, với những ca khúc mà lời hát rỗng tuếch đã kéo dần khoảng cách văn hóa dân tộc ra khỏi tầm với của giới trẻ.

    Tất cả nhóm hát đờn ca tài tử - cải lương mà tôi có dịp đến thưởng thức người trẻ nhất cũng bước vào tuổi 30. Những thầy đờn trẻ tuổi nhất đã tìm đến với đờn cò như Văn Hiếu, như Nô… là quá ít ỏi bên những giọng ca mà ban ngày họ là những người lao động biển, là thợ hồ, là những ông bà nội, bà ngoại… đang cố gắng từng ngày để đờn ca tài tử - cải lương đến gần với lớp trẻ dù muộn màng và không nhiều tương lai.

    QUANG NHÂN
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 5 Users Say Thank You to huutienvl For This Useful Post:


  21. huutienvl
    Avatar của huutienvl
    “Tìm lại… cải lương”

    Kỳ 2: Nhạn trắng… bay rồi - LINK GỐC

    BT - Năm 1987, tỉnh Thuận Hải cũ có một đoàn cải lương mang tên Nhạn Trắng. Đang hoạt động ngon trớn… Được 7 năm, khi chuyến lưu diễn ở miền Trung chưa dứt, cả đoàn bất ngờ khi nhận được tin về để sắp xếp lại… thực ra là giải thể. Những nghệ sĩ - những con “nhạn trắng” của ngày xưa tung bay tứ xứ. Người thành đạt, người sống trong chật vật... Nhạn Trắng chỉ còn trong ký ức của những ai đã từng yêu thích...

    Một thời nhạn trắng

    Đoàn Cải lương Nhạn Trắng thành lập vào năm 1987. Nhạn Trắng đã trình diễn được nhiều vở tuồng gây tiếng vang trong lòng công chúng những tỉnh bạn là nôi cải lương. Đó là các vở: “Lan và Điệp”, “Lôi Vũ”, “Tướng cướp Mỹ Hoàng”, “Người tình trên chiến trận”, “Chiếc bóng oan khiên”... Nghệ sĩ của đoàn không nhiều, nhưng tiếng hát của họ làm nhiều người nhớ. Rất nhiều người còn nhớ anh kép chính Trường Linh Trúc, người ở xã Phước Thể (Tuy Phong), hay cô đào chính xinh đẹp Phương Hoài Thương (Bắc Bình), Thy Hồng Ngọc (Liên Hương, Tuy Phong), đào độc Xuân Như Được, kép độc Lâm Trung, rồi những giọng ca Hà Thu, Nhật Lũy.


    Anh Lũy bây giờ an phận với công việc của một “nghệ nhân” cây cảnh...

    “Năm 1994, lãnh đạo Đoàn Cải lương Nhạn Trắng được mời họp để thông báo đoàn phải ngưng hoạt động để sắp xếp. “Sắp xếp” chỉ là một mỹ từ chứ thật ra là giải thể. Tôi đau lắm, anh em nghệ sĩ hụt hẫng. Mà đâu phải đoàn không đi diễn, diễn nhiều nữa là khác. Từ Quảng Nam, Bình Định, rồi Phú Yên... được ủng hộ lắm” - ông Nguyễn Văn Cơ (nguyên Phó Đoàn Cải lương Nhạn Trắng), nhớ lại. Tuy hoạt động sôi nổi hơn Đoàn Dân ca liên khu 5, nhưng Đoàn Cải lương Nhạn Trắng vẫn không thoát khỏi một quy luật “thu không đủ chi”. Nhà nước bao cấp không nổi, nên đành để “đàn chim nhạn” tung bay tứ xứ. Có người còn bám trụ với quê hương, có người bỏ xứ lập nghiệp, có người thành danh trên xứ người..

    Giờ họ không còn sống với ánh đèn, với sân khấu nhưng trong lòng lại âm ỉ nỗi nhớ.

    Nghệ sĩ thành “nghệ nhân”


    Giải thể, mỗi người chọn cho mình hướng đi riêng. Như nghệ sĩ Phương Hoài Thương sau đó lập gia đình theo chồng về Huế sinh sống bằng việc kinh doanh. Nghệ sĩ Hà Thu vẫn không thể bỏ được ánh đèn, cũng lập gia đình theo đuổi nghiệp hát. Và cũng không phải ai cũng may mắn. Nghệ sĩ Xuân Như Được, sau khi ly hôn đã sống trong căn phòng trọ nuôi con. Chị chia sẻ: “Sau khi đoàn tan, chị tìm về đầu quân cho Đoàn Cải lương Đồng Tháp, nhưng cuộc sống miệt sông nước, khó khăn quá. Phải về lại Phan Thiết”.

    Một ngày bình thường, công việc của anh Lũy tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh là tưới cây, chăm sóc cây cảnh. Từ khi Đoàn Nhạn Trắng không còn, anh Lũy được phân về đây, không còn hát, không còn được trải lòng ở những vai diễn. Anh Lũy an phận là công nhân viên quốc phòng. Thi thoảng tham gia chương trình văn nghệ quần chúng của đơn vị. “Giờ là nghệ nhân cây cảnh, chứ không phải nghệ sĩ” - câu nói đùa nhưng chua chát của người nghệ sĩ đã từng gắn bó với nghiệp ca diễn sau khi đi bộ đội trở về, khiến tôi có cảm giác anh đang nhớ nghề.

    Những thầy đờn của Đoàn Nhạn Trắng như anh Vinh, anh Long cũng an phận trong kiếp con tằm nhả từng tiếng tơ ai oán, buồn thương da diết của phận đời nghệ sĩ. Như anh Long, một thời gian dài gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng, giờ tìm thú vui cuối đời để truyền nghề cho lớp trẻ theo từng ngón đàn. Anh Vinh may mắn, còn làm việc tại Trung tâm Văn hóa thành phố, cũng nhờ vậy mà anh Vinh truyền lửa cho hàng chục học trò có tuổi gần bằng với mình, đó xem như là một cách để giữ nghề, mà ngày xưa anh từng theo cha học từ lúc 8, 9 tuổi. “Thời đó hát chay, tập chay nhưng yêu lắm cái không khí tập tuồng, yêu lắm bữa cơm đạm bạc của tình anh em nghệ sĩ với nhau” - chị Được bộc bạch. Ký ức về đoàn hát nhỏ bé ở quê tôi, chỉ còn như vậy... Ít ỏi! Nhưng ít ra, quê tôi cũng đáng tự hào vì có cải lương, để bây giờ cải lương trở thành cái nôi của đờn ca tài tử, của những nhóm hát tự phát mọc lên ở vỉa hè, ở dinh vạn và bờ kè.

    “Chúng tôi chấp hành quyết định của tổ chức, đó là nguyên tắc...”. Câu nói của ông Cơ có điều gì đó vương vấn nỗi buồn, sự hối tiếc, khi cả ông và những người lãnh đạo đoàn đã không giữ được Nhạn Trắng, đã chấp nhận nhìn những anh em nghệ sĩ ra đi mỗi người một phương.

    Phóng sự của QUANG NHÂN
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  22. The Following 5 Users Say Thank You to huutienvl For This Useful Post:


Trang 14/41 ĐầuĐầu ... 4 10 11 12 13 14 15 16 17 18 24 ... CuốiCuối
ANH EM CHANNEL