1. MEM
    Avatar của MEM
    Ra mắt Ngục trung nhật ký diễn ca


    Khởi đầu là dự án Trường ca Nhật ký trong tù bằng cải lương, trải qua bao khó khăn trong quá trình thực hiện, kịch bản sáng tác đầy tâm huyết của NSƯT Bạch Tuyết nay chỉ còn là một chương trình ca cổ.


    NSƯT Bạch Tuyết và diễn viên Võ Minh Lâm trong một cảnh quay tại Cao Bằng
    trong chương trình Ngục trung nhật ký diễn ca. Ảnh: Võ Từ Uyên

    Chương trình ca cổ mang tên Ngục trung nhật ký diễn ca do Đài Truyền hình TPHCM thực hiện không kịp phát sóng vào tối 19-5 theo kế hoạch. Dự kiến, chương trình sẽ phát sóng vào ngày 5-6 tới, kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Chương trình này là kết quả của dự án Trường ca Nhật ký trong tù do NSƯT-TS Bạch Tuyết sáng tác kịch bản, được dư luận và giới chuyên môn quan tâm, chờ đợi.

    Từ “trường ca” đến “diễn ca”

    Tại sao từ Trường ca Nhật ký trong tù dài 200 phút theo kế hoạch, nay chỉ còn là chương trình ca cổ Ngục trung nhật ký diễn ca chỉ còn 60 phút? Nhạc sĩ Kiều Tấn, Trưởng Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM, cho biết: “Nhận kịch bản văn học từ tay NSƯT-TS Bạch Tuyết, chúng tôi đã có nhiều lần trao đổi với chị. Trên thực tế, với thời lượng hơn 200 phút là rất khó thực hiện vì ngôn ngữ truyền hình cho phép giới hạn chương trình chỉ từ 60 đến 90 phút. Kịch bản chị Bạch Tuyết sáng tác dựa theo tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mặt nào đó dễ bị sa vào sự dàn trải, thiếu tập trung trong một chủ đề chính, nên về mặt thể hiện bằng ngôn ngữ truyền hình là một thử thách rất lớn đối với anh em đạo diễn và ê-kíp thực hiện. Tính đến thời điểm này, đã qua hai lần trình duyệt, chúng tôi quyết định cắt giảm thời lượng chương trình chỉ còn 60 phút. Ý định dựng Trường ca Nhật ký trong tù khó có thể thực hiện đúng tầm tư tưởng của tác phẩm văn học Nhật ký trong tù, do đó chúng tôi chỉ hài lòng ở mức dàn dựng một chương trình ca cổ, trong đó có một số bài sáng tác dựa theo tác phẩm Nhật ký trong tù của Bác”.

    Đạo diễn - NSƯT Lê Cường tâm sự: “Tôi và đạo diễn Thanh Sơn được phân công thực hiện chương trình này. Chúng tôi thực sự rất lo lắng vì đây là một chương trình tâm huyết của Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM và của NSƯT Bạch Tuyết. Cố NSƯT - đạo diễn Trần Kiên lúc đó dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn xung phong nhận làm công việc cố vấn hình ảnh cho hai đàn em. Chính anh Trần Kiên đã đưa ra ý tưởng bám vào quyển sách thơ để dàn dựng hình ảnh. Quyển sách thơ nói lên tâm hồn của Bác, đặc tả hồn thơ và chuyển đổi không gian qua mỗi lần sang trang. Trên thực tế, tôi và anh Thanh Sơn bí khi nghĩ đến việc tả thực, trừu tượng hoặc ước lệ. Tất cả các nguyên tắc sáng tác truyền hình đều khó thực hiện vì thiếu tư liệu. Về hình ảnh minh họa thì không tìm được vì bối cảnh chính diễn ra ở Trung Quốc. Kho tư liệu khó tìm được hình ảnh minh họa đúng bối cảnh, đúng lịch sử. Đoàn làm phim phải ra tận thác Bản Dốc - Cao Bằng để ghi hình là một quá trình lao động đầy tâm huyết. Chúng tôi cố gắng chăm chút từng khung hình để tạo ấn tượng thật đẹp cho các bài ca cổ trong chương trình Ngục trung nhật ký diễn ca”.

    Tác giả Võ Tử Uyên, biên tập của chương trình, cho biết: “Khi được chỉnh sửa theo một chủ đề chính, chúng tôi đã đưa thêm 3 bài vọng cổ của 3 tác giả khác vào tác phẩm này, đó là các bài: Những sợi tơ hồng của Hà Nam Quang, Tiếng sáo người bạn tù của Ngô Hồng Khanh và Có một người làm thơ của Diệp Vàm Cỏ”.

    Ghi nhận tâm huyết

    Đánh giá về chuyên môn, tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, nói: “Thơ của Bác mang chất thiền, tính tư tưởng rất lớn. Khi NSƯT Bạch Tuyết đưa tôi xem tác phẩm mà chị sáng tác theo bài bản nghệ thuật cải lương, tôi đã góp ý việc tìm ra cốt lõi chính để chuyển tải. Nghĩa là nên chọn những tư tưởng thật đắt để chuyển thể sang cải lương, nhất là cân nhắc việc thống nhất giữa ba yếu tố: tác phẩm thi ca đỉnh cao của Nhật ký trong tù mà Bác sáng tác, cách thể hiện bằng ngôn ngữ truyền hình và diễn xuất của nghệ sĩ thể hiện. Bác sáng tác Nhật ký trong tù bằng chữ Hán, nhiều loại hình nghệ thuật khác như văn học, truyền hình, điện ảnh… chưa đủ lực để khái quát thành tác phẩm trường ca, dù thể loại đó rộng đường sáng tác hơn cải lương. Khi NSƯT Bạch Tuyết quyết định chuyển thể tác phẩm Nhật ký trong tù thành trường ca cải lương, đó là một tâm huyết đáng ghi nhận nhưng xét về mặt chuyên môn thì khó thực hiện. Bởi, sẽ rất dễ đơn điệu khi cứ đọc một đoạn thơ rồi ca bài bản, ca vọng cổ những tác phẩm thi ca mà Bác sáng tác trong khoảng thời gian bị giam cầm. Hơn nữa, nghệ thuật cải lương xuất thân từ dân gian, dù mang tính mở nhưng khi đưa những tác phẩm văn học mang tính thiền, thi ca tầm cao trí tuệ của Bác vào thì khó mà chọn lọc bài bản đúng tầm để sáng tác nếu không chọn một chủ đề cốt lõi”.

    Nói về kinh phí dàn dựng và kế hoạch phát sóng, nhạc sĩ Kiều Tấn cho biết: “Đến nay, chúng tôi chưa thể tính toán kinh phí đã đầu tư, chỉ biết đây là tâm huyết của anh em trong Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM và nhiều nghệ sĩ. Sự cố đáng tiếc do tai nạn giao thông dẫn đến việc NSƯT - đạo diễn Trần Kiên qua đời vào ngày 28-9-2010 trong chuyến xe đi ghi hình từ Cao Bằng về Hà Nội là một sự mất mát lớn của tập thể chúng tôi. Dù chương trình ca cổ Ngục trung nhật ký diễn ca được chắp vá, lắp ghép nhưng chúng tôi đã cố gắng hết sức, thực hiện thật tốt để phát sóng vào những ngày lễ lớn.

    NSƯT Bạch Tuyết:

    Được bày tỏ lòng thành kính

    Trả lời câu hỏi từ tâm nguyện nào chị thực hiện kịch bản Trường ca Nhật ký trong tù của Bác Hồ, NSƯT-TS Bạch Tuyết nói: “Tôi kính trọng và ngưỡng vọng một con người suốt đời đã sống và đấu tranh vì độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh không chỉ là một lãnh tụ kiệt xuất, Người còn là nhà văn hóa, chẳng lẽ nào bấy nhiêu chưa đủ để khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tạo trong những nghệ sĩ như chúng tôi?”.

    Khi hỏi chị có hài lòng không khi dự án tâm huyết của mình nay chỉ thực hiện được một chương trình ca cổ, NSƯT-TS Bạch Tuyết thổ lộ: “Với Ngục trung nhật ký diễn ca, tôi là người khơi gợi và thực hiện công đoạn sáng tạo - chuyển thể; còn lại từ các khâu chỉnh lý, biên tập, dàn dựng, xử lý… đã được Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM gia công, đầu tư. Đó là công trình của một tập thể mà tôi chỉ là một thành viên, thực hiện một công đoạn. Công trình có thể hay hoặc chưa hay nhưng tấm lòng thành kính, sự biết ơn của những con người hôm nay với một lãnh tụ, một nhà văn hóa thì chúng tôi đã phần nào được bày tỏ”.
    Thanh Hiệp
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  3. Minh_Răng
    Avatar của Minh_Răng
    Thế anh có Audio này chưa
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. MEM
    Avatar của MEM
    Chưa, chương trình ca cổ phát vào 5/6 sắp tới trên HTV mà!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  5. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:


ANH EM CHANNEL