1. romeo
    Avatar của romeo
    Nếu NS có thể bỏ qua cái “sĩ” của mình để ký đơn một cách chân thành thì các cơ quan chức năng cũng nên đeo đuổi việc làm tốt đẹp của mình, tránh tình trạng NS đến hẹn lại... làm hồ sơ, nhưng rồi không được duyệt khiến họ nản lòng.




    Với 890 hồ sơ đề nghị xét tặng được Bộ VH-TT-DL trình Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch nước xem xét phong tặng vào dịp 2/9 tới cho các danh hiệu: giải thưởng Hồ Chí Minh (18 hồ sơ), giải thưởng Nhà nước (268), danh hiệu NSND (138), danh hiệu NSƯT (466), đợt phong tặng lần 7/2011 được xem là có số ứng viên nhiều nhất từ trước đến nay. Trong số đó, chỉ riêng TP.HCM đã gửi 14 hồ sơ xin đặc cách (sáu NSND và tám NSƯT). Quy định xét đặc cách đối với danh hiệu NSƯT, NSND được xem là thay đổi tích cực, nhận được sự đồng thuận cao của nghệ sĩ (NS) và những người phụ trách các hội nghề nghiệp tại địa phương.

    Tín hiệu vui
    Quy định đặc cách đã tạo “khoảng mở” để vinh danh những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật nhưng không có đủ số huy chương. Tại TP.HCM, Hội đồng TP đã đề nghị xét sáu hồ sơ danh hiệu NSND cho các NS: NSƯT Viễn Châu, NSƯT Kim Cương, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Ngọc Giàu, NSƯT Lệ Thủy, cố ĐD NSƯT Trần Kiên và tám hồ sơ cho danh hiệu NSƯT: nhạc sĩ Hồ Văn Thành, NS Quốc Hùng, NS Tú Sương, NS Vũ Luân, ca sĩ Thế Hiển… Ở lĩnh vực điện ảnh, NSƯT Lý Huỳnh cũng đã được Hội đồng cấp Bộ đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét đặc cách danh hiệu NSND.

    Theo bà Dương Cẩm Thúy - Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM thì: “Quy định về đặc cách có ý nghĩa tích cực và hợp lý trong thực tế hiện nay. Nếu lấy giải Bông sen vàng và huy chương vàng của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn để xét tặng danh hiệu, chắc chắc sẽ có không ít NS tài năng và có nhiều đóng góp sẽ bị lọt khỏi danh sách”.

    Hiện nay, các đợt hội diễn sân khấu (SK), liên hoan phim mới chỉ tổ chức 5 năm/lần, giải Cánh diều cũng quy định hai năm/lần. Liên hoan, hội diễn không nhiều, hơn nữa không phải NS nào cũng có cơ hội được tham dự, nhất là các NS lớn tuổi bởi đa số đã lùi về để nhường chỗ cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, khá nhiều NS tên tuổi hiện nay đang đảm nhận công tác giảng dạy, truyền nghề, nếu không có những quy định mới mà chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn huy chương, giải thưởng thì e rằng họ khó đạt được danh hiệu. Đơn cử như trường hợp của NSƯT Bạch Tuyết, không kể những tác phẩm nghệ thuật đã để lại tiếng vang như Diễn kịch một mình, Hoàng hậu của hai vua, Độc thoại đêm… bà còn góp phần không nhỏ trong việc truyền nghề cho lớp trẻ, nhiều năm liền là thành viên ban giám khảo các đợt liên hoan, hội diễn SK toàn quốc. Hay NSƯT Kim Cương, dù ít tham gia biểu diễn nhưng với danh vị của một kỳ nữ kịch nghệ, bà luôn có những đóng góp tích cực cho công tác từ thiện, đưa SK đến với cộng đồng, đã được Nhà nước trao tặng huân chương Lao động hạng nhì. Nếu lấy chỉ tiêu huy chương để xét tặng danh hiệu NSND cho các NS này thì e rằng sẽ thiếu tính thực tế.

    Về trường hợp NSƯT Lý Huỳnh, sau những thành công trong vai trò diễn viên, ông tiếp tục trở thành ĐD và nhà sản xuất phim thị trường ăn khách của những năm cuối thế kỷ XX với một loạt phim Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La… Mới đây, ông trở lại với bộ phim nhựa lịch sử Tây Sơn hào kiệt chiếu trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với bề dày thành tích và những cống hiến cho nghệ thuật, ông cũng đã có tên trong danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu NSND đợt này. Trường hợp của NS Tú Sương thì do là NS của SK xã hội hóa (XHH) nên chị không có điều kiện tham gia các hội diễn, liên hoan SK để có cơ hội có đủ huy chương, giải thưởng theo đúng quy chế xét tặng danh hiệu NSƯT. Thực tế, so với một số đồng nghiệp, dù tuổi đời không cao nhưng Tú Sương là một trong số những gương mặt NS trẻ được cả người trong nghề lẫn khán giả đánh giá cao về tài năng, nhiệt huyết dành cho nghệ thuật. Rõ ràng, với quy định đặc cách, việc xét tặng danh hiệu NSƯT - NSND đã mở rộng cánh cửa cho tài năng và những cống hiến của người NS.



    Bày tỏ quan điểm ủng hộ quy định đặc cách trong xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND lần này, tác giả Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội SK TP.HCM cho biết: “Quy định đặc cách là một cách nhìn mới và đúng đắn khi đứng ở góc độ công chúng thừa nhận những đóng góp của những NS ở khu vực XHH, thừa nhận mối quan hệ giữa tác phẩm, NS và công chúng. Những NS được đặc cách khi công bố được khán giả trong và ngoài nước thừa nhận là xứng đáng sẽ là cách tốt nhất để định hướng SK đến với công chúng. Với đặc thù của hoạt động văn hóa nghệ thuật như hiện nay, nếu chỉ căn cứ trên chỉ tiêu huy chương để xét tặng danh hiệu thì sẽ khó có sự chính xác”.

    Để không bỏ sót người xứng đáng
    Sau nhiều đợt phong tặng, điều lấn cấn lớn nhất đợt nào cũng có là tâm lý xin - cho từ các NS đủ tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu. Những trường hợp như NSƯT Bảo Quốc là không hề cá biệt. Dù biết chắc mình có đủ cả số huy chương lẫn thời gian cống hiến cho nghệ thuật nhưng ông vẫn kiên quyết không làm đơn xin được xét tặng vì: “Nếu thấy tôi xứng đáng thì Nhà nước tặng, tôi xin nhận, chứ tôi không làm đơn xin”.

    Quy định đặc cách là một cách nhìn mới và đúng đắn khi thừa nhận những đóng góp của những Nghệ sĩ ở khu vực xã hội hóa, thừa nhận mối quan hệ giữa tác phẩm, nghệ sĩ và công chúng.

    Không ít NS khác cũng có tâm lý đó, từng từ chối cơ hội được xét tặng danh hiệu vì không muốn viết đơn xin như NSƯT Thành Lộc, NSƯT Trần Minh Ngọc, ca sĩ Ánh Tuyết, ĐD Lê Văn Duy… Ca sĩ Cẩm Vân cho biết, chị đã không ký tên vào đơn xin trao danh hiệu dù hội đủ yếu tố để được xét tặng vì: “Đối với NS, giải thưởng lớn nhất là những tràng vỗ tay của khán giả. Từng đồng tiền mà khán giả bỏ ra mua vé chính là sự đánh giá chuẩn xác của công chúng đối với NS”.

    Dù vẫn tiếp tục làm đơn xin được xét tặng NSƯT, nhưng NS Trường Sơn “ấm ức”: “Thủ tục rườm rà đã khiến NS chúng tôi ái ngại. Thêm nữa, cứ xin hoài mà không cho khiến lòng tự trọng của tôi cũng bị tổn thương".

    Tuy nhiên, ở góc độ hội nghề nghiệp, bà Dương Cẩm Thúy khẳng định: “Tờ đơn và bản thành tích chỉ là vấn đề thủ tục. Đây là cơ sở để Hội đồng xét duyệt làm việc và cũng là bằng chứng để tránh những thắc mắc, khiếu nại về sau. Trước đây, từng xảy ra trường hợp một NS đã kiên quyết trả lại danh hiệu được phong tặng với lý do “tôi có xin đâu mà tặng!”. Thậm chí những thắc mắc sau khi phong tặng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, tờ đơn xin và bản thành tích sẽ là bằng chứng để những người có trách nhiệm giải thích hoặc giải trình”.

    Với người NS, danh hiệu cao quý nhất chính là sự ủng hộ của khán giả nhưng việc có thêm danh hiệu NSND, NSƯT còn thể hiện sự quan tâm, trân trọng của Nhà nước đối với các NS đã có những cống hiến cho nghệ thuật. Tiếp nhận thông tin các NS NSƯT Kim Cương, NSƯT Bạch Tuyết, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Ngọc Giàu… đến giờ mới được xét danh hiệu, có người đã cho là quá chậm, song nếu nói việc xét tặng danh hiệu này là không cần thiết, là một sự ban ơn, là sự nảy sinh cơ chế xin - cho một cách phiền hà thì có phần khiên cưỡng và không chính xác. Bởi lẽ, không riêng gì danh hiệu NSND, NSƯT, theo Luật Thi đua khen thưởng hiện hành, nhiều danh hiệu khác cũng cần có sự kê khai thành tích của người được tặng, sau đó là sự xác minh, chứng nhận của các cấp.

    Giải thích lý do yêu cầu NS phải làm đơn xin xét trao danh hiệu, ông Võ Trọng Nam, PGĐ Sở VH-TT-DL TP.HCM khẳng định, đó không phải là làm khó NS, càng không phải cơ quan nhà nước thiếu tôn trọng NS mà chỉ thuần túy là chuyện thủ tục, quy trình. “Nếu không trân trọng tài năng, không đánh giá cao lao động nghệ thuật của NS thì Thành phố đã không đề nghị xem xét trao danh hiệu đặc cách” - ông Nam nhấn mạnh.

    Rõ ràng dù có danh hiệu hay không thì các NS vẫn tiếp tục mang tài năng phục vụ công chúng. Có hoặc không có danh hiệu thì khoản thù lao họ nhận hay tình cảm công chúng dành cho họ cũng chẳng vì thế mà tăng lên hay giảm đi. Nhưng việc trao danh hiệu thể hiện sự trân trọng của Nhà nước đối với tài năng và sự cống hiến của NS. Vấn đề là việc xét tặng danh hiệu phải công tâm để không bỏ sót người xứng đáng. Và nếu NS có thể bỏ qua cái “sĩ” của mình để ký đơn một cách chân thành thì các cơ quan chức năng cũng nên đeo đuổi việc làm tốt đẹp của mình, tránh tình trạng NS đến hẹn lại... làm hồ sơ, nhưng rồi không được duyệt khiến họ nản lòng.

    Thảo Vân - Hoài An - Thành Nhân (Theo Phụ Nữ TP.HCM)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL