1. MEM
    Avatar của MEM
    Không biết nhà mình ngày 7/10 có ai đi xem trực tiếp vở này ko. Đọc báo thấy có nhiều ý kiến khen chê khác nhau, cả về cách tổ chức lẫn phục trang. Bà con vào chia sẻ thêm nhe.

    Nhà báo Đỗ Hạnh - SGGP Online thì nhận xét:

    "Bên cầu dệt lụa" vẫn giàu sức sống

    Tối 7-10, tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình cáp HTVC, Đài Truyền hình TPHCM tái công diễn vở cải lương "Bên cầu dệt lụa" (tác giả Thế Châu, đạo diễn: NSƯT Trần Ngọc Giàu). Đây là vở cải lương thứ hai trong dự án mà hai đơn vị này phối hợp thực hiện nhằm góp phần bảo tồn và tôn vinh giá trị của những vở cải lương vang bóng một thời, được bao thế hệ công chúng mộ điệu.


    Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Điền (bìa trái) vai quan huyện,
    Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Ngân (giữa) vai Quỳnh Nga và nghệ sĩ Diễm Thanh vai người hầu trong vở diễn.




    Nghệ sĩ Trọng Phúc (trái) vai Trần Minh và Hoàng Nhất vai Nhuận Điền trong vở "Bên cầu dệt lụa".


    Nghệ sĩ Cẩm Thu (phải) vai Trần Mẫu và nghệ sĩ Trọng Phúc vai Trần Minh trong vở "Bên cầu dệt lụa"

    Vở Bên cầu dệt lụa được tác giả Thế Châu viết vào năm 1976 và được Đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga dàn dựng thành công trên sàn diễn thành phố, góp phần tạo nên tên tuổi của các nghệ sĩ: NSƯT Thanh Nga, NSƯT Thanh Sang, nghệ sĩ Thanh Tú…

    Trong lần tái dựng này, NSƯT Thanh Ngân vào vai Quỳnh Nga, nghệ sĩ Trọng Phúc vai Trần Minh, Hoàng Nhất vai Nhuận Điền, Lê Hồng Thắm vai Công chúa Bích Vân… Các nghệ sĩ trẻ này đã góp phần mang lại sự tươi mới cho vở diễn "Bên cầu dệt lụa", làm cho vở diễn vẫn giàu sức sống, lay động tình cảm của công chúng mộ điệu hôm nay qua câu chuyện tình đầy gian truân, thử thách và chung thủy của đôi trai tài gái sắc Trần Minh – Quỳnh Nga!

    Điều khá đặc biệt, trước khi công diễn vở "Bên cầu dệt lụa" vào lúc 20 giờ, từ 18 giờ 30, Ban tổ chức đã bố trí các nghệ nhân chơi đờn ca tài tử, hình ảnh của nàng Quỳnh Nga ngồi quay tơ, dệt lụa… ở trước sảnh Nhà hát thành phố đã tạo nên sự thích thú cho khán giả, nhất là khán giả trẻ và giới nghệ sĩ. Bên cạnh đó, trước sảnh Nhà hát thành phố, Ban Tổ chức còn trưng bày nhiều hình ảnh của các vở cải lương xưa cũng thu hút nhiều công chúng chiêm ngưỡng, hoài niệm…


    Khán giả đến sớm thưởng thức đờn ca tài tử ở sảnh Nhà hát thành phố


    Tranh thủ chụp ảnh lưu niệm với nàng Quỳnh Nga đang ngồi quay tơ

    Tin, ảnh: Đỗ Hạnh
    Theo SGGP Online
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 5 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  3. MEM
    Avatar của MEM
    Trong khi đó, Phương Minh của Phụ nữ lại ko đồng tình với nhiều hạt sạn trong lần tái dựng và cách tổ chức kèm ăn uống như lần này. Nhà báo nhận xét:


    Tái diễn Bên cầu dệt lụa: Nhiều "hạt sạn" đáng tiếc

    Buổi tái diễn vở Bên cầu dệt lụa (tác giả Thế Châu, ĐD-NSƯT Trần Ngọc Giàu) tối 7/10 tại Nhà hát TP.HCM đông đến bất ngờ. Chương trình chỉ phục vụ khán giả có giấy mời nên phía trước tiền sảnh Nhà hát, không ít người bày tỏ sự tiếc nuối vì không thể tìm được vé vào xem. Điều này một lần nữa chứng minh nghệ thuật cải lương vẫn còn sức hấp dẫn công chúng.

    Dù dấu ấn của các nghệ sĩ Thanh Nga, Thanh Sang, Ngọc Nuôi, Thanh Tú… trong vở Bên cầu dệt lụa của cách đây hơn 30 năm vẫn chưa thể xóa mờ trong tâm trí khán giả, nhưng thế hệ nghệ sĩ mới như NSƯT Thanh Ngân, Trọng Phúc, Hoàng Nhất, Lê Hồng Thắm vẫn đủ sức chinh phục người xem bằng lối diễn xuất thiên về khai thác nội tâm và sự trau chuốt trong từng câu ca. Tiếc rằng về mặt tổng thể, đêm diễn lại có quá nhiều "hạt sạn" làm giảm hiệu quả của vở diễn.


    Lụa giăng mắc khắp nơi, lưng trần phơi mát mẻ, liệu có phù hợp cho một
    buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống?

    Ngay từ khi cầm tấm vé mời, cách dùng từ vở Opera Việt thay cho vở cải lương đã gây nên sự khó chịu cho khán giả yêu cải lương. Liệu có cần thiết phải dùng từ nước ngoài ở đây với một loại hình nghệ thuật dân tộc nổi tiếng của Việt Nam? Opera Việt nghe quá xa lạ với khán giả Việt và cũng khiến khán giả nước ngoài “mù mờ”.

    Khấp khởi mừng với chương trình đàn ca tài tử ở sảnh theo như lời giới thiệu ở vé mời bao nhiêu, khán giả càng thất vọng khi đặt chân vào Nhà hát. Ở góc phải, khung quay tơ được đặt dưới bức tranh khá đẹp để minh họa cho vở diễn nhưng ngồi đó lại là những người mẫu vô hồn trong trang phục đủ sắc màu. Ngay ở những bậc cầu thang một nhóm đông người mẫu ngồi tràn ra khiến dàn nhạc công bị mất hút. Choáng hơn, có cả người mẫu trong trang phục yếm đào để lộ cả mảng lưng trần! Khán giả, bạn bè, người nhà… của người mẫu tranh thủ chụp ảnh khiến không gian trở nên lộn xộn.


    Chiếc áo cách điệu có đuôi dài khiến diễn xuất diễn viên bị hạn chế. Ảnh: T.V.

    Tiệc buffet cũng là một yếu tố khiến không gian Nhà hát mất đi sự trang trọng cần thiết. Trước khán phòng, cảnh ăn uống, đứng ngồi lố nhố, những chiếc đĩa vương vãi trên lối đi hoặc những chiếc ghế tre… giống hệt một phiên chợ quê, luộm thuộm, ồn ào và nhếch nhác. Đáng nói hơn, trang phục của các nhân vật trong vở diễn đã khiến người xem… chưng hửng. Những bộ áo quần được thiết kế khá đẹp nhưng lại không phù hợp với tổng thể và hoàn cảnh nhân vật. Phục trang của tiểu thư Quỳnh Nga rực rỡ quá mức do “tăng cường” vô số các loại “hạt lấp lánh” cộng hưởng trên nền chất liệu có tông màu nổi, khiến trang phục đi một đằng, tính cách của nhân vật một nẻo. Nàng tiểu thư vốn con quan nhưng sống giản dị, chân thành, ngay cả khi phải tần tảo kiếm tiền nuôi chồng ăn học và được mô tả là người một nắng hai sương, thân hình hao gầy, khô héo… có cần phải lộng lẫy đến thế không? Riêng chiếc áo cách điệu của công chúa Bích Vân với tà sau có... đuôi dài thậm thượt, khiến diễn viên trở nên lúng túng khi biểu diễn và di chuyển trên sân khấu. Ngược với bộ trang phục cầu kỳ của Bích Vân, trang phục của nhà vua lại khá đơn giản và thiếu vẻ uy nghi. Nhiều khán giả cũng "dị ứng" với chiếc mũ đính đầy kim sa của nhân vật quan võ Tất Đạo…

    Làm mới cải lương là điều rất đáng trân trọng, nhưng làm ra sao, và ở mức độ nào là hết sức cẩn trọng. Sáng tạo đòi hỏi những người thực hiện phải rất am hiểu về nghệ thuật cải lương, nếu chỉ có tấm lòng thôi chưa đủ; thậm chí có khi còn chưa đúng!

    Phương Minh
    Theo Phunuonline
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 6 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  5. Giang Tiên
    Avatar của Giang Tiên
    Cẩm Thu hóa trang nhìn lạ quá chừng luôn.



    Không được xem trực tiếp, không biết ra sao. Đọc qua miêu tả của Phương Minh, nghe giống hội chợ quá ha.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to Giang Tiên For This Useful Post:


  7. vongcobuon10
    Avatar của vongcobuon10
    Đêm diễn hay và trang Phục dễ thương quá, Quỳnh Nga cũng là lá ngọc cành vàng, nên trang phục đẹp như vậy cũng đâu quá đâu các bạn.

    Cặp đôi Thanh Ngân - Trọng Phúc



    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 4 Users Say Thank You to vongcobuon10 For This Useful Post:


  9. vongcobuon10
    Avatar của vongcobuon10
    “Bên cầu dệt lụa” làm nức lòng khán giả


    (NNT) - Trước tình hình bộ môn nghệ thuật dân tộc đang dần bị lãng quên và mất đi sự thu hút với khán giả, nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cùng Trung tâm truyền hình cáp HTVC đã xây dựng lại những vở cải lương đã từng giành được nhiều tình cảm của khán giả.
    “Bên cầu dệt lụa” là một trong những vở diễn đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng ở thời kỳ hoàng kim của cải lương, nay được phục dựng lại gần gũi hơn với khán giả trẻ. Vở diễn vừa được diễn ra tại nhà hát Thành phố với sự quan tâm của đông đảo khán giả và cả những nghệ sĩ.
    Mời các bạn cùng xem lại những hình ảnh của vở diễn qua góc máy của photo Alex Cui.



    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 4 Users Say Thank You to vongcobuon10 For This Useful Post:


  11. MEM
    Avatar của MEM
    Trong khi đó, nhà báo Thoại Hà của VnExpress đã có cái nhìn toàn diện hơn những mặt được và chưa được của vở diễn.

    Thanh Ngân chín muồi cảm xúc với 'Bên cầu dệt lụa'

    Với lối ca diễn 'xuất thần', nữ nghệ sĩ được khán giả ủng hộ nhiệt tình khi thể hiện hình ảnh tiểu thư Quỳnh Nga, trong phiên bản mới vở cải lương nói về cuộc đời 'Trần Minh khố chuối'.

    Phiên bản mới của Bên cầu dệt lụa nằm trong chuỗi chương trình tôn vinh "Những vở cải lương vang bóng một thời", do Đài truyền hình TP HCM, Trung tâm truyền hình cáp HTVC và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang chung tay thực hiện.

    Vở Bên cầu dệt lụa của soạn giả Thế Châu do NSƯT Ngọc Giàu tái dựng diễn ra ở Nhà hát TP HCM cuối tuần qua, quy tụ dàn diễn viên: Trọng Phúc, Thanh Ngân, Lê Hồng Thắm, Cẩm Thu, Thanh Điền, Hoàng Nhất, Bảo Trí, Diễm Thanh, H. Minh Vương, Hiển Linh...

    Bám sát lời ca, tiếng hát trong tuồng diễn cũ của soạn giả Thế Châu, đạo diễn Ngọc Giàu thêm thắt một vài tình tiết, cũng như cắt gọt đi vài chi tiết cũ để "thổi" làn gió mới vào vở diễn qua các đoạn đối đáp, tung hứng giữa các nhân vật.


    Trọng Phúc (trái) trong vai Trần Minh và Thanh Ngân (phải)
    trong vai Quỳnh Nga ở cảnh đoàn viên cuối vở diễn.

    Trở lại sau một thời gian tạm xa sàn diễn, nghệ sĩ Thanh Ngân cho thấy chị ngày càng chín muồi. Vai nàng tiểu thư Quỳnh Nga, con quan tri huyện trong Bên cầu dệt lụa từng được nhiều nghệ sĩ thể hiện thành công trước đây. Trong số đó, cố NSƯT Thanh Nga được xem là chuẩn mực khi thể hiện nhân vật này. Tuy vậy, Thanh Ngân không đặt vào mình áp lực của diễn viên đi sau. Chị diễn xuất tự nhiên, lúc nhẹ nhàng, sâu lắng, lúc cương quyết, mạnh mẽ kết hợp với chất giọng khỏe, sâu.

    Có ba cảnh diễn của Thanh Ngân khiến khán giả xúc động: khi Quỳnh Nga tìm đến ngôi nhà của Trần Minh trong đêm khuya vắng; Quỳnh Nga tiễn Trần Minh "khố chuối" đi lên kinh ứng thí; và khi nàng đối đầu với công chúa Bích Vân để thể hiện tình yêu dành cho chồng.

    Các cảnh này có thay đổi đôi chút so với phiên bản cũ. Nhất là đoạn Bích Vân đòi đem ngọc ngà châu báu ra để bắt Quỳnh Nga đánh đổi Trần Minh và Quỳnh Nga thà chọn cái chết để giữ sự chung thủy. Nhưng khi Bích Vân dọa giết chồng nếu nàng không thay đổi ý định, Quỳnh Nga sẵn sàng hy sinh tình riêng để mang đến hạnh phúc cho người mình yêu.

    Chia sẻ sau đó, Thanh Ngân cho biết chị rất thích cảnh diễn này, bởi cuộc chạm mặt giữa nàng tiểu thư và cô công chúa thể hiện đầy đủ các phẩm chất đẹp của người phụ nữ Việt Nam: chịu thương, chịu khó, chung tình...


    Nghệ sĩ Thanh Điền (phải) vào vai quan tri huyện, cha của tiểu thư Quỳnh Nga.

    Vở cải lương Bên cầu dệt lụa vốn đã đi vào tiềm thức của nhiều lớp khán giả. Nhiều người thuộc lòng từng lời ca tiếng hát trong đó, cả các đoạn đối thoại giữa các nhân vật. Ngồi trong khán phòng Nhà hát TP HCM, có người xem sẵn sàng hát theo diễn viên, nhiệt tình vỗ tay sau mỗi lần nghệ sĩ xuống câu vọng, góp phần tạo nên một đêm diễn nhiều cảm xúc.

    Tuy nhiên, vì quá yêu vở cải lương Trần Minh "khố chuối", nhiều khán giả không hài lòng với vài hạt sạn của vở diễn, mà "sạn" to nhất nằm ở trang phục diễn viên. Vở này nói về một Trần Minh (Trọng Phúc) vốn nhà nghèo "rớt mồng tơi", áo quần rách rưới, nhưng trang phục của diễn viên lại quá lành lặn, ấm áp. Ngay cả áo quần của chàng nông dân Nhuận Điền (Hoàng Nhất) cũng không mang đến hình dung về một người nghèo khó như trong kịch bản. Ngoài ra, váy áo của các nhân vật nữ như Quỳnh Nga, Bích Vân (Lê Hồng Thắm), quan huyện... mang màu sắc rực rỡ với kim tuyến, chỉ màu thêu lóng lánh. Nhiều khán giả cho rằng, trang phục màu mè không hài hòa được với ca từ chân phương, sâu sắc, thấm thía mà soạn giả Thế Châu gửi vào Bên cầu dệt lụa.

    Trần Minh (Trọng Phúc, trái) và Nhuận Điền (Hoàng Nhất, phải). Từ các câu truyện kể đến các vở diễn sân khấu đều mô tả Trần Minh và Nhuận Điền là hai chàng trai nghèo khó, quần áo rách tả tơi, đến nỗi Trần Minh chỉ có độc bộ quần áo và phải dùng khố chuối để che thân, nhưng trong phiên bản mới của "Bên cầu dệt lụa", trang phục của hai nhân vật này cũng mang lại cảm giác nghèo khổ.


    Trần Minh (Trọng Phúc, trái) và Nhuận Điền (Hoàng Nhất, phải).
    Từ các truyện kể đến các vở diễn sân khấu đều mô tả Trần Minh và Nhuận Điền
    là hai chàng trai nghèo khó, quần áo rách tả tơi, đến nỗi Trần Minh chỉ có
    độc bộ quần áo và phải dùng khố chuối để che thân. Nhưng trong phiên bản mới
    của "Bên cầu dệt lụa", trang phục hai nhân vật này không mang lại cảm giác nghèo khổ.

    Một nghệ sĩ tham gia vở diễn bày tỏ, trang phục của vở diễn do một nhà thiết kế thời trang tài trợ hoàn toàn và nhiều diễn viên ngại nếu không mặc sẽ khiến nhà tài trợ buồn. Tuy vậy, khi thấy trang phục quá đẹp so với vai diễn đòi hỏi sự giản dị, thể hiện sự chịu thương chịu khó của người tần tảo làm lụng, chị đã đề nghị được đổi váy áo khác phù hợp hơn. "Là người diễn viên, không có cái đẹp nào bằng cái đẹp tỏa ra từ chính vai diễn", nghệ sĩ này nói.


    Thoại Hà
    Ảnh: Trung CB
    Theo VnExpress
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


ANH EM CHANNEL