1. minhle
    Avatar của minhle

    VÀO NGHỀ TỪ NĂM 11 TUỔI

    Người phát hiện ra tài năng của Mỹ Châu chính là mẹ chị.

    Chị kể: Thuở bé tôi đi học ở trưởng Thủ Thừa, Long An, tôi thường tham gia ban văn nghệ nhà trường vì có khiếu ca nhạc, đóng kịch, rồi tôi học ca vọng cổ với nhạc sĩ Anh Vân. Mẹ tôi rất mê xem hát cải lương, nên trong lúc tôi chỉ hát vọng cổ cho vui thì bà âm thầm theo dõi giọng ca của tôi và muốn hướng tôi trở thành nghệ sĩ. Trong một buổi biểu diễn trên sân khấu văn nghệ nhà trường, giọng ca của tôi lọt vào tai ông bầu Cang của đoàn cải lương Tiếng Chuông. Ông liền tìm gặp mẹ tôi để xin cho tôi theo đoàn hát. Năm đó tôi mới 11 tuổi, đang chuẩn bị vào lớp đệ nhất (lớp 6). Vì đúng ngay lòng mong muốn của bà, nên mẹ tôi ưng thuận ngay. Tôi còn nhớ hôm đó đang ngồi làm toán với các bạn trong lớp thì mẹ tôi vào. Bà xin phép cô giáo cho tôi ra về khiến tôi hết sức ngạc nhiên. Bao năm qua rồi tôi vẫn không quên cái ngày mẹ tôi quyết tâm chọn nghiệp cầm ca cho con gái. Hai mẹ con rời trường học, một tay nắm lấy tay tôi, một tay mẹ ôm bọc hành trang, quần áo, đi thẳng tới đoàn hát. Từ đó, tôi bắt đầu cuộc đời cầm ca, trôi nổi theo các đoàn hát, nhưng luôn có mẹ bên cạnh. Con bỏ học, mẹ bỏ cả làm ăn, quyết chí theo tổ nghiệp cải lương, dường như linh tính của mẹ đã thấy trước sự thành công của tôi trên đường nghệ thuật.

    17 TUỔI ĐOẠT HUY CHƯƠNG VÀNG GIẢI THANH TÂM

    Tuy còn bé nhưng có giọng ca hay nên Mỹ Châu được đoàn Tiếng Chuông cho đóng vai đào con để khai thác giọng ca hấp dẫn khán giả. Một năm sau cũng nhờ giọng ca, Mỹ Châu được đưa về đoàn của cặp nghệ sĩ Út Bạch Lan-Thành Được.

    Nghệ sĩ Út Bạch Lan rèn luyện, Mỹ Châu tiến bộ rất nhanh từ giọng ca đến nét diễn, năm 1965, khi Mỹ Châu mới 15 tuổi, sắc vóng sáng sân khấu thì đã là đích ngắm của các đoàn cải lương Kim Chung, Thủ Đô. Đóng vai nữ chính Thuỳ Dương trong vở "Hai Lần Thu Hẹn", Mỹ Châu đã nổi tiếng ở đoàn Thủ Đô, và được mời về đoàn Kim Chung để tiếp tục hấp dẫn khán giả qua các vở "Trinh Nữ Lầu Xanh" (vai Mai Thảo), "Gió Giao Mùa" (vai Hoa Lệ Tuyền), "Kiếm Sĩ Dơi" (vai Bảo Trân)... đã có giọng ca hay, Mỹ Châu còn được nghệ sĩ Minh Cảnh luyện thêm nét diễn, cô càng nổi bật khi gặp bạn diễn rất ăn ý là nghệ sĩ Minh Phụng. Hai người từng thu hút rất đông khán giả qua các vở "Băng Tuyền Nữ Chúa", "Gió Giao Mùa", "Bình Rượu Nhiệm Mầu".

    Ngoài giọng ca hấp dẫn, thời gian ấy gương mặt, vóc dáng và diễn xuất của Mỹ Châu trẻ trung, sôi động, được dân chúng đặt danh hiệu: "Lolita"- một nhân vật hấp dẫn trong bộ phim cùng tên của Pháp, do Brigitte Bardot đóng. Đến năm 1967, khi Mỹ Châu 17 tuổi đã đoạt HCV giải Thanh Tâm, một giải nghệ thuật giá trị mà người được trao HCV đầu tiên là nghệ sĩ Thanh Nga. Vinh quang trong nghề đã đến rất sớm với Mỹ Châu giữa cái tuổi trẻ trung đầy tài năng sung mãn.

    ĐƯỢC VINH DỰ ĐẶT TÊN CHO MỘT "DÂY" ĐÀN CỔ NHẠC

    Thành công rực sáng nhất của Mỹ Châu trong đời nghệ thật chính là giọng ca. Chị có chất giọng nữ trầm (alto), cải lương gọi là giọng thổ, âm điệu buồn. Các nhạc sĩ nhận xét rằng giọng ca của Mỹ Châu rất lạ, mới nghe thấy khàn đục chất thổ, nghe kỹ lại thấy trong ấm chất kim. Chị có giọng ca thích hợp với vai sầu thương, nội tâm đầy trắc ẩn.

    Và Mỹ Châu đã vinh dự được đặt tên cho một dây đàn cổ nhạc. Đó là do sự phân tích của các nhạc sĩ. Trong đàn cổ nhạc của cải lương có 7 dây chính (game). Những dây kia đều có tên như "Hồ Nam", "Xê Nữ"... còn dây thứ 7 các nhạc sĩ cải lương kêu là dây "Mỹ Châu" tương đương với Gam đô trưởng+thứ.

    Suốt nhiều năm các hãng đĩa hát đua nhau mời Mỹ Châu thu âm, số lượng sản xuất nhiều mà tiêu thụ cũng rất nhanh, bởi giọng ca của chị được khán giả khắp nơi ái mộ nồng nhiệt. Nhạc sĩ Bảy Bá (cũng là soạn giả Viễn Châu) còn sáng tác thể loại "tân cổ giao duyên" cho Mỹ Châu ca, vì ông biết Mỹ Châu có khả năng ca tân nhạc tốt. Mỹ Châu còn nhớ bài tân cổ giao duyên đầu tiên chị thu vào đĩa hát là tác phẩm của Viễn Châu kết hợp với bản nhạc "Duyên Kiếp" của Lam Phương được các hãng đĩa hát Asia, Việt Hải, Tân Thanh, Continental liên tục mời thu, cuối cùng vào thời điểm căng nhất, cô sáu Liên đã ký hợp đồng độc quyền để giữ giọng ca Mỹ Châu cho hãng đĩa "Việt Nam", một cơ sở sản xuất nổi tiếng thời ấy. Cho đến nay qua những bài vọng cổ và tân cổ giao duyên do Sài Gòn Audio và các hãng khác sản xuất vẫn được đông người ái mộ.


    Trên sân khấu nhà hát Trần Hữu Trang hôm nay, nghệ sĩ Mỹ Châu rực rỡ với nét diễn hấp dẫn trong vai nữ hoàng Võ Tắc Thiên, cùng với nghệ sĩ Linh Châu và các tài năng trẻ Thoại Mỹ, Vũ Luân. Chị còn là người dàn dựng và ca diễn nhiều vở cải lương video, cải lương truyền hình để luôn gặp gỡ khán giả ái mộ.

    Cuộc sống riêng tư hạnh phúc với nghệ sĩ Đức Minh đã giúp nghệ sĩ Mỹ Châu theo đuổi con đường nghệ thuật thoải mái, giọng ca trầm buồn và sâu lắng của chị vẫn đang cuốn hút khán giả khắp nơi.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following User Says Thank You to minhle For This Useful Post:


  3. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Những năm 1982 -1989, NS Mỹ Châu rực sáng trên sân khấu đoàn Văn Công TPHCM khi chị hát chính với hai nam NS Tuấn ThanhĐức Minh, và ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả qua các vở tuồng : Muôn dặm vì chồng (vai Nguyễn Thị Tồn), Hoa độc trong vườn, Tiếng sáo đêm trăng (vai Phương Hoa), Sương mù trên non cao, Dốc sương mù,......Chị hát bên cạnh Thoại Miêu, Quốc Hùng, Hồng Thủy.....


    Cũng trong thời gian này, có thời gian chị về đoàn Sài Gòn 2 hát chánh với Tuấn Thanh trong các vở Khách sạn Hào Hoa, Tìm lại Cuộc đời.......


    Năm 1990, chị quay về lại Sài Gòn 2 hát thêm các vở Đôi mắt người xưa (với Tuấn Thanh), Nếu em là Hoàng Đế (với nam NS Châu Thanh), .......hợp cùng thành phần nghệ sĩ của đoàn như Lệ Thu (em NS Lệ Thủy), Kiều Lan (em nghệ sĩ Kiều Hoa), Phượng Thy, Phượng Vỹ, Linh Cảnh.....


    Năm 1992, NS Mỹ Châu hát chánh với nam NS Hoài Thanh trên SK Văn Công TPHCM trong vở Lá Thắm Chỉ Hồng,....

    Từ 1991-1992, NS Mỹ Châu cộng tác với CLB cải lương Năm Châu thuộc Hội SK TPHCM, hát trong các vở tuồng gây quỹ cho Ban Ái Hữu nghệ sĩ như Trảm Trịnh Ân, Thần Nữ dâng Ngũ Linh Kỳ,....... chung với Vũ Linh, Tài Linh, Thanh Tòng......


    Năm 1993, NS Mỹ Châu cùng chồng là NS Đức Minh về đoàn Sài Gòn 3 hát chánh trong một thời gian ngắn và đi lưu diễn các tỉnh miền Tây.

    Năm 1994, NS Mỹ Châu vê đoàn Hương Mùa Thu, sau đổi tên thành Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng, hát chánh với NS Minh Phụng cùng với các nghệ sĩ Ngọc Cẩm Thúy, Diệu Thanh (con gái NS Diệu Hiền), Vương Phụng, Bảo Trân.......


    Ngoài ra, NS Mỹ Châu còn là gương mặt quen thuộc trong các vở tuồng thâu Video.

    Năm 1993, chị vinh dự được trao tặng danh hiệu NSƯT.

    Hiện nay, tuy đã cùng chồng định cư tại Hoa Kỳ nhưng thỉnh thoảng NSƯT Mỹ Châu vẫn về Việt Nam thâu hình cũng như dàn dựng các vở tuồng cho các đài truyền hình tỉnh.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 5 Users Say Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  5. trieuton
    Avatar của trieuton
    Các đoàn cải lương Mỹ Châu tham gia

    Tiếng Chuông
    Lan và Được
    Thủ Đô
    Kim Chung 1 và 2
    Thái Dương (Trước năm 1975)
    Sài Gòn 1 và 2
    Hương Dạ Thảo
    Thanh Nga
    Hương Biển
    Trúc Giang
    Văn Công Thành Phố
    Sông Bé 2
    Sài Gòn 3
    Kiên Giang
    Hương Mùa Thu (sau năm 1975).

    Các danh hiệu:

    Huy chương Vàng triển vọng Thanh Tâm khi mới 17 tuổi (1967).
    Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú 1993
    Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu năm 1999
    Tên của cô được đặt cho một dây đàn cổ nhạc "dây Mỹ Châu"
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 6 Users Say Thank You to trieuton For This Useful Post:


  7. minhle
    Avatar của minhle
    NSƯT MỸ CHÂU KHÓC ĐẾN ĐAU BAO TỬ


    Bây giờ chị ở rất xa …Mỗi lần xem lại những băng diã hát, tôi vẫn có cảm giác chị đang ở rất gần. Thì ra dù chị có rời xa sân khấu cải lương nhưng con người nghệ sĩ của chị vẫn mãi lưu luyến trong ký ức người xem. Các lá phiếu bạn đọc trân trọng bầu chọn cho chị trong giải “Ấn tượng sân khấu 30 năm” cũng đã nói lên điều đó .
    Tôi thường nghe chị kể nhiều kỷ niệm đi hát. Chị nói cả cuộc đời đi hát, chị chỉ biết một con đường từ nhà đến rạp hát. Mấy chục năm sống ở Sài Gòn, chị chưa từng đặt chân đến những khu vui chơi giải trí…Thời đó, một ngày diễn hai, ba suất, rồi tập tuồng, thu diã…cái vòng quanh sân khấu tất bật đã choán hết thời gian thật bình lặng thì trên sân khấu chị đã có một cuộc đời thật phong phú, giàu có. Rất nhiều hình tượng người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại, đã được chị khắc hoạ đậm nét, trở thành những ấn tượng khó phai trong lòng công chúng, từ Ngọc Hân trong “Tâm sự Ngọc Hân”, Nguyễn Thị Tồn trong “Muôn dặm vì chồng”, nàng Hai trong “Nàng hai Bến Nghé” đến Hiếu trong “Khách sạn hào hoa”…
    Chị có thói quen “nghiền ngẫm” nhân vật của mình rất lâu, không chỉ trên sàn tập mà cả trong lúc ăn, lúc ngủ …Có lúc nưả đêm bất chợt tìm ra một cách xử lý tình huống kịch, thế là chị bật dậy, tự …tập một mình. Có thể nói lúc nào nhân vật cũng “đeo” theo chị, cả trong cuộc sống sinh hoạt đời thường. Một đạo diễn còn kể lại khi tập vở “Muôn dặm vì chồng”, có lúc chính ông cũng cảm thấy…bực mình vì trên sàn tập dường như chị chỉ “quan sát” người khác tập, còn vai diễn của mình chị “nhập vai” cứ …từ từ. Cho đến hôm diễn phúc khảo, vai Nguyễn Thị Tồn của chị làm ông lo lắng nhất. Và thật bất ngờ ngay cả với chính ông, khi chị xử lý lớp bà Nguyễn Thị Tồn sau khi kêu oan cho chồng, bà đã dung cái chết để minh chứng sự trong sạch, liêm chính của chồng mình. Để xử lý lớp cao trào này, chị đã rẽ mái tóc dài và bất ngờ quấn quanh cổ. Rất nhiều năm rồi, nhiều người vẫn nhớ cái chết đầy ấn tượng của một nhân vật Nguyễn Thị Tồn. Một cái chết được xử lý độc đáo đã nâng hình tượng nhân vật thật đẹp trong mắt khán giả.
    Một lần tôi hỏi chị vì sao chị lại dùng mái tóc để bà Nguyễn Thị Tồn tự vẫn minh oan cho chồng, không biết ai tin mái tóc có thể siết cổ chết được. Chị đã trả lời: “cái chết trên sân khấu phải là cái chết đẹp”. Nhất là đối với một hình tượng như nhân vật Nguyễn Thị Tồn càng đòi hỏi sự xử lý caí chết phải có tính thẩm mỹ cao. Bởi bao giờ cái đẹp cũng gây được sức rung động sâu xa nhất. Đối với người phụ nữ Việt Nam, mái tóc là gốc con người. Mái tóc còn biểu hiện lòng chung thuỷ, tình yêu son sắt và cả sự trung trinh tiết liệt của người phụ nữ Việt Nam. Trong tình yêu, người con gái thề hẹn bằng cách cắt một nhúm tóc…Vậy thì bà Nguyễn Thị Tồn đã dùng chính mái tóc của mình để chứng minh cho sự liêm khiết của chồng bà, là một hình ảnh sẽ gây được ấn tượng đẹp nhất. Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều đêm, sau đó mới chọn được cách xử lý này để có thể thuyết phục được người xem.
    Nghe và càng cảm phục sự nổ lực sáng tạo chị đã dành cho nhân vật. Nếu như người nghệ sĩ không sống hết mình với nhân vật, thậm chí trong từng giây từng phút thì khó có thể sáng tạo được một lớp diễn đẹp như thế.
    Cũng vì vai diễn mà chị đã bị chứng bệnh đau bao tử hoành thành. Đó là thời gian chị diễn vai nàng “ Hai Bến Nghé”. Vở diễn rất ăn khách, mỗi ngày diễn hai, ba suất mà suất nào nàng Hai cũng khóc…Khóc ròng rã mấy năm trời nên chị đau…bao tử kinh niên. Bác sĩ bảo chị bị chứng đau bao tử do thần kinh xúc động mạnh. Nếu muốn khỏi bệnh thì không được …xúc động nhiều nữa.
    Còn rất nhiều chuyện kể về chị …Có lẽ những ký ức đẹp đối với chị cũng là kỷ niệm vô giá. Hôm rồi gặp lại chị trở về thăm quê hương, vẫn với nụ cười rất quen thuộc, chị chẳng muốn nói nhiều về mình. Chỉ một lời nhắn gửi: “Châu nhớ sân khấu quê hương”.




    Sưu tầm
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 4 Users Say Thank You to minhle For This Useful Post:


  9. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    Những bài viết về NSUT Mỹ Châu hay quá.....Ai có thêm thông tin về cô, thì update thêm để mọi người cùng đọc nhé...
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following User Says Thank You to Thuong Tran For This Useful Post:


  11. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    “Lolita” Mỹ Châu



    Lolita Mỹ Châu năm 20 tuổi

    Năm 1965 (15 tuổi), NSƯT Mỹ Châu bước lên ngôi vị đào chánh của Đoàn cải lương Thủ Đô rồi đến Kim Chung. Ngoài giọng ca hấp dẫn, thời gian này chị còn có gương mặt, vóc dáng, diễn xuất trẻ trung, sôi động nên được công chúng mệnh danh là Lolita (một nhân vật hấp dẫn trong bộ phim cùng tên của Pháp do diễn viên Brigitte Bardot đóng). Năm 1967, Mỹ Châu đoạt HCV giải Thanh Tâm và vinh quang tiếp tục trải rộng với chị cho đến ngày tạm ngưng hoạt động sân khấu.

    “Ghét của nào trời trao của nấy”
    Trường hợp này rất đúng với nghệ sĩ Mỹ Châu. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thủ Thừa - Long An, cha mất sớm, một mình má tảo tần mua gánh bán bưng nuôi bốn anh em chị ăn học. Má cực kỳ mê cải lương còn chị thì ngược lại, rất ghét cải lương mà chỉ thích hát tân nhạc. Năm 7 tuổi, Mỹ Châu được tuyển vào Ban văn nghệ của thầy Tấm Chấn - một thầy thuốc Đông y rất mê âm nhạc ở Thủ Thừa. Năm 1957, trong Hội thi văn nghệ thiếu nhi các tỉnh miền Tây tổ chức tại Long An, chị đã đoạt giải nhất với bài Chia tay mùa phượng đỏ. Nhưng má chỉ muốn chị trở thành nghệ sĩ cải lương nên tình cờ có anh Chấn, bạn của anh Hai chị vốn là một cây văn nghệ tài tử đến nhà chơi, má bảo chị nên “thọ giáo” anh ca vọng cổ. Chị kể: “Lúc đầu, tôi rất bực tức nhưng không muốn làm má buồn nên nghe theo. Từ ngày rành 6 câu vọng cổ và một số bài bản nhỏ, tôi được tuyển vào Ban ca nhạc kịch cải lương Thủ Thừa, chuyên hát về các đề tài xóa nạn mù chữ ở nông thôn. Một hôm, ban này hát ở Rạp Hoa Huệ, ông bầu Cang (Đoàn cải lương Tiếng Chuông) có đến xem và nhã ý mời tôi theo đoàn hát. Đêm đó về nhà má tôi mừng không ngủ được. Sáng hôm sau, tôi vẫn đi học bình thường, đến giờ ra chơi bất ngờ má tôi vào lớp nói với cô giáo: “Thưa cô, tôi xin cho con Châu nghỉ học để theo đoàn hát”. Cô giáo và tôi đều ngỡ ngàng, dù rất buồn vì phải xa thầy cô, bạn bè, từ giã ước mơ làm bác sĩ nhưng tôi cũng nghe theo lời má. Năm đó, tôi 11 tuổi, học lớp 5, hai má con tôi xách giỏ theo gánh Tiếng Chuông của bầu Ba Cang…”.
    Thời gian đầu, hai má con chị gặp rất nhiều khó khăn, cơ cực. Ở đoàn này, thỉnh thoảng chị mới được đóng vai đào con, còn lại phải làm quần quật từ giặt giũ, gánh nước, ủi quần áo, nấu cơm… để được học nghề. Chị còn nhớ năm 13 tuổi, đoàn hát ở Rạp Hưng Đạo, bụng đói cồn cào, thấy có một người bán mì gõ đi ngang, má chỉ dám kêu một tô cho chị ăn, nhưng chị nhất định hai má con phải chia mỗi người một nửa. Chị bảo: “Trong nghề hát đâu phải ai cũng tốt bụng truyền đạt hết kinh nghiệm cho đàn em. Vì thế tôi học nghề bằng cách học lóm. Một màu son, một phấn má hồng người ta còn giấu mình huống hồ gì chỉ cách hát, cách diễn. Nhưng tôi được cái sáng dạ, càng giấu tôi càng theo dõi và cố gắng tìm cho ra bằng được ngón nghề đó mới thôi”. Năm 1964, Mỹ Châu may mắn được về Đoàn Út Bạch Lan - Thành Được, chính nghệ sĩ Út Bạch Lan đã giúp đỡ, rèn luyện, chị tiến bộ rất nhanh trong nghề. Tuổi 15 nhưng cơ thể chưa phát triển, chị phải độn nhiều lớp quần áo vào để đóng đào, vậy mà chị đã thành công với vai đào chính Thùy Dương trong vở Hai lần thu hẹn và nổi tiếng trên Sân khấu Thủ Đô. Tiếp theo là Đoàn Kim Chung diễn với Minh Cảnh, sau đó diễn cùng Minh Phụng tạo nên “mối liên doanh” được khán giả yêu mến nồng nhiệt. Trong chuyện tình cảm, nhìn hạnh phúc tràn ngập của Mỹ Châu và ông xã Đức Minh hiện tại, không ai có thể ngờ rằng, đã từng có lúc, chị “ghét cay ghét đắng” Đức Minh, ghét đến nỗi dù hát chung trên một sân khấu Sài Gòn 2 và Văn Công thành phố, có khi chị cũng không nói chuyện với anh. Trong nghệ thuật, Mỹ Châu nghiêm túc đến độ khó tính. Còn Đức Minh ca hay, diễn giỏi, hiền lành nhưng chỉ mỗi “tội” là say mê bóng đá đến cuồng nhiệt. Cũng vì quá mê bóng đá mà anh thường xuyên đến tập tuồng trễ, lên sân khấu diễn không thuộc tuồng và không hiếm lần… bỏ cả hát vì bóng đá khiến Mỹ Châu tức giận vô cùng. Nhưng rồi dần dần, chính chị đã “cải thiện” được bản tính bê trễ của anh và tình yêu đã đến với họ lúc nào không hay. Năm 1990, họ đã chính thức kết hôn và sống hạnh phúc cho đến ngày hôm nay.

    Người mang nhiều “danh hiệu”
    Ngoài Lolita, báo chí Sài Gòn trước năm 1975 còn tặng Mỹ Châu danh hiệu Nữ hoàng màu sắc, Nữ hoàng kiếm hiệp bởi trên sân khấu, chị thường mặc những bộ trang phục lộng lẫy diễn các vở Gió giao mùa, Băng Tuyền nữ chúa, Bình rượu nhiệm mầu, Tiêu Anh Phụng… Trong băng đĩa, chị cũng góp mặt trong hàng loạt các vở kiếm hiệp mà cho đến bây giờ khán giả trong nước và ngoài nước vẫn còn rất say mê: Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Kiếm sĩ dơi, Người tình trên chiến trận, Khi rừng mới sang thu, Bóng hồng sa mạc, Tâm sự loài chim biển, Kiếp nào có yêu nhau… Thành công rực sáng nhất của Mỹ Châu là giọng ca. Chị có chất giọng nữ trầm (alto), cải lương gọi là giọng thổ, âm điệu buồn. Các nhạc sĩ cho rằng giọng hát của chị mới nghe qua thấy khàn đục chất thổ, nghe kỹ lại thấy trong ấm chất kim, thích hợp với những vai sầu thương, nội tâm trắc ẩn.
    Nhạc sĩ Bảy Bá (tức soạn giả Viễn Châu) đã sáng tác thể loại “Tân cổ giao duyên” cho Mỹ Châu ca vì ông biết chị có khả năng ca tân nhạc rất tốt. Bài hát đầu tiên chị thu đĩa là tác phẩm của Viễn Châu kết hợp với bản tân nhạc Duyên kiếp của nhạc sĩ Lam Phương được các đĩa hát Asia, Việt Hải, Tân Thanh, Continental… mời thu liên tục. Sau đó, cô Sáu Liên đã ký hợp đồng độc quyền với chị cho Hãng đĩa Việt Nam - hãng đĩa nổi tiếng nhất thời đó. Trong giới cổ nhạc cũng thường nói về một dây đờn mang tên dây Mỹ Châu. Theo chị, sự kiện này có từ năm 1976, khi đó chị đang tập vai Lan trong vở Tìm lại cuộc đời trên Sân khấu Sài Gòn 2, lớp diễn Lan thuyết phục người yêu là đại úy Huy Bình (Thanh Tuấn đóng) quay đầu về với cách mạng. Chị có tật lúc tập tuồng thì hát rất nhỏ để dưỡng giọng cho ngày phúc khảo, chính vì vậy mà chị thường hát dây kép (tông hát dành cho nam). Nghe lạ tai nên đạo diễn Huỳnh Nga gợi ý cho chị nên nghiên cứu cách ca đó cho lạ. Nhờ nhạc sĩ Hoàng Thành sáng tạo ra việc chêm vào cần đờn một dây chặn và điều chỉnh dây đàn theo tông “hò tư” rất thấp, độ trầm rung động lòng người. Từ đó, chị sáng tạo bằng cách xuống vọng cổ bằng hai dấu huyền, ví dụ Bước tha phương lưu lạc đến… Sài Gòn (vở Khách sạn hào hoa) trong khi lâu nay người ta thường xuống vọng cổ bằng một dấu bằng và một dấu huyền. Chị tâm sự: “Tôi vào nghề đặt ra cho mình các nguyên tắc: không uống cà phê, hút thuốc, uống rượu nhưng tôi thích ăn đồ nóng như hạt dưa, sầu riêng, nước đá cục… vì giọng tôi càng khàn thì càng hát hay”. Năm 2003, Mỹ Châu cùng chồng sang Mỹ định cư để lại sự luyến tiếc của biết bao khán giả hâm mộ. Thỉnh thoảng, chị về Việt Nam và chỉ tham gia công tác dàn dựng một số vở cải lương kinh điển cho Đài Truyền hình Cần Thơ.

    “Ngày trước tập một vở cải lương rất cực nhọc, nhiều vở “sống” đến ba năm trời. Còn bây giờ, diễn viên tập tuồng đến trễ 2-3 tiếng đồng hồ do bận chạy show, tuổi thọ của một vở diễn rất ngắn. Mỗi thời mỗi khác, cảm thấy không còn phù hợp thì mình tự rút lui…” - Mỹ Châu tâm sự.

    Lê Quang Thanh Tâm
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. Thuong Tran
    Avatar của Thuong Tran
    Mỹ Châu - Hồi ức về người mẹ


    NSƯT Mỹ Châu theo chồng (NS Minh Đức) định cư ở Mỹ từ năm 2003. Chị vừa về thăm quê nhà và cho biết sẽ tái ngộ khán giả trong chương trình Sức sống mới và Quán âm nhạc của Đài truyền hình VN, đồng thời thu hình một vở cải lương cho đài truyền hình Cần Thơ vào cuối tháng 8 này.

    Vậy là khán giả sẽ được gặp lại Nàng Hai bến nghé, Công chúa Ngọc Hân ngày nào.Nhớ lại trước khi đi định cư, chị đã âm thầm về Đài truyền hình Cần Thơ dàn dựng lại những vở diễn gắn liền với tên tuổi của chị: Tiêu Anh Phụng, Khi rừng mới sang thu, Sở Vân cưới vợ, Đợi anh mùa lá rụng, Bóng hồng sa mạc, Kiếp nào có yêu nhau, Truyền thuyết tình yêu... Sau đó, chị nhận lời biểu diễn 9 suất cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang vở Võ Tắc Thiên như lời chào tạm biệt với khán giả tri âm.Ra nước ngoài, dù có nhiều lời mời biểu diễn, thu băng đĩa nhưng chị đều từ chối. Chị muốn dành trọn thời gian chăm sóc gia đình và hai đứa cháu con người chị thứ tư (đã mất). Nhớ sân khấu, chị chỉ mở băng đĩa lên xem. Chị bảo, ngày trước tập một vở cải lương rất cực nhọc, nhiều vở "sống" đến ba năm trời, cũng trang phục ấy, mỗi năm chị đều phải may lại vì diễn quá nhiều nên bị cũ. Còn bây giờ, diễn viên tập tuồng đến trễ 2-3 tiếng do chạy show, tuổi thọ của một vở diễn rất ngắn. Mỗi thời mỗi khác, nếu không thấy phù hợp thì mình tự rút lui.Hơn một tháng qua về Việt Nam, chị làm bạn với chiếc ti vi. Vẫn nét mặt trầm tư, chị kể chuyện đời mình, về những người thân yêu nhất trong cuộc đời chị:"Quê tôi ở Thủ Thừa (Long An), cha tôi mất sớm, một mình má tảo tần buôn gánh bán bưng nuôi bốn anh em tôi. Vì thế, tôi thương má lắm, không bao giờ cãi lời, không làm bất cứ điều gì mà má không hài lòng.

    Má mê cải lương vô cùng, đang gánh hàng đi bán, nghe có gánh cải lương về hát là nghỉ bán chạy đi xem ngay. Năm tôi 11 tuổi, học lớp 5, một hôm má đến lớp nói với cô giáo: "Thưa cô, cho con Châu nghỉ học để theo đoàn hát". Cô giáo và tôi đều ngỡ ngàng. Dù rất buồn vì phải xa thầy cô, bạn bè, từ giã ước mơ làm bác sĩ nhưng tôi cũng nghe theo lời má. Đó là năm 1961.
    Hai má con xách giỏ nilông theo gánh Tiếng Chuông của bầu Ba Can. Giờ nghĩ lại, tôi thấy rất biết ơn má đã chọn cho tôi một cuộc đời đáng sống. Nếu không có cái ngày "định mệnh" đó, hẳn tôi đã có một cuộc sống khác.Thời gian đầu, hai má con gặp rất nhiều khó khăn, cơ cực không tài nào kể xiết. Năm 13 tuổi, hát ở rạp Hưng Đạo, bụng đói cồn cào, thấy có một người bán mì gõ đi ngang, má chỉ dám kêu một tô cho tôi ăn nhưng tôi nhất định hai má con phải chia mỗi người một nửa.15 tuổi, tôi nổi tiếng, có sự nghiệp, có tất cả nhưng má vẫn vậy, không dám xài phí một đồng nào.Tất cả những suất diễn của tôi đều có má đi theo. Má tự tay làm đầu, kết trâm cài, thay trang phục cho tôi. Ngày ấy, má buộc tôi phải nuôi tóc dài chấm gối, không cho uốn, để suôn một cách tự nhiên. Chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện cắt đi mái tóc dài ấy vì sợ má sẽ buồn. Chú tài xế lái xe đưa tôi đi diễn thường đi nhậu, má không yên tâm nên quyết tập cho chị Tư lái xe. Sau đó, chị Tư là người lái xe đưa tôi đi diễn hơn 30 năm. Má rất thích vở Trinh nữ lầu xanh, Nàng Hai bến nghé, Tâm sự Ngọc Hân.

    Tôi nhớ như in ngày cuối cùng má mất (năm 1990). Đêm ấy tôi đi quay vở Giai nhân và loạn tướng, má đi theo và bảo rất hài lòng về vở này. Sáng hôm sau má còn thức dậy tập thể dục, làm đồ ăn sáng, xong thì đột nhiên ngã quỵ. Căn bệnh tim tái phát đã vĩnh viễn đưa má ra đi. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình lúc đó, như người mất hồn, không còn thiết điều gì nữa...

    Phải mất nhiều năm tôi mới lấy lại được tinh thần. Tính tôi vốn đã trầm lặng, mất má tôi càng trầm lặng hơn. Tôi muốn nói trước bàn thờ má, kiếp sau cho con được tiếp tục làm con của má...".

    Theo PN
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL