1. LamVuBinh
    Avatar của LamVuBinh
    Thể theo lời yêu cầu của nhiều thính giả Đài Á Châu Tự Do ở Úc Châu, ở Montréal, Toronto, ở Hoa Kỳ, nhất là các bạn nghệ sĩ cải lương ở Nam Cali, Nguyễn Phương xin giới thiệu vài nét về vọng cổ, một bản nhạc được giới thưởng ngoạn cổ nhạc và các nghệ sĩ cải lương tấn phong cho là bản nhạc vua của sân khấu cải lương.

    Thưa quý thính giả, gọi là một bản nhạc vua của sân khấu cải lương là do thói quen của khán giả và nghệ sĩ vì hồi xưa khi sân khấu cải lương còn hát các tuồng Tàu và loại tuồng hương xa thì nhân vật Vua trong tuồng là nhân vật trên hết, lớn hơn hết so với các vai quan văn võ trong triều ngoài nội. Diễn viên ca vọng cổ hay cũng được tặng danh hiệu Vua vọng cổ Út Trà Ôn, Vua vọng cổ hài Văn Hường, Vua viết bài ca vọng cổ Viễn Châu, hoàng đế dĩa nhựa Tấn Tài, nữ hoàng sân khấu Thanh Nga, vân vân. Cái thói quen của người xưa khi khen cái gì tốt nhất, lớn nhất, được ưa chuộng nhất thì gọi cái đó, người đó là vua.



    Bản nhạc vua vọng cổ
    Mà suy nghĩ cho cùng thì bản ca vọng cổ cũng đáng được gọi là một bản nhạc vua vì bất cứ tuồng hát cải lương nào, tuồng xã hội cận đại hay tuồng xã hội xưa, tuồng Tây, tuồng kiếm hiệp La Mã, tuồng Tàu, tuồng cải lương hương xa với cốt truyện Nhật Bổn hay Ấn Độ, tuồng kiếm hiệp Kim Dung, hay tuồng Tiên tuồng Phật, tuồng nào cũng phải có bài ca vọng cổ cho đào kép chánh ca. Những tâm trạng đau thương, lâm ly bi đát hay tâm trạng kẻ yêu đương mùi mẫn, tâm trạng phẩn nộ ai oán, hay tâm trạng bỡn cợt vui đùa đều có thể thể hiện trong những câu ca vọng cổ.

    Những bài bản cổ nhạc khác trong các bản 3 Nam, 6 Bắc, 7 bài, nếu chỉ dùng một bản trong số các bản vừa kể thôi thì không thể nào diễn tả được tất cả những tình cảm phức tạp đó của nhân vật trong tuồng, nhưng với bản vọng cổ thì lại khác. Tại sao vậy?

    Vì một lẽ rất đơn giản là chỉ có bài vọng cổ mới hội đủ các làn điệu: Xuân, Ai, Bắc, Oán, rồi nào là giọng Huế, giọng thơ, giọng thơ Vân Tiên, giọng hò Đồng Tháp, giọng thơ Tao Đàn. Cho đến khi ca theo điệu hài hước hay ghép hai dòng tân và cổ nhạc để tạo thành một loại ca tân cổ giao duyên thì bài ca vọng cổ vẫn được mọi người yêu thích.

    Với thời gian, với sự đóng góp tài tình của nhạc sĩ và danh ca, vọng cổ từ nhịp 2, kéo dài ra thành nhịp 4, rồi nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 rồi đến 64, rồi đến 128, người ca và người nghe vẫn thấy nó là bản vọng cổ, vẫn có cái âm hưởng quyến rũ một cách ma quái hay thần kỳ, cái giọng không thể lẫn vào đâu được, đó là cái giọng ca và đờn bản vọng cổ.

    Còn nhạc dùng đờn bản vọng cổ thì sao? Cũng biến hóa, cũng thần kỳ như tiết điệu, nhịp điệu của vọng cổ. Nhạc sĩ đờn vọng cổ với dây Hò Nhứt, Hò Nhì, Hò Ba, Hò Tư, Hò Năm. Dây Bắc Oán, dây Tố Lan, dây Nhị Ngũ, dây Cò Oán, dây Nguyệt Điều, dây Saigon, dây Rạch Giá, dây Ngân Giang, dây bán Ngân Giang…

    Vọng cổ một bài có 20 câu, rút ngắn còn 16 câu, rồi còn 6 câu, rồi còn 4 câu, thì đó vẫn là bài vọng cổ quyến rũ không ngừng.

    Còn lời ca vọng cổ thì có thể nói không biết bao nhiêu bài ca vọng cổ như muôn ngàn cánh hoa rực rở muôn màu có thể diễn đạt những câu chuyện, những tình cảm xã hội, hương xa, tình sử, quê hương, những bài ca với lời văn chải chuốt, mượt mà, lời ca theo gió bay muôn phương, khắp ba miền đất nước đến tận các vùng hải đảo hay tận các nước xa xôi hải ngoại. Hồi còn sinh tiền, nhà học giả Vương Hồng Sển đã nói: Nơi nào còn hát cải lương, nơi nào còn ca vọng cổ, ở nơi đó còn tâm hồn Việt Nam, còn âm hưởng Việt Nam.

    Trên đây tôi chỉ mới nói một cách tổng quát về bản nhạc vọng cổ. Nếu nói rộng ra một chút thì đố ai ghép được một câu hò Đồng Tháp vào bản Văn Thiên Tường, một câu thơ lục bát vào bản Trường Tương Tư, hoặc một làn hơi hò Huế vào bản Tứ Đại Oán.

    Bản vọng cổ làm được tất cả các việc đó. Có phải bản vọng cổ là bản nhạc vua không? Bản nhạc gồm thâu các làn điệu như kiểu vua Tần Thủy Hoàng gồm thâu lục quốc trong truyện Tàu.

    Thưa quý thính giả, người thích nghe vọng cổ không nhứt thiết phải hiểu biết tất cả những điểm về nhạc vọng cổ mà tôi vừa kể sơ lược, người thích nghe vọng cổ còn thích hơi ca, giọng ca, kỹ thuật ca của nghệ sĩ.

    Những giọng ca vọng cổ một thời vang bóng
    Từ thập niên 20. khi bắt đầu có bài Dạ Cổ Hoài Lang, nhịp đôi, bài ca tiền thân của bản vọng cổ sau này đến nay đã hơn 80 năm, có biết bao nhiêu là danh ca vọng cổ, những nghệ sĩ đã ru hồn khán thính giả qua bài hát vọng cổ thần kỳ.

    Khán thính giả còn nhớ tên những danh ca như Hai Đá, Ba Trà Vinh, Năm Cần Thơ, Kim Thoa, Ái Liên, Tư Sạn, Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Phượng Liên, Lệ Thủy, Phượng Hằng, Thanh Kim Huệ, các nam danh ca Út Trà Ôn, Văn Hường, Năm Nghĩa, Bảy Cao, Thanh Tao, Tám Cao, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Minh Vương, Minh Cảnh, Tấn Tài, Minh Phụng, Dũng Thanh Lâm, Châu Thanh….

    Còn hàng trăm nghệ sĩ danh ca khác trong số đó chưa kể các ca sĩ tài tử như Thành Công, Chín Sớm, Sáu Thoàng, Chiêu Anh, Hồng Châu, Tám bằng…

    Mỗi một giọng ca có một nét hay riêng, một kỹ thuật ca phân câu phân nhịp, tiếng ngân tiếng hò có nét sắc xảo riêng, các danh ca hình thành một lối ca mà sau này người ta ghép cho cái tên trường phái ca: đó là trường phái ca chân phương Út Trà Ôn, trường phái ca mùi ngân êm Hữu Phước, trường phái ca dài hơi trữ tình Minh Cảnh, trường phái ca ngân cao vút và ngọt ngào Tấn Tài, trường phái ca hai trăm chữ không đứt hơi Châu Thanh - Phượng Hằng…

    Mỗi khán thính giả có một sở thích riêng, có người thích nghe ca lối chân phương, rõ chữ mùi mẫn của các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Hữu Phước… nhưng cũng không ít người lại thích nghe ca dài hơi vài trăm chữ kiểu ca của Châu Thanh, Giang Châu, Phượng Hằng.

    Nguyễn Phương sẽ sưu tầm để lần lượt giới thiệu đến quý thính giả những giọng ca được một thời yêu thích. Có thể là những giọng ca thần tượng của thính giả nầy mà thính giả khác không thích, do đó xin quý thính giả tự mình đánh giá cái hay riêng biệt mà thính giả được nghe nơi đây.

    Để mở đầu cho loạt bài giới thiệu những giọng ca vọng cổ một thời vang bóng, Nguyễn Phương mời quý thính giả nghe bài Dạ Cổ Hoài Lang của nhạc sĩ Sáu Lầu, do giọng ca của nữ nghệ sĩ Ái Liên, người Hà Nội ca bài ca Dạ Cổ Hoài Lang xưa của đất Hậu Giang.

    Giọng hát của cô Ái Liên trong suốt, ngân vang, kỹ thuật ca điêu luyện, đúng tiết điệu của bản cổ nhạc miền Nam, khi ca cô Ái Liên đã giữ đúng những nhịp nội, nhịp ngoại, thể hiện bản sắc đặc biệt của bài Dạ Cổ Hoài Lang, tiền thân của bản vọng cổ sau này ở miền Nam.

    Khán thính giả trong nam không thấy có giọng Bắc của nữ nghệ sĩ Ái Liên trong bài ca Dạ Cổ Hoài Lang nên rất thích.

    Thưa quý thính giả, vì thời lượng phát thanh có hạn, Nguyễn Phương cố gắng trong những chương trình sau, sẽ giới thiệu đến quý thính giả những bài ca và giọng ca nổi tiếng của các nghệ sĩ Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Minh Vương, Minh Cảnh, Châu Thanh, Phượng Hằng, vân vân.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 5 Users Say Thank You to LamVuBinh For This Useful Post:


  3. MEM
    Avatar của MEM
    Bài này cũng hơi hơi ko khớp đề tựa lắm. Đọc hết thì thấy có vẻ là mở đầu loạt bài giới thiệu về các giọng ca cải lương hay chứ ko phải chỉ là các giọng ca thập niên 90 hả Bình??
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to MEM For This Useful Post:


  5. LamVuBinh
    Avatar của LamVuBinh
    Em sưu tấm bên trang yume.vn đó anh ah` ! Có gì anh sửa lại sùm em cho phù hợp !
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 2 Users Say Thank You to LamVuBinh For This Useful Post:


ANH EM CHANNEL