1. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    PHIM VIỆT TRƯỚC NĂM 1975

    Phim Gánh Hàng Hoa 1972



    Phim Việt Nam sản xuất năm 1972. Diễn viên: Mộng Tuyền vai Liên, Thanh Lan vai Nhung, La Thoại Tân, Huy Cường, Ngọc Tuyết, Lý Quốc Mậu…Đạo diễn: Lê Mộng Hoàng.Phim trắng đen. Dựa theo tiểu thuyết “Gánh Hàng Hoa” của Khái Hưng và Nhất Linh.

    NỘI DUNG

    Minh tốt nghiệp ở trường sư-phạm, được bổ nhiệm giáo học để có thể kiếm cơm nuôi thân và nuôi vợ. Cái đời lam lũ khó nhọc của vợ mỗi lúc nghĩ đến Minh lại lấy làm áy náy và xấu hổ. Không phải chàng cho rằng cái nghề bán hoa của vợ là hèn hạ vì nghề ấy vẫn là nghề của ông bà, cha mẹ chàng khi xưa. Nhưng chính vì nhờ vào công việc của một người đàn bà mới có thể có tiền ăn học, chàng lấy đó làm một sự kiện đáng thẹn thùng, đáng bị khinh bỉ. Liên là người vợ đ ảm đang, tão tầng bán hoa nuôi chồng ăn học thành tài…Nhưng cuộc đời có biết bao sóng gió, họ phải đương đầu và v ượt qua, họ vẫn có những tấm lòng thương yêu và giúp đỡ như Văn, Nhung...Cuối cùng một cuộc đời mới trong nếp nhà tranh đầy hoa và ánh sáng cũng đến với họ.
    Đây là một bộ phim ghi điểm son cho Mộng Tuyền trong nghề điện ảnh. Với vai diễn trong bộ phim này đã giúp cô trở thành ứng củ viên nặng ký của giải Tượng Vàng trước năm 1975.
    Huy Cường diễn xuất trong phim một vai phản diện rất ấn tượng.
    Vai Nhung do Thanh Lan diễn cũng là một vai có nội tâm phức tạp và khó diễn, nhưng Thanh Lan diễn rất sống động và tự nhiên, khán giả ấn tượng nhất Thanh Lan trong phim này chính là nụ cười rất tươi của cô.

    GIỚI THIỆU VỀ THÀNH PHẦN LÀM PHIM :

    MỘNG TUYỀN (NGHỆ SỸ KIM LOAN)

    Mộng Tuyền tên thật là Huỳnh Thị Kim Loan, sinh năm 1947 tại Cần Thơ. Hồi mười tuổi, Mộng Tuyền theo gia đình lên Sài Gòn và học tại trường Bà Phước ở Cầu Ông Lãnh. Gia đình nghèo, Mộng Tuyền muốn đổi đời bằng chất giọng thiên phú của mình nên theo những đoàn hát nhỏ rong ruổi tìm vận may trên bước đường nghệ thuật. Tới năm 13 tuổi, chị trở về Cần Thơ theo học cổ nhạc được hơn một năm theo sự chỉ dẫn của nhạc sĩ Ba Cứ. Sau đó dưới sự hướng dẫn của thân phụ chị là ông Huỳnh Hương Vị, chị lập Ban Cổ nhạc Kim Loan, thường trình diễn giúp Ty Thông tin Cần Thơ và Hội Khuyến học ở tỉnh nhà. Những bài bản như vọng cổ, sàng xê, Văn Thiên Tường đề cao nhân nghĩa, đạo đức, đạo tam cang mà cô trình bày trong các buổi diễn văn nghệ đều do chính thân phụ chị biên soạn.
    Sau đó Mộng Tuyền theo đoàn Thủ Độ trong ba tháng để tập luyện về ngành cải lương. Năm 1961, Mộng Tuyền chính thức bước chân vào bộ môn ca kịch và đầu quân cho đoàn Hoa Sen của ông bầu Bẩy Cao. Khi ấy Mộng Tuyền còn nghệ danh Kim Loan đã nắm bắt được cơ hội với vai Huyền trong vở Nhà chợ một đêm mưa - vai diễn này đã đưa cô gái xinh đẹp với cái tên Kim Loan ra ánh sáng sân khấu. Qua năm 1962, Mộng Tuyền đầu quân cho đoàn Phương Nam trong 4 tháng. Ở sân khấu này Mộng Tuyền đã thủ vai Xuân Hoa trong tuồng Đông về lạng xác hoa và vai Phương Loan trong vở Nửa kiếp oan thù.
    Từ năm 1963, Mộng Tuyền chính thức gia nhập đoàn ca kịch Thanh Minh - Thanh Nga của bà bầu Nguyễn Thị Thơ. Nhờ tài nghệ đã tiến triển, cả về ca lẫn diễn, Mộng Tuyền thường được giao những vai quan trọng trong các vở tuồng diễn trên sân khấu này như Mộng Tuyền sơn nữ (vở Mùa xuân còn mãi), Ái Liễu Thi công chúa (vở Phương Dung hoàng hậu), công chúa Tống Vân Trang (soạn phẩm Bao Công xử án Trần Thế Mỹ của soạn giả Nhị Kiều và nhóm Bông Lau). Chính nhờ tài nghệ trình diễn xuất sắc khi thủ vai vũ nữ Thu Lan trong soạn phẩm Phu tử tòng tử, Mộng Tuyền- Kim Loan đã được trao tặng giải thưởng Thanh Tâm năm 1963. Cùng Mộng Tuyền là Bạch Tuyết, Ánh Loan, Tấn Tài, Thanh Tú, Diệp Lang - những nghệ sĩ có nhiều triển vọng nhất trong năm 1963.
    Năm 1967-1968, Mộng Tuyền có một vai diễn đã tạo tiếng vang cho cô trên sân khấu Thanh Minh- Thanh Nga khi trở về cộng tác là vai Nhã trong Chuyện Tình-Chuyện Tiền(tức Bọt Biển 3 của soạn giả Nguyễn Phương)
    Mộng Tuyền có thể đảm nhận được các vai từ đào mùi, đào lẳng, đào độc… Với hơi ca truyền cảm nên Mộng Tuyền ca được những bài bản cổ điển và tân nhạc. Thường thường khi nhận thủ một vai nào trong một kịch phẩm, Mộng Tuyền luôn luôn gắng tìm hiểu tâm lý vai trò và cố gắng đảm nhận vai đó một cách hoàn hảo.
    Trong giai đoạn ở đoàn Thanh Minh - Thanh Nga. Mộng Tuyền từng cùng Thẩm Thúy Hằng chia nhau vai diễn vũ nữ Cẩm Lệ trong tuồng Bóng chim tăm cá diễn cùng Thành Được, Thanh Tú, Ngọc Nuôi…Khán giả mê cải lương cũng từng xem Thanh Nga và Mộng Tuyền cùng nhau thể hiện vai diễn Dương Quý Phi trong vở tuồng An Lộc Sơn, vai cô con gái trong vở Kỳ quan vũ trụ trên sân khấu đoàn Tiếng hát dân tộc năm 1974…
    Những năm 1974-đầu năm 1975, Mộng Tuyền sáng chói màn ảnh nhỏ Truyền Hình qua các vở cải lương như: Hồi Trống Vân Lâu,Kiều Phong A Tỷ, Người trên sông Cẩm…. Cũng trong những ngày cuối năm 1974, Mộng Tuyền được Thẩm Thúy Hằng - giám đốc hãng Vilifilms mời sang Thái Lan đóng bộ phim Em về giữa hoàng hôn do Lưu Bạch Đàn đạo diễn.
    Tham gia điện ảnh.qua các vai thành công trước năm 1975 như Loan (phim Chân trời tím), cùng Thanh Tú đóng Phận má hồng, cùng La Thoại Tân, Huy Cường, Thanh Lan xuất hiện trong Gánh hàng hoa (vai Lựu năm 1971), rồi xuất hiện trong bộ phim của đạo diễn Minh Đăng Khánh (phim Còn gì cho nhau)…Thành công trong điện ảnh qua cách diễn riêng ấn tượng và cách biểu cảm rất thật đã giúp Mộng Tuyền trở thành một diễn viên điện ảnh lớn trong giai đoạn 1970.
    Khán giả màn ảnh trước năm 1975 còn có dịp yêu thích chị trong các vở kịch trên TH của ban kịch Mộng Tuyền như vở: Phi Vụ Cuối Cùng.
    Về chuyện tình cảm, Mộng Tuyền cũng nhiều phen lận đận và đoạn trường. Vì trời cho một sắc đẹp lộng lẫy và khả năng diễn xuất rất đa dạng, Mộng Tuyền là thần tượng của rất nhiều khán giả. Trong số những khán giả hâm mộ chị không thiếu những vương tôn công tử, giàu có khét tiếng bấy giờ nhưng thân phụ chị canh chừng con gái rất dữ, thành ra tất cả các cây si đều bị “bứng gốc tuốt luốt”. Chồng của Mộng Tuyền là một sĩ quan chế độ nguỵ quyền, yêu nhau trong tình yêu nhiều sóng gió…Sau ngày giải phóng, chồng của chị phải đi học tập cải tạo nhưng Mộng Tuyền vẫn được Đảng và Nhà nước tạo mọi điều kiện để hoạt động văn nghệ, nuôi con, nuôi chồng. Mộng Tuyền từng là gương mặt thủ diễn thành công vai Thái Hậu Dương Văn Nga sau khi Thanh Nga mất. Cô còn diễn vai Thái Hậu- Mẹ của Thái tử Long Xưỡng trong vở “Tô Hiến Thành Xử Án” cũng rất thành công….Và với vai Vân trong vở Bóng tối và ánh sáng (một vai diễn thành công của cố nghệ sĩ Thanh Nga), Mộng Tuyền đã đoạt HCV Hội diễn sân khấu toàn quốc tại Hải Phòng. Giai đoạn 1975-1985 chị vẫn là một gương mặt sáng của nền điện ảnh cách mạng. Mộng Tuyền tham gia đóng phim truyền hình "Cô Nhíp" của cố đạo diễn Khương Mễ, trong vai bà vợ của đại tá Hoàng (Lý Huỳnh đóng vai đại tá Hoàng), sau đó cô tham gia vai Kỷ sư Tuyết Anh trong “Trang giấy mới” của đạo diễn Lê Dân.Mộng Tuyền qua vai Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong bộ phim “Tình yêu cho em” của đạo diễn Lê Mộng Hoàng, một trong những bộ phim mầu đầu tiên của điện ảnh cách mạng lúc bấy giờ, là một trong những dấu son tô điểm cho tài năng diễn xuất ở lỉnh vực điện ảnh của Mộng Tuyền khi cô được trao tặng giải nữ diễn viên xuất sắc nhất của Liên hoan phim Việt Nam..Mộng Tuyền rời Việt Nam sang Mỹ theo diện HO. Tại xứ lạ quê người thời gian đầu Mộng Tuyền có tham gia ca hát. Chị từng xuất hiện trên Thúy Nga Paris trình bày nhạc phẩm Sầu lẻ bóng. Nét diễn và hình tượng sân khấu của chị đến nay vẫn còn được khán giả ái mộ luyến nhớ.

    THANH LAN … TIẾNG HÁT HỌC TRÒ

    Thanh Lan trong thời kỳ đầu tiên, bắt buộc phải nhắc đến những nhạc phẩm lời Pháp do cô trình bày trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam. Cô nữ sinh Marie Curie và sau đó là sinh viên đại học Văn Khoa với nụ cười thật tươi đó đã để lại những cảm tình sâu đậm đối với người nghe qua cách phát âm thật rõ ràng cả hai ngôn ngữ Pháp và Việt như qua nhạc phẩm "Mon amie la Rose" do chính cô soạn lời Việt dưới tựa đề "Nụ Hồng Mong Manh", diễn tả đời một người con gái tựa như một đóa hoa hồng trong nội dung bài thơ của thi hào Ronsard mà cô rất mến mộ. Ðầu thập niên 70 là lúc băng cassette được phổ biến mạnh mẽ và các nhà sản xuất đua nhau phát hành những băng nhạc có chương trình nhạc trẻ. Ngoài nhạc Mỹ ra, nhạc Pháp cũng được mọi người ưa thích, nhất là trong đám ca sĩ mới lớn lên, có Thanh Lan hát tiếng Pháp rất hay. Nhiều bài hát về tình yêu của nhạc Pháp và với giọng hát nhanh nhẹn của Thanh Lan, những bài hát đó đã gây được ảnh hưởng khá mạnh mẽ trong giới trẻ. Bài BANG BANG rất ngộ nghĩnh và sau khi được hát qua tiếng Việt với giọng hát Thanh Lan, nó được phổ biến rất là mạnh mẽ.
    Thanh Lan đến với điện ảnh vào năm 1970 với phim Tiếng Hát Học Trò, đây là bộ phim đầu tiên Thanh Lan đóng vai chính do hãng phim Alpha sản xuất và đạo diễn Thái Thúc Nha thực hiện. Đó là câu chuyện một cô nữ sinh mới lớn, buồn vì mẹ không gần gũi vỗ về, thất vọng vì mối tình đầu không thần tiên đẹp đẽ như cô hằng mơ tưởng, chán chường vì cuộc đời có quá nhiều chuyện xấu xa dồn dập xảy đến với cô, cô sinh ra buồn rầu đến nỗi bệnh nặng, cũng may cô còn có một cô bạn gái thân thiết để mà tâm sự và để mà cố gắng hy vọng rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Nhờ vai diễn này, Thanh Lan đã đoạt giải nữ diễn viên nhiều triển vọng nhất của Giải thưởng Văn Học Nghệ thuật trước năm 1975.Cuối năm 1974, tại phòng khánh tiết sang trọng của khách sạn Continental, Thanh Lan đã nhận giải tài tử đẹp nhất miền Nam Việt Nam do chính đạo diễn Lê Dân trao, lúc đó cô vừa ký hợp đồng với hãng phim Nhật Amino cho bộ phim Number Ten Blues.
    Thanh Lan còn tham gia đóng các bộ phim nhựa khác như:Yêu (1971), Lệ đá (1971), Ngọc Lan (1972), Gánh hàng hoa (1972), Trên đỉnh mùa đông (1972), Xin đừng bỏ em (1973), Xóm tôi (1973), Mộng Thường (1973), Trường tôi (1974)….cùng với 2 phim truyền hình khác nữa, trong đó có một phim do hãng phim Nhật và đạo diễn Nhật quay vào tháng 3 năm 1975 : Number Ten Blues. Phim Number Ten Blues của hãng phim Amino Nhật Bản với hai nam diễn viên chính người Nhật và Thanh Lan là nữ diễn viên chính, diễn bằng ba ngôn ngữ Việt, Anh và Nhật. Thanh Lan đã nói một đoạn tiếng Nhật trong đoạn mở đầu của phim, sau này tên phim Number Ten Blues được đổi tên là Goodbye Saigon. Với phim này Thanh Lan đã có kỷ niệm trong nghề nghiệp làm cô nhớ mãi : Có một lần, Thanh Lan đóng phim Goodbye Saigon với nam diễn viên Nhật Bản Yusuke Kawasu ở Huế. Cảnh hai người chạy trốn, Thanh Lan bị trúng đạn không đứng lên được, cô nằm dưới đất vừa khóc vừa hối thúc người yêu hãy leo qua bức tường để thoát hiểm trong khi đạn bắn tới tấp. Anh ấy ngần ngừ, cô càng khóc và la lớn hơn, khi anh khuất sau bờ tường, cô gục xuống khóc nức nở. Hết cảnh quay, Thanh Lan đứng dậy phủi đất và bụi, chợt nghe có tiếng khóc nức nở càng ngày càng lớn dần, cả đoàn phim ngạc nhiên quay lại nhìn. Một em bé trai đang khóc dù quanh đó rất nhiều cô bé đang dỗ em, đó là những khán giả đứng xem từ nãy đến giờ. Em khóc hoài, cuối cùng Thanh Lan phải ra dỗ em, ôm em và nhắc đi nhắc lại rằng chị không sao hết, đó chỉ là cảnh phim mà thôi, em mới chịu nín !.
    Sau ngày miền nam giải phóng, Thanh Lan mới thật sự là một ngôi sao khi đ ược Đảng và nhà nước ta quá ưu ái. Tham gia gần 20 bộ phim nhựa. Cô là gương mặt sáng truyền hình, tụ điểm…là diễn viên tham gia nhiều bộ phim lớn như “Ván Bài Lật Ngữa”… Trong năm 1987, sau khi hoàn tất xong vai Thùy Dung trong tập 8 "Vòng hoa trước mộ" của bộ phim "Ván bài lật ngửa" do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện, nữ ca sĩ kiêm diễn viên điện ảnh Thanh Lan đã theo đoàn làm phim "Ngoại ô" của đạo diễn Lê Văn Duy đi quay cảnh ở Hội An và Huế. Trong thời gian đóng phim "Ngoại ô" ở Huế, cùng thời điểm cũng có đoàn làm phim "Cô gái trên sông" đang thực hiện cảnh quay tại Huế, Thanh Lan đã có đến tiếp xúc và xem đạo diễn Đặng Nhật Minh làm phim, rất thích cách làm việc của đạo diễn Đặng Nhật Minh và mong mỏi trong tương lai được cộng tác với đạo diễn Đặng Nhật Minh, nếu được tham gia đóng phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh thì Thanh Lan sẽ rất phấn khởi vô cùng. Sau khi bộ phim "Cô gái trên sông" hoàn tất xong phần quay, đạo diễn Đặng Nhật Minh đem phim vào TP.HCM để lồng tiếng Nam, Thanh Lan đã hăng hái lồng tiếng bằng giọng Huế cho vai Nguyệt (do Minh Châu thủ vai), vì Thanh Lan nói chuẩn giọng Bắc, Huế và Nam không có bị pha trộn lẫn lộn.
    Vào năm 1988, ca sĩ Thanh Lan ký hợp đồng đóng vai chính trong phim "Hai chị em" của đạo diễn Lê Dân, do Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM sản xuất. Đáng lẽ phim tiến hành khởi quay, nhưng vì Thanh Lan mắc kẹt show diễn ca nhạc với Công ty tổ chức biểu diễn TP.HCM lưu diễn tại Hà Nội (cùng các ca sĩ như : Anh Khoa, Thế Hiển, Hoàng Huệ Quân) trong vòng mấy tháng. Đạo diễn Lê Dân cũng như đoàn làm phim "Hai chị em" quyết định chờ Thanh Lan đi lưu diễn ở Hà Nội trở về Sài Gòn rồi mới tiến hành công việc. Và như thế năm đó Thanh Lan đã lưu diễn ca nhạc và làm phim "Hai chị em" đóng chung với Thúy An, Nguyễn Chánh Tín, Lê Cung Bắc, Tường Vân. Các bộ phim khác Thanh Lan đóng chính sau năm 1975 là: Ngoại Ô, Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc, Ca nguyên F 101, Tình không biên giới….
    Thanh Lan là một ca sĩ. Điều đó ai cũng biết. Thanh Lan là một ngôi sao điện ảnh. Điều đó nhiều người biết.Thanh Lan là một thi sĩ thì ít ai biết.Cô vừa phát hành tập thơ “Tình đầu” của mình tại Hải ngoại.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following User Says Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:


  3. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Bên cạnh tồn tại song song với Cải Lương thì điện ảnh cũng phát triển khá mạnh trước 1975. Với sự tham gia nhiều bộ phim là nhiều nghệ sĩ Cải Lương nổi tiếng như Thanh Nga, Mộng Tuyền, Kim giác, Kim Ngọc,... nhiều bộ phim xã hội, kháng chiến cũng ra đời rất nhiều....
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 2 Users Say Thank You to Thanh Hậu For This Useful Post:


ANH EM CHANNEL