Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
  1. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc

    Cảm nghĩ và nhận xét về đàn ca cổ nhạc tài tử

    Bài viết của Trần Ngọc Thạch


    Các bạn thân mến,
    Sự hiểu biết của con người, luôn bị giới hạn vì nhiều nguyên nhân: Trình độ (kiến thức), môi trường, khả năng tiếp thu và nhận xét.
    Trong quyển sách nầy, những hiểu biết của tôi được ghi lại, không hẳn là đúng với hầu hết những hiểu biết của giới ca nhạc Tài tử. Trong bài viết nầy, tôi chỉ ghi lại nhận xét qua những tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, đối chiếu... cùng những cảm nhận qua nhiều năm tìm học và được hân hạnh giao lưu với các bậc tài danh đương thời (1980-2000). Từ vị Thầy đầu tiên là soạn giả Thanh Lịch đến nhiều bậc Thầy tài danh khác tôi đã có dịp gần gủi và học hỏi như quý vị nhạc sư, nhạc sĩ: Hai Ngưu, Hai Thinh, Hai Sáng, Nhị Tấn, Ba Trung, Tư Đức, Tư Thông, Năm Xả, Năm Châu, Sáu Măng, Sáu Vui, Sáu Roan, Sáu Thuốc, Sáu Én, Sáu Trung, Bảy Tiểu, Bảy Bửu, Tám Đen, Chín Tâm, Mười Xã, Mười Phú, Mười Chọn v.v... đều là những nhạc sĩ tài hoa, kiến thức sâu rộng, và tên tuổi gắn liền với nhạc Tài tử Miền Nam vào hậu bán thế kỷ 20. Tôi đã từng cùng các vị đó tập dợt thường xuyên, cũng như cùng đi giao lưu tài tử nhiều nơi, tôi nhận thấy:

    I - Sự Biến Thiên Của Bài Bản:

    Nền âm nhạc Tài tử miền Nam, từ thời cố nhạc sư Ba Đợi (tức Ông Nguyễn Quang Đại) đến nay, trải hơn 100 năm, bài bản khỏang hơn 200 bài, con số không nhiều, nhưng thật là nhiêu khê, phức tạp, do sự lạc hậu về phương pháp ký âm, lạc hậu về phương cách truyền đạt, lạc hậu về cách suy nghĩ, bế tắc trong sự phổ biến, thêm tệ nạn giấu bài, giấu bản ...v...v... khiến kho tàng âm nhạc của tiền nhân bị thất truyền, thất lạc rất nhiều. Nên mỗi bài bản từ thế hệ trước, truyền lại cho thế hệ sau đều có sửa đổi, thêm thắc theo kỷ năng của từng cá nhân (phần nhiều là Thầy) rất tùy tiện và hào phóng ... Hậu quả là có những nghệ nhân ở Vũng Tàu, Nha Trang... vào Saigon giao lưu, thấy bài bản có khác đôi chút; nghệ nhân ở Saigon về lục tỉnh giao lưu lại có khác vài chỗ... Và điều tai hại nhứt là ai cũng cho bài bản của mình (đã có, đã học...) là ĐÚNG ! Có nghĩa là bài bản của người khác là SAI (?!) hoặc "không đúng bằng" bài bản của mình ! Không ai chịu hiểu là nguyên thủy bài bản cổ nhạc của chúng ta vốn được viết bằng chữ Hán, chữ Nho (mực tàu, bút lông) dần dần được dịch ra chữ Nôm, chữ Quốc ngữ. Mỗi người lại diễn dịch mỗi khác tùy theo trình độ (kiến thức) và âm bản (còn nguyên vẹn, hay rách nát, mực lem ...). Do đó, ví dụ chữ XÁNG, XỂ... lâu ngày mất dấu, cũng có thể trở thành XANG, XÊ; CỐNG thành CỘNG, XỪ thành XỰ...v...v... Chữ Hán lại thường rất nhiều nét và rất dễ bị mất nét. Ví dụ chữ ĐIỆP (con bướm) gồm có: bộ Thảo, chữ Thế (thế gian), chữ Mộc (cây), và bộ Côn trùng... và chữ ĐIỆP được viết như sau 蝶.
    Lâu ngày, chữ ĐIỆP có thể bị mất nét... (như mất bộ Côn trùng) trở thành chữ DIỆP (lá cây) 葉, và Thu Phong Lạc Điệp dễ trở thành Thu Phong Lạc Diệp. Cả hai cái tựa đều hay, nhưng như đã trình bày: chữ Diệp... không thể trở thành chữ Điệp... được, vì thời gian chỉ làm phai mờ nét đi, chứ không thêm nét vào được. Vì vậy, nếu chúng ta nhận ra chữ Điệp có nghĩa là chữ Điệp chưa bị mất nét.
    Xin nhắc lại, việc diễn dịch từ chữ Hán ra chữ Quốc ngữ là do trình độ của người dịch: Người có kiến thức khá thì sao chép rõ ràng, người kém thì sơ sót, lầm lẫn... rồi sao đi chép lại nhiều lần (tam sao thất bổn)... nên cãi nhau là điều tất nhiên !
    Ví dụ điển hình nhứt là bản Phụng Hoàng 48 câu (trong 20 bản Tổ), từ khi được kéo dài từ nhịp 4 lơi ra nhịp 8 thì hầu như không có bản nào giống bản nào ! Mỗi lần tập dợt đờn ca là có tranh cãi và truyền thống của nghệ nhân Tài tử là không ai chịu đờn theo bản của người khác (Chỉ có bản của mình mới là... đúng!). Cho nên dần dần nhạc giới ngã theo bản Phụng Hoàng 12 câu nhịp 4 lơi của cải lương và "bỏ lơ" luôn bản Phụng Hoàng 48 câu nhịp 8 !
    Vì vậy, chúng ta cũng đừng ngạc nhiên tại sao ngay cả những bài bản của Trường Quốc Gia Âm Nhạc dạy ra, lại không hoàn toàn giống với đa số bài bản được lưu truyền trong dân gian.

    Có một thời (1985) nhạc sĩ Chín Tâm (người có uy tín rất lớn trong giới Tài tử) đã cố gắng kêu gọi sự thống nhất bài bản, và tại tụ điểm ca nhạc Tài tử nhà nhạc sĩ Năm Đê (Quận 4 Saigon), nhạc sĩ Chín Tâm đã có đưa ra một số bài bản mà ông cho là "Chuẩn" nhứt để kêu gọi nhạc hiới bàn thảo. Tuy nhiên, dù có rất nhiều thiện chí, ông vẫn "không kêu gọi được ai", vì như đã nói: Bài bản đã được sao đi chép lại nhiều lần, cộng với sự biến thiên phong phú của giai điệu, khiến cho mỗi người mỗi địa phương ... đều có sự diễn đạt khác nhau ! Tôi có tham dự vài buổi bàn thảo và thấy ngay cả nhạc sĩ Chín Tâm và nhạc sĩ Sáu Vui là 2 người cùng học 1 Thầy (Nhạc sư Hai Thinh) cũng bất đồng ý kiến, huống chi người khác, "lò" khác, địa phương khác ! Hơn nữa, đặc biệt trong giới đờn ca Tài tử nầy, kêu gọi mọi người đờn ca theo ý mình là điều "tối kỵ" ! Ít ai chịu làm học trò mà chỉ muốn làm Thầy, và cố tình quên mất điều : muốn làm Thầy, thì trước hết phải làm học trò !
    Cho nên, cuối cùng, việc thống nhất bài bản đành phải "gát lại vĩnh viễn" và nhạc sĩ Chín Tâm cay đắng mà nói với tôi rằng: " Cái giới nầy, mỗi người là một ông Vua !". Còn nhạc sĩ Tám Đen thì nói: " 500 năm nữa, cũng chưa thống nhất bài bản được !".
    Chuyện đó xảy ra đến nay đã gần 20 năm và các vị nhạc sĩ ấy đều đã qua đời. Hai nhạc sĩ Chín Tâm và Tám Đen đều lưu trử rất nhiều bài bản (có cho tôi xem qua). Hai ông sinh hoạt, trong giới đờn ca Tài tử gần trọn một đời người, cho nên tầm hiễu biết của hai ông rất cao rộng . Đặc biệt là nhạc sĩ Chín Tâm đã từng theo học 2 vị cố nhạc sư Hậu Tổ là nhạc sư Tư Nghi và nhạc sư Hai Thinh. Ngoài ra, ông Chín Tâm còn sưu tầm thêm rất nhiều bài bản và tài liệu (như bộ Tam Bắc Nhị Oán ông sưu tầm ở Mỏ Cày, Bến Tre). Những ý kiến của ông về vấn đề ca nhạc Tài tử đều xuất phát từ thiện chí và những tài liệu bài bản ông cung cấp cho người nầy người kia... là tâm huyết của cả một đời sưu tầm và học hỏi.
    Tuy nhiên, cũng có điều để chúng ta tự hào là nhờ sự phong phú trong sáng tạo giai điệu, bài bản của chúng ta như từng lớp sóng, sóng sau dồn sóng trước, mỗi thế hệ qua đi, nhân tài càng xuất sắc hơn, cũng những bài bản đó, nhưng đờn ca càng nghe càng thấy hay hơn. Trong tài liệu của cố nhạc sư Tư Nghi để lại, tôi có dịp xem qua, ông ghi rất rõ. Thí dụ: bài Lưu Thủy, năm 1930 đờn như thế nào, đến năm 1940 đờn như thế nào, 1950 thay đổi ra sao ...v...v... cứ mỗi thập niên đều có thay đổi.

    Người Tây Phương không hề dám thay đổi 1 nốt nhạc nào trong bản đờn vì từ 400 năm trước (1600), người ta đã có phương pháp ký âm tân kỳ, rất rỏ ràng ... và in ra cho tòan thế giới học giống y như nhau, chỉ đờn sai 1 nốt nhạc thôi, là người ta đã biết ! Còn chúng ta thì hầu như "mạnh ai nấy chơi", "lò" nào theo "lò" nấy ... sáng tạo bất kể miễn nằm trong giai điệu là được ! Cho nên mặc dù bài bản tuy có khác nhau đôi chút, nhưng giai điệu thì vô cùng uyển chuyển, phong phú và phong phú đến bất tận. (Đó cũng là ưu điểm của nhạc Việt Nam) . Bài Vọng cổ nhịp 32 chỉ có 6 câu, nhưng ai có thể đếm được có bao nhiêu câu chầu, láy ... của mỗi câu vọng cổ từ trước đến nay ? Chỉ mỗi nhạc sĩ Văn Vĩ thôi, đã có sáng tạo ra hàng trăm câu đờn chầu, láy rồi... nói chi đến cả nước !
    Tôi nghe bản đờn Tranh (Tứ Đại Oán) của nhạc sĩ Sáu Én đờn, hầu hết đều không giống bản đờn tranh của nhạc sĩ Sáu Vui, Vũy Chỗ ... Tôi nói "hầu hết" vì chỉ có giống nhau ở những chữ cuối câu, hoặc ngay nhịp Song lan, còn trong "ruột bài" thì không giống, tuy cùng 1 giai điệu. Và đặc biệt, những người cùng học một Thầy, cũng chưa chắc đã đờn giống nhau, vì như đã nói, 1 ông Thầy truyền bài cho học trò, qua mỗi thời gian đều có sáng tạo thêm ra, và người học trò học thuộc bài xong rồi, cũng sáng tạo thêm ra nữa...
    Để nhấn mạnh về sự phong phú trong giai điệu, uyển chuyển trong sáng tạo và sáng tạo phong phú không ngừng (điều nầy nổi bật nhất trong âm nhạc Việt Nam so với nền âm nhạc "cứng ngắt" của Tây phương). Tôi xin trích lại 1 câu chữ đờn bài Lưu Thủy mà nhạc sĩ Tám Đen đã truyền lại cho tôi và nói là "xưa nhứt":

    __Là Hò. Hò Tồn Là Hò. Hò Tồn Hò...

    Một câu chữ đờn như vậy (dịch từ bản chữ Hán qua) thử hỏi làm sao có thể đờn cho hay và đặt lời ca cho hay được ? Nhưng cho đến nay, nhờ sự sáng tạo phong phú, chúng ta đã có hàng chục lối đờn bài Lưu Thủy và vô số bài ca Lưu Thủy.

    II - THẤT THẬP NHỊ HUYỀN CÔNG

    Bắt đầu học cổ nhạc, tôi học những "bài nhỏ" như Sương Chiều, Tú Anh, Khốc Hoàng Thiên, Ngựa Ô Nam, Ngực Ô Bắc ... còn những "bản lớn" như Lưu Thủy, Phú Lục, Văn Thiên Tường, Tứ Đại Oán ... thì học lung tung, thích bản nào học bản nấy, không có hệ thống. Cho nên khi nghe 2 câu:

    Thức thời lãu thông Nhị Thập huyền Tổ bản
    Quán thế thậm đa Thất Thập Nhị huyền công


    Tôi ớn quá ! Hai câu nầy không hiểu xuất xứ từ đâu mà có vẻ "dao to búa lớn", nặng mùi "Tây du ký" . Tôi tìm hiểu thì được 2 nhạc sĩ Tám Đen và Chín Tâm giãi thích : Người học nhạc (nhạc giới) trước hết phải thông thuộc 20 bản Tổ (tức 3 Nam, 6 Bắc, 7 Bài và 4 Oán) đó là "kẻ thức thời" . Sau đó, để trở thành một tay lãu luyện thật sự, phải học cho đủ 72 bài bản (sau nầy gọi là Thập Loại Bài Bản, thật ra là đến 89 bài bản). Có lẽ 2 câu trên do 2 vị nầy "chế" ra.

    Trên thực tế, từ trước đến nay, không có 1 người nào "học" và "hành" cho hết Thập Loại Bài Bản, ngay cả 20 Bản Tổ học cũng không hết ! Nói ra thì đơn giản, như là một điều dễ làm, nhưng thật ra thì vô cùng phức tạp (xin xem bài "Luận Về Nguyên do Lược giảm 20 Bản Tổ" của tôi ở phần mở đầu trong quyển sách nầy) . Do sự khó khăn và phức tạp đó, mà riêng về 6 Bắc, nhạc giới cũng không dễ gì chấp nhận có Thập Bát Thủ và Thập Bát Vĩ.
    Những nhạc sư, nhạc sĩ tôi có nêu tên trong phần mở đầu bài nầy, hầu hết đều có lưu trữ "Thất Thập Nhị huyền công" (có khi còn nhiều hơn thế nữa), nhưng tôi đã thường xuyên tập dợt với các vị ấy trong nhiều năm, chỉ có 3 người là nhạc sĩ Tám Đen, Chín Tâm và Nhị Tấn là có khả năng thông thuộc Thất Thập Nhị huyền công (tức Thập Loại Bài Bản) . Thời gian 3 năm cuối cùng còn ở Việt Nam, tôi và Nhạc sĩ Nhị Tấn thường xuyên tập dợt Thập Loại Bài Bản, từ 3 Nam 6 Bắc đến Thập Thủ Liên Hoàn (có thể nói là chúng tôi thuộc như cháo ! Bất cứ lúc nào cũng có thể đờn ca được) . Ngoài ra không còn có ai hoặc tụ điểm nào có thể tập dợt như vậy nữa. Bây giờ tôi ở hải ngoại, tri âm tri kỷ đều khó tìm khó gặp, Bài Bản dần dần quên hết, thỉnh thoảng chỉ còn nhớ kỷ niệm xưa để mà ngậm ngùi ... Còn nhạc sĩ Nhị Tấn, tuổi đã trên 70, bịnh hoạn liên miên, ngồi nghe cũng khó, nói chi ôm đờn lên dạo... !!!

    Tuy nhiên, nếu căn cứ vào khả năng "thuộc hay không thuộc" Thập Loại Bài Bản mà đánh giá một nghệ nhân là "hay hoặc dở" thì thật là oan uổng ! Bởi vì hơn phân nửa bài bản trong đó đều không có tính thuyết phục : Hồn nhạc không có, ý nhạc ngang phè, giai điệu tầm thường v.v... Cổ nhân có câu "Hữu xạ tự nhiên hương" đem áp dụng vào Thập Loại Bài Bản rất đúng . Những bài như 3 Nam, 6 Bắc, Văn Thiên Tường, Trường Tương Tư, Hạ Đăng Tiểu, Tứ Đại Oán, Giang Nam... nhạc giới thường xuyên sử dụng vì rất hay, nghe hoài không chán; có những bài rất dài, diễn ca gần cả giờ mới hết, nhạc giới vẫn thuộc nằm lòng. Còn những bài rất ngắn như Xuân Phong, Long Hổ, Ngự Giá, Hồ Lan, Vạn Liên, Lý Phước Kiến, Lý Vọng Phu... nhạc giới chỉ xem qua rồi... bỏ !

    Tôi đã cố gắng tìm học, để, thứ nhứt: thỏa lòng say mê và hiếu thắng; thứ hai: nhằm giới thiệu với các bạn những bài bản hay, lạ ... khỏi bị thất truyền, mai một với thời gian.
    Tôi vẫn tôn trọng nhạc sĩ Tám Đen, Chín Tâm là bậc Thầy, nhưng không tán thành việc xem Thập Loại Bài Bản như "khuôn vàng thước ngọc", vì như đã nói: hơn phân nửa bài bản trong đó đều không hay, không đáng công học và thực tế cho thấy hầu hết nhạc giới Tài tử đều không thuộc hết Thập Loại Bài Bản mặc dù họ có trình độ rất cao, kỷ năng điêu luyện, những bài kể trên thật quá tầm thường so với trình độ của họ.

    Bài bản của chúng ta "quý ở HAY chứ không quý ở NHIỀU", có lẽ điều nầy đã khiến cho từ hơn 50 năm qua, nhạc giới đã không sử dụng hết 36 bản Bắc (bỏ bớt 30 bài) chỉ còn sử dụng 6 bài tiêu biểu mà thôi. Đồng thời lược giảm những bản quá dài và trùng lặp trong 20 bản Tổ.

    Cho nên "Thất Thập Nhị huyền công" chỉ là nói ngoài miệng cho vui vậy thôi trong những lúc "trà dư tửu hậu", chứ không phải là hoài bảo, không phải là điều không tưởng, chẳng qua "hữu xạ tự nhiên hương" như đã trình bày. Và khi một bài bản đã có "hương" rồi thì trở nên diễm tuyệt, được nhạc giới trân trọng như bảo vật, không ngừng trau chuốt và tô điểm.

    Tóm lại, mặc dù có sự sắp xếp qua Thập Loại Bài Bản, nhạc giới cũng chỉ thường xuyên sử dụng 20 bản Tổ và những bài bản hay, lạ khác. Âm nhạc là "món ăn tinh thần", tuy mang sắc thái dân tộc, nhưng bài bản nào hay thì người ta mới thích và chơi hoài, và càng chơi càng hay, còn những bài bản tầm thường thì dần dần bị xếp lại, loại bỏ, có lưu trử nhiều cũng chỉ để làm tài liệu chứng minh sự phong phú của nền âm nhạc nước nhà mà thôi.

    Điều nầy rất phủ phàng, nhưng là sự thật.
    Trong quyển sách nầy, tôi vẫn cho in Thập Loại Bài Bản và những gì tôi học được để các bạn làm tài liệu so sánh.

    III - NHỮNG TỒN TẠI ĐÁNG SUY NGHĨ

    Chúng ta yêu nước Việt Nam, đời đời nhớ thương quấn quýt một miền quê hương yêu dấu đầy kỷ niệm; Chúng ta yêu nhạc Tài tử miền Nam và yêu quý những nghệ nhân, nghệ sĩ đầy tài hoa mà tên tuổi đã gắn liền với bộ môn nghệ thuật nầy. Nhưng chúng ta phải thực tế nhìn nhận những tồn tại đáng suy nghĩ chung quanh sự phát triển của nền âm nhạc Tài tử miền Nam.

    1- Lạc hậu về phương pháp ký âm ?

    Dù bất cứ cao độ, trường độ, giai điệu, tiết tấu... thế nào, nhạc Tài tử miền Nam cũng chỉ ký âm ngũ cung : Hò, Xự, Xang, Xê, Cống ... Còn những Xang già, Cộng non ...v...v... thì phải có người hướng dẫn mới biết . Nếu không có Thầy dạy trực tiếp, hoặc "học lóm" được ở đâu đó, chúng ta không thể nào am tường và diễn tả cho đúng bài bản được.
    Tôi có xem rất nhiều bài bản được các nhạc sĩ sao chép và lưu giữ. Đa số những bản xưa đều chép không phân biệt thể, loại, câu, vế... nhịp nội, ngoại không phân minh, không hệ thống...v...v... Có lẽ đến đời hai Nhạc sư Hai Thinh và Tư Nghi thì bài bản mới được sắp xếp quy cũ truyền lại cho đến bây giờ (tức là trong khoảng 50 năm nay thôi). Trước đó, một số nhạc sĩ tiền bối có trích trong kho tàng âm nhạc Tài tử một số bài tiêu biểu để xếp thanh Thập Loại Bài Bản, nhưng chưa thống nhất. Sau nầy, có sự tán thành của hai Nhạc sư Hai Thinh và Tư Nghi, nhạc sĩ Chín Tâm mới sắp xếp hoàn chỉnh Thập Loại Bài Bản truyền lại đến nay.

    Hệ thống nhạc Tây phương, chỉ cần học lý thuyết cho vững, thực hành một thời gian, rồi thì sau đó, bản nào cũng có thể tự tập luyện được vì họ có phương pháp ký âm chính xác hơn chúng ta, cả thế giới đều học như nhau và giao lưu với nhau rất dễ dàng.
    Còn âm nhạc của chúng ta, chỉ giao lưu với nhau ở trong nước thôi (thậm chí ở cùng Tỉnh cùng Quận...) đã rất là phức tạp, vì phương pháp ký âm của chúng ta rất lạc hậu, đúng ra là không có cách nào ghi lại cho hết được những cung bậc, cho nên, mạnh ai nấy diễn đạt bài bản theo kỹ năng của mình.

    Tại trường Quốc Gia Âm Nhạc, thời nhạc sư Tư Nghi còn dạy, có sáng kiến chuyển hệ thống Ngũ cung Việt Nam thành Đồ, Rê, Mi... và dạy cho nhạc sinh . Nhạc sinh nhiều năm qua vẫn học được, nhưng âm nhạc Tây phương vốn cứng ngắt, đơn điệu, còn âm nhạc của chúng ta lại rất uyển chuyển, cần nhấn nhá, nặng nhẹ ...v...v... dù có sáng chế thêm những ký âm phụ, nhạc sinh vẫn không thể nào đờn ca được thuần chất, nghe cứ "lơ lớ như người nói ngọng hoặc người Tây nói tiếng Việt" ! Và nhạc sinh trường nhạc ra đời không thể đờn ca chung với các Tài tử thuần túy được.

    Khoảng năm 1984, hàng tuần tôi có đến tụ điểm ca nhạc Tài tử của nhạc sĩ Hai Quang hẽm Cây Điệp Saigon, thấy ông kéo Violin bài bản nhạc Tài Tử bằng ký âm Đô, Rê, Mi... do ông chuyển thể vì ông rất giỏi nhạc Tây phương. Dù ông rất cố gắng, nhưng tôi nghe tiếng đờn cũng vẫn "chinh chinh", không hoàn chỉnh. Rồi sau đó, ông cũng bỏ cuộc dù ông có nói với tôi một cách quả quyết rằng ông sẽ giới thiệu với người nước ngoài nền âm nhạc Tài tử của mình, và khuyến khích họ học nhạc nước mình bằng ký âm Đô, Rê, Mi... !
    Còn giới Tài tử chuyên nghiệp thì Nhạc Miền Đông và Nhạc Miền Tây vẫn còn nhiều điểm dị biệt (nguyên nhân chánh cũng vì KHÔNG có phương pháp ký âm rõ ràng) bài bản chỉ là sao đi chép lại, và chép sai là điều dễ xảy ra. (Tôi từng biết có người viết chánh tả trật nát mà lại chép lưu giữ rất nhiều bài bản) . Và quan niệm cho rằng "chỉ có bản của mình mới ĐÚNG" (!) là nguyên nhân của các vụ tranh cải triền miên không bao giờ dứt !
    Như vậy, nhạc Tài tử nói riêng và nền Quốc nhạc nói chung của chúng ta thật rất khó truyền bá để có thể giới thiệu với thế giới được. Thực chất thì "giai điệu vô cùng phong phú" mà ký âm chỉ có ngũ cung Hò Xự Xang Xê Cống, rồi nào là Xang già, Cộng non ... người nước ngoài rất khó mà tiếp thu, còn chuyện để người nước ngoài học đờn hoặc ca cho ra một bản Tài tử (như Nam Xuân, Nam Ai chẳng hạn...) là chuyện ... không tưởng ! Dòng âm nhạc không thể hòa trong máu thì làm sao hiểu để trở thành tri âm, tri kỷ của nhau được ?! Trong khi một bản nhạc ký âm theo Tây phương thì cả thế giới đều diễn tấu y như đúc !

    Cho nên, nền âm nhạc của chúng ta có tồn tại và phát triển hay không là do chính chúng ta và hậu duệ của chúng ta mà thôi.
    "Nghệ thuật chỉ là sự bắt chước lẫn nhau".
    Chưa bao giờ câu nói nầy lại đúng như vậy trong thế giới cổ nhạc Việt Nam. Vì không có phương pháp ký âm chuẩn xác nên việc thẩm âm rất quan trọng . Một người thông minh, bén nhạy, giàu năng khiếu, có thể dễ dàng "bắt chước" lối đờn, lối ca của người khác, rồi phát triển thêm theo khả năng của mình . Nhạc sĩ Sáu Nhỏ (Sa Đéc) sáng tác bản Vọng cổ đờn dây "Sa Giang" truyền cho nhạc sĩ Sáu Trinh (là học trò), nhưng nhạc sĩ Sáu Trinh lại đờn bản nầy nổi tiếng hơn Thầy . Cũng nhờ sự phát triển biến thiên, và phát triển đến vô tận là đặc tính của cổ nhạc miền Nam.

    Tôi được nhạc sĩ Hai Sáng là con của nhạc sư Tư Nghi cho xem toàn bộ bài bản của ông Tư Nghi để lại, thì thấy kiến thức của ông thật là mênh mông, bài bản để lại vô số kể . Những gì ông dạy ở trường Quốc Gia Âm Nhạc, hoặc truyền cho học trò thật quá ít so với tài năng của ông (đó là chưa kể có sự thất thoát do di chuyển chổ ở, cháy nhà ...v...v...) . Nền âm nhạc của chúng ta thật là bao la bát ngát đến độ nãn lòng và sự khó khăn về tiết tấu, giai điệu, cộng với phương pháp ký âm còn khiếm khuyết, khiến cho hậu thế không thể nào có người theo được đến nơi đến chốn.

    2 - Lạc hậu về phương cách truyền đạt.

    Nhiều nhạc sĩ thu nhận học trò tại tư gia và dạy ca, dạy đờn (gọi là "lò") . Dạy ca tức là dạy nhịp nhàng, nội ngoại, câu vế, nghe tiếng đờn, tiếng "Song lan" ...v...v... rồi đờn cho học trò tập nghe giai điệu ... Còn học trò cứ nghe Thầy đờn rồi nương hơi mà ca . Đa số Thầy đờn đều không thể ca cho học trò bắt chước ca theo được . Trong số những nhạc sư, nhạc sĩ tôi quen biết, nhiều vị có tiếng đờn hết sức truyền cảm, cực kỳ điêu luyện ... nhưng hầu hết đều không ca được ! Những nhân tài kiệt xuất như Tám Đen, Chín Tâm, Sáu Măng, Bảy Tiểu, Tư Đức, Tư Thông, Mười Xã ...v...v... đều không thể ca một câu nào cho chuẩn để người khác bắt chước ca theo được ! Do đó học ca thì phải học người ca. Còn Thầy đờn chỉ là tập dợt cho người ca đừng có "đâm hơi", trật nhịp mà thôi.

    Còn dạy đờn thì rất đặt nặng vấn đề "truyền ngón" . Mặc dù bài bản có đưa ra chép, nhưng học trò cứ phải đờn y như Thầy. Thầy đờn bao nhiêu chữ thì học trò đờn bấy nhiêu, học từng ngón, từng nhịp, rồi ráp lại thành câu, thành lớp, thành bài . Có khi học mấy tháng trời chưa xong 6 câu Vọng cổ ! Học trò đờn theo Thầy như hình với bóng, không được trật một chữ ! Đặc biệt là trình độ ông Thầy bao nhiêu thì học trò học tối đa cũng chỉ bấy nhiêu !

    Nếu không may có người học trò nào sáng chế ra thêm một vài chữ đờn khác, hay dại dột đem bài bản của "lò" khác đối chiếu với bài bản của "lò" mình, thì trước tiên phải chịu sự thịnh nộ tùy theo lòng độ lượng hay hẹp hòi của Thầy mình.
    Cho nên, người học trò học cổ nhạc rất dễ bị gán cho những tiếng như "bội Thầy", "phản Thầy" v.v...

    Điều đáng buồn nhứt cho nền âm nhạc Tài tử chúng ta là những nhạc sĩ lỗi lạc nhứt lại không có nhiều học trò, và trong số học trò hiếm hoi đó, rất ít người đờn hay bằng Thầy . Còn đờn giỏi hơn Thầy lại càng khan hiếm ! Cũng vì không có phương pháp ký âm chuẩn xác, chỉ đặt nặng vấn đề truyền ngón, cho nên nhiều ông Thầy qua đời, đã đem theo tài nghệ xuống mồ luôn ! Điển hình là nhạc sĩ Tư Bi . Ông nổi tiếng đờn 8 bài Ngự rất hay (nhiều nhạc sĩ lỗi lạc đương thời như Bảy Tiểu, Tư Thông, Vũy Chỗ... đều công nhận). Ông truyền ngón bài Ngự cho 2 nhạc sĩ Bảy Tiểu, Tư Thông, và hai nhạc sĩ nầy đờn Ngự rất hay nhưng lại không có truyền nhân nối nghiệp . Thành ra sau khi 2 ông theo nhạc sĩ Tư Bi qua đời, tiếng đờn Ngự bị thất truyền rất nhiều. Các nhạc sĩ Tám Đen, Nhị Tấn, Sáu Măng, Vũy Chỗ ... cũng đờn 8 bài Ngự rất hay, nhưng cũng rất tiếc, học trò của các ông lại ... vẫn khan hiếm !

    Hiện nay (2003) những người đờn giỏi 8 bài Ngự đều đã qua đời, còn 2 nhạc sĩ Nhị Tấn và Sáu Măng thì một người bị đau nặng, một người tuổi đã trên 80, tay run sức yếu, không thể diễn tả bài Ngự được nữa ! Hậu thế từ đây, có lẽ chỉ biết đờn 5 bài Bắc Ngự như hơi Bắc (!) và 3 bài Oán Ngự như hơi Ai Oán (!) mà thôi ! Bài bản của các ông để lại cũng chỉ là Hò Xự Xang Xê Cống, không thể nhìn vào mà đờn ra hơi Ngự được !

    Nhiều người nghĩ rằng bản Ngự là nhạc cung đình (Huế) cứ đờn ca hơi giọng miền Trung là được; và cũng có người cho rằng 8 bài Ngự đã được Miền Nam hóa nên đờn theo hơi Bắc hoặc Nam là được ! Đúng ra, chúng ta chơi nhạc Tài tử miền Nam thì cho dù bài bản xuất xứ từ đâu, cũng phải được chuyển qua hơi Nam (như Thập Thủ Liên Hườn vốn là của... Trung Hoa, gọi là 10 bản Tàu, nhưng tiền nhân chúng ta "mượn luôn" rồi Việt Nam hóa chúng thanh nhạc Tài tử miền Nam (!), lại còn xếp vào Thập Loại Bài Bản nữa ! Bài Trường Tương Tư vốn là bản Nam Bình (miền Trung), bài Tứ Đại Vắn, Tứ Đại Oán vốn là hậu thân của bài Tứ Đại Cảnh miền Trung v.v... nhạc giới đều chuyển sang hơi Nam.

    Tuy nhiên 8 bài Ngự là trường hợp đặc biệt, không phải đờn ca rặt hơi miền Trung, mà cũng không phải rặt hơi Bắc, Nam, Ai, Oán, mà Bắc Ngự hay Oán Ngự đều có pha trộn giữa Tứ Đại Cảnh (Nam Phần), Hành Vân, Trường Tương Tư ... Bài Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu (1920) là một bài hơi Ngự vì mang rất nhiều hơi hướng của bản Hành Vân. Nhưng ngày nay, chúng ta nghe đờn ca Dạ Cổ Hoài Lang rặt hơi Nam Ai là hoàn toàn không đúng !

    Kết luận: do hậu quả của phương pháp ký âm không chuẩn xác, mà bài bản của tiền nhân lưu lại cho hậu thế, ngoài "tam sao thất bổn" thì "mạnh ai nấy đờn", người giỏi truyền lại cho người mới học vẫn là cách dạy truyền ngón và chỉ truyền đạt lẩn quẩn trong cộng đồng Dân tộc mà thôi.

    Nhưng chính nhờ sự phong phú trong cách diễn đạt mà tiết tấu giai điệu cứ thay đổi không ngừng. Do không hoàn toàn lệ thuộc vào bài bản mà những tinh hoa không ngừng phát tiết khiến cho bài bản càng ngày càng hay và hay mãi. Trong khiếm khuyết về phương pháp ký âm, bù lại chúng ta có được cái tuyệt vời trong giai điệu và tiết tấu . Và đó cũng là điểm tối ưu của âm nhạc chúng ta.

    Cần minh xác một điều : Bài bản cổ nhạc của chúng ta chỉ được ký âm bằng Ngũ cung: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống. Tuy rằng giai điệu rất phong phú, nhưng ký âm như thế không ai tự đờn cho hay được. Người trong nước còn khó học, huống chi người nước ngoai vốn quen với nét nhạc "cứng ngắt" của Tây phương. Đó là một điều đáng tiếc vì cái hay của âm nhạc chúng ta không truyền bá sâu rộng được. Bởi vì chúng ta tuy chỉ có Ngũ cung nhưng thật ra thì trùng trùng điệp điệp. Thí dụ:

    Chữ có: Ho, Hò, Họ
    Chữ Xự có: Xư, Xừ, Xự
    Chữ Xang có: Xang, Xáng, Xàng, Xảng, Xạng
    Chữ có: Xê, Xế, Xề, Xể, Xệ
    Chữ Cống có: Cống, Cồng, Cổng, Cộng

    Ngoài ra còn có những chữ U,Ú, Ủ, Liu, Líu,Lỉu, Y, Ỷ, Ỵ, Phan, Phạn, Oan, Oạn ... rồi nào là Cộng non, Xang già ...v...v...

    Nhạc Tây phương từ Đô đến Si có 7 nốt, 12 bậc (bán cung), còn âm nhạc chúng ta tuy chỉ có 5 chữ nhưng "vô số" bậc, đành chịu tiếng "lạc hậu" chứ không thể nào ghi ra được.
    Mỗi chữ đờn của chúng ta, tùy theo điệu thức (thể loại) mà biến hóa vô chừng. Chỉ một chữ XANG thôi, ở điệu thức Oán hay Nam, 1 nhạc sĩ giỏi có thể nhấn nhá vô thường, tạo ra vô vàn âm thanh làm cảm xúc lòng người, đó là đặc điểm nổi bật mà âm nhạc Tây phương không thể sánh được.

    3 - Lạc hậu về lối suy nghĩ và bảo thủ.

    Trên thực tế, nhiều nhạc sĩ thường bó buộc học trò phải theo đúng khuôn khổ của mình. Cho nên hễ Thầy giỏi thì trò giỏi, và ngược lại ! Đặc điểm của âm nhạc Việt Nam là tuy cùng 1 bài bản, nhưng mỗi nhạc sĩ chỉ cần học chữ đờn và biết điệu thức là tự đờn được theo ý mình. Mỗi người một ý, một nét nhạc riêng, rồi dạy học trò theo bản của mình tự sáng chế. Và vì vậy, chỉ có những người cùng 1 "lò" mới đờn giống nhau, còn "lò" khác thì đờn khác. Ông Thầy của mỗi "lò" đều giữ rất kỷ bài bản của mình, sợ thất thoát ra ngòai có người học lóm (vì ông nào cũng nghĩ bản đờn của mình là hay nhứt !), ngoài học trò thì không truyền cho người nào khác. Rất ít ông Thầy truyền hết cho học trò những "tuyệt chiêu" của mình và phần nhiều khi Thầy qua đời thì "tuyệt chiêu" cũng mất theo !

    Vì những suy nghĩ như vậy mà biết bao bài bản trong kho tàng nhân gian bị mất đi, cũng chỉ vì giấu giữ kỷ, không truyền ra ngoài.

    Bản thân tôi cũng nằm trong 1 trường hợp, xin kể hầu các bạn 1 câu chuyện được tóm tắt qua vài nghệ nhân như sau:

    - Khoảng năm 1940, người chú của nhạc sư Hai Thinh (còn gọi là ông giáo Thinh) là nhạc sĩ Ba Đồng (ở Cần Giuộc) theo ủy thác của nhạc sư Hai Thinh về miền Tây tìm mua 2 bản Ngươn Tiêu Hội Oán (NTHO) và Bình Sa Lạc Nhạn (BSLN). Khi tìm mua được rồi, nhạc sĩ Ba Đồng nhận thấy bản NTHO rất hay nên giữ lại, chỉ trao cho ông giáo Thinh bài BSLN mà thôi ! Sau đó nhạc sĩ Ba Đồng truyền (?) bản NTHO cho nhạc sĩ Năm Quýnh. Nhạc sĩ Năm Quýnh học và thấy hay nên giữ lại làm của riêng !

    Một thời gian sau, nhạc sĩ Tư Thông hay được, đến xin học với nhạc sĩ Năm Quýnh, nhưng nhạc sĩ Năm Quýnh không truyền cho ! Nhưng sau nhiều lần nhạc sĩ Tư Thông cầu xin, nhạc sĩ Năm Quýnh thuận truyền và buộc nhạc sĩ Tư Thông phải "thề độc" là không được truyền bản NTHO lại cho ai, nếu trái lời sẽ bị "đui cặp mắt" ! Nhạc sĩ Tư Thông vì ham bài NTHO nên "thề đại" và được NS Năm Quýnh truyền lại bài NTHO, NS Tư Thông học xong thấy hay nên cũng giữ riêng luôn !

    Gần 30 năm sau (!), NS Tư Thông ở trong nhóm nhạc Tài tử với tôi cùng nhiều ca nhạc sĩ khác và thường cùng tôi đi giao lưu nhiều nơi, tình cảm chúng tôi trải qua gần 10 năm rất là thân thiết.

    Có 1 lần, chúng tôi 5,6 người về Chợ Lách (Bến Tre) giao lưu với nhóm nhạc Tài tử của NS Bảy Bửu, đờn ca suốt 3 ngày 3 đêm rất là phỉ chí. Cuối cùng NS Bảy Bửu "thách" tôi ca bài NTHO. Tôi chịu thua vì không biết bài nầy. Sau đó tôi hỏi thì NS Bảy Bửu nói nhỏ: "Tư Thông có, bảo ổng truyền cho". Lúc đó tôi rất bất mãn, vì NS Tư Thông chơi với tôi rất là thân thiết, mỗi tuần gặp gỡ nhau 3,4 lần tập dợt đờn ca vui vẻ... vậy mà giấu bài NTHO với tôi, khiến tôi "bị quê" với NS Bảy Bửu !

    Tôi cằn nhằn mãi, rốt cuộc NS Tư Thông mới chép cho tôi bài NTHO. Tôi lập tức đặt lời ca, âm chữ đờn rất kỹ; đó là bài ca đầu tiên "Đoạn Trường Tân Thanh" và copy phổ biến rộng khắp. Từ đó, bỗng dậy lên bài NTHO. Kế đó, nữ nghệ sĩ Bạch Huệ ca bài nầy trên đài phát thanh, được nhiều người ái mộ, viết thư về đài hỏi xin tới tấp.

    Sau khi tôi đặt lời ca cho bài NTHO và phổ biến rộng rãi, thì NS Tám Đen nói với tôi: "Tao có bản nầy lâu rồi ! Tao mua của Năm Quýnh với giá 5000 đồng !" (giá vàng lúc đó chỉ 3000 đồng 1 lượng), và ông nói thêm là NS Chín Tâm cũng có (điều nầy, sau 10 năm gần gũi với các vị đó, tôi mới được biết !).

    Tôi có theo học 1 thời gian với nhạc sư Hai Thinh (lúc ông còn ở hẻm đường Cao Thắng Saigon). Trong một lần giảng giải, ông có cho tôi biết nguyên nhân ông sáng tác bài Thanh Dạ Đề Quyên như sau: Ông nhận thấy trong nhân gian thường sử dụng 4 bản Bắc lớn: Lưu Thủy, Phú Lục, Bình Bán, Xuân Tình (bản Trường) và 2 bản Bắc nhỏ: Tây Thi, Cổ Bản (bản Đoản), nên ông muốn ở điệu thức Oán cũng giống như vậy. Nhưng 4 bản Oán lớn đã có: Tứ Đại Oán, Giang Nam, Phụng Hoàng, Phụng Cầu, còn Oán nhỏ chỉ mới có bài Bình Sa Lạc Nhạn (lúc đó ông không biết là còn 1 bài Oán nhỏ nữa là bài Ngươn Tiêu Hội Oán đã bị NS Ba Đồng giấu giữ) nên ông sáng tác bài Thanh Dạ Đề Quyên để hợp với bài BSLN cho đủ 2 bài Oán nhỏ (nhỏ là vì số câu ít hơn). Cũng "nhờ" NS Ba Đồng giấu bài NTHO nên nhạc giới sau nầy mới có thêm được bài TDĐQ.

    Trong đờn ca Tài tử, điệu thức Oán rất được ưa chuộng và đờn ca bản Oán hay hoặc dỡ có thể nói lên trình độ của nhạc sĩ hoặc ca sĩ. Trước kia các bản Oán đờn dây Hò Tư (đờn Kìm) nhịp 4 lơi. Khoảng đầu thế kỷ 19, các bản Oán được kéo ra nhịp 8 lơi. Đến năm 1919 nhạc sĩ Bảy Triều (tức ông Trần văn Triều) sáng tác dây Tố Lan (đờn Kìm) đờn Oán cho giọng nữ ca. Nhờ dây Tố Lan nầy, chất giọng nữ ca Oán mới được phát huy tột đỉnh, cũng như dây Hò Tư thuận cho giọng nam vậy. Từ đó, hễ nữ ca Oán thì đờn dây Tố Lan, còn nam ca Oán thì đờn dây Hò Tư. Ai cũng biết rõ như vậy. Ông Bảy Triều là con của ông Năm Diệm (tức Trần Quang Diệm) và là cha của 2 ông Trần văn Khê và Trần văn Trạch. Ông Bảy Triều đờn cò rất tuyệt vời, nhưng chỉ tiếc, ông mất quá sớm (1887-1931).

    Nhạc sư Hai Thinh đã giảng thật kỷ bài TDĐQ cho tôi nghe, nhứt là ý nghĩa Sầu, Tủi, Oán, Thương của 4 lớp, cùng những chữ đờn đặc biệt trong bài. Sau đó tôi sáng tác bài ca Sầu Cai Hạ mà ông khen là "rất hay" vì nói lên được 4 ý chính của ông. Ông đặt bản TDĐQ xong, mấy chục năm sau ông mới biết có bài NTHO !
    Tôi kể câu chuyện nầy không phải "chỉ trích trưởng bối" vì hầu như là thói quen không biết tồn tại từ bao giờ của hầu hết quý vị nhạc sĩ (cả ca sĩ nữa): Họ trân quý và giữ gìn bài bản theo quan niệm riêng, vô tình làm mai một rất nhiều bài bản hay, bị thất truyền theo năm tháng. Không biết nền âm nhạc của chúng ta có bao nhiêu bài bản bị giấu giữ như số phận của bài NTHO.

    Trong vô số nhạc sĩ Tây phương, chỉ tính 1 mình nhạc sĩ Mô-Da thôi, đã để lại cho đời hơn 400 tác phẩm ! Còn nền âm nhạc Tài tử của chúng ta trải hơn 100 năm qua, nhân tài rất nhiều mà tại sao chúng ta chỉ thừa hưởng của tiền nhân vỏn vẹn có một vài trăm bài (bao gồm rất nhiều bài nhỏ) ?

    Có phải những tư tưởng bảo thủ và tệ nạn giấu bài giấu bản đã khiến cho nhiều tác phẩm tuyệt vời của tiền nhân mãi mãi nằm trong bóng tối ?

    Tôi cố gắng làm công việc phổ biến bài bản sao cho nhạc giới và những người tìm học sau nầy có nhiều tài liệu dễ cảm nhận bằng cách "ghi rỏ chữ đờn trong mỗi nhịp ca", phân nhịp, phân lớp, rỏ ràng, rành mạch ... để người ca, người đờn, nếu lỡ quên bài, hoặc là người mới học ... ai ai cũng đều có thể nhìn vào dễ dàng ôn tập . Tôi rất vui mừng có nhiều vị đồng tình ủng hộ việc làm của tôi và không tiếc truyền bài cho tôi . Nhưng bên cạnh cũng có vài vị bảo thủ chỉ trích tôi, cho rằng tôi phổ biến bài bản tùm lum như vậy, ai cũng học được, còn "quý giá" gì nữa !!

    VI - ĐOẠN KẾT

    Nhạc sử thế giới không có quốc gia nào "nhạc ít, nhưng rất khó học" như Việt Nam . Sự khắt khe trong "luật chơi" khiến cho 1 người được công nhận là "giỏi" phải "thuộc lòng" thật nhiều bài bản (đờn hay ca cũng vậy). Nếu "căng bản" ra để đờn, hoặc "cầm bài" mà ca, thì dù cho có đờn ca bất cứ 1 bài bản gì cũng không được công nhận là "biết bản đó" !

    Nền âm nhạc Tây phương thì lại khác : trước mặt mỗi người là 1 cái "giá nhạc", đờn bản nào lật bản nấy, đờn đến trang nào lật trang nấy. Không có ai thuộc lòng bản mình đang đờn . Nhạc cổ điển Tây phương hay những trường ca, hòa tấu, hợp tấu, hợp xướng ... lại còn khó thuộc hơn nữa. Cho nên hễ họ xếp sách lại thì không còn nhớ gì nữa ! Trừ những nhạc sĩ chuyên biểu diễn độc tấu.

    Nhạc Tài tử miền Nam với âm Ngũ cung, qua hàng trăm bài bản phức tạp lại còn khó khăn hơn nhiều. Cho nên, thuộc lòng 10 bài thì kể như thuộc, còn lật sách ra để đờn ca thì cho dù có đờn ca qua 100 bài cũng kể như ... KHÔNG ! Do đó, phải là những người vô công, rỗi nghề, thừa tiền, lắm của, không phải nhúng tay làm bất cứ việc gì, mới có đủ tâm trí mà học cho giỏi nhạc Tài tử được. Nghĩa là những người đó có đủ thì giờ để ma học cho "thuộc lòng" bài bản. Chứ còn như những người bận bịu công ăn việc làm, lo nghĩ đa đoan thì làm sao tâm trí thảnh thơi để mà chuyên tâm học nhạc.

    Do đó, chính những người giỏi nhạc Tài tử mới là "giới chuyên nghiệp", cả một đời học nhạc mới thành danh, mà khi danh thành rồi thì tuổi đã cao, đầu đã bạc ... và trong giới Tài tử nầy, ai cũng biết học cho thuộc bài là điều rất khó, càng thuộc nhiều bài càng khó, và khó vô cùng ... Cho nên những nhạc sĩ như Tám Đen, Chín Tâm ... rất được quý trọng vì hai ông thuộc lòng rất nhiều bài bản. Còn tiếng đờn hay, truyền cảm, lôi cuốn người nghe thì 2 ông lại kém xa nhiều người khác.

    Theo lễ giáo Đông phương thì "kính lão đắc thọ" là luân lý hàng đầu. Những nhận xét của cá nhân tôi chẳng qua là nói lên những cảm nhận thực tế qua nhiều năm gắn bó với nhạc Tài tử, và ghi lại những hiện trạng nêu trên không có nghĩa là bất kính với tiền nhân (trong đó có rất nhiều vị là Thầy của tôi, hết lòng truyền đạt những hiểu biết, hết lòng ưu ái và khuyến khích, theo dỏi hành trình sáng tác của tôi).
    Tôi khẳng định: Bài viết nầy không phải là mực thước, rất cần sự góp ý, chỉ bảo thêm những điều hay, lạ, đúng hơn nữa...

    Kết luận: Nhạc Tài tử miền Nam mặc dù có khiếm khuyết về phương pháp ký âm, về phương cách truyền đạt, vẫn còn nhiều những tư tưởng độc tôn, bảo thủ...v...v... mảnh vườn âm nhạc Việt Nam không lớn so với nền nhạc sử thế giới, nhưng lại nhiều kỳ hoa, dị thảo. Bài bản tuy ít nhưng uyển chuyển biến ảo vô chừng ... và có thể nói: Hậu bán thế kỷ 20 là thời cực thịnh của bộ môn nhạc Tài tử miền Nam.

    Do tác động của xã hội, cuộc nhân sinh khó khăn, người ta lại có ý quay về cội nguồn Dân tộc. Cuối thế kỷ 20, giới trí thức trẻ tuổi nhập cuộc rất nhiều, như 1 luồng sinh khí mới góp phần nâng cao bộ môn nhạc Tài tử. Nhiều tụ điểm nổi lên khắp nơi. Mỗi năm đến ngày giỗ Tổ Cổ nhạc rất náo nhiệt, các nơi đều tổ chức rầm rộ, tụ tập rất nhiều nhân tài trẻ tuổi, có kiến thức cao và tâm hồn rất phóng khoáng, đặc biệt rất trân trọng yêu quý bộ môn nhạc Tài tử và nhất quyết nối gót tiền nhân.

    Nhạc giới đua nhau học bài bản và đi đó đây giao lưu rộng rãi. Nhiều nghệ nhân từ trước sống im lìm như say ngủ, bỗng chợt thức giấc tôi luyện tiếng đờn, tiếng ca, tập dợt giao lưu đủ loại bài bản. Những tác phẩm mới như Ngũ Đối Ai, Tứ Bửu Liêu Thành, Ngũ Châu Minh Phổ, Ngươn Tiêu Hội Oán, Thanh Dạ Đề Quyên, Võ Tắc Biệt, Thu Phong Lạc Diệp, Tư Mã Tương Như, Liên Nam Cổ Khúc ...v...v... (những bài bản nầy không có trong Thập Loại Bài Bản, nhưng đều là những tác phẩm nhạc Tài tử rất hay, được ưa chuộng khắp nơi) lần lượt xuất hiện ra ánh sáng song song với những tác phẩm hay đã có từ trước.

    Chúng ta "học nhạc Cổ với phong cách Mới", mạnh dạn gạt bỏ những tư tưởng sói mòn bảo thủ, trân trọng và gìn giữ những gì thật sự Hay và Đẹp, ngõ hầu nâng cao giá trị nghệ thuật của bộ môn nhạc Tài tử đầy tính bác học, để có thể "tự hào và hãnh diện mình với nền âm nhạc của bất cứ Quốc gia nào trên thế giới".

    Chào trân trọng,

    San Diego, California, Hoa Kỳ ngày 15 tháng 11 năm 2003
    Trần Ngọc Thạch
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 8 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    Mekong (12-04-2019)

  3. MEM
    Avatar của MEM
    Bài viết hay quá, chia sẻ thẳng thắn những điểm còn chưa hay của nhạc tài tử cải lương. Đọc tới Đoạn kết thấy sự so sánh giữa nhạc tây và tài tử, giữa chuyên nghiệp với ko chuyên nghiệp mà thấy cũng có nhiều đồng cảm. Vì mình chỉ ca thôi, khi cầm giấy thì có vẻ còn theo nhịp được còn bỏ giấy ra là trong đầu ko còn khái niệm gì về nó cả. keke
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 3 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  5. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc

    Ông Trần Ngọc Thạch là người có trình độ văn hoá. Ông là sĩ quan không quân của quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Ông rất giỏi về thẩm âm, và ông chơi đàn guitar tân nhạc classic rất giỏi.
    Sau năm 1975 ông đi tù, và năm 1979 ông bắt đầu học đờn ca cổ nhạc tài tử trong tù từ một người bạn cũng là sĩ quan không quân.
    Trần Ngọc Thạch là người rất có tâm huyết với nền ca nhạc tài tử.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 6 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:


  7. zzztienzzz
    Avatar của zzztienzzz
    Thật ra có câu này làm cho zzTienzzz suy nghĩ "học ca thì phải học người ca". Bây giờ nhiều người học ca tìm những Người thầy biết đàn để có thể đàn trực tiếp cho mình ca sẽ thấy thích hơn hoặc hay hơn hay có thể sửa ngay trực tiếp cho mình khi ca sai hoặc lỗi thì sẽ dễ hơn nhiều. Nhiều người dạy ca mà không có đàn hay không có thầy đàn mà chỉ ca theo băng đĩa thì rất khó cho người học, còn nếu phải thuê Thầy đàn về để đàn theo thầy dạy thì rất ít vì chi phí thuê thầy đàn cao mà học phí học viên đóng không nhiều nên nhiều.
    Mặc khác khi học người đàn có thể sửa được cho học viên nhưng không thể ca để học viên ca theo được, khi học viên có thắc mắc thì họ lại giải thích theo kiến thức người đàn nên học viên cũng khó hiểu. Vậy nên học ca ở đâu trong khi ngày nay chỉ có những nơi dạy ca theo thời đại, nếu học ở trường sân khấu thì có mấy người? Và chỉ những người chọn cho mình nghiệp ca hát làm nghiệp chính thôi. Còn những người như chúng ta học để hiểu biết, học để nghe để thưởng thức để duy trì cái gọi là văn hóa dân tộc thì sao? Tìm đâu ra nơi rèn luyện đúng nghĩa bây giờ?
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 6 Users Say Thank You to zzztienzzz For This Useful Post:


  9. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc
    zzztienzzz:
    Câu nói: "học ca thì phải học người ca", là suy nghĩ và nhận xét riêng của ông Trần Ngọc Thạch, không phải là nguyên tắc chung.
    Thật ra cũng có nhiều thầy đàn dạy ca rất chuẩn xác, dạy cách luyến láy làn hơi (thí dụ bản Trường Tương Tư) nữa đó. Ông Trần Ngọc Thạch nói vậy chứ người đàn giỏi dạy ca hay hơn vì họ biết hơi đàn theo luyến láy của cung bậc. Bởi vậy trong giới tài tử từ xưa có câu: "Đờn là thầy của ca".
    Trên Paltalk có một vị nhạc sư lão thành dạy ca. Vị này được tôn là đại lão nhạc sư hiện sống ở thành phố Tampa, tiểu bang Florida (Hoa Kỳ). Hải Luận qua Mỹ định cư, trước ở tiểu bang Texas, sau qua tiểu bang Florida có hoà tấu với vị nhạc sư này và rất nể trọng vị này. Đàn với vị này Hải Luận không dám đàn lớn tiếng. Vị này nói là muốn cho Hải Luận rớt nhịp lúc nào cũng được.
    Vị này đang dạy ca bài bản lớn trên Paltalk, có "học trò" ở Việt Nam nữa.
    Vị này nói Văn Môn, Út Tỵ, Huỳnh Tuấn v.v... đàn bản Biệt Ly Đoản Khúc tầm bậy. Ông Chín Tâm biết vị này. Vị này nói ông Trần Ngọc Thạch đặt bài ca theo bản đàn mà không theo thang âm nên nhiều chỗ tréo hèo về dấu thanh (giống như cách đặt bài ca của ông Trịnh Thiên Tư trong sách Ca nhạc cổ điển điệu Bạc Liêu).
    Vị lão nhạc sư này một bụng bản đờn, là quyển Từ điển sống về cổ nhạc.
    NP không biết nick của vị này trên Paltalk.
    Diễn đàn conhacvietnam.com có mời cụ này làm cố vấn kỹ thuật về cổ nhạc cho diễn đàn nhưng ông không nhận lời.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following 5 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:

    Mekong (28-07-2014)

  11. khaltt
    Avatar của khaltt
    Khal nghe nói khi đặt lời ca tìm ca từ thích hợp Trần Ngọc Thạch có sửa bản đờn khi xuất bản tập bài ca thì không thu hồi lại kịp do đó có nhiều vùng đờn theo bản củ, vùng đờn theo bản của Trần Ngọc Thạch nên có sự khác nhau. nói chung phần lớn mấy bài của ông TNT tương đối dễ ca.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 2 Users Say Thank You to khaltt For This Useful Post:


  13. MEM
    Avatar của MEM
    Đúng là kỳ nhân ở khắp mọi nơi. NP ráng tìm hiểu và liên hệ với ông coi sao. Nếu dạy qua mạng mà hay thì chắc có nhiều ANH EM học được lắm đó!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 4 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  15. khaltt
    Avatar của khaltt
    Ước gì được nghe ông đàn và nghe ông này nói chuyện về Đờn. Nghe GS Trần Văn Khê, NSư Vĩnh Bảo nói chuyện về đờn thì mê bỏ ăn luôn.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 5 Users Say Thank You to khaltt For This Useful Post:


  17. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc

    Ví dụ như thế này, cái căn bản nhé:
    "Chữ Hò có: Ho, Hò, Họ
    Chữ Xự có: Xư, Xừ, Xự
    Chữ Xang có: Xang, Xáng, Xàng, Xảng, Xạng
    Chữ Xê có: Xê, Xế, Xề, Xể, Xệ
    Chữ Cống có: Cống, Cồng, Cổng, Cộng

    Ngoài ra còn có những chữ U,Ú, Ủ, Liu, Líu,Lỉu, Y, Ỷ, Ỵ, Phan, Phạn, Oan, Oạn ... rồi nào là Cộng non, Xang già ...v...v..."
    Hò, Xự, Xang, Xê, Cống thì còn biết nhưng U, Liu, Phan, Oan lại còn non với già nữa, nhưng cái này là biến tấu của cái nào? Những cái biến tấu như thế những người học ca như mình ko thể biết chỉ biết ca như thế nào vậy thôi.

    Chữ đàn có dấu thanh là tuỳ theo thang âm của đoạn nhạc mà có dấu thanh khác nhau.
    Có dấu hỏi ngã (như Xảng) là do ngón nhấn.
    Chữ Y là chữ Xự rất già chỉ dùng cho bản quảng.
    Chữ Phan và chữ Oan cùng một bậc phím, nhưng Phan dùng cho bản Nam, Oan dùng cho bản Oán, không được dùng lẫn lộn.
    Già, Non là hiểu như thăng giảm của tân nhạc.
    Thí dụ chữ Xang bản bắc là Xang bình thường, chỉ đụng ngón tay vô thôi. Cũng bậc phím đó, khi đờn Ai, Oán phải nhấn sâu hơn nên gọi là Xang Già.
    Chữ Cộng Non là nằm giữa chữ Xề và chữ Cộng bình thường (như chữ Cồng câu 5 và 6 của bản Lý con sáo là chữ Cồng Non).
    Chữ Phan và Oan chính là chữ Cộng Già.
    Non là thiếu Già là dư.
    Sở dĩ cùng một bậc mà gọi tên khác nhau là để phân biệt hơi của bài bản.
    Nhìn chữ đàn là biết bản đó thuộc hơi gì.
    Có chữ Y biết là hơi quảng, có chữ Phan biết là hơi Nam, có chữ Oan biết là hơi Oán. Nói non già là xác định vị trí của chữ đó ở ngăn phím nào trên cần đàn, hoặc biết cách nhấn nhá khi đàn.

    Nói thêm về Xang Xáng Xàng... (có dấu thanh): đó là có dấu thanh theo thang âm. Chữ đàn từ thấp lên cao thì Xang thành Xáng (thường viết là Xán để phân biệt là xang ở bậc cao). Chữ đàn từ xao xuống thấp thì Xang thành Xàng. Ngang ngang với nhau thì Xang là Xang. Có dấu thanh là như vậy, Xê Xế Xề v.v... gì cũng cùng nguyên lý đó.
    Chữ Xảng, Xể, Xử v.v... là do ngón nhấn hoặc chụp, vuốt.
    Thí dụ chữ Lịu là đờn chữ Liu chụp chữ Xự, chữ Xử là đờn chữ Xự non chụp chữ Xế, chữ Xảng là chữ Xang nhấn ra, chữ Xể cũng vậy.
    Vì chỗ chữ XỬ mà bản Văn Thiên Tường mấy câu Xự người ta đặt lời ca dấu sắc dấu hỏi ngã nên người đờn cũng đờn theo dấu thanh, thay vì Xử mà họ đờn Xế thành ra sai lòng bản gốc (bản Chuồn Chuồn cũng vậy). Ca dấu gì kệ họ, nhưng đờn phải đúng lòng bản, không được đờn theo làm sai lòng bản gốc.
    Chữ Xử này chỉ có violon và cò gáo đờn mà thôi (loại đờn nhiều chữ vuốt).


    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 7 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:


  19. nguyenphuc
    Avatar của nguyenphuc

    Ngoài ra còn có chữ Tích, Tịch là chữ đờn điếc (chạm ngón tay vào và hở ra liền cho tiếng đờn không ngân dài.
    Trong bản đờn Chiêu Quân có chữ Tích (bản Nam Xuân cũng có chữ Tích), trong bản đờn Ái Tử Kê có chữ Tịch.
    Chữ Y có nơi viết là Vi (Y và Vi giống nhau).
    Chữ Cộng non trong bản mùi (ai oán) thường dùng.
    Dứt câu 1 Vọng cổ là chữ Cống non. Hồi xưa đàn guitar dây Rạch Giá đờn dứt câu 1 Vọng cổ chữ Cống đúng (không già không non). Qua Dây Lai thì các nhạc sĩ đờn dứt câu 1 Vọng cổ chữ Cống non. Nhạc sĩ Hai Duyên đờn Octavina dứt câu 1 Vọng cổ chữ Cống đúng.

    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following 6 Users Say Thank You to nguyenphuc For This Useful Post:


Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL