1. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    CẢI LƯƠNG ĐÃ TRẢI QUA NHIỀU CÁI TẾT HUY HOÀNG

    22.01.2012 18:10

    Người ta có thể nói rằng một trong những nghề làm ăn vào dịp Tết được coi như ngon lành nhứt là cải lương, bởi đâu có nghề nghiệp nào mà kiếm tiền quá dễ dàng bằng cải lương hát Tết của thời thập niên 1950 và mấy năm đầu của thập niên 1960.

    Thật vậy, nếu ai đó đã từng là khán giả cải lương ở những năm ấy chắc khó quên cảnh tượng trước rạp hát trong những ngày Tết với cái cảnh chen lấn mua vé, mà giờ đây nhắc lại thì những ai có liên hệ đến cải lương sẽ hình dung được ngay, và cũng sẽ nuối tiếc cái thuở vàng son ấy.

    Khi xưa giới cải lương đã đón Tết một cách huy hoàng, tiền vô như nước, chỉ nội ngày mùng 1 Tết họ có thể hát đến 4 suất mà mỗi suất thì đào kép lãnh tiền gấp đôi, tức số tiền lãnh tăng lên gấp tám lần. Nói một cách rõ ràng hơn là đêm 30 giao thừa họ còn lãnh một ngàn đồng, nhưng đêm mùng 1 thì bầu gánh phải trả đến 8 ngàn, mà còn cộng thêm tiền lì xì Tết, nhiều ít tùy theo sự rộng rãi của bầu gánh.

    Ngày mùng 2, mùng 3 cũng vậy, hoặc nếu có hạ thấp xuống thì cũng còn 3 hoặc 2 suất hát. Mấy ngày Tết đào kép mệt khờ người luôn, bởi suất hát này vừa vãn nghỉ xả hơi độ 1, 2 giờ đồng hồ thì lại tiếp tục lên sân khấu cho suất hát sau. Tuy mệt như vậy mà người nào cũng thoải mái tinh thần, mừng vui ra mặt, và hầu như chẳng đào kép nào “nghỉ bệnh” trong mấy ngày Tết này. Không như ngày thường hát ế mượn tiền không được thì đào kép hay... bệnh, như đã từng xảy ra.

    Về phần bầu gánh thì các ông bà bầu mặt mày tươi rói, bởi tuy trả lương cho đào kép nhiều hơn, nhưng so với số thu vô thì họ còn lời chán, bởi vé tăng tiền lên gấp rưỡi vẫn không đủ vé bán. Sân khấu còn đang trình diễn mà suất hát kế tiếp đã treo bảng “hết vé” rồi! Ðó là chưa kể tiền cửa, tức trả tiền tại cửa rồi vào rạp đứng coi, chớ đâu có ghế ngồi. Tiền vô cửa giá ngang bằng với vé ngồi hạng ba và cũng thu vô liền tay, bỏ đầy thùng.

    Có những gánh lớn ngày Tết chia ra hát hai nơi, bởi vậy có một số đào kép vừa hát xong ở rạp này thì cấp tốc chạy sang rạp thứ hai. Bởi vậy có những cái Tết người ta thấy một gánh hát mà treo bảng ở hai địa điểm, mà chỗ nào cũng đông nghẹt người coi. Nữ nghệ sĩ Thanh Nga từng kể lại rằng từ lúc 10 tuổi cô đã ra sân khấu. Hồi ấy, đoàn Thanh Minh nhân dịp Tết chia ra hai gánh, nói cho đúng là chia thành hai nhóm hát ở hai rạp khác nhau. Một ở rạp Thuận Thành, Ða Kao và một ở bên Chánh Hưng (phía bên kia cầu chữ Y). Mới 10 tuổi nên cô được thủ vai “đào con” ở cả 2 bên. Thời đó gánh hát còn nghèo, đâu có xe hơi riêng, thành thử cô phải đeo xe cam nhông không mui để chạy rạp cho kịp tuồng.

    Cái đặc biệt của cải lương hát Tết là khán giả không hề kén chọn tuồng, cũng không kén chọn đào kép, diễn viên, tuồng hay, tuồng dở gì cũng chật rạp, và hầu như tuồng nào cũng bị nhận lớp ít hay nhiều, chứ nếu không thì đâu đủ giờ hát suất sau.

    Cải lương hát Tết ngon lành như vậy, bảo sao khi xưa mấy tháng cuối năm là ở các địa phương xa gần, tỉnh nào cũng có thêm gánh hát mới ra lò, với không khí đầy hy vọng. Họ vẽ bảng hiệu mới, vẽ tranh cảnh mới và người ta cũng nghe ca hát tập tuồng ngày đêm. Ðây là thời gian mà bầu gánh hát mới chuẩn bị cho ngày Tết ra quân, khai trương bảng hiệu để lượm bạc, ít nhứt cũng đầy túi trong 3 ngày Xuân. Sau ngày mùng 4 thì hát trở lại bình thường nhưng khán giả cũng còn đông đảo, kéo dài cho đến Rằm Tháng Giêng thì khán giả mới thưa dần.

    Thế nhưng, cái thời kỳ mà Tết đến thiên hạ nô nức rủ nhau đến rạp cải lương kia nó đã không còn nữa, khi Việt Nam bắt đầu có truyền hình. Người ta nằm nhà coi cải lương trên truyền hình, bởi đài cũng chọn tuồng hay để phát vào dịp Tết, và dĩ nhiên sân khấu chẳng còn đông người coi, có gánh khán giả thưa thớt, phải đóng màn chịu trận cho qua ba ngày đầu Xuân. Nhiều đoàn đã cho đào kép nghỉ “ăn Tết” với cái túi trống rỗng, chớ mở màn thì có mấy người đi coi đâu, bởi thiên hạ đổ dồn về những nơi có máy truyền hình để coi tuồng của gánh lớn.

    Và giờ đây cải lương lại thêm một cái Tết điêu tàn, cái thời kỳ hoàng kim của cải lương đã lui về dĩ vãng, và có lẽ sẽ không bao giờ trở lại. Người ta chỉ mong mỏi sao bộ môn nghệ thuật này được bảo tồn là may lắm rồi!

    tancogiaoduyen (Theo Ngành Mai - NV)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. Thanh Hậu
    Avatar của Thanh Hậu
    Hơi nhắc lại sao mà buồn quá, quả thật cái tết của cải lương một thời vàng son quả là đẹp và lớn. Nghệ sĩ lãnh lương gấp 8 lần ngày thường mà ông bầu vẫn dư lời,... Vé tăng gấp mấy lần số tiền mà hạng 1 hạng nhì, hạng cá kéo gì cũng sạch trơn đã vậy trả tiền vào đứng coi vì không còn ghế, hihi. Giờ thì không còn rồi. Ước gì mình có mặt để được xem diễn trực tiếp vào những thập niên ấy thì hay quá !
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL