Chủ đề: Soạn giả THANH CAO

  1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Soạn Giả Thanh Cao


    Sân khấu là loại hình nghệ thuật của nhiều tài năng tổng hợp lại. Từ kịch bản văn học đến người đạo diễn, đến các ngành nghề khác như hội họa, trang trí, hóa trang, y trang, âm nhạc, tất cả đều nhằm tăng thêm hiệu quả diễn xuất của nghệ thuật diễn viên, đồng thời đem sức sống cho tác phẩm, đứa con tinh thần của soạn giả.

    Danh ca kiêm soạn giả Thanh Cao là nghệ sĩ tài danh của thế hệ tiền phong trong các thập niên 30, 40, 50, một soạn giả từng có những tác phẩm hay trong thời kỳ sân khấu cải lương còn hát những tuồng kiếm hiệp với công thức nổi tiếng của soạn giả kỳ tài Mộng Vân, đó là Đấu Poignard, nhảy cửa sổ, ca vọng cổ, phựt đèn màu.

    Danh ca Tám Cao

    Soạn giả Thanh Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, còn được gọi là Tám Cao, sanh năm 1923 tại làng Cổ Cò, Cái Bè. Anh học trường Tiểu Học Cái Bè, lúc đó các xã Cổ Cò, Mỹ Thiện, Cái Thia, Giòng Dứa có phong trào đờn ca tài tử nên anh Tám Cao theo chú bác trong thôn xóm học đờn ca. Anh biết đờn kìm, biết ca đầy đủ các bản ba Nam, sáu Bắc, Bảy bài và vọng cổ, giọng hát rất trong, giọng ca khỏe khoắn, hơi ngân dài và êm dịu nên nổi tiếng là danh ca Tám Cao trong ban đàn ca tài tử của quận Cái Bè.

    Năm 1939, Bà Giáo Chuẩn bầu gánh hát Tiếng Chuông, trong dịp hát ở rạp Thầy Năm Tú, nghe tiếng danh ca Tám Cao ở Cổ Cò, phái quản lý mời anh đến ký giao kèo về hát cho gánh hát Tiếng Chuông và đặt cho anh nghệ danh Thanh Cao vì giọng ca vọng cổ của anh cao vút và ngân vang như giọng ca của danh ca Thanh Tao.

    Nghệ sĩ Thanh Cao, 16 tuổi trở thành kép chánh của gánh hát Tiếng chuông nhờ có sắc vóc đẹp trai, cao ráo, nước da trắng, ca vọng cổ mùi và hát rất hay các bài bản ngắn của soạn giả Mộng Vân. Anh đã hát qua các tuồng Trộm Mắt Phật, Cánh Bườm Đen, Chiếc Lá Vàng, Kích Tôn Sơn Bá Tước,… Lúc đó, kép Thanh Cao được khán giả ái mộ nồng nhiệt nên được các bầu gánh hát tranh nhau mời anh ký giao kèo. Nghệ sĩ Thanh Cao đã hát qua các gánh hát Mộng Vân, Tỷ Phượng. Đây là hai gánh hát tiêu biểu của dòng sân khấu kiếm hiệp thời đó.

    Soạn giả tài danh

    Năm 1947, nghệ sĩ Thanh Cao sáng tác vở tuồng cải lương đầu tiên, mang tựa đề Phi Vân Kiếm Khách, được dàn dựng trên sân khấu Tỷ Phượng. Vở tuồng Phi Vân Kiếm Khách rất ăn khách, vì tuy mới sáng tác một vở đầu tay nhưng nghệ sĩ Thanh Cao từng hát nhiều tuồng loại kiếm hiệp của soạn giả bậc thầy Mộng Vân nên anh biết chọn cốt chuyện có nhiều tình tiết sôi động để tạo điều kiện cho diễn viên phô trương những màn ca diễn hấp dẫn đậm chất cải lương. Nghệ sĩ Thanh Cao thủ vai kép chánh trong tuồng, có nhiều lớp ca vọng cổ hớp hồn khán giả, do đó danh tiếng của Thanh Cao càng nổi bật.

    Trong thập niên 40, miền Nam có rất ít soạn giả cải lương. Các soạn giả kỳ cựu như Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Mạnh Tư Trương Duy Toản, các ông Nguyễn Công Mạnh, Nguyễn Thành Châu, Tư Chơi, Năm Nở đều là những người có trình độ cao về Nho học hoặc Tây học; có các soạn giả học ít hơn nhưng có trình độ ca, diễn cao, được gọi là danh ca thường trở thành bầu gánh hát như Bảy Cao, bầu gánh Hậu Tấn - Bảy Cao, Năm Nghĩa, bầu gánh Hậu Tấn – Năm Nghĩa, soạn giả Vân Sinh kiêm bầu gánh Tân Hương Hoa. Soạn giả trẻ tuổi kiêm danh ca Thanh Cao có tác phẩm ăn khách được giới ái mộ sân khấu cải lương đánh giá là một hiện tượng đặc biệt nên có người hào phú xuất tiền lập gánh hát để anh đứng tên coi như là một phần hùn để cùng người đó lèo lái gánh hát nhưng nghệ sĩ Thanh Cao thích hát hơn là làm bầu gánh. Đó là gánh hát Đuốc Việt của bầu Hơn, chồng của cô đào chánh Ngọc An. Soạn giả Thanh Cao tuy không nhận phần hùn làm bầu với cái tên đang ăn khách của anh nhưng Thanh Cao vẫn tận tình giúp bầu Hơn.

    Chính trong việc giúp bầu Hơn điều khiển đoàn hát, soạn giả Thanh Cao bộc lộ khả năng quản lý đoàn hát, khả năng ca diễn và đào tạo các nghệ sĩ trẻ, đồng thời nghệ sĩ Thanh Cao biểu lộ cái tâm cái đức của một nghệ sĩ đàn anh đối với các nghệ sĩ đàn em và các công nhân sân khấu. Những khi số thu của đoàn yếu kém thì anh yêu cầu chủ nhân vẫn phát lương đủ cho các anh công nhân sân khấu, các anh chị em đào kép phụ và vệ sĩ. Anh là kép chánh nhưng anh nhận lương đờ mi hay ít hơn, đồng thời vận động với các nghệ sĩ đào kép chánh khác cũng tình nguyện chia cơm xẻ áo với các em vệ sĩ, công nhân sân khấu trong những lúc đoàn hát gặp khó khăn.

    Soạn giả Thanh Cao đã cộng tác với đoàn hát Tiếng Chuông Bầu Cang, đoàn Đuốc Việt bầu Hơn, đoàn Bích Sơn - Ngọc An và anh làm soạn giả thường trực đoàn Kim Chung của bầu Long.

    Các soạn phẩm nổi tiếng của soạn giả Thanh Cao trước năm 1975 có các vở Người Nhạn Trắng, Phạm Công Cúc Hoa, Ngai Vàng Hay Ghế Gổ, Hai Dòng Sửa Mẹ, Tôi không làm Hoàng Hậu, Người Việt Trên Đất Khách, Huyền Trân Công Chúa,…

    Sau năm 1975, anh chuyển thể hai kịch bản Tô Hiến Thành Xử Án và Nhiếp Chính Ỷ Lan của Soạn giả Bùi Trọng Nghĩa và Hoàng Yến. Anh cũng có sáng tác vở Vụ Án Lệ Chi Viên.

    Nghệ sĩ Thanh Cao là một thành viên tích cực hoạt động trong Ban chấp hành Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế trong nhiều khóa kể từ năm thành lập Hội 1948 cho đến nay. Có thể kể các nghệ sĩ lão thành làm việc cho Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu không biết mỏi mệt có Bà Phùng Há, Bà Kim Chưởng, và ba soạn giả Ngọc Văn, Thanh Cao, Kiên Giang.

    Trong thập niên 80, sau khi nghệ sĩ Minh Tơ mất, soạn giả Thanh Cao được đề cử làm trưởng đoàn cải lương Minh Tơ. Thời gian này nghệ sĩ Thanh Cao góp phần đào tạo nhiều nghệ sĩ kế thừa.

    Về gia đình thì nghệ sĩ Thanh Cao có vợ là nữ nghệ sĩ Lệ Thơ. Nữ nghệ sĩ Lệ Thơ là đào lẳng độc, cùng cộng tác chung một đoàn với chồng là nghệ sĩ Thanh Cao trong nhiều đoàn hát. Hai anh chị có được ba người con trai. Các con không theo nghề hát của cha mẹ. Sau đó tôi được biết nữ nghệ sĩ Lệ Thơ bị bệnh tâm thần và mất đã lâu.

    Tôi rời quê hương trên hai chục năm nên tôi không biết anh Thanh Cao có tục huyền hay không. Những lần về quê, gặp lại Thanh Cao, tuy anh đã nghỉ sáng tác hay không hoạt động sân khấu nữa nhưng tâm tình của anh vẫn gắn bó với bạn đồng nghiệp và các nghệ sĩ trẻ. Khi nhắc đến thời hoàng kim cải lương, đôi mắt anh sáng rở, miệng luôn mỉm cười và nhắc lại nhiều kỷ niệm đẹp với các đoàn hát và nghệ sĩ mà anh có dịp cùng làm việc khi xưa.

    Nhắc lại cơn suy thoái của sân khấu cải lương, anh nói: … Cải lương xuống dốc vì… chúng ta không biết khán giả yêu gì, ghét gì, thích gì và thị hiếu của họ phát triển ra sao? Chất cải lương bị tàn phá dữ dội cũng vì nhiều kịch bản, nhiều đạo diễn thiếu hiểu biết về đặc trưng của nó. Người ta luôn lầm tưởng nó là Kịch Hát. Cải lương không phải là kịch hát vì cái chủ của nó vốn là bài bản, giai điệu cải lương và cái dòng phát triển của nó là dòng của một câu chuyện kể…

    Cái thiếu chất cải lương không phải chỉ ở chổ thiếu các bài bản cải lương, thiếu chổ xung đột kịch để ca cho ăn khách. Cái thiếu tính chất cải lương là sân khấu nói một đằng, thực tế xã hội và cán bộ có quyền hành xử một nẻo khác. Hồi xưa có tuồng Tuyệt Tình Ca phê bình ông Cò Quận 9…, bây giờ dám có tuồng nói động tới chức quyền tham nhũng không?


    Theo Soạn Giả Nguyễn Phương
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Soạn giả Nguyễn Phương và Thanh Cao
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL