Chủ đề: Soạn giả TƯ CHƠI

  1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    SOẠN GIẢ TƯ CHƠI, MẢNH VỤN CỦA MỘT VÌ SAO

    Giới soạn giả cải lương trong các thập niên 50, 60, khi nghe nhắc đến cụm từ « Mảnh vụn của một vì sao » thì chúng tôi đều hiểu là những lời nói đẹp đó ám chỉ về soạn giả lão thành Tư Chơi, một người kiến tạo nhiều vì sao sân khấu và bản thân của soạn giả Tư Chơi, ông cũng đã từng một thời là một vì sao sáng chói nhất trên bầu trời nghệ thuật sân khấu cải lương trong các thập niên 30, 40, 50. Nhưng sau đó, ông tự xem mình là một người « nát rượu », một kẻ phế thải, một « mảnh vụn của một vì sao » khi có một ký giả kịch trường gọi ông là ngôi sao sân khấu.

    Cũng cần biết qua một vài đặc điểm của giới soạn giả thế hệ thứ nhứt của ngành nghệ thuật sân khấu. Hồi đó người ta gọi các ông soạn giả cải lương là « thầy tuồng ». Các ông soạn giả thuộc thế hệ thứ nhứt đó phần lớn là những nhà trí thức, những ông đốc phủ sứ, những công chức cao cấp, các giáo sư hoặc giáo học đã sáng tác và đứng ra tập tuồng, diễn tuồng cải lương nhân các dịp bãi trường hoặc tổ chức gây quỷ trong dịp giúp nhà nước Pháp sau kỳ thế giới đại chiến lần thứ nhứt năm 1914 – 1918.

    Theo nhà học giả Vương Hồng Sển, các công chức cao cấp làm việc trong ty soái phủ và các tư sở Saigon, cầm đầu là ông Lê Quang Liêm, gọi là ông Đốc Phủ Bảy, cùng với ông Hồ Văn Trung, tức nhà văn Hồ Biểu Chánh, cùng các bạn đồng liêu lập ra gánh hát hát tại nhà hát Tây và lưu diễn xuống các chợ Lục Tỉnh, hát tuồng « Gia Long Tẩu Quốc, Pháp Việt Nhứt Gia » .Trong gánh hát nầy có các nhà trí thức, ký giả gia nhập như quí ông Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn Thành Phương, Thầy Hoài…Các ông làm diễn viên thì được giới thiệu là Monsieur Lê Văn Lời… vai Sở Vương; Monsieur Nguyễn Văn Chà… vai Thái Sư…Messieurs Cao Hoài Sang, Cao Huỳnh Cư…

    Làm thầy tuồng tập cho các nhà trí thức , công chức hát, nhứt định ông thầy tuồng đó phải có học vấn uyên thâm, phải hiểu nghệ thuật và cách cư xử ở đời, phải có phương pháp thuyết phục được diễn viên thì họ mới sẵn sàng nghe theo lời chỉ dạy của ông thầy tuồng.

    Các ông thầy tuồng thế hệ thứ nhứt có các ông Phạm Công Bình, Giáo Sư trường Chasseloup Laubat, các ông Châu Hồng Đào, ông Lê Quang Hộ, ông Đoàn Văn Tấn,…v…v, đó là những ông sinh viên cao đẳng gốc miền Nam, học ở HàNội, khi tốt nghiệp ra trường, họ là những luật sư, những bác sĩ y khoa hoặc giáo sư. Các ông thầy tuồng Mạnh Tự Trương Duy Toản, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Mười Giảng Nguyễn Công Danh… tuy theo Nho học nhưng cũng có học vấn uyên thâm, cũng có học tiếng Pháp, tiếng Anh, nói chung khi soạn tuồng thì trình độ của người soạn giả thời đó có thể dạy người diễn viên mọi mặt, ngoài vấn đề diễn ca trên sân khấu.

    Hồi xưa, người Việt Nam mình còn chịu ảnh hưởng nặng về Nho học, còn tôn trọng các quan điểm đạo đức làm người như Quân, Sư, Phụ, Tam cương, Ngũ thường…Quân, Sư, Phụ…Trước hết người ta nói Trung với Vua. Kế đó là tôn trọng ông Thầy ( tức là Sư ), sau hết mới nói đến Hiếu với cha. Ông Thầy còn được kính trọng trên Cha ruột của mình, vì người ta thường nói : « Không thầy đố mầy làm nên ».

    Trong sân khấu hát bội hay cải lương, ông Biện tuồng, ông Thầy tuồng được tôn trọng hơn cha ruột của người nghệ sĩ, vì ông Biện tuồng, ông Thầy tuồng chính là những người viết ra những tuồng hát, chỉ dẫn cho nghệ sĩ hát và nhờ tuồng hay, soạn giả giỏi mà nghệ sĩ được khán giả ưa thích, được nổi tiếng là những vì sao trên bầu trời nghệ thuật sân khấu. Không có tuồng hay, không có ông thầy tuồng giỏi. đoàn hát sẽ mất khán giả, rã gánh và người nghệ sĩ không thể nổi tiếng, không có một cuộc sống sung túc huy hoàng được. Đây là một quy luật của sân khấu, từ khi nghệ thuật cải lương mới được hình thành cho đến ngày hôm nay, dù khoa học kỷ thuật tiến bộ có giúp cho việc trang trí, việc lo phục trang và trau dồi nhan sắc cho diễn viên tiến bộ rực rỡ đến thế mấy đi nữa, nhưng nếu không có tuồng hay thì người nghệ sĩ sân khấu cũng không có đất dụng võ, không có thể phát triển và phô diễn tài nghệ ca, diễn của mình được.

    Vai trò của ông thầy tuồng, soạn giả quan trọng như vậy nên ở trong gánh hát, ông thầy tuồng được sự thương yêu và nể phục của tất cả các nghệ sĩ, các chuyên viên sân khấu kể cả ông bà bầu gánh hát. Khi đoàn hát lưu diễn, di chuyển bằng xe hơi hay ghe chài, ông thầy tuồng được bố trí một chỗ ngồi hay chỗ ở ưu tiên như là một diễn viên chánh, kép chánh hay đào chánh. Các nghệ sĩ trong đoàn hát tranh nhau chiều chuộng « ông thầy » vì ai cũng muốn ông thầy tuồng lưu ý đến mình, ông thầy sẽ viết cho mình một vai tuồng hay, một vai hát để đời.

    Trong giới nghệ sĩ sân khấu người ta thường nói là ông thầy tuồng « đo ni đóng giày ». Viết một vai tuồng nào đó để cho diễn viên nào đó đóng là ông thầy tuồng đã nghiên cứu kỷ những khả năng ưu điểm của diễn viên, ông sẽ khai thác hết mức cái mặt mạnh nầy cho diễn viên đó có đất diễn trong tuồng. Đồng thời nghệ sĩ cũng hiểu rẳng ông soạn giả có tài là biết người nghệ sĩ được phóng vai tuồng đó có những sở đoản gì. Ông thầy tuồng sẽ có cách che lấp cái chổ yếu của diễn viên.

    Ông Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền được các nghệ sĩ tiền phong Phùng Há, Năm Châu, Ngọc Trâm, Ngọc Hải tôn xưng là dưỡng phụ, mọi người trà dâng rượu mời, cúc cung tận tụy đối với ông và ông Mộc Quán cũng xử sự đúng tư cách cao quý của một vị sư phụ.

    Những ông thầy tuồng thế hệ thứ hai sau các ông Mạnh Tự Trương Duy Toản, Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Mười Giảng Nguyễn Công Mạnh có các ông Tư Chơi, Năm Châu, Năm Nở, Tư Trang, Ba Giáo, Tư Thới, Năm Nghĩa, Bảy Cao…v..v…

    * * *

    Ông Tư Chơi tên thật là Huỳnh Thủ Trung, sanh năm 1906 tại xã An Hóa tỉnh Bến Tre. Ông Tư Chơi giỏi chử Nho, biết tiếng Anh và làm thơ rất hay. Ông cũng là một nhạc sĩ tài danh, chuyên đờn đoản. Bài vọng cổ Tiếng Nhạn Kêu Sương, nhịp tư của nghệ sĩ Tư Chơi mở đầu cho bản Dạ Cổ Hoài Lang của ông Sáu Lầu phát triển dần lên nhịp 8, nhịp 16, 32, 64…

    Đây là bài vọng cổ nhịp tư, rút trong tuồng Khúc Oan Vô Lượng của soạn giả Huỳnh Thủ Trung tự Tư Chơi, do cô Phùng Há ca. Cô Phùng Há thủ vai Bích Vân than thở với con gái về việc chồng là Lê Gia Khanh (Năm Châu thủ diễn) bị hàm oan vì tội sát nhân và bị đày ra Côn Đảo. Tuồng Khúc Oan Vô Lượng hát trên sân khấu Huỳnh Kỳ, sau đó dược tái diễn trên sân khấu Trần Đắc.

    1. Đêm nào ngọn đèn khuya, mẹ đây chong trắng dĩa.

    2. Chàng ôi, nếu có gặp nhau họa chỉ trong giấc mộng huỳnh lương.

    3. Trời đất ôi! Vợ chồng tôi đang vui câu đầm ấm nơi cảnh gia đường,

    4. Vì ai gieo oan mà để cho thiếp phải cam dồn dập nơi khốn cảnh đoạn trường.

    5. Hơn bốn năm trường tựa nơi cánh cửa thiếp trông chờ.

    6. Đã biết rằng tuyệt vô hy vọng mà lòng mong thiếp những hoài mong.

    7. Con ôi! Có lẽ khi cha con bây giờ, vì nỗi cách xa vợ con, lìa nơi cố quán,

    8. Nên đã tóc rối với da chì, chịu hàm sầu nơi hải đảo, mòn mỏi mình ve.

    9. Lại còn lúc đêm khuya, mẹ vẳng nghe tiếng con hàn quyên kêu lẻ bạn,

    10. Mẹ đây ngơ ngẩn tâm hồn, mẹ mở cửa trông ra kìa là muôn dặm trùng dương.

    11. Mờ mịt xa trông phù vân bích thủy, gió đưa cơn sóng dợn muôn đường.

    12. Cái cánh buồm ai xa xa, khi ẩn khi hiện trên mặt bể, mẹ tưởng khi cha con về, nhưng nào đâu phải cha con về!

    Soạn giả Tư Chơi sáng tác nhiều tuồng xã hội như Khúc Oan Vô Lượng, Lở Tay trót đã Nhúng Chàm, Tiếng Nhạn Kêu Sương, Tôi Xin Chừa, Hai Mặt Còn Trơ, Ai Là Bạn Chung Tình, Em Muốn Tự Do… Các tuồng nầy đã làm mưa làm gió trên các sân khấu Huỳnh Kỳ, Trần Đắc từ Nam chí Bắc, với những ngôi sao sân khấu Phùng Há, Năm Châu, Tư Út, Kim Thoa, Kim Hui, Tư Thạch…

    Soạn giả Tư Chơi cũng là người đầu tiên đưa nhạc Tây vào sân khấu cải lương. Thời đó các bản nhạc tình của Pháp rất thịnh hành ở Saigon, Hà Nội và các thành phố lớn ở Việt Nam như bài J’ ai deux amours, Marinella, Ma Tikiki Ma Tonkinoise, Tant qu’il y aura des étoiles…do nam ca sĩ Tino Rossi và nữ ca sĩ Joséphine Baker ca. Ông đã viết lời Việt nhạc Tây cho diễn viên ca trong tuồng của ông :

    J’ ai deux amours

    Mon pays est Paris

    Par eux toujours

    Mon cœur est ravi…

    Được viết lời Việt trên sân khấu Trần Đắc :

    Buồn thay nghề hát,

    Trong xứ ta nhiều gương xấu,

    Tìm bạn đồng tạm

    Đâu thấy ai? Nào đâu?

    Ông cũng đưa bản nhạc cải cách Việt Nam nổi danh thời đó như bài Buồn Tàn Thu của nhạc sĩ Văn Cao cho nữ nghệ sĩ Kim Thoa ca trong tuồng « Mã Lê Công Chúa », cô Kim Thoa cũng đã ca bài Hòn Vọng Phu của nhạc sĩ Lê Thương trong tuồng « Đêm Đông ».

    Theo tài liệu của cụ Vương Hồng Sển : « Nhạc các phim chớp bóng – nói( cinéma-parlant) vừa du nhập Saigon, được Tư Chơi áp dụng vào các tuồng ca kịch của anh vừa soạn xong, trong « Tôi Xin Chừa », đến tuồng« Hai Mặt Còn Trơ » đã khai thác triệt để tài nghệ chớm nở của cô gái tơ xứ hoa súng miền Tây, đẹp riêng biệt với sắc đẹp « Hậu Giang » của cô gái Việt có chút máu Tàu trong huyết quản. Hãng dĩa Béka độ đó cho ra đời một mớ dĩa thâu tiếng hát của cô gái nầy qua các bài ca Việt đệm nhạc Tây, trước xa lắc dĩa cô Ái Liên gái Bắc. »( trích « Hồi ký Năm mươi năm Mê Hát, Năm Mươi Năm Cải Lương » của cụ Vương Hồng Sển.)

    Cô gái Hậu Giang ca nhạc cải cách và nhạc Tây rất hay đó là nữ nghệ sĩ Kim Thoa, quê quán Cần Thơ, người vợ thứ hai của ông soạn giả Tư Chơi.

    Soạn giả Tư Chơi cũng là người đầu tiên sáng tác và cho trình diễn trên sân khấu đoàn Trần Đắc và đoàn cải lương Kim Thoa loại tuồng vui, có ca cổ nhạc và tân nhạc, ông đặt cho nó tên là Hoạt Kê Hài Hước. Hoạt Kê Hài Hước giống như opérette musicale của Pháp, nhạc dùng trong Hoạt Kê Hài Hước là những bản nhạc ngắn, sáng tác theo điệu tân nhạc nhưng được dùng âm giai ngũ cung nên dàn nhạc Tây và dàn nhạc cổ Việt Nam có thể hòa tấu các ca khúc nầy. Các vở kịch Hoạt Kê Hài Hước được soạn cho bốn năm diễn viên nam và nữ, với một thời lượng từ 30 đến 45 phút, nội dung góp phần xây dựng phong hóa Việt Nam, đã kích các thói hư tật xấu trong xã hội, được hát sau khi tuồng hát chánh kết thúc. Trong cuối thập niên 30 và những năm đầu thập niên 40, nhiều khán giả mua vé xem tuồng cải lương của đoàn hát Kim Thoa chỉ vì họ rất yêu thích các màn hoạt kê hài hước nầy.

    Ông Tư Chơi làm thơ rất hay, là người sống rất có tình cảm với nghệ sĩ đồng nghiệp nhưng bản thân của ông thì ông sống buông thả, thường phạm lổi lầm với những người cật ruột trong gia đình. Còn nhớ khi nghệ sĩ Tư Út( tên tộc là Phạm Thế Đẩu) bị bịnh, chết bất ngờ khi anh theo đoàn hát Phụng Hảo đi lưu diễn trên Nam Vang, ông Tư Chơi đã khóc bạn bằng bốn câu thơ :

    Tư Út em ôi, vội chết dâu?

    Để cho kẻ thảm với người sầu.

    Những thằng đáng chết, sao không chết ?

    Lại chết chi thằng đáng sống lâu!

    Nghệ sĩ Tư Chơi là người chồng đầu tiên của nữ diễn viên tài sắc Phùng Há. Hai người có được một con gái tên là Lý Bửu Trân( sanh năm 1926, mất năm 1959). Cô Lý Bửu Trân không lấy họ Huỳnh theo họ của cha là Huỳnh Thủ Trung vì khi còn rất bé, cô Bửu Trân theo mẹ về quê Hạc San ở Trung Quốc để thăm quê nội thì dượng của cô( chồng của người em gái ruột của cô Phùng Há : Trương Liên Hảo) nhận Bửu Trân làm con nuôi và lập tờ khai sanh họ Lý cho Bửu Trân.

    Hôn nhơn thứ nhứt gảy đổ, soạn giả Tư Chơi rời đoàn hát Huỳnh Kỳ.

    Năm 1929, ông gia nhập gánh hát Trần Đắc. Nơi đây ông viết tuồng « Lở Tay Trót Đã Nhúng Chàm », ông ra sức đào luyện cho một cô gái mới trốn nhà theo gánh hát, cho cô thủ vai chánh trong tuồng và biến cô trở thành một cô đào chánh sáng giá không kém gì cô Phùng Há. Đó là cô Kim Thoa, cô gái Hậu Giang 14 tuổi, vừa trốn nhà, xuống ghe hát để theo chị ruột của cô là nữ nghệ sĩ Kim Hui. Tên Kim Thoa là do ông thầy tuồng Tư Chơi đặt cho. Ông thầy tuồng triệt để khai thác giọng kim, giọng ca trong trẻo của cô Kim Thoa qua các bản nhạc Pháp^lời Việt và các bản tân nhạc, tình ca lảng mạn của những nhạc sĩ lừng danh Văn Cao, Lê Thương, Đặng Thế Phong,…

    Tình thầy trò đậm đà gắn bó biến thành tình phu thê nồng ấm, Tư Chơi và Kim Thoa thành một đôi vợ chồng nghệ sĩ mà thời bấy giờ những nghệ sĩ cải lương và khán giả đều ngưởng mộ. Gánh hát Kim Thoa có một giàn nhạc Tây rất hay dưới sự điều khiển của nhạc trưởng Bénito, nhờ vậy các bài ca nhạc Pháp lời Việt được dàn nhạc nầy đệm cho ca sĩ hát, thu hút khán thính giả trong giai đoạn mà âm nhạc cải cách và nhạc Tây lời Việt đang rất thịnh hành ở Việt Nam.

    Với giọng hát thiên phú, với lối diễn xuất đậm đà tình cảm và sắc đẹp của một hoa khôi Hậu Giang, nữ nghệ sĩ Kim Thoa có một sức hút khán giả kỳ diệu. Cộng với những tuồng hay và các màn hoạt kê hài hước của soạn giả Tư Chơi, với một sự hổ trợ đắc lực của giàn nhạc Tây Bénito và giàn đào kép tài danh như Năm Châu, Tám Mẹo, Tư Thạch, Ba Du, Tư Út, Kim Hui, Kim Anh, Ngọc Sương, Ngọc Hải… gánh hát Kim Thoa là gánh hát đại ban ăn khách nhất từ Saigon đến HàNội và tất cả các tỉnh thành trong toàn quốc. Gánh hát Kim Thoa cũng gặt hái thành công rực rở khi đi lưu diễn ở Nam Vang, ở Lao…Ông Bầu kiêm soạn giả Tư Chơi giàu quá sức giàu, có villa, nhà lầu, có cả tàu kéo, ghe chài, xe hơi và phố cho mướn, nhưng ông lại là một người vừa nghiện rượu vừa mê gái nên ông bị vợ nhà bỏ. Ông bèn bán hết ghe chài, tàu kéo, villa, phố xá, gởi hết số tiền bán gia sản đó cho các nhà hàng, quán rượu và đến đó uống rượu say mèm hằng ngày, say như một cái hủ chìm, uống rượu để trừ dần cho hết số bạc đã ký gởi.

    Đây là một đoạn ngắn trong nhựt ký của cô Bửu Trân viết về cha cô là ông Huỳnh Thủ Trung, được ký giả Trần Tấn Quốc cho đăng báo Tiếng Dội Kịch Trường( năm 1960) nhân kỷ niệm một năm sau khi cô Bửu Trân mất vì bị bịnh ung thư máu tại nhà thương Grall. Chính cô Bảy Phùng Há đưa trang nhựt ký này nhờ anh Trần Tấn Quốc đăng để kỷ niệm cô con gái thân thương và cũng để minh định lòng hiếu thảo của cô Bửu Trân đối với cha mình :

    «Cha mình, nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung( nghệ danh Tư Chơi) là người chồng trước nhứt của má( Phùng Há), một nhạc sĩ điêu luyện mà người ta thường nói là tiếng đờn đoản như tiếng chim hót. Cha mình cũng là một tác giả lừng danh. Ngay như lần đầu tiên khi mình ở Hạc San về, mình gặp lại Cha ở sau rạp Nguyễn Văn Hảo thì má của mình đang diễn tuồng của Cha mình sáng tác. Cha mình là một con người tài hoa, Nho học cũng thông, tiếng Tây, tiếng Anh cũng giỏi. Những vở tuồng Cha dịch ra từ tiếng Pháp, tiếng Hoa, cho mãi tới bây giờ người ta vẫn đem ra trình diễn. Cha là nhà cách tân sân khấu. Những hình thức mới lạ của sân khấu Đông Tây cũng đều được Cha đưa ra thực hiện trên sân khấu cải lương. Nhưng Cha thất chí vì cái gì mình không biết mà trở thành con sâu rượu, sống bê tha, không cần biết tới ai nữa mà cũng chẳng cần ai biết tới mình. Nghĩ tới tình cảnh của Cha, mình buồn quá nhưng không biết làm sao cho Cha mình đừng buồn nữa….»

    Người vợ thứ hai của nghệ sĩ Tư Chơi là nữ nghệ sĩ tài danh Kim Thoa. Hai ông bà có được một người con trai là tay trống xuất sắc của các phòng trà ca nhạc Saigon : tay trống Huỳnh Háo. Nghệ sĩ Tùng Giang, một nghệ sĩ lừng danh trong giới nhạc trẻ Saigon là đệ tử của nhạc sĩ Huỳnh Háo.

    Năm 1954, khi hòa bình vừa lập lại sau 9 năm chiến tranh Việt – Pháp, dân chúng Saigon được sống yên ổn, hết sợ bị ruồng bố, hết sợ bị liệng lựu đạn nơi các đăng xinh, rạp hát nên các đoàn hát hát ở Saigon cũng được đông đảo khán giả đến xem hát.

    Tết năm 1954, gánh hát Thanh Minh hát tại rạp Nguyễn Văn Hảo. Ông Bầu Ngjĩa tổ chức cho múa lân sau rạp hát và lân đi vòng quanh rạp từ đường Galliéni ( tức đường Hưng Đạo) vòng ngang vũ trường Tour D’ Ivoire rồi theo đường Bùi Viện vòng ra trước rạp. Tôi cũng theo đoàn múa lân vui với các bạn. Tới gần nhà của ông chủ hãng dĩa Tứ Hải, tôi thấy có một người say rượu, lảo đảo bước đi. Người đó đi đến gần tôi, vổ vai tôi hỏi : « Chú em! Chú em có nhớ tôi không? »

    Tôi vội trả lời : « Em nhớ anh Tư chớ…Anh là bậc thầy của sân khấu, là ngôi sao sân khấu, nghệ sĩ tụi em làm sao mà không nhớ, không biết anh chứ!»

    - Thôi! Bỏ đi… Tao hỏi có một câu, mầy nổ một hơi như tụi nó đốt pháo kia kìa… Đi… Đi nhậu với anh Tư mầy…».

    - Nói xong, anh Tư Chơi ( trong sân khấu, chúng tôi quen gọi nhau bằng anh và bằng tên của nhau khi chúng tôi không cách xa tuổi nhau quá nhiều. Gọi chú, bác hay ông thì anh Tư Chơi nói : Mầy chê tao già hả?. Vậy nên nói chuyện với anh, tôi vẫn gọi anh Tư Chơi, anh Năm Châu, anh Năm Nở, anh Tư Trang…). Đó, người quàng vai tôi, đi bước thấp bước cao, hơi thở nồng nặc mùi rượu, cặp mắt mở lim dim, khóe mắt lúc nào cũng đo đỏ, ươn ướt như sắp khóc, người đó trước đây là một ngôi sao sân khấu, một thần tượng của tôi khi tôi còn là một học sinh trung học. Bây giờ thì tôi không biết nên dùng danh từ gì để mà diễn tả được cái tình trạng bi thảm của một con người đang tuột xuống hố thẳm mà không ai có cách gì để mà cứu vớt lên được.

    - Nguyễn Phương, mình lại ngồi ở cái quán cóc ở ngã tư kia, sát sau cái hãng nước mắm đó mà uống rượu. Ngồi ở cái ngã tư mới nhìn quanh nhìn quẩn được. Chỗ nầy nổi danh Ngã Tư Quốc Tế, mầy có biết tại sao không? Vì… kìa cái tiệm bi da Thanh Tâm, anh Tư chủ tiệm cho mượn cái địa chỉ của tiệm để các nghệ sĩ đi Nam ra bắc, ai có cần gởi thơ về cho các nghệ sĩ không nhà mà đang theo đoàn hát ở Saigon, họ tới đó mà nhận thơ. CÓ nhiều đứa gởi thơ mà không tiền mua cò để gởi, nhà giây thép phạt, ông chủ tiệm vẫn vui lòng trả tiền phạt để cho thơ đừng bị thất lạc. Mầy có thấy ông ta có lòng hào hiệp không?

    - Dạ, anh TƯ nói đúng!

    - Còn nữa, cái tiệm nước VĨnh Toàn sát sau rạp hát, chỗ đó bán chiu cho các nghệ sĩ nghèo, đứa nào đói mà chưa lãnh được lương hay đang thất ngjiệp, có thể tới đó ăn hủ tíếu trừ cơm, biên sổ rồi tới cuối tháng trả tiền, tao cũng từng uống rượu thiếu chịu ở đó. Ông chủ là người Tàu, nhưng tử tế nên ai thiếu tiền thì cũng ráng kiếm tiền để trả, không qi quịt tiền của ổng… Ở cái quán Vinh Toàn của cái ngã tư Quốc Tế nầy, các anh ký giả kịch trường như Văn Thà, Đức HIền, Tình Thiệt, Thanh Đạm, Tô Yến Châu…những người đi săn tin, bắn tin về kịch trường lúc nào cũng btúc trực ở đây. Nếu nhà hàng Givrall lá cái radio Catinat thì ngã tư quốc tế nầy là cái radio cải lương. Ai muốn biết tin tức chính trị thì tới Givral, ai muốn biết tin tức đào kép hát cải lương thì tới cái ngã tư Quốc Tế nầy…

    - Dạ…

    - Mầy dạ hoài vậy! Làm một ly cho nóng máy rồi nói chuyện với tao. Nguyễn Phương! mầy uống rượu chớ có phải là thuốc độc đâu mà mầy á khẩu vậy? Nói chuyện gì với tao đi chớ…

    - Em muốn học soạn tuồng, vậy anh nói chuyện của anh đi, em còn học được điều gì đó, chó cái ngã tư quốc tế nầy thì em cũng là một cư dân ở đây, anh kể làm gì?

    - Mầy học viết tuồng? Tao thì đã hết viết rồi, có biết gì đâu mà dạy mầy? Ờ… theo mầy.. cuộc đời là gì?

    Tôi biết anh Tư Chơi là một nhà thơ lỗi lạc, muốn chọc cho anh nói thì phải đánh trúng tinm đen của anh. Tôi nói : « Tôi là học trò của anh, vậy tôi nói trật thì anh sửa dùm nhe.

    Cuộc đời… cuộc đời là gì ?

    Cuộc đời chỉ là một trò vui,

    Có người thương, người ghét,

    Có kẻ khóc người cười.

    Có kẻ ước muốn yêu đương,

    Có người thèm khát danh phận,

    Kẻ trong bóng tối thì đòi ra ánh sáng,

    Kẻ giữa ban trưa lại chán nản mặt trời!

    Tất cả chúng ta đều như vậy thôi.

    Mong muốn ! Khát thèm ! Đó mới là tội lỗi,

    rời dành riêng để trừng phạt loài người.

    Anh tư vổ tay một cái, nói : « Đúng ! Nhưng chỉ mới đúng có một phần nhỏ thôi. Vì đó là cách nhìn chung chung, chớ tao đố mầy dám nói thẳng sự thật. Ở đời, còn có phe nầy với phe kia, mầy nói sự thật, có lợi cho phe nầy thì phe kia nó sẽ khẻ đầu mầy. Ngược lại, nếu mầy nới chung chung, không nói huỵt tẹt ra thì không khác gì mầy xài bạcgiả, chỉ hơi giống giống thôi chớ không đúng y như thật! Tao vì không muốn xài bạc giả mà tao chịu nghèo, tao bỏ nghề viết…lách…Viết mà lách thì đừng viết…

    Tôi hỏi : « Có phải tại vì vậy mà anh tìm quên trong hương rượu men tình ?»

    - Anh TƯ của mầy chỉ tìm quên trong men rượu chớ không có hương tình. Nói tới cái chữ tình thì anh TƯ mầy ớn càng rồi! ( Anh TƯ bỗng cao hứng, ngâm lớn)

    - Thì chúng ta đây cứ việc say,

    - Khen chê thương ghét tự lòng ai

    - Thế sự thăng trầm giai bất biết,

    - Quanh năm chỉ biết say cùng say.

    - Say rồi ai cũng chẳng ra ai,

    - Cứ mãi lai rai suốt cả ngày,

    Tôi thêm :

    « Không nghĩ cách chi làm có lợi,

    Tiền đâu mua rượu để mà say?

    Anh Tư Chơi nắm hai vai tôi lắc lắc, kê mặt sát mặt tôi, lè nhè : « Tiền ? Cũng cái chữ tiền nầy nó làm khổ anh Tư mầy đó!( Anh lại ngâm lớn)

    Tôi biết ăn đâu với ở đâu?

    Cánh chim uể oải giữa trời sầu

    Muốn về tổ cũ, không về đặng

    Đâu biết ăn đâu với ở đâu.?

    Tôi nắm tay anh Tư Chơi, mời anh về nhà tôi ở, ở bao lâu cũng dược.

    Thì cứ ăn đây với ờ đây,

    Anh, tôi, tình bạn đã lâu ngày,

    Mỗi khi bạn đã không nhà ở

    Thì cứ ăn đây với ở đây!

    Anh Tư Chơi lắc đầu quầy quậy : Cám ơn! Cám ơn Nguyễn Phương! Mầy sống có nề nếp, khuôn khổ, tao chỉ cần nhìn cái nề nếp khuôn khổ của gia đình mầy là tao cũng đủ nhứt đầu bể óc rồi. Tao có cái triết lý sống của tao.

    - Triết lý sống của anh là gì ?

    - Mầy có biết mấy câu thơ thần của thi hào Lý Bạch Không? ( anh ngâm lên)

    Hoa gian nhất hồ tửu,

    Độc chước vô tương thân

    Cử bôi yêu minh nguyệt

    Đối ảnh thành tam nhân,

    Dưới hoa một hũ rượu ngon

    Uống rồi lại rót, chỉ còn mình ta

    Nâng chung mời chị Hằng Nga

    Cả mình, cả bóng, thành ra ba người.

    Tôi nói: Anh là ngôi sao sân khấu, dù có lúc bị mây che mờ, nhưng ngôi sao vẫn là ngôi sao. Tài năng của anh vẫn có thể dành lại cho anh một vị trí xứng đáng trên vòm trời nghệ thuật.

    Anh Tư Chơi lắc đầu: « Những nghệ sĩ khác… những ngôi sao kia dù có xa rời sân khấu nhưng vẫn còn hình dánh của những vì sao. Còn tôi bây giờ là một cái khối nát vụn chẳng còn hình thù gì rõ rệt của một vì sao. Thôi, dẹp cái chuyện buồn đó đi. Chú có thương tui thì uống với tui đêm nay.

    Đêm đó, anh TƯ làm một ly, tôi lỳ một lam, cứ chén thù chén tạc như vậy cho tới khuya. Con lân Thanh Minh đã dẹp trống, dẹp đồng lố, bọn họ đi ngủ hay đi ăn nhậu ở đâu đó rồi. Dàn đèn rọi chiếu phía sau rạp hát cũng đã tắt, trả lại cái bóng tối cố hữu của cái hẻm của tiên ông và tiên cô, chỉ còn một già một trẻ say ngất ngưởng bên chiếc bàn thấp lè tè của cái quán cóc bên vệ đường.

    Vợ tôi thấy khuya quá mà tôi chưa về nhà, bèn ra rạp kiếm, thấy tôi nằm gục bên bàn rượu với anh Tư Chơi. Cô bán rượu cũng đi về đâu mất rồi, vợ tôi bèn kêu xe cyclo chở tôi về nhà và kêu mấy anh dàn cảnh khiêng anh Tư Chơi vô rạp để cho anh ngủ dưới hầm sân khấu.

    Thật là một cái TẾT quá vui vì đó là cái Tết của năm hòa bình đầu tiên và cũng là một cái TẾt quá thắm thía cho tôi khi tôi nghĩ về Tư Chơi, một người không biết sẽ đi về ngỏ rẽ nào của cuộc đời. Sau cái Tết đó, không ai biết anh Tư Chơi đi đâu, ở đâu.

    Tôi được biết là cô Bữu Trân nhiều lần mướn nhà để rước ba cô về ở, nhưng anh từ chối. Nhạc sĩ Huỳnh Háo cũng muốn nuôi cha, nhưng ông không chịu. Cô Bảy Phùng Há đưa tiền nhờ người đến trợ giúp cho anh và dấu không cho biết là cô Bảy giúp. Chỉ một hai lần nhận tiền, sau đó anh Tư biết, anh bỏ về quê nhà ở An Hóa. Nghe đâu có một thời gian anh Tư Chơi sống với nhạc sĩ Lê Thương.

    Các nghệ sĩ trẻ bây giờ có nghe kể về người soạn giả tài danh TƯ Chơi, ai cũng nghĩ là giá mà anh Tư đừng uống rượu như vậy, giá mà anh TƯ giữ tư cách của một bậc thầy, đừng yêu đương sàm sở đến độ người nghệ sĩ đàn em hết kính trọng thì biết đâu là anh TƯ sẽ còn sáng tác nhiều kịch bản hay, còn có nhiều sáng kiến canh tân sân khấu!..

    Nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung tức soạn giả Tư Chơi , mất ngày 06 tháng 07 năm 1964, an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ, do HỘi Ái Hữu Nghệ Sĩ an táng và lập mộ.

    Đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga lưu diễn miền Trung, khi trở về Saigon, chúng tôi mới biết tin anh Tư Chơi mất nên tôi chỉ đến thắp được một nén nhang tưởng niệm và chụp bức ảnh mộ bia của anh để gọi là chút lòng thương tưởng người bạn già năm xưa.

    Theo Soạn Giả Nguyễn Phương
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL