Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
  1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Minh Phụng (1943–2008) là nghệ sĩ cải lương gạo cội của sân khấu miền Nam.[1] Ông được nhà nước Việt Nam phong là Nghệ sĩ ưu tú.
    Ông tên thật là Nguyễn Văn Hoài, sinh trưởng tại Mỹ Tho. Lúc mới vào nghề ông lấy nghệ danh Tân Tiến, khi vào đoàn hát Thanh Phương ông đổi nghệ danh Minh Phụng cho đến nay. Minh và Phụng là tên 2 đứa con của người bạn thân của ông.[2]
    Minh Phụng đã tham gia ở nhiều đoàn hát khác nhau như Tân Đô, Hoa Thảo - Hậu Tấn, Thanh Phương... Đến gánh hát Kim Chung, hợp cùng hai nghệ sĩ Minh Cảnh, Minh Vương, ông đã khiến giới mộ điệu cải lương mê đắm từ những thập niên 1960 – 1970.[2] Ông đã đóng cặp với nhiều nữ nghệ sĩ tên tuổi như Út Bạch Lan (Trinh tiết một loài hoa), Mỹ Châu (Bích Vân Cung lệ sử, Kiếm sĩ người dơi), và nhất là các vở dã sử kiếm hiệp mang màu sắc Trung Hoa với Diệu Hiền, Lệ Thủy (Xin một lần yêu nhau, Kiếp nào có yêu nhau...)
    Gần 50 năm gắn bó với sân khấu cải lương, trong giai đoạn hưng thịnh nhất của bộ môn nghệ thuật này, nghệ sĩ Minh Phụng đã đi vào lòng khán giả mộ điệu với hình ảnh một kép đẹp, có giọng hát đặc trưng với thanh âm cao, ngọt ngào và sâu lắng. Nhiều vở diễn và những bài vọng cổ có sự góp mặt của ông và do ông thể hiện đã đi vào lòng khán giả như: Bóng hồng sa mạc, Tâm sự loài chim biển (vai Áo vũ cơ hàn), Xin một lần yêu nhau (vai Âu Thiên Vũ), Kiếp nào có yêu nhau (vai Mộ Dung Trạch), Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn...; bài vọng cổ An Lộc Sơn, Nước mắt quê hương, Thương về cố đô 14 năm mong đợi, Cho xin sống lại một ngày, Đừng nói xa nhau, Phố đêm, Trường hận...[1][2]
    Sau năm 1975, Minh Phụng là trưởng đoàn Tiếng Hát Quê Hương của tỉnh Bến Tre, nổi danh trong vai Lục Vân Tiên. Sau đó đoàn này được giao cho Văn Hóa Thông Tin tỉnh quản lý. Năm 1976 Minh Phụng gia nhập gánh hát Hương Mùa Thu, làm kép chánh, hát qua các vở tuồng Gánh cỏ sông Hàn, Con cò trắng, Lửa phi trường.
    Năm 1994, ông lập lại đoàn hát Hương Mùa Thu với thành phần diễn viên như Minh Phụng, Linh Cảnh, Kiều Tiên, Bảo Ngọc, Ngọc Cẩm Thúy, Vương Bình, Thanh Phú, Điền Tử Lang, Thanh Thủy, Ngọc Ánh, Diệu Thanh, hề Giang Tâm. Đoàn Hương Mùa Thu của Minh Phụng diễn ở tỉnh Minh Hải (Cà Mau) và các tỉnh lân cận.
    Sau đó nghệ sĩ Minh Phụng đổi tên Hương Mùa Thu thành đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng. Từ năm 1996 trở về sau , các gánh hát thua lỗ, Đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng cầm cự, kéo dài đến qua năm 2000, rồi ngưng hát. Nghệ sĩ Minh Phụng đã thua lỗ khá nhiều cho đoàn hát.[3]
    Sau lần phẫu thuật tim vào năm 2005, Minh Phụng cần điều trị suy thận và hoại tử chân kéo dài. Đầu tháng 11, 2008 ông vẫn cố xuất hiện trong liveshow của nghệ sĩ Ngọc Đáng tổ chức tại rạp Hưng Đạo. Đó là lần đứng trên sân khấu cuối cùng của ông.
    Ông sống chung với nghệ sĩ Diệu Huê lúc ở đoàn Kim Chung, có 3 người con, trong đó có nghệ sĩ Tiểu Phụng. Năm 1976 ông li dị vợ. Năm 1977 ông chuyển qua đoàn Hương mùa thu và kết hôn cùng nghệ sĩ Kiều Tiên, sinh con gái là nghệ sĩ Y Phụng.

    Theo Nguyên Phương.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following User Says Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:


  3. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    Nghệ Sĩ Danh Ca MINH PHỤNG


    NS Minh Phụng hát với Thần Tượng của mình là Danh Ca Minh Cảnh Tại MỸ.



    Minh Phụng với thần tượng của mình là danh ca Minh Cảnh trên sân khấu tại Mỹ
    Trong thập niên 1960, thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương, các nghệ sĩ trẻ có giọng ca vàng, chỉ cần nổi tiếng ca vọng cổ hay là lập tức được các bầu gánh hát tranh thủ đến mời ký hợp đồng cộng tác với đoàn hát, với một số tiền hợp đồng ngày một tăng cao.
    Những nghệ sĩ trẻ từ 12 đến 16 tuổi, có giọng ca vàng được ký hợp đồng từ 50, 60 ngàn đồng đến hơn một trăm ngàn đồng chỉ nhờ có giọng ca vọng cổ trong thời gian nầy có Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Út Hâu, Diệu Hiền…

    Các bạn trẻ danh ca này đều xuất thân từ những gia đình nghèo, ít học, nhưng các em đều có một niềm đam mê mãnh liệt về ca cổ nhạc nên tự mày mò học lóm các bài ca vọng cổ nổi tiếng của các danh ca đương thời, nhờ có giọng tốt và dạn dĩ nên các em ca hát những khi hứng khởi, thu hút được sư chú ý của những người sành điệu. Vì vậy có những nhạc sĩ khám phá ra những giọng ca thiên phú đó, họ tự nguyện đến dạy cho các em ca cho đúng bài bản, đúng nhịp điệu.


    Xuất xứ nghiêm tốn của giọng ca vàng

    Các ông bầu gánh hát phát hiện và kịp thời khai thác những giọng ca vàng này, tóm lại nhờ những cơ duyên đó mà các em thăng tiến trên con đường nghệ thuật cổ nhạc, để trở thành những nghệ sĩ danh ca có giọng ca âm sắc đặc biệt và một kỹ thuật ca điêu luyện.

    Nghệ sĩ danh ca Minh Phụng tên thật là Nguyễn Văn Hoài, sanh năm 1945 tại quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho, con nhà nghèo, trong gia đình có đến 10 anh chị em. Khi em Hoài lên 7 tuổi, hàng ngày em phải thức dậy từ 4 giờ sáng để phụ giúp mẹ em bày hàng ra chợ Mỹ Tho để mẹ bán. Khi thì bán cá, khi bán khóm, khi thì bán đồ hàng bông, mua đầu chợ bán cuối chợ.

    Sau những giờ học buổi chiều, em Hoài còn phải đi bán đậu rang, bánh chuối để kiếm thêm thu nhập. Em Hoài đôi khi đi học trễ giờ, bị thấy giáo bắt phạt quỳ nơi cột cờ, em khóc chớ không dám nói thật là do việc phụ giúp mẹ bán hàng ở chợ mà em trễ giờ học. Tuy nhiên em Hoài sáng dạ, học bài mau thuộc nên em cũng được thầy khen bạn mến. Mỗi ngày khi đi bán bánh, em gặp những cuộc đờn ca tài tử trong thôn xóm là em ở lại nghe, và đôi khi em cũmg tham gia ca vài bài.

    Em có khiếu nhạc nên em tự học ca theo các bản nhạc được phát trên đài phát thanh như các bản Trăng Rụng Xuống Cầu, Khúc Ca Ngày Mùa của Ngọc Cẩm, Nguyễn Hữu Thiết và các bài vọng cổ do Hữu Phước, Út Trà Ôn hay Út Bạch Lan ca như các bài Ông Lái Đò, Tần Quỳnh Khóc Bạn, Gánh Chè Khuya… Em Hoài cũng học thêm ở chú Tư Xuân trong xóm những bài bản cổ nhạc để ca trong những cuộc hợp đàn ca tài tử.


    Bước đầu của tài năng mới

    Nhân dịp đoàn cải lương Tân Đô tập tuồng tại sân khấu đình Điều Hòa, em Hoài được soạn giả Hương Huyền Anh thử giọng ca và giới thiệu để ông Bầu Công Tạo thu nhận em vô đoàn hát và đặt cho em Hoài nghệ danh Tân Tiến. Em Hoài tức nghệ sĩ Tân Tiến đóng vai ông sư là vai đầu tiên trong tuồng Bến Tang Thương, hát tại rạp Viễn Trường Mỹ Tho năm 1962.

    Sau đoàn hát Tân Đô, nghệ sĩ Tân Tiến đi hát ở các đoàn hát nhỏ khác như đoàn Hoa Thảo - Hậu Tấn, đoàn hát Thanh Phương. Tại đoàn hát Thanh Phương, lúc đó Hoài được 17 tuổi, em bỏ nghệ danh Tân Tiến, lấy tên hai đứa cháu của một người bạn gái là Minh và Phụng để làm nghệ danh Minh Phụng. Nghệ sĩ Minh Phụng đã thành công trong vai kép chánh Ai Dũng Phương trong tuồng Bên Cầu Định Mệnh.

    Đầu năm 1964 , nghệ sĩ Minh Phụng về hát cho đoàn hát Quốc Việt, nhờ sắc vóc đẹp trai, giọng ca truyền cảm, nghệ sĩ Minh Phụng được các ký giả kịch trường viết nhiều bài báo khen tặng. Thời gian này Minh Phụng hát với nữ nghệ sĩ Kiều Tiên. Anh yêu Kiều Tiên vì cô trẻ đẹp, thông minh và là đào chánh của đoàn hát. Tình yêu chỉ mới khởi đầu thì nghệ sĩ Minh Phụng được ông Ba Bản, bầu gánh hát đại ban Thủ Đô mời cộng tác với một số tiền contrat hậu hỉ. Đối với một kép trẻ mới vào nghề như Minh Phụng mà được ông bầu đại ban mời về cộng tác là một vinh dự lớn và là một dịp may hiếm có, Minh Phụng sợ ông bầu Quốc Việt biết được thì sẽ làm khó dễ, không cho đi, nên anh từ giả Kiều Tiên, hứa khi nào nổi tiếng thì anh sẽ cưới Kiều Tiên. Xong rồi anh trốn đi gia nhập gánh hát Thủ Đô.


    Những bước thành công vượt bực

    Lực lượng đào kép đoàn hát Thủ Đô lúc đó có Thanh Hải, Tấn Tài, Phước Trọng, Trương Ánh Loan, Như Ngọc, Thúy Nga, Dũng Thanh Lâm nên tuy được ông Bầu Ba Bản mời cộng tác, khởi đầu Minh Phụng vẫn phải làm công việc của người cầm bổn nhắc tuồng trong những suất hát của đoàn. Nhờ đứng trong cánh gà nhắc tuồng, Minh Phụng thuộc được nhiều vai trong các tuồng hát của đoàn, nắm được kỹ thuật diễn xuất và biết những điểm hay và các yếu kém của những diễn viên đóng các vai tuồng đó trước anh nên khi có dịp thế tuồng, Minh Phụng đã thành công vượt bực. Sau đó Minh Phụng được phân vai chánh chánh thức hát các tuồng mới chớ không còn ở vị trí sơ cua và đứng cánh gà nhắc tuồng.

    Nghệ sĩ Minh Phụng nổi danh qua các vai chánh tuồng Sầu Quan ải, Chiếc Quạt Trầm Hương, Hoa Chiều Hương Muộn, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Mây Trôi Về Phương Cũ, Võ Tòng Sát Tẩu… của soạn giả Thiếu Linh trên sân khấu Thủ Đô.

    Bầu Long đoàn Kim Chung thấy nghệ sĩ Minh Phụng được khán giả ái mộ đông đảo và được báo chí kịch trường ngợi khen nhiều tuồng, ông lập tức mời Minh Phụng ký hợp dồng với một số tiền contrat kỷ lục và để Minh Phụng hát chánh trong các đoàn hát Kim Chung của ông. Lúc đó Kim Chung có năm đoàn hát lớn, nghệ sĩ Minh Phụng đã được bố trí hát vai kép chánh với các nữ nghệ sĩ Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Diệu Nga, Diệu Huê, Kim Ngọc… Minh Phụng nổi tiếng qua các tuồng Bóng Hồng Sa Mạc, Đợi Anh Mùa Lá Rụng, Tâm Sự Loài Chim Biển, Xin Một Lần Yêu Nhau, Kiếp Nào Có Yêu Nhau…

    Về gia đình thì thời gian cộng tác với đoàn Kim Chung, nghệ sĩ Minh Phụng chung sống với nữ nghệ sĩ Diệu Huê. Hai người đã có với nhau ba con, đứa con gái lớn là Tiểu Phụng. Tiểu Phụng lớn lên thành nữ diễn viên tài sắc. Cô Tiểu Phụng từng cộng tác với đoàn hát Phước Chung, đoàn Thanh Nga, Tiểu Phụng cũng thành công lớn trong lãnh vực phim ảnh, băng vidéo và ca tân nhạc.

    Từ năm 1964 đến năm 1975, nghệ sĩ Minh Phụng hát chánh cho công ty Kim Chung. Anh thâu thanh độc quyền cho hãng dĩa Việt Nam, ngoài các băng tuồng đã hát trên sân khấu kim Chung, Minh Phụng còn thâu thanh vọng cổ ca độc chiếc, tân cổ giao duyên ca chung với Út Bạch Lan, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Phượng Liên, Diệu Hiền. Các dĩa vọng cổ ca độc chiếc của nghệ sĩ Minh Phụng có một thời gian dài được thính giả ưa thích, được hãng dĩa Việt Nam tái xuất bản nhiều đợt. Có thể kể các bài vọng cổ do Minh Phụng ca như An Lộc Sơn, 14 năm Mong Đợi, Cho Xin Sống Lại Một Ngày, Ñừng Nói Xa Nhau, Phố đêm, Nước Mắt Quê Hương, Trường Hận, Thương Về Cố Đô.


    Sự nghiệp sân khấu của Minh Phụng từ 1975

    Sau năm 1975, nghệ sĩ Minh Phụng là trưởng đoàn Tiếng Hát Quê Hương của tỉnh Bến Tre, nổi danh trong vai Lục Vân Tiên. Sau đó anh giao đoàn Tiếng hát Quê Hương cho Văn Hóa Thông Tin tỉnh quản lý, năm 1976 Minh Phụng gia nhập gánh hát Hương Mùa Thu, làm kép chánh, đóng tuồng chung với nữ nghệ sĩ Ngọc Hương, Kiều Tiên, Hoàng Giang, Kim Giác. Anh đã hát qua các vở tuồng Gánh Cỏ Sông Hàn, Con Cò Trắng, Lửa Phi Trường.

    Năm 1976, vì một lý do riêng không được công bố, Minh Phụng ly dị với vợ là nữ nghệ sĩ Diệu Huê. Ba đứa con của Minh Phụng và Diệu Huê trong đó có nữ nghệ sĩ Tiểu Phụng ở lại bên Mẹ là Diệu Huê ở đoàn hát Thanh Nga.

    Nghệ sĩ Minh Phụng gia nhập đoàn hát Hương Mùa Thu, anh gặp lại nữ nghệ sĩ Kiều Tiên, người mà anh đã yêu hơn mười năm về trước khi cả hai mới bước vào nghề hát. Minh Phụng kết hôn với Kiều Tiên và năm 1977, sanh đứa con gái tài sắc Y Phụng. Cô Y Phụng đã nổi danh minh tinh màn bạc, đã đóng vai chánh nhiều phim nhựa, đã nổi danh ca sĩ. Tiẻu Phụng và Y Phụng đều có chồng ở Hoa Kỳ nên hai cô theo chồng về Hoa Kỳ sinh sống.

    Tiểu Phụng và Y phụng vẫn sống được với nghề ca sĩ tân nhạc. Hai cô khi có dịp cũng hát cải lương, ca vọng cổ để cống hiến cho khán giả ái mộ.

    Năm 1994, nghệ sĩ Minh Phụng mướn xác gánh hát Hương Mùa Thu, lập lại đoàn hát Hương Mùa Thu với thành phần diễn viên như Minh Phụng, Linh Cảnh, Kiều Tiên, Bảo Ngọc, Ngọc Cẩm Thúy, Vương Bình, Thanh Phú, Điền Tử Lang, Thanh Thủy, Ngọc Ánh, Diệu Thanh, hề Giang Tâm, Đoàn Hương Mùa Thu của Minh Phụng diễn ở tỉnh Minh Hải (tức Cà Mau) và các quận huyện lân cận.

    Sau đó nghệ sĩ Minh Phụng đổi bảng hiệu Hương Mùa Thu thành đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng. Thành phần đoàn Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng có thêm các diễn viên Bích Hạnh, Chí Hải, Bảo Trân, Bảo Chiêu, Hồng Ngọc, Ngân Thanh.

    Từ năm 1996 trở về sau này, các gánh hát thua lỗ, ít khán giả xem hát cải lương nên nhiều đoàn hát phải giải tán hoặc treo bảng hiệu, tạm ngưng hoạt động. Đoàn hát Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng cầm cự, kéo dài đến qua năm 2000, rồi gánh hát cũng phải ngưng hát. Nghệ sĩ Minh Phụng đã thua lỗ khá nhiều cho đoàn hát, sau đó anh bị bịnh phải vô bệnh viện mổ tim, rồi bị bịnh thận, tưởng là không sống sót.

    Nhờ sự tận tâm cứu trị của các bác sĩ, Minh Phụng có thể tham gia hát cải lương nhưng không còn phong độ như xưa nữa. Anh có dịp xuất ngoại, gặp lại hai con gái Tiểu Phụng và Y Phụng.

    Minh Phụng và Y Phụng có song ca bản tân cổ giao duyên Tương Phùng Nơi Xứ Lạ,



    Theo soan Giả Nguyễn Phương
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:


  5. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    NGHỆ SĨ ƯU TÚ MINH PHỤNG - CHÀNG "LÃNG TỬ - KIẾM KHÁCH"

    50 năm qua, cái tên Minh Phụng đã in đậm trong lòng khán giả mộ điệu... Trong cơn đau nhức hành hạ, anh vẫn ra sân khấu tham gia live show của nghệ sĩ Ngọc Đáng. Đây là hình ảnh cuối cùng, tuyệt đẹp của anh để lại cho sân khấu cải lương.


    Sáng 29-11, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Minh Phụng đã qua đời tại nhà riêng sau khi gia đình cố hết sức giữ gìn những hơi thở sau cùng cho anh trên đường đưa từ Bệnh viện Chợ Rẫy về nhà. Gia đình, đồng nghiệp, khán giả ngậm ngùi tiếc thương anh, mãi nhớ về một nghệ sĩ hào hoa trong hình tượng những "lãng tử-kiếm khách" lay động con tim khán giả...

    VẪN MỘT TÂM HỒN NGHỆ SĨ ĐẾN PHÚT CUỐI

    Trên chiếc xe ca, người nhà vẫn cố sức bóp bóng hỗ trợ nhịp thở cho nghệ sĩ Minh Phụng nhưng việc ấy chẳng tỏ ra có tác dụng gì. Về đến nhà, anh đã hoàn toàn bất động.

    Nghệ sĩ Kiều Tiên òa khóc, nhờ nghệ sĩ Lệ Thủy làm mặt cho chồng như một "tục lệ" trong giới nghệ sĩ. Giữa lúc ruột gan rối bời, thi hài chồng nằm đó, người nhà, bạn bè xúm quanh, nghệ sĩ Kiều Tiên như giật mình, vội vàng chạy đi kiếm cái đầu tóc giả. Chị thổn thức: "Phải đội vô cho đẹp, ảnh sợ xấu lắm. Ảnh nói mình là nghệ sĩ, lúc nào khán giả cũng nhìn vô mình như tượng trưng cho cái đẹp". Vừa thoa son, phủ phấn cho thi hài nghệ sĩ Minh Phụng, người bạn diễn ăn ý từng được mệnh danh là "cặp đôi Bão biển" trên sân khấu Kim Chung với mình, nghệ sĩ Lệ Thủy vừa nói như dỗ dành: "Rồi nè, đẹp rồi nè, ra đi tươi tắn nghe anh!...".

    Nghệ sĩ Kiều Tiên khóc, kể: "Anh Minh Phụng mất lần này một phần vì ảnh là nghệ sĩ, sợ xấu, sợ phải cưa chân. Cách đây nửa tháng, ảnh đau quá, gia đình mới đưa vào Chợ Rẫy. Bác sĩ nói phải cưa chân mới giữ được mạng sống nhưng ảnh không cho. Qua giới thiệu, gia đình đưa ảnh qua Bệnh viện Đại học Y Dược để một bác sĩ từ Pháp về chạy chữa theo cách khác. Mấy ngày gần đây ảnh đau quá, hôn mê, gia đình lại đưa ảnh vào Chợ Rẫy, quyết định cưa bớt một khúc chân bị hoại tử vì suy tim, suy thận để giữ mạng sống cho ảnh mà ảnh vẫn không qua khỏi. Ảnh đâu có muốn chết, ảnh vẫn mang tâm nguyện được sống thêm hai năm nữa để nhìn đứa con trai út lấy vợ mà...".

    Thẫn thờ, nghệ sĩ Lệ Thủy cho biết cách nay 10 ngày, khi chị vào thăm, nghệ sĩ Minh Phụng vẫn còn rất tỉnh táo. Anh vẫn đau đáu chuyện ca diễn, gặp gỡ khán giả. Anh hăng hái bàn tính với chị Tết này sẽ diễn nguyên tuồng "Xin một lần yêu nhau". Anh nói lúc đang trên giường bệnh: "Tôi sẽ hát đến hơi thở cuối cùng. Căn bệnh suy thận hiện nay buộc tôi phải ba ngày trong tuần đến bệnh viện chạy thận nhưng tôi vẫn hết sức lạc quan vì bên tôi vẫn còn đồng nghiệp, khán giả yêu mến mình".

    Và thật, đúng là anh đã hát đến hơi thở sau cùng. Đêm 1-11, trong cơn đau nhức hành hạ, anh vẫn ra sân khấu tham gia live show của nghệ sĩ Ngọc Đáng. Đây là hình ảnh cuối cùng, tuyệt đẹp của anh để lại cho sân khấu cải lương. Còn năm 2005, khi vừa từ cõi chết trở về sau một lần thay tim, còn khá yếu, anh vẫn sóng đôi cùng các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy trên sàn diễn tạo nên những khoảnh khắc vừa mong chờ vừa thỏa lòng người xem...

    NHỚ MÃI "ÁO VŨ CƠ HÀN"...

    Trong lòng khán giả cải lương hằng bao thế hệ, vở tuồng "Tâm sự loài chim biển" đã trở nên vô cùng quen thuộc. Thậm chí nhiều người còn có thể ngân nga một vài câu vọng cổ mô tả ngạo khí ngang tàng của một tay kiếm khách nghèo lang bạt nhưng trọng nghĩa, trọng tình có cái tên "Áo vũ cơ hàn".

    Sở dĩ "Áo vũ cơ hàn" có sức sống như thế là nhờ công không nhỏ của nghệ sĩ Minh Phụng. Anh đã thể hiện nhân vật bằng một giọng ca vừa khí khái, vừa u buồn, vừa tha thiết khiến người nghe rất dễ nhập tâm và dễ cảm. Và dĩ nhiên, trong cái dễ cảm, dễ nhớ của những nhân vật lãng tử-kiếm khách không thể thiếu sự hào hoa cùng những mối tình ngang trái. Minh Phụng thường rất thành công trong những vai diễn như thế với một vóc dáng sân khấu sáng đẹp, giọng ca hay trời phú và khả năng diễn được xem là vượt trội so với những nghệ sĩ được xếp hạng là "đào - kép ca" (khác đào - kép diễn) như anh.

    Bây giờ những "Áo vũ cơ hàn" trong "Tâm sự loài chim biển", Âu Thiên Vũ trong "Xin một lần yêu nhau", Mộ Dung Thạch - "Kiếp nào có yêu nhau", Trần Tự Tâm - "Máu nhuộm sân chùa", hay một Mẫn Vân Lâu - "Mùa thu lá bay" mang nét lãng tử phong trần, si tình của nghệ sĩ Minh Phụng vẫn sống mãi cùng khán giả. Và bởi các nhân vật của nghệ sĩ Minh Phụng dễ nhớ, dễ cảm quá nên khi nghe ông sức khỏe suy kém, cần thay thận vào năm 2005, đã từng có một người hâm mộ tình nguyện tặng cho ông quả thận của mình...

    VINH QUANG ĐẾN TỪ CƠ CỰC

    Tuổi thơ cậu bé Thiệu trôi qua khốn khó trong gia đình có 10 người con. Từ bảy tuổi, hàng ngày cậu bé đã phải dậy từ 4 giờ sáng để phụ mẹ dọn gánh hàng nhỏ ra chợ bán. Còn nghề chính của Thiệu sau giờ đến trường là bán đậu phộng rang, chuối chiên giúp gia đình. Tuổi thiếu niên, nhờ giọng ca hay, Thiệu được nhạc sĩ Hương Huyền giới thiệu vào gánh hát Tân Đô và được ông bầu đặt nghệ danh là Tân Tiến.

    Vai diễn đầu tiên của anh "kép con" Tân Tiến lại là vai một nhà sư già trong vở "Bến tang thương". 17 tuổi, kép Tân Tiến đổi tên thành Minh Phụng ghép từ hai cái tên "Minh" và "Phụng" của con một người bạn thân. Từ đó, cuộc đời nghệ sĩ Minh Phụng trôi nổi hơn 10 năm qua hàng chục đoàn hát lớn, nhỏ với đủ dạng vai và cả cái nghề nhắc tuồng để kiếm sống.

    Sự gian khổ và lòng kiên trì đã tôi luyện anh kép trẻ ngày một sáng giá hơn để lọt vào mắt các ký giả kịch trường. Từ những năm 1968, cái tên Minh Phụng bắt đầu được báo chí nhắc đến trên sân khấu Thủ Đô. Sau đó, được đoàn Kim Chung mời ký hợp đồng, cũng là lúc giọng ca chín muồi, nét diễn trở nên sắc sảo, từ cơ cực, nghệ sĩ Minh Phụng bắt đầu đón nhận vinh quang của một ngôi sao sân khấu. Cái tên của anh sánh cùng tên những cô đào hạng nhất thời bấy giờ như Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Phượng Liên, Thanh Kim Huệ... từ lĩnh vực băng đĩa ra đến sân khấu. 50 năm qua, cái tên Minh Phụng đã in đậm trong lòng khán giả mộ điệu...
    (Sưu Tầm)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 3 Users Say Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:


  7. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    Nghệ sĩ Minh Phụng, gợi nhớ cơn bão biển!
    Theo Soạn giả Nguyễn Phương,


    Thưa quý thính giả, trong thập niên 60, nhiều nghệ sĩ trẻ chỉ cần có một giọng ca vọng cổ độc đáo là có thể trong một thời gian ngắn trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng và có thể ký contrat hát độc quyền cho một gánh hát hay cho một hãng dĩa.

    Số tiền contrat được ký đến vài trăm ngàn đồng trở lên; số tiền lương cho một suất hát cũng được lãnh vài ngàn đồng.

    Nghệ sĩ Minh Phụng là một trong những nghệ sĩ ngôi sao trong thời hoàng kim của cải lương.

    Nghệ sĩ Minh Phụng tên thật là Nguyễn Văn Hoài, sanh năm 1945, tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho, cha mẹ làm nghề thương buôn nhỏ trong chợ Mỹ Tho.

    Em Hoài là con nhà nghèo, có tới 10 anh chị em. Khi còn nhỏ em Hoài phải thức dậy sớm từ lúc bốn giờ sáng, phụ giúp mẹ em dọn cá ra chợ bán, sau đó mới cắp sách đến trường. Nhiều khi tới trường trễ vì bận phụ với mẹ dọn hàng ra chợ, em bị thầy bắt phạt quỳ cột cờ, em chỉ biết khóc chớ không dám nói thật hoàn cảnh của gia đình em đã khiến cho em bê trễ trong việc học.

    Những buổi chiều, sau khi ở trường về, em Hoài còn phải đi bán chuối chiên hay đậu phọng rang, đến tối mới được về nhà học bài. Em Hoài có giọng ca tốt, mỗi khi trong xóm có cuộc đờn ca tài tử, em thường đến nghe, học lóm vài bài ca và em ca góp vui.

    Chú Tư Xuân ở hàng xóm biết đờn cổ nhạc, thấy em Hoài có giọng tốt và tánh tình dễ thương nên ông dạy cho bé Hoài ca vọng cổ. Bé Hoài ca tân nhạc cũng khá hay, em ca các bài học được ở đài phát thanh hay trong máy hát dĩa trong xóm như bài Trăng Rụng Xuống Cầu, Khúc Ca Ngày Mùa, Gạo Trắng Trăng Thanh…

    Năm 1960, đoàn hát Tân Đô tập tuồng tại đình Điều Hòa ở sau chợ Mỹ Tho. Em Hoài vô đình xem tập tuồng, gặp soạn giả Hương Huyền Em, Hoài ca thử vài câu vọng cổ, em được soạn giả Hương Huyền Em dẫn đến giới thiệu với ông bầu Công Tạo. Em Hoài được nhận vào đoàn hát, và được cho thủ diễn vai hát đầu tiên là vai hòa thượng trong tuồng Bến Tan Thương.

    Sau đó em Hoài đi hát cho đoàn Hoa Thảo - Hậu Tấn, rồi đoàn hát Thanh Phương. Trong tuồng Bên Cầu Định Mệnh, em Hoài được đóng vai dũng sĩ Ai Dũng Phương. Nhân dịp nầy em Hoài tự đặt nghệ danh là Minh Phụng, lấy tên của hai đứa cháu gái của cô bạn gái của Hoài là Minh và Phụng, ghép lại thành nghệ danh Minh Phụng mà em sử dụng cho đến khi mãn nghiệp cầm ca.

    Từ nhắc tuồng hằng đêm
    Cuối năm 1964, nghệ sĩ Minh Phụng được ông bầu Ba Bản đoàn cải lương Thủ Đô ký hợp đồng mời về hát trên sân khấu Thủ Đô; lúc đó đoàn hát đang có hai nghệ sĩ tài danh Út Trà Ôn và Thanh Hải trong hai vai kép chánh và kép nhì, Minh Phụng được cho giữ nhiệm vụ nhắc tuồng hàng đêm.

    Ý của ông Bầu Ba Bản là tuy Minh Phụng ca vọng cổ rất mùi, giọng ca thanh và trong trẻo, nhưng Minh Phụng chưa biết diễn xuất và chưa biết nhiều bài bản cải lương nên cần phải đào luyện Minh Phụng một thời gian.

    Giao việc nhắc tuồng hàng đêm cho Minh Phụng là bắt Minh Phụng mỗi đêm đều phải học nhiều vai tuồng và đứng trong cánh gà nhắc tuồng, Minh Phụng sẽ theo dõi học hỏi cách diễn xuất của các nghệ sĩ đàn anh Út Trà Ôn, Hoàng Giang, Ba Vân, Thanh Hải…

    Minh Phụng đã học thuộc những vai tuồng của Út Trà Ôn và Thanh Hải trong các tuồng Sầu Quan Ải, Tiếng Trống Sang Canh, Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ, Cát Dung Phương Tử, và đã được ông bầu Ba Bản cho thế các vai tuồng của anh Út Trà Ôn hoặc của Thanh Hải những khi đoàn hát hát hai suất hoặc các nghệ sĩ kể trên bị bệnh, bất ngờ nghỉ hát.

    Nghệ sĩ Minh Phụng được sử dụng như kép sơ cua nhưng vì Minh Phụng còn quá trẻ, đóng thay vai cho các nghệ sĩ đàn anh mà vẫn được khán giả chấp nhận, điều đó làm cho các ký giả kịch trường chú ý và viết nhiều bài ngợi khen Minh Phụng.

    Ông Bầu Trần Viết Long đoàn Kim Chung biết Minh Phụng có giọng ca vọng cổ rất mùi, tuy Minh Phụng chưa nổi danh nhưng ông vẫn cho người theo dõi từng bước tiến của Minh Phụng và xem những đêm hát thế vai của Minh Phụng để đo lường sự thưởng thức của khán giả.

    Khi thấy báo chí kịch trường có nhiều bài viết khen Minh Phụng, ông lại biết tin nghệ sĩ Út Trà Ôn ký hợp đồng về hát trở lại cho đoàn Thanh Minh Thanh Nga và nghệ sĩ Thanh Hải ký hợp đồng với ông bầu Thu An để về hát cho đoàn Hương Mùa Thu, bầu Long lập tức mời Minh Phụng ký hợp đồng hát cho đoàn Kim Chung với số tiền ba trăm ngàn đồng trong hai năm; lương đêm mỗi suất hát 700 đồng.

    Đến "cặp Bão Biển đang dâng cao"
    Đang là người nhắc tuồng cho đoàn Thủ Đô, bổng dưng Minh Phụng được hưởng một giao kèo quá hậu hỉ, anh lập tức rời đoàn Thủ Đô Ba Bản để hát cho đoàn Kim Chung 3 của bầu Long. Ông Ba Bản vừa mất hai nghệ sĩ tài danh Út Trà Ôn và Thanh Hải, nếu muốn giữ Minh Phụng ở lại thì ông phải đền contrat của Minh Phụng ký với bầu Long là 600.000 đồng tức là gấp đôi số tiền mà Minh Phụng nhận được của ông bầu Long.

    Ông Ba Bản không thể để cho Bầu Long trong một vài ngày mà lời đến ba trăm ngàn đồng căn cứ theo hợp đồng của ông ký với Minh Phụng nên ông Ba Bản chịu để mất Minh Phụng, thay vào đó ông ký hợp đồng với nghệ sĩ Tấn Tài để mời về thế vai cho nghệ sĩ Út Trà Ôn.

    Năm 1970, Ông bầu Trần Viết Long đã bố trí cho nghệ sĩ Minh Phụng hát chánh với các nữ nghệ sĩ Mỹ Châu, (tuồng Bích Vân Cung Kỳ Án), Minh Phụng và Út Bạch Lan tuồng Trinh Tiết Một Loài Hoa, Minh Phụng hát với Diệu Hiền, Minh Phụng hát với Lệ Thủy… Khi Minh Phụng diễn cặp với nữ nghệ sĩ Lệ Thủy các tuồng Xin Một Lần Yêu Nhau, Kiếp nào có yêu nhau, Hoa Sơn Thần Nữ, Băng Tuyền Nữ Chúa, Tâm Sự Loài Chim Biển…khán giả đến xem nghẹt rạp, sự thành công của Minh Phụng và Lệ Thủy quá sự mong đợi của ông bầu Long. Các ký giả kịch trường tặng mỹ hiệu cho hai diễn viên Minh Phụng và Lệ Thủy là cặp Bão Biển đang dâng cao.

    Sau năm 1975, Minh Phụng cũng như tất cả các nghệ sĩ cải lương ở Saigon phải do sự sắp xếp của chánh quyền mới, họ cho phép nghệ sĩ nào hát ở đoàn cải lương nào chớ nghệ sĩ không thể tự mình chọn đoàn hát hay có chuyện ký hợp đồng với bầu gánh hát như hồi xưa vì lúc nầy các gánh hát đều có một người bầu duy nhứt là chánh phủ, mà đại diện ông bầu chánh phủ đó là các ông Giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin từng tỉnh.

    Năm 1976, Nghệ sĩ Minh Phụng được bố trí cho hát ở đoàn Hương Mùa Thu của soạn giả kiêm trưởng đoàn hát Thu An. Minh Phụng hát các vở tuồng cũ của đoàn Hương Mùa Thu như Gánh Cỏ Sông Hàn, Con Cò Trắng và một vở tuồng mới Lửa Phi Trường….Nữ nghệ sĩ Kiều Tiên cũng hát cho đoàn Hương Mùa Thu. Minh Phụng và Kiều Tiên yêu nhau và thành hôn năm 1977. Cuối năm 1977, Kiều Tiên sanh ra một gái, đặt tên là Nguyễn Võ Kiều Mỹ Thế, sau này là nữ ca sĩ Y Phụng.

    Cũng cần nói rõ trước năm 1975, khi hát trên sân khấu Kim Chung, nghệ sĩ Minh Phụng và nữ nghệ sĩ Diệu Huê chung sống vợ chồng, có với nhau ba con, một gái và hai trai. Năm 1976, không hiểu do nguyên nhân nào mà vợ chồng nghệ sĩ Minh Phụng và Diệu Huê chia tay nhau. Nữ nghệ sĩ Diệu Huê nuôi ba đứa con. Cô con gái lớn của Minh Phụng và Diệu Huê sau này trở thành nữ danh ca với nghệ danh là Tiểu Phụng.

    Hai cô Tiểu Phụng và Y Phụng đều có chồng Việt Kiều nên đi định cư ở Hoa Kỳ với chồng.

    Nghệ sĩ Minh Phụng phải giải phẩu tim vào năm 2005. Anh bị suy thận nên phải lọc máu mỗi tuần lễ ba lần. Sáng ngày 16 tháng 11 năm 2008, Minh Phụng phải nhập viện cứu cấp và anh đã từ giã cuộc đời vào sáng ngày 29 tháng 11 năm 2008 tại bệnh viện Chợ Rẩy.

    Một số đông đảo nghệ sĩ bạn đồng nghiệp và khán giả ái mộ đã đến viếng linh cữu và tiễn đưa nghệ sĩ Minh Phụng đến nơi phần mộ. Cố nghệ sĩ Minh Phụng được an táng tại nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 3 Users Say Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:


  9. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai



    Minh Phụng Lệ Thủy trong kiếp nào có yêu nhau




    Hình ảnh cuối cùng trong Liveshow của NS Ngoc Đáng.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. The Following User Says Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:


  11. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Hồi mình còn nhỏ xíu, khoảng năm 1985-1986 gì đó, gánh hát hay về quê nhà lắm. Hồi đó có lần được xem đoàn CL Sông Bé 3 diễn, đoàn đã mời NS Minh Phụng về hát chánh với cô Kiều Hoa trong tuồng Thằng Cuội ngồi gốc cây Đa. NS Minh Phụng vai Thằng Cuội. Coi mà mê mẩn luôn.

    Sau này không có dịp được xem NS Minh Phụng hát trên SK nữa.

    Năm 1990, NS Minh Phụng hát chánh với NS Diệu Hiền trên SK Đoàn Văn Công TPHCM trong tuồng Lâm Sanh Xuân Nương (tuồng này đã có thu Video, rất hay), Giai nhân rừng Triệt Nhĩ....

    Năm 1992, NS Minh Phụng về đoàn tuồng cổ Huỳnh Long hát chánh trong Tâm Sự Một Ca Nhi với Hồng Nhung, Vân Hà....

    Năm 1993, trên SK Trần Hữu Trang 2, Minh Phụng hát chánh với Cẩm Tiên trong một thời gian ngắn.

    Năm 2005 NSƯT Minh Phụng xuất hiện bên cạnh Minh Vương, Lệ Thủy, Tuấn Thanh, Thanh Thanh Tâm trong Giấc Mộng Đêm Xuân của SKV tại Hưng Đạo.

    Ngoài ra NSƯT Minh Phụng cũng thường xuất hiện trong chương trình Vầng Trăng cổ nhạc của HTV.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  12. The Following 2 Users Say Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


  13. aovucohan211
    Avatar của aovucohan211
    + Các bạn đang xem VIDEO trên website Cải Lương Số
    ERROR: If you can see this, then YouTube is down or you don't have Flash installed.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  14. The Following 3 Users Say Thank You to aovucohan211 For This Useful Post:


  15. aovucohan211
    Avatar của aovucohan211
    Áo Xưa Dù Đã Nhạt Mảu
    Vẫn Xin Bạc Đầu Gọi Mãi Tên Nhau
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  16. The Following 3 Users Say Thank You to aovucohan211 For This Useful Post:


  17. Giselle
    Avatar của Giselle
    Ở trên chùa nghệ sĩ, ngay mộ của NS. Minh Phụng, người ta có đặt phía trên mộ 1 tấm bảng hình Minh Phụng trong bộ đồ cổ trang và ghi thêm dòng chữ phía dưới :"Trời ơi Âu Thiên Vũ đã chết"......Chứng tỏ vai diễn của NSƯT này đã đi sâu vào lòng người hâm mộ.!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  18. The Following 2 Users Say Thank You to Giselle For This Useful Post:


  19. DOHOANG
    Avatar của DOHOANG
    Đó là vai diễn để đời của nam NS tài danh Minh Phụng mà em.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  20. The Following User Says Thank You to DOHOANG For This Useful Post:


Trang 1/2 1 2 CuốiCuối
ANH EM CHANNEL