Trang 1/9 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối
  1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    --------------------------------------------------------------------------------


    Nữ nghệ sĩ Mỹ Châu
    Nghệ sĩ Mỹ Châu là một nghệ sĩ ưu tú của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Cô từng được mệnh danh là ngôi sao của thế hệ vàng cải lương Việt Nam cùng thời với Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Minh Vương, Minh Phụng.. Cô nổi tiếng có một giọng nữ trầm đặc biệt, và một sở trường đặc biệt là ca dây kép. Nhờ vậy, mà tên cô đã được dùng đặt tên cho một dây đàn cổ gọi là "dây Mỹ Châu



    Giai đoạn trước năm 1975
    Mỹ Châu tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, sinh ngày 21 tháng 8 năm 1950 tại Thủ Thừa, Long An, là con út trong một gia đình có 4 người con. Thuở nhỏ, cô từng bộc lộ năng khiếu âm nhạc và mong muốn trở thành một bác sĩ. Cha mất sớm, cô và các anh chị đều do người mẹ nuôi lớn. Tuy niềm đam mê của Mỹ Châu là ca tân nhạc, nhưng cô cũng học thêm cổ nhạc từ một người bạn của anh để chiều lòng mẹ cô vốn là một người rất mê cải lương.

    Năm 7 tuổi, Mỹ Châu được ông bầu Ba Cang, chủ đoàn cải lương Tiếng Chuông, phát hiện tiềm chất của cô trong một lần cô hát cải lương tại trường. Năm 1961, Mỹ Châu bắt đầu bước vào nghề cải lương khi vừa 11 tuổi, với lời mời của ông bầu Cang và sự kiềm cặp của mẹ.

    Khởi sự từ ban Tiếng Chuông, vai diễn đầu tiên của Mỹ Châu là vai đào con Sao Ly trong vở Giai nhân bên suối mộng. Không lâu sau, cô nhận được lời mời của ban Kim Chưởng, tuy nhiên, được sự đồng ý của mẹ, cuối cùng cô về với ban Lan và Được vừa được thành lập cuối năm 1961. Trong suốt gần một năm, cô chỉ được phân công ngâm thơ hậu trường những vở "Nước chảy qua cầu”, "Khi hoa anh đào nở".

    Mãi đến cuối năm 1962, khi vở "Khi rừng mới sang thu" (soạn giả Quy Sắc) được dựng, cô mới được phân thủ vai Ấu Quân. Được sự giới thiệu của danh cầm Hai Long, cô về với ban Thành Công, ca bài vọng cổ Bá Nha - Tử Kỳ, phát trên Đài phát thanh Sài Gòn. Do sự thành công của tiếng hát phát thanh, cô tiếp tục được các đoàn Kim Chung và Thủ Đô mời tham gia. Cuối cùng, cô về tham gia với đoàn Thủ Đô 2 làm đào chánh. Do thể hình còn nhỏ, nên đoàn hát phải thiết kế cho loại phục trang nhiều lớp dành riêng cho cô để có được vóc dáng phù hợp với vai diễn.

    Báo chí miền Nam thời bấy giờ đã đặt cho cô biệt danh "Lolita Mỹ Châu" để so sánh với nhân vật Lolita nổi tiếng thời bấy giờ trên tiểu thuyết và phim ảnh.

    Cũng trong giai đoạn này, công nghiệp thu âm băng dĩa bắt đầu phát triển cùng với sự ra đời của thể loại tân - cổ giao duyên. Thể tài mới lạ kết hợp giọng ca trầm ấm nỉ non, chuẩn mực về kỹ thuật, xúc cảm, khả năng hài hòa cả tân nhạc lẫn cổ nhạc đã nhanh chóng mang lại sự thành công của Mỹ Châu.

    Năm 1965, cô nổi tiếng với vai Thùy Dương trong vở Hai lần thu hẹn trên sân khấu Thủ Đô. Cũng trong năm này, cô về đoàn Kim Chung. Được sự dìu dắt của nghệ sĩ Minh Cảnh, Mỹ Châu đã thành công khi thủ vai Mai Thảo trong vở Trinh nữ lầu xanh, được nhiều người mến mộ.

    Năm 1967, Mỹ Châu được trao tặng Huy chương Vàng Thanh Tâm vì những thành tựu của mình trong nghệ thuật cải lương, cùng đợt với Phương Bình,Bảo Quốc,Ngọc Bích. Cũng trong năm này, cô được mời thu dĩa thu lại vở "Khi rừng mới sang thu" với vai chính nữ chúa Tọa Mã Sơn.

    Trước năm 1975, những vở tuồng được thu vào băng đĩa như Sở Vân cứu giá, Kiếp nào có yêu nhau, Kiếp sĩ dơi, Gió giao mùa, Bình rượu nhiệm mầu, Tiêu Anh Phụng, Khi rừng mới sang thu, Lan huệ sầu ai...đều có sự đóng góp của Mỹ Châu, và cô đã trở thành một trong những nghệ sĩ được thu thanh nhiều nhất.

    Các nam nữ nghệ sĩ nổi tiếng mà Mỹ Châu từng có dịp diễn chung là Minh Cảnh, Thành Được,Minh Phụng,Minh Vương, Thanh Tuấn, Lệ Thủy,Phượng Liên,Thanh Kim Huệ...

    Giai đoạn sau năm 1975
    Sau năm 1975, Mỹ Châu vẫn tiếp tục thành công với nhiều vở diễn, như: Khách sạn hào hoa, Tâm sự Ngọc Hân, Hoa Mộc Lan, Muôn dặm vì chồng hoặc Nàng Hai Bến Nghé, Thái Hậu Dương Vân Nga, Bên Cầu Dệt Lụa, Tiếng Trống Mê Linh...

    Trong thập niên 1990, Mỹ Châu lại xuất hiện trên băng hình trong các vở mà cô đã diễn trước 1975, như Chiều lạnh tuyết băng sơn, Giai nhân và loạn tướng, Bài thơ trên cánh diều, Trăng nước Lạc Dương thành, Nắng thu về ngõ trúc... Cùng năm này, cô lập gia đình với Nghệ sĩ Đức Minh khi đã 40 tuổi. Cũng trong năm này, mẹ cô qua đời vì bệnh tim.

    Cô được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993 và Huy chương sự nghiệp sân khấu Việt Nam vào năm 1999 để tôn vinh những cống hiến và tận tụy yêu nghề của một minh tinh trầm lặng.

    Sau năm 2002, Mỹ Châu sang Hoa Kỳ để toàn tụ với gia đình (chồng cô là nghệ sĩ Đức Minh đã sang Mỹ từ trước). Ở bên đó, cô sống tại tiểu bang Georgia và từ chối mọi lời mời đi hát.

    Hiện tại

    Gần đây, Mỹ Châu hợp tác với Đài truyền hình Cần Thơ để dàn dừng lại một số vở cải lương mà cô đã từng thành công trong suốt 45 năm diễn trên sân khấu, như Chiều đông gió lạnh về (củaHà Triều - Hoa Phượng), Khúc Hát Đoạn Tình và một số vở xã hội khác...


    Nguồn: Kich nghệ việt Nam.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. minhle
    Avatar của minhle
    Thanks cô Tuyết Mai đã đưa những thông tin về Lolita Mỹ Châu.
    Cô có bài Cô gái bán trầu xanh không cô? Nếu có cô up lên cho mọi người nghe với!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  3. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    CẢM NHẬN CỦA NS THÀNH ĐƯỢC VỀ NSUT MỸ CHÂU
    MỸ CHÂU VỚI NÉT ĐẸP LẠNH LÙNG , KIÊU SA TƯƠNG TỰ NHƯ NÉT ĐẸP CỦA NGÔI SAO HUYỀN THOẠI HOLYWOOD - ELIZABETH TAYLOR
    Mỹ Châu với tôi ít có cơ hội được diễn chung trên cùng một sân khấu , nhưng những vai trò mà cả hai có dịp diễn chung với nhau lại là những vai trò vô cùng độc đáo không thể quên trong sự nghiệp sân khấu của tôi. Thật ra, Mỹ Châu thuộc lớp diễn viên đàn em của tôi, Út Bạch Lan....
    Mỹ Châu trước năm 1975 xuất hiện nhiều ở những vai trò hương sa trên sân khấu Kim Chung 1->5.
    Ở Mỹ Châu, khán giả luôn tìm thấy một vẻ đẹp lạnh lùng, kiêu sa, kín đáo, cũng công nhận Mỹ Châu là nhân vật thứ hai sau Thanh Nga thể hiện vai trò này một cách hoàn hảo, xuất sắc, nhưng lại rất đầy ắp nữ tính.
    Thập niên 70, cô được giới chuyên môn báo chí và nghệ thuật đánh giá là một cô đào trẻ, sáng giá và cũng đắt giá nhất trên sân khấu cải lương Sài Gòn lúc bấy giờ. Với chất giọng trầm buồn quyến rũ, làn hơi thổ pha kim quý hiếm không ai có và ít ai nhận ra, cộng với nét đẹp lạnh lùng, kiêu sa, liêu trai, tượng tự như nét đẹp của ngôi sao huyền thoại Holywood - Elizabeth Taylor, Mỹ Châu được báo chí tặng cho danh hiệu người đẹp Lolita của Việt Nam cũng chính vì nét đẹp lạnh lùng, gợi cảm này. Mỹ Châu lại có cách luyến lái trong giọng hát rất đặc biệt làm cho người nghe không thể nhầm lẫn giọng ca của cô với bất cứ nữ nghệ sĩ nào khác.
    Mỹ Châu là một nghệ sĩ rất đặc biệt. Mặc dù xinh đẹp, nổi tiếng, tiền bạc vô như nước, nhưng Châu vẫn sống một cuộc đời trầm lặng, không bon chen hay ồn ào như nhiều người khác. Nghệ sĩ Thành Được đã tâm sự như vậy khi nhắc đến Mỹ Châu. Thành Được cho biết thêm những lần đi diễn xa chung với Mỹ Châu luôn là những kỉ niệm không thể quên đối với ông. Mặc dù lúc đó cô đã là cô đào chánh lừng danh, nhưng Mỹ Châu luôn giữ phận đàn em của mình, cô xưng em và gọi Thành Được là anh Hai. Mỹ Châu đóng cặp với Thành Được trong các vở tuồng kinh điển sau: Mạnh Lệ Quân, Giai nhân và loạn tướng, Sân khấu về khuya, Phụng nghi đình, Bạch viên tôn cát.... Trong vở Sân khấu về khuya của Nguyễn Thành Châu, Mỹ Châu vào vai Giáng Hương ( trước đó là Thanh Nga ), một vai có thể nói là khó nhất trong những vai diễn kinh điển của cải lương về đề tài xã hội. Mỹ Châu đã nhập vai rất xuất sắc, trên cả tuyệt vời đến nỗi báo chí, các nhà phê bình và cả tôi công nhận Mỹ Châu là nghệ sĩ thể hiện vai trò này một cách hoàn hảo.
    Theo tạp chí Văn nghệ Magazine.
    ( The art of the opera from Southern Vietnam )
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. minhle
    Avatar của minhle
    Cô Mai có nhieu thong tin nghệ sĩ ghê!
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  5. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai

    Mỹ Châu và Mẹ hồi còn trẻ

    NSƯT Mỹ Châu: Hai người thân yêu nhất trong cuộc đời


    NSƯT Mỹ Châu cùng chồng (NS Đức Minh) sang Mỹ định cư năm 2003 để lại sự luyến tiếc của biết bao khán giả hâm mộ. Gặp chị tại nhà riêng trong chuyến về thăm quê mới đây nhất, chị cho biết sẽ tái ngộ khán giả trong chương trình Sức sống mới và Quán âm nhạc của Đài Truyền hình Việt Nam vào cuối tháng 4-2009. Trong hai chương trình này, chị sẽ kể về hai người thân yêu nhất trong cuộc đời chị.
    Làm nghệ sĩ là do má chọn
    NSƯT Mỹ Châu kể: “Quê tôi ở Thủ Thừa – Long An, cha tôi mất sớm, một mình má tảo tần buôn gánh bán bưng nuôi bốn anh em chúng tôi. Chính vì thế mà tôi thương má lắm, không bao giờ cãi lời cũng như làm bất cứ điều gì mà má không hài lòng. Má mê cải lương vô cùng, đang gánh hàng đi bán nghe có cải lương về hát là nghỉ bán chạy đi xem ngay. Năm tôi 11 tuổi, học lớp 5 thì một hôm má vào lớp nói với cô giáo: “Thưa cô, cho con Châu nghỉ học để theo đoàn hát”. Cô giáo và tôi đều ngỡ ngàng, dù rất buồn vì phải xa thầy cô, bạn bè, từ giã ước mơ làm bác sĩ nhưng tôi cũng nghe theo lời má. Đó là năm 1961, hai má con xách giỏ theo gánh Tiếng Chuông của bầu Ba Can. Bây giờ nghĩ lại, tôi rất biết ơn má đã chọn cho tôi một lối đi riêng, nếu không có cái ngày số phận đó, tôi hẳn đã có một cuộc sống khác. Thời gian đầu, hai má con gặp rất nhiều khó khăn, cơ cực không tài nào kể xiết. Tôi còn nhớ năm 13 tuổi, hát ở Rạp Hưng Đạo, bụng đói cồn cào, thấy có một người bán mì gõ đi ngang, má chỉ dám kêu một tô cho tôi ăn, nhưng tôi nhất định đòi hai má con phải chia mỗi người một nửa. 15 tuổi, tôi nổi danh, có sự nghiệp, có tất cả nhưng má vẫn vậy, không dám xài phung phí một đồng nào, những món ăn nào ăn không hết, má không bỏ đi mà cho vào tủ lạnh ngày mai ăn tiếp; may cho má bộ đồ mới, má không chịu mặc mà còn rầy tôi… Chưa bao giờ tôi phải ra ngoài ăn sáng, bữa ăn gia đình đều do chính tay má nấu, má làm, má nói như vậy mới đảm bảo sạch sẽ và đủ chất dinh dưỡng… Tất cả những suất diễn của tôi đều có má đi theo, má tự tay làm đầu, kết trâm cài, thay phục trang cho tôi. Ngày ấy, má buộc tôi phải nuôi tóc dài chấm gối, không cho uốn, để suông một cách tự nhiên, chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến chuyện cắt đi mái tóc dài ấy vì như thế má sẽ buồn lắm. Tôi nhớ như in ngày cuối cùng má mất (năm 1990), đêm ấy tôi đi quay vở Giai nhân và loạn tướng, má đi theo và bảo rất hài lòng về vở này. Sáng hôm sau má còn thức dậy tập thể dục làm đồ ăn sáng xong thì đột nhiên ngã quỵ, căn bệnh tim tái phát và má đã vĩnh viễn ra đi. Tôi không thể tưởng tượng nổi mình lúc đó, như người mất hồn, không còn thiết điều gì nữa… Phải mất nhiều năm tôi mới lấy lại được tinh thần, thăng bằng trong cuộc sống…”.
    Duyên tiền định
    Nhìn hạnh phúc tràn ngập của Mỹ Châu – Đức Minh hiện tại, không ai có thể ngờ rằng, đã từng có lúc, Mỹ Châu “ghét cay ghét đắng” Đức Minh, ghét đến nỗi dù hát chung trên một sân khấu (Sài Gòn 2 và Văn Công thành phố), có khi chị cũng không nói chuyện với anh. Trong cuộc sống đời thường, Mỹ Châu rất hiền lành, giản dị, nhưng trong nghệ thuật, chị nghiêm túc đến độ khó tính. Còn Đức Minh – một kép chánh ca hay, diễn giỏi, hiền lành nhưng chỉ mỗi “tội” là say mê bóng đá đến cuồng nhiệt (anh từng giữ chức đội trưởng đội bóng đá nghệ sĩ TP). Cũng vì quá mê bóng đá mà anh thường xuyên đến tập tuồng trễ, lên sân khấu diễn không thuộc tuồng và không hiếm lần… bỏ cả hát vì bóng đá. Một lần, đoàn Văn Công thành phố diễn phục vụ ở Dầu Tiếng vở Muôn dặm vì chồng. Thật trùng hợp, chiều hôm ấy, Đài Truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp một trận đấu rất gay cấn, hấp dẫn. Xem xong, Đức Minh lái xe đến điểm diễn thì đã trễ mất nửa tiếng đồng hồ khiến cả đoàn và khán giả phải chờ. Mỹ Châu tức giận vô cùng, ra sân khấu diễn mà không thèm nhìn thẳng mặt Đức Minh, cho dù khán giả vẫn nhìn thấy đôi đào kép chánh này ca diễn rất ăn ý, tình sâu nghĩa nặng đầy cảm động trong vai tuồng… Sau lần đó, Đức Minh đã năn nỉ Mỹ Châu hết lời và hứa “chắc nịch” sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Người đời thường có câu “Ghét của nào trời trao của nấy” quả thật đúng. Dần dần, cả hai đã thông cảm và hiểu nhau hơn. Tình yêu của họ kéo dài suốt thời gian về cộng tác với Đoàn Sài Gòn 1, Hương Mùa Thu, Sài Gòn 3, Tiếng chuông vàng Minh Phụng… và đến năm 1990, họ đã kết hôn với nhau. Mỹ Châu dù không thích bóng đá nhưng mỗi lần ông xã đi thi đấu, chị cũng đều soạn quần áo cho anh cũng như theo ủng hộ cho đội nhà. Đi diễn ở nước ngoài, chị đều tranh thủ shopping tự tay lựa chọn những bộ quần áo thể thao về làm quà cho anh. Trong cuộc sống vợ chồng, Đức Minh yêu thương và cưng chiều Mỹ Châu hết mực. Chị rất mê ăn kem, có khi đi diễn về khuya mà chị thèm kem hay bất cứ món nào là anh đều lấy xe chở chị đi ngay. Nói về lý do chia tay với sân khấu, chị bảo: “Ngày trước tập một vở cải lương rất cực nhọc, nhiều vở “sống” đến ba năm trời, cũng trang phục ấy, mỗi năm tôi đều phải may lại vì diễn quá nhiều nên nó mau bị cũ. Còn bây giờ, diễn viên tập tuồng đến trễ 2 - 3 tiếng đồng hồ do bận chạy show, tuổi thọ của một vở diễn rất ngắn. Mỗi thời mỗi khác, nếu không thấy phù hợp thì mình tự rút lui…”.
    Mái ấm dù thiếu tiếng cười của trẻ thơ nhưng anh chị không lấy đó làm buồn, bởi bên anh chị đã có những đứa cháu (con chị Tư của Mỹ Châu) rất ngoan ngoãn, hiếu thảo mà chị đã nuôi và chăm sóc từ nhỏ, xem như con ruột.
    HIỆP THANH
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    MỸ CHÂU : Ả cave trong Khách sạn hào hoa

    Mỹ Châu vai Hiếu trong Khách sạn hào hoa - Ảnh: C.T.V

    1975, Sài Gòn vừa giải phóng, không khí chính trị còn "nóng hổi", đã có ngay một vở cải lương gây xôn xao sân khấu. Vé chợ đen bán ào ào, ai biết đâu phía sau cánh gà nghệ sĩ... lo gần chết ! Đó là vở Khách sạn hào hoa của đoàn Sài Gòn 2 (tác giả Trần Hà, đạo diễn Huỳnh Nga). Hấp dẫn như phim trinh thám, và quyến rũ ở chính gương mặt lạnh như tiền của cô cave xinh đẹp - Mỹ Châu.


    Sở dĩ nói nghệ sĩ "lo gần chết" là vì lúc ấy tình hình chính trị còn quá nóng, tuy chính quyền đã vào tay cách mạng nhưng vẫn còn những khoảng cách nào đó trong một số thành phần dân chúng, làm sao gần gũi ngay được. Vì vậy, liệu vở diễn có gây những "phản ứng" nào không, khi trong đó chứa đựng câu chuyện đấu tranh quyết liệt, rồi đặt bom này nọ... Lo lắm chứ! Nhưng phải khai trương thôi.

    Ai ngờ, vở diễn cuốn hút tới nỗi khán giả thành phần nào cũng xích lại gần nhau, cùng chụm đầu coi say mê, quên mất khoảng cách. Có lẽ đây là vở cải lương đầu tiên mang màu sắc... trinh thám, nên khán giả mới hồi hộp dữ vậy! Tình tiết cài đặt rất khéo léo. Cô cán bộ tên Hiếu được cách mạng giao nhiệm vụ đóng vai một cave trong khách sạn để trà trộn lấy tin tức từ bọn sĩ quan Mỹ, từ đó tổ chức những trận đánh vào cơ quan đầu não giặc. Hiếu phải đối đầu với rất nhiều nguy hiểm, vì chung quanh toàn là mật thám, nhân viên CIA, sĩ quan cao cấp của chính quyền Sài Gòn, nghĩa là toàn những con sói tinh nhạy trên chiến trường, chỉ cần sơ sẩy để lộ tông tích là Hiếu sẽ chết. Đặc biệt, tình tiết đem khối bom lên khách sạn để nó nổ tung diệt giặc, Hiếu như đứng trước sợi dây leo mỏng manh chực chờ rơi xuống. Cô phải thông minh và bản lĩnh qua mắt được tay sĩ quan gác cổng lão luyện, kèm theo một chút kỹ xảo của phụ nữ, thế là hoàn thành nhiệm vụ. Hiếu trở về với con người thật của mình, trút bỏ cái lốt cave đau khổ mà cô chịu đựng bấy lâu.

    Nghệ sĩ Mỹ Châu trong vai Hiếu thật phù hợp vì gương mặt lạnh lùng, trầm tĩnh, đủ sức làm bọn đàn ông trong khách sạn ấy mê mẩn, bởi cô quá khác biệt giữa đám phụ nữ lau chau mê tiền, mê địa vị. Nhưng cũng không để Hiếu quá "khác biệt" vì như thế sẽ gây nghi ngờ, lộ diện. Mỹ Châu phải cho Hiếu một vẻ vừa gần gũi vừa xa cách, vừa chân phương vừa sang trọng khiến đám sĩ quan mê mà nể, nể mà vẫn tiếp cận được. Khó diễn lắm! Nhất là tuy phong cách gái bán bar nhưng bên trong vẫn là người cách mạng, thì phải giữ phẩm chất. Cho nên Mỹ Châu chọn lựa trang phục rất kỹ, sao cho hấp dẫn nhưng không quá sexy, hoặc ngôn ngữ nói năng tuy sành sỏi nhưng cũng không quá thô thiển. Và tâm trạng cô Hiếu lúc nào cũng căng như dây đàn, nghe ngóng động tĩnh, nghĩ cách đối phó. Mỹ Châu cười: "Lúc ấy tôi chưa hiểu gì về người cách mạng cả, nhưng qua vai này tôi thấy thương anh em, hiểu cái khổ của người vào chiến trận dù không tiếng súng nhưng ác liệt vô cùng".

    Chưa hết, cái khổ của "người nằm vùng" còn là sự cô đơn khi chung quanh không ai hiểu mình. Cô Hiếu bị bà mẹ mắng mỏ, bị người yêu là Trung, một chiến sĩ cách mạng, tạt ly rượu vào mặt, khinh thường, và còn có người chửi thẳng cô là "con đĩ". Có lúc Hiếu mềm yếu như một người phụ nữ bình thường, cô thèm khóc, muốn bỏ cuộc mà quay về với đồng đội trong chiến khu, thà chết trong sự minh bạch hơn sống trong nỗi oan khiên. Tâm lý nhân vật đa chiều như thế mới thật "con người", chứ đâu phải thể hiện người cách mạng chỉ có một chiều cứng rắn, kiên cường. Mỹ Châu thoắt lạnh lùng đó, chợt biến thành cô Hiếu mong manh, tội nghiệp. Vai diễn bản lĩnh nhưng không "lên gân", mà tinh tế và xúc động.

    Một sự kiện thú vị nảy sinh từ đây. Mỹ Châu đã sáng tạo ra một lối ca vọng cổ với hai chữ cuối toàn dấu huyền, độc đáo, và không xài "dây đào" mà phải xuống tông xài "dây kép". Đạo diễn Huỳnh Nga nghe lạ quá, vì nó đúng tâm trạng buồn thương của nhân vật, ông liền hối hả: "Nè, nè, giữ nguyên giọng đó!". Thế là nhạc sĩ Hoàng Thành phải sử dụng một tuyệt chiêu, lấy thanh gỗ nhỏ xíu chặn dây đàn để cho ra một cung bậc riêng biệt chưa từng có trong cổ nhạc, mà anh em tạm đặt tên là "dây Mỹ Châu". Tên gọi đó sau này phổ biến trong làng nhạc, nhưng có lẽ chỉ Mỹ Châu mới ca được, vì không ai giọng trầm cỡ như chị.

    Sau này Mỹ Châu còn rất nhiều vai hay trong Nàng Hai Bến Nghé, Ánh lửa rừng khuya, Tâm sự Ngọc Hân, Muôn dặm vì chồng... thể hiện một nghệ sĩ nghiêm túc trong nghề.

    Hoàng Kim (báo Thanh Niên)
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  7. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Giọng ca của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu

    Nhiều thính giả Đài Á Châu Tự Do ở Pháp, Úc và vùng Nam Cali gởi điện thư hỏi Nguyễn Phương tại sao nữ nghệ sĩ Mỹ Châu có biệt danh là giọng hát Liêu Trai và trước năm 1975, cô Mỹ Châu còn được gọi là Lolita Mỹ Châu. Phải chăng vì người ta gọi tắt hai chữ đầu của Liêu Trai, L T thành ra Lolita cho có vẻ giống tiếng Mỹ như thói thời thượng trong những năm thập niên 60 ở Saigon



    Thưa quý thính giả, Lolita Mỹ Châu và giọng hát Liêu Trai Mỹ Châu là hai biệt danh khác nhau mà khán giả ái mộ và các ký giả kịch trường dùng để nói về nữ nghệ sĩ tài danh Mỹ Châu. Hai biệt danh đó do hai giai thoại khác nhau, chớ không phải là nói tắt hai chữ LT của Liêu Trai thành ra Lolita như có nhiều thính giả lầm tưởng.
    Năm 1964, rạp Rex Saigon chiếu phim Mỹ, tựa đề Lolita của đạo diễn Stanley Kubrick; nữ diễn viên tuyệt đẹp Sue Lyon đóng vai Lolita. Phim kể chuyện một lão già có tên là Humbert Humbert, lão có sự ám ảnh về tình dục với một cô gái 12 tuổi tên Dolores Haze, và ông già mê gái vị thành niên gọi cô gái là Lolita. Ông ta cắt tiếng gọi Lolita, thành ra ba âm Lo, Li và Ta, mỗi âm là đầu của một câu hát để ca ngợi cô gái.
    Lúc nữ nghệ sĩ Mỹ Châu hát chánh trên sân khấu Kim Chung, cô mới được 14 tuổi nhưng vóc người nhỏ nhắn, khiến cho người ta tưởng cô chỉ mới khoản 12 tuổi. Lúc đó giọng hát của Mỹ Châu đã được nhiều khán giả và ký giả kịch trường nhiệt liệt tán thưởng



    Lolita Mỹ Châu


    Một ông đại xì thẩu ở Chợlớn xem nữ nghệ sĩ Mỹ Châu hát, ông ta mê Mỹ Châu, đêm nào cũng đến xem Mỹ Châu hát và nhiều lần ông cho tài xế mang hoa và quà biếu kèm danh thiếp của ông vào hậu trường tặng cho Mỹ Châu. Ông mời Mỹ Châu đi ăn tối sau khi vãn hát nhưng ông ta không được toại nguyện vì lúc nào Mỹ Châu cũng được mẹ và chị Tư của cô đi kèm, vừa để giúp việc, vừa để bảo vệ, canh chừng để tránh cho cô khỏi bị những người ái mộ quá trớn quấy nhiễu. Thêm nữa, hoạt động nghệ thuật chiếm hết thì giờ của Mỹ Châu: 9 giờ sáng tập tuồng tại rạp Olympic; 12giờ trưa, nghĩ, dùng cơm; 2 giờ chiều thu thanh ở hãng dĩa; 7 giờ tối ra rạp hát; sau khi vãn hát, Mỹ Châu phải đi thu thanh cho hãng dĩa có khi đến hơn hai, ba giờ khuya, Mỹ Châu mới được trở về nhà ngủ. Mỹ Châu được các hãng dĩa Asia, Continental, Việt Nam, Quê Hương mời thu thanh hầu như hàng ngày, chỉ trừ ngày chúa nhựt và những ngày Tết. Có thể nói là nữ nghệ sĩ Mỹ Châu ở Saigon trong cả chục năm nhưng cô chưa được rảnh lấy một ngày để mà đi du ngoạn trong Thảo Cầm Viên, hay đi chợ Bến Thành mua sắm, hay là đi hóng gió ở bờ sông Saigon. Thì giờ của Mỹ Châu không có rỗi rãnh để mà đáp ứng lời mời của ông đại xì thẩu, nhất là mẹ của Mỹ Châu và chị Tư của cô luôn luôn là cái lá chắn bảo vệ Mỹ Châu quá kỹ.
    Vì ông lão đại xì thẩu mê Mỹ Châu, đeo đuổi theo Mỹ Châu một thời gian dài nên các ký giả kịch trường, nhân xem phim Lolita, bèn tặng cho Mỹ Châu biệt danh Lolita Mỹ Châu để ghi dấu một giai thoại về lão xì thẩu đeo đuổi theo Mỹ Châu giống như lão Humbert đeo đuổi theo Lolita, một cô gái 12 tuổi trong phim Lolita.
    Lão đại xì thẩu thất vọng, ông ta đành rút lui êm. Mỹ Châu được yên tĩnh với khung trời nghệ thuật cải lương yêu thích, vì vậy mỹ hiệu Lolita Mỹ Châu không được nhắc đến nữa và được thay thế bằng biệt danh mới: Giọng hát Liêu Trai Mỹ Châu.


    Giọng hát Liêu Trai


    Theo nhận xét của ký giả kịch trường Hoài Ngọc trên nhật báo Lẽ Sống, giọng hát của Mỹ Châu được gọi là giọng hát Liêu Trai vì ngay như những bạn trẻ chỉ thích tân nhạc, một khi đã nghe một vài dĩa vọng cổ do Mỹ Châu ca, họ sẽ ghiền nghe như nghe một giọng ca huyền bí trong truyện liêu trai ma quái của nhà văn Bồ Tùng Linh, hàm ý là người nào đã nghe giọng ca của nữ nghệ sĩ Mỹ Châu thì sẽ bị mê hoặc, sẽ bị thu hút như có một sức mạnh huyền bí nào đó, không thể lấy lý lẽ thông thường để mà giải thích được.
    Giọng ca não nùng của Mỹ Châu đã một thời gian dài được nhiều hãng dĩa lớn ở Saigon, Chợ Lớn khai thác triệt để. khởi từ bài ca Nửa Đêm Sầu Hận đến bài vọng cổ Hòn Vọng Phu, cổ nhạc Viễn Châu, tân nhạc Lê Thương. Giọng hát của Mỹ Châu ca bài Hòn Vọng Phu nghe như oán như than cho số kiếp của con người trong thời loạn, số kiếp những thân phận bấp bênh, trôi dạt, không biết có ngày mai. Đó là tâm tình của bao nhiêu người chịu cảnh ly tan vì chiến họa, xa cha xa mẹ, xa vợ xa chồng…Giọng ca thê thiết của Mỹ Châu đã bộc bạch giùm họ cái tâm tư chua xót thầm kín đó.
    Nữ nghệ sĩ Mỹ Châu tên thật là Nguyễn Thị Mỹ Châu, sanh ngày 21 tháng 8 năm 1950, tại quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An. Khi cô được 11 tuổi, má cô bắt cô nghỉ học để theo bà đi gánh hát Tiếng Chuông của Bầu Cang vì bà đang giúp việc cho gánh hát, gia đình nghèo và đơn chiết, không thể gởi Mỹ Châu cho ai nuôi nấng.
    Mỹ Châu cũng như các con em của nghệ sĩ khác, hằng đêm Mỹ Châu ngồi bên cánh gà xem hát, tự học theo những vai tuồng mà cô ưa thích. Mỹ Châu có giọng tốt nên các nhạc sĩ trong đoàn dạy cho em ca vọng cổ và nhiều bải bản cổ nhạc khác, để cho Mỹ Châu ca tài tử ngoài màn trước khi đoàn hát tuồng chính trong đêm.
    Năm 12 tuổi, Mỹ Châu vào đoàn Út Bạch Lan – Thành Được, học hát và ngâm thơ hậu trường. Nhạc sĩ Hai Long trong ban cổ nhạc Thành Công phát hiện giọng ca lạ của Mỹ Châu, tập cho cô ca vọng cổ và giới thiệu thu thanh trên Đài Phát Thanh Saigon. Mỹ Châu ca bài vọng cổ Bá Nha Tử Kỳ, được nhiều đoàn hát chú ý mời về cộng tác.
    Năm 14 tuổi, Mỹ Châu đi gánh hát Thủ Đô, hát vai đào ba.
    Năm 15 tuổi, bầu Long Kim Chung ký contrat, đón Mỹ Châu về cộng tác với đoàn Kim Chung 2, hát với nghệ sĩ Minh Cảnh và nữ nghệ sĩ Diệu Hiền. Từ một cô gái chỉ biết ngâm thơ hậu trường và hát các vai đào ba, Mỹ Châu trở thành đào nhì trong gánh hát đại ban Kim Chung.
    Nhờ nghệ sĩ Minh Cảnh chỉ cách luyến láy khi ca vọng cổ, nghệ sĩ Diệu Hiền dạy Mỹ Châu về diễn xuất nên một thời gian ngắn sau đó, Mỹ Châu được đóng vai chánh, hát cặp với nghệ sĩ Minh Cảnh, Diệu Hiền được bố trí hát ở đoàn Kim Chung 3 với kép Thanh Hải.
    Tết năm 1965, Mỹ Châu và Minh Cảnh hát tuồng Trinh Nữ Lầu Xanh, Mỹ Châu vào vai Mai Thảo, cô gái ngây thơ bị quan Huyện cưỡng hiếp mang thai rồi lại bị vợ lão huyện quan đánh đập tàn nhẫn. Minh Cảnh thủ vai Trọng Nghĩa, một nông dân chất phác, thương người cô thế nên cứu giúp, nhận là cha đứa bé trong bụng Mai Thảo nên nàng khỏi bị vợ của lão tri huyện giết. Mỹ Châu và Minh Cảnh trong hai nhân vật trên đã thi thố tài năng ca ngâm thật tuyệt vời.
    Chất giọng của Mỹ Châu thật độc đáo, không ai giống mà cũng chẳng giống ai. Giọng hát của Mỹ Châu có giọng thổ như Thanh Nga, giọng ca trầm, rất trầm, xuống thấp hơn hò tư dây đào, giọng quá trầm nên càng xuống thấp lời ca nghe càng rõ. Vọng cổ là một bài ca tự sự, kể chuyện nên càng tỉ tê, lời ca nghe như rót mật vào lòng khiến cho người ta có cảm giác như Mỹ Châu tâm sự với riêng mình nên mới bị say mê. Mỹ Châu ca trầm tới mức khó ai ca được và chính vì vậy mà giọng ca độc đáo đó thu hút người nghe như có một sức mạnh huyền bí.
    Sau năm 1975, Mỹ Châu hát với nghệ sĩ Tuấn Thanh trong đoàn cải lương Trúc Giang với vở tuồng Vòng Cưới Anh Trao. Mỹ Châu cũng thâu hút một số khán giả kỷ lục. Sau đó, Mỹ Châu hát qua các đoàn cải lương Saigon 2, đoàn Phước Chung, đoàn 2/84, đoàn Trần Hữu Trang. Năm 1992, Mỹ Châu từ giã sân khấu về ở nhà số 152 đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh.
    Mỹ Châu thành hôn với nghệ sĩ Đức Minh vào năm 1989. Nghệ sĩ Đức Minh được con riêng của anh bảo lãnh sang định cư tại Hoa Kỳ vào tháng 8 năm 2001, và Đức Minh bảo lãnh cho Mỹ Châu cùng định cư tại Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2003.

    Theo Nguyễn Phương.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. minhle
    Avatar của minhle
    Cô Mỹ Châu hóa trang đẹp quá! Thanks cô Mai
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  9. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    Các đoàn cải lương NSUT Mỹ Châu từng tham gia :

    * Tiếng Chuông
    * Lan và Được
    * Thủ Đô
    * Kim Chung 1 và 2
    * Thái Dương (Trước năm 1975)
    * Sài Gòn 1 và 2
    * Hương Dạ Thảo
    * Thanh Nga
    * Hương Biển
    * Trúc Giang
    * Văn Công Thành Phố
    * Sông Bé 2
    * Sài Gòn 3
    * Kiên Giang
    * Hương Mùa Thu (sau năm 1975).
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  10. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    NS Mỹ Châu



    Chị về nước nhiều lần, nhưng chưa xuất hiện trên sân khấu, thế nhưng khán giả bắt gặp chị và ông xã đi ngoài phố, lập tức phát hiện ra “nữ hoàng tuồng võ hiệp Mỹ Châu”. Chị nói tình cảm của khán giả không thể nào phai nhòa trong lòng mình. Cách đây mấy năm, khi về nước lo đám tang cho người chị ruột, lúc đó NS Vũ Luân có xin phép chị tổ chức đêm diễn Mỹ Châu giã từ sân khấu, nhưng chị không nhận lời. Trên thực tế, sau 3 suất diễn năm 2001 vở Võ Tắc Thiên và Thái Bình công chúa, Mỹ Châu đã chính thức rời sàn diễn. Sang Mỹ định cư, từ đó chị cũng từ chối các lời mời của bầu sô. Chị muốn khán giả luôn giữ hình ảnh đẹp về cái thời cải lương còn hưng thịnh và những vai diễn nhớ đời của Mỹ Châu. Về nước chị tham gia công tác từ thiện, thăm hỏi bạn bè và quan tâm đến những hoạt động sân khấu. Hội Sân khấu TP.HCM dự định tổ chức chương trình tưởng nhớ soạn giả - nhà văn Ngọc Linh, có ý định mời NS Mỹ Châu – người diễn nhiều vở cải lương của Ngọc Linh trên sân khấu Văn Công TP.HCM, nhưng chị cũng chưa nhận lời.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

Trang 1/9 1 2 3 4 5 ... CuốiCuối
ANH EM CHANNEL