1. MEM
    Avatar của MEM
    BA MƯƠI NĂM MỘT VAI DIỄN



    Trên sàn tập Kiều Nguyệt Nga, các vị trí đào nhất kép chánh đã đâu vào đó, nhưng đạo diễn Lưu Chi Lăng - Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vẫn cứ đứng ngồi không yên. Vai lão bà - nghĩa mẫu của Nguyệt Nga đã qua ba lần bảy lượt thử, từ nghệ sĩ (NS) Như Ngọc đến NS Thanh Xuân đều không khiến chú Bảy (cách gọi thân mật của anh em trong Nhà hát gọi vị đạo diễn tài hoa này) gật đầu. Ông quay quắt: Coi còn ai nữa không vậy? Bất ngờ, NS Lê Thiện “bỏ nhỏ”, còn một người này mà “ông” không chịu nữa thì coi như…xong. - Ai ? - Ánh Hoa chứ ai…

    Một dáng vẻ chân phương, mềm mại ; một gương mặt nhân từ, mộc mạc và một giọng nói dễ khiến người nghe… cay cay đó lại bật cười đó. Chị chỉ bước qua mấy bước, cất nhẹ lời thoại rồi vô bài Mẫu tầm tử, vẻ mặt của đạo diễn họ Lưu giãn ra. Má Bảy Phùng Há tấm tắc ưng ý.

    Ba mươi năm cho một vai diễn vốn không có một cái tên riêng, chẳng đủ lấp kín trang giấy trong kịch bản, nhưng cái tên Ánh Hoa đã chạm khắc vào lòng công chúng mộ điệu bằng một “tượng đài” rất riêng. Khán giả trong hay ngoài nước hễ hỏi thăm Kiều Nguyệt Nga - tôi đều luôn dành sẵn cái ân tình với vai lão bà – là chị. Cũng 30 năm, Kiều Nguyệt Nga tái diễn nhiều lần, khi trọn vở khi trích đoạn, khi Lục Vân Tiên - Ngọc Giàu, khi Lục Vân Tiên - Thanh Sang, Lục Vân Tiên - Minh Thiện, nhưng một dấu chấm không thay đổi, cho tôi sự an lòng và hòa hợp nhất, đó chính là chị. Như Ngọc Giàu, chị giữ cái duyên của Trời cho, của Tổ đãi thật bền bỉ. Những vai diễn chỉ thóang qua nhưng ở lại, ấn chứng cho cả một đời ca kỹ. Chị ca Mẫu tầm tử với đúng trường độ gọn gàng, những lúc cần cao độ vừa duyên dáng, vừa chân chất. “…Ôi câu chuyện của nó rất đỗi thương tâm… Nước trôi sự nghiệp công danh hoa tàn…thương cho nó chưa tròn đôi lứa”… Cái giật mình vì lỡ “nhiều chuyện” với quan quốc trạng, để hớ ra thân phận của Nguyệt Nga, chị khiến khán phòng bật cười.


    Ánh Hoa là con nhà nòi, cha mẹ đều là đào kép từ thời Năm Phỉ - Phùng Há. NS Ánh Nguyệt - mẹ chị đang Hát ở Bến Tre thì chuyển dạ, suýt chút sinh con gái ngay bên cánh gà. Ánh Hoa lớn lên trong đoàn hát, học tuồng trước cả học chữ. Bảy tuổi đã ra sân khấu. Năm 14 tuổi, Ánh Hoa vào vai chính của vở Đầu xanh vương khổ hận và phải lòng kép Minh Chí. Ông vua xàng xê này ngoài 30, đã qua ba đời vợ, cưới cô vợ trẻ Ánh Hoa chưa được mấy ngày thì báo chí rần rần, tòa lập công khai xử Minh Chí tội cưới trẻ vị thành niên. Tại tòa, Ánh Hoa thật thà nói, tại tui thương ảnh, ảnh cũng thương tui, chứ có ai dụ dỗ ai đâu mà tòa bắt tội. Mấy tháng sau, xử án phúc thẩm, vị chánh án vừa thấy “người bị hại” đã thốt lên: “Bụng bầu vậy thì còn xử cái gì nữa hả trời !”. Minh Chí bị kêu sáu tháng tù, Ánh Hoa mang cái bụng bầu gần sáu tháng cứ ngày ngày ra vô khám. Hôm chồng về, con đã biết cười toe toét nịnh cha…

    Khoảng những năm 1991 – 1992, Trần Anh Hùng trở lại quê nhà để làm phim. Mùi đu đủ xanh (L’Odeur de la papaye verte) là cả miền ký ức tuổi thơ của chàng đạo diễn gốc miền Trung này. Vai nữ chính (Mùi lúc nhỏ và lớn) đều đã tìm được diễn viên; chỉ có nhân vật bà Ti thử hoài mà chưa được. Một đạo diễn truyền hình “mai mối” cho Trần Anh Hùng một gương mặt…Những tấm hình chụp nhiều gốc cạnh, cảm xúc đã gửi qua Pháp, ngay lập tức Ánh Hoa gia nhập phim trường. Trước ngày qua Pháp hai tháng để quay, ông đạo diễn “mai mối” kia còn dặn dò: “ Chị nhớ đây là điện ảnh, không được diễn quá lố như sân khấu đó nghen!”. Chị cười, gật đầu, mang theo lời dặn dò chất phác ấy vào trường quay Bry ở đại lộ Europe - Paris.

    Lần đầu xuất ngoại đóng phim, thiệt mắc cười hết chỗ nói. Cô diễn viên đóng vai Mùi lúc nhỏ là Man San Lu, người Pháp gốc Á, không biết một câu tiếng Việt. Cả đoàn phim, hết Trần Anh Hùng rồi chị - vai bà ngoại của Mùi đánh vật dạy có mấy câu “bà ngoại ơi…”, “má của con…” mà Lu vẫn không thể phát âm chuẩn. Cuối cùng, chị lanh trí bảo, “tình huống, tâm lý gì cũng nắm ráo trọi, chỉ mỗi cái “tội” phát âm. Thôi, cứ để cho con nhỏ nói, lúc nào nó… ngưng thì tui nói, tui ngưng nó nói… Tui hiểu nó mà!”.

    Trước đó, Ánh Hoa đã làm quen với Người tình ( L’Amant). Trên bảng chữ, cái tên Ánh Hoa khiêm tốn lướt qua thôi, nhưng đôi lần cũng mang lại tiếng xì xào: “Kiểu này bà Ánh Hoa đi đóng phim riết, không chừng bỏ luôn ông Minh Chí ở nhà rồi!”. Ông vua xàng xê cười, gật gù “tui biết vợ tui mà”. Không biết sao được khi ngày cầm giấy hợp đồng đóng phim ngoại, bà dỗ ông, tui đi đóng phim, có tiền mình trả hết tiền nhà ha ông! Căn nhà nhỏ mua trả góp mỗi tháng trừ vào lương ở đoàn hát, thiếu thốn quá, bà xoay ra bán cơm tấm. Thế mà hạnh phúc hết biết đó nghen…

    ***


    * Cả đời, có vai nào chị đóng mà …dữ dữ chút không?
    - Chịu, không có em ơi. Hình như đóng không vô nên đạo diễn không mời. Nhưng cũng có được hai vai…sang sang chút là trong Đồng tiền xương máu và Gọi giấc mơ về, còn nhiêu nghèo dữ dằn luôn đó !

    * Đóng phim riết, có khán giả bảo, cô Ánh Hoa đóng phim hay mà cũng biết hát cải lương nữa !
    - Khán giả đâu ngờ, chị từ cải lương mà ra. Cũng nhờ vai bà lão trong Kiều Nguyệt Nga, nhũ mẫu trong Thái hậu Dương Vân Nga mà chị làm nghề tới giờ đó chứ.

    * Thím Tám Nhị Kiều vì thương ông Tám Vân mà thành soạn giả nổi tiếng. còn chị, duyên nợ với ông Minh Chí cả đời…
    - Nói vui, hồi trước khi thương ổng, chị nổi tiếng rần rần. Theo ổng về, khán giả quên mình luôn. Ổng mất mười mấy năm nay, tự dưng phim ảnh mời đóng phim liên hồi, coi như…”nổi trở lại”, hả em! Chị với ổng hả? Trước nay đâu biết uống cà phê. Mười bốn năm nay, ngày nào cũng đốt nhang, pha cà phê cúng buổi sáng cho ổng, bỏ tiếc, chị uống luôn, giờ thành có tật… uống cà phê cúng!

    Sinh thời, khi nhận làm “cố vấn” cho bất kỳ một vở diễn nào, NSND Phùng Há đặc biệt chăm chút cho những vai… bé nhỏ. Bà bảo, những đào nhất, kép chánh bước ra sân khấu hẳn nhiên đã được khán giả dành sẵn cho tình thương; còn những vai tiểu đồng, lính canh, bà vú… ít có cơ hội, cho nên mỗi lần xuất hiện, dù thoáng qua, cũng chăm chút sao để khán giả nhớ mà thương họ. Tại sàn tập, bà ân cần chỉ dạy cho những vai chính. Riêng những vai đặc biệt… thứ, bà đem về nhà, uốn nắn từng chút một.

    Một bài học lớn từ những câu chuyện nhỏ, việc làm nhỏ. Một nhân cách làm nghề đáng quý từ những vai diễn thầm lặng.

    Tết Canh Dần này, NS Ánh Hoa bước vào tuổi 70. Tổ không phụ lòng người, sáng sớm mai, chị lại theo xe đoàn phim lên Củ Chi, đóng minh họa cho album ca nhạc của ca sĩ Nguyên Vũ. Đóng minh họa nên không phải học lời thoại, già rồi, nhớ nhớ quên quên, sợ làm khó tụi nhỏ… Chị nói, khoát khoát tay, cười dung dị, ba mươi năm nay, trong tôi vẫn là hình ảnh ấy…


    NSƯT Bạch Tuyết
    Theo Báo Phụ Nữ Tp.HCM Xuân 2010

    www.nsbachtuyet.com
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL