1. MEM
    Avatar của MEM
    Lệ Thủy - Tiếng hát phi thời gian



    Khi tôi có dịp hỏi Hương Xuân, nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng của thành phố, là thuở nhỏ Hương Xuân đã có những năng khiếu gì về nghệ thuật, cô cho biết là cô thích hát và đã tập hát theo những bài bản cổ nhạc phát trên đài phát thanh do Lệ Thủy trình bày. Một lần nữa tôi lại đặt câu hỏi tương tự với Thanh Kim Huệ và câu trả lời vẫn là: Lệ Thủy. Tôi chưa có dịp để thử làm một cuộc điều tra xã hội học về ảnh hưởng của giọng ca Lệ Thủy trên số khán giả cải lương, nhưng chắc chắn là giọng hát đặc biệt ấy đã làm rung cảm hàng triệu tâm hồn.

    Lệ Thủy tên thật là Trần thị Lệ Thủy, sinh ngày 20-5-1948 tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Cửu Long.

    Không kể những vai và những vở cô đã diễn trên sân khấu Đoàn Kim Chung với tư cách là đào chánh, từ sau năm 1975, Lệ Thủy đã có mặt trên sân khấu của các đoàn: Sài Gòn 2, Văn Công Thành Phố, 284. Và trong kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1980, cô đã nhận được huy chương vàng với vai Xuân Hồng trong vở Tiếng Sóng Rạch Gầm. Ngoài ra, Lệ Thủy còn cộng tác với đài phát thanh và vô tuyến truyền hình trong những chương trình ca cổ.

    Bây giờ khi phải nhớ lại những ngày thơ ấu của mình, ấn tượng sâu đậm nhất khắc ghi trong lòng Lệ Thủy là sự nghèo khó, đến mức nhiều đêm đứng trước những tràng vỗ tay của bao nhiêu khán giả ái mộ cô vẫn tưởng hiện thực như một giấc mơ dài.

    Hoài niệm của Lệ Thủy về nơi chôn nhau cắt rốn đã phần nào nhạt nhòa, cô chỉ nhớ được là hồi đó mẹ làm nghề chằm lá, cha làm thuê cho người ta mà không kiếm đủ cái ăn. Và rồi cả căn nhá rách nát cũng không ở lâu với gia đình cô, nó đã làm mồi cho lửa trong một đám cháy đến nổi cả tờ giấy khai sinh cũng không còn! Thế là mẹ phải ẵm Lệ Thủy (lúc đó mới 3 tuổi) lên Sài Gòn kiếm sống.

    Ban đầu, qua sự giới thiệu của bạn bè, mẹ Lệ Thủy đi làm mướn tại một nhà nọ, được một thời gian chủ nhà e rằng Lệ Thủy sẽ đánh lộn với con người ta nên thôi không thuê nữa! Thế là lại thất nghiệp. Một người bạn khác lại giúp đỡ tiền bạc để mẹ cô làm bánh tầm, bánh bèo, bánh da lợn bán rong. Rồi người cha từ dưới quê lên, xin được một việc làm tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Cả nhà ky cóp, mua được một căn nhà nhỏ ở khu Tôn Đản – Khánh Hội. Mẹ chuyển sang nấu cơm tháng cho công nhân khuân vác bến tàu, còn Lệ Thủy thì vừa đi học tại trường tiểu học Khánh Hội vừa phụ mẹ vào việc buôn bán cũng như việc nhà. Lúc đó Lệ Thủy hoàn toàn chưa có một sự biểu lộ nào về khả năng ca hát. Cũng như những bé gái cùng tuổi khác, Thủy chỉ biết hát những bài hát ru em ù ơ, ví dầu… và cũng bập bẹ những câu vọng cổ nghe loáng thoáng trên đài, không cần nhịp điệu miễn sao cho em mau ngủ là được. Nhưng có một hôm, Thủy ẵm em ra chợ Cầu Cống, đút cơm cho em ăn. Bên hông chợ có một tiệm sửa radio, máy hát… và Thủy bỗng nghe giọng Thanh Hương hát bài Cô Bán Đèn Giấy Hồng:

    Trống Quân
    Đèn em (này) phất giấy hoa hồng
    Đêm Xuân (này) treo chốn thư phòng thêm vui
    Lối
    Năm ấy em vừa mười bốn
    Tuổi thanh xuân chưa biết rộn ràng
    Cứ mỗi độ mai vàng nở nhụy báo xuân sang
    Là mỗi độ em mang đèn ra chợ bán…
    Vọng Cổ
    … Khách du xuân tấp nập ở… ven đường.
    Em tựa thân cây dừa ven sông lạnh để rao hàng.
    Mái tóc chấm ngang vai em chưa biết cài suông sẻ
    Em chưa biết niềm sầu mộng đau thương
    Chỉ ngây thơ nhìn theo tua tụi chiếc đèn lồng phất phơ trước gió…


    Giọng hát sắc trong, lãnh lót của người đào chánh nổi tiếng một thời ấy đã thu hút, đã mê hoặc Lệ Thủy, khiến cho cô bé lắm lúc quên cả cho em ăn. Còn bài hát thì lại tươi vui, nhẹ nhàng, phơi phới như chính tâm hồn cô thơ trẻ. Và, thế là chiều nào cũng vậy, Thủy lại ẵm em ra đứng dựa cột đèn, cạnh ngôi hàng nọ, chờ nghe tiếng hát Thanh Hương với bài Cô Bán Đèn Giấy Hồng. Nghe mãi Thủy thuộc lòng bài hồi nào không biết. Rồi về nhà ru em, cô bé lại ngâm nga bài ca, nhịp này sang nhịp nọ. Cô bé cứ hát vang vang trong khu xóm lao động, lẫn vào với đủ mọi thứ âm thanh xô bồ. Có nhiều chú, nhiều bác công nhân gật gù khen con nhỏ ca có giọng. Nhưng, những lời khen ngợi đó chỉ làm cho cô bé càng thêm mắc cỡ, cô hoàn toàn chưa bao giờ dám ước mơ là một ngày nào đó cũng sẽ được như cô Thanh Hương, người đào hát đã đi vào giấc mơ của Thủy như bà tiên trong những câu chuyện kể. Và những lời khen ngợi đó đã, một thành mười, trở thành những lời đồn đại.

    Tiếng đồn ấy đến tai anh Tư Long đang coi sóc một ban ca thiếu nhi trong xóm. Anh đến chơi, nghe thử và mời Thủy vào ban văn nghệ, nhưng không hiểu sao lúc đó cô bé lại chối ngoay ngoảy nói em sợ lắm, không dám đi hát đâu! Vì thậm chí ngay ở trường Thủy cũng không hề lên sân khấu trong những buổi liên hoan, văn nghệ nhà trường. Thế là anh Tư Long đành thui thủi đi về! Nhưng một hôm, Thủy gặp ban văn nghệ thiếu nhi đang hát mừng trong một đám cưới, cô bé tò mò ghé vào xem. Điều mà Thủy thích nhất là ban văn nghệ được bà con hết lòng khen ngợi và nhất là lại được thưởng tiền nữa! Bỗng dưng cô bé thấy tiêng tiếc. Phải chi nghe lời anh Tư đi hát thì bây giờ có chút đỉnh mang về khoe với mẹ rồi! Mà tụi nó hát đâu có hay hơn mình! Cho nên khi lần sau anh Tư ngõ lời, Thủy nhận lời liền không đắn đo như trước nữa. Ngặt một điều là việc nhà bận quá! Cô bé tự sắp xếp: sáng học chữ, trưa chiều phụ mẹ, còn tối thì theo đám bạn trong ban văn nghệ đến nhà ông Năm Truyền hớt tóc ở kho 5 là người biết đờn ca tài tử để học những bài bản nhỏ như Lý‎ Con Sáo, Lưu Thủy, Hành Vân… và bài ruột của cải lương là Vọng Cổ. Lệ Thủy học sáng dạ, mau biết, 2 ngày ca được 6 câu và cô nhịp mau. Nhưng sang đến những bài bản lớn như Phú Lục, Lưu Thủy Trường, Nam Ai, Nam Xuân… thì phải chạy đến học ở bác Tám Đen cũng là một nghệ nhân ca tài tử. Từ đó, “đào” Lệ Thủy theo “gánh hát” của “ông bầu” Tư Long đi “lưu diễn” vòng vo trong xóm ở những đám ma, đám cưới. Bây giờ, Thủy thường xuyên đi coi cải lương các đoàn Hoa Sen, Minh Chí – Việt Hùng, Thanh Hương – Hùng Minh, Kim Chưởng… nhưng trong đầu óc cô bé vẫn không bao giờ thấy lóe lên ý nghĩ là sẽ trở thành đào hát.

    Một điều không may đã xảy ra với Lệ Thủy sau đó song đã rẽ cuộc đời cô sang một hướng khác. Số là năm đó Lệ Thủy xong tiểu học sắp thi vào đệ thất (lớp 6 bây giờ) nhưng vì không có giấy khai sinh (đã mất trong vụ cháy nhà năm nọ) nên không thể tiếp tục được việc học. Nhìn thấy gia đình túng bấn, đàn em nheo nhóc, Lệ Thủy có ý định xin đi một đoàn hát nào đó để kiếm tiền giúp mẹ nuôi em. Khi nảy ra ý này Thủy cũng đã cân đo khả năng của mình mà chủ yếu dựa vào những lời đánh giá của bà con trong xóm. Thủy thường nghe bà con trầm trồ là con nhỏ này hát có giọng, rồi đây sẽ có tương lai…

    Rồi qua sự giới thiệu của một người quen, Thủy đến đoàn Thống Nhất mới thành lập. Tại đây người ta yêu cầu cô ca thử giọng rồi bà bầu gánh hỏi địa chỉ Thủy, nói là có gì sẽ kêu. Cô bé 12 tuổi sớm mang vào tâm tư những hệ lụy cuộc đời ấy ra về vừa âu lo, vừa hy vọng. Nhưng ngày tháng qua đi trong sự chờ đợi mỏi mòn, cô không nhận được một hồi âm nào. Chưa bao giờ Thủy thấy chán nản và tuyệt vọng, thậm chí nghi ngờ chính bản thân mình đến như vậy! Nhưng rồi, cô bé cũng kịp trấn tỉnh lại để nhận ra rằng không được đường này ta đi ngõ khác, và Thủy được giới thiệu làm con nuôi nhạc sĩ Mười Của đoàn Trâm Vàng. Lúc đó đoàn đang tập tuồng tại Biên Hòa. Và giờ đây Lệ Thủy còn nhớ hôm mẹ tiễn lên Biên Hòa, mẹ chuẩn bị cho Thủy 3 bộ đồ bà ba, 1 chiếc mùng nhỏ, 1 tấm khăn lớn để đắp. Mẹ cho Thủy biết bà con thấy Thủy theo gánh hát thì không ưng chút nào vì trồng trầu trồng lộn dây tiêu, con theo hát bội mẹ liều con hư, nếu cần thì bà con sẽ giúp đỡ cho làm ăn, nhưng mẹ không muốn. Rồi, Thủy khóc, mẹ khóc, nhà mình nghèo, con đi cố gắng mà làm ăn nghe con! Không biết cảnh tiễn biệt ấy có tác động đến Lệ Thủy hay không, thế nhưng sau này, khi lớn lên đã nên danh nên phận, lúc hát thu dĩa cho hãng Asia bài Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Lệ Thủy đã hát thật tuyệt vời diễn tả cảnh chia ly của đôi bạn tình chung. Trong bài hát hôm nay chắc chắn có nỗi nghẹn ngào của lần chia cách đầu đời:

    Lưu Thủy Hành Vân
    Sương trắng nhuộm rừng phong vấn vương
    Đưa tiễn em lên đường
    Nam Sơn đây chốn chia tay phản hồi gia trung
    Hoa lá bay rơi rụng theo dòng
    Oanh yến vang lời ca tiễn đưa
    Đôi mắt hoen lệ mờ
    Bao phen toan nói với ai những lời mai sau
    Nhưng bỗng dưng anh lại nghẹn ngào
    Vọng Cổ
    Suối biếc dãy Nam Sơn cuốn theo từng bông hoa rụng, đánh dấu buổi phân ly của Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
    Cầm tay nhau trong nức nở ai hoài…


    Nhưng mới lên Biên Hòa được 3 ngày lại thấy sợ và chán! Đoàn Trâm Vàng về Sài Gòn, diễn ở rạp An Lạc, nản quá Thủy mò về nhà định bỏ luôn không đi theo gánh hát nữa, nhưng thấy cảnh nhà túng bấn nên đành lại miễn cưỡng ra đi. Bấy giờ đoàn chuẩn bị đi lưu diễn xa mà xe đoàn dành cho vợ chồng Mười Của lại không dư chỗ để có thể nhét Lệ Thủy vào, chẳng lẽ lại ngồi lên chân ông Mười, bà Mười đi xa chịu sao thấu? Cho nên Mười Của mới giới thiệu Thủy cho những đào kép chánh trong đoàn làm em nuôi sai vặt. Họ lại có xe riêng đi sướng hơn! Thế là từ đó trên bước đường lưu diễn, Thủy trở thành “cần vụ” gần gũi vời những khuôn mặt tên tuổi. Hàng ngày cô bé đi xách cơm cho họ, hoặc đi mua cà phê, gói thuốc nghĩa là tất cả những việc linh tinh, lặt vặt trên đời mà đào kép chánh thì lại thường hay có nhiều nhu cầu lẻ mẻ như vậy. Những lúc rỗi rảnh, Thủy được ông Mười Của dạy hoặc tập thêm bài hát. Nhưng có lẽ điều thích thú nhất của Thủy vẫn là đứng bên cánh gà sân khấu, nhìn các diễn viên biểu diễn. Cô bé mở to đôi mắt, say sưa đắm chìm trong cái thế giới mộng ảo của những lời ca, tiếng hát, của những phông màn biến đổi, những màu sắc ánh sáng huyền hoặc của bao nhiêu ánh đèn sân khấu. Và những bài ca, nét diễn không biết tự lúc nào đã đi vào trí nhớ của Thủy, thế là mỗi lần trên đường đi lấy cơm cho các anh nuôi, chị nuôi Thủy lại tập diễn, tập ca như các diễn viên ấy trên sân khấu.

    Cho đến một hôm nọ, Lệ Thủy được chính thức góp tiếng vào buổi diễn bằng cách ngâm những đoạn thơ ngắn trong hậu trường làm nền cho cảnh diễn ngoài sân khấu. Và sau buổi diễn bé Thủy được cho 10đ/xuất. Số tiền đó kể ra quả thực là ít ỏi song điều sung sướng nhất của Thủy ấy là lần đầu tiên trong đời kiếm được đồng tiền bằng chính sức lao động của mình trên sân khấu chuyên nghiệp; đồng thời Thủy cũng nhận thấy rằng việc người ta nhờ mình ngâm thơ như vậy tức là người ta có chú ý đến mình; nếu giọng mình không hay thì người ta nhờ làm chi? Rồi một sự tình cờ xảy ra. Lúc ấy đoàn Trâm Vàng đang lưu diễn ở Pleiku, khi đến vở Tôi Không Làm Hoàng Hậu thì cậu diễn viên thiếu nhi trong đoàn chuyên đóng những vai con bị… bể tiếng! Và người ta phải nhờ bé Thủy giả trai đóng thay. Thủy không cần phải tập vì vở này xem đã thuộc lòng từ vai người lớn đến vai trẻ con. Nghe nói diễn thế Thủy chẳng một chút lo sợ. Nhưng vai diễn chuyên nghiệp đầu tiên trong đời Lệ Thủy lại có sự cố. Trong Tôi Không Làm Hoàng Hậu, Thủy đóng vai con của người hề. Lẽ ra khi tên quan gian ác định giết cha cậu thì cậu cản lại và hát vọng cổ:

    - Khoan ông ơi! Xin ông tha cho cha tôi được toàn tính mạng thì ân nghĩa này xin ghi tạc đến muôn đời… nhưng vì khớp và vì thuộc quá nhiều bài hát nên Thủy quên khoáy, hát ngay điệu xàng xê mà cô đã thuộc lòng khi nghe đào Thanh Hương hát trong một vở khác:

    - Khoan ông ơi! Xin ông hãy thu hồi án lịnh, tôi bằng lòng làm vợ của ông... hát đến nửa câu, Thủy thấy trật, hoảng quá không biết làm sao bèn nói cương: để cho cha tôi sống đặng cha tôi làm… Và khán giả cười ồ, thông cảm cho “cậu bé” mà họ không ngờ rằng sau này sẽ trở thành một diễn viên sáng chói trên sân khấu cải lương. Bản thân đoàn Trâm Vàng cũng lưu ý đến Thủy, nâng đỡ cô bé trên bước đường nghề nghiệp. Sau chuyến đi lưu diễn dài ngày ở miền Trung, đoàn về diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo Sài Gòn, Lệ Thủy được hãng dĩa Việt Hải mời thu vai tiểu đồng trong tuồng Quan Âm Thị Kính, rồi hãng Asia mời thu bài Nấu Bánh Đêm Xuân (ca chung với Hữu Phước). Sau đó, đoàn lại đi tỉnh diễn, vì thiếu người Lệ Thủy được nâng lên đào nhì trong vở Máu Lệ Rắc Sơn Khê và thỉnh thoảng hát thế khi đào chánh nghỉ.

    Từ những năm 1960-1963 Lệ Thủy được nhiều đoàn mời cộng tác, nhưng cuối cùng thì về đoàn Kim Chung. Lúc đầu cũng chỉ là đào nhì, nổi bật nhất trong vai Tố Tâm vở Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, được khán giả ái mộ bởi giọng hát lạ, chất phác. Và hãng dĩa Asia đã bắt được ngay chất giọng lạ lẫm, mới mẻ đó, mời Lệ Thủy thu bài ca lẻ Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài. Dĩa hát bán rất chạy và tên tuổi Lệ Thủy nổi lên như sóng cồn. Thời gian này cô nhận được giải Thanh Tâm dành cho diễn viên trẻ nhiều triển vọng. Đến khi Kim Chung thành lập đoàn 3 thì Lệ Thủy lần đầu tiên chính thức được lên đào chánh (đóng cặp với Thanh Hải) trong vở Bẻ Bàng Duyên Mới.

    Kể từ 1964 cho đến 1975, Lệ Thủy tiếp tục giữ vững vị trí của mình trên sân khấu cải lương Sài Gòn. Cô đã 2 lần nhận được giải Kim Khánh dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất.

    - Lệ Thủy có thể cho biết tâm trạng của mình sau năm 1975 không?

    - Thú thật là tôi rất lo lắng, một nỗi lo lắng mơ hồ lẫn lộn giữa những cái riêng, chung. Nhưng khoảng chừng một tháng rưỡi sau, thấy được sự ưu ái đối với những anh chị em nghệ sĩ cũ như chúng tôi, khiến cho tôi được an tâm hơn, nhất là lần đầu tiên được hát ở đài phát thanh.

    - Chị có thể cho biết bài hát đầu tiên ấy?

    - Đó là bài Tà áo tím. Tôi hát chung với anh Minh Phụng.

    - Và bài hát Lệ Thủy thích nhất?

    - Dòng Sông Quê Em, hát chung với Thanh Tuấn.

    - Lệ Thủy có thể cho biết vai diễn và vở diễn đầu tiên sau năm 1975?

    - Đó là vai Cẩm Nhung trong Lỡ Bước Sang Ngang trên sân khấu của đoàn Sài Gòn 2.

    - Và đối với các nhân vật đã thể hiện, Lệ Thủy thích nhất nhân vật nào?

    - Tô Ánh Nguyệt trong vở diễn cùng tên trên sân khấu của đoàn nghệ sĩ cải lương thành phố 2-84. Đó là vai diễn mà Lệ Thủy thích nhất vì mình cảm thấy gần gũi với nhân vật, có sự cảm thông về số phận của người nữ trong xã hội, đồng thời thông qua việc biểu diễn Lệ Thủy cũng mong muốn đời sống tinh thần của người phụ nữ luôn luôn được nâng cao hơn.

    - Lệ Thủy có nghĩ rằng những công việc gia đình, vai trò của người mẹ đã ảnh hưởng đến hoạt động của người diễn viên?

    - Trong trường hợp của Lệ Thủy thì không thấy có sự trở ngại nào. Dù có bận gì Thủy cũng luôn dành thì giờ để chăm sóc con cái, theo dõi việc học hành của chúng, và nhiều mặt khác.

    - Trong số các cháu có đứa nào có thể đi theo con đường của mẹ không?

    - Có cháu thứ ba năm nay được 8 tuổi. Thủy để ý thấy cháu hát có giọng lắm nhưng việc đầu tiên là phải học văn hóa cái đã. Ngẫm lại thời bé thơ của mình Thủy thấy cần phải cho con cái ăn học đàng hoàng khi mình còn có thể lo cho chúng vì có trình độ học vấn thì làm nghệ thuật mới cao được. Đó là kinh nghiệm khá cay đắng của đời Thủy.

    - Và có khi nào Lệ Thủy mỏi mệt muốn rời sân khấu không?

    - Con người ai lại chẳng có những lúc chán nản, uể oải phải không anh? Có lúc Lệ Thủy tưởng rằng đã rời bỏ sân khấu vì biết bao nhiêu điều chán ngán chung quanh, thế nhưng khi nghĩ đến khán giả, nghĩ đến những tình cảm nồng nhiệt bà con đã dành cho mình Thủy lại nhận thấy trách nhiệm của mình và lại tiếp tục đứng lại trên sân khấu.

    Lần diễn ở Tây Âu phục vụ bà con Việt kiều tháng 2-1984 đã để lại trong lòng Thủy niềm xúc động mãnh liệt. Vở diễn đã chấm dứt, màn hạ rồi nhưng bà con vẫn tiếp tục vỗ tay khiến cho chúng tôi phải ra chào đáp nhiều lần. Đến khi ra xe về, bà con lại đứng bên đường vẫy tay tiễn đưa. Xe chạy rồi, Thủy ngoái nhìn lại vẫn còn thấy bà con nhìn theo, chưa chịu đi.

    Đã qua bao nhiêu năm tháng kể từ khi lần đầu tiên tôi tình cờ nghe giọng ca Lệ Thủy. Chúng tôi thuộc vào thế hệ của những người bị tràn ngập bởi dòng nhạc Rock and Roll và ca nhạc cải lương đối với chúng tôi là một cái gì đó không được phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ! Ấy vậy mà hôm ấy ở nhà một người bạn thuộc một khu phố nghèo của thành phố Đà Lạt tôi đã bị hấp dẫn bởi giọng hát trong trẻo, hồn nhiên, không kiểu cách, không có lấy một chút cố gắng nào để phô trương kỹ thuật, hát như chơi, hát như ăn, như ngủ… Và rồi, Lệ Thủy, tên người ca sĩ đó đã gắn vào tâm trí của tôi mỗi khi nghĩ đến sân khấu cải lương, như hai vế của một phương trình. Bây giờ, tôi vẫn thường nghe giọng hát của cô bất kỳ đâu đó trong thành phố. Âm sắc có chững chạc hơn nhưng cái chất pha lê trong vắt như có thể nhìn thấu suốt được tâm hồn người hát thì vẫn vậy. Tiếng hát khiến cho người nghe được an ủi, khiến cho trong phút giây tôi có thể tưởng chừng như tìm thấy lại những tháng ngày trẻ thơ đã mất.

    Giờ thì tôi đã có dịp được gặp cô lần đầu tiên trong đời và tôi hiểu được tại sao giọng ấy lại có được cái sức mạnh khêu gợi hồi ức như vậy. Tôi nghĩ đến những ngày thơ ấu của cô, đến những lúc cô ê a hồn nhiên hát ru em, đến cái tuổi lẽ ra phải sống trong mộng mơ thì đã sớm chất nặng những ưu tư kiếm sống trên đời. Tất cả những não nề đó đã được cất lên bằng lời kêu gọi, hoài nhớ thơ ngây. Bây giờ Lệ Thủy đã sắp bước vào cái tuổi 40, nhưng tôi vẫn còn có cảm giác rằng giọng hát của cô rồi sẽ vượt qua tuổi tác trong một thời gian khá lâu vì bởi, qua suốt một chặng đường dài, nó đã chứng tỏ cho thấy cái tính phi thời gian của nó.

    Theo Phạm Thùy Nhân - Dưới Ánh Đèn Sân Khấu
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL