1. MEM
    Avatar của MEM
    Bài viết về cô thì có lẽ đã quá nhiều. Chuẩn bị cho show diễn riêng cuối cùng, nhà báo Cát Vũ đã có loạt bài viết về chị. Cái tựa đúng là đặt hay quá vì đã nghe rất lâu chữ "mút mùa Lệ Thủy" nhưng giờ mới có bài dùng từ này làm tự đề. hihi

    Cải lương Số xin post lại cho bà con cùng xem và cùng mua vé ủng hộ show diễn của cô nhe! Chúc show diễn thành công tốt đẹp!


    ....................................

    Nghệ sĩ ưu tú Lệ Thuỷ: Nửa thế kỷ “mút mùa” tiếng hát



    Bài 1: Tuổi thơ khó nghèo và giọng ca thiên phú

    Vào ngày 31.3 tới tại nhà hát Bến Thành, chương trình Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thuỷ diễn ra như liveshow cuối cùng mà chị làm cho riêng mình, bởi sức khoẻ không cho phép chị tiếp tục “hát sống” suốt một thời lượng như vậy trước khán giả nữa.

    Cuốn hồi ký với tên gọi Nghiệp cầm ca cũng đã được chuẩn bị khá lâu nhưng vẫn còn dang dở. Nhân dịp này, trong một vài kỳ báo ngắn ngủi, Sài Gòn Tiếp Thị xin gửi đến độc giả đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của một nghệ sĩ mà đặc điểm giọng hát đã được dân gian khắc ghi bằng bốn chữ: “mút mùa Lệ Thuỷ”.


    Ảnh: Đình Trí

    Nghệ sĩ Lệ Thuỷ tên đầy đủ là Dương Thị Lệ Thuỷ, sinh ngày 20.5.1948 tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nông dân nghèo, cha làm ruộng mướn, mẹ sống bằng nghề chằm lá. Khi ngôi nhà lá nhỏ bé ven sông của gia đình chẳng may bị thiêu rụi, cô bé Lệ Thuỷ lúc ấy chưa tròn ba tuổi, được mẹ dắt lên Sài Gòn kiếm sống. Người cha vì sợ bị bắt lính nên ở lại quê tá túc nhà bà con.

    Bệ đỡ đầu tiên

    Lên Sài Gòn, được một người quen thương tình cho ở đậu, ngày ngày Lệ Thuỷ xách ghế theo ngồi phụ mẹ làm bánh tằm, bánh chuối, bánh da lợn đem ra chợ Cầu Cống, Khánh Hội (quận 4) bán. Một thời gian sau, tích cóp được ít tiền, hai mẹ con thuê nhà đón ba cùng đứa em trai kế dưới quê lên. Cuộc sống ổn định dần khi gia đình chị dọn sang ngôi nhà lá mới mua, dù nhà chỉ đủ kê cái giường đôi làm chỗ ngủ cho cả gia đình, nâng thêm căn gác nhỏ cho phu bốc vác ăn cơm tháng nghỉ nhờ, còn cơi thêm cái chái làm chỗ cho “chị Hai” Lệ Thuỷ mắc võng ru em.

    Chị có cả thảy bảy người em, cộng thêm một đứa trẻ má nhận nuôi vú, tất cả đều do một tay “chị Hai”, lúc ấy mới chín, mười tuổi chăm giữ mỗi khi đi học về. Mỗi lần đút cơm, chị hay bồng em ra tận cầu cống, nơi có tiệm sửa radio, thường mở loa to cho cả xóm nghe những bài ca cải lương. Nghe bài nào, chị ca theo thuộc bài nấy, rồi về nằm võng trước nhà hát ru em.

    Một hôm, anh Tư Long phụ trách ban văn nghệ xóm bên tình cờ đi ngang nghe cô bé có chất giọng hay, bèn hỏi có muốn học hát để tham gia ban văn nghệ của anh không. Lệ Thuỷ gật đầu, anh dẫn cô bé đến giới thiệu với chú Năm Truyền, làm nghề hớt tóc nhưng biết đờn guitar phím lõm. “Thầy” chỉ dạy ban đêm vì ban ngày còn phải hớt tóc, nhưng mới một tuần là cô bé Lệ Thuỷ ca rành nhịp. Từ đó, hễ có đám cưới, thầy cho cô học trò nhỏ đến ca giúp vui, còn cho tiền may áo mới. Khi thấy trò đã rành ca vọng cổ, thầy Năm Truyền giới thiệu với một ông thầy khác tên là Tám Đen, chuyên chơi đờn kìm để được học thêm những bài bản ba Nam, sáu Bắc. Nhờ vậy, Lệ Thuỷ mới có cơ hội tiếp cận những bài bản cải lương bởi gia cảnh của chị khi ấy cơm còn chưa đủ ăn, tiền đâu mà dám học ca.

    Và chuyến lưu diễn đầu đời


    NS Lệ Thuỷ nhận huy chương vàng giải Thanh Tâm (1964). Ảnh: Huỳnh Công Minh

    Hết tiểu học, vì thiếu giấy khai sinh, Lệ Thuỷ đành ở nhà và được người quen giới thiệu vào làm đào con cho đoàn Trâm Vàng của thầy đờn kìm Mười Của. Đoàn thường xuyên lưu diễn miền Trung. Lúc đi phải ngồi dưới sàn xe, tối đến ngủ ở sân khấu, Lệ Thuỷ vừa tủi thân vừa nhớ nhà. Rồi một bữa, ông bầu đưa mấy câu thơ, kêu ngâm trong hậu trường, chị ngâm xong được thưởng 10 đồng, lên xe còn được dành cho một ghế ngồi đàng hoàng ở phía sau. Một bữa khác, chàng kép con của đoàn tự dưng bị bể tiếng không ca được, Lệ Thuỷ được cho ra thế vai và được lãnh lương 15 đồng. Có lương, có suất cơm, lên xe có ghế ngồi… chị đi theo đoàn ba tháng liền. Trước khi trở về nhà, chị ra chợ Phan Rang mua hai xấp vải đen Mỹ A tặng má và nhiều quần áo cho các em. Chị đi với đoàn Trâm Vàng thêm một vòng sáu tháng nữa, tiếng tăm đồn xa, có người đoàn khác đến mời đi hát và các hãng đĩa bắt đầu mời thu. Năm đó, Lệ Thuỷ mới 13 tuổi.

    Thật ra, lúc được chú Năm Truyền dắt đi ca tài tử, Lệ Thuỷ đã từng vài lần được hãng đĩa Việt Hải mời thu vai con nít nhưng sau khi gây được tiếng ở đoàn Trâm Vàng, Lệ Thuỷ được hãng ASIA mời thu bài Nấu bánh đêm xuân (tác giả Quy Sắc) ca chung với nghệ sĩ Hữu Phước, đồng nghĩa với việc được nhìn nhận như một cô đào, kèm 900 đồng thù lao (đào chánh đoàn Trâm Vàng lúc đó được trả cátsê 400 đồng). Lần đầu tiên cầm trong tay số tiền lớn của con gái, má chị đem về cho những người bạn nghèo trong xóm mượn ăn tết hết. Rồi đến một ngày, cô đào nhất chẳng may bị té xe, cô đào nhì nhảy lên thay vai, Lệ Thuỷ được đôn lên làm đào nhì. Và vào một ngày đẹp trời, chị được “đại ban” Kim Chung mời ký “công – tra” với số tiền 50.000 đồng. Mẹ chị đem tiền về không biết để đâu trong căn nhà lá 4m2, nhưng rồi gặp lúc một đứa em lâm bệnh nặng phải chữa chạy cũng hết. Sáu tháng sau, chị lên đào chánh, hợp đồng 250.000 đồng khiến mẹ chị “chóng mặt”. Lần này, Lệ Thuỷ không còn băn khoăn về chỗ cất nữa. Chị mua ngay ngôi nhà ba tầng lầu ở đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), đưa ba má và các em về ở. Năm đó, Lệ Thuỷ tròn 15 tuổi.

    Chính chất giọng kim pha thổ đặc biệt, vừa đục vừa trong, được nghệ sĩ Viễn Châu, tác giả bài ca mà Lệ Thuỷ thu đĩa đầu đời tại hãng Việt Hải, phát hiện và đánh giá cao, đã đưa chị đến với sàn diễn cải lương. Mười ba tuổi làm kép con, mười lăm tuổi thành đào hát và rực rỡ ở tuổi mười sáu…

    Cát Vũ
    Theo SGTT




    Một số danh hiệu, giải thưởng Lệ Thuỷ đã được trao tặng: giải Thanh Tâm (1964, là nữ nghệ sĩ trẻ nhất đoạt giải này sau mười lần tổ chức), giải Kim Khánh (1974), giải A1 hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc (1980), danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1993), kỷ lục Guinness Việt Nam 2008 cho “Đôi bạn diễn lâu năm và ưng ý nhất” (cùng với nghệ sĩ Minh Vương)…

    Các vai diễn tiêu biểu: Hồ Bảo Xuyên (Đêm lạnh chùa hoang), Hạnh (Cây sầu riêng trổ bông); Nguyệt (Tô Ánh Nguyệt); Kim Anh (Đời cô Lựu); Thiên Kiều (Trắng hoa mai); Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa)...
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following 6 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  3. MEM
    Avatar của MEM
    Bài 2: Sự nghiệp vinh quang và những điều không thể quên


    Tuổi 16 tột đỉnh danh vọng


    Ảnh: Đình Trí

    Từ khi trở thành đào chánh, trong suốt 13 năm đầu của sự nghiệp, từ năm 15 – 28 tuổi, nghệ sĩ Lệ Thuỷ chỉ gắn bó với công ty Kim Chung của ông Trần Viết Long (thường gọi là bầu Long), lần lượt có mặt trên bốn trong số bảy sân khấu của công ty này.

    Đặc biệt, bầu Long lập hẳn đoàn Kim Chung 3 cho chị làm đào chánh, đóng cặp với kép Thanh Hải, người được mệnh danh “đệ nhứt anh hùng lưu diễn miền Tây”. Chính từ sự kết hợp này trong một số vở như Bẽ bàng duyên mới, Sương gió bến tầm dương… mà Lệ Thuỷ lọt vào tầm ngắm của ban tuyển chọn giải Thanh Tâm. Theo thông lệ, diễn viên nào lọt vào tầm ngắm này, đều phải trải qua thử thách cuối cùng là đóng vai chính trong vở tuồng được đánh giá hay nhất trong năm. Năm đó, vở Sương mù trên non cao (tác giả Hà Triều – Hoa Phượng) của cặp Bạch Tuyết – Hùng Cường ở sân khấu Dạ Lý Hương là vở ăn khách nhất. Lệ Thuỷ và Thanh Sang được điều sang diễn thay một đêm trước ban tuyển chọn, và chị trở thành cô đào trẻ nhất trong lịch sử giải Thanh Tâm khi mới bước qua tuổi 16.

    Cùng với sự khởi sắc trên sàn diễn, tiếng hát Lệ Thuỷ qua đĩa nhựa cũng nườm nượp xuất hiện ở thị trường, ào ạt trôi về tận miền quê xa xôi hẻo lánh. Trong thời gian này, ông “vua vọng cổ” Viễn Châu, khi sáng tạo loại hình “tân cổ giao duyên” với bài Chàng là ai đã chọn giọng ca Lệ Thuỷ để hát thử nghiệm. Khi chị đóng chung với nghệ sĩ Minh Phụng, đã tạo thành một “cặp bão biển” như lời tán dương của báo chí kịch trường thời ấy: đĩa nào ra cũng chạy, tuồng nào ra cũng thắng, năm nào cũng “đoạt áo vàng” theo kiểu nói vui của ông bầu Long. Tiền hợp đồng mỗi lần ký lại đều tăng.

    Tình khán giả muôn nơi

    Sau ngày giải phóng, Lệ Thuỷ trở thành linh hồn của đoàn Văn công TP.HCM với những vở mang màu sắc mới được đông đảo khán giả đón nhận như Cây sầu riêng trổ bông, Tiếng sóng Rạch Gầm, Khi bình minh trở lại… cũng như sau này ở sân khấu đoàn 2 – 84 với Tô Ánh Nguyệt, Lôi Vũ, Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa…

    Được mệnh danh là giọng ca chuông ngân, nhưng chính những vai diễn mới giúp Lệ Thuỷ trở thành một hình ảnh thân thương sâu đậm trong lòng khán giả. Chị tâm sự: “Các vai tôi đóng thường mang vẻ dịu dàng, chịu thương, chịu khổ, ngay những vai giả trai thì màn đầu vui vẻ, màn sau cũng đầy nước mắt nên tôi diễn tự nhiên, không phải “hao mòn” gì mà luôn được bà con thương. Tôi muốn diễn loại vai khác, khán giả cũng không cho”. Có lẽ vì vậy, mấy chục năm trôi qua, chị cứ hát đi hát lại những vai mà khán giả ruột hầu như đã nằm lòng nhưng vẫn muốn được coi lại hoài như Nguyệt (vở Tô Ánh Nguyệt), Hồ Bảo Xuyên (Đêm lạnh chùa hoang), Xuân Tự (Áo cưới trước cổng chùa), Kim Anh (Đời cô Lựu)…

    Cũng như hầu hết các nhân vật “tội nghiệp” của mình, cách sống của Lệ Thuỷ ở ngoài đời cũng mộc mạc, thân tình nên rất được khán giả miền Tây Nam bộ thương quý. Chị kể, một lần về hát ở chợ Cồn, Long Xuyên, có một cụ bà 87 tuổi ôm bó hoa ngồi chờ ngay giữa đường chỉ để được tặng hoa và nói với chị một câu: “Thương Lệ Thuỷ quá!” khiến chị rơi nước mắt. Chị cũng nhớ hoài lần về diễn ở Bến Tre, tới nơi, thấy bà con đông quá, ban tổ chức phải mời mấy chục cụ bà lên sân khấu ngồi. Vãn tuồng, chị ghé chỗ trọ ăn uống tắm rửa nghỉ ngơi rồi mấy tiếng đồng hồ sau mới lên xe trở về thành phố. Vậy mà trên đường đi, chị vẫn còn thấy những cụ già coi hát hồi đêm đang cầm đuốc đi về nhà, tức họ phải lội bộ hơn chục cây số. Chính những tình cảm yêu thương đó đã thôi thúc chị thường xuyên về miền Tây, dù có những chuyến phải đi bằng vỏ lãi vô tận trong miệt thứ, gặp bữa trời mưa giông không hát được phải quay trở ra lúc 3, 4 giờ sáng.

    Thuở mới chập chững vào nghề, đi tới đâu, chị cũng có cha mẹ nuôi, bắt đầu từ ông bà nhạc sĩ Mười Của, ông bà bầu Hai Lợi đến soạn giả Ngọc Văn (công ty Kim Chung)… Họ chính là điểm tựa giúp cho một cô bé non nớt như chị lúc đó có thêm niềm tin vào con đường tương lai. Khi thành danh, chị lại được nhiều khán giả trẻ trong nước, ngoài nước, gái có, trai có ái mộ, âu yếm gọi bằng má nuôi. Chị xúc động cho biết: “Họ quý mình, thiệt tình coi như mẹ. Luôn theo dõi, thông báo cho nhau mọi điều về “má Thuỷ”, hễ má cần gì là các con ở khắp nơi hè nhau hỗ trợ hết mình. Đó là phần thưởng lớn lao mà nghiệp hát đã mang lại cho Lệ Thuỷ, không gì sánh nổi”.

    Cát Vũ
    Theo SGTT



    “Đôi bạn diễn lâu năm và ưng ý nhất”– kỷ lục Guinness Việt Nam 2008. Ảnh: Đình Trí

    Nghệ sĩ ưu tú Minh Vương:

    “Tính Lệ Thuỷ hiền, dễ chịu, hợp với tính tôi nên trong khi hát có gì sơ sót đều tự động “vớt qua, vớt lại” hỗ trợ nhau. Trong đời đi hát, tôi từng diễn chung với nhiều đào trẻ đẹp, nhưng không hiểu sao khán giả cứ luôn muốn Minh Vương phải hát với Lệ Thuỷ mới chịu. Diễn chung lâu năm nên chúng tôi ráp tuồng rất nhanh, người này cất tiếng ca là người kia biết mình phải làm gì”.

    Nghệ sĩ ưu tú Bạch Tuyết:

    “Trong đời thường, Lệ Thuỷ toát lên sự hồn nhiên nhưng khi làm việc, đó là một ngôi sao có trí thông minh ít ai ngờ, kỹ lưỡng trong từng lời ca, từng tình huống. Kim Anh trong Đời cô Lựu là một vai khó, đã có nhiều người đóng, nhưng không ai có thể vô vọng cổ “má ơi má, má vừa kể qua chuyện cũ…” bất ngờ và ấn tượng như Lệ Thuỷ. Thường muốn vô vọng cổ phải có đưa hơi để chuẩn bị, còn muốn xử lý ngay được như Lệ Thuỷ cần có làn hơi đủ mạnh, khó ai làm được. Cô Lựu của tôi nếu không có một bạn diễn ăn ý, bắt được cái tích tắc của mình như Lệ Thuỷ thì khó đạt hiệu quả cao như vậy”.
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following 6 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  5. MEM
    Avatar của MEM
    Bài cuối: Neo tình riêng, trả nợ chung

    Trong giới đào hát, Lệ Thuỷ là người hiếm hoi có được một gia đình lớn lẫn một gia đình nhỏ sum vầy, hạnh phúc. Ngày khăn gói theo đoàn Trâm Vàng, cô chị Hai 13 tuổi lúc ấy chỉ mong sao theo được nghề để có tiền giúp má nuôi em. Đàn em đông đúc được chị Hai chăm lo, bảo bọc cho đến khi trưởng thành. Trong số bảy người em, chị dắt díu theo sân khấu cải lương hết bốn, đến nay còn lại hai người vẫn tiếp tục làm nghề.


    Lệ Thuỷ (giữa) trong vở Nó là con tôi, năm 1959. Ảnh: Huỳnh Công Minh

    Riêng chuyện hôn nhân của chị có thể ví như một câu vọng cổ mùi, ngọt ngào trải dài nhiều năm tháng, từ lúc đầu còn xanh cho đến bây giờ đã lên chức bà ngoại. Chị cười khoe rằng, tất cả diễn ra đúng như nguyện ước. Thuở mới lớn, chị không dám quen ai vì được một người dì, chị ruột của má theo sát vừa giúp đỡ vừa canh chừng, luôn đưa ra những lời “cảnh báo” giúp chị tránh xa cạm bẫy tình. Chị kể: “Nhưng chuyện hôn nhân đúng là do trời đất sắp đặt. Đi hát vừa về thành phố, tôi bị té gãy tay, phải ở nhà dưỡng thương mấy tháng. Có mấy anh em ở chung cư đối diện thường qua nhà má tôi mua bánh tằm nên thân quen. Một bữa, họ dẫn người anh ruột mới từ miền Trung vào học đại học qua giới thiệu với gia đình tôi. Rồi bên này dòm qua, bên kia dòm lại, vậy là quen. Đâu chừng nửa năm sau, dì và má cho phép chúng tôi nói chuyện, và hai năm sau thì làm đám cưới”. Chị nói, ngày ấy chị phải lòng anh vì anh đến với chị thật tình, không đãi bôi. Mặt khác, chị nghĩ, mình không được học nhiều, lại quanh năm đi hát xa nhà ít có điều kiện gần gũi chăm sóc con cái. Có một người cha học thức, việc dạy dỗ con cái chắc sẽ tốt hơn. Chồng chị, anh Nguyễn Đình Trúc, là một cử nhân kinh tế đại học Vạn Hạnh Sài Gòn. Vốn “xa lạ” với đào hát, với cải lương nhưng cách sống giản dị, thật thà, dịu dàng của chị đã “bắt hồn” anh ngay từ lần đầu gặp gỡ. Và đúng như Lệ Thuỷ mong ước, anh chính là tấm gương thúc đẩy các con của chị chuyên tâm việc học, để rồi cả ba, một gái, hai trai đều tốt nghiệp đại học ở Úc. Riêng cậu con thứ hai – Đình Trí, học ngoại thương nhưng thích theo mẹ hoạt động nghệ thuật, vừa làm ca sĩ vừa tổ chức chương trình ca nhạc Bước chân hai thế hệ khá thành công.

    Thật ra, nhiều biến chuyển thời cuộc từng khiến đời sống gia đình Lệ Thuỷ trải qua không ít sóng gió. Những lúc chồng gặp nạn, chị một mình chèo chống, vừa lo cho con vừa “sát cánh” động viên người bạn đời vượt qua khó khăn. Tên là “Lệ Thuỷ”, nhưng chị chỉ khóc nhiều cho các nhân vật trên sân khấu, còn với những bất trắc của đời mình, chị đẩy ngược nước mắt vào trong, cố tỏ ra là người mạnh mẽ. Chị làm được điều đó vì tin vào tình yêu thuỷ chung, sẻ chia mọi nỗi niềm, chung lưng trong mọi hoàn cảnh nơi người đàn ông của mình, cũng là mối tình đầu của chị.

    Cuộc sống giờ đây, theo lời chị, là “quá hạnh phúc”. Không còn phải bươn chải kiếm sống, chị chỉ còn lại những cuộc hành trình nhằm trả nợ đời, trả nợ khán giả. Những ân nhân ngày trước như anh Tư Long, chú Năm Truyền, chú Tám Đen, cha nuôi Mười Của, Ngọc Văn… từ lâu đã không còn. Chị đền đáp ơn xưa bằng những buổi diễn xây nhà tình nghĩa, những chuyến đi từ thiện cùng bạn bè, mang giọng ca và quà đến trao tận nơi cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa. Chị cười quả quyết, chừng nào còn sức khoẻ, chị còn đi hát đáp tình bà con mút mùa… Lệ Thuỷ!

    Cát Vũ
    Theo SGTT




    Chương trình nghệ thuật Nửa thế kỷ tiếng hát Lệ Thuỷ diễn ra vào lúc 19g30 ngày 31.3 tại nhà hát Bến Thành (TP.HCM) gồm hai phần. Phần một là liên khúc những vai diễn được yêu thích (do NSƯT Lệ Thuỷ độc diễn); trích đoạn Tô Ánh Nguyệt (diễn với NSƯT Minh Vương, NSƯT Thoại Miêu); trích đoạn Tình nghệ sĩ được tác giả Hoàng Song Việt viết riêng cho chương trình, nói về tình đồng nghiệp của nghệ sĩ và những mặt trái hậu trường. Phần hai là vở cải lương Sông dài, với sự góp mặt của NSƯT Thành Lộc, NS Tuấn Thanh, Tú Sương, Hữu Quốc, Lê Tứ, Phi Phụng… Vé bán trước cổng nhà hát hoặc qua điện thoại: 0934353888, 0907763351. T.Đ
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  6. The Following 6 Users Say Thank You to MEM For This Useful Post:


  7. chuvoicon
    Avatar của chuvoicon
    Mẹ cải lương, con nhạc trẻ!

    Thứ bảy - 17/04/2004

    Mẹ cải lương, con nhạc trẻ!

    Tốt nghiệp ngành kế toán của đại học Monash University (Melbourne - Australia), Đình Trí trở về VN làm chuyên viên tư vấn tại Công ty kiểm toán VaCo. Thế nhưng, Đình Trí vẫn không thoát khỏi sự ám ảnh của mẹ - NSƯT cải lương Lệ Thủy. Và anh đã theo nghề ca hát của mẹ, nhưng hát nhạc trẻ chứ không phải cải lương.

    Có người mẹ nổi tiếng, Trí có sợ bị lu mờ?

    - Được sự hướng dẫn của mẹ, Trí thấy mình rất may mắn ở bước đầu tiên trong nghề. Nhưng điều này không có nghĩa là sự ỷ lại vì áp lực đối với Trí cũng rất lớn. Mẹ là một nghệ sĩ nổi tiếng thì sự mong đợi của khán giả ở Trí cũng rất nhiều. Vì thế Trí luôn nhắc nhở mình phải cố gắng thật nhiều để tìm được sự công nhận từ những khán giả ủng hộ và dành tình cảm ưu ái cho gia đình NSUT Lệ Thủy

    - Giữa cải lương và âm nhạc, Đình Trí có tìm được điểm chung để mẹ con cùng chia sẻ?

    - Thật ra, Trí rất mê cải lương và từng viết nhiều bài ca cổ tặng mẹ. Cải lương và tân nhạc đều có điểm chung là mang tiếng hát để phục vụ mọi người. Nghệ sĩ hay ca sĩ đều cần được sự ủng hộ và yêu mến của mọi người. Mẹ đã sống với nghề hơn 40 năm nay, Trí được học tập nhiều kinh nghiệm quý báu mà mẹ đã dạy là sự học hỏi không ngừng, luôn sáng tạo. Đồng thời, mẹ rất đề cao đạo đức của người làm nghệ thuật.

    - Thông thường, Đình Trí đi hát cùng với mẹ. Hai mẹ con sẽ xuất hiện thế nào?

    - Thông thường phần trình diễn của Trí được ban tổ chức sắp xếp hát ngay trước hoặc sau tiết mục của mẹ để có thể tạo hiệu quả tốt hơn và cũng để cho MC giới thiệu Trí nhiều hơn với khán giả qua những cuộc phỏng vấn ngắn trên sân khấu.

    - Vài bài trong album của ĐìnhTrí đã được ca sĩ nổi tiếng hát. Như vậy Đình Trí có sợ làm cái bóng của các ca sĩ khác?

    - Trí đã rất kỹ trong việc lựa chọn bài hát cho Album đầu tay này. Và đây cũng là lý do chính về sự “trễ hẹn”, thay vì phát hành vào tháng 9 như đã thông báo. Trí rất thích giai điệu và ca từ của ca khúc "Ước gì" của anh Võ Thiện Thanh khi được nghe demo. Sau đó, được biết ca sĩ Mỹ Tâm đã thu âm và sắp phát hành Album, nên Trí đã rất đắn đo. Vì mình là người mới, sẽ không thể tránh khỏi sự so sánh. Được sự động viên và anh Võ Thiện Thanh nói ca khúc này hợp với Trí nên anh đã quyết định đưa ca khúc này cho Trí thu âm trên bản hòa âm mới của anh.

    - Sau nhiều năm miệt mài học tập ở nước ngoài, chưa kịp thành đạt đã theo nghề ca hát, Trí có thấy uổng không? Làm sao Trí sắp xếp công việc để vừa hát vừa làm kiểm toán viên?

    Sau khi tốt nghiệp ĐH tại Úc, các SV đều được sự giúp đỡ của trường trong việc tìm một việc làm thích hợp. Nhưng Trí muốn về sống gần gia đình để có thời gian chăm sóc ba mẹ nhiều hơn. Hiện tại Trí vẫn có thể sắp xếp thời gian sao cho phù hợp với cả hai bên. Mặc dù vừa hát vừa đi làm rất khó khăn, nhưng ca hát là niềm đam mê nên Trí sẽ cố gắng hết mình. Còn tương lai sắp tới thì…mình vẫn chưa nói trước được. Trước mắt chỉ mong được sự ủng hộ và góp ý chân thành của quý khán giả để Trí có thể làm tốt hơn.

    - Đình Trí thấy môi trường âm nhạc trong nước có tốt cho ca sĩ trẻ phát triển không?

    - Về việc làm thì nơi nào cũng có cái hay để học hỏi. Trí cảm thấy ở Việt Nam mình có điều kiện để đến với nghề ca hát một cách chuyên nghiệp và có môi trường tốt để rèn luyện. Hơn nữa, đất nước mình đang trong thời mở cửa thì những SV mới ra trường, ca sĩ trẻ như Trí càng có nhiều cơ hội để phát triển. Môi trường ca nhạc trong nước rất sôi động và có nhiều tài năng mới. Vì vậy sự cạnh tranh càng gay gắt. Các ca sĩ trẻ muốn tìm được chỗ đứng trong làng ca nhạc không phải là việc đơn giản. Theo Trí, càng có nhiều ca sĩ, sự cố gắng và sáng tạo càng nhiều. Khán giả sẽ được thưởng thức nhiều màu sắc khác nhau trong vườn âm nhạc. Nên ủng hộ tinh thần cho các ca sĩ trẻ để họ vững niềm tin và hết lòng với nghề.

    Nguồn www.vnn.vn
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  8. The Following 3 Users Say Thank You to chuvoicon For This Useful Post:

    MEM (11-05-2012), romeo (11-05-2012), Thanh Hậu (11-05-2012)

ANH EM CHANNEL