1. MEM
    Avatar của MEM
    Khán giả đem đến cho tôi niềm tin


    Sau thời gian khá im ắng, những ngày gần đây, lớp diễn viên trẻ và lớp nghệ sĩ tài danh lại bắt tay chung sức tạo nên sự chuyển động mới giàu sinh lực cho sân khấu cải lương qua những chương trình, đêm diễn khá sôi động tại rạp Hưng Đạo. Góp phần trong sự khởi sắc ấy, có NSƯT Lệ Thủy. Cùng các nghệ sĩ gạo cội, sự góp mặt của chị trong mỗi đêm diễn đã là yếu tố quan trọng cuốn hút khán giả.

    Nhắc đến Lệ Thủy, người ta nhớ ngay đến một chất giọng đặc sắc, thổ pha kim, rất chân phương, trong trẻo, không kiểu cách, phô trương kỹ thuật; và làn hơi quý hiếm ấy từng làm rung động hàng triệu tâm hồn khán giả. Ngày trước, trên sân khấu Kim Chung, chị là ngôi sao sáng, thuộc hạng những cô đào ăn khách nhất, có giao kèo đắt giá, được đánh giá như một cô đào vẹn toàn thanh sắc. Sau giải phóng, trên nhiều sân khấu, Lệ Thủy vẫn tiếp tục tỏa sáng. Chị hợp những vai bi lụy, có số phận tột cùng khổ đau. Với lối diễn khá nhuần nhị, có duyên, biết khai thác tối đa làn hơi, Lệ Thủy từng làm rơi nước mắt nhiều khán giả qua Tô Ánh Nguyệt trong vở cùng tên, Xuân Tự trong Áo cưới trước cổng chùa, Thiên Kiều công chúa trong Trắng hoa mai, Kim Anh trong Đời cô Lựu... Khi son trẻ đã một thời vang bóng, hôm nay qua bao thập niên, chị vẫn giữ được sức cuốn hút với khán giả mộ điệu. Gặp Lệ Thủy tại nhà riêng trong một khu phố nhỏ, ngoài đời tính cách cũng chân thành, giản dị như giọng hát chân phương vốn có của chị. Cũng dè dặt khi phải nói đến những vấn đề to tát về quản lý, về viễn cảnh sân khấu, Lệ Thủy như níu kéo chúng tôi về những chuyện đời thường, những ký ức buồn vui của đời nghệ sĩ ...

    Thuộc số rất ít nghệ sĩ qua nhiều thập niên vẫn giữ được tên tuổi trong lòng nhiều thế hệ khán thính giả, theo chị, điều gì đã tạo nên sức quyến rũ lâu bền đó?

    Lệ Thủy: Với riêng tôi, giọng ca là điều may mắn trời cho, còn việc tập luyện chủ yếu lại ở trên sàn diễn bởi dường như cho tới nay đêm nào tôi cũng hát trên sân khấu. Có thể nói, trong số nghệ sĩ, tôi là người xài hơi nhiều nhất, không hát tại thành phố, tôi cũng đi hát ở tỉnh. Lưu diễn cực nhọc nhưng tôi thích đi và liên tục có mặt ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, có khi tận đất Mũi, Đầm Dơi, Năm Căn. Nhiều chuyến lưu diễn, khởi hành từ 3 giờ chiều, đi diễn bằng ghe, vỏ lãi, nằm vạ vật đến nơi diễn, hát xong cũng rất khuya, trở về nơi nghỉ thường đã 3 giờ sáng và hôm sau lại đến một bến mới. Mình đi diễn cực, bà con xem hát cũng cực chẳng kém. Sàn diễn thường chỉ là một bãi đất hoang vừa phát cỏ sạch. Ngày khô ráo còn ổn, nhưng ngày mưa bà con ai nấy mình mẩy lấm lem, lại không có ghế ngồi, thật tội, nhưng khán giả vẫn đông lắm. Hát nhiều cũng là cách để khán giả không quên mình. Lưu diễn có doanh thu, nhưng sự hiện diện của nghệ sĩ đến với những nơi còn thiếu thốn phương tiện giải trí như thế, chắc bà con cũng có chút thiện cảm. Tôi biết, giờ giọng ca, sắc vóc mình chẳng thể như xưa, song tình cảm được gây dựng, vun đắp giữa nghệ sĩ và khán giả đã có từ lâu và nay tôi thật may mắn khi vẫn được khán giả thương. Chính họ đã đem đến cho tôi niềm tin.

    Sự sáng đèn trở lại của rạp Hưng Đạo, một lần nữa chứng tỏ tuồng tích cũ vẫn còn sức hấp dẫn, còn vở diễn mới như chưa có dịp khẳng định. Chị có nghĩ rằng việc khai thác những kịch bản cũ, vở diễn cũ chỉ là giải pháp tình thế, nên chăng có sự chừng mực và cần dành nhiều thời gian, sức sáng tạo cho những công trình nghệ thuật mới?

    Tôi nghĩ ở thời điểm khó khăn này, trước mắt có thể dựng tuồng xưa để kéo khán giả, sau đó xen kẽ dần cái mới. Tác phẩm cũ song cũng là những điều nhân nghĩa, đạo lý thủy chung ở đời, hoặc những gương anh hùng xả thân vì nghĩa lớn. Kịch bản hay ngoài chất văn chương còn có cốt truyện khá hấp dẫn. Ở tác phẩm này, các nhân vật thường được đặt trước những tình huống, hoàn cảnh cùng cực, éo le, do đó nghệ sĩ có nhiều đất diễn. Có lẽ kịch bản mới mà hay hiện khan hiếm và thường kén khách, nên nhiều nơi chọn vở cũ. Hơn nữa, hiện có nhiều tuồng mới nhưng ít tác phẩm đọng lại. Tôi cũng hiểu, giờ các tác giả cũng khó toàn tâm toàn ý với nghề viết bởi một vở thường chỉ diễn được vài đêm, lâu nhất cũng là một, hai tháng. [......]

    Cũng phải thông cảm với các ông bầu, vì họ làm gì có tiền, để có thể ký hợp đồng, giao kèo với nghệ sĩ, nên đành phải níu giữ nhau bằng tình cảm. Về phía nghệ sĩ, cũng có ai đảm bảo được đời sống cho họ đâu; nếu không đi hát, sân khấu không sáng đèn, ai sẽ là người giúp đỡ, hỗ trợ họ. Giá như, đoàn hát có một khoản kinh phí nào đó hàng tháng, chẳng hạn vài triệu đồng cho nghệ sĩ, để ràng buộc họ có trách nhiệm với đoàn. Ví dụ mỗi tuần phải hát hai suất thứ bảy, chủ nhật ở rạp Hưng Đạo. Nghệ sĩ ký hợp đồng trong khoảng 6 tháng, 1 năm, sau đó lại ký tiếp và nếu bỏ đoàn, nghệ sĩ có thể bị bồi thường gấp đôi. Tất nhiên để ký hợp đồng cần lên kế hoạch sớm, kể cả suất diễn nghĩa vụ để anh em chuẩn bị.

    Sân khấu luôn đòi hỏi một ê kíp ăn ý, một tinh thần lao động tập thể cao. Xem nghệ sĩ lớp trước, mỗi người một thần sắc riêng nhưng diễn với nhau quăng bắt rất nhuần nhuyễn. Còn lớp diễn viên trẻ, lâu nay, đã có những lời than về một số bạn tập tành chểnh mảng, giờ giấc bê trễ. Chưa toàn tâm với nghề, thiếu nỗ lực trui rèn nghề nghiệp, phải chăng đó cũng là một trong những lý do nhiều diễn viên trẻ chưa có những vai diễn để đời như các thế hệ nghệ sĩ đi trước?

    Lớp nghệ sĩ chúng tôi được sống trong thời vàng son của cải lương nên luôn toàn tâm toàn ý và gắng hết sức với nghề. Cải lương giờ đây đang cần sự đồng lòng và trông cậy nhiều vào lớp trẻ để tạo nên sức bật mới. Lớp trước tuy không được qua trường lớp nhưng có nhiều kinh nghiệm sân khấu. Lớp trẻ được đào tạo bài bản, dễ bắt nhịp với thời đại, nhưng kinh nghiệm diễn xuất còn non, chẳng hạn, trong vai diễn, các em chưa biết dẫn dắt khán giả đến cao trào. Ngay khi vào một vai khổ đau, nếu cứ diễn bi lụy, sướt mướt mãi cũng làm người xem mệt mỏi. Thế hệ chúng tôi học hỏi nhiều từ đồng nghiệp, mỗi người mỗi nét riêng độc đáo và có sự đua tài về nghề nghiệp. Họ có khả năng tạo ra các lớp diễn mà chính bạn diễn cũng bị cuốn theo. Trong tập luyện, chúng tôi thường có mặt đông đủ theo lịch tập tuồng, đó là cái nếp đã có được từ xưa.

    Mong muốn của chị...

    Niềm vui của tôi là được đến với khán giả, mong sao có sức khỏe để phục vụ cho bà con lâu dài. Mong sân khấu cải lương sáng đèn như ở rạp Hưng Đạo như những bữa nay. Vừa diễn phụ cho NSƯT Bạch Tuyết trong chương trình "Những cánh chim không mỏi", sắp tới tôi lại hỗ trợ cho NSƯT Bảo Quốc cũng với chuyên đề trên. Dù xuất hiện không nhiều trên sân khấu thành phố, nhưng với đêm diễn nào tôi cũng dốc hết khả năng và lòng nhiệt tình của mình.

    TRẦN BẠCH TUYẾT
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL