1. MEM
    Avatar của MEM
    NSƯT Lệ Thủy - Huy chương vàng giải Thanh Tâm 1964

    Sau khi học ca với nhạc sĩ Năm Truyền ở Khánh Hội đủ bài bản ứng dụng cho sân khấu cải lương, năm 13 tuổi, nữ nghệ sĩ Lệ Thủy đã theo hát ở đoàn Trâm Vàng của bầu Lợi (1961). Qua vai đầu tiên là Tiểu Ðồng trong vở “Quan Âm Thị Kính” của Viễn Châu, hát chung với Minh Cảnh, Thanh Thanh Hoa, Lệ Thủy rất được cả đoàn chú ý.

    Giọng Ca Mới Lạ Của Cải Lương

    Vừa xuất hiện ở sân khấu nhỏ, chỉ với đôi ba lần ca vọng cổ, giọng ca của Lệ Thủy đã được người trong giới nhận ra có đặc điểm mới lạ giữa những làn hơi vọng cổ đương thời. Nhờ thế mà liền sau đó Lệ Thủy đã được các hãng dĩa nhựa mời thu vọng cổ và cô đã nổi danh sớm với các bản: Nấu Bánh Ðêm Xuân, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Ðài, Cô Hàng Chè Tươi… Giọng ca mới Lệ Thủy lúc bấy giờ đã được nhiều người chú ý nhận xét phân tách trên báo chí. Ðã có nhiều nhận xét khác nhau nhưng tựu trung đều khen một giọng ca trẻ, làn hơi phong phú. Người thì nói đơn giản là giọng ca như chuông ngân. Kẻ thì so sánh chuyển từ êm tai qua dịu mắt nói giọng ca Lệ Thủy trong ngần như đêm trăng sáng giữa bầu trời xanh…; hoặc là cảm giác dễ chịu như làn gió mát trên sông. Có báo miêu tả giọng ca Lệ Thủy ngọt ngào nhưng mộc mạc chân phương nên rất ăn khách bình dân. Rồi đến trí thức lại cũng thích Lệ Thủy ca vọng cổ nên người ta lại nói giọng ca Lệ Thủy cũng có vẻ sang cả, nhưng chân thật, đậm đà tình cảm dễ đi vào lòng người đủ mọi thành phần trong xã hội. Mỗi người đều có nhận xét riêng về giọng ca Lệ Thủy qua từng loại bài bản vọng cổ mà họ được nghe và ưa thích. Ðó qủa là sự thành công vững chắc của Lệ Thủy về ca vọng cổ mà cả giới đều đã xác nhận…

    16 Tuổi Ðoạt Giải Thanh Tâm


    Nếu nữ nghệ sĩ Lệ Thủy chỉ chuyên về ca vọng cổ ở làng dĩa nhựa, ở đài phát thanh, thì có lẽ không có Lệ Thủy huy chương vàng Giải Thanh Tâm (1964) ba năm sau kể từ khi cô bước chân vào SK cải lương đầu tiên là Trâm Vàng. Công ty Kim Chung đánh hơi được giọng ca Lệ Thủy nên đã “ra tay” mời cô về hát ở các đoàn KC. Lệ Thủy đã hát qua nhiều đoàn Kim Chung với những nghệ sĩ H.C, Kim Nguyên, Ngọc Toàn, Huỳnh Thái, Thanh Hải, Út Hiền, Tấn Tài, Minh Phụng, Minh Vương… Trong thời gian Lệ Thủy hát ở Kim Chung 3 (1963-1965) cô được hát chánh qua các vai đáng chú ý như vai Tiểu Thư trong vở “Bẽ Bàng Duyên Mới” loại dã sử của Ngọc Văn, và vai Cô Giáo trong vở “Sương Gió Bến Tầm Dương” loai xã hội Trung Quốc (Vạn Lý). Nhờ thế mà nữ nghệ sĩ Lệ Thủy đã được Ban Tuyển Chọn Giải Thanh Tâm chọn là nghệ sĩ triển vọng năm 1964 để trao huy chương vàng, cùng năm với Thanh Sang. Khi lãnh giải ở rạp Quốc Thanh, Lệ Thủy và Thanh Sang đã hát trong vở “Sương Mù Trên Non Cao” (Hà Triều Hoa Phượng) trên SK Dạ Lý Hương. Ðược huy chương vàng ở tuổi 16 Lệ Thủy rất mừng vì cô đã được cả giới SK khẳng định tài năng quá sớm, và rất lo sợ vì nếu không phấn đấu đi lên trong nghề thêm nữa thì mọi người sẽ cho rằng cô không xứng với Huy Chương Vàng hoặc là từ ngày được HCV đã tự mãn với nghề nên nghề không tiến triển. Qủa tình là sau nỗi vui mừng, nỗi lo sợ kế tiếp đã thúc đẩy Lệ Thủy bước đi những bước dài trong nghề, bình tĩnh nhìn lại để ứng dụng làn hơi vọng cổ trời cho vào diễn xuất ở từng vở tuồng sân khấu, bởi vì HCV Giải Thanh Tâm được đánh giá nhiều mặt nghề nghiệp của người diễn viên chứ không phải chỉ riêng có ca vọng cổ. Rõ ràng là Lệ Thủy đã nổi danh về vọng cổ từ lâu, mãi đến mấy năm sau cô mới được Giải Thanh Tâm.

    Ðược Huy Chương Vàng Vẫn Ở Ðoàn Cũ

    Ở SK cải lương thời bấy giờ mỗi khi có nghệ sĩ đoạt Giải Thanh Tâm thì năm kế tiếp có những đoàn hát khác mời HCV đó với giao kèo cao hơn đoàn hát họ đang cộng tác. Thế nên sau khi đoạt Giải Thanh Tâm các diễn viên cũng thường thay đổi SK vì mức lương và giao kèo tăng cao. Giới SK bấy giờ đánh giá nghệ sĩ qua lương và giao kèo cao thấp nên chuyện ấy cũng thông thường chẳng có gì đáng nói. Có điều lạ là nữ nghệ sĩ Lệ Thủy vẫn hát ở các đoàn Kim Chung (mặc dù có những đoàn khác mời mọc với giao kèo cao) cho đến ngày GP, không hề thay đổi SK. Ðiều đó khiến cho giới SK nghĩ rằng: Thứ nhứt, đoàn Kim Chung đoán trước sẽ mất Lệ Thủy nên đã tăng tiền lương và giao kèo của Lệ Thủy đến mức không đoàn nào có thể mời được. Thứ nhì, đoàn Kim Chung đối xử tình nghĩa với Lệ Thủy từ lâu nên cô không bỏ đoàn vì giao kèo cao của đoàn khác sau khi cô đoạt Giải Thanh Tâm. Thứ ba, Lệ Thủy tự nghĩ rằng với giải triển vọng thì tài nghệ của một nghệ sĩ còn nhiều điều phải học hỏi, phải nhiều năm nữa mới khẳng định được, chớ bay nhảy qúa sớm e rằng nghề nghiệp đi xuống thì có hại hơn.

    Có lẽ ba nguyên nhân vừa kể trên đều có đủ trong việc Lệ Thủy vẫn hát ở các đoàn Kim Chung từ ngày đoạt Giải Thanh Tâm đến ngày GP. Ngoài ra tính tình của Lệ Thủy vốn điềm đạm, ít chịu sự thay đổi xáo trộn, ồn ào nên dường như cô chỉ muốn yên phận trên dòng đời trôi xuôi êm ả, vừa đi tới vừa học được bao nhiêu hay bấy nhiêu chớ không chen lấn với người cùng đi trên đoạn đường để được là kẻ đi trước. Bẩm chất đó của cô người ta còn thấy được suốt một quãng đời nghệ thuật dài non ba mươi năm qua làn hơi vọng cổ của Lệ Thủy. Ngày xưa nếu có ai miêu tả làn hơi của Lệ Thủy bằng cách thi vị hóa như là cái gì đó làm cho mình say mê ưa thích, thì bây giờ nếu có miêu tả đúng như ngày xưa thì qua 30 năm chẳng hề có gì khác. Thế có nghĩa là qua thời gian dài Lệ Thủy vẫn giữ giọng ca thiên phú của mình , không hề có những kiểu cách mới lạ gì đó được chế tạo để khán giả chú ý ưa thích. Kỹ thuật ca của Lệ Thủy qủa tình có già dặn điêu luyện hơn của một người đi qua trên nhiều chặng đường nghệ thuật, lặng lẽ đếm từng bước, chớ không phải vừa đi rồi nóng ruột vừa chạy vừa nhảy, hay “qúa giang” vào chiếc xe của ai đó để đi nhanh hơn…

    Tính yên phận không thích có sự thay đổi ồn ào, xáo trộn tình cảm của Lệ Thủy còn thấy được qua sự cộng tác lâu dài của cô trên các SK cải lương từ sau ngày cô đoạt Giải Thanh Tâm. Mười mấy năm dài vẫn hát ở SK Kim Chung, 5 năm ở đoàn VCTP, 6 năm ở đoàn cải lương 2-84. Lệ Thủy ở đoàn nào rồi cũng có giai đoạn sóng gió ở đoàn đó, rồi Lệ Thủy cũng cùng anh chị em chịu đựng vượt qua khó khăn, để rồi khi cô rời đoàn thì đoàn đó cũng đã vững vàng ổn định không vì sự vắng mặt của cô mà đoàn lâm nguy…

    Từ sau khi đoạt Giải Thanh Tâm qua thời gian dài ở SK Kim Chung, nữ nghệ sĩ Lệ Thủy cố gắng trau dồi nghề nghiệp nhưng cô chưa hề diễn qua các vai loại xã hội VN, mãi đến sau ngày GP ở đoàn VCTP rồi đi Pháp, cô mới có dịp đóng các vai trong tuồng xã hội và thành công cho đến bây giờ. Ðó là điều học hỏi đầy phấn khởi của một nghệ sĩ đoạt Huy Chương Vàng về những vai trò trên SK qua những thể loại kịch bản khác nhau.

    Như đã nói, suốt quãng thời gian dài nữ nghệ sĩ Lệ Thủy, HCV Giải Thanh Tâm 1964, vẫn âm thầm bước đi trên con đường nghệ thuật của mình, cống hiến cho khán giả tài năng thiên phú của mình được bao nhiêu vui mừng bấy nhiêu. Có nghĩa là Lệ Thủy muốn trải qua cuộc đời nghệ thuật một cách lặng yên không có chông gai sóng gió gì cả, giống như cuộc sống bình thường của cô ở gia đình tương đối êm ấm, thuận hòa, ít sóng gió nhứt. Những nghệ sĩ khác có lẽ cũng đều muốn được yên ổn trên bước đường của mình…

    Huy Trường - Báo Sân Khấu (Mười năm giải Thanh Tâm)
    Web Nslethuy
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

ANH EM CHANNEL