1. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai


    Một trong những nghệ sĩ tiền phong của sân khấu cải lương, đã phục vụ nghệ thuật trong hơn 35 năm cũng vẫn còn vương nghiệp Tổ, đó là nghệ sĩ Bảy Nhiêu gia nhập làng cải lương từ đầu thập niên 1920 cho đến tuổi già ngoài 70 vẫn còn lưu luyến nghệ thuật, được thể hiện qua những tập hồi ký, và sau đây là tóm lược quá trình hoạt động nghệ thuật của ông:

    Nghệ sĩ Bảy Nhiêu

    Nghệ sĩ Bảy Nhiêu tên thật là Huỳnh Năng Nhiêu sanh năm 1902, quê quán tại Thốt Nốt tỉnh Long Xuyên, bước chân lên sân khấu đầu tiên vào Tháng Mười năm 1921 trong gánh Tập Ích Ban của ông Vương Có, đóng vai chàng công tử Viếc trong vở “Tình Duyên Phấn Lạc” của soạn giả Mộc Quán-Nguyễn Trọng Quyền, phóng tác theo vở “Fellah” của Pháp.

    Kế tiếp Bảy Nhiêu đóng vai Châu Bá Hòa trong tuồng “Châu Trần Phải Nghĩa”, đóng vai Lý Ðáng trong tuồng “Phụng Kiều Lý Ðáng”, và rồi thì đến tuồng “Tang Gia Giả Gái”. Năm 1925 gia nhập đoàn Phước Cương và đến năm 1931 theo đoàn sang dự cuộc đấu xảo ở Ba Lê (Pháp). Năm 1933 lập gánh Tiếng Chuông, năm 1936 cùng với Năm Châu, Ba Vân, Từ Anh, Thanh Tùng về hát cho đoàn Ðại Phước Cương.

    Một thành tích nữa khó thể quên là năm 1937 Bảy Nhiêu đi dự lễ Hiến Pháp ở Thái Lan, trình diễn vở Trà Hoa Nữ (La Dame aux Camélias) và vở cải lương Ðiên Vì Tình (lúc ấy người Xiêm không thích tuồng Tàu). Ðến năm 1940 thành lập gánh Tân Tân và năm 1941 thành lập đoàn Nam Phương, năm 1946 gia nhập đoàn Con Tằm.

    Ðến năm 1947 Bảy Nhiêu lại tái lập gánh Nam Phương, gánh hát rã sau trận bị ăn cướp tại đình Xuân Hòa đêm 17 Tháng Baỷ, 1947, ông trở về gia nhập đoàn Việt Kịch Năm Châu, và đến năm 1954 thì giải nghệ về bán cà phê tại bên cạnh đình Phú Hòa ở đường Bà Lê Chân, Tân Ðịnh.

    Cũng vì nặng nghiệp Tổ nên sau ngày giải nghệ rồi (1954) Bảy Nhiêu vẫn thỉnh thoảng xuất hiện trên sân khấu trào lộng, hài kịch xã hội của nhóm Năm Nỡ (bạn đi hát cùng thời), và đặc biệt là cộng tác với nghệ sĩ Năm Châu đóng phim, đảm nhận vai Sư Cụ trong phim Quan Âm Thị Kính, lúc Ban Việt Kịch Năm Châu hợp tác với hãng Mỹ Vân quay cuốn phim nói trên (Bảy Nhiêu là nhạc phụ của nghệ sĩ Năm Châu).

    Nhắc lại nhân ngày cải lương cúng Tổ năm vừa qua (12 Tháng Tám, Bính Tuất) chúng tôi có viết bài “Tổ Nghiệp Cải Lương Là Ai?” đăng trên Nhật Báo Người Việt. Nội dung bài viết có đề cập đến vấn đề “ăn cướp và cải lương cùng một Tổ”, ăn cướp không ăn hàng các gánh cải lương”. Mà tại sao gánh hát Nam Phương của Bảy Nhiêu lại bị ăn cướp?

    Lúc tuổi đã 70 nghệ sĩ Bảy Nhiêu được tờ nhật báo Sóng Thần đề nghị viết hồi ký đăng báo trước rồi sau đó sẽ xuất bản (có lẽ Sóng Thần thấy cuốn “50 năm mê hát” của Vương Hồng Sển). Ông nhận lời và viết theo kiểu nhớ gì viết nấy trong cuốn tập học trò 100 trang, viết đầy cuốn thì trao cho tòa soạn báo Sóng Thần và lãnh “bao thơ” đủ sống hằng ngày với cà phê cà pháo. Cứ như thế ông viết khoảng hơn chục cuốn và ký giả Ngọa Long lãnh phần sửa chính tả, câu văn cho mạch lạc để đăng báo. Sóng Thần dự định khi đăng hết sẽ xuất bản và ông sẽ được chia tiền bản quyền, nhưng báo chưa đăng hết thì bị ngưng vì lý do “hết giấy”, lúc đó khoảng giữa 1974 nhiều tờ báo cũng bị tình trạng đó chứ không riêng gì Sóng Thần.

    Ðến khi tờ báo ra trở lại thì đang thời kỳ có nhiều vấn đề quan trọng phải đăng, chẳng hạn như sự việc Linh Mục Trần Hữu Thanh phát động “Phong Trào Chống Tham Nhũng”, thành thử ra hồi ký của Bảy Nhiêu không còn đất trống để đăng. Chờ đợi mãi dần dà cho đến 30 Tháng Tư, 1975, kể như “xù” luôn và hồi ký của Bảy Nhiêu chưa ra đời đã chết vậy!

    Trong lúc nghèo khổ lại gặp xui xẻo, mấy năm sau nghe tin ông qua đời tại Tân Ðịnh, Sài Gòn.

    Tờ nhật báo Sóng Thần có phần hùn với gánh hát Hùng Cường-Bạch Tuyết, do đó đêm nào nhân viên, ký giả cũng có mặt ở rạp Quốc Thanh với những Uyên Thao, Ðường Thiên Lý, Nguyễn Ðức Nhuận, Lý Ðại Nguyên, Huy Tường...




    Trích Hồi Ký Cụ Vương Hồng Sển
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  2. The Following User Says Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:

    romeo (04-04-2013)

  3. Tuyetmai
    Avatar của Tuyetmai
    BẢY NHIÊU : Một nghệ sĩ lớn đa tài

    Nghệ sĩ Bảy Nhiêu, với hơn 30 năm theo nghiệp hát, 10 năm viết báo kịch trường, đã khẳng định: ông là một nghệ sĩ lớn, thuộc lớp tiên phong; nhà hoạt động và tổ chức sân khấu đa tài, có tinh thần dân tộc, chịu cách tân; đã góp công đầu trong xây dựng và phát triển nghệ thuật cải lương....

    Gốc gác người Hoa (Phước Kiến), ông nội Bảy Nhiêu sang Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX, đến lập nghiệp tại chợ Thốt Nốt, sinh ra người con trai là ông Huỳnh Văn Dung, lớn lên kết hôn với bà Nguyễn Thị Gấm là người Việt, cùng quê ở làng Thạnh Hòa - Trung Nhứt, quận Thốt Nốt. Hai người ăn ở với nhau khá đông con, đến khi sinh Bảy Nhiêu (1903) là người con trai út nên xem ông như là “con cưng”, là trụ cột trong gia đình.

    Cho đến năm 14 tuổi (1917), Bảy Nhiêu còn cắp sách đến trường ở Thốt Nốt. Vốn ham mê đờn ca, nên qua năm 15 tuổi, ông học đờn kìm, đờn tranh, học ca tài tử với các nghệ nhân quanh vùng. Gặp lúc phong trào lập gánh sôi nổi ở Nam Kỳ như: gánh Ca ra bộ Thầy Thận (Sa Đéc), gánh hát Kim Thời Đồng Bào Nam (Mỹ Tho)... đến Thốt Nốt biểu diễn, càng kích thích lòng say mê nghệ thuật của chàng trai trẻ Bảy Nhiêu. Khi lên Cần Thơ, học nội trú tại Trường tư thục Võ Văn vào năm 1919, ông hai lần trốn học theo gánh hát Ca ra bộ của Thầy Thận, rồi Đồng Bào Nam đến nỗi gia đình phải bắt về cưới vợ.

    Đi lên từ gánh Tập Ích Ban

    Tại chợ Thốt Nốt, gia đình ông Vương Có là người Tiều lai, giàu có nhứt nhì tại đây lúc bấy giờ. Sẵn lòng mê hát, nên ông đồng ý bỏ vốn lập gánh Tập Ích Ban, với sự hùn công của Bảy Nhiêu, Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền và một số thân hữu.

    Qua 4 tháng viết tuồng, ăn, tập đến ngày 18-10-1920 - gánh chính thức khai trương với tuồng hát “Tình duyên phấn lạt”, được khán giả Long Xuyên, Thốt Nốt hết sức ủng hộ.

    Do “cóp” được từ cách ca “Tứ đại oán pha xuân” của kép Hai Giỏi, lại là kép đẹp nên chẳng mấy chốc Bảy Nhiêu được khán giả khắp nơi mến mộ, trở thành kép nhứt. Thành công bước đầu tạo phấn khích, Tập Ích Ban lưu diễn khắp Nam kỳ lục tỉnh, qua luôn bên Campuchia, đến Nam Vang diễn ngót nửa tháng, kết quả có thể nói là “hốt bạc”, nên lương của Bảy Nhiêu cũng lên đến 30 đồng/tháng, cao nhứt trong gánh. Đặc biệt, năm 1922 khi đến hát ở Bạc Liêu, Bảy Nhiêu lần đầu được nghe bài Dạ cổ Hoài Lang (sau này là bài vọng cổ). Thấy hay, phù hợp với sân khấu cải lương nên ông tìm thầy dạy, rồi cùng soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền đưa vào tuồng hát, được khán giả tán thưởng. Đây cũng là lần đầu tiên tuồng cải lương sử dụng bài vọng cổ.

    Cho đến giữa thập niên 20 của thế kỷ XX, phong trào lập gánh cải lương rầm rộ khắp Nam Kỳ, với các đại ban hùng hậu: Văn Hí Ban, Tân Thinh, Tập Ích Ban, Tái Đồng Ban. Sau đó là Trần Đắc, Huỳnh Kỳ... Ngoài Năm Phỉ, Tám Danh, Bảy Nhiêu đã xuất hiện thêm những khuôn mặt “trứ danh” khác như: Phùng Há, Năm Châu, Tám Mẹo. Năm 1925 ông Nguyễn Ngọc Cương (bầu Cương - cha NSƯT Kim Cương, gia đình ba đời làm chủ gánh hát bội), đứng ra triệu tập một lớp nghệ sĩ thượng hạng lập gánh Phước Cương với: Năm Phỉ, Tám Danh, Bảy Nhiêu, Ba Du, Sáu Chương, Bảy Lựu, Tư Huệ... gánh chủ trương hát tuồng Tàu, ông bầu Cương phải mướn 1 kép hát Quảng nổi tiếng là Hườn Phì (Huỳnh Phi) đến dạy biểu diễn. Đào Năm Nhỏ (ngôi sao hát bội bậc nhất thời đó - vợ lớn bầu Cương) cũng đem sở trường dạy cho Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Tám Danh. Sau 6 tháng tập tuồng, qua các vở: Phụng Nghi Đình, Xử án Bàng Quí Phi, Tam Tinh xuất thế, Vợ Ngũ Vân Thiệu bị tên - Gánh Phước Cương chính thức khai trương tại rạp Me-derme-cinéma, đường Lê Thánh Tôn (Sài Gòn bây giờ). Bảy Nhiêu đóng vai chính Tấn Vương, cùng Năm Phỉ trong tuồng khai trương Tam Tinh xuất thế. Phước Cương trở thành một đại ban trong ngành cải lương từ Nam chí Bắc. Năm 1927, Phước Cương xoay qua diễn tuồng xã hội và thành công với các vở: Số độc đắc, Tứ đổ tường, Duyên chị tình em... Các vai tuồng mà Bảy Nhiêu, Tám Danh đóng cặp với đào Năm Phỉ trở thành mẫu mực trong nghề cải lương với vai Bàng Quí Phi (Năm Phỉ), Tống Nhơn Tôn (Bảy Nhiêu), Anh chồng ghiền (Tám Danh).

    Năm 1931, chính phủ thuộc địa Nam Kỳ cử gánh Phước Cương (gồm 12 nghệ sĩ) sang hát trong cuộc đấu xảo tại rừng Vincènnes, Thủ đô Paris Pháp, với 3 vở tuồng: Xử Án Bàng Quí Phi, Tứ Đổ Tường, Phụng Nghi Đình. Gánh trình diễn suốt 1 năm tại Pháp và Hà Lan, kể cả nơi sang trọng nhứt là sân khấu tòa Thị sảnh Paris, được báo chí và công chúng khán giả Pháp hoan nghênh nhiệt liệt. Trong đợt lưu diễn này, cùng với Năm Phỉ, Tám Danh - Bảy Nhiêu từ đó trở thành kép hát đứng đầu bảng trên sân khấu Nam Kỳ.

    Làm bầu – lập gánh hát

    Năm 1934 Bảy Nhiêu, Tám Danh cùng một số nghệ sĩ thành lập gánh Tiếng Chung, như một đoàn cải lương tập thể. Tuy nhiên, do không thống nhất với nhau, nên Tiếng Chung chưa tròn 1 tuổi đã phải rã gánh.

    Một thời gian sau, gánh Phước Cương đổi tên Đại Phước Cương tập hợp một dàn nghệ sĩ tài danh như: Bảy Nhiêu, Năm Châu, Ba Vân, Ba Du, Từ Anh, Tám Mẹo... “Đào” có: Bảy Ngọc, Năm Phỉ, Thanh Tùng, Bảy Nam, Ngọc Sương, luôn cả Ái Liên người đất Bắc... Lúc này, hai con gái Bảy Nhiêu: Kim Cúc, Kim Lan đã trưởng thành, nên cũng bắt đầu tham gia nghề hát cùng cha. Đại Phước Cương đi hát khắp 3 miền Nam, Trung, Bắc, tăm tiếng lẫy lừng, đến nỗi quan Thượng thơ - Triều đình Huế (thời Bảo Đại) gởi thơ cho bầu Cương, chuyển lời Hoàng Thái Hậu và Hoàng Thái Thái Hậu mời gánh Đại Phước Cương vô cung An Định diễn tuồng Quan Âm Thị Kính, để mừng lễ thọ của Hoàng Thái Hậu, đó là năm 1936. Sau cuộc diễn Năm Phỉ và Bảy Nhiêu được triều đình thưởng “mề đai” (huy chương). Từ năm 1937, gánh Đại Phước Cương dần xuống dốc, các nghệ sĩ lần lượt ra đi. Bảy Nhiêu cố bám trụ ở lại, để khắc phục tình trạng thiếu tuồng mới nên Bảy Nhiêu mạnh dạn bắt tay viết tuồng, làm thầy tuồng với cải lương xã hội đầu tiên, mang tên Thất vọng. Trong đó, ông cũng sáng tác một điệu nhạc mới là Châu Lang Diệu Khúc (sau gọi là bản Hoài tình) được giới sân khấu sử dụng cho đến sau ngày giải phóng.

    Cuối năm 1937, gánh Đại Phước Cương được mời sang Xiêm hát ở cuộc lễ mừng Hiến pháp Thái Lan tại kịch viện Hoàng gia, với các vở: Xử án Bàng Quí Phi, Tơ vương đến thác, Điên vì tình. Tại đây, Bảy Nhiêu có dịp chứng kiến và học hỏi sự phát triển của nền nghệ thuật sân khấu nước bạn.

    Về nước một thời gian, gánh Đại Phước Cương giải tán, Bảy Nhiêu và 2 cô con gái: Kim Cúc, Kim Lan đi hát cho gánh Tân Tân, nhưng chỉ được vài năm gánh này cũng rã.

    Nghỉ hát một thời gian, có một nhà Mạnh Thường Quân là Bà Bảy N. giúp cho Bảy Nhiêu mượn tiền lập gánh Nam Phương, chính thức làm bầu gánh.

    Nam Phương ra mắt thành công, lưu diễn trong Nam ngoài Bắc với nhiều tuồng mới. Có thể nói, đây là giai đoạn ông dốc hết tâm huyết ra để xây dựng một gánh cải lương hiện đại, quản lý theo lối gia đình. Đặc biệt, ông dự tính cải cách nghệ thuật cải lương theo hướng thoại kịch. Đồng thời, mạnh dạn đề ra phương thức quảng cáo bằng xổ số, tặng ảnh nghệ sĩ, rao bảng ngoài đường phố v.v... Thế rồi, gặp lúc chiến tranh gánh Nam Phương đành phải giải tán, sau thời gian dài phát triển.

    Năm 1947, khi thời cuộc tạm lắng Bảy Nhiêu hợp tác với Năm Châu thành lập gánh Con Tằm, trong đó có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như: Phùng Há, Ba Vân... nhưng cũng không tồn tại được lâu. Bảy Nhiêu nỗ lực củng cố gánh Nam Phương trở lại. Tuy vậy, gánh đã gặp một tai nạn thảm thương, nên con đường làm bầu gánh của ông gần như kết thúc. Đến đây, có thể nói chấm dứt khoảng đời theo gánh hát hơn 30 năm của nghệ sĩ Bảy Nhiêu.

    Điều đáng quý là trong giai đoạn xã hội và sân khấu Sài Gòn hết sức “xô bồ”, khi Mỹ xâm lược miền Nam – Bảy Nhiêu vẫn giữ được phẩm chất, đạo đức, nhân cách của một nghệ sĩ lớn; luôn bảo vệ quan điểm, đề cao tính nghệ thuật truyền thống trong cải lương, không chấp nhận các hình thức lai căn, mất gốc.

    Chuyển sang lĩnh vực báo chí - viết kịch trường, hồi ký

    Ở giai đoạn cao tuổi cho đến những năm cuối đời, thỉnh thoảng Bảy Nhiêu cũng đi hát “chầu” một vài buổi hoặc góp mặt trong các Đại nhạc hội, đóng vài bộ phim như Người đẹp Bình Dương, Ngậm ngùi... do máu nghề còn thôi thúc trong ông. Theo hồi ký “ Những vui buồn trong đời đi hát”, ông ghi rõ vào ngày 18-10-1954, là ngày ông “ly dị” với sân khấu kịch trường.

    Nghỉ hát, Bảy Nhiêu và gia đình về ngụ và mở quán cà phê tại đình Phú Hòa (Tân Định - Sài Gòn). Hàng ngày có rất nhiều anh chị em nghệ sĩ đến quán để hàn huyên, luận bàn chuyện nghề, nhất là cánh báo chí, lôi kéo ông qua nghề báo. Thật ra, ông bắt đầu tham gia viết trang kịch trường ở các báo Tiếng Dội, Văn Nghệ Ái Hữu... từ năm 1951, nhưng cho đến khoảng sau năm 1954 Bảy Nhiêu mới có điều kiện chính thức gia nhập làng báo. Ông thường xuyên cộng tác, chuyên viết thể loại phê bình sân khấu cải lương đương thời, trên nhiều nhật báo. Đáng kể nhất là ông viết lên những thiên “ký ức”, “hồi ức” và “hồi ký” về cuộc đời đi hát hơn 30 năm, trong đó ghi chép khá tỉ mỉ từ buổi đầu hình thành đến thời cực thịnh của nghệ thuật cải lương. Những bài viết của ông như một pho lịch sử về loại hình nghệ thuật này, mà sau này – các nhà nghiên cứu khi thực hiện các công trình về cải lương, đều lấy đó làm căn cứ “Nổi trong ánh đèn màu”, “Buồn vui đời đi hát,v.v... là những thiên hồi ký hết sức giá trị của ông.

    Nghỉ hát, Bảy Nhiêu về sống cuộc đời nghệ sĩ nghèo ở mái đình Phú Hòa, cho đến ngày lâm bệnh qua đời ngày 1-6 âm lịch, năm 1976. Khi ấy, hai người con gái của ông là NSƯT Kim Cúc và con rể là Năm Châu vẫn còn nặng nợ “Con Tằm”, cho đến khi qua đời. Thế hệ con, cháu ngoại của ông tiếp bước con đường đi hát một thời gian, rồi giã từ sân khấu, chỉ còn độc nhất cô cháu gái út là nữ đạo diễn Hồng Dung (con Năm Châu - Kim Cúc), hiện là Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM. Tại xã Trung Nhứt, thân tộc Bảy Nhiêu hiện vẫn còn sinh sống và lưu giữ nhiều ký ức, kỷ vật về ông.

    NHÂM HÙNG-Báo điện tử Cần Thơ
    Trả lời với trích dẫn Trả lời với trích dẫn  

  4. The Following User Says Thank You to Tuyetmai For This Useful Post:

    romeo (04-04-2013)

ANH EM CHANNEL